Tin Thế Giới
1.
Ông Cameron tái đắc cử Thủ tướng Anh
Thủ tướng Anh David Cameron đã tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ 5 năm vào lúc đảng Bảo thủ của ông thắng ồ ạt và chiếm thế đa số dứt khoát tại Quốc hội trong cuộc bầu cử hôm qua, với số phiếu cao hơn nhiều so với dự báo của các cuộc thăm dò công luận.
Thật là một thắng lợi sửng sốt cho ông Cameron và đảng Bảo thủ của ông, khi đảng trở thành đảng cầm quyền đầu tiên ở Anh từ nhiều thập niên giành được thêm ghế tại Quốc Hội trong một cuộc bầu cử. Thủ tướng Cameron đã đến điện Buckingham để chính thức nhận lệnh của Nữ hoàng Elizabeth thành lập chính phủ kế tiếp.
Ông nói: “Đối với tôi, cuộc tranh cử lần này luôn là về những quyết định khó khăn chúng ta phải đưa ra trong 5 năm vừa qua, cơ sở cho một nền kinh tế vững mạnh hơn mà chúng ta đã xây dựng cho đất nước và cơ hội vào lúc này để củng cố nền tảng đó.”
Cũng gây sửng sốt không kém là sự sa sút của liên minh đối tác của ông Cameron trong 5 năm vừa qua, đảng Dân chủ Cấp tiến, mất đi gần 50 ghế và sẽ chỉ còn lại chưa đầy 10 ghế. Lãnh tụ đảng và là phó thủ tướng Nick Clegg, đã từ chức sáng thứ năm.
Người đứng đầu đảng Lao Động đối lập, ông Ed Miliband, cũng từ chức sau khi đảng thắng ít ghế hơn so với 5 năm trước, thấp hơn nhiều so với dự đoán của những người thăm dò cho rằng hai đảng Lao Động và Bảo thủ sẽ ngang ngửa nhau.
Ông nói: “Đây là lúc một người nào khác sẽ tiếp nhận nhiệm vụ lãnh đạo đảng này, vì thế tôi xin từ chức. Tôi muốn từ chức ngay lập tức bởi vì đảng cần phải có môt cuộc tranh luận cởi mở và chân thành về hướng đi sắp tới.”
Thực là một thất vọng chua chát cho ông Miliband, người mới hôm trước đã có lý do để tin rằng mình sẽ trở thành thủ tướng, và đảo ngược phần lớn chính sách tiết kiệm của đảng Bảo thủ.
Nhưng giáo sư Peter Urwin của trường Đại học Westminster nói trong tình hình nền kinh tế vẫn đang bị đe dọa, cuối cùng cử tri sẽ vẫn theo đảng nào đem lại sự cải thiện trong mấy năm vừa qua.
Ông nói: “Tôi nghĩ câu châm ngôn là ‘bàn tay an toàn.’ 5 năm vừa qua phe Bảo thủ đã được coi là hướng dẫn nền kinh tế vượt qua cơn sóng gió khá gay go.”
Ông Urwin nói những cắt giảm chi tiêu từng là một phần chủ chốt trong chính sách của đảng Bảo thủ chủ yếu tác động đến các thành phần dù gì cũng không bỏ phiếu cho họ, kể cả những người nhận trợ cấp xã hội và giới trẻ.
Cựu ký giả và nay là giảng viên tại trung tâm nghiên cứu Chatham House, ông Quentin Peel, tập trung vào một yếu tố khác. Ông nói sự quan ngại rằng đảng Lao động sẽ cần đến sự trợ giúp của Đảng Dân tộc Scotland để thành lập một chính phủ đã lôi kéo nhiều cử tri về phía đảng Bảo thủ trong những ngày chót của cuộc vận động tranh cử.
Ông nói: “Đó là đợt sóng đẩy tới nơi an toàn của cử tri Anh dồn phiếu cho kẻ ác mà họ biết, mặc dầu họ không sốt sắng mấy về việc ấy.”
Đảng Dân tộc Scotland cấp tiến và đòi độc lập thắng ít nhất 56 trong số 59 ghế dành cho Scotland, và đã hy vọng sẽ là một thành phần trong một liên minh chống Bảo thủ. Nay, phái đoàn với thế mạnh vừa được tăng cường tại Quốc hội sẽ ngồi ở ghế đối lập, và kế hoạch của đảng đòi một cuộc trưng cầu dân ý mới về độc lập cho Scotland có phần chắc sẽ phải gác lại chưa biết đến bao giờ.
Cử tri Scotland đã bác bỏ độc lập trong một cuộc trưng cầu dân ý vừa diễn ra năm ngoái.
Đảng Độc lập hữu khuynh UK chống Liên hiệp châu Âu chiếm được tỷ lệ 12 phần trăm chưa từng thấy trong cuộc tổng tuyển cử. Nhưng hậu thuẫn bị phân tán khắp nước và đảng chỉ chiếm được có 1 ghế tại quốc hội.
Thủ lãnh hay phô trương của đảng là ông Nigel Farrage đã thất cử, và từ chức lãnh đạo đảng, mặc dầu ông nói rằng ông có thể ra tranh cử lại chức này vào tháng 9.
Thủ tướng Cameron cam kết mở một cuộc trưng cầu ý kiến về tư cách thành viên EU của Anh vào năm 2017. Từ nay đến lúc đó, ông muốn thương lượng những thay đổi trong quan hệ để thuyết phục cử tri Anh ở lại Liên hiệp. Nhưng ông phải đối mặt với sự mặc cả gay go với những người lãnh đạo ở châu lục này.
Ông Quentin Peel nói mặc dầu là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, và là một thành viên của khối G-7, Anh Quốc sẽ vẫn tập trung phần lớn vào các vấn đề quốc nội trong những năm sắp tới.
Ông nói: “Trong tương lai có thể dự báo trước, Anh Quốc sẽ hoàn toàn thu mình, rất xa rời với thế giới bên ngoài. Họ không muốn tham gia thêm các cuộc mạo hiểm ở nước ngoài.”
Ngay lúc này, Thủ tướng Cameron sẽ tập trung vào việc chọn các vị bộ trưởng cho một chính phủ hoàn toàn Bảo thủ mà ông dự kiến sẽ trình diện trước quốc hội vào tuần tới, và bảo đảm sẽ được chấp thuận.
Theo kết quả mà báo chí Anh dự báo, trong cuộc bầu cử hôm mồng 07/05/2015, đảng Bảo thủ đã giành được đến 329 ghế dân biểu, nhiều hơn 3 ghế so với đa số tuyệt đối, trong khi đảng Lao Động chỉ giành được 239 ghế.
Trong cuộc bầu cử 2010 khi Đảng Bảo thủ được 306 ghế.
Dự báo Đảng của ông Nick Clegg bị giảm từ 57 trong kỳ trước xuống còn 8 dân biểu. - VOA, RFI, BBC
|
|
2.
Trực thăng rơi ở Pakistan, đại sứ Philippines và Na Uy tử nạn
Một tai nạn máy bay trực thăng ở miền bắc Pakistan đã giết chết ít nhất bảy người, kể cả đại sứ Philippines và Na Uy tại Pakistan, và phu nhân đại sứ Malaysia và Indonesia.
Các quan chức nói rằng tai nạn máy bay trực thăng xảy ra hôm thứ sáu ở Thung lũng Naltar. Hai phi công và một thành viên phi hành đoàn cũng thiệt mạng.
Phát ngôn viên của quân đội Pakistan, Trung Tướng Asim Bajwal nói trên trang Twitter rằng các đại sứ của Ba Lan và Hà Lan nằm trong số những người sống sót, những người này đều bị thương nhưng ở mức nặng nhẹ khác nhau.
Phe Taliban ở Pakistan đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ bắn rơi chiếc máy bay này, nói rằng mục tiêu họ nhắm tấn công là Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif.
Tuy nhiên, đài truyền hình nhà nước dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Khawaj Asif nói tai nạn máy bay xảy ra "hoàn toàn do lỗi kỹ thuật và không phải do bất kỳ hành động khủng bố nào gây ra."
Văn phòng của Thủ tướng Sharif cho biết ông đã đáp máy bay trên đường tới khu vực Gilgit vào thời điểm xảy ra tai nạn, nhưng đã trở lại Islamabad sau khi nhận được tin về tai nạn này. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Thượng viện Hoa Kỳ thông qua dự luật về hạt nhân của Iran
Với 98 phiếu thuận và 1 phiếu chống, Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua một dự luật cho phép Quốc hội duyệt xét và biểu quyết về mọi thỏa thuận chung quyết về hạt nhân với Iran.
Dự luật này đã trải qua 2 tuần lễ tranh luận gay gắt và nay sẽ được chuyển qua Hạ viện.
Dự luật sẽ đình chỉ mọi sự nới lỏng chế tài cho Iran trong 30 ngày, để Quốc hội có thời giờ biểu quyết chấp thuận hay bác bỏ một thỏa thuận hạt nhân.
Thượng nghị sĩ Bob Corker của đảng Cộng Hòa, đồng tác giả dự luật, giải thích những gì sẽ bị bỏ qua nếu không có dự luật này.
Ông nói: “Nếu không có dự luật này, sẽ không có sự hạn chế việc tổng thống sử dụng các quyền bãi miễn để đình chỉ việc chế tài mà Quốc Hội đã quy định; Quốc hội sẽ không bắt buộc phải nhận được đầy đủ chi tiết của mọi thỏa thuận với Iran; sẽ không có thời gian duyệt xét để Quốc hội nghiên cứu và góp ý về một thỏa thuận; Tổng thống sẽ không buộc phải kiểm chứng là Iran tuân hành và, thực sự sẽ không có những thủ tục được thúc đẩy để Quốc hội mau chóng tái áp đặt các biện pháp chế tài, trong trường hợp Iran lừa dối.”
Đồng tác giả dự luật, thượng nghị sĩ Ben Cardin của đảng Dân chủ, cho rằng sự can dự của quốc hội sẽ củng cố vị thế của nước Mỹ nếu và khi nào đạt được một thỏa thuận hạt nhân.
Ông nói: “Mục tiêu của chúng ta là ngăn chặn Iran trở thành một quốc gia có vũ khí hạt nhân, đơn thuần là như thế. Thông qua dự luật này sẽ khiến chúng ta sẽ ở vị thế mạnh hơn để đạt được mục đích đó.”
Vị thượng nghị sĩ duy nhất bỏ phiếu chống dự luật là một nhân vật vừa vào quốc hội và đã có tiếng là một người chuyên chống lại những cuộc thương thuyết. Cách đây 2 tháng, ông Tom Cotton của đảng Cộng Hòa vừa đắc cử vào Thượng viện đã viết một bức thư ngỏ cho Iran cảnh báo rằng Quốc hội sẽ vô hiệu hóa mội thỏa thuận hạt nhân.
Vài ngày trước, ông đã tham gia một cuộc trao đổi rất gay gắt qua Twitter với ngoại trưởng Iran. Ông Cotton là một trong nhiều đảng viên Cộng hòa vận động cho những tu chính án gây nhiều tranh cãi, trong đó có điều khoản đòi hỏi Tehran phải thừa nhận quyền tồn tại của Israel.
Thượng viện đã ngăn chặn hoặc biểu quyết bác bỏ những khoản tu chính được gọi là “viên thuốc độc” có thể châm ngòi cho việc tổng thống dùng quyền phủ quyết, gây phẫn nộ từ phía ông Cotton và các đảng viên Cộng hòa khác, như ông Ted Cruz.
Ông nói: “Ưu tiên hàng đầu của chúng ta phải là ngăn chặn một thỏa thuận xấu với Iran gây phương hại cho đời sống của hàng triệu người Mỹ và hàng triệu đồng minh của chúng ta.”
Thoạt đầu Tòa Bạch Ốc chống đối mọi điều kiện mà quốc hội đề ra có liên quan đến một thỏa thuận hạt nhân, với lập luận rằng những điều khoản đó sẽ gây phương hại tới các cuộc thương thuyết quốc tế tế nhị mà tháng trước đã đi tới được một thỏa thuận khung với Iran; nhưng chính quyền đã bày tỏ hậu thuẫn miễn cưỡng đối với dự luật ít lâu trước khi được sự đồng thanh chấp thuận của Ủy ban Ngoại vụ Thượng viện hồi tháng 4.
Dự luật sẽ được chuyển qua Hạ viện, nơi Chủ tịch John Boehner cho biết ông sẽ trông đợi viện này có hành động “buộc chính quyền của Tổng thống Obama phải nhận lãnh trách nhiệm.” - VOA
|
|
4.
Ngoại Trưởng Mỹ, Pháp họp bàn về các vấn đề khu vực
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã gặp Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius trong ngày hôm nay, thứ Sáu, trước khi tham gia một buổi lễ đánh dấu kỷ niệm năm thứ 70 từ khi kết thúc Thế Chiến thứ Hai ở châu Âu.
Hai nhà lãnh đạo trước đó đã dự lễ đặt vòng hoa tại ngôi Mộ Chiến sĩ Vô Danh của Pháp ở Paris - thành phố đã từng là nơi diễn ra các lễ ăn mừng lớn vào ngày 8 tháng năm 1945, đánh dấu sự đầu hàng của Đức Quốc xã.
Ông Kerry sẽ họp với các vị ngoại trưởng thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh tại Pháp để thảo luận về các vấn đề khu vực, lót đường cho một hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo vùng Vịnh tại Tòa Bạch ốc trong tuần tới.
Trong số các đề tài được thảo luận trong các cuộc đàm phán hôm thứ Sáu có ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran ở khắp Trung Đông.
Tại một cuộc họp báo ở Riyadh hôm Thứ năm, Ngoại Trưởng Kerry và vị đồng nhiệm Ả Rập Saudi, là Ngoại trưởng Adel al-Jubier, nói rằng các nỗ lực đã được xúc tiến để thiết lập một cuộc ngừng bắn 5 ngày ở Yemen, nhằm phân phối các vật phẩm cứu trợ nhân đạo. Hai ông nói rằng lệnh ngừng bắn có thể được gia hạn, tùy vào các điều kiện tại hiện trường.
Ngoại Trưởng Kerry nói, "Chúng tôi khẩn thiết yêu cầu quân Houthi và những người ủng hộ họ - mà chúng tôi đề nghị nên sử dụng tất cả ảnh hưởng của mình - không nên bỏ lỡ cơ hội lớn này để giải quyết các nhu cầu của người dân Yemen và tìm một giải pháp hòa bình để hướng tới phía trước ở Yemen."
Ngoại trưởng Ả Rập Saudi cho biết là không có các cuộc tiếp xúc sơ khởi với phiến quân Houthi, phe được cho là đã nhận hỗ trợ từ Iran, về việc liệu phe này có hậu thuẫn một cuộc ngừng bắn hay không. Ông nói chi tiết sẽ được công bố trong những ngày sắp tới về lệnh ngưng bắn theo đề nghị, sẽ có ảnh hưởng đến toàn lãnh thổ Yemen.
Nỗ lực ngoại giao
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry họp với các vị ngoại trưởng thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh ở Pháp để thảo luận các vấn đề khu vực, kể cả các nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận hạt nhân chung cuộc với Iran, và các cuộc xung đột tại Yemen.
Các cuộc đàm phán hôm thứ Sáu sẽ đặt nền móng cho một hội nghị thượng đỉnh tại Tòa Bạch ốc với các nhà lãnh đạo vùng Vịnh vào tuần tới.
Một số quốc gia vùng Vịnh đã bày tỏ lo ngại rằng một thỏa thuận hạt nhân với Iran có thể có thể gây bất ổn trong khu vực. Họ nêu lên những quan ngại về ảnh hưởng của Iran tại các nước như Yemen, là nơi Tehran được tin là đã cung cấp hỗ trợ cho phiến quân Houthi theo Hồi giáo Shia. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Trung Quốc tuyên bố có quyền lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông --- Cam Bốt: ASEAN nên đứng ngoài tranh chấp tại Biển Đông
Trung Quốc khẳng định có quyền lập Vùng nhận dạng phòng không ADIZ ở Biển Đông, một động thái có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực đang bất hòa vì các tranh chấp chủ quyền.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh, ngày 8/5 tuyên bố ‘Trung Quốc có quyền lập ADIZ. Quyết định về việc này tùy thuộc vào hiện trạng an toàn hàng không có bị đe dọa hay không và bị đe dọa tới mức nào.’
Truyền thông Philippines loan tin 7 máy bay tuần tra của nước này bay ngang qua quần đảo Trường Sa đã bị Bắc Kinh cảnh cáo bằng tín hiệu vô tuyến yêu cầu tránh xa khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, Voltaire Gazmin, tại một buổi họp báo hôm 8/5 tuyên bố hành động này của Trung Quốc làm như thể có một vùng ADIZ tại khu vực thật sự gây quan ngại.
Một nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, ông Ian Storey, nhận định Trung Quốc lập vùng ADIZ ở Biển Đông sẽ khơi ra các nghi ngại về ý đồ và cam kết của Bắc Kinh đối với các tiêu chuẩn và luật lệ quốc tế và các nước trong vùng sẽ xem đây là một sự vi phạm quyền tự do hàng hải nghiêm trọng.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 8/5 bác bỏ tin cho rằng Bắc Kinh dự định lập vùng ADIZ ở Biển Đông dù khẳng định Bắc Kinh có quyền làm như vậy nếu cần vì nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc.
Phát ngôn nhân Hoa Xuân Oánh cũng tố cáo rằng tin này rõ ràng ẩn chứa một động cơ phía sau.
Bà Hoa nhấn mạnh tình hình hiện tại ở Biển Đông ổn định và Bắc Kinh cùng các nước Đông Nam Á đang hướng tới việc cải thiện hợp tác và bảo vệ hòa bình Biển Đông.
Năm 2013, Bắc Kinh đã thiết lập vùng ADIZ bao trùm các quần đảo có tranh chấp ở Biển Hoa Đông, khiến Nhật Bản và đồng minh Hoa Kỳ phản đối.
Cảnh cáo mới của Trung Quốc có phần chắc làm leo thang những xích mích ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang nỗ lực dành chủ quyền gần như toàn bộ khu vực.
Việt Nam chưa lên tiếng bình luận về việc này.
Trong một tuyên bố có lợi cho TQ của Cam Bốt, phát biểu trong cuộc họp kín ngày 07/05/2015 tại Phnom Penh, Quốc vụ khanh bộ Ngoại giao Cam Bốt Soeung Rathchavy tuyên bố: Các tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông cần được giải quyết giữa các bên liên quan, ASEAN không can thiệp.
Bản tin của Reuters trích lời Quốc vụ khanh bộ Ngoại giao Cam Bốt, theo đó, "ASEAN không thể giải quyết các tranh chấp. Chúng ta không không phải là một cơ quan pháp lý. Chỉ có tòa án mới có thể giải quyết ai đúng, ai sai". Trước mặt đại diện ngoại giao của 28 quốc gia, bà Soeung Rathchavy nhấn mạnh: "Quan điểm của Cam Bốt về Biển Đông rất rõ ràng: những đòi hỏi về lãnh thổ phải được giải quyết giữa các bên liên quan".
Reuters nhắc lại Trung Quốc đang đòi hỏi chủ quyền đối với gần 90% diện tích Biển Đông. Nhiều thành viên trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á như Việt Nam Philippines, Brunei, Malaysia có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc. Bắc Kinh luôn chủ trương giải quyết tranh chấp bằng đối thoại song phương.
Bản tin của Reuters lưu ý, phát biểu của Quốc vụ khanh bộ Ngoại Cam Bốt nói trên, là động thái đáng chú ý nhất của Xứ chùa Tháp trên vấn đề Biển Đông kể từ sau thất bại của thượng đỉnh ASEAN 2012 tổ chức tại Phnom Penh. Lần đó, chính quyền của thủ tướng Hun Sen vì tránh làm phật lòng Bắc Kinh đã không đưa vấn đề Biển Đông vào thông cáo chung kết thúc hội nghị.
Trung Quốc là một điểm tựa kinh tế và quân sự quan trọng của Cam Bốt. Trong mắt các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh thì Phnom Penh là một đồng minh tốt trong khu vực Đông Nam Á. Thậm chí một số nhà bình luận còn cho rằng Cam Bốt là cánh tay nối dài của Trung Quốc trong khối ASEAN. Dù vậy Quốc vụ khanh bộ Ngoại giao Cam Bốt vẫn khẳng định là Phnom Penh chưa từng chịu ảnh hưởng của Bắc Kinh, Cam Bốt luôn giữ thái độ "trung lập. Trung Quốc không chỉ là một nước bạn của Cam Bốt mà còn là bạn của nhiều quốc gia khác, những quốc gia không ồn ào". - VOA, RFI
|
|
6.
Biển Đông: Việt Nam gởi công hàm đến LHQ phản đối Trung Quốc bồi đắp đảo --- Ảnh vệ tinh cho thấy VN cũng bồi đắp đảo [LMN: nhận tiền của cả 2 nước TQ và VN, viện CSIS thiếu sự vô tư cần thiết của một viện nghiên cứu độc lập]
Trong cuộc họp báo ngày 08/05/2015, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết Việt Nam đã gởi công hàm đến phái đoàn thường trực các nước tại Liên Hiệp Quốc để phản đối việc Trung Quốc bồi đắp đảo ở Biển Đông.
Trong cuộc họp báo, ông Lê Hải Bình trước hết nêu lập trường của Việt Nam, theo đó những hoạt động bồi đắp, mở rộng đảo, đá mà Trung Quốc đang tiến hành “đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, gây lo ngại sâu sắc trong cộng đồng quốc tế, trong đó có ASEAN ”. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao cho biết Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động này.
Gần đây, Phái đoàn thường trực Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc đã có công hàm gửi Phái đoàn thường trực các nước tại Liên Hiệp Quốc, khẳng định các hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại các đảo và bãi ở Biển Đông là “hợp pháp, chính đáng và đúng đắn”.
Đáp lại công hàm mà Hà Nội cho là có những quan điểm “sai trái” của phía Trung Quốc, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết là ngày 30/04/2015, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc đã có công hàm gửi phái đoàn thường trực tất cả các nước tại Liên Hiệp Quốc bác bỏ những quan điểm đó của phía Trung Quốc.
Trong một tin liên quan, các hình ảnh vệ tinh cho thấy Việt Nam cũng đã bồi đắp các đảo tranh chấp trên Biển Đông. Quy mô và nhịp độ của các công trình này không thể so sánh với các công trình của Trung Quốc. Đó là thông tin được viện nghiên cứu CSIS của Mỹ loan báo ngày 07/05/2015.
Các hình ảnh vệ tinh mà hãng tin Reuters nhận được từ Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), cho thấy Việt Nam đã bồi đắp hai đảo mà nước này đang kiểm soát, đó là đảo Sơn Ca (Sand Cay) và đảo Đá Tây (West London Reef), thuộc quần đảo Trường Sa. Trên hai đảo này cũng có các tòa nhà được xây thêm. Các hình ảnh vệ tinh nói trên được chụp trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến ngày 30/04/2015.
Theo lời bà Mira Rapp-Hooper, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á của CSIS, Việt Nam đã bồi đắp thêm 65 ngàn mét vuông cho đảo Đá Tây và 21 ngàn mét vuông cho đảo Sơn Ca. Diện tích bồi đắp này thật ra chẳng thấm vào đâu so với 900 ngàn mét vuông mà Trung Quốc bồi đắp chỉ riêng cho Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef). Cũng theo lời bà Rapp-Hooper, công trình bồi đắp đảo của Việt Nam bao gồm cả các cơ sở quân sự và đã được khởi công xây dựng trước khi Trung Quốc bắt đầu tiến hành ồ ạt các công trình cải tạo, bồi đắp đảo vào năm 2014.
Bà Rapp-Hooper cho biết các hình ảnh vệ tinh cho thấy là vào khoảng tháng 03/2014, Bắc Kinh đã tiến hành cải tạo, bồi đắp ở 7 đảo, xây một phi đạo quân sự trên một đảo nhân tạo và có thể đang xây một phi đạo thứ hai. Theo lờ bà Rapp-Hooper, Việt Nam cũng đã xây một phi đạo trên quần đảo Trường Sa.
Tốc độ bồi đắp đảo của Trung Quốc đã gây lo ngại cho các nước láng giềng châu Á và Hoa Kỳ. Washington xem hành động này của Trung Quốc là một mối đe dọa đến nguyên trạng của Biển Đông, tuyến giao thương hàng hải rất quan trọng đối với Mỹ.
Vào cuối tháng 4/2015, sau nhiều tuần bị chỉ trích nặng nề, Trung Quốc đã phản bác, bằng cách tố cáo Việt Nam và Philippines cũng đã tiến hành xây dựng "trái phép" trên các đảo "của Trung Quốc" ở Biển Đông. - RFI
No comments:
Post a Comment