Sunday, May 17, 2015

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 17/5

Tin Thế Giới

1.
Ông Tập Cận Bình: Quan hệ Trung-Mỹ vẫn vững mạnh --- Thủ tướng TQ mang sáng kiến ‘Một vòng đai và Một Con đường' đến Châu Mỹ La Tinh

Bất chấp những căng thẳng gia tăng về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, Chủ tịch Nước Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng các mối quan hệ của nước ông với Hoa Kỳ vẫn vững mạnh.

Chủ tịch Tập Cận Bình nói với Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry đang thăm Trung Quốc rằng ông mong chờ chuyến thăm Hoa Kỳ của ông vào tháng 9 sắp tới, và ông tin tưởng rằng cùng hợp tác với nhau hai bên có thể đưa quan hệ Mỹ-Trung lên một tầm cao mới.

Ngoại trưởng Kerry đang thăm Bắc Kinh sang ngày thứ hai của chuyến công du hai ngày này. Ông viết trên Twitter sau cuộc họp rằng hai bên đã thảo luận về "những vấn đề song phương then chốt" và về "chuyến thăm Hoa Kỳ sắp tới" của nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Những thông báo không gây chú ý này được đưa ra tiếp theo sau cảnh báo hôm thứ Bảy của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị rằng quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Bắc Kinh là "không thể lay chuyển."

Ngoại trưởng Vương Nghị đã đưa ra cảnh báo này trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Bắc Kinh, giữa lúc những căng thẳng quốc tế đang tăng về những tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, giàu khoảng sản và dầu hỏa.

Hồ sơ Biển Đông đang gây sóng gió trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh nhưng khi tiếp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sáng ngày 17/05/2015, Chủ tịch Trung Quốc đánh quan hệ Mỹ-Trung vẫn "ổn định" và mong muốn đưa quan hệ song phương "lên một tầm cao mới".

Ngoại trưởng John Kerry công du Bắc Kinh trong hai ngày 16 và 17/05/2015 để chuẩn bị cho Đối thoại song phương Mỹ-Trung dự trù diễn ra tại Washington vào tháng 6/2015 và chuẩn bị cho chuyến công du Hoa Kỳ của lãnh đạo Trung Quốc vào tháng 9/2015. 

Trước các hoạt động bồi đắp đảo của Trung Quốc tại khu vực Trường Sa, nơi có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với nhiều nước Đông Nam Á như Philippines và Việt Nam, hồ sơ an ninh hàng hải tại Biển Đông là trọng tâm chuyến công tác của Ngoại trưởng Mỹ. Tuy nhiên, hôm qua 16/05/2015, khi đề cập đến hồ sơ này, ông Kerry đã bị đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghi cứng rắn đáp lại là Bắc Kinh cương quyết bảo vệ quyền lợi của mình trong khu vực, và đó là điều "không có gì lay chuyển nổi".

Sau những lời lẽ cứng rắn của Ngoại trưởng Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn đánh giá quan hệ Mỹ-Trung là "ổn định". Lãnh đạo Trung Quốc nhắc lại mong muốn là Washington và Bắc Kinh xây dựng một "mô hình mới trong quan hệ giữa hai nước lớn" mà ở đó "mỗi bên phải tôn trọng chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ, hệ thống chính trị và nhịp độ tăng trưởng" của nhau. 

Trung Quốc không thay đổi lập trường về Biển Đông 

Bản tin của Reuters nhắc lại, trên vấn đề Biển Đông, Trung Quốc khẳng định chủ quyền đối với gần 90 % trong tổng diện tích 3,5 triệu cây số vuông của vùng biển này.

Bất chấp những cảnh cáo của Washington về tự do hàng hải ở Biển Đông, khi tiếp đồng nhiệm Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Vương Nghị đã khẳng định lại là Bắc Kinh xây dựng đảo nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc. 

Vào lúc Hoa Kỳ thông báo kế hoạch điều chiến hạm và phi cơ trinh sát đến khu vực mà Bắc Kinh đang xây đắp đảo để bảo đảm tự do hàng hải, một nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì cảnh cáo, Mỹ nên tránh những hành vi gây hấn, và hãy nên "đóng góp nhiều hơn cho ổn định và hòa bình" trong vùng Biển Đông. 

Theo phân tích của thông tín viên đài RFI từ Bắc Kinh, Heike Schmidt, không khí buổi làm việc giữa hai Ngoại trưởng Kerry và Vương Nghị hôm qua 16/05/2015 rất căng thẳng về vấn đề Biển Đông:

"Cho dù Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bày tỏ quan ngại về tốc độ và quy mô các công trình xây dựng các đảo nhân tạo tại Biển Đông, đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị, không nhượng bộ. Người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc thậm chí còn gây thêm căng thẳng khi tuyên bố, với vẻ nghiêm trọng, rằng Trung Quốc tái khẳng định quyết tâm chắc như đá, không gì lay chuyển nổi, trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước này.

Căng thẳng leo thang từ khi các bức ảnh chụp từ vệ tinh hồi tháng Tư vừa qua cho thấy một "Vạn Lý Trường Thành bằng cát" thật sự đang hiện diện tại vùng biển này. Quân đội Trung Quốc dùng xe ủi cát lấp các rạn san hô để xây các cảng cho tầu bè và phi đạo quân sự.

Cả Philippines, Việt Nam, Malaysia và Đài Loan đều quan ngại trước tình trạng trên và Washington đang tính tới việc đưa tầu chiến tới khu vực. Nhưng hiện vẫn chưa có tiến triển gì. Bắc Kinh biện minh là các công trình trên nhằm đảm bảo an ninh cho các tuyến đường hàng hải của Trung Quốc và các nước khác có thể sử dụng các đảo này cho việc cứu hộ trên biển".

TQ tiến vào sân sau của HK

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ ký những thỏa thuận thương mại lớn trong chuyến đi thăm bốn quốc gia Châu Mỹ La Tinh vào tuần tới, giữa lúc các học giả Châu Mỹ La Tinh quan sát để tìm xem sáng kiến phát triển “Một Vòng đai và Một Con đường” của Trung Quốc sẽ đóng một vai trò như thế nào trong vùng này.

Theo như Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Đồng Đạo Trì, Trung Quốc đã nhập khẩu đồng của Peru và Chile, và đậu nành từ Argentina và Brazil, và đã đầu tư hơn 100 tỉ đô la vào Châu Mỹ La Tinh tính đến cuối năm ngoái. Bắc Kinh dự trù đầu tư 250 tỉ đô la vào Châu Mỹ La Tinh trong 10 năm tới theo như loan báo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân chuyến đi thăm vùng này vào tháng Giêng năm nay.

Ông Đồng nói với các phóng viên trong tuần qua là khi đi thăm Brazil, Columbia, Peru và Chile, “chúng tôi hy vọng là xuyên qua sự hợp tác sâu rộng hơn nữa, Trung Quốc và Châu Mỹ La Tinh sẽ cùng nhau tăng tiến sự thịnh vượng và phục hồi toàn cầu.”

Ông Đồng nói thêm “Trong chuyến viếng thăm của Thủ tướng Lý đến bốn nước này, chúng tôi sẽ thảo luận những vấn đề quan trọng như hợp tác về công nghiệp, hạ tầng cơ sở, vùng mậu dịch tự do, hợp tác kinh tế công nghệ, huấn luyện và hỗ trợ tài chánh.”

Theo các học giả Châu Mỹ La Tinh thì những việc này có thể trở thành một phần của sáng kiến phát triển đầy tham vọng “Một Vòng đai và Một Con đường” của Trung Quốc vào lúc Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh những quan hệ kinh tế với vùng này.

Sáng kiến “Vòng đai và con đường” đề cập đến “Con đường Tơ lụa trên Biển Thế kỷ 21” và “Vòng đai Kinh tế Con đường Tơ lụa” nhằm củng cố các mối quan hệ của Trung Quốc với châu Á, châu Âu và châu Phi. Đầu tiên được xem như là một mạng lưới các dự án hạ tầng cơ sở vùng, chương trình được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xem như là chiến lược kinh tế nội địa và chính sách ngoại giao trọng điểm.

Ông Matt Ferchen, một học giả thuộc Trung tâm Carnegie-Tsinghua về Chính sách Toàn cầu nói sáng kiến “vành đai và con đường” có thể và cuối cùng trở thành một ý kiến được mở rộng để Trung Quốc và Châu Mỹ La Tinh khai phá.

Ông Ferchen nói “Có khả năng là các nhà ngoại giao Trung Quốc và các nước Châu Mỹ La Tinh trong tương lai có thể quyết định về các mối quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Châu Mỹ La Tinh qua sáng kiến này.” Mặc dù sáng kiến “vòng đai và con đường” không liên hệ đến Châu Mỹ La Tinh, nhưng ông Ferchen nói “có một số tương đồng giữa nhiều việc Trung Quốc sẽ làm tại Châu Mỹ La Tinh và sáng kiến ‘Một vành đai, Một Con đường,’nhằm tăng tiến tài chánh cho hạ tầng cơ sở và đặc biệt là năng lượng.”

Ông Quách Hải Đào, phó khoa trưởng khoa Quản trị Kinh doanh tại Trường đại học Dầu khí Trung Quốc, nhấn mạnh đến ảnh hưởng kinh tế của chiến lược năng lượng Trung Quốc tại Châu Mỹ La Tinh. Dùng Venezuela như một ví dụ, ông Quách nói “giữa lúc nhu cầu năng lượng của Trung Quốc ngày càng tăng, là hậu quả của tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, sẽ có nhiều dầu hỏa của Venezuela vào Trung Quốc. Đây không những chỉ là một vấn đề chính trị, đây chính là những lợi ích kinh tế.”

Tuy nhiên những nhà học giả khác không lạc quan như thế về sự mở rộng trong tương lai của Trung Quốc về sáng kiến “vành đai và con đường.” Ông Rafael Jimeno, một nhà phân tích chính sách thuộc Datum Analytics, LLC nói với Đài VOA là Châu Mỹ La Tinh không phải là một nguyên khối về mặt địa lý chính trị. Ông nói “Có nhiều quốc gia trong vùng rất mong muốn tăng cường các mối quan hệ với Trung Quốc như là một thách thức đối với ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Tuy nhiên cũng có những nước tại Châu Mỹ La Tinh là những đồng minh chí cốt của Mỹ và những nước này không quan tâm đến việc phát triển những mối quan hệ với Trung Quốc hay không muốn làm như vậy nếu cảm thấy Hoa Kỳ không sẵn sàng đón nhận việc này.”

Một số học giả chỉ ra rằng Châu Mỹ La Tinh có thể không phải là nơi lựa chọn đầu tư lý tưởng của Trung Quốc khi Trung Quốc phải đối phó với một vùng có những khác biệt to lớn về địa lý và văn hóa.Và cũng có nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc có ảnh hưởng chính trị rất giới hạn tại Châu Mỹ La Tinh.

Ông Matt Ferchen nói ở Trung Quốc, có nhận xét là có những điều không ổn trong toàn thể các mối quan hệ của Trung Quốc tại Châu Mỹ La Tinh. Ông nói thêm “Có những điều rất thú vị về việc này như là một thời điểm học hỏi đối với Trung Quốc và đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại nước ngoài, cách thức Trung Quốc tài trợ các dự án đa dạng, đặc biệt đối với năng lượng và hạ tầng cơ sở. Hiện nay có nhiều tranh cãi về cách thức làm thế nào Trung Quốc đã quyết định chuyển từ kiểu mẫu tài trợ đơn phương sang kiểu mẫu tài trợ đa phương nhiều hơn và chúng ta chứng kiến việc này trong Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng cơ sở châu Á và một loạt các sáng kiến khác Trung Quốc đang theo đuổi.” - VOA, RFI
|
|

2.
Ấn Độ và Mông Cổ đẩy mạnh hợp tác chiến lược

Sau khi kết thúc chuyến công du Trung Quốc, Thủ tướng Ấn Độ thực hiện một chuyến viếng thăm lịch sử đến Mông Cổ trong hai ngày 16 và 17/05/2015. Ulan Bator thắt chặt quan hệ với New Delhi để bớt lệ thuộc vào Bắc Kinh. Mông Cổ tới nay vẫn được coi là "sân sau" của Trung Quốc.

Sáng nay 17/05/2015 tại thủ đô Ulan Bator, Thủ tướng Mông Cổ và Ấn Độ đã chính thức ký kết văn bản để tiến tới việc nâng quan hệ song phương lên mức "Đối tác chiến lược". Ngoài ra Thủ tướng Ấn Độ còn chính thức cam kết cấp 1 tỷ đô la tín dụng để hỗ trợ Mông Cổ phát triển cơ sở hạ tầng. New Delhi và Ulan Bator cam kết đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng và an ninh biên giới. Đôi bên đồng ý mở rộng đối thoại quân sự, hợp tác trong các lĩnh vực đào tạo, trao đổi thông tin… để nâng cao khả năng phòng thủ của cả Ấn Độ lẫn Mông Cổ.

Thủ tướng Modi tuyên bố: Ấn Độ và Mông Cổ đều hướng tới tương lai của khu vực Châu Á Thái Bình Dương. 

Kinh tế Mông Cổ chủ yếu trông cậy vào các hoạt động khai thác quặng mỏ. Nằm kẹt giữa hai nước láng giềng to lớn là Nga ở phía bắc, và Trung Quốc ở phía nam và không có đường mở ra biển, Mông Cổ lệ thuộc vào vốn đầu tư và giao thương với Trung Quốc. Ý thức được nhược điểm này, chính quyền Ulan Bator đang tìm kiếm các đối tác mới để làm đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc qua việc đẩy mạnh quan hệ với Nhật Bản và giờ đây là với Ấn Độ. 

Mông Cổ chính thức ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. 

Ông Narendra Modi là Thủ tướng Ấn Độ đầu tiên công du Mông Cổ trong lịch sử 60 năm hai nước thiết lập bang giao. Ngoài chương trình làm việc với các lãnh đạo Mông Cổ, sáng nay, Thủ tướng Narendra Modi đã dành thời giờ viếng thăm tu viện Gandan. Đây là một tu viện nổi tiếng của trường phái Phật giáo Tây Tạng ở thủ đô Ulan Bator. 

Sau Mông Cổ Thủ tướng Ấn Độ tiếp tục vòng công du Đông Á. Ông sẽ thăm Hàn Quốc trong hai ngày 18 và 19/05/2015. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Các ứng viên tổng thống tiềm năng của đảng Cộng hòa dự diễn đàn ở Iowa

11 đảng viên Cộng hòa hy vọng sẽ ra tranh cử tổng thống năm 2016 tham dự một diễn đàn ở bang Iowa hôm thứ Bảy để trình bày với các đảng viên tích cực nhất bang này lý do thuyết phục rằng họ xứng đáng đại diện cho đảng ra tranh cử tổng thống.

Diễn đàn được Ðảng Cộng hòa ở bang Iowa bảo trợ tập trung thảo luận về đề tài Iran, Hồi giáo và tình hình bất ổn ở Trung Ðông.

Các ứng cử viên tiềm năng hô hào cho một sự hiện diện mạnh mẽ hơn của Mỹ trên thế giới, nhưng không đồng quan điểm với nhau về việc Mỹ phải cứng rắn hơn như thế nào đối với các kẻ thù.

Cựu Thượng nghị sĩ Rick Santorum trả lời về việc giải quyết vấn đề Iran là "đưa máy bay ném bóm đến thả bom để đẩy lui chúng trở lại với thế kỷ thứ 17," trong khi Thượng nghị sĩ bang Kentucky Rand Paul nêu lên câu hỏi liệu cuộc tiến quân vào Iraq có đáng hay không, để mà nay Nhà nước Hồi giáo đang nổi lên.

Các đảng viên Cộng hòa khác đổ lỗi cho Tổng thống Barack Obama của Ðảng Dân chủ đã để cho Nhà nước Hồi giáo nổi lên vì không duy trì lực lượng Mỹ đủ mạnh ở Iraq sau khi Mỹ rút quân khỏi nước này. Nhiều ứng cử viên tiềm năng của Ðảng Cộng hòa cáo buộc Tổng thống Obama coi thường mối đe dọa của Nhà nước Hồi giáo.

Các ứng cử viên tiềm năng cũng thảo luận quan điểm của họ về vấn đề giảm thuế, di dân, giáo dục, kinh tế và những đề tài nóng khác đối với cử tri Mỹ. Họ cũng công kích ứng cử viên Hillary Clinton bên Ðảng Dân chủ, với đa số chỉ trích bà Clinton không chịu trả lời thêm những câu hỏi của cử tri trong các cuộc vận động.

Bang Iowa sẽ tổ chức cuộc đua tranh quyền đề cử của đảng đầu tiên cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 vào đầu năm tới. - VOA
|
|

4.
Đặc nhiệm Mỹ hạ sát thủ lãnh IS ở Syria

Các lực lượng đặc nhiệm của Mỹ vừa hạ sát một chỉ huy hàng đầu của nhóm chủ chiến Nhà nước Hồi giáo và bắt giữ vợ của nghi can này tại miền đông Syria, theo tin từ Tòa Bạch Ốc và Ngũ Giác Đài hôm thứ Bảy. Đây là một cuộc hành quân trên bộ duy nhất kể từ khi một liên minh quốc tế bắt đầu không kích các mục tiêu của tổ chức hiếu chiến này vào tháng 8 năm ngoái.

Các giới chức mô tả người đàn ông Tunisa được biết với tên Abu Sayyaf, đã đóng vai trò trong các hoạt động quân sự và tài chánh của nhóm chủ chiến này, trong đó có nguồn lợi tức chính là buôn bán dầu hỏa và khí đốt trên thị trường chợ đen.

Hãng tin ABC trích lời của một viên chức Hoa Kỳ ẩn danh nói Sayyaf bị nhắm vào vì nghi ngờ có liên hệ đến nhân viên cứu trợ Mỹ Kayla Muller, bị tổ chức khủng bố này bắt vào năm 2013 và sau đó bị giết chết. Trước đây ABC loan tin là bà Muller bị giao cho Sayyaf như một cô dâu bị cưỡng bách hay là một nô lệ.

Tin tức cho biết gia đình Muller ngày thứ Bảy theo dõi tình hình này, nhưng chưa bình luận ngay. Tin cũng nói là việc bắt Sayyaf được Tổng thống Barack Obama chấp thuận hồi tháng Ba năm nay, không lâu sau khi cái chết của bà Muller được kiểm chứng. Tin nói thêm là những cố vấn an ninh quốc gia ngày thứ Bảy cũng từ chối bình luận về thời điểm tổng thống chấp thuận.

Tòa Bạch Ốc nói rằng Tổng thống Obama chiều tối thứ Sáu đã ra lệnh cho Ngũ Giác Dài phái các binh sĩ Mỹ đóng tại Iraq thực hiện cuộc hành quân ở al-Omar, một động thái hiếm hoi trái với chiến lược hầu hết dùng các cuộc không kích để chống lại các chiến binh Nhà nước Hồi giáo.

Vợ của thủ lãnh IS này, tên là Umm Sayyaf, đang bị quân đội Mỹ ở Iraq giam giữ. Cuộc đột kích cũng giải cứu được một phụ nữ Yazidi trẻ bị hai vợ chồng thủ lãnh IS này giam giữ.

Người phát ngôn Bernadette Meehan của Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết không có binh sĩ Mỹ nào bị thương trong cuộc hành quân này.

Hoa Kỳ và các nước liên minh đã thực hiện chiến dịch oanh kích nhắm vào các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo ở Syria và Iraq mấy tháng qua, nhưng rất giới hạn sử dụng các lực lượng trên bộ. Liên quân thực hiện 21 cuộc oanh kích phối hợp trong đêm qua.

Các giới chức Mỹ nói cuộc đột kích hạ sát thủ lãnh Abu Sayyaf của IS không có sự phối hợp với chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad.

Ông Yan St-Pierre, giám đốc điều hành của công ty tham vấn MOSECON có trụ sở tại Berlin nói việc loan báo cái chết của Abu Sayyaf là một đòn tâm lý để làm chậm đà tiến của Nhà nước Hồi Giáo.

Ông Yan St-Pierre nói với Đài VOA rằng “Thông thường, loan báo không được đưa ra trong vòng vài tiếng đồng hồ sau khi hạ sát hay có thể một ngày sau đó. Họ muốn xác nhận là mục tiêu đã thực sự bị giết. Họ muốn đảm bảo việc này. Tuy nhiên trong vòng 24, 48 giờ qua, với việc Nhà nước Hồi Giáo đã đạt được nhiều tiến bộ, nên có thể việc này đã tăng thêm áp lực đối với liên minh để hành động nhanh chóng hơn mong muốn.”

Vụ đột kích trong đêm vào khu vực các giếng dầu diễn ra giữa lúc các phần tử hiếu chiến Nhà nước Hồi Giáo tấn công để giành quyền kiểm soát vùng lãnh thổ gần thành phố cổ Palmyra của Syria, và Ramadi, tỉnh lỵ của một tỉnh Iraq.

Tuy nhiên ông St-Pierre nói cuộc hành quân al-Omar được hoạch định một cách chu đáo trước những cuộc tấn công mới đây của Nhà nước Hồi Giáo, và dường như đã thành công về mặt quân sự. Tại Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter nói: "Cuộc hành quân giáng thêm một đòn mạnh” vào Nhà nước Hồi giáo. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
StoryMaker: Công cụ truyền thông mới cho cư dân mạng

Trong nỗ lực hỗ trợ phong trào dân báo, Đảng Việt Tân, Tổ chức Article 19 và Đài Á Châu Tự Do tổ chức buổi ra mắt một công cụ truyền thông mới có tên gọi là StoryMaker.

Buổi ra mắt StoryMaker kéo dài từ ngày 15-17 tháng 5, 2015 tại Singapore với sự có mặt của hơn 30 tham dự viên đến từ Việt Nam và các tổ chức quốc tế.

Trong ba ngày sinh hoạt các tham dự viên được huấn luyện về kỹ năng truyền thông và cách áp dụng công cụ StoryMaker để thực hiện các bản tin và phóng sự có chất lượng. Ngoài huấn luyện về truyền thông, các tham dự viên sẽ gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với các tổ chức nhân quyền quốc tế về vấn đề tự do ngôn luận.

Các tổ chức và cơ quan truyền thông tham gia huấn luyện:

- Ký giả Nguyễn Khanh, Giám đốc Ban Việt Ngữ, Đài Á Châu Tự Do

- Đạo diễn Vũ Trần, Giám đốc Chương trình, Đài Truyền Hình SBTN

- Kỹ sư Lê Quang, Chuyên viên kỹ thuật, Đảng Việt Tân

- Cô Judy Taing, Đặc trách Á Châu, Hiến Chương 19 (Article 19)

- Ông Benjamin Ismail, Đặc trách Á Châu, Phóng Viên Không Biên Giới (RSF)

Trong thời đại ngày nay, làm truyền thông không còn là lãnh vực độc quyền của giới ký giả chuyên nghiệp. Bất cứ ai với chiếc điện thoại thông minh trên tay cũng có thể thành một nhà báo công dân. Công cụ StoryMaker đã được chuyển ngữ sang 13 ngôn ngữ và tiếng Việt là phiên bản mới nhất được thực hiện bởi Đảng Việt Tân.

Blogger Dũng Mai, một người hoạt động luôn đi sát với các dân oan có mặt tại buổi ra mắt StoryMaker chia sẻ: “StoryMaker cho những người làm truyền thông lề dân một công cụ mạnh mẽ để truyền tải thông tin xác thực, sống động về tình cảnh khốn cùng của dân oan Việt Nam hiện nay và đưa tới các công dân toàn cầu một cái nhìn đầy đủ hơn về bức tranh Việt Nam 2015”.

Từ góc nhìn của một nhà báo chuyên nghiệp, ông Võ Văn Tạo cho biết: “Chỉ cần một điện thoại Android với vài thao tác đơn giản, ai cũng có thể cho công chúng biết điều bạn muốn nói. Còn gì tự do hơn, thú vị hơn? StoryMaker giúp chúng ta điều đó một cách hữu hiệu.”

Với sự hỗ trợ của công cụ StoryMaker, Ban Tổ Chức hy vọng các tham dự viên nói riêng, và cư dân mạng nói chung sẽ càng làm tốt hơn việc chuyển tải thông tin lề dân đến với đại khối quần chúng, và góp phần để phong trào dân báo ngày một tiến xa.

Các bạn có thể tìm hiểu thêm và download StoryMaker tại: https://www.nofirewall. net/doi-net-ve-storymaker-cong-cu-dong-hanh-cho-cu-dan-mang/ - RFA
|
|

6.
Khánh thành tượng đài Hồ Chí Minh mới

Một bức tượng của Hồ Chí Minh vừa được khánh thành tại trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh hôm Chủ nhật ngày 17/5 nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh của ông.

Bức tượng theo dáng đứng, khắc họa ông Hồ Chí Minh đang đứng vẫy tay, được đặt tại vị trí trước Ủy ban Nhân dân Thành phố – tức đoạn đầu đường Nguyễn Huệ vừa được cải tạo thành phố đi bộ Nguyễn Huệ.

‘Giáo dục giới trẻ tin Đảng’

Bức tượng này có chiều cao 7,2 mét tính từ bệ tượng và thay vào chỗ bức tượng ngồi trước đó cũng khắc họa Chủ tịch Hồ Chí Minh với thiếu nhi, theo truyền thông trong nước. Riêng bức tượng có chiều cao 4,5 mét và được làm bằng hợp kim đồng.

Báo chí trong nước không hề cho biết chi phí để làm bức tượng mới này là bao nhiêu. Trong khi đó, bức tượng cũ đã được chuyển vào khuôn viên Nhà Văn hóa Thiếu nhi.

Tượng đài này được thực hiện sau khi đã trải qua sự thẩm định kỹ lưỡng của Bộ Chính trị và Ban bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam.

“Tượng Bác phải thật sự đẹp, sinh động, tự nhiên, tư thế vững chắc, khỏe khoắn... phản ánh được thần thái ung dung, phúc hậu, nhân từ và tình cảm của Bác đối với đồng bào miền Nam,” – đây là yêu cầu của Ban bí thư đối với bức tượng này được Thông tấn xã Việt Nam dẫn lại.

“Đối với miền Nam, đối với Sài Gòn, Bác Hồ luôn có tình cảm yêu thương đặc biệt sâu nặng,” Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được dẫn lời phát biểu tại buổi lễ khánh thành bức tượng.

Ông Trọng mong rằng bức tượng này sẽ ‘góp phần giáo dục truyền thống đối với các thế hệ trẻ, qua đó hun đúc lòng yêu nước, thương dân, tin Đảng’.

‘Nhân vật gây tranh cãi’

Nhà thơ Đỗ Trung Quân, một người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh và là người mới tuyên bố ra khỏi Hội Nhà văn Việt Nam do chính quyền kiểm soát, nói với BBC rằng trong buổi sáng khánh thành tượng đài ông thấy ‘an ninh xuất hiện trước cửa’ nhà ông.

Bình luận về việc dựng tượng này, Anh Nguyễn Tiến Trung, một cựu tù chính trị, nói với BBC: “Thật ra việc dựng tượng danh nhân là điều nên làm, nhưng đối với một nhân vật gây tranh cãi với các thông tin đều bị bóp méo (như ông Hồ Chí Minh) thì không nên.”

“Sau này nếu các thông tin được bạch hóa thì sẽ xảy ra chuyện không hay với bức tượng đó,” anh nói.

Theo anh Trung thì dựng tượng ông Hồ Chí Minh hay phát động phong trào học tập và làm theo tấm gương của ông ‘không giải quyết các vấn nạn của xã hội hiện nay’ vì ‘tham nhũng vẫn tràn lan và đạo đức xã hội vẫn suy đồi’.

“Vấn đề là các lãnh đạo hiện nay có làm tấm gương hay không,” anh nói. - BBC


No comments:

Post a Comment