Saturday, May 9, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 9/5

Tin Thế Giới

1.
Mỹ tố cáo Trung Quốc bồi đắp thêm 800 ha đảo tại Trường Sa

Hôm qua 08/05/2015, Bộ Quốc phòng Mỹ ra báo cáo thường niên về sức mạnh quân sự của Trung Quốc trong đó nêu rõ Bắc Kinh đã gia tăng thâu tóm bồi đắp các đảo đang tranh chấp trong quần đảo Trường Sa với nhịp độ và quy mô lớn chưa từng có, để biến những đảo đang có tranh chấp tại Biển Đông thành căn cứ hải quân, hiển nhiên thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, với việc bồi đắp đảo từ tháng Giêng năm 2014, Trung Quốc đã "mở rộng diện tích các đảo họ đang chiếm trong Biển Đông lên khoảng 400 lần", tương đương với 800 ha mà 3/4 số này thực hiện từ đầu năm 2015 đến nay.

Báo của Lầu Năm góc chỉ ra bốn vùng trong quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc đã san lấp xong và đã chuyển qua giai đoạn "xây dựng hạ tầng cơ sở" như cầu cảng, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống giám sát và có ít nhất một đường băng sân bay.

Báo cáo còn ghi nhận, trong các công việc cải tạo đảo, Trung Quốc còn khơi sâu các luồng lạch để tàu chiến của họ ra vào những vị trí tiền tiêu trong Trường Sa.

Một quan chức Quốc phòng Mỹ, hôm qua, đã nhận định, cách làm của Trung Quốc nhằm chiếm cứ khu vực Biển Đông đã diễn ra với "tốc độ nhanh và quy mô lớn" hơn nhiều so với các nước có đảo ở Biển Đông.

Hồi đầu tháng Tư, một nhóm nghiên cứu Mỹ đã cho phổ biến những ảnh chụp vệ tinh cho thấy rõ các hoạt động bồi đắp đảo Đá Vành Khăn (Mischief) và san lấp xây cầu cảng ở nhiều hòn đảo khác trong quần đảo Trường Sa.

Phần lớn các nhà phân tích đều nhận thấy ý đồ Trung Quốc muốn thay đổi thực trạng các đảo đang có tranh chấp để xây dựng cơ sở hạ tầng quốc phòng của họ ở Biển Đông.

Ngay lập tức hôm nay, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã phản ứng với bản báo cáo của Lầu Năm Góc. Tân Hoa Xã dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh: "Bản báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ về tình hình quân sự Trung Quốc đã bóp méo sự việc ... không có cơ sở" nhằm tiếp tục tạo hình ảnh Trung Quốc là mối đe dọa quân sự. Ông Cảnh Nhạn Sinh khẳng định "việc tăng cường khả năng quân sự là nhằm bảo đảm giữ gìn an ninh chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và phát triển hòa bình của Trung Quốc" mà không đề cập cụ thể đến hoạt động bồi đắp cải tạo đảo trong Biển Đông.

Hoa Kỳ không khẳng định đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Tuy nhiên không ít lần Washington tỏ lo ngại trước "những hoạt động gây bất ổn định" của Bắc Kinh trong các khu vực đang có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. - RFI
|
|

2.
Bắc Triều Tiên thử nghiệm phi đạn đạn đạo gắn trên tàu ngầm

Các giới chức Nam Triều Tiên cho biết Bắc Triều Tiên vừa bắn thử nghiệm vào biển ba phi đạn cruise chống hạm, một ngày sau khi cảnh cáo họ sẽ tấn công các tàu bè của Nam Triều Tiên mà không báo trước nếu những tàu đó xâm phạm hải phận của miền bắc.

Các giới chức ở Seoul nói rằng các phi đạn đó được bắn ngày hôm nay trong vòng một giờ đồng hồ từ một khu vực gần thành phố cảng Wonsan ở miền đông.

Trước đó trong ngày hôm nay Bắc Triều Tiên cho biết họ đã thử nghiệm thành công một phi đạn đạn đạo gắn trên tàu ngầm, trong một chỉ dấu cho thấy sự tiến bộ về kỹ thuật quân sự của quốc gia Cộng sản này.

Hãng thông tấn Trung ương của nhà nước Bắc Triều Tiên nói rằng lãnh tụ Kim Jong Un dự khán vụ thử nghiệm và đích thân ra lệnh khai hoả. Ông Kim nói rằng vụ phóng phi đạn này là một “sự thành công rực rỡ” và “hết lòng tán dương” các nhà khoa học và các chuyên gia đã hoàn thiện kỹ thuật để phóng một phi đạn đạn đạo từ một tiềm thuỷ đĩnh đang ở dưới mặt nước.

Bản tin của hãng thông tấn Trung ương không cho biết thời giờ và địa điểm của vụ thử nghiệm và tầm tác xạ của phi đạn.

Các nhà phân tích có ý kiến bất đồng về tiến bộ của chương trình phát triển phi đạn đạn đạo gắn trên tàu ngầm của Bắc Triều Tiên, viện dẫn đội tàu ngầm cũ kỹ của nước này.

Bắc Triều Tiên đang bị Liên Hiệp Quốc chế tài và bị cấm phát triển hoặc sử dụng kỹ thuật phi đạn đạn đạo. - VOA
|
|

3.
Anh quốc: David Cameron thành lập nội các mới 100% bảo thủ

Sau khi giành thắng lợi ngoạn mục trong kỳ bầu cử Quốc hội diễn ra hôm thứ Năm 07/05/2015, có được 331 dân biểu trong tổng số 650 ghế tại Hạ viện, ngay từ tối hôm qua, David Cameron đã bắt tay thành lập chính phủ mới. Trao thêm nhiều quyền cho hai xứ Wales và Scotland, yêu cầu cải cách cơ chế hoạt động của Liên Hiệp Châu Âu là những hồ sơ nóng trong nhiệm kỳ mới của Thủ tướng David Cameron.

Từ Luân Đôn, thông tín viên đài RFI Muriel Delcroix gửi về bài tường trình:

"Bốn nhân vật trong nội các cũ vẫn giữ nguyên các chức vụ như trước: George Osborne - Bộ trưởng Tài chính, đồng thời cũng là nhân vật số hai trong nội các, Teresa May - Bộ trưởng Nội vụ, Philip Hammond - Ngoại trưởng và Michael Fallon – Bộ trưởng Quốc phòng. Bốn nhân vật quan trọng này sẽ là cột trụ của một chính phủ mà ông Cameron cam kết lần này là 100% bảo thủ. Điều này đã làm hài lòng rất nhiều nghị sĩ, những người thường xuyên khó chịu về những nhượng bộ đối với đảng Tự do Dân Chủ trong liên minh cầm quyền từ năm 2010.

Trong cuối tuần này, David Cameron sẽ phải kết thúc việc thành lập nội các để công bố vào thứ Hai 11/05 tới đây. Trong bài diễn văn đầu tiên trước Downing street hôm qua, ông Cameron đã cam kết lãnh đạo để "tập hợp cả nước, một quốc gia, Vương quốc Anh của chúng ta". Mặt khác, ông còn xác nhận nhanh chóng tiến hành trao thêm quyền cho xứ Wales và nhất là vùng Scotland. Thắng lợi lớn của đảng theo xu hướng chủ nghĩa dân tộc SNP sẽ đè nặng lên nhiệm kỳ mới của Thủ tướng.

Về việc tổ chức trưng cầu dân ý về Châu Âu trong vòng hai năm tới, David Cameron đã bảo đảm rằng ông sẽ vận động để Anh quốc ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu nếu ông thương lượng thành công một chương trình cải cách về cơ chế hoạt động của Châu Âu. Phe chống Châu Âu trong đảng của ông, vốn thường xuyên chỉ trích Bruxelles, ngày hôm qua, khẳng định là sẽ không gây áp lực, ít ra là vào lúc này, để đòi tiến hành các cuộc thương thuyết với Châu Âu". - RFI
|
|

4.
Nga mời Trung Quốc cùng duyệt binh Đại Lễ 70 năm chiến thắng Phát xít Đức

Nga tổ chức Đại lễ Duyệt binh đánh dấu 70 năm chiến thắng Phát xít Đức trong Đệ nhị Thế chiến và mời Trung Quốc cùng tham gia duyệt binh. 

Hàng nghìn binh sỹ đã tham gia diễu hành tại Quảng trường Đỏ, Moscow, nơi nhiều khí tài hiện đại được cho ra mắt lần đầu tiên.

Hơn 20 nguyên thủ quốc gia đã có mặt ở Moscow, tuy nhiên nhiều lãnh đạo khác đã tẩy chay sự kiện này vì vai trò của Nga trong khủng hoảng ở Ukraine.

Nga bác bỏ cáo buộc của phương Tây rằng nước này đang vũ trang cho phe nổi dậy ở đông Ukraine.

Hơn 6.000 người đã thiệt mạng kể từ khi xung đột nổ ra hồi tháng Tư năm 2014 tại các vùng Donetsk và Luhansk.

Phô diễn sức mạnh

Trong diễn văn mở đầu buổi lễ, Tổng thống Putin ca ngợi sự hy sinh của Hồng quân Liên xô trong Đệ nhị Thế chiến.

Ông cũng cảm ơn "người dân Anh, Pháp và Hoa Kỳ" vì đã "góp phần làm nên chiến thắng".

Tuy nhiên ông nói thêm: "Trong những năm gần đây, những quy tắc cơ bản của sự hợp tác quốc tế đang ngày càng bị phớt lờ, trong khi tư tưởng về khối liên minh quân sự ngày càng xuất hiện nhiều hơn."

Ông Putin đã nhiều lần chỉ trích điều mà ông gọi là nỗ lực của Hoa Kỳ và các đồng minh Nato nhằm 'bao vây' Nga.

Cuộc diễu binh đánh dấu chiến thắng diễn ra vào lúc 10:00, giờ địa phương.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Ấn Độ Pranan Mukherjee và Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon nằm trong số hơn 20 lãnh đạo quốc tế đến dự buổi lễ.

Các đơn vị quân đội từ khắp nơi trên nước Nga - một số mặc trang phục thời Đệ nhị Thế chiến - đã tham gia diễu hành.

Trung Quốc diễu hành

Hơn 100 phi cơ chiến đấu đã bay qua Quảng trường Đỏ.

Một trong số các khí tài được nhiều sự chú ý là xe tăng chiến đấu T-14 Armata, có súng điều khiển từ xa và khoang điều khiển với vỏ dày.

Loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-24, có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân, cũng được nhìn thấy trong buổi diễu binh.

Một đơn vị quân đội Trung Quốc cũng lần đầu tiên tham gia diễu hành tại Quảng trường Đỏ.

Đây là động thái được cho nhằm thể hiện sự thắt chặt quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh, trong lúc vắng bóng nhiều nhà lãnh đạo phương Tây.

Các cuộc diễu binh với quy mô nhỏ hơn cũng diễn ra ở các thành phố khác, trong đó có Sevastopol ở Crimea - bán đảo ở phía nam Ukraine bị Nga sáp nhập hồi tháng Ba năm ngoái. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

5.
Washington tố cáo vũ khí mới của tin tặc Trung Quốc

Sau khi thiết lập “tường lửa” ngăn chận thông tin nội bất xuất ngoại bất nhập, Trung Quốc tiens thêm một bước sử dụng “đại pháo” để tấn công web site ở bên ngoài. Chiến thuật này làm Hoa Kỳ lo ngại. Chính phủ Mỹ yêu cầu Bắc Kinh “điều tra” về thông tin Trung Quốc sử dụng một vũ khí mới để tăng cường kiểm duyệt internet.

Hôm qua 08/0/2015, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke tuyên bố Hoa Kỳ lo ngại Trung Quốc sử dụng một loại vũ khí tấn công mới, có khả năng xâm nhập vào hệ thống thông tin liên lạc của người sử dụng internet trên toàn cầu. Từ đó tin tặc tấn công vào các trang mạng bên ngoài Trung Quốc.

Chính phủ Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc làm sáng tỏ vấn đề này và cung cấp kết quả.

Theo các nhà nghiên cứu được AFP trích dẫn, thì Trung Quốc dường như tăng cường kiểm duyệt internet với phương tiện gọi là "đại pháo”  cho phép chế độ Bắc Kinh tăng cường hiệu năng “tường lửa” phá hoại các web site “bên ngoài” biên giới. Chuyên gia an ninh mạng Justin W.Clarke gọi các "đại pháo" này là "một công cụ có khả năng phá hoại mạnh mẽ chưa từng thấy".

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy “chứng cớ không thể chối cãi” mặc dù Trung Quốc vẫn phủ nhận.

Cụ thể tin tặc Trung Quốc “xâm nhập” luồng thông tin trên web site quốc tế gửi về một máy chủ ở Trung Quốc, rồi biến đổi thành mã độc để tấn công làm tê liệt các website ở Mỹ. - RFI
|
|

6.
Vi rút Ebola được phát giác trong mắt của bác sĩ người Mỹ

Một tạp chí y học cho biết vi rút Ebola đã được phát giác trong mắt của một vị bác sĩ người Mỹ đã bình phục sau khi nhiễm bệnh này, một khám phá hiếm có trong các cuộc nghiên cứu về Ebola.

Theo Tạp chí Y học New England, các nhà khoa học cho biết vị bác sĩ đó nhiễm Ebola hồi năm ngoái trong lúc làm việc ở Sierra Leone, và hai tháng sau khi bình phục mắt ông vẫn mờ và đau.

Các cuộc xét nghiệm cho thấy chất nước trong mắt trái ông có virut Ebola sống hay chứng uveitis, một loại viêm nhiễm nguy hiểm bên trong con mắt. Chứng uveitis cũng đã được chẩn đoán ở những người Tây Phi sống sót sau khi nhiễm Ebola.

Trước đây, người ta hầu như không biết gì về khả năng tồn tại trong mắt của Ebola. Vi rút này có thể sống nhiều tháng trong tinh dịch, nhưng người ta nghĩ rằng các loại thể dịch khác không còn Ebola một khi bệnh nhân khỏi bệnh.

Trong bài viết trên Tạp chí Y học New England, các nhà khoa học đề nghị nghiên cứu thêm để kiểm tra vi rút Ebola trong những bộ phận khác của cơ thể thuộc loại “immune priviledged” như trung khu thần kinh, tinh hoàn và xương sụn. - VOA


No comments:

Post a Comment