Sunday, May 3, 2015

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 3/5

Tin Thế Giới

1.
Thế giới đánh dấu Ngày Tự do Báo chí --- 2014: Năm đen tối của Tự do báo chí trên thế giới --- LHQ kêu gọi Miến Điện phải tôn trọng tự do báo chí trong bầu cử

Hôm nay là Ngày Tự do Báo chí Thế giới, một dịp đánh dấu thường niên được Liên hiệp quốc lập ra vào năm 1993 để ủng hộ và biểu dương những nguyên tắc cơ bản của tự do báo chí, mà Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama mô tả là sự thiết yếu của dân chủ.

Liên hiệp quốc nói Ngày Tự do Báo chí Thế giới cũng là dịp để thông báo cho người dân về những vi phạm tự do báo chí – một lời nhắc nhỡ rằng tại hàng chục quốc gia trên thế giới xuất bản vẫn bị kiểm duyệt, bị phạt, bị đình chỉ hoặc cấm hoạt động, trong khi các nhà báo, các biên tập viên và các nhà xuất bản bị sách nhiễu, tấn công, bắt giữ, và thậm chí bị giết hại.

Trước Ngày Tự do Báo chí Thế giới, Tổng thống Obama đã tiếp 3 nhà báo di dân tại Tòa Bạch Ốc. Tổng thống Obama nói cả 3 nhà báo này đều bị ngược đãi tại quê hương của họ, và nay đang tiếp tục công việc báo chí tại Hoa Kỳ, quốc gia đã cho các nhà báo này tị nạn chính trị.

Blogger Điếu Cày của Việt Nam chuyên viết về nhân quyền và tự do tôn giáo, và là một tiếng nói mạnh mẽ về tự do báo chí ở nước ông.  Blogger Điếu Cày bị giam tù 6 năm và được phóng thích hồi tháng 10 năm ngoái.

Nhà báo Lily Mengesha của Ethiopia chuyên phơi bày nạn tảo hôn mà các "cô dâu" nhỏ tuổi ở nước bà phải gánh chịu. Bà đã bị sách nhiễu và giam giữ.  Bà hiện làm việc cho Quỹ Quốc gia về Dân chủ. Bà Mengesha trước đó làm thông dịch viên cho một thông tín viên của đài VOA ở Ethiopia.  Bà và thông tín viên này bị bắt giữ vì "đưa tin bất hợp pháp" hồi năm 2012 ở Addis Ababa.

Bà Fatima Tlisova, một người thiểu số Circassia ở Bắc Caucasus của Nga, hiện làm việc cho Ban tiếng Nga của đài VOA.

Tổng thống Obama nói "bà Tlisova đã tường trình về các cuộc hành quân ở khu vực Bắc Caucasus, về những vụ mất tích và về những chuyện tham nhũng.  Bà Tlisova đã bị hành hung, bắt cóc, tra tấn. Nay bà làm việc cho Đài Tiếng nói Hoa Kỳ và gần đây nhất đã tường trình về phiên xử ở Boston liên quan đến vụ đánh bom ở Boston."

Trở về văn phòng của VOA sau khi được gặp Tổng thống Obama, bà Tlisova nói cơ hội được gặp và nói chuyện với Tổng thống Obama thật là cảm động, nhưng quan trọng hơn cả đó là thông điệp của Tổng thống Hoa Kỳ gởi đến các nhà báo ở Nga.

Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Syria, Eritrea là những nước mà quyền tự do báo chí bị xếp vào "vùng đen" của Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới Reporters Sans Frontières RSF. Bản tổng kết công bố nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới 03/05, khẳng định năm 2014 là năm mà quyền tự do thông tin "thoái giảm một cách thô bạo".

Bốn tháng sau ngày Tòa soạn tuần báo trào phúng Charlie Hebdo của Pháp bị khủng bố nhân danh Hồi giáo tấn công, bản tổng kết tình hình tự do báo chí trên thế giới năm 2014 nhấn mạnh chiều hướng "đi xuống" của quyền tự do thông tin và được thông tin. Nếu khu vực Bắc Âu, với Phần Lan đứng nhất trong năm năm liên tiếp, tiếp theo là Na Uy, Đan Mạch, Hà Lan dẫn đầu bản xếp hạng thì những quốc gia như Việt Nam (hạng 175), Trung Quốc (hạng 176) cùng với Bắc Triều Tiên và Eritrea (180) đóng chốt ở cuối bảng.

Trung Quốc và Việt Nam mỗi nước bị sụt một hạng so với năm trước. Lý do làm cho Việt Nam bị xếp gần cuối bảng , kém hơn cả Cam Bốt, hạng 139, là vì "chế độ độc đảng kiểm soát thông tin" theo như nhận định của Phóng Viên Không Biên Giới.

Hoa Kỳ cũng mất ba hạng từ 46 xuống 49 do "cuộc chiến chống Wikileaks" của chính quyền Obama. Tuy nhiên, điều này không làm Tổng thống Mỹ ngần ngại đón tiếp ba nhà báo nạn nhân của chế độ đàn áp tự do báo chí, "yếu tố cốt lõi của nền dân chủ": Nga, Eritrea và Việt Nam (Điếu Cày Nguyễn Văn Hải) ngày 02/05/2015 tại Nhà Trắng. Pháp lên một hạng từ 39 lên 38 nhưng RSF lấy làm tiếc là còn nhiều trường hợp "nguồn tin mật" của phóng viên không được bảo vệ tốt.

Nếu tổng kết theo từng khu vực địa lý thì so với một năm trước, Tây Âu và vùng Balkan được cải tiến, tiếp theo là Châu Mỹ và ngay Châu Phi cũng tiến bộ hơn vùng Châu Á Thái Bình dương, Đông Âu, Trung Á. Cuối cùng, hai khu vực Trung Đông và Bắc Phi là nơi mà quyền tự do thông tin bị suy thoái nghiêm trọng nhất do xung đột vũ trang.

"1001 cách bịt miệng báo chí"

Ở một số quốc gia, tính mạng các nhà báo, sự tồn tại của các phương tiện truyền thông bị trực tiếp đe dọa. Tại Trung Quốc một trong những trường hợp được biết đến nhiều hơn cả, là nhà báo Cao Du, 71 tuổi, vừa lãnh án 7 năm tù vì tội "tiết lộ bí mật quốc gia". Nhà báo Cao Du từng bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ vì đã viết bài ủng hộ phong trào dân chủ Mùa Xuân Bắc Kinh năm 1989. Gần đây, bà đã phơi bày những nét tiêu cực trong guồng máy chính trị của đất nước.

Trong trường hợp của Việt Nam, theo tổ chức Phóng viên Không Biên giới, chính quyền đàn áp báo chí bằng cách sách nhiễu gia đình các nhà báo, bắt giữ các bloggers. Bên cạnh việc tấn công thẳng vào cá nhân các phóng viên, một số quốc gia có thể nhân danh một tôn giáo, hay một đức tin để kiểm duyệt báo chí. Tại Thái Lan chẳng hạn, những chỉ trích liên quan nhà vua hay gia đình hoàng tộc đều coi là một điều cấm kỵ, có thể khép vào tội khi quân.

Còn tại Nga, theo lời thông tín viên đài RFI Muriel Pomponne, không một tờ báo nào dám đăng những bức biếm họa của tuần báo trào phúng Pháp, Charlie Hebdo vì sợ đụng chạm đến đức tin của một phần công luận. Vi phạm điều đó, có thể bị phạt đến 3 năm tù giam. Mỉa mai thay là mới chỉ tuần trước, chính Tổng thống Putin đã tuyên bố rằng "một nền báo chí độc lập sẽ góp phần củng cố cho sự vững chắc của Nhà nước". Cắt quảng cáo, nguồn tài trợ chính của các phương tiện truyền thông độc lập là hình thức để nước Nga của ông Putin kiểm duyệt báo chí.

Gần đây, nhiều quốc gia cũng có thể bịt miệng báo chí bằng cách gia tăng kiểm duyệt mạng Internet. Không chỉ ở Trung Quốc hay Việt Nam, mà tại Pakistan, các nguồn cung cấp dịch vụ internet phải cung cấp cho chính phủ các dữ liệu tin học theo mô hình đã được áp dụng tại Anh, Mỹ. Tại Pháp, chiếc nôi của nhân quyền, dự luật về thông tin, đang gây nhiều tranh cãi.

Nhìn sang Châu Mỹ La Tinh, 2014 là một năm đen tối đối với báo chí Venezuela. Các hành vi sách nhiễu nhắm vào giới phóng viên gia tăng. Nhiều tờ báo phải giảm số trang vì lý do kinh tế, hay chỉ còn ấn bản trên internet, đơn giản là vì không có tiền để mua giấy phục vụ cho độc giả.

Trong bảng xếp hạng của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, tình trạng tự do báo chí tại Miến Điện đứng hàng 144 trên tổng số 180 quốc gia. Nhân Ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới được tổ chức tại Rangun, Liên Hiệp Quốc kêu gọi chính phủ Miến Điện bảo đảm cho nhà báo được toàn quyền hoạt động và đưa tin trong mùa tổng tuyển cử quan trọng trong năm 2015 này.

"Chúng tôi thúc giục chính quyền Miến Điện nỗ lực đặc biệt trong giai đoạn bầu cử để bảo đảm cho cộng đồng báo chí có quyền tự do tiếp cận tin tức và tường thuật thông tin mà không sợ kẻ nào hay bị áp lực của bất kỳ người nào". Tác giả lời kêu gọi này là ông Sardar Umar Alam, giám đốc cơ quan đại diện UNESCO của Liên Hiệp Quốc tại Rangun trong buổi lễ đánh dấu Ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới được Liên Hiệp Quốc và Bộ Thông tin Miến Điện đồng tổ chức (03/05) trong bối cảnh công luận trong và ngoài nước lo ngại chế độ muốn trấn áp báo chí như thời quân phiệt để giới hạn ảnh hưởng của đối lập trong mùa bầu cử vào tháng 11/2015.

Trong diễn văn khai mạc Ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới, lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi cũng kêu gọi tôn trọng vai trò của báo chí trong cuộc tuyển cử tháng 11/2015, được xem là một cuộc trắc nghiệm về thực tâm cải cách chính trị của chế độ. Bà khẳng định "con đường tự do báo chí tại Miến Điện đang bị bế tắc" và kêu gọi giới phóng viên Miến Điện hãy "vực dậy cuộc du hành này" để bảo đảm cho "bầu cử tự do, công bằng".

Sau khi tập đoàn quân sự rút lui năm 2011, chính phủ Thein Sein đã ban hành nhiều biện pháp cải cách triệt để kể cả quyết định trả tự do cho các nhà báo bị cầm tù và bỏ kiểm duyệt thông tin. Tuy nhiên gần đây, quan hệ giữa báo chí với nhà nước Miến Điện trở nên căng thẳng sau một số bản án tù và cái chết của một nhà báo độc lập hồi cuối năm 2014.

Ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới, được tổ chức tại một khách sạn ở Rangun với sự tham gia của khoảng 100 quan khách gồm giới chức Miến Điện, Anh Quốc, Sứ quán Hoa Kỳ và nhà báo. Trong buổi lễ này, Bộ trưởng Thông tin Miến Điện Ye Htut, trong phần tuyên bố, cho rằng "tự do báo chí một mình không đủ đem lại thông tin trung thực". Ông biện minh: nhà báo cũng có định kiến . - RFI
|
|

2.
Tuần duyên Italia cứu hơn 3.400 thuyền nhân ở Địa Trung Hải

Lực lượng tuần duyên Italia cho hay hơn 3.400 thuyền nhân được vớt gần bờ biển Libya hôm thứ Bảy và sáng Chủ nhật, và các hoạt động cứu hộ theo dự trù sẽ được tăng cường trong ngày hôm nay trong lúc những kẻ đưa người bất hợp pháp lợi dụng biển êm để tăng mạnh hoạt động.

Mặc dù là "một ngày rất bận rộn," lực lượng tuần duyên Italia nói với Pháp tấn xã rằng đây chưa phải là ngày kỷ lục nếu so với hôm 12 tháng 4, khi họ vớt được 3.791 di dân và hôm sau đó họ vớt được 2.850 người.

Tất cả những người được vớt được đưa vào Italia trong đêm hôm qua, và một số được đưa đến Lampedusa, hải đảo ở cực nam của Italia. Một số người khác theo dự trù sẽ được đưa đến Sicily hoặc miền nam Italia vào tối Chủ nhật.

Tàu tuần Commandant Birot của Pháp, tham gia nỗ lực tuần duyên của Liên hiệp Châu Âu nhằm đối phó với số di dân ồ ạt trên Địa Trung Hải, vớt được 217 người ở ngoài khơi biển Libya.

Các di dân này toàn bộ là nam giới, đi trên ba chiếc thuyền. 

Giới hữu trách cho hay trong đó có 2 kẻ đưa lậu người đã bị bắt và sẽ được chuyển cho cảnh sát Italia.

Châu Âu đang chật vật đối phó với làn sóng thuyền nhân. Hàng trăm di dân, đa số là người Châu Phi, nhưng cũng có nhiều người Syria đang tìm đường trốn chạy khỏi cuộc chiến tranh trên quê nhà của họ. Mỗi ngày, các lực lượng tuần duyên hoặc hải quân Italia đều vớt được các thuyền nhân này và đưa họ vào bờ.

Bộ Nội vụ Italia ước tính biển êm vào mùa xuân và mùa hè theo trông đợi sẽ tăng số thuyền nhân tìm đường đến Italia trong năm nay có thể lên đến 200.000 người, tức cao hơn năm ngoái 30.000 người.

Sau hàng loạt vụ đắm thuyền hồi tháng trước khiến hơn 1.200 người thiệt mạng, các nhà lãnh đạo Liên hiệp Âu châu trong cuộc họp thượng đỉnh hôm 23 tháng 4 đồng ý tăng ngân sách lên gấp ba cho chiến dịch Triton của cơ quan biên giới Frontex điều hành, mà trước đó tiêu tốn 3,4 triệu đôla mỗi tháng. - VOA
|
|

3.
Nhật Bản hỗ trợ Cuba trong "nhiều lĩnh vực"

Dẫn đầu một phái đoàn hơn 30 doanh nhân Nhật Bản đến Cuba, Ngoại trưởng Fumio Kishida tuyên bố: Tokyo hỗ trợ La Habana trong tiến trình chuyển đổi, và Nhật Bản mong muốn mở rộng hợp tác với Cuba trong nhiều lĩnh vực.

Trong chuyến viếng thăm Cuba đầu tiên, Ngoại trưởng Nhật, ngày 02/05/2015 đã tiếp kiến Chủ tịch Raul Castro. Đôi bên thảo luận về những "hướng tích cực" cho việc phát triển quan hệ song phương. Ngoại trưởng Kishida nhấn mạnh Nhật Bản ủng hộ những nỗ lực của Hoa Kỳ và Cuba trên con đường bình thường hóa quan hệ. Tokyo cam kết đưa quan hệ giữa Nhật Bản với Cuba lên một "một cấp mới" và đang chuẩn bị một kế hoạch nhằm mở rộng hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực.

Mục tiêu của Nhật Bản nhằm hỗ trợ tiến trình cải tổ đang được Chủ tịch Raul Castro xúc tiến. Nhật Bản hứa tăng viện trợ phát triển chính thức ODA cho Cuba. Về phần mình Ngoại trưởng Cuba, Bruno Rodriguez nhấn mạnh, Nhật Bản là "một ưu tiên". La Habana mong muốn mở rộng hợp tác với Nhật Bản trong các lĩnh vực từ "thương mại, đầu tư, đến hợp tác khoa học và nhiều lĩnh vực khác nữa".

Hiện tại tổng trao đổi mậu dịch hai chiều mới chỉ ở mức 52 triệu đô la. Nhật Bản xuất khẩu sang Cuba máy móc và mua vào thuốc lá, cà phê, cùng hải sản của đối tác Trung Mỹ này. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Mayweather thắng Pacquiao trong 'Trận quyền Anh Thế kỷ'

Võ sĩ quyền Anh Floyd Mayweather Jr. tiếp tục duy trì thành tích bất bại sau trận đấu thứ 48, thắng võ sĩ Manny Pacquiao người Philippines, bằng điểm tuyệt đối trong trận đấu được quảng bá là "Trận quyền Anh Thế kỷ."

Mayweather, 38 tuổi, có sải tay dài hơn, đã ra đòn mạnh ở đầu trận đấu diễn ra tại MGM Grand Garden Arena ở Las Vegas tối thứ Bảy. Nhưng Pacquiao thuận tay trái đã phản công quyết liệt ở các hiệp sau – nhưng chưa đủ để áp đảo được kỷ năng phòng thủ nổi tiếng của Mayweather.

Trận đấu trở nên kém hấp dẫn khi các hai đấu thủ đều tỏ ra thận trọng khá lâu. Không xảy ra màn đo ván nào và cả hai dường như cũng không trúng đòn nào nặng.

Hai trọng tài bàn cho cùng số điểm 116-112, và trọng tài thứ ba cho 118-110 – cả ba đều nghiêng về Mayweather.

Sau trận đấu, Pacquiao nói anh nghĩ là anh đã thắng. Thành tích của ngôi sao Philippines này nay có thêm một trận thua, thành 57 trận thắng, 6 trận thua và 2 trận hòa.

Mayweather cho biết sau trận đấu này anh sẽ đấu một trận nữa trong năm, rồi giải nghệ.

Trận đấu giữa hai võ sĩ xuất sắc nhất trong thế hệ của họ, cho dù cả hai đã qua tuổi đỉnh cao của sự nghiệp, là trận đấu có giải thưởng trị giá cao nhất trong lịch sử. Mayweather được trả ít nhất là 180 triệu đôla từ trận đấu này. 

Trận đấu được hàng triệu người trả tiền truyền hình để xem trực tiếp trên khắp thế giới. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Hải quân Việt Nam phô trương sức mạnh

Hàng nghìn binh sĩ hải quân Việt Nam hôm nay đã tham gia cuộc diễu binh đánh dấu 60 năm ngày thành lập, và người đứng đầu lực lượng này nói rằng việc “đấu tranh, bảo vệ chủ quyền phức tạp hơn”.

Ngòai ra, các chiến hạm, tàu tuần tra, tàu ngầm Kilo và nhiều biên đội tàu mặt nước của Hải quân Việt Nam đã duyệt đội hình trên biển tại quân cảng Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa.

Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Hải quân Việt Nam, được báo chí trích lời nói: “Tình hình trên biển Đông, cũng như các vùng biển nước ta đã và đang diễn ra những diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều động thái mới, ảnh hưởng trực tiếp đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”.

Ông nói thêm rằng “sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền đã và đang bước vào một giai đoạn mới, nặng nề và phức tạp hơn”.

Trong khi đó, Chủ tịch Trương Tấn Sang đã ca ngợi lực lượng hải quân Việt Nam và “nêu rõ trọng trách bảo vệ chủ quyền đất nước trong tình hình mới”.

Cuộc phô trương sức mạnh hải quân diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang mạnh mẽ khẳng định chủ quyền trên biển Đông bằng việc bồi đắp, xây các đảo nhân tạo mà giới chức Mỹ nói sẽ tạo nên Vạn lý Trường thành bằng cát.

'Gia tăng chi tiêu quân sự' 

Mới đây, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế (SIPRI) có trụ sở tại Stockholm, Thụy Điển, nói rằng chính quyền Hà Nội tiếp tục gia tăng chi tiêu quân sự với mức tăng 9,6% trong năm 2014, lên 4,3 tỷ đôla.

Mức tăng chi tiêu này cao hơn so với mức trung bình 5% của khu vực châu Á và châu Đại Dương.

Tuần này, các hãng thông tấn quốc tế đưa tin, Việt Nam đang trang bị cho đội tàu ngầm loại tên lửa có khả năng bắn tới các thành phố ven biển của Trung Quốc.

Dữ liệu đăng trên trang web của SIPRI cho thấy Việt Nam đang mua phiên bản dùng để tấn công đất liền của loại tên lửa Klub do Nga chế tạo.

Theo Viện nghiên cứu này, tính từ năm 2005 tới nay, chi tiêu quân sự của Việt Nam tăng nhanh tới 128%, và điều đó xuất phát từ tình hình căng thẳng với Trung Quốc tại biển Nam Trung Hoa (tức biển Đông).

Năm qua, chính quyền Bắc Kinh, quốc gia hiện có tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Việt Nam và một số quốc gia khác trên biển Đông, chi tới 216 tỷ đôla cho quân sự.

Theo Sách trắng về Quốc phòng của Việt Nam công bố lần gần đây nhất là năm 2009, Việt Nam đã chi hơn 27 nghìn tỷ đồng, tương đương 1,8% tổng sản phẩm quốc nội, cho ngân sách quốc phòng trong năm 2008.

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh từng được báo chí trong nước dẫn lời cho biết sẽ công bố Sách trắng về Quốc phòng vào cuối năm ngoái.

Tuy nhiên, cho tới này cuốn sách quan trọng về vấn đề quốc phòng vẫn chưa ra mắt.

Một hợp đồng quân sự lớn nhất của Việt Nam gần đây là việc mua 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo của Nga năm 2009, trị giá khoảng 2 tỷ đôla, và dự kiến sẽ được bàn giao tất cả vào năm 2016. - VOA
|
|

6.
Blogger Điếu Cày trên truyền hình nhà nước

Hình ảnh cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và blogger Điếu Cày xuất hiện trong bản tin buổi sáng của Đài Truyền hình Việt Nam.

Bản tin Chào buổi sáng thứ Bảy 2/5 trên kênh VTV1 trong phần quốc tế có đề cập vụ bạo động ở Baltimore, Hoa Kỳ, và nhắc tới Tổng thống Obama.

Biên tập viên chương trình, được tin có tên là Lê Quý, đã phát kèm hình ảnh một cuộc gặp của ông Obama hôm 1/5 tại Tòa Bạch ốc.

Đó là cuộc gặp của ông tổng thống Mỹ với một số blogger nước ngoài trước thềm ngày Tự do Báo chí Thế giới 3/5.

Tại đó, blogger Điếu Cày, tức ông Nguyễn Văn Hải, có mặt bên cạnh hai blogger khác là Simegnish 'Lily' Mengesha (Ethiopia) và Fatima Tlisova (Nga) để cùng bàn luận về tự do báo chí trên thế giới.

Trên khuôn hình của VTV1, người ta có thể nhìn thấy ông Nguyễn Văn Hải ngồi bên tay phải của ông Obama.

Blogger Điếu Cày, người từng bị chính quyền trong nước bỏ tù vì tội Trốn thuế và sau đó là tội Tuyên truyền chống nhà nước, đã được chuyển cho đi Mỹ hôm 21/10/2014.

Thông tin về ông từ đó không được đăng tải trên bất cứ kênh truyền thông nào ở Việt Nam, bởi vậy việc blogger này xuất hiện trên kênh truyền hình chủ lực của nhà nước đã gây chú ý.

Tuy nhiên, các đường link trực tuyến vào bản tin Chào buổi sáng 2/5 đều đã bị gỡ bỏ.

Tuyên truyền chống nhà nước

Blogger Điếu Cày nói với BBC về cuộc gặp với Tổng thống Obama rằng vị tổng thống và các blogger đã "ngồi ở bên cạnh nhau để thảo luận về các vấn đề tự do báo chí, tự do ngôn luận của các nước có các nền báo chí tồi tệ".

"Tôi thấy rằng Tổng thống Obama rất quan tâm đến tình hình của các nước như là Ethiopia, Nga hay Việt Nam."

Ông cũng cho hay đã chuyển cho ông Obama một danh sách các tù nhân lương tâm, trong đó có nhiều nhà báo, blogger đang bị giam giữ ở Việt Nam.

Truyền thông Việt Nam không đưa tin gì về cuộc gặp này.

Ông Nguyễn Văn Hải từng được biết đến như một blogger với nhiều bài viết thu hút sự chú ý trên cộng đồng mạng xã hội và Internet của Việt Nam về các chủ đề dân quyền và chủ quyền biển đảo.

Ông được trao giải Tự do Báo chí Quốc tế trong buổi lễ được Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) tổ chức tại New York, Hoa Kỳ hồi tháng 11/2013.

Trước khi đi Hoa Kỳ, ông thi hành án tù 12 năm tại Trại giam số 6, Huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước theo điều 88 Bộ Luật Hình sự. - BBC


No comments:

Post a Comment