Wednesday, May 27, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Tư 27/5

Tin Thế Giới

1.
Đoàn Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La --- Việt Nam và Ấn Độ ký tuyên bố chung về hợp tác quốc phòng

Phó Tổng tham mưu trưởng Giải phóng quân Trung Quốc sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu nước này tại Đối thoại Shangri-La trong khi căng thẳng Mỹ-Trung được cho 'sẽ nằm cao trong nghị trình'.

Diễn đàn an ninh khu vực thường niên mang tên Đối thoại Shangri-La sẽ diễn ra từ 29-31/5 ở Singapore.

Giống như năm ngoái, đoàn Trung Quốc do một Phó Tổng tham mưu trưởng dẫn đầu, năm nay là Đô đốc Tôn Kiến Quốc.

Được biết đoàn Việt Nam năm nay tham dự Đối thoại Shangri-La chỉ ở cấp thứ trưởng.

Năm 2014, đứng đầu đoàn đại biểu Việt Nam là Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh.

Trong khi đó, Hoa Kỳ vẫn cử một phái đoàn hùng hậu dẫn đầu là Bộ trưởng Quốc phòng Ashton (Ash) Carter. Bên cạnh đó còn có hai thượng nghị sỹ hàng đầu Ủy ban Quân lực Thượng viện - ông John McCain và ông Jack Reed.

Bộ trưởng Carter sẽ đi thăm Việt Nam ngay sau Đối thoại Shangri-La.

Chính sách ngoại giao-quốc phòng

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân được truyền thông nước này dẫn lời cho hay Đô đốc Tôn sẽ có bài phát biểu về chính sách ngoại giao và quốc phòng tại diễn đàn an ninh khu vực.

Ông Tôn sẽ nói về "hợp tác quốc tế của quân đội Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh toàn cầu và cung cấp sản phẩm an ninh cho cộng đồng thế giới".

Ông đô đốc sẽ đề xuất một số sáng kiến thúc đẩy hợp tác và đối thoại giữa quân đội các nước nhằm bảo vệ an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trong khi đó giới bình luận cho rằng căng thẳng hiện thời giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ xung quanh việc xây cất đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Biển Đông sẽ nằm cao trong nghị trình.

Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cho biết bốn chủ đề chính của Đối thoại Shangri-La 2015 là đe dọa từ tôn giáo cực đoan, tương quan giữa các cường quốc, ổn định chính trị ở các nước Á châu và thách thức từ thiên tai cũng như đe dọa an ninh mạng.

Trung Quốc hôm thứ Ba 26/5 vừa loan báo kế hoạch xây hai ngọn hải đăng ở Biển Đông và chiếu trên truyền hình lễ khởi công long trọng cho dù Mỹ và Philippines đều kêu gọi ngừng các hoạt động dạng này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói hải đăng sẽ giúp công tác tìm kiếm, cứu nạn trên biển, bảo vệ môi trường và an ninh hàng hải.

Bên cạnh đó, nhân chuyến công du Ấn Độ của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, ngày 25/05/2015, đại diện quân đội hai nước đã ký Tuyên bố chung về Tầm nhìn Quốc phòng nhằm tăng cường quan hệ chiến lược song phương, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ ra quyết đoán trong các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Ấn Độ, Tuyên bố chung về Tầm nhìn Quốc phòng giai đoạn 2015-2020, được ký giữa Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar và đồng nhiệm Việt Nam Phùng Quang Thanh.

Bên cạnh đó, trước sự chứng kiến của hai Bộ trưởng, đại diện lực lượng tuần duyên hai nước đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác song phương. Trước đó, Bộ trưởng hai nước đã có các cuộc hội đàm về hợp tác quốc phòng, bao gồm cả hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải.

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh bắt đầu công du Ấn Độ từ Chủ nhật 24/05. Chuyến công du 3 ngày này diễn ra vào lúc Trung Quốc gia tăng các hoạt động bồi đắp, xây đảo nhân tạo để khẳng định các đòi hỏi lãnh thổ ở Biển Đông.

Theo nguồn tin báo chí, phía Việt Nam mong muốn Ấn Độ huấn luyện các thủy thủ tàu ngầm, trong khi đó, New Delhi muốn bán tên lửa siêu âm Brahmos cho Hà Nội. Tuy nhiên, theo các quan chức Ấn Độ, dự án này chưa hoàn tất.

New Delhi và Hà Nội đã tăng cường quan hệ kinh tế chiến lược trong bối cảnh Ấn Độ đẩy mạnh chính sách "Hướng Đông" và Việt Nam phải đối phó với các đòi hỏi lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông.

Năm ngoái, hai nước đã có ít nhất ba cuộc viếng thăm trao đổi cấp cao. Tháng 08/2014, Ngoại trưởng Ấn Độ tới Việt Nam. Sang đến tháng 09/2014, Tổng thống Ấn Độ công du Việt Nam và trong dịp này, New Dehli cấp 100 triệu đô la tín dụng để Việt Nam mua các thiết bị quân sự của Ấn Độ. Đến tháng 10/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm Ấn Độ. - BBC, RFI
|
|

2.
Hơn 1,100 người chết trong đợt nóng cháy kinh hoàng ở Ấn Độ

Một đợt nóng cháy người tràn qua nhiều nơi ở Ấn Độ đã làm hơn 1,100 người chết, phần lớn ở các bang Andhra Pradesh và Telangana miền đông nam. Từ Mumbai, thông tín viên VOA Anjana Pasricha gửi về bài tường thuật.

Vào lúc nhiệt độ vượt qua và giữ ở mức 46 độ bách phân (115 độ F) ở khắp vùng đồng bằng rộng lớn của Ấn Độ, những người có quyền chọn lựa ở lại trong nhà để tránh cái nóng chết người.

Nhưng hàng chục ngàn người khác như công nhân xây dựng, những người lái xe taxi và xe kéo cùng những người bán hàng rong không thể tránh cái nong nung người ấy.

Trong số những người này có Shaibaz Qureshi, gác chiếc xe kéo ở Hyderabad, thủ phủ của các bang Andhra Pradesh và Telangana.

Ông này nói thời tiết là một vấn đề, nhưng nếu cứ nhìn vào cái nóng và nghỉ việc, thì ông không thể kiếm được khoản thu nhập hàng ngày.

Dưới trời nắng chói chang và sức nóng khủng khiếp, số tử vong đã tăng đều trong tuần qua. Phần lớn những cái chết xảy ra ở hai bang gần nhau là Andhra Pradesh và Telangana miền đông nam, nơi đã ghi nhận các nhiệt độ cao nhất nước.

Ông Y.K.Reddy, người đứng đầu Cục Khí tượng ở Hyderabad, nói với đài VOA rằng đây là đợt nóng tệ hại nhất xảy ra tại vùng này trong gần 1 thập niên.

“Mùa hè này, 3 kỷ lục đã bị phá, 3 nơi, nhiệt độ đã vượt quá các mức kỷ lục. Những nơi khác, nhiệt độ kỷ lục chưa bị phá, nhưng đã lên tới trên 47 độ bách phân ở vùng ven biển Andhra Pradesh.”

Mặc dầu nhiệt độ cao là chuyện thường ở Ấn Độ vào tháng 5 và tháng 6, những làn gió khô và nóng bỏng thổi từ vùng tây bắc đã làm nhiệt độ tăng cao thêm trong tuần vừa qua không những ở Telangana và Andhra Pradeh và còn ở khắp miền trung và miền bắc Ấn Độ.

Khu vực đó bao gồm cả thủ đô New Delhi, nơi nhật báo Hindustan Times đăng một bức hình cho thấy nhựa đường và sơn chảy ra nơi một lằn dành cho người đi bộ qua đường.

Ông Sunil Kumar Aledia thuộc Trung tâm Phát triển Toàn diện ở New Delhi nói những người dễ bị tổn thương nhất trước cái nóng cực độ là những người không có nhà ở. Ông cho biết những người này thường qua đêm trong những nhà tạm trú của chính phủ vào mùa đông, nhưng không có nơi để tránh thời tiết khắc nghiệt vào mùa hè.

Ông Aledia nói những nơi tạm trú này thường là những lều hay những cấu trúc bằng thiếc và vào mùa hè số người ở chỉ vào khoảng 10%. Ông nói lý do là vì không có các tiện nghi như quạt, thiết bị làm mát hay nước uống và trở nên rất nóng.

Giới hữu trách ở khắp các bang bị tác động khuyến cáo dân chúng ở trong nhà vào buổi chiều, chớ nên ra ngoài mà không đội mũ, và uống rất nhiều nước. Ở một số nơi như Andhra Pradesh, họ đã cắt phép của các bác sĩ vì các bệnh viện tràn ngập các ca bị trúng nóng.

Tại Kolkata, cái chết của 2 người lái xe taxi vì bị trúng nóng hồi tuần trước đã khiến các nghiệp đoàn lái taxi phải nói với những người lái xe rằng họ phải từ chối chở khách vào buổi chiều. Nhiều xe taxi ở các thành phố Ấn Độ không có máy lạnh. Tại bang Orissa miền đông, chính quyền khuyến cáo các công nhân ngưng làm việc nặng từ 11 giờ trưa đến 4 giờ chiều.

Mùa mưa sắp đến vào cuối tháng này và đầu tháng tới có thể làm nhẹ bớt cái nóng thiêu đốt. Nhưng các bang bị tác động nặng nhất có thể sẽ chưa thoát hiểm bởi vì mưa xuống miền nam và miền tây Ấn Độ, trước khi đến vùng đồng bằng miền bắc và miền đông, là nơi hứng chịu gánh nặng nhất của đợt nóng.

Tuy nhiên tại Hyderabad, người đứng đầu cơ quan Khí tượng, ông Reddy hy vọng rằng những cơn mưa giông rải rác sẽ làm giảm bớt nhiệt độ trong những ngày sắp tới. - VOA
|
|

3.
Điều tra hình sự về Liên đoàn bóng đá thế giới Fifa

Đang diễn ra hai cuộc điều tra hình sự về cáo buộc tham nhũng tại Liên đoàn bóng đá thế giới (Fifa), sau khi bảy quan chức bị bắt tại Zurich.

Thụy Sĩ cũng có cuộc điều tra riêng rẽ về cuộc vận động xin đăng cai World Cup 2018 và 2022, sẽ diễn ra ở Nga và Qatar.

Bộ tư pháp Mỹ nói trong số 14 người bị truy tố về tội tham nhũng có chín viên chức bóng đá.

Fifa vẫn dự định tiến hành cuộc bầu chọn chủ tịch mới hôm thứ Sáu.

Ông Sepp Blatter hy vọng sẽ có nhiệm kỳ thứ năm.

Bộ tư pháp Mỹ nói 14 cá nhân bị cáo buộc nhận hối lộ lên tới 150 triệu đôla.

Trong số này có:

- Jeffrey Webb, đứng đầu Liên đoàn bóng đá khu vực CONCACAF (Bắc và Trung Mỹ)

- Jack Warner, cựu phó chủ tịch Fifa

- Eduardo Li, đứng đầu liên đoàn Costa Rica

- Eugenio Figueredo, chủ tịch Hiệp hội bóng đá Nam Mỹ

- Jose Maria Marin, một thành viên ban các câu lạc bộ Fifa

Cảnh sát Thụy Sỹ bắt một số quan chức Liên đoàn Bóng đá Thế giới Fifa vì cáo buộc tham nhũng ở Hoa Kỳ.

Chiến dịch truy bắt vừa được tổ chức tại một khách sạn ở thành phố Zurich vào sáng hôm thứ Tư.

Các cáo buộc đối với những người bị bắt bao gồm rửa tiền, lừa đảo và chuyển tiền gian lận trong thời gian 20 năm qua.

Các ủy viên Fifa đang có mặt tại Zurich để họp hàng năm vào thứ Sáu tuần này. Trong cuộc họp, Chủ tịch đương nhiệm Sepp Blatter sẽ tìm kiếm ủng hộ cho nhiệm kỳ thứ năm.

Tin cho hay có tới sáu quan chức Fifa bị bắt trong các vụ việc liên quan đến tiền hối lộ 100 triệu USD trong 20 năm.

Phóng viên BBC tại hiện trường nhận ra những quan chức Fifa sau bị cảnh sát đưa đi khỏi khách sạn:

- Eduardo Li (Costa Rica), người dự kiến sẽ vào ban điều hành Fifa tuần này.

- Eugenio Figueredo ̣(Uruguay), chủ tịch Hiệp hội bóng đá Nam Mỹ - Conmebol.

- Jose Maria Marin (Brazil), một thành viên ban các câu lạc bộ Fifa.

Tuy nhiên, chủ tịch Fifa Blatter không có trong số đó.

Được biết ông Eduardo Li là người gốc Hoa tại Costa Rica và đã đóng vai trò quan trọng trong việc xây cất Estadio Nacional, sân vận động quốc gia của Costa Rica bằng tiền Trung Quốc, trị giá 105 triệu USD.

Hồi 2013, sân vận động này được giới thân Trung Quốc ở Nam Mỹ gọi là "món quà của chủ tịch Hồ Cẩm Đào" cho Costa Rica.

Theo báo The New York Times, những người bị bắt sẽ bị dẫn độ về Mỹ.

Báo này cho hay cảnh sát mặc thường phục đã lấy chìa khóa phòng từ lễ tân khách sạn Baur au Lac, nơi các quan chức nghỉ chân, và lên tầng vào phòng khách sạn.

Không có ai chống cự gì và chiến dịch diễn ra suôn sẻ. - BBC
|
|

4.
Thái Lan hủy hộ chiếu của ông Thaksin --- Chính quyền quân sự lại dời ngày bầu cử Quốc hội

Chính quyền Thái Lan vừa hủy hộ chiếu của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người đã sống lưu vong từ sau khi bị đảo chính bảy năm trước.

Chính quyền do giới quân nhân kiểm soát ở Vương quốc Thái Lan ra quyết định như vậy sau khi ông Thaksin lên tiếng cáo buộc quan chức cao cấp trong hoàng cung có âm mưu lật đổ chính phủ của em gái ông, bà Yingluck.

Theo phóng viên BBC, Jonathan Head từ Bangkok, điều này có vẻ như là sự chấm dứt của một 'hòa ước ngầm' giữa phái quân nhân làm đảo chính năm ngoái và những người ủng hộ ông Thaksin.

Đây là lần thứ nhì ông Thaksin bị tước hộ chiếu, gồm cả hộ chiếu phổ thông và một hộ chiếu đặc biệt cấp cho mọi cựu thủ tướng của Thái Lan.

Vào 6 năm trước, chính quyền Thái Lan dưới sự lãnh đạo của đảng Dân chủ cũng đã xóa hộ chiếu của ông Thaksin.

Nhưng sau khi em gái ông, bà Yingluck thắng cử năm 2011, các hộ chiếu của ông Thaksin lại được cấp lại.

Nay, cảnh sát Thái Lan giải thích rằng họ tước hộ chiếu vì ông Thaksin có bình luận gây nguy hại cho an ninh quốc gia.

Đầu tháng này, ông Thaksin không giữ im lặng nữa mà cáo buộc thành viên Viện Cơ mật, cơ quan tư vấn cho Quốc vương, đã "lập mưu cùng phong trào phản đối để đưa đến chỗ lật đổ chính phủ Yingluck".

Sau khi chính quyền của nữ thủ tướng Yingluck bị lật đổ, phe ủng hộ bà có vẻ như được hưởng một thỏa thuận ngầm để họ yên thân nếu không chống lại chế độ quân quản.

Nhưng thỏa thuận này đã tan vỡ trong năm nay khi chính quyền đem bà Yingluck ra tòa và tìm cách luận tội bà và tổ chức soạn lại dự thảo hiến pháp để làm suy yếu bất cứ chính phủ dân cử nào trong tương lai.

Ngoài ra, chính quyền quân sự Thái Lan hôm nay 27/05/2015 thông báo là bầu cử Quốc hội sẽ diễn ra trước tháng 9/2016. Việc dời lại từ tháng 2/2016 đến tháng 8/2016 này gây thất vọng không ít, vì đẩy xa hơn viễn ảnh Thái Lan có lại một chính quyền dân sự.

Theo AFP, trả lời báo chí, phát ngôn viên chính phủ, đại tá Werachon Sukondhaptipak cho biết: "Thủ tướng đánh giá là bầu cử sẽ không diễn ra vào tháng 2/2016". Thông báo được đưa ra sau cuộc tiếp xúc giữa ông Prayut và một phái đoàn đại sứ Liên Hiệp Quốc ở Bangkok.

Khi nắm quyền sau cuộc đảo chính tháng 5/2014, đương kim Thủ tướng Thái, Tướng Prayut Chan-O-Cha, đã nói là bầu cử sẽ được tổ chức trong vòng 15 tháng. Lịch trình này đã được thay đổi nhiều lần. Giới quân sự cầm quyền cho là cần tiến hành trước một số cải cách, Hiến pháp cũng đang được viết lại.

Gần đây chính quyền Bangkok đã gợi lên thời điểm bầu cử vào giữa năm 2016, nhưng chưa tính đến khả năng đưa ra trưng cầu dân ý về bản Hiến pháp mới mà ông Prayut mong muốn. Thủ tướng Thái khẳng định là Hiến pháp mới sẽ chấm đứt tình trạng tê liệt chính trị kéo dài triền miên ở vương quốc Thái.

Theo dự án này, đối với các cuộc bầu cử tương lai, sẽ có một chế độ đại biểu bầu theo tỉ lệ, tương tự như ở Đức, có lợi cho các đảng phái nhỏ và các liên minh nắm quyền.

Đối với các nhà phân tích, Hiến pháp mới không bảo đảm dân chủ, một số người nhìn thấy là mục tiêu thật sự chính là nhằm loại trừ phe cánh cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra ra khỏi sân khấu chính trị Thái.

Bộ Ngoại giao Thái hôm nay 27/5 cho biết đã tịch thu hai hộ chiếu của nhân vật này, bị cho là đã có một cuộc trả lời phỏng vấn "tác hại đến an ninh quốc gia".

Trong thông báo trên trang web của mình, Bộ Ngoại giao cho biết đã "quyết định hủy bỏ các hộ chiếu số U957441 và Z530117 của Thaksin Shinawatra". Bộ này giải thích: "Cảnh sát quốc gia đã thấy là một trong những cuộc trả lời phỏng vấn của ông gây hại cho an ninh quốc gia và làm xấu đi hình ảnh Thái Lan". Tuy nhiên, không thấy nêu nội dung bị quy tội.

Theo AFP, chưa rõ là quyết định của Bộ Ngoại giao Thái Lan tác động đến sự tự do đi lại của ông Thaksin như thế nào, ông còn hộ chiếu nào khác nữa hay không. Vẫn theo hãng tin Pháp, trong thời gian gần đây, ông Thaksin đã trả lời phỏng vấn một số hãng truyền thông quốc tế trong đó có đài Mỹ CNN.

Gần đây nhất là bài trả lời báo chí tại Seoul, ngày 19/05, ngày phiên tòa xét xử cô em Yingluck. Khi ấy, ông Thaksin đã cho là Thái Lan cần một ngành Tư pháp độc lập. - BBC, RFI
|
|

Tin Việt Nam

5.
Chuyên gia Mỹ: 'Một tai nạn trên Biển Đông có thể khơi mào chiến tranh Mỹ-Trung' --- Binh sĩ Việt-Phi giao lưu bóng đá, bóng chuyền ở Trường Sa

Một chuyên gia về chính sách từng giảng dạy tại Đại học Yale của Hoa Kỳ cảnh báo một ‘tai nạn’ ở Biển Đông có thể dẫn tới chiến tranh Mỹ-Trung, và nguy cơ xung đột xảy ra giữa hai cường quốc này hiện nay cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong 20 năm qua.

Trong một bài viết cho tờ The Commentator, Giáo sư Michael Auslin, từng giảng dạy môn Lịch sử tại trường Đại học Yale, nêu ra 3 tình huống mà ông nói có thể dẫn tới xung đột.

Tình huống thứ nhất, theo ông Auslin là một tai nạn máy bay đâm va vào nhau trên không phận Biển Đông, tương tự như vụ một chiến đấu cơ Trung Quốc và một phi cơ trinh sát của Hải quân Mỹ đụng nhau ngoài khơi đảo Hải Nam, gây ra một vụ tranh cãi quốc tế.

Giáo sư Auslin nói rằng trong bối cảnh Hải quân Mỹ đang xem xét tới việc điều tàu chiến tới phạm vi 12 hải lý cách các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trong Biển Đông, và như thế tiến vào vùng biển mà giờ Trung Quốc tuyên bố là thuộc lãnh thổ có chủ quyền của họ, thì khó có thể tránh khỏi những hành động quấy nhiễu của các tàu Trung Quốc đối với các tàu Mỹ, có nguy cơ dẫn tới một tai nạn tàu va vào nhau, kéo theo phản ứng của cả hai bên.

Ông Auslin nói đó là điều mà Trung Quốc đã làm với tàu bè của các nước khác, và một tai nạn có thể dẫn hai nước tới chỗ đối đầu với nhau.

Giáo sư Auslin nói tình huống này rất dễ xảy ra, một khi Trung Quốc hoàn tất việc xây các phi đạo trên các quần đảo trong Biển Đông, tạo điều kiện cho các chiến đấu cơ tuần tra trong không phận của các đảo này.

Tình huống thứ nhì, theo Giáo sư Auslin, là Trung Quốc có thể cố tình tạo điều kiện cho một vụ đối đầu bằng cách chỉ thị cho máy bay của họ đeo sát máy bay của Mỹ, với hy vọng sẽ tăng nguy cơ xảy ra xung đột để buộc chính phủ của Tổng Thống Obama nhượng bộ, trong bối cảnh Hoa Kỳ còn đang phải ứng phó với nhiều thách thức ở Trung Đông và với Nga ở Châu Âu.

Tình huống thứ ba là nếu Trung Quốc chận đầu các máy bay của các nước đồng minh của Mỹ như Philippines chẳng hạn. Washington lúc đó có thể can thiệp một cách chính đáng, viện lẽ Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ luật pháp quốc tế.

Giáo sư Auslin nhận định trong khi không có một cơ chế nào để giải toả căng thẳng, và trong bối cảnh giữa hai nước hiện thiếu sự tin tưởng lẫn nhau, và khả năng quân sự của Trung Quốc đang được tăng cường, thì càng ngày càng có nhiều rủi ro hơn đối với Hoa Kỳ trong việc đối đầu với tham vọng bành trướng của Trung Quốc.

Ông Auslin kết luận rằng trong 20 năm qua, chưa có lúc nào mà nguy cơ xảy ra xung đột giữa hai nước lớn này lại cao đến mức này.

Trong một tin liên quan khác, các binh sĩ Việt Nam và Philippines giao lưu bóng đá và hát karaoke với nhau trên một hòn đảo ở Biển Đông hôm qua, trong một dấu hiệu cho thấy các quan hệ an ninh đang ngày càng được thắt chặt hơn giữa hai nước Đông Nam Á mạnh mẽ nhất chống lại tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Bản tin của Reuters hôm nay nói rằng sự hợp tác giữa Hà Nội và Manila đã nở rộ từ khi hai bên gạt sang một bên những sự bất đồng về các tuyên bố chủ quyền chồng chéo ở quần đảo Trường Sa, để cùng nhau hợp tác chống chọi với Trung Quốc, giữa lúc Bắc Kinh đẩy mạnh các hoạt động xây đảo nhân tạo và các cơ sở quân sự có thể cho phép Trung Quốc mở rộng quyền kiểm soát Biển Đông.

Các giới chức cấp cao thuộc Hải quân Philippines nói các trận đá banh và bóng chuyền diễn ra trên đảo Song Tử Đông (tên quốc tế là Northeast Cay, tên Philippines là Parola) đang nằm dưới quyền kiểm soát của Philippines từ năm 1968, nhưng cũng bị Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan đòi chủ quyền. 

Một tàu hải quân Việt Nam đã đưa 60 thuỷ thủ tới đảo này trước đó, phía Philippines có 100 thủy thủ tham gia.

Giới chức Philippines xin dấu tên, nói các sinh hoạt này giúp tăng cường tình giao hảo giữa binh sĩ hai nước liên quan tới vùng đang trong vòng tranh chấp, và củng cố các quan hệ giữa lực lượng hải quân hai nước.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, nói bà không biết gì về các sinh hoạt này, nhưng bà lặp lại lập trường nhất quán của Trung Quốc là ‘Trung Quốc sẽ không gây rối cho những người khác. Nhưng về chủ quyền lãnh thổ và quyền toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, thì ý chí và khả năng phòng vệ của Trung Quốc vẫn còn đó.’

Năm ngoái, binh sĩ Philippines đã tới thăm đảo Song Tử Tây (Southwest Cay, mà Philippines gọi là Pugad) do Việt Nam kiểm soát, cách Song Tử Đông có vài hải lý, để tham gia các sinh hoạt giao hảo tương tự.

Theo nhận định của hãng tin Anh Reuters, hợp tác đã nở rộ giữa Hà Nội và Manila, kể từ khi hai bên quyết định tạm gác hàng thập kỷ căng thẳng do tranh chấp chủ quyền song phương ở quần đảo Trường Sa, để đối phó với tham vọng bành trướng của Bắc Kinh.

Sau sự kiện sinh hoạt ở Song Tử Tây, chiến hạm Việt Nam cũng đã ghé cảng Manila, trong lúc một đường dây nóng hải quân cũng đã được thành lập, và đã phát huy hiệu quả trong việc giúp đỡ ngư dân hai nước gặp sự cố ngoài biển khơi.

Trong thời gian gần đây, phía quân đội Philippines từng tiết lộ với hãng tin Reuters rằng hai nước đã thảo luận không chính thức với nhau về khả năng tiến hành tuần tra chung ở Biển Đông. Thế nhưng một quan chức quân sự Việt Nam đã cho biết là ý tưởng đó đã được gợi lên từ lâu, nhưng chưa có gì được quyết định dứt khoát. 

Giới ngoại giao và chuyên gia đã lồng quan hệ đối tác mới giữa Hà Nội và Manila vào trong xu thế hình thành một mạng lưới liên minh không chính thức trên toàn châu Á xuất phát từ thái độ quan ngại trước một Trung Quốc ngày càng hung hăng. 

Patrick Cronin, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm về An ninh Mới của Mỹ - Center for a New American Security - ở Washington nhận định: "Một trục liên kết Manila-Hà Nội sẽ đặt một rào cản đối với tham vọng của Trung Quốc nhằm kiểm soát hầu hết Biển Đông… Điều đó có thể là sẽ không làm thay đổi ngay lập tức tương quan lực lượng trong khu vực... nhưng sẽ làm nổi cộm vấn đề là các hành động quyết đoán đơn phương của Trung Quốc có nguy cơ đe dọa sư ổn định và thịnh vượng (của khu vực)."

Về quyền kiểm soát của Việt Nam và Philippines trên hai hòn đảo Sông Tử Đông và Song Tử Tây, Reuters vào hôm nay nhắc lại một chuyện gần như là tiếu lâm: Quân đội Philippines đã chiếm đóng đảo Sông Tử Tây cho đến đầu năm 1975. Thế nhưng, lợi dụng cơ hội lực lượng Philippines đồn trú trên đảo này rời nhiệm sở qua vui chơi tại đảo Song Tử Đông lân cận, quân đội miền Nam Việt Nam đã đổ bộ lên chiếm đóng đảo này. Thế là Song Tử Tây nằm dưới quyền kiểm soát của Việt Nam từ lúc đó. - VOA, RFI
|
|

6.
Tính sáng tạo của Bphone bị nghi ngờ

Hôm 26 tháng 5 vừa qua Tập đoàn công nghệ Bkav đã ra mắt chiếc điện thoại thông minh có tên Bphone và gặp sự tranh cãi gay gắt về tính sáng tạo của nó. Cộng đồng mạng đã đưa ra hàng loạt câu hỏi về cấu trúc, kiểu dáng cũng như những sao chép từ Iphone trong hình ảnh và ngay cả nhạc chuông của sản phẩm. Mặc Lâm có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Tử Quảng CEO của tập đoàn Bkav và cũng là diễn giả trong buổi ra mắt sản phẩm. 

Mặc Lâm: Xin ông cho biết những nét chính nào của Bphone mà ông cho rằng có thể cạnh tranh hiệu quả với các người khổng lồ như Iphone hay Samsung?

Nguyễn Tử Quảng: Nếu mình làm không thể tốt hơn họ thì khó có thể cạnh tranh được trên thị trường cho nên vấn đề đặt ra là phải làm tốt hơn họ về phần cứng (hardware) phải tinh xảo, đẹp còn về phần mềm (software) thì phải tiện dụng, tiện lợi. Kết quả là chúng tôi đã có một sản phẩm mà về kiểu dáng thì hôm nay hơn 90% người sau khi chúng tôi thể hiện có nhận xét là rất đẹp.

Về phần mềm thì anh cũng biết là có hai hệ điều hành cơ bản là iOS và Android. iOS thì mọi người nói rất là tốt nhưng nó tương đối là đóng, nếu cần nâng cao hơn thì rất khó khăn khi sử dụng iOS. Android thì rất mở nhưng sản lượng của nó không tốt cho nên chúng tôi có hệ điều hành là BOS, hệ điều hành này vừa trải nghiệm rất là tốt, tiện lợi nhưng nó cũng rất mở cho những người có nhu cầu sử dụng cao hơn họ vẫn có thể tìm được những cái lựa chọn của họ.

Mặc Lâm: Ông có thể giải thích thêm về hệ điều hành BOS. Phải chăng đây là một phát minh hoàn toàn mới của Bkav?

Nguyễn Tử Quảng: Nó là hệ điều hành dựa trên nền tảng của Android 5 nhưng chúng tôi đã thay đổi rất nhiều để nó tạo ra sản lượng tốt và các vấn đề như an ninh bảo mật thì Bkav rất chú trọng về vấn đề an ninh bảo mật.

Mặc Lâm: Dư luận đang có những câu hỏi về cấu trúc của Bphone và cho rằng hầu hết các hardware và software của Bphone đều được các hãng nổi tiếng sử dụng và không có gì mới. Ông giải thích sao về điều này?

Nguyễn Tử Quảng: Apple hay Samsung thì họ cũng làm như vậy. Anh có thể thấy là màn hình Pháp chính là màn hình cung cấp cho Apple. Hay là camera cũng vậy, camera mà chúng tôi sử dụng cũng là nơi mà họ đã cung cấp camera cho Apple. Thế thì tất cả những cái đó gọi là linh kiện trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm nói chung và sản xuất điện thoại Smartphone nói riêng thì không một công ty nào làm tất tần tật các linh kiện ấy mà quan trọng là anh phải tạo ra giá trị của anh từ những linh kiện đấy. Đó là thiết kế kiểu dáng phải đẹp, mỏng, thời trang. Phần mềm thì phải tiện lợi, mượt mà, thông minh…những thứ đó anh phải thiết kế ra mới được còn sau đó thì anh có thể dùng phụ trợ. - RFA


No comments:

Post a Comment