Tuesday, May 12, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Ba 12/5

Tin Thế Giới

1.
24 người thiệt mạng trong trận động đất mới 7.3 tại Nepal

Một trận động đất mạnh với cường độ 7.3 đã xảy ra ở miền đông Nepal hồi xế trưa hôm thứ ba 12/5 làm rung chuyển cả nước, chưa đầy 3 tuần lễ sau khi đã bị tàn phá trong một trận động đất mạnh hơn. Có ít nhất 24 người được báo cáo đã thiệt mạng trong vụ động đất mới nhất. Các chấn động được cảm nhận khắp các nước láng giềng Ấn Độ và Bangladesh, theo bài tường thuật từ Mumbai của thông tín viên VOA Anjana Pasricha.

Đối với hàng triệu người bị tổn thương ở Nepal, trận động đất hôm thứ ba là một sự lập lại ghê rợn thảm họa ngày 25 tháng 4 đã làm hàng ngàn người chết và gây thiệt hại cho nhà cửa và những người thân.

Vào lúc đất lại rung chuyển một lần nữa, dân chúng đã bỏ nhà cửa chạy ra đường. Các cửa hàng vừa mở cửa lại mới có vài ngày nay lại vội vàng đóng cửa. Giao thông ùn tắc trên các đường phố ở Kathmandu. Các đường dây điện thoại ngập tràn những cú gọi tuyệt vọng của những người thân muốn biết chắc là gia đình mình an toàn.

Vụ động đất xảy ra ngay sau buổi trưa, giờ địa phương, và tiếp theo là những chấn động mạnh. Đường phố bị tắc nghẽn trong nhiều giờ vào lúc dân chúng tự hỏi chuyện gì sẽ xảy ra cho mình.

Một nhân viên cứu trợ tên là Mulachand Dedhia, mô tả cảnh tượng trong nước cho các phóng viên:

“Tôi nghĩ vẫn còn nhiều hoang mang, mọi người vẫn đang thắc mắc chưa biết phải làm gì. Tôi nghĩ họ vẫn đang chờ đợi ở đây để cố tính toán bước kế tiếp. Tôi chắc chắn là mọi người khá chấn động, vì thế tôi không cho là họ dám liều vào bên trong nhà ít nhất là thêm một thời gian nữa.”

Tại thị trấn Chautara ở Nepal, là nơi bị thiệt hại nặng nề trong trận động đất tháng trước, có tin nhiều về nhiều người tử vong và những người bị thương tràn vào các lều bệnh viện. Cũng có tin về những vụ sập nhà ở nhiều nơi.

Hình ảnh trên truyền hình cho thấy toà nhà quốc hội Nepal bị rung chuyển khi động đất xảy ra. Phi trường tạm thời đóng cửa. Điện bị mất ở thủ đô Kathmandu.

Tâm chấn của vụ động đất mới nhất nằm ở một khu vực hẻo lánh gần ngọn Everest và biên giới Nepal giáp với Tây Tạng.

Tại Zhangmu, một thị trấn của Tây Tạng nằm sát biên giới, dân chúng cũng chạy ra những khoảng trống. Một nhà địa chấn học nói với đài CCTV rằng tác động của trận động đất hôm nay có thể còn tệ hại hơn cho khu vực này bởi vì tâm chấn nằm gần biên giới Nepal giáp với Trung Quốc.

Ông L.S.Rathore, người đứng đầu Sở Khí tượng Ấn Độ, nói trận động đất này nằm dưới sâu hơn so với trận xảy ra hồi tháng 4. Những trận động đất ở sâu hơn thường gây ít thiệt hại hơn, nhưng ông Rathore nói trận động đất hôm nay có khả năng gây thiệt hại.

Ông nói các kiến trúc đã bị suy yếu vì trận động đất trước có thể trở nên dễ bị hư hại hơn sau khi xảy ra trận động đất mới nhất.

Người ta đang lo ngại rằng công tác cứu trợ và phục hồi hiện đang được tiến hành ồ ạt ở Nepal, có thể gặp trở ngại. Chỉ vài ngày trước, giới hữu trách Nepal đã yêu cầu các toán cứu hộ quốc tế rời khỏi nước khi trọng tâm chuyển qua các biện pháp cứu trợ.

Những chấn động của vụ động đất mới nhất có thể được cảm nhận ở khắp Ấn Độ và Bangladesh. Tại thủ đô New Delhi, hàng ngàn nhân công đã ùa ra khỏi các tòa nhà cao ốc.

Trận động đất tháng trước đã làm hơn 8.000 người thiệt mạng, hơn 17.000 người bị thương, và khiến một trong những nước nghèo nhất thế giới này phải khốn đốn vì công tác tái thiết nặng nề. - VOA
|
|

2.
Tổng thống Pháp Hollande kêu gọi Mỹ chấm dứt cấm vận Cuba, gặp Fidel Castro và hội đàm với Chủ tịch Cuba

Hôm qua, 11/05/2015, tại La Habana, Tổng thống Pháp François Hollande đã gặp Fidel Castro, cha đẻ cuộc cách mạng Cuba. Cựu lãnh đạo Cuba đã tiếp nguyên thủ Pháp trong vòng 50 phút. Cuộc gặp gây ấn tượng mạnh đối với ông François Hollande. Tổng thống Pháp tuyên bố: "Tôi muốn có thời điểm lịch sử này, bởi vì đó là lịch sử Cuba, đó là lịch sử thế giới" và bản thân Fidel Castro "là lịch sử".

Sau đó, Chủ tịch Cuba Raul Castro hội đàm với Tổng thống Pháp. Tổng thống Hollande nêu lên ý tưởng muốn tăng cường quan hệ đối tác giữa Paris và La Habana, để nước Pháp đóng vai trò hàng đầu trong quan hệ giữa Liên Hiệp Châu Âu và Cuba.

Từ La Habana, đặc phái viên RFI Florent Guignard tường trình về hai cuộc gặp lịch sử này:

"Quốc ca Pháp La Marseillaise vang lên trên quảng trường Cách mạng tại La Habana phía sau là tấm chân dung bằng thép khổng lồ Ernesto Guevara. Tổng thống François Hollande chiêm ngưỡng hơn một nửa thế kỷ lịch sử trôi qua. Ông vừa được Fidel Castro tiếp tại tư dinh, như người trong nhà.

Nguyên thủ Pháp giải thích: Tôi muốn có thời điểm lịch sử này. Đương nhiên, có một cuộc tranh luận về vị trí của Fidel Castro trong lịch sử, về trách nhiệm của ông. Nhưng về phần mình, tôi muốn gặp ông cũng như ông muốn hướng tới nước Pháp.

Sau khi gặp người anh, ông Hollande gặp người em: Chủ tịch Cuba Raul Castro tiếp và hội đàm chính thức với nguyên thủ Pháp.

Nước Pháp nhắc lại sự ủng hộ Cuba. Sáng hôm qua, tại đại học La Habana, Tổng thống Pháp đã kêu gọi chấm dứt cấm vận của Mỹ đối với Cuba. Ông nói: Chúng tôi mong muốn là những biện pháp cản trở sự phát triển của Cuba được hủy bỏ, đó là việc chúng ta cần làm.

Tỏ thái độ vui mừng, nếu không muốn nói là tự hào với ý tưởng mình là người đi tiên phong, ông Hollande nói: Sẽ là một sai lầm nếu không thực hiện chuyến công du này. Tôi nghĩ rằng tấm gương của tôi sẽ được noi theo và các bạn sẽ có nhiều khách mời tới thăm.

Vào cùng thời điểm đó, tại Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết là ông dự tính tới thăm Cuba vào năm tới.

Màn đêm buông xuống La Habana. Tổng thống Pháp, với nụ cười rạng rỡ, tâm sự: Chúng ta vừa trải qua một ngày lịch sử".

Tổng thống Hollande hôm thứ Hai 11/5 đã hối thúc Hoa Kỳ chấm dứt lệnh cấm vận thương mại đã kéo dài 5 thập niên qua đối với Cuba, đồng thời cam kết nước ông tiếp tục ủng hộ công cuộc cải cách kinh tế của quốc gia cộng sản này.

Tổng thống Hollande đến Havana hôm thứ Hai - trở thành nhà lãnh đạo Tây phương đầu tiên đến thăm Cuba sau khi Chủ tịch Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama loan báo hồi tháng 12 loan báo rằng hai nước sẽ tìm cách chấm dứt mối quan hệ Chiến tranh lạnh đã kéo dài năm mươi năm qua.

Phát biểu tại Đại học Havana, nhà lãnh đạo Pháp nói rằng Paris sẽ làm những gì có thể để "những biện pháp đã gây thiệt hại cho sự phát triển của Cuba" cuối cùng sẽ được xem xét lại. 

Ông Hollande, nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Pháp đến thăm Cuba, dẫn đầu một đoàn đại biểu gồm nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp Pháp đang háo hức muốn gia tăng trao đổi thương mại giữa hai nước hiện đang ở mức 400 triệu đôla.

Tổng thống Hollande ký một loạt thỏa thuận về giáo dục và thương mại song phương với các giới chức Cuba. Ông Hollande cũng hội đàm riêng với chủ tịch Raul Castro và anh trai của ông – nhà lãnh đạo cách mạng đang đau yếu Fidel Castro – người mà Tổng thống Pháp gọi là "một nhân vật làm nên lịch sử."

Chuyến thăm Cuba của Tổng thống Hollande thuộc chuyến công du đến nhiều nước vùng Caribbean. Sáng sớm thứ Ba, ông Hollande sẽ rời Cuba để sang thăm Haiti, một cựu thuộc địa của Pháp. - RFI, VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Ngoại trưởng Mỹ, TT Nga thảo luận về các vấn đề song phương và khu vực

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry hôm nay gặp gỡ Tổng thống Vladimir Putin và Ngoại trưởng Sergei Lavrov của Nga tại thành phố du lịch Sochi để bàn về các vấn đề song phương và khu vực. Theo tường thuật của thông tín viên Mary Alice Salinas của đài VOA tại Bộ Ngoại giao ở Washington, cuộc thảo luận nằm trong khuôn khổ của một nỗ lực đang tiếp diễn nhằm bảo đảm là các quan điểm của Mỹ được biểu đạt một cách rõ ràng giữa lúc quan hệ Mỹ-Nga bị căng thẳng vì những sự bất đồng gay gắt về vấn đề Ukraine và Syria.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Marie Harf cho biết cuộc họp giữa Ngoại trưởng Kerry với Tổng thống Putin và Ngoại trưởng Lavrov của Nga có mục đích chuyển đổi trọng tâm sang đối thoại chính trị và giữ cho các kênh liên lạc được rộng mở.

"Tôi nghĩ rằng vì tình hình hiện nay ở Syria và vì chúng tôi tin là chúng tôi cần phải quay trở lại với một cuộc đối thoại về sự chuyển tiếp chính trị, vì chúng tôi tin là chúng tôi cần phải quay lại với một tiến trình ngoại giao, vì trong vài tháng qua chúng tôi thấy có rất ít sự chuyển động ở đó."

Bà Harf nói rằng đôi bên sẽ thảo luận về tình hình bạo động gia tăng ở Syria, thời hạn chót để đạt thoả thuận hạt nhân với Iran sắp đến, và những mối căng thẳng giữa Tây phương với Nga vì những hành động của Moscow ở miền đông Ukraine.

"Chúng tôi luôn nói rõ là chúng tôi chắc chắn sẽ làm việc chung với nhau khi nào có những lãnh vực chúng tôi có thể hợp tác với nhau -- bất kể đó là cuộc đàm phán với Iran, là cuộc đàm phán mà như quí vị đã biết, đôi bên thật sự nhất trí với nhau, hay là vấn đề Syria và những vấn đề khác. Ngoài ra chúng tôi cũng thảo luận về những vấn đề mà đôi bên có những sự bất đồng rất sâu sắc, như vấn đề Ukraine chẳng hạn."

Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng đôi bên sẽ không đạt nhiều tiến bộ trong cuộc họp ở Sochi.

Ông Stephen Sestanovich, cựu đại sứ lưu động tại Liên Xô và là một nhà nghiên cứu cấp cao của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết như sau.

"Ngoại trưởng Kerry đến đó với ý định có được những cuộc thảo luận mang lại nhiều kết quả, nhưng có rất nhiều sự hoài nghi về khả năng có những sự biến chuyển mới và đạt được thoả thuận thật sự đối với vấn đề gây tranh chấp nhiều nhất."

Ông Sestanovich cho rằng ông Kerry nhắm tới hai mục tiêu cùng một lúc.

"Một mặt, ông ấy muốn chứng tỏ là khi nào có thể thì Hoa Kỳ và Nga sẽ cố gắng làm việc chung với nhau. Nhưng đồng thời ông ấy cũng rất muốn làm rõ một điều là nếu Nga tiếp tục có thái độ bất hợp tác về những vấn đề như Syria hay Ukraine thì cuộc đối thoại có lẽ không mang lại kết quả nào đáng kể."

Ông Sestanovich cho rằng ông Kerry có thể gây sức ép lên Nga về vấn đề Syria nhiều hơn so với trước đây, bởi vì trong thời gian gần đây Hoa Kỳ đã gia tăng sự hỗ trợ cho các nhóm đang chiến đấu chống lại các phần tử cực đoan ở Syria và đang ra sức xây dựng một liên minh của các nước để trợ giúp cho nỗ lực này.

Theo ông Sestanovich, vấn đề hàng đầu của Moscow là làm thế nào để giảm bớt những mối căng thẳng vì những hành động của họ ở Ukraine, những hành động đã khiến các nước Tây phương áp dụng các biện pháp chế tài gây khốn đốn cho nền kinh tế Nga. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

4.
Từ nhà giam tới hành hung trên đường phố

Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến tại Hà Nội vào ngày 11 tháng 5 bị một nhóm người không quen biết bất ngờ tấn công hành hung trên đường vừa đưa con đi học về. Gần đây những người công khai lên tiếng vì quyền con người cũng như tham gia vào các hoạt động xã hội dân sự như anh Nguyễn Chí Tuyến bị tấn công đến thương tích do những thành phần côn đồ mà xuất xứ của họ có nhiều nghi vấn. Tình trạng này khiến dư luận công phẫn đặt câu hỏi ai là người chịu trách nhiệm trước hành vi xem thường luật pháp này? 

Côn đồ lộng hành an ninh không có?

Một lần nữa dư luận bất mãn khi nhìn thấy bức ảnh chụp khuôn mặt đầy máu của anh Nguyễn Chí Tuyến. Những giòng máu chảy xuống trán xuống cằm cho thấy anh bị đánh bằng hung khí và những vết thương này trực tiếp gây cho người nhìn cảm giác mất tin tưởng vào hệ thống bảo vệ pháp luật của nhà nước khi bất lực trước các hành vi chà đạp luật pháp của chính những nhân viên của mình.

Tất cả các nạn nhân của côn đồ đều sẵn sàng tố cáo kẻ thủ ác nhưng do chính quyền khước từ vai trò điều tra nên mọi chuyện cứ lập đi lập lại một cách bình thường làm cho người bị hại không biết phải làm gì trước những kẻ được lệnh tấn công với tâm lý an toàn tuyệt đối.

Một người bạn của anh Tuyến tới nhà thăm anh sau khi anh ra viện cho biết:

-Sáng nay vào lúc 7 giờ rưỡi thì anh Tuyến có đưa con đi học khi quay trở về nhà để chuẩn bị đi làm thì có 5 người thanh niên đi trên hai xe máy, một xe chở ba còn xe kia chở hai người. Xe chở ba người họ chặn xe của anh Tuyến lại, họ nhảy xuống và lao vào họ đánh anh Tuyến. 

Lúc đó anh Tuyến bất ngờ và không có cách nào phản kháng hay có một hành động nào chống trả. Ba người nhảy xuống đánh trước và hai người đi xe máy đàng sau dùng tuýp sắt vụt vào tay anh ấy và vết thương thâm tím ở tay bây giờ vẫn còn. 

Khi chúng nhảy vào chúng đánh hội đồng anh Tuyến thì anh bị thương trên đầu dài 6 cm còn mũi khâu thì trong khi trong phòng tiểu phẩu thì mình và ngay cả người thân của anh Tuyến cũng không được vào nên không biết được bao nhiêu mũi khâu, mình hỏi họ họ cũng không nói. Còn chân tay mặt mũi thì bị đánh sưng tím, máu tụ lại trên mắt còn phía sau gáy sau tai phải thì bị thương nặng, thâm tím bây giờ động vào thì rất đau.

Anh Nguyễn Chí Tuyến được biết là một người hoạt động xã hội tích cực tham gia vào các cuộc diễu hành phản đối dự án chặt cây xanh của chính quyền Hà Nội. Tấn công anh Tuyến là thông điệp của côn đồ nhắn tới những người khác và người dân rất ngạc nhiên trước động thái im lặng bỏ qua kẻ phạm pháp của UBND thành phố Hà Nội.

Anh Tuyến chỉ là nạn nhân thứ ba, hai người trước là anh Sơn Tiến và blogger Gió lang thang đã từng bị hành hung thô bạo. Gió lang thang tức Trịnh Anh Tuấn kể lại việc mình bị công an giả danh côn đồ tấn công như sau:

-Hôm đó sáng ngày 22 tháng 4 thì em trên đường đi mua một số đồ đạc cho con bé của em. Vừa ra khỏi nhà thì em phát hiên có 3 đối tượng theo dõi nhưng em không quan tâm vì không muốn gây kinh động cho họ. Tuy nhiên khi đến một đoạn cách nhà khoảng gần 1 cây số tới đường Cổ Lý thuộc địa hạt Long Biên thì em bị ba đối tượng này đạp xe ngã và lao vào đánh, đạp xe té xuống và lao vào đánh hội đồng rồi họ dùng gạch đập vào đầu em bị thương tích ở đầu và tay và các vết xướt trên cơ thể.

Anh Sơn Tiến, từng bị tấn công với thương tật nặng nề cho biết việc anh và các bạn có ý định khởi kiện bọn côn đồ nhưng sự thật về cách làm việc của tòa án đã làm cho các anh do dự, anh nói:

-Chế độ này nó không bắt mình ra tòa nhưng mà nó dùng bạo lực dùng cách đàn áp những người đấu tranh dân chủ. Anh em chúng tôi sẽ họp bàn nhau làm đơn khởi kiện công an ra tòa án. Cái khởi kiện ấy thì tòa án nó cầm đơn của mình. Anh em đang muốn làm việc ấy nhưng mà đang bàn với nhau thôi chứ chưa bàn được.

Một trong các người bạn của phong trào bảo vệ cây xanh Hà Nội chia sẻ:

-Trước đây có Gió lang thang, tức là Trịnh Anh Tuấn bị đánh và tiếp theo là anh Nguyễn Chí Tuyến thì chắc chắn là bên phía anh em sẽ có một động thái nào đó phản ứng việc này. Nếu mà mình không có động thái phản ứng gì thì chắc chắn thời gian tới thì người tiếp theo trong việc Hà Nội chặt hạ cây xanh này sẽ bị bên phía thành ủy Hà Nội, nói thằng luôn là bên phía thành ủy Hà Nội, họ sẽ có các động thái đàn áp tiếp những người nhiệt tình có thể thu hút một số bạn trẻ thời gian vừa qua đang làm.

Ai trách nhiệm bảo vệ an toàn cho người dân?

Trong một thể chế pháp trị, người dân được bảo vệ sự toàn vẹn thân thể và không một ai được quyền xâm phạm. Côn đồ tấn công anh Tuyến như muốn tận diệt kẻ thù cho thấy sự lộng hành trong hệ thống an ninh không còn giới hạn và người dân chính là nạn nhân trực tiếp bất kể họ là ai, nếu có ý định phản đối những sai trái của bộ máy.

Về trường hợp bị tấn công của Gió lang thang anh khẳng định vì mình đã tham gia phong trào Vì Một Hà Nội Xanh nên mới bị trả thù, anh cho biết:

-Từ khi đi bảo vệ cây xanh mà UBND Hà Nội thực hiện đề án chặt hạ 6.700 cây xanh trong nội đô Hà Nội thì có một phong trào phản đối đề án này để bảo vệ cây xanh. Một tháng trước khi bị đánh thì ngày nào cũng có đối tượng lạ mặt như an ninh theo dõi và rình rập quanh nhà cho đến ngày hôm đó thì họ hành hung em. Em nhận ra các đối tượng này là các đối tượng thường xuyên theo dõi rình rập trước cửa nhà em.

Anh Nguyễn Chí Tuyến cũng nằm trong danh sách côn đồ nhắm vào vì anh là người thường dẫn đầu các cuộc diễu hành và có những hành động được người dân chú ý khích lệ. Sau khi bị đánh anh chủ động tố cáo trước cơ quan chính quyền và nói rõ lý do bọn côn đồ tấn công mình:

-Khoảng 4 giờ chiều tôi chủ động đi ra phường Ngọc Thụy trình báo. Tôi tường trình sơ tình trạng xảy ra như chi tiết nào mà tôi quan sát được. Họ hỏi tôi có mâu thuẩn gay cấn gì với ai không thì tôi nói là tôi sống tại đây hơn 10 năm nay thì tôi không gây với bất cứ ai hay có hận thù gì với những người chung quanh cả.

Gần đây tôi có tham gia tuần hành phản đối việc chặt hạ cây xanh trong thành phố, tôi dẫn đầu người dân. Cứ mỗi Chúa Nhật thì có nhiều người người ta vây quanh nhà tôi trong đó tôi nhận ra có một số là công an quận Long Biên. Thế thì việc sáng nay người ta dùng hung khí người ta tấn công gây thương tích cho tôi như thế thì tôi thấy là có sự liên hệ với nhau tôi đề nghị họ phải tìm ra những kẻ đánh tôi cũng như những kẻ bao vây nhà tôi vào Chúa Nhật hàng tuần.

Một ngày sau khi bị tấn công tàn bạo, sáng 12 tháng 5 anh Nguyễn Chí Tuyến được một nhà ngoại giao Đức đến tận nhà để thăm hỏi và ghi nhận mọi việc vừa xảy ra. Anh Tuyến kể:

-Ông Felix Schwarz, tham tán Chính trị và Nhân quyền đại sứ quán Đức sáng nay ông ấy đến nhà tôi khoảng 10 hay 10 giờ rưỡi sáng gì đấy, lái xe của ông ấy đưa ông tới nhà thăm tôi. Ông có hỏi diễn biến vụ việc thì tôi cũng có nói chuyện cho ông ấy biết. Ông ấy nói là nắm vụ việc của tôi rồi ông ấy sẽ báo cáo cho Đại sứ quán Đức về việc nó như thế.

Những vụ tấn công người khác lập trường với chính phủ đang làm cho sự lên án nhân quyền ngày một nặng nề hơn. Báo chí thế giới đã bắt đầu râm ran về vai trò của côn đồ trong nỗ lực bịt miệng người dân không phải bằng nhà giam mà bằng bạo lực đường phố. - RFA
|
|

5.
Lễ kỷ niệm năm thứ 21 Ngày Nhân Quyền Việt Nam --- TT Obama nhắc tới VN trong bài phát biểu về TPP

Thể theo Nghị Quyết chung SJ-168 của Quốc hội Mỹ và Công Luật 103-258 do tổng thống Bill Clinton ký ban hành năm 1994, ngày 11 tháng Năm hàng năm là Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam tại quốc hội Hoa Kỳ.

Buổi lễ ngày thứ Hai 11 tháng Năm vừa qua là lần thứ 21 ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam, được bảo trợ bởi Thượng nghị sĩ bang Virginia, ông Tim Kaine, bên cạnh sự đồng bảo trợ từ một số dân biểu và thượng nghĩ sĩ thuộc lưỡng viện quốc hội Hoa Kỳ.

Thêm vào đó còn có sự bảo trợ của Tổng Liên Đoàn Lao Công Hoa Kỳ, gọi tắt là AFL-CIO, các tổ chức nhân quyền quốc tế, một số đại diện các cộng đồng bạn như Trung Hoa, Myanmar, Tây Tạng, Mông Cổ, bên cạnh những đoàn thể người Mỹ gốc Việt từ các nơi xa về.

Đặc biệt năm nay, Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam lần thứ 21 được trực tiếp truyền hình từ tòa nhà quốc hội Russell.

Một thành viên của Tổ Chức Quốc Tế Yểm Trợ Cao Trào Nhân Bản, bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, bào đệ của nhà tranh đấu dân chủ Nguyển Đan Quế ở Việt Nam, nói rằng  đây là trách nhiệm được trao qua cho Cộng Đồng Người Việt đã bốn năm nay. Ông nói:

Lúc đầu chúng tôi có lãnh trách nhiệm tổ chức với sự yểm trợ của cộng đồng các nơi, nhưng sau này thì đến giai đoạn mà chúng tôi nghĩ rằng Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam phải được mở rộng hơn và được tất cả mọi người tham dự, đó là chung cho tất cả cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại cũng như đồng bào trong nước. Vì thế mà chúng tôi yêu cầu cộng đồng Việt Nam vùng Washington đứng ra tổ chức và luôn luôn chúng tôi yểm trợ, giúp đỡ cho ban tổ chức hàng năm.

Tổng Giám đốc đài Á Châu Tự Do, bà Libby Liu, được mời phát biểu trong Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam lần thứ 21. Bà nói:

"Năm nay tôi muốn chú trọng đề cập đến những bước tiến đáng khích lệ mà đài Á Châu Tự Do, đặc biệt ban phát thanh tiếng Việt, đạt được khi mời gọi sự chú ý của mọi người về tình trạng nhân quyền nghèo nàn ở Việt Nam. Tôi nghĩ càng ngày đài Á Châu Tự Do càng tỏ ra đã cố gắng vượt bực trong việc đưa tiếng nói của mình vươn tới nhiều khán thính giả ở Việt Nam hơn lúc nào hết." 

Nữ dân biểu Barbara Comstock, đại diện khu vực 10 tiểu bang Virginia, nơi có một cộng đồng người Việt đông đảo và năng động không chỉ trong lãnh vực kinh doanh mà cả trong phạm vi quyền con người, phát biểu:

"Chính vì thế phải bảo đảm là chúng tôi luôn nhấn mạnh đến vấn đề nhân quyền, tôi sẽ tiếp tục làm việc với cộng đồng này, tiếp nhận bất cứ mọi ý kiến để làm sao có thể qua nhân quyền tạo áp lực lên những vấn đề khác như thương mại chẳng hạn. Để có một nền giao thương tốt đẹp với Hoa Kỳ thì chúng tôi đòi hỏi Việt Nam phải nhận ra thông điệp cải thiện nhân quyền mà chúng tôi nhắn gởi. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là Hoa Kỳ muốn một quốc gia phải có một hệ thống mạng xã hội tốt đẹp, blogger được quyền viết blog chứ không phải bị bắt giam như họ đang bị ở Việt Nam, và những người khát khao tự do tín ngưỡng thì được thờ phượng theo cách họ muốn. Chúng tôi muốn đưa ra ánh sáng những vụ xúc phạm nhân phẩm và chà đạp nhân quyền không chỉ riêng Việt Nam mà tất cả mọi nơi trên thế giới. 

Đáng tiếc Việt Nam là một trong những quốc gia đang có tình trạng nhân quyền tồi tệ nhất, nhưng may mắn là chúng tôi có một cộng đồng người Việt tự do trên xứ sở tự do này, để chúng tôi có thể tiếp tục tranh đấu cho một nước Việt Nam tự do như cộng đồng người Việt ở nơi tôi đại diện mong muốn." 

Rất nhiều diễn giả lần lượt lên phát biểu trong Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam lần thứ 21, trong đó có bà Amy Archbald, trợ lý giám đốc Châu Á Thái Bình Dương Sự Vụ, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, nói rằng Washington thực sự quan tâm cũng như liên tục khuyến khích Việt Nam cải thiện quyền còn người về mọi mặt. Cuộc đối thoại nhân quyền Việt Mỹ lần thứ 19 vừa qua, bà nói, là một trong những phương cách để giúp Hà Nội thăng tiến về quyền con người, được chứng tỏ bằng sự tôn trọng những quyền rất cơ bản đã có trong hiến pháp Việt Nam là quyền tự do tín ngưỡng, tự do báo chí, tự do phát biểu và tự do đi lại.

Với câu hỏi của đài Á Châu Tự Do dành cho ông Wang Jung, chủ tịch đảng Dân Chủ Trung Hoa đang hoạt động tại Mỹ, rằng ông nghĩ sao khi nhà cầm quyền Việt Nam bắt bớ các blogger và người dân, đã viết bài hoặc biểu tình chống những hành động lấn chiếm biển đảo của Việt Nam trên biển Đông, ông Wang Jun khẳng định hành động bắt bớ đó là vi phạm nhân quyền:

"Người dân có quyền phát biểu ý kiến, ông nói, khi người dân quan tâm đến sự sống còn của đất nước thì đó là một dấu hiệu đáng mừng, đó là nhân quyền mà một khi bị chính phủ cấm thì chính phủ đó sai chứ người dân không sai. Cấm đoán như thế là hình thức của độc tài. Tôi luôn mong người dân Trung Quốc cũng như người dân Việt Nam đều được hưởng những quyền căn bản của con người như nhau."

Đến từ Tennessee, ông Sinh Cẩm Minh, đi cùng phái đoàn đại diện Hội Thánh Em Tín Đồ Cao Đài Hải Ngoại, nói về tầm quan trọng của Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam:

"Đạo Cao Đài Thuần Túy ở Việt Nam, có nghĩa là bảo thủ chân truyền, bị đàn áp rất khốc liệt. Ngày Nhân Quyền nhắc cho chúng ta và những người Việt Nam trong và ngoài nước phải nên làm sao siết chặt tay nhau để ủng hộ cho những nhà đấu tranh, đặc biệt những tôn giáo độc lập, trong đó có Hòa Hảo, Cao Đài, Phật Giáo, Tin Lành…đang bị đàn áp rất khốc liệt ở tại đất nước Việt Nam."

Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam lần thứ 21 năm nay tạo được sự chú ý của nhiều giới vì diễn ra không lâu sau ngày người Việt hải ngoại tưởng niệm 40 năm Sài Gòn sụp đỗ, kế đến là 20 năm Mỹ Việt bình thường hóa quan hệ ngoại giao nhưng đặc biệt nhất là sau khi vòng đối thoại nhân quyền Mỹ Việt kết thúc ở Hà Nội ngày 8 tháng Năm vừa qua

Một sự kiện liên quan khác là nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ mới đề cập tới Việt Nam trong bài phát biểu dài liên quan tới Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương, TPP.

Phát biểu tại công ty Nike ở tiểu bang Oregon hôm 8/5 vừa qua, ông Obama nói rằng theo thỏa thuận đang được bàn thảo, Việt Nam sẽ “lần đầu tiên phải nâng các tiêu chuẩn về lao động”.

“Nước này cũng phải đặt ra mức lương tối thiểu, phải thông qua các luật liên quan tới nơi làm việc an toàn để bảo vệ công nhân, cũng như thậm chí sẽ lần đầu tiên phải bảo vệ quyền được tự do lập nghiệp đoàn của công nhân. Đó là một sự khác biệt lớn.”

Người đứng đầu Nhà Trắng nói thêm rằng nếu Việt Nam hay bất kỳ một nước nào khác tham gia thỏa thuận thương mại này không đáp ứng các yêu cầu, họ sẽ phải đối mặt với các hệ quả rõ ràng”.

“Nếu một quốc gia muốn tham gia thỏa thuận này, họ sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn. Nếu không, họ sẽ bị loại. Nếu họ phá vỡ các luật lệ, sẽ có các hệ quả cụ thể,” ông Obama nói tiếp.

Ba ngày sau đó, các hãng tin cho biết một nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ nói tại Hà Nội rằng Việt Nam đã cho thấy tiến bộ về nhân quyền, nhưng cần phải chứng tỏ cam kết mạnh mẽ hơn nữa để lấy lòng các nhà lập pháp Mỹ vẫn còn lưỡng lự và có thể làm phức tạp thêm việc nước này gia nhập TPP.

Trong chuyến thăm Việt Nam, ông Tom Malinowski, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách dân chủ, nhân quyền và lao động, nói rằng năm nay đã thấy Việt Nam kiềm chế hơn vì có ít các tù nhân chính trị hơn và không có thêm các vụ truy tố mới nào nhắm vào những người bất đồng chính kiến.

Tuy nhiên, ông Malinowski nói những gì đạt được vẫn mong manh, và vẫn còn “các vấn đề rất lớn”.

“Các nhà hoạt động thuộc xã hội dân sự, các blogger và các nhà báo độc lập hay những người chỉ trích chính phủ vẫn thường bị sách nhiễu, đe dọa và thậm chí là bạo lực, vì đã thực thi các quyền cơ bản được quốc tế công nhận”.

Trong khi ông Malinowski vẫn chưa kết thúc chuyến thăm Việt Nam, hôm qua đã xảy ra một vụ hành hung nhắm vào blogger Anh Chí mà nhiều nhà bất đồng chính kiến nghi ngờ rằng có sự dính líu của chính quyền.

Blogger này cho VOA Việt Ngữ biết một số người đã dùng “hung khí tấn công” ông ở nơi cách nhà không xa.

Nhà hoạt động xã hội từng nhiều lần xuống đường biểu tình chống Trung Quốc cũng như dự án chặt cây xanh ở Hà Nội cho biết rằng ông không có “xích mích gì với hàng xóm láng giềng,” và “không có xung đột về mối quan hệ giữa người với người”.

Nhưng thời gian qua, ông cho biết ông và gia đình nhiều lần bị sách nhiễu.

Khi được hỏi ai có thể đứng sau vụ hành hung trên, blogger này nói: “Những người hoạt động xã hội chúng tôi thừa biết những người đứng đằng sau những vụ tấn công như thế. Kể cả giang hồ hay xã hội đen đi chăng nữa, không phải vô cớ mà người ta đánh, hay chém giết một người không vì một xích mích gì. Chúng tôi thừa biết đằng sau đấy là ai.”

VOA Việt Ngữ chưa thể liên lạc được với chính quyền nơi blogger Anh Chí cư ngụ.

Việt Nam muốn sớm hoàn tất việc thương thảo Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương với các đối tác, đặc biệt là Hoa Kỳ.

Nhưng vấn đề nhân quyền, nhất là quyền của người lao động, được coi là một trong các yếu tố chính khiến một số dân biểu Mỹ phản đối việc Washington đàm phán với Việt Nam về TPP.

Trong khi đó, từ trước tới nay, Việt Nam vẫn luôn phủ nhận các cáo buộc về vi phạm nhân quyền. - RFA, VOA
|
|

6.
Tổng biên tập Người Cao Tuổi bị khởi tố --- 20 cây bút 'từ bỏ Hội nhà văn VN'

Ông Kim Quốc Hoa, cựu Tổng biên tập báo Người Cao Tuổi, tờ báo nổi tiếng với các bài báo chống tham nhũng, vừa bị khởi tố theo điều 258 Bộ Luật Hình sự, Bộ Công an Việt Nam thông báo.

Thông báo ra ngày 12/05/2015 nói Bộ Công an đã tống đạt Quyết định khởi tố bị can số 20/ANĐT-P3 ngày 11/5/2015 của Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an, Quyết định phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can số 50/VKSTC-V2 ngày 11/5/2015 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 2); tiến hành khám xét chỗ ở, chỗ làm việc đối với ông Kim Quốc Hoa.

Lý do khởi tố được mô tả là "vì đã có hành vi viết, duyệt cho đăng trên Báo Người cao tuổi một số bài báo có nội dung sai sự thật, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của một số tổ chức, công dân, phạm vào tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân", quy định tại Điều 258 - Bộ luật hình sự nước CHXHCN Việt Nam."

Trước đó báo Tuổi Trẻ dẫn nguồn tin riêng của họ cho biết quyết định khởi tố ông Hoa đã được Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao phê chuẩn và đã được tống đạt tới ông Hoa tại nhà riêng của ông trong chiều thứ Ba ngày 12/5.

Trước đó, ông Hoa đã bị tạm dừng chức vụ tổng biên tập báo Người cao tuổi, theo quyết định của Hội Người cao tuổi, cơ quan chủ quản của báo, hồi tháng Hai, và bị Hội Nhà báo Việt Nam ra quyết định thu hồi thẻ nhà báo.

Theo một nguồn tin từ Trung ương Hội Người cao tuổi nói BBC vào chiều ngày 12/5 sau khi ông Hoa có quyết định khởi tố bị can thì các lãnh đạo Hội 'không biết gì về việc này'.

Theo nguồn tin ẩn danh này thì tối hôm qua, ngày 11/5, các lãnh đạo Hội Người Cao Tuổi còn đến thăm ông Hoa tại bệnh viện nơi ông đang nằm điều dưỡng.

'Chống tham nhũng'

Tờ báo do ông Hoa làm chủ bút đã đăng nhiều bài điều tra cáo buộc tình trạng tham nhũng trong quan chức hoặc nêu ra các vấn đề khác nhau liên quan đến công an và quân đội ở Việt Nam.

Kết quả thanh tra đột xuất tờ báo này được Bộ Thông tin và Truyền thông thông báo hôm 9/2 cho rằng tờ báo này 'đăng 11 bài viết có dấu hiệu tội phạm'.

Trong số đó có các bài báo như: 'Chống tham nhũng khi trao "vũ khí" cho bọn biến chất', 'Bàn về "Thị trường sao và vạch' và 'Sự thật về 'Công tử' Hà Thành ra Trường Sa'. Bài báo 'Bàn về thị trường Sao và vạch' nói về tình trạng mua quan bán tước trong quân đội.

Hôm 25/04/2012, báo này có bài 'Huyện Văn Giang quyết định thực hiện cưỡng chế trái luật' nói về vụ cưỡng chế theo lệnh của quan chức huyện hôm 23/4 năm đó liên quan đến công trình Ecopark.

Sau khi công bố quyết định thanh tra vài ngày, hôm 12/2, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra Quyết định xử phạt Báo Người cao tuổi gần 700 triệu đồng vì nhiều vi phạm.

Theo quyết định, tờ báo vi phạm chín lỗi, trong đó có việc hoạt động trang báo điện tử nhưng không có giấy phép, bị phạt 140 triệu.

Bài viết "Huyện Krông Pắc, tỉnh Đắc Lắc: Vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng sau 5 năm vẫn không khởi tố” bị phạt 4 triệu đồng.

25 triệu đồng là tiền phạt cho bài "Trung tâm tim mạch - Bệnh viện E (Hà Nội): Nghi vấn xung quanh việc một bệnh nhân tử vong ngay sau khi xuất viện".

Các loạt bài khác, mỗi bài bị phạt 15 triệu, là loạt bài "Liên quan đến thực hiện Nghị quyết Trung ương 4"; bài "Tỉnh Ninh Thuận: Công an 2 huyện Ninh Phước và Ninh Sơn bị tố cáo hành dân vô nhân đạo"; bài "Bộ Giáo dục và Đào tạo: Thành lập tổ xác minh nội dung tố cáo sai phạm của Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội"; bài "31 năm tìm chân lý, oan nghiệt vẫn đeo đẳng linh hồn Bà mẹ Việt Nam anh hùng."

Một số hoạt động quảng cáo của tờ báo cũng bị phạt nặng. Trong đó có việc tờ báo “thực hiện ba hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng dưới hình thức bài viết của bác sĩ, dược sĩ và nhân viên y tế”, bị phạt 150 triệu.

'Làm đúng luật'

Ông Kim Quốc Hoa từng phản bác các cáo buộc của cơ quan thanh tra. Phát biểu trên Người cao tuổi số ra ngày 10/2, ông Hoa nói tờ báo của ông ‘sẽ kiên trì khiếu nại làm rõ sự thật để bảo vệ thanh danh’ và hiện tại ông ‘rất bình tĩnh và tự tin’.

Ông phản bác cáo buộc của đoàn thanh tra rằng báo ông ‘làm lộ bí mật Nhà nước’.

“Các nội dung khác chúng tôi cũng có đủ bằng chứng chứng minh chúng tôi thực hiện đúng quy định của pháp luật về báo chí,” ông nói.

Ngoài ra ông cũng cáo buộc đoàn thanh tra của Bộ Thông tin-Truyền thông ‘đã vi phạm rất nghiêm trọng các quy định của pháp luật về thanh tra’.

“Họ làm gần 3 tháng mà chỉ cho Báo Người cao tuổi giải trình trong một ngày với khối lượng nhiều nhóm vấn đề, liên quan đến hơn 50 bài báo. Vậy làm sao chúng tôi giải trình được?,” ông Hoa được dẫn lời nói và cho biết kết luận thanh tra ‘đã được ký trước khi báo Người cao tuổi hoàn thành văn bản giải trình’.

Một sự kiện khác vừa xảy ra là hơn 20 nhà văn, nhà thơ đã ký tên vào đơn tuyên bố từ bỏ Hội nhà văn Việt Nam (HNVVN), trong đó có nhiều người nổi tiếng như nhà văn Nguyên Ngọc, nhà thơ Đỗ Trung Quân, giáo sư Nguyễn Huệ Chi, nhà văn Nguyễn Quang Lập.

Lá đơn được đăng tải trên trang mạng xã hội của các thành viên trong nhóm viết:

"Là những người viết văn đã nhiều năm tham gia Hội Nhà Văn Việt Nam, đã góp sức xây dựng Hội qua thời chiến cũng như thời bình, đã đau xót trước sự xuống cấp ngày càng nghiêm trọng của Hội trong những năm gần đây và tích cực góp ý với Hội để khắc phục tình trạng ấy."

"Đến hôm nay, nhận thấy tình trạng suy thoái của Hội đã trở nên không thể cứu vãn nếu không có sự thay đổi nhiều điều căn bản trong điều lệ và tổ chức của Hội để Hội thực sự là một tổ chức nghề nghiệp tập hợp những người viết muốn xây dựng một nền văn học Việt Nam đích thực, tự do, nhân bản."

"Nhận thấy khả năng thay đổi trên càng không thể xảy ra khi lãnh đạo HNVVN đã tự tiện tước quyền tham gia Đại hội lần 9 sắp tới của chúng tôi với lý do chúng tôi là thành viên của một ban vận động thành lập một văn đoàn tương lai – đó là việc làm vi phạm trắng trợn điều lệ hiện hành của HNVVN, tước bỏ một trong những quyền cơ bản của hội viên và công dân, xúc phạm nghiêm trọng danh dự của người cầm bút."

"Chúng tôi tuyên bố từ bỏ Hội nhà Văn Việt Nam kể từ ngày hôm nay, 11 tháng 5 năm 2015."

Hội Nhà văn Việt Nam trước đó đã có hành động được cho là “loại bỏ” những hội viên trong nhóm vận động thành lập Văn đoàn độc lập Việt Nam.

Trong phiên bỏ phiếu bầu đại biểu đi dự Đại hội toàn quốc diễn ra ở TP. HCM ngày 5/5, lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam đề nghị những người tham dự gạch tên chín người sinh sống ở TP. HCM và tham gia Văn đoàn độc lập.

Chín người này là Ngô Thị Kim Cúc, Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Lập, Dạ Ngân, Ý Nhi, Hiền Phương, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Quang Thân, và Phạm Đình Trọng.

Tổ chức này xuất hiện tháng Ba năm ngoái với lời kêu gọi về “quyền tự do sáng tác và công bố tác phẩm”.

Lý do Hội nhà văn Việt Nam đưa ra để loại chín người này là họ tham gia một tổ chức “không được thừa nhận và có dấu hiệu phạm pháp”, theo tin từ đại hội nhà văn khu vực TP. HCM.

'Điều cần thiết'

Trả lời BBC ngày 12/5, nhà thơ Đỗ Trung Quân, một trong những người ký tên vào đơn, nói cá nhân ông cho rằng đó là "điều cần thiết".

Ông cũng cho biết ông "không ngạc nhiên" trước quyết định của Hội nhà văn Việt Nam.

"Thực ra mà nói cá nhân tôi thì có thể đoán trước , chỉ có không biết rõ thời điểm, và tôi không ngạc nhiên lắm."

"Sự lựa chọn của cá nhân tôi đối với Hội nhà văn, không có nghĩa là tôi phê phán các hội viên chưa từ bỏ Hội."

"Tôi bày tỏ thái độ đối với những người cầm nắm hội chứ không phải các anh em hội viên. Không phải khi chúng tôi ra rồi thì xem anh em trong hội là thế này thế nọ."

Ông cho biết cho đến nay, ông chưa nhận được phản hồi nào từ những người bên trong Hội nhà văn Việt Nam về quyết định của mình.

"Nhưng tôi nhận được nhiều phản hồi của những người bên ngoài hội," ông nói.

"Một trong những lời chú sâu sắc nhất với cá nhân tôi, là 'chúc mừng anh đã trở về nhân cách ngang bằng với một người dân đen'," ông cho biết thêm.

Trong số 20 người, có bốn người cũng đồng thời tuyên bố rời bỏ cả Văn đoàn độc lập, gồm: Nguyễn Quang Lập, Dạ Ngân, Nguyễn Duy và Trần Kỳ Trung.

Ông Trần Kỳ Trung nói với BBC: "Nhà văn muốn có tự do, không muốn phải lệ thuộc. Văn đoàn hay Hội nhà văn mình đều tôn trọng, nhưng tôn trọng nhất là sự tự do.”

Ông Trung cho biết “không có ai” vận động buộc ông rời bỏ cả hai tổ chức.

Nhìn về tương lai, ông nói: “Bất cứ ai, khi thấy một tổ chức đáp ứng được yêu cầu của họ, tổ chức đó làm đất nước tiến bộ, sẽ có rất nhiều người ủng hộ tổ chức đó.” - BBC


No comments:

Post a Comment