Wednesday, May 20, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Tư 20/5

Tin Thế Giới

1.
Lực lượng Iraq rút lui hoàn toàn khỏi Ramadi --- Chưa có dấu hiệu về chiến lược mới của Mỹ sau khi Ramadi thất thủ

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết tất cả các thành viên của Lực lượng An ninh Iraq đã rời khỏi Ramadi, thủ phủ của tỉnh Anbar, sau khi các chiến binh của nhóm Nhà nước Hồi giáo tiến chiếm thành phố này. Theo tường thuật của thông tín viên Carla Babb của đài VOA tại Ngũ giác đài, các giới chức quân sự Mỹ thừa nhận việc chiếm lại Ramadi từ tay các phần tử cực đoan sẽ rất khó khăn.

Cuộc triệt thoái khỏi Ramadi đã hoàn tất. Phát ngôn viên Ngũ giác đài, Đại tá Steve Warren, hôm thứ ba cho báo chí biết rằng tất cả các thành viên của lực lượng An ninh Iraq đã rời khỏi thành phố, và vào thời điểm này, các giới chức liên minh chưa biết rõ việc tái chiếm thành phố sẽ diễn ra khi nào và bằng cách nào.

"Tôi nhất định sẽ không bàn tới một thời biểu, nhưng đó sẽ là một cuộc chiến đấu khó khăn."

Việc chiếm được Ramadi là một trong những thành quả lớn nhất của phiến quân Nhà nước Hồi giáo kể từ khi liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo bắt đầu chiến dịch oanh kích nhắm vào nhóm khủng bố này cách nay gần một năm.

Đại tá Warren cho biết trong lúc rút lui các lực lượng Iraq đã bỏ lại nhiều trang thiết bị quân sự.

"Khoảng mấy mươi chiếc xe tăng và xe thiết giáp và có lẽ khoảng 100 chiếc xe thông thường đã bị bỏ lại."

Theo đánh giá của liên minh, một số quân xa bị hỏng và đã không di chuyển trong nhiều tháng nay, nhưng nhiều chiếc hoạt động tốt. Đại tá Warren cho biết liên minh sẽ tìm cách phá huỷ tất cả những quân xa bị lọt vào tay địch quân.

Hàng vạn cư dân Ramadi đã bỏ chạy sau khi thành phố rơi vào tay Nhà nước Hồi giáo hôm chủ nhật.

Các cơ quan cứu trợ đã bắt đầu phân phát lương thực và nước uống cho người tản cư, nhưng họ cho biết họ cần có ngay các loại phẩm vật tiếp tế.

Mặc dù các lực lượng Iraq đã bị phiến quân Nhà nước Hồi giáo đánh bại ở Ramadi, các giới chức Tòa Bạch Ốc cho biết Tổng thống Barack Obama không có ý định từ bỏ chiến lược của ông để chống lại nhóm hiếu chiến này ở Iraq. Thông tín viên Luiz Ramirez của đài VOA tường thuật từ Tòa Bạch Ốc.

Hôm thứ ba, trong lúc hàng vạn người bỏ chạy ra khỏi thành phố Ramadi và có những dấu hiệu của những sự chuẩn bị cho một cuộc phản công, Tòa Bạch Ốc đã phải đối mặt với nhiều câu hỏi liên quan tới vấn đề họ định làm gì trong những ngày tới đây.

Tuy các lực lượng Iraq tiếp tục rút lui, không có dấu hiệu về một sự thay đổi lớn trong chiến lược của Tòa Bạch Ốc.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest cho biết trước khi Ramadi hoàn toàn thất thủ, chiến dịch của Tổng thống Obama để chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo đã có được tiến bộ và đạt được nhiều thành quả.

"Cũng có những lãnh vực gặp thất bại, nhưng điều đó không có nghĩa là chiến lược này cần phải vất bỏ."

Với sự tháo chạy của các lực lượng Iraq, một số nhà quan sát ở Washington e rằng thắng lợi ở Ramadi có thể làm cho Nhà nước Hồi giáo trở nên táo bạo hơn và một khi có cơ hội họ sẽ tấn công thủ đô Baghdad, cách Ramadi 130 kilomét về hướng đông.

Ông Michael O’Hanlon, một nhà phân tích an ninh của Viện Brookings ở Washington, nhận định như sau.

"Nếu chúng ta nghĩ rằng vì Nhà nước Hồi giáo không tìm cách tấn công Baghdad trong thời gian qua cho nên bọn chúng không còn muốn chiếm thủ đô của Iraq nữa, thì đó sẽ là một sự sai lầm lớn về phần chúng ta. Ramadi nằm gần Baghdad và điều đó làm cho tôi cảm thấy lo ngại nhiều hơn về vấn đề này so với 48 giờ đồng hồ trước."

Tổng thống Obama đã tham khảo ý kiến với các thành viên trong toán an ninh quốc gia của ông , và các giới chức ở đây cho biết kế hoạch hiện giờ là cố vấn cho chính phủ ở Baghdad và thực hiện những vụ không kích chính xác để giúp Iraq chiếm lại Ramadi. - VOA
|
|

2.
Tàu tác chiến Mỹ-Trung chạm trán trên Biển Đông

Trong một cuộc tuần tra gần đây trên Biển Đông, tàu tác chiến của Mỹ và Trung Quốc đã sử dụng các quy tắc mà hai nước đã thỏa thuận cho các cuộc gặp nhau bất ngờ trên biển.

Hãng tin Bloomberg News hôm nay, 20/05/2015 trích lời Đô đốc Michelle Howard, Phó Tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ, cho biết là tàu tác chiến tuần duyên USS Fort Worth gần đây đã gặp một tàu quân sự của Trung Quốc ở khu vực gần quần đảo Trường Sa.

Đô đốc Howard cho biết là Hoa Kỳ đã thỏa thuận với Trung Quốc về việc sử dụng các quy tắc ứng xử cho những cuộc gặp bất ngờ trên biển để tránh xảy ra đụng độ giữa hai bên. Những quy tắc đó đã được hai tàu tác chiến nói trên sử dụng khi gặp nhau trong lúc tuần tra.

USS Fort Worth là chiếc tàu tác chiến tuần duyên đầu tiên của Mỹ được điều đến Biển Đông để tuần tra tại vùng biển chung quanh quần đảo Trường Sa, nơi mà nhiều nước, chủ yếu là Việt Nam, Trung Quốc và Philippines, đang tranh chấp chủ quyền.

Nhưng nữ Đô đốc Mỹ không nói rõ là chiếc USS Fort Worth đã đi vào phạm vi 12 hải lý (22 km) chung quanh quần đảo Trường Sa hay không. Bà cũng không cho biết chi tiết của vụ chạm trán giữa hai tàu tác chiến Mỹ-Trung.

Những quy tắc về gặp nhau bất ngờ trên biển chắc chắn là sẽ được sử dụng nhiều hơn, bởi vì Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter chủ trương mở rộng tuần tra trên vùng Biển Đông, kể cả khu vực trong phạm vi 12 hải lý chung các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng trên quần đảo Trường Sa.

Kế hoạch này là nhằm bảo đảm quyền tự do lưu thông hàng hải và là một chiến dịch mà Hoa Kỳ thường xuyên tiến hành. Năm ngoái, Mỹ đã tiến hành chiến dịch "Tự do hàng hải" đối với 19 quốc gia, trong đó có Indonesia, Philippines và Việt Nam.

Theo Bloomberg News, nữ Đô đốc Howard, phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên chỉ huy một chiến hạm của Hải quân Mỹ, cho rằng đã đến lúc Trung Quốc phải giải thích rõ mục tiêu của các công trình bồi đắp, mở rộng đảo ở Biển Đông. - RFI
|
|

3.
Bắc Triều Tiên hủy chuyến thăm Kaesong của Tổng Thư ký LHQ --- Bình Nhưỡng thông báo chế được đầu đạn hạt nhân thu nhỏ

 Hôm nay, 20/05/2015, Bắc Triều Tiên thông báo hủy chuyến thăm khu công nghiệp Kaesong của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon. Nếu được thực hiện, thì đây sẽ là lần đầu tiên kể từ hơn 20 năm nay, một Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc đặt trên lên lãnh thổ Bắc Triều Tiên.

Theo AFP, tại  Seoul, ông Ban Ki-moon cho biết: "Sáng sớm hôm nay, chính quyền Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã thông báo qua đường ngoại giao quyết định hủy chuyến viếng thăm của tôi đến khu Kaesong" dự kiến vào thứ Năm tới. Ông không nhận được một lời giải thích nào về sự thay đổi vào phút chót và lấy làm tiếc về quyết định trên.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc, phụ trách về quan hệ hai miền Nam-Bắc Triều Tiên, qua lời phát ngôn viên của mình kêu gọi Bình Nhưỡng từ bỏ chính sách cô lập và bắt tay với Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế.

Quyết định của phía Bắc Triều Tiên là phản ứng lại với tuyên bố của ông Ban Ki-moon hôm 19/05, kêu gọi chế độ Bình Nhưỡng kiềm chế mọi hành động có thể gây thêm căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên. Bình Nhưỡng vẫn thường trả đũa các tuyên bố của các nhà lãnh đạo nước ngoài quy trách nhiệm cho Bắc Triều Tiên liên quan trực tiếp hay gián tiếp tới vấn đề leo thang căng thẳng giữa hai miền và trong khu vực.

Công du Seoul từ thứ Ba, 19/05, ông Ban Ki-moon tỏ ra lo ngại trước "một cuộc chạy đua vũ trang mới và căng thẳng ngày càng tăng trong khu vực", sau khi Bắc Triều Tiên tuyên bố đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo chiến lược (MSBS) từ tầu ngầm, bất chấp các quy định của Liên Hiệp Quốc.

Nhân dịp này, ông Ban Ki-moon dự kiến thăm khu công nghiệp Liên Triều Kaesong ở phía bắc đường biên giới chung. Chuyến viếng thăm lẽ ra sẽ diễn ra vào thứ Năm tới và là chuyến viếng thăm Bắc Triều Tiên đầu tiên của một người đứng đầu Liên Hiệp Quốc, kể từ chuyến công du của ông Boutros Boutros-Ghali vào năm 1993.

Nằm trên lãnh thổ của Bắc Triều Tiên, cách đường biên giới giữa hai nước khoảng 10 km, khu công nghiệp Kaesong có khoảng 53,000 lao động Bắc Triều Tiên làm việc tại 120 công ty Hàn Quốc.

Tuy nhiên, mùa xuân năm 2013, Bình Nhưỡng đơn phương đóng cửa khu công nghiệp trong vòng 5 tháng trước những căng thẳng trên bán đảo sau khi Bắc Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần thứ ba.

Ông Ban Ki-moon đã thăm khu công nghiệp Keasong vào năm 2006 với tư cách là Ngoại trưởng Hàn Quốc lúc bấy giờ. Tuần này, ông hoan nghênh mô hình hợp tác "đôi bên cũng có lợi" của hai miền Triều Tiên.

Thứ Tư vừa qua, ông Ban Ki-moon nhắc lại rằng căng thẳng trên bán đảo sẽ không có giải pháp lâu dài nếu Bình Nhưỡng không tôn trọng quy định của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và trở lại bàn đàm phán.

Ông tuyên bố: "Với tư cách là Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, tôi sẽ không ngừng cố gắng để vận động Bắc Triều Tiên hành động cùng với cộng đồng quốc tế vì hòa bình và sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên và trong khu vực".

Một sự kiện liên quan khác, theo hãng thông tấn chính thức của Bắc Triều Tiên – KCNA, được AFP trích dẫn, hôm nay, 20/05/2015, chính quyền Bình Nhưỡng thông báo đã thành công trong việc chế tạo đầu đạn hạt nhân thu nhỏ. Công nghệ này cho phép gắn nhiều đầu đạn lên tên lửa đạn đạo tầm xa.

Ủy ban Quốc phòng Bắc Triều Tiên ra thông cáo: "Đã từ lâu, chúng ta bắt đầu tiến hành thu nhỏ và đa dạng hóa khả năng tấn công nguyên tử". Bình Nhưỡng nhấn mạnh là đã đạt tới giai đoạn hoàn thiện công nghệ, bảo đảm mức độ bắn chính xác cao không chỉ đối với tên lửa tầm ngắn, tầm trung mà cả tên lửa tầm xa. Bắc Triều Tiên khoe khoang rằng đó là một thực tế mà không cần phải che dấu.

Cách nay hai tuần, Bình Nhưỡng cũng đã thông báo bắn thử thành công tên lửa đạn đạo hải đối địa từ tàu ngầm. Công nghệ này sẽ cho phép Bình Nhưỡng triển khai vũ khí nguyên tử ra bên ngoài quần đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quân sự tỏ ý nghi ngờ về các thông báo của Bắc Triều Tiên liên quan đến việc phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm cũng như việc hoàn thiện chế tạo đầu đạn hạt nhân thu nhỏ.

Ông Daniel Pinkston, chuyên gia thuộc Nhóm Nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế (International Crisis Group) lưu ý về những khác biệt, xa cách giữa các tuyên bố và khả năng hành động thực sự của Bắc Triều Tiên. Chính quyền Bình Nhưỡng thường đưa ra những tuyên bố ồn ào hoặc phóng đại, có thể hướng vào công luận trong nước hoặc hướng ra công luận bên ngoài để thử xem liệu họ có thể sử dụng (các thủ đoạn này) để mặc cả hoặc thúc ép.

Theo ông Cho Han-bum, thuộc Học viện Thống nhất đất nước Hàn Quốc thì Bắc Triều Tiên không có đủ phương tiện tài chính để hoàn thiện công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân. Chuyên gia này nhận định, có thể lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng, gặp khó khăn trong việc kiểm soát quân đội sau vụ hành quyết Bộ trưởng Quốc phòng, như báo chí đưa tin. Do vậy, thông cáo của Ủy ban Quốc phòng Bắc Triều Tiên dường như nhằm xoa dịu các nhân vật diều hâu trong quân đội và dùng sự kiện này để mặc cả với Hoa Kỳ hiện đang lo ngại về chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.

Tháng trước, Đô đốc William Gortney, phụ trách an ninh quốc nội Hoa Kỳ nói rằng Bắc Triều Tiên có khả năng lắp đặt được đầu đạn hạt nhân thu nhỏ lên tên lửa liên lục địa loại mới KN-08.

Còn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố là Bắc Triều Tiên dường như đã đạt được trình độ "đáng kể" trong công nghệ chế tạo đầu đạn hạt nhân. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Tổng thống Obama: Khí hậu biến đổi gây rủi ro an ninh --- Trận chiến cá da trơn nổ ra tại Thượng viện HK

Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm nay kêu gọi phải có hành động tức thời về biến đổi khí hậu giữa lúc Tòa Bạch Ốc công bố phúc trình mới về tác động của biến đổi khí hậu đối với an ninh quốc gia.

Theo dự kiến, Tổng thống Obama sẽ có bài phát biểu tại lễ tốt nghiệp của các sinh viên theo ngành tuần duyên ở New London, Connecticut.

Theo trích đoạn từ văn bản bài diễn văn, ông Obama sẽ đề cập tới thực trạng nhiều đồn quân sự ở duyên hải đã bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng cao, nạn hạn hán và cháy rừng có thể đe dọa tới các khu vực huấn luyện quân sự ở miền Tây Hoa Kỳ, trong khi sâu về hướng Bắc, các cơ sở quân sự của Mỹ ở Alaska đang bị đe dọa bởi các vùng đất bị đóng băng thường xuyên nay bị tan chảy.

Tổng thống Obama nhấn mạnh ‘Các bạn là một phần trong thế hệ các viên chức đầu tiên bắt đầu phụng sự trong thế giới mà các hiệu ứng của biến đổi khí hậu lên con người đã hiển hiện quá rõ ràng. Biến đổi khí hậu sẽ định hình cách mỗi chúng ta hoạch định, vận hành, huấn luyện, trang bị, và bảo vệ cơ sở hạ tầng cho hôm nay và mai sau.’

Tòa Bạch Ốc cho biết Ngũ Giác Đài đang nghiên cứu mức độ bị ảnh hưởng của hơn 7 ngàn căn cứ quân sự cùng các cơ sở khác của quân đội vì hiệu ứng biến đổi khí hậu và khả năng gia tăng nhu cầu đối với lực lượng Tuần duyên Quốc gia sau một thảm họa khí hậu.

Theo dự kiến, Tổng thống Obama cũng sẽ nhấn mạnh đến một vài phương thức mà Hoa Kỳ đang đạt tiến bộ trong việc thay đổi nhu cầu về môi trường, chẳng hạn như tăng cường sử dụng năng lượng gió và mặt trời, tăng hiệu năng nhiên liệu của xe hơi, và giảm tình trạng phung phí năng lượng ở các tư gia và cao ốc.

Trong một tin HK khác, hôm thứ Ba, cuộc tranh luận ở thượng viện Hoa Kỳ về một dự luật nhằm tạo điều kiện cho sự phê chuẩn một hiệp ước tự do thương mại của 12 nước Vành đai Thái Bình Dương đã trở thành vụ cãi vã về vấn đề cá basa. Theo tường thuật của thông tín viên Michael Bowman của đài VOA tại trụ sở quốc hội Mỹ, vụ tranh cãi này nêu bật những trở ngại chính trị trong nước đối với chương trình lập pháp thương mại, trong khi các nhà làm luật tranh đấu cho vô số các lợi ích của dân chúng địa phương bị ảnh hưởng bởi cạnh tranh quốc tế.

Các quốc gia đang ra sức hình thành Hiệp định Hợp tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương có kim ngạch thương mại hàng nghìn tỉ đô la mỗi năm. Nhưng cuộc đàm phán đang gặp khó khăn vì vụ tranh cãi về cá da trơn, một công nghiệp khu vực của Hoa Kỳ mà sản lượng hàng năm chưa đầy 1 tỉ đô la.

Vụ tranh cãi nổ ra ở thượng viện hôm thứ Ba khi Thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa John McCain chỉ trích một biện pháp mà Việt Nam và các nước TPP khác cảm thấy hoài nghi: tăng cường hoạt động kiểm tra của chính phủ Hoa Kỳ đối với một loại cá tương tự cá da trơ sản xuất tại Châu Á.

“Mục đích thực sự của chương trình cá da trơn là tạo một rào cản thương mại để bảo vệ một số nhỏ nông dân nuôi cá da trơn ở 2 hay 3 tiểu bang miền Nam, một trong những chương trình bảo hộ mậu dịch có tính chất trắng trợn và cẩu thả nhất mà tôi gặp phải trong suốt thời gian phục vụ tại thượng viện Hoa Kỳ”.

Luật nông nghiệp năm 2008 của Mỹ đòi hỏi phải có một chế độ kiểm tra mới đối với cá da trơn do Bộ Nông Nghiệp điều hành. Tất cả các hải sản bày bán ở Mỹ đều do Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm kiểm tra.

Ông McCain cho biết chương trình đang làm tổn thương các lợi ích kinh tế lớn hơn của Hoa Kỳ.

“10 quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương đã gửi thư đến Đại diện Thương mại Hoa Kỳ để cảnh báo rằng văn phòng cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ đang phương hại đến cuộc đàm phán TPP. Ít nhất một quốc gia, đó là Việt Nam, đã đe dọa sẽ tiến hành các biện pháp trả đũa thương mại”.

Theo Thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa Roger Wicker, vấn đề thực sự không phải là chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, mà là sức khỏe của khách hàng Mỹ. Ông Wicker đại diện cho bang Mississippi, một trong những nơi sản xuất cá da trơn lớn nhất nước Mỹ.

“Đây là về vấn đề an toàn thực phẩm cho người Mỹ ở 50 tiểu bang, những người xứng đáng được biết loại cá mà họ đang ăn là không bị nhiễm độc”.

Ông Wiker cho biết hải sản do Châu Á sản xuất thường bị phát hiện có mức độ hóa chất cao và các chất gây ô nhiễm khác.

“Chúng ta đang nói về bệnh ung thư! Nhiều sản phẩm nước ngoài đơn giản là không được xử lý trong các điều kiện vệ sinh mà chúng ta rất chú trọng ở Hoa Kỳ đối với cá da trơn nuôi ở các trang trại của chúng ta”.

Cuộc tranh cãi này ở thượng viện cho thấy thách thức của việc hoàn thành một hiệp ước thương mại tự do giữa 12 quốc gia, tất cả đều có những lợi ích cần được quảng bá và bảo vệ.

Ông Claude Barfield, chuyên gia về vấn đề thương mại của Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho biết như sau.

“Chúng ta có 12 quốc gia, chiếm khoảng 1/3 kim ngạch thương mại thế giới. Do đó hiệp ước này lớn hơn so với cuộc đàm phán ba bên cho Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ dưới thời Clinton, hay 16, 17 cuộc đàm phán song phương dưới thời Tổng thống George W. Bush”.

Ông Barfield nói Hoa Kỳ sẽ giành phần thắng trong một số lĩnh vực của đàm phán thương mại và nên thỏa hiệp trong một số lĩnh vực khác, nhưng Hoa Kỳ nên giữ vững niềm tin là hiệp định TPP rốt cuộc sẽ mang lại những lợi ích lâu dài cho nước Mỹ. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Singapore cảnh báo Biển Đông là 'một tai nạn sắp xảy ra' --- Đô Đốc Mỹ tuyên bố hậu thuẫn ASEAN đoàn kết chống TQ

Bộ trưởng Quốc phòng Singapore kêu gọi ASEAN và Trung Quốc hãy ‘cấp tốc hoàn tất’ một hiệp định nhằm tháo ngòi cho các căng thẳng đang leo thang ở Biển Đông.

Báo The Straits Times của Singapore trích lời ông Ng Eng Hen đề nghị Trung Quốc và các nước tranh giành chủ quyền ở Biển Đông nên ký một thoả thuận có tính ràng buộc pháp lý, cấm sử dụng sức mạnh quân sự trong các cuộc tranh chấp có nguy cơ bùng nổ.

Ông Ng nói làm như vậy sẽ giảm bớt những tính toán sai lầm ngoài biển, và cho phép tất cả mọi bên giải quyết các cuộc tranh chấp một cách hoà bình, dựa trên phép hành xử thông thường và khuôn khổ pháp lý.

Tiến sĩ Ng đưa ra lời cảnh báo đó trước một cử toạ gồm 23 lãnh đạo hải quân hàng đầu đến từ khắp nơi trên thế giới, để tham dự cuộc Triển lãm và Hội nghị Phòng vệ Biển lần thứ 10 tại Trung tâm Triển lãm Changi.

Theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Singapore, trong tư cách một nước không dính líu tới cuộc tranh giành chủ quyền ở Biển Đông, Singapore không về phe nào trong các cuộc tranh chấp biển đảo ở đây, nhưng Singapore quan tâm về nguy cơ xảy ra các biến cố trên biển, thậm chí nguy cơ xảy ra xung đột cũng đang tăng cao.

Tiến sĩ Ng nói các cuộc tranh chấp lãnh thổ này nằm trong số những thách thức về hàng hải có tiềm năng làm gián đoạn các tuyến hàng hải thương mại trong khu vực này của thế giới, tác động tới Singapore và nền kinh tế toàn cầu.

Bản tin của Bloomberg trích lời Chuẩn Đô Đốc Lai Chung Han của Singapore, đề nghị một khung sườn khu vực để quản lý các hoạt động tàu ngầm trong vùng.

Ông nói các nước trong khu vực có thể khởi sự bằng cách trao đổi thông tin về những giàn khoan dầu, và lịch trình đi lại của các tàu chở hàng lớn. Ông Lai nói ASEAN có thể dựa vào kinh nghiệm của NATO, thiết lập Văn phòng Liên lạc Quốc tế để tàu ngầm có đường thoát và giải cứu trong các trường hợp khẩn cấp.

Ông Lai nói với số lượng tàu ngầm ngày càng nhiều trong khu vực, có thể nói Biển Đông là 'một tai nạn đang sắp xảy ra'.

4 nước hội viên ASEAN, là Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei, cùng với Trung Quốc và Đài Loan, là những nước có tuyên bố chủ quyền từng phần hoặc toàn phần ở Biển Đông.

Trong một tin liên quan khác, theo lời phát biểu của Thứ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Antony Blinken tại một cuộc họp báo ở Jakarta hôm nay, 20 tháng 5, các hoạt động của Trung Quốc cải tạo đất chung quanh các bãi cạn trong vùng biển có tranh chấp ở Biển Đông đang phương hại tới tự do và ổn định, và có nguy cơ khích động căng thẳng, thậm chí có khả năng dẫn tới xung đột.

Ông Blinken được hãng thông tấn Reuters dẫn lời nói tại cuộc họp báo rằng: “Trong bối cảnh Trung Quốc tìm cách xây dựng những lâu đài bằng cát thành những vùng lãnh thổ có chủ quyền, và vạch lại các ranh giới của nước này trên biển, thì các động thái này đang làm xói mòn sự tin tưởng trong khu vực, tác động đến niềm tin của giới đầu tư”.

Vẫn theo thứ trưởng ngoại giao Mỹ, cách ứng xử của Trung Quốc “có nguy cơ tạo ra một tiền lệ là các nước lớn được tự do lấn át các nước nhỏ hơn, khích động căng thẳng, tạo bất ổn, thậm chí có thể dẫn tới xung đột”.

Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đối đầu nhau về cuộc tranh chấp Biển Đông hôm thứ Bảy vừa qua, khi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry trong lúc đến thăm Trung Quốc đã yêu cầu Bắc Kinh hành động để giảm thiểu căng thẳng. Đáp lời Ngoại Trưởng Kerry, Trung Quốc tuyên bố ý chí của họ để bảo vệ các lợi ích của mình là “vững như bàn thạch”.

Tại cuộc họp báo ở Jakarta, Thứ Trưởng Blinken nói các nước cần phải quản lý các đòi hỏi chủ quyền chồng chéo theo đường lối ngoại giao. Ông nói Hoa Kỳ vẫn giữ lập trường là không ngả về phe nào, nhưng ‘cực lực chống đối các hành động có mục đích khẳng định chủ quyền bằng vũ lực hay bằng cách doạ nạt” các bên khác.

Ông Blinken khẳng định Hoa Kỳ sẽ tiếp tục khuyến khích tất cả các nước tranh giành chủ quyền Biển Đông giải quyết những bất đồng theo những cung cách hành xử thông thường được quốc tế công nhận.

Các hình ảnh vệ tinh mới đây cho thấy Trung Quốc đang đạt những bước tiến nhanh chóng trong các công trình lắp đất xây đảo tại quần đảo Trường Sa, và Trung Quốc đang xây một phi đạo có thể được sử dụng bởi máy bay quân sự, và có dấu hiệu là một phi đạo thứ nhì cũng sắp sửa được xúc tiến.

Tờ The Wall Street Journal hôm 19/5 trích lời lãnh đạo cao cấp thứ nhì của lực lượng Hải quân Hoa Kỳ, Nữ Đô Đốc Michelle Howard, yêu cầu Trung Quốc giải thích các hoạt động lấp đất xây đảo ở Biển Đông. Bà cho biết Mỹ sẽ hỗ trợ các quốc gia Đông Nam Á, nếu các nước này chọn giải pháp đoàn kết với nhau chống lại Bắc Kinh.

Đô Đốc Howard nói: “Tôi nghĩ đã tới lúc Trung Quốc nên thảo luận về ý nghĩa của các hoạt động cải tạo đất của họ. Từ quan điểm riêng của tôi, không ai có thể nói là họ làm như vậy để xây một khu nghỉ mát trên đó. Thế cho nên, ai đó cần giải thích vì sao họ lại có những hoạt động đó.”

The Wall St. Journal tường thuật rằng Đô Đốc Michelle Howard đưa ra lời phát biểu đó trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Ba vừa rồi, phát biểu mà tờ báo bình luận là đã "góp phần tăng sức ép để đòi Trung Quốc phải đáp ứng những lời chỉ trích đối với các công trình xây đảo nhân tạo của Trung Quốc trong các vùng biển tranh chấp”.

Hoa Kỳ đang cân nhắc việc điều các máy bay hoặc tàu hải quân Mỹ đến gần các đảo tân tạo, một động thái có phần chắc sẽ làm leo thang tình hình, một tình huống mà Trung Quốc đã lên tiếng bày tỏ "quan ngại sâu sắc".

Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa bình luận về phát biểu của Đô Đốc Howard.

Theo một bản tin của PressTv, một tàu hải quân Mỹ và tàu chiến Trung Quốc đã đối đầu nhau ở Biển Đông, sau khi Ngũ Giác Đài loan báo quyết định giám sát khu vực.

Đô Đốc Michelle Howard hôm qua cho biết trong cuộc đối đầu này, hai bên đã áp dụng những quy tắc mà hai bên đã thoả thuận trước đó, để xử lý những vụ đối đầu không định trước trên biển.

Tàu hải quân Mỹ, chiếc USS Forth Worth, gặp tàu hải quân Trung Quốc gần quần đảo Trường Sa, và hai bên cùng tôn trọng các quy tắc có sẵn một cách chuyên nghiệp, theo lời Đô Đốc Michelle Howard.

Mới đây Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter đề xuất một số giải pháp, trong đó có việc điều máy bay trinh sát Mỹ bay trên không phận Biển Đông, và điều động tàu chiến tới phạm vi 12 hải lý cách quần đảo Trường Sa. - VOA
|
|

6.
Kêu gọi ngưng xuất khẩu thịt bò Úc sang VN vì cách giết mổ dã man

Thị trường xuất khẩu bò sống là một thị trường 'béo bở' mang về nhiều thu nhập cho nước Úc, nhưng sau khi có bằng chứng về cách giết bò lấy thịt bằng cách nện búa, giới bảo vệ súc vật và truyền thông Australia kêu gọi Canberra hãy xét lại mặt hàng xuất khẩu này.

Hãng thông tấn AFP tường thuật rằng các nhóm hoạt động bảo vệ súc vật đệ đơn lên Bộ Nông Nghiệp Australia, về cách giết bò dã man này sau khi nhận được băng thu hình cho thấy bò bị nện búa tới chết trong các lò mổ, với những hình ảnh mà họ mô tả là 'hết sức tàn bạo', nên không thể phổ biến cho công chúng xem.

Pháp Tấn xã hôm nay trích lời các giới chức Úc, nói rằng hình ảnh bò sống chở sang Việt Nam bị giết bằng búa đã gây phản ứng “ghê sợ”, nhưng Canberra sẽ không có phản ứng tức thời thiếu suy xét, để cấm lĩnh vực xuất khẩu này.

Cách giết bò lấy thịt tàn bạo được cho là xảy ra tại các lò mổ không được Canberra phê chuẩn.

Hiệp hội Animals Australia đã nộp đơn kiện tại Bộ Nông nghiệp nước này, nói rằng có được các hình ảnh video bò bị đập đầu bằng búa trong một lò sát sinh Việt Nam. Theo hiệp hội, những hình ảnh này "kinh hoàng đến nỗi không thể phổ biến công khai ".

Hàng ngàn con bò nhập khẩu từ Úc bị giết trong các lò sát sinh Việt Nam không được Canberra công nhận, vi phạm các quy định xuất khẩu súc vật. Animals Australia cho biết: "Sau khi khảo sát điều kiện tại chỗ, chúng tôi vô cùng lo ngại cho những con bò xuất qua Việt Nam, và tuần tới sẽ gặp gỡ các đại diện của ngành công nghiệp này".

Bộ trưởng Nông nghiệp Barnaby Joyce giải thích trên đài phát thanh rằng ông đã biết về vụ kiện này hồi tháng Ba, và phương pháp giết bò trên chỉ được sử dụng tại ba lò sát sinh gia đình ở miền Bắc Việt Nam. Ông nói: "Tất nhiên chấn thương do dụng cụ loại này gây ra là đáng ghê sợ. Đó là những điều diễn ra tại một số nơi trên thế giới... và chúng tôi không chấp nhận".

Một cuộc điều tra đang được tiến hành để tìm ra các nhà xuất khẩu cung ứng cho các lò sát sinh trên, và theo Bộ trưởng Nông nghiệp, nếu thấy cần thiết thì sẽ phải loại một số người ra khỏi lãnh vực này.

Tuy vậy ông Joyce bác bỏ việc ngưng xuất khẩu bò sống sang Việt Nam - một trong những thị trường lớn nhất của Úc với doanh số trên 100 triệu đô la Úc (70 triệu euro) một năm. Ông nhận định: "Tất cả chúng ta đều sống ở Đông Nam Á. Nếu muốn duy trì quan hệ ổn định, thì phải tránh các phản ứng thiếu suy nghĩ. Chúng ta phải giải quyết vấn đề này bằng cách làm việc với chính phủ Việt Nam".

Năm 2013, việc xuất khẩu bò sang Ai Cập đã bị ngưng lại trong nhiều tháng, sau khi các hình ảnh cho thấy số phận "khủng khiếp" của những con bò cái được phổ biến. Theo Liên đoàn các nhà xuất khẩu bò Úc, tại Úc trâu bò thường bị chích điện gây choáng trước khi giết thịt. Ở các nước khác, nếu bò không bị chích điện thì cũng phải giết theo các phương pháp phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Việc xuất khẩu bò mỗi năm mang lại một tỉ đô la cho nước Úc. - VOA, RFI


No comments:

Post a Comment