Friday, May 15, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 15/5

Tin Thế Giới

1.
Tổng thống Obama trấn an các đối tác vùng Vịnh

Tổng thống Obama trấn an các đối tác Ảrập ở vùng Vịnh rằng Hoa Kỳ sẽ đứng về phía họ chống lại những vụ tấn công từ bên ngoài và tăng cường hợp tác an ninh trước những mối đe dọa bao gồm Iran và các phần tử cực đoan bạo động. Hôm qua, ông Obama đã họp với các nhà lãnh đạo vùng Vịnh tại Trại David, nơi nghỉ mát của tổng thống bên ngoài thủ đô Washington.

Những lời trấn an không đi đến mức một thỏa thuận quốc phòng chính thức như mong muốn của một số nước vùng Vịnh, nhưng chứa đựng thông điệp mà họ muốn nghe từ phía Tổng thống Obama vào một thời điểm mà các quốc gia cảm thấy bị đe dọa bởi vai trò của Iran trong khu vực và vì sự nổi lên của các nhóm cực đoan.

Tổng thống Obama gọi cuộc họp cấp cao là một thành công. Lời cam kết ông đưa ra với các đối tác vùng Vịnh là rõ ràng: “Hoa Kỳ sẽ đứng cạnh các đối tác trong vùng Vịnh chống lại tấn công từ bên ngoài và sẽ tăng cường và mở rộng công cuộc hợp tác mà chúng ta đã có khi nói về nhiều thách thức hiện hữu trong khu vực.”

Để hỗ trợ cho lời cam kết đó, tổng thống đã để xuất một danh sách các lãnh vực mà Hoa Kỳ sẽ tăng cường sự hợp tác vốn dĩ đã vững mạnh với quân đội của các quốc gia Ảrập trong vùng Vịnh. Thêm các cuộc diễn tập chung, tăng tốc việc bán vũ khí, và Hoa Kỳ giúp xây dựng một hệ thống phòng thủ phi đạn mang tính phối hợp hơn.

Một thông cáo chung công bố vào cuối cuộc họp cấp cao nói rằng Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác với các quốc gia vùng Vịnh để ngăn ngừa và đối đầu với một mối đe dọa từ bên ngoài đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của bất cứ đối tác nào trong vùng Vịnh.

Giống như chính cuộc họp thượng đỉnh, thông cáo có mục đích giải tỏa những mối quan ngại của các quốc gia vùng Vịnh cho rằng Hoa Kỳ tách rời khỏi khu vực giữa những đe dọa của Iran.

Hoài nghi

Các quốc gia vùng Vịnh tỏ ý hoài nghi các nỗ lực của Tổng thống Obama nhằm đạt được một thỏa thuận hạt nhân với Iran, và nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã dành phần lớn thời giờ trong ngày hôm qua để giải thích quan điểm của ông, rằng một thỏa thuận, nếu đạt được sẽ làm cho toàn bộ khu vực an toàn hơn.

Tổng thống Obama nói các nhà lãnh đạo vùng Vịnh đã không che giấu mối quan ngại rằng một thỏa thuận hạt nhân có thể giúp Iran tài trợ nhiều hơn để gây xáo trộn trong khu vực của họ.

Ông nói: “Một số nước có bày tỏ mối lo ngại rằng có thêm các nguồn lực, thông qua việc giảm bớt chế tài, thì có thể Iran sẽ tuồn phần lớn các nguồn lực này vào các hoạt động gây bất ổn thêm.”

Các giới chức Hoa Kỳ nói lời trấn an của Tổng thống là một sự cam kết vững mạnh hơn so với những gì Hoa Kỳ có với phần lớn các đối tác khác.

Cuộc họp cấp cao đã khởi đầu không được suôn sẻ, vì chỉ có 2 trong 6 quốc gia vùng Vịnh gửi các vị nguyên thủ đi phó hội. Việc Quốc vương Ảrập Saudi bãi bỏ chuyến đi được nhiều người diễn dịch là một cử chỉ tỏ ý khinh thị.

Nhưng hồi khuya hôm qua, vị ngoại trưởng của Ảrập Saudi có vẻ lạc quan và gọi đó là một ngày cực kỳ hữu ích. Ông nói chính phủ của ông sẽ chờ đợi và theo dõi các cuộc thương nghị hạt nhân trước khi phán xét chúng. - VOA
|
|

2.
Tướng đảo chính Burundi bị bắt

Ba lãnh đạo của cuộc đảo chính bất thành chống lại Tổng thống Pierre Nkurunziza đã bị bắt, phát ngôn nhân của tổng thống nói.

Tuy nhiên, người lãnh đạo đảo chính, Tướng Godefroid Niyombare "vẫn đang trốn chạy".

Trước đó, Tướng Niyombare nói với hãng tin AFP rằng ông và các ủng hộ viên sẽ đầu hàng. "Tôi hy vọng là họ sẽ không giết chúng tôi," ông nói thêm.

Tổng thống Pierre Nkurunziza viết trên Twitter rằng ông đã trở về. Âm mưu đảo chính diễn ra khi ông đang có mặt tại Tanzania.

Ông được trông đợi sẽ có bài phát biểu trước toàn quốc.

'Quy trách nhiệm'

Tướng phản bội, từng là bộ trưởng quốc phòng, Tướng Cyrille Ndayirukiye là một trong ba lãnh đạo của cuộc đảo chính đã bị bắt hôm thứ Sáu, phát ngôn nhân của ông Nkurunziza, Gervais Abayeho nói với BBC Thế giới vụ.

"Nếu bị phát hiện là nằm trong số lãnh đạo cuộc đảo chính thì họ sẽ phải đối diện trước công lý," ông Abayeho nói. Ông nói thêm rằng chỉ có một nhóm nhỏ trong quân đội đã nổi loạn và bác bỏ việc cho rằng có sự chia rẽ trong quân đội.

Bộ trưởng An ninh Gabriel Nizigama nói với phóng viên BBC Maud Jullien tại Bujumbura rằng hai chỉ huy trưởng cảnh sát cùng khoảng mười sỹ quan cảnh sát khác cũng đã bị bắt giữ sau cuộc đọ súng ngắn tại tư gia của một trong các vị tướng, nơi những người này ẩn náu.

Tướng Ndayirukiye trước đó nói nỗ lực lật đổ Tổng thống đã thất bại. Ông nói các lãnh đạo đảo chính đã "phải đối diện với sức mạnh quân sự hùng hậu quyết tâm bảo vệ hệ thống quyền lực".

Các nhóm xã hội dân sự tại Burundi đang kêu gọi người dân xuống đường sau nhiều tuần biểu tình phản đối việc ông Nkurunziza quyết định ra tranh cử nhiệm kỳ ba.

"Phong trào của chúng tôi không liên quan gì tới nỗ lực đảo chính hay cuộc đảo chính bất thành," Gordien Niyungeko từ nhóm Focode nói với hãng tin Reuters.

Tin tức nói các đường phố ở thủ đô Bujumbura khá yên ắng vào sáng thứ Sáu.

Phát ngôn viên của tổng thống nói việc tổ chức bầu cử sẽ vẫn diễn ra như dự kiến. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Thượng viện Mỹ bỏ phiếu mở đường cho cuộc tranh luận về TPP

Thượng viện Mỹ đã củng cố nghị trình thương mại của Tổng thống Barack Obama bằng cách bỏ phiếu với tỉ lệ 65-33 để bắt đầu tranh luận về một dự luật tạo điều kiện cho việc chuẩn thuận một thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia ven Thái Bình Dương, chiếm 40 phần trăm tổng sản lượng kinh tế toàn cầu.

"Cuộc tranh luận này sẽ xác định xem liệu đất nước của chúng ta có sẵn lòng và có thể chấp nhận những thách thức của nền kinh tế thế giới, hay là chúng ta tiếp tục rút lui và để mình bị chủ nghĩa cô lập và bảo hộ thương mại mê hoặc," Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Orrin Hatch nói. Ông là đồng tác giả của Thẩm quyền Xúc tiến Thương mại (TPA), một dự luật cho phép quốc hội chỉ được quyền bỏ phiếu ủng hộ hay chống đối các hiệp định thương mại mà không được sửa đổi.

"Nó sẽ xác định xem chúng ta với tư cách quốc gia có thể và có sẵn lòng đặt ra những quy định cho nền kinh tế thế giới, hay là chúng ta sẽ ngồi ngoài rìa và để những quốc gia khác đặt ra quy định," Thượng nghị sĩ Hatch nói.

Hai ngày sau khi các nghị sĩ Dân chủ bỏ phiếu chặn cuộc tranh luận về TPA, một phe ủng hộ thương mại bên trong Đảng Dân chủ hôm thứ Năm đã cùng các nghị sĩ Đảng Cộng hòa bỏ phiếu thúc đẩy dự luật này, nhận được sự ủng hộ vững chắc của chính quyền Obama.

Tuy nhiên, một số khá lớn những nghị sĩ Đảng Dân chủ vốn thường trung thành với ông Obama đã bỏ phiếu "không," trong đó có Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, một nghị sĩ có chủ trương độc lập, nhập hội với các nghị sĩ Dân chủ.

"Bất cứ cái nhìn khách quan nào đối với những thỏa thuận thương mại này sẽ cho chúng ta thấy rằng nó gây tổn hại cho hàng triệu công ăn việc làm trả lương đủ sống, và đưa chúng ta tới một cuộc đua xuống dưới đáy mà trong đó người lao động Mỹ bị buộc phải cạnh tranh với người lao động ở những nước có mức lương thấp kiếm được vài xu một giờ," ông Sanders, người cũng là ứng cử viên Đảng Dân chủ cho cuộc đua tổng thống, nói.

Đối tác Xuyên Thái Bình Dương

Những người ủng hộ TPA khẳng định rằng những thiếu sót về luật thương mại trước đó, như Thỏa thuận Thương mại Tự do Bắc Mỹ, NAFTA, đã được sửa chữa.

"Chúng ta đang đưa vào thực thi một chính sách thương mại hiện đại, một chính sách thương mại mà gạt hết sang một bên lề lối hoạt động của NAFTA trong những năm 1990," Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Ron Wyden nói. "Nó phải bắt đầu với một gói thực thi thương mại cứng rắn, mạnh mẽ và hữu hiệu."

TPA được xem là một bước hệ trọng cho việc hoàn tất của thỏa thuận Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 12 quốc gia, trong đó đã được đàm phán trong nhiều năm qua. Nó sẽ được nhập vào một dự luật hỗ trợ người lao động Mỹ mất việc do những thỏa thuận thương mại mới, thỏa mãn một đòi hỏi then chốt của các nhà lập pháp Đảng Dân chủ.

Các cuộc tranh luận về thương mại phơi bày mối rạn nứt gay gắt giữa Tổng thống Obama và một số khá lớn những nghị sĩ của Đảng Dân chủ trong Quốc hội, những người dè dặt hay mạnh mẽ chống đối những thỏa thuận thương mại mới. Trong những tuần gần đây, Tòa Bạch Ốc đã công khai bất đồng với những nhà lập pháp đó và thậm chí nhận được lời khen bất thường từ lãnh đạo Khối đa số Cộng hòa ở Thượng viện, Mitch McConnell, người ca ngợi việc thúc đẩy dự luật thương mại này là "tin tốt lành cho tầng lớp trung lưu của nước Mỹ."

"Tôi muốn cảm ơn tổng thống," ông McConnell nói. "Không, các bạn không nghe nhầm. Tổng thống Obama đã làm điều có lợi cho đất nước của ông ấy bằng việc quay sang công kích cơ sở ủng hộ của mình và phản bác một số luận điệu nực cười mà chúng ta đã nghe thấy."

Cuộc tranh luận của Quốc hội về TPA có thể kéo dài nhiều tuần. Đó là một dự luật mà cộng đồng doanh nghiệp Mỹ ủng hộ với tỉ lệ áp đảo trong khi những nhóm lao động và môi trường kịch liệt phản đối.

Hành động về thuế quan và tiền tệ

Trước cuộc bỏ phiếu thủ tục về TPA, Thượng viện đã bỏ phiếu với tỉ lệ 78-20 chấp thuận một dự luật ngăn tình trạng thao túng tiền tệ của những đối thủ cạnh tranh kinh tế với Mỹ, đặc biệt là Trung Quốc.

"Trung Quốc dường như cảm thấy họ có thể thoát được với hành động thương mại sai trái kiểu này," Thượng nghị sĩ Dân chủ Chuck Schumer nói. "Chúng ta phải làm điều gì đó để cho Trung Quốc thấy dứt điểm rằng họ không thể thoát được."

Ông Hatch bày tỏ lo ngại rằng những quy định về tiền tệ mang tính trừng phạt sẽ mời gọi những biện pháp trả đũa của các nước khác đối với chính sách tiền tệ của Mỹ.

Thượng viện cũng bỏ phiếu với tỉ lệ 97-1 chấp thuận ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa sản xuất tại châu Phi và những nước đang phát triển khác.

"Việc gia hạn luật AGOA (Đạo luật Tăng trưởng và Cơ hội châu Phi) đưa chương trình này lên tầm mức kế tiếp," ông Wyden nói. "Tôi tin rằng nó có lợi cho đất nước của chúng ta, cho vùng hạ Sahara châu Phi, và nó nên là nền tảng của chính sách kinh tế của chúng ta trong khu vực." - VOA
|
|

4.
Hoa Kỳ khẳng định vai trò tại Biển Đông --- Việt Nam hoan nghênh Mỹ "duy trì hòa bình" ở Biển Đông

Các giới chức Mỹ nói Ngũ Giác Đài đang cứu xét việc phái các chiến hạm và máy bay để khẳng định quyền tự do hàng hải tại Biển Đông, một thách thức trực tiếp đối với Trung Quốc khi nước này xây dựng những đảo nhân tạo trên vùng biển tranh chấp.

Trong 3 năm qua, Trung Quốc đã nhanh chóng nới rộng việc xây dựng trên các bãi đá ngầm trên vùng biển một số quốc gia giành chủ quyền.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel nói: “Chúng ta phải ngăn chặn thái độ thách thức như thế.”

Một buổi điều trần trong tuần này (13/5) của uỷ ban ngoại giao thượng viện đã nghe Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Russel và các giới chức khác hối thúc Trung Quốc đình chỉ việc xây dựng. Các giới chức Hoa Kỳ xem việc xây dựng trên các bãi đá ngầm như là một việc bày tỏ quyền lực nhằm kiểm soát hải phận quốc tế.

Ông David Shear, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói: “Chúng ta khẳng định quyền tự do đi lại tại những khu vực như thế và chúng ta hành xử quyền này thường xuyên tại Biển Đông cũng như trên toàn thế giới, và chúng ta sẽ tiếp tục hành xử quyền này trên mặt biển cũng như trên không.”

Những hình ảnh từ Google Earth ghi nhận các hoạt động của Trung Quốc trên 4 bãi đá ngầm.

Giữ nguyên trạng

Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Shear và Trợ lý Ngoại trưởng Russel bảo đảm với các nhà lập pháp là Hoa Kỳ sẽ tiếp tục “duy trì ưu thế quân sự” thông qua việc triển khai máy bay và tàu chiến trong vùng này.

Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng David Shear nói: “Chúng ta không thiếu khả năng và khí cụ trên toàn vùng để hỗ trợ cho chính sách ngoại giao của chúng ta, đảm bảo ngăn chận và đảm bảo an ninh quốc gia.”

Hoa Kỳ và các nước khác quan tâm đặc biệt đối với việc giữ nguyên trạng trên vùng biển này vì Biển Đông là một trong những con đừng hàng hải bận rộn nhất trên thế giới.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Daniel Russel nói: “Chiến lược của chúng ta và hành động của chúng ta là bảo vệ các qui tắc chứ không bảo vệ những đảo đá.”

Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Shear xác nhận rằng Hoa Kỳ có thời gian để thuyết phục Trung Quốc ngưng xây dựng trên những bãi đá ngầm vì Trung Quốc sẽ không hoàn tất một dự án sân bay trên biển ít nhất là cho đến năm 2017 hay 2018.

Nhưng một số nhà lập pháp lo ngại là những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm ngăn chận Trung Quốc xây dựng các cấu trúc có thể sẽ là quá ít, và quá trễ.

Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm nay 14/05/2015, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tuyên bố: "Việt Nam hoan nghênh mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ, trong việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực Biển Đông".

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố như trên khi được hỏi về phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ về Biển Đông tại Washington ngày 13/05.

Khi được hỏi về việc Mỹ dự trù phương án đưa chiến hạm và chiến đấu cơ đến gần các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông, ông Lê Hải Bình không trả lời trực tiếp mà chỉ nói chung chung: "Chúng tôi mong muốn các bên liên quan, các quốc gia trong và ngoài khu vực có những nỗ lực tích cực đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, và an toàn hàng hải ở khu vực và không có những hành động làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông”. 

Theo hãng tin Reuters, một quan chức Mỹ, xin được miễn nêu tên, ngày 12/05/2015 cho biết là Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đã đề nghị nghiên cứu nhiều phương án khác nhau, trong đó có phương án gởi các chiến hạm và chiến đấu cơ đến khu vực cách những đảo nhân tạo của Trung Quốc chưa tới 12 hải lý ( 22 km ).

Việc triển khai chiến hạm và chiến đấu cơ đến Biển Đông nằm trong khuôn khổ các chiến dịch thường xuyên của quân đội Mỹ nhằm bảo đảm quyền tự do lưu thông hàng hải trên thế giới.

Trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố Trung Quốc “vô cùng lo ngại” về việc Mỹ lên kế hoạch triển khai chiến hạm và chiến đấu cơ đến gần các đảo nhân tạo của Trung Quốc.

Cũng trong cuộc họp báo hôm nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết là Việt Nam theo dõi sát giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đang hoạt động ở khu vực giếng Lăng Thủy trên Biển Đông, "để sẵn sàng ứng phó khi có sự việc xảy ra trên biển".

Cục Hải sự Trung Quốc ngày 06/05 vừa qua đã thông báo giàn khoan HD 981 sẽ hoạt động từ ngày 06 đến 16/05 tại địa điểm nói trên, cách thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam 75 hải lý về phía Đông Nam. - VOA, RFI
|
|

Tin Việt Nam

5.
Qatar đồng ý mua tòa nhà cao nhất Việt Nam

Cơ quan đầu tư của Qatar đã đồng ý mua tòa tháp Keangnam Hanoi Landmark Tower tại Việt Nam với giá $800 triệu đôla, và giành độc quyền tham gia các cuộc đàm phán tiếp theo.

Theo báo chí Hàn Quốc, qũy đầu tư quốc gia của Qatar mới thông báo cho Colliers International, công ty quản lý vụ mua bán tòa nhà do phía Hàn Quốc bỏ tiền ra xây.

Quỹ này cho biết đồng ý với giá bán 800 triệu đôla theo như tòa án Hàn Quốc đặt ra. Trước đó, cơ quan của nhà nước Qatar chỉ đặt giá 600 triệu đôla, nhưng sau đó đã quyết định nâng lên theo phán quyết của tòa án.

Tin cho hay, các tổ chức tín dụng cho công ty Keangnam vay để xây tòa nhà đã đồng ý để ngỏ khả năng thương thảo trước tháng Bảy.

Keangnam Hanoi Landmark Tower là tòa nhà cao nhất Việt Nam hiện nay gồm 72 tầng. Tập đoàn Keangnam khai trương tháp này năm 2012 với giá hơn một tỷ đôla.

Tuy nhiên, nhiều bê bối tại tập đoàn này cộng với việc không thể thanh toán khoản tiền hàng trăm triệu đôla còn nợ các tổ chức, nên tòa nhà đã được giao bán đầu năm nay.

Theo báo chí trong nước, mới đây, người dân cùng các doanh nghiệp thuê văn phòng, trung tâm thương mại đã “kêu cứu” lên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vì lo sợ mất hơn 100 tỷ đồng tiền phí bảo trì. - VOA
|
|

6.
Nhà hoạt động Lê Thị Phương Anh mãn hạn tù

Vào lúc hơn 9 giờ sáng hôm nay 15 tháng 5, chị Lê Thị Phương Anh đã ra khỏi trại giam B5 thành phố Biên Hòa sau khi thụ án đầy đủ 12 tháng tù giam.

“Một năm quá kinh khủng”

Do còn quá mệt sau những thủ tục trước khi rời khỏi trại giam, chị Phương Anh cho đài Á châu tự do biết ngắn gọn cảm xúc của mình như sau:

“Bây giờ em đã trải qua một năm quá kinh khủng. Em mới về không biết nói gì cả chỉ biết là quá kinh khủng! Bây giờ được mọi người đón chào thì rất cảm động và rất hạnh phúc, xin cám ơn tất cả mọi người em không biết nói gì hơn.”

Xin được nhắc lại ngày 14 tháng 5 năm 2014 khi khu công nghiệp Biên Hòa nổ ra các vụ biểu tình với những cuộc bạo động do công nhân làm việc trong các công ty Đài Loan và Trung Quốc chống lại dàn khoan HD 891 của Trung Quốc, chị Lê Thị Phương Anh và hai người bạn là anh Phạm Minh Vũ và Đỗ Nam Trung bị bắt sau khi tới khu công nghiệp Amata để chụp ảnh và quan sát.

Vào ngày 12 tháng 2 năm 2015, Tòa án Nhân dân Tỉnh Đồng Nai đã xử ba người vì đã vi phạm điều 258 Bộ luật hình sự “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.”

Chị Lê Thị Phương Anh được biết là một người tích cực hoạt động trong việc bảo vệ quyền phụ nữ và luôn có mặt tại những điểm nóng có sự tranh chấp giữa người dân và nhà nước. - RFA


No comments:

Post a Comment