Tuesday, May 5, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Ba 5/5

Tin Thế Giới

1.
Căng thẳng âm ỉ ở Hồng Kông trước cuộc biểu quyết về cải cách bầu cử

Căng thẳng chính trị tiếp diễn ở Hồng Kông trong lúc các nhà lập pháp thuộc phe dân chủ hứa bỏ phiếu để chống đối kế hoạch của Bắc Kinh về cải cách bầu cử ở đặc khu hành chánh này. Thông tín viên đài VOA Shannon Van Sant tường thuật từ Hồng Kông.

Các nhân vật tranh đấu dân chủ cho biết họ sẽ đi vận động tại những khu xóm ở Hồng Kông trong những tuần lễ tới đây để quảng bá cho dân chủ và tranh thủ sự hậu thuẫn đối với quyền phổ thông đầu phiếu để trực tiếp bầu ra nhà lãnh đạo của thành phố.

Năm ngoái, những người biểu tình đòi dân chủ đã chiếm cứ nhiều khu vực trong thành phố trong nhiều tháng trong cuộc phản kháng có tên Cách mạng Dù. Những người biểu tình chống đối kế hoạch của Bắc Kinh, một kế hoạch không thỏa mãn nguyện vọng của họ về một cuộc bầu cử trực tiếp để bầu trưởng quan hành chánh.

Hồi đầu năm nay, chính phủ Hồng Kông đưa ra một kế hoạch hầu như giống hệt những cải cách do Bắc Kinh đề nghị. Kế hoạch này cho phép tiến hành bầu cử để chọn hành chánh trưởng quan, nhưng chỉ từ những ứng cử viên được chọn bởi một uỷ ban mà hầu hết thành viên là những người ủng hộ chính phủ trung ương ở Bắc Kinh.

Bà Lưu Tuệ Khanh (Emily Lau), Chủ tịch Đảng Dân chủ Hồng Kông, nói rằng bà và các nhà lập pháp khác thuộc phe dân chủ sẽ không để cho kế hoạch cải cách bầu cử đó được thông qua.

"Tôi nghĩ rằng kế hoạch do chính phủ Hồng Kông đề nghị không đủ tốt. Nó không thỏa mãn những đòi hỏi cơ bản của một cuộc bầu cử dân chủ thật sự. Cho nên chúng tôi sẽ bỏ phiếu chống đối. Tôi nghĩ rằng nhiều nhà lập pháp thân dân chủ tại hội đồng lập pháp sẽ bỏ phiếu chống lại kế hoạch này."

Sau khi chính phủ Hồng Kông loan báo kế hoạch cải cách, các nhà lập pháp dân chủ đã rời khỏi trụ sở nghị viện để phản đối, trong đó có nhiều người mặc áo thun đen in hình thập giá vàng.

Để được thông qua, kế hoạch này cần có phiếu thuận của 2 phần ba các nhà lập pháp, và trong tình hình hiện nay Bắc Kinh và chính phủ Hồng Kông sẽ phải thuyết phục 4 nhà lập pháp phe dân chủ ngả về phe họ và bỏ phiếu tán thành.

Trong một cuộc tiếp xúc với báo chí, Trưởng quan Hành chánh Lương Chấn Anh cảnh báo về hậu quả của một cuộc phủ quyết.

Ông nói “Khởi động tiến trình cải cách chính trị không phải là một việc dễ dàng. Nếu đề nghị này bị phủ quyết, phải mất nhiều năm nữa mới có lại một cơ hội như vậy.”

Nhưng nhiều người Hồng Kông, nhất là những người trẻ, nói rằng trong trường hợp kế hoạch cải cách được hội đồng lập pháp thông qua thì đó sẽ là một bước thụt lùi lớn cho phong trào dân chủ.

Ông Pa Sha, một người tham gia phong trào Cách mạng Dù, phát biểu như sau.

"Tôi nghĩ rằng tình huống tốt nhất là dự luật bị phủ quyết, để chứng tỏ là người dân Hồng Kông sẽ không bị lường gạt bởi đề nghị giả hiệu, cải cách giả hiệu."

Phong trào dân chủ đã bị phân hoá thành nhiều phe nhóm sau khi những vụ xuống đường phản kháng thu hút sự tham gia hàng trăm ngàn người. Nhiều học sinh sinh viên đã quyết định rời khỏi Liên đoàn Học sinh Sinh viên Hồng Kông, một trong những nhóm chính tổ chức các cuộc biểu tình, bởi vì có những ý kiến bất đồng về hướng đi của phong trào.

Một số sinh viên cho biết họ muốn có hành động quyết liệt hơn và đã thực hiện những vụ biểu tình dọc theo khu vực giáp với Trung Quốc, bao vây những du khách và những người mua sắm đến từ Trung Quốc và hô to lời đe dọa hoặc những khẩu hiệu có tính chất kỳ thị. Tuy phong trào sinh viên học sinh có thể bị chia rẽ về vấn đề chiến thuật, phong trào này nói chung vẫn có sự hậu thuẫn rộng rãi của người dân.

Trong một cuộ thăm dò ý kiến hồi gần đây, chưa đầy một nửa cư dân Hồng Kông nói rằng họ ủng hộ kế hoạch của chính phủ về việc cải cách bầu cử ở Hồng Kông. Đề nghị này bị chống đối mạnh mẽ nhất trong giới thanh niên có học thức. Trong số những người được hỏi ý kiến, 55% những người có trình độ học vấn từ bậc đại học trở lên chống đối kế hoạch của Bắc Kinh và 63 % những người trong độ tuổi từ 18 đến 29 bác bỏ kế hoạch này.

Tuy chưa có kế hoạch phản kháng qui mô lớn để chống lại dự luật, giáo sư Trịnh Vũ Thạc của Đại học Thành phố Hồng Kông nói rằng biểu tình có thể bùng ra trở lại nếu các nhà lập pháp thuộc phe dân chủ “trở cờ” và đề nghị cải cách được hội đồng lập pháp chấp thuận.

"Nếu một số nhà lập pháp dân chủ bị làm áp lực để thay đổi lập trường và tán thành dự luật cải cách chính trị, nhiều người dự kiến sẽ có những vụ phản kháng qui mô khá lớn do các tổ chức của sinh viên khởi xướng."

Cuối tuần vừa qua, một cuộc biểu tình đòi dân chủ với qui mô nhỏ tại khu Mongkok của Hồng Kông đã dẫn tới chỗ 8 người biểu tình bị bắt. Hình ảnh trên đài truyền hình cho thấy cảnh sát dùng thuốc xịt cay mắt và dùi cui để giải tán mấy mươi người biểu tình đang định ngăn chận sự lưu thông của xe cộ. - VOA
|
|

2.
Ngoại trưởng Mỹ thảo luận về an ninh, chống khủng bố tại Kenya

Các giới chức Mỹ và Kenya đã thảo luận về những cách thức để nới rộng chiến lược chống khủng bố sau những vụ tấn công của quân hiếu chiến Hồi giáo tại Đông Phi. Thông tín viên đài VOA Pam Dockins tường thuật từ Nairobi.

Cách nay một tháng, một vụ tấn công của al-Shabab nhắm vào sinh viên và giáo sư tại Đại học Garissa ở Kenya đã giết chết gần 150 người.

Sau cuộc thảo luận tại Nairobi với Tổng thống Uhuru Kenyatta và các giới chức khác của Kenya, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã ngỏ lời chia buồn và nói rằng những hoạt động bảo vệ an ninh biên giới và chấp hành luật pháp chỉ là một phần của chiến lược chống khủng bố.

"Còn có những việc quan trọng và cấp bách hơn nữa là thuyết phục và ngăn ngừa dân chúng, đặc biệt là những người trẻ tuổi, để họ không gia nhập những nhóm hiếu chiến như al-Shabab, Boko Haram và Nhà nước Hồi giáo."

Ông Kerry nói rằng một chiến lược thành công để đánh bại những nhóm như al-Shabab lệ thuộc vào việc xây dựng sự tin tưởng giữa chính quyền với các cộng đồng địa phương.

"Khối người đó bao gồm những thành viên của cộng đồng Hồi giáo ở Kenya, là những người nằm trong số những người đầu tiên xuống đường biểu tình chống lại các phần tử khủng bố ở Garissa. Khối người đó còn bao gồm những người Somalia tị nạn ở Kenya. Đó là những người đang có mặt ở đây để lánh nạn al-Shabab và căm ghét nhóm khủng bố này."

Ông Johnnie Carson, cựu Đại sứ Mỹ tại Kenya, cho rằng chính phủ Kenya phải áp dụng những phương pháp để đối phó với nhóm al-Shabab nhưng không làm cho các cộng đồng Hồi giáo cảm thấy họ bị ruồng bỏ trên quê hương của mình.

"Phương pháp này phải có tính chất bén nhọn, giống như tia laser, chính xác như một cuộc phẩu thuật. Kenya phải cẩn thận để không gây ra mặc cảm bị ruồng bỏ trong khối người Hồi giáo của nước họ, những người đóng góp rất nhiều cho sự đa dạng, sức sống và sự lành mạnh của Kenya."

Hoa Kỳ đã huấn luyện và cung cấp trang thiết bị cho những sứ mạng chiến đấu chống lại nhóm al-Shabab và cũng thực hiện những vụ không kích bằng máy bay không người lái trong khu vực.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Phạm Hoàng An (Peter Pham), Giám đốc Trung tâm Phi châu của Hội đồng Đại tây dương, việc đánh bại al-Shabab về mặt quân sự sẽ không phải là một chiến thắng hoàn toàn.

"Phong trào này đã chuyển mình từ một thực thể có tính chất lãnh thổ, tìm cách kiểm soát những phần đất của Somalia, thành một thực thể khủng bố xuyên quốc gia. Đó là một thực thể mà chúng ta phải chiến đấu chống lại không phải chỉ với những phương tiện thuần tuý quân sự mà còn với những hoạt động cảnh sát, tình báo cộng với những hoạt động phát triển xã hội, kinh tế, và chính trị."

Trong khi đến thăm Kenya, Ngoại trưởng Kerry loan báo Washington sẽ đóng góp thêm 45 triệu đô la để hỗ trợ cho các hoạt động của Liên Hiệp Quốc để giúp đỡ người tị nạn ở Kenya.

Một số giới chức Kenya bày tỏ lo ngại về việc al-Shabab đã dùng trại tị nạn Dadaab ở nước này để phát động những cuộc tấn công ở Kenya. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Tướng Dunford được đề cử giữ chức Chủ tịch Ban Tham mưu Liên quân Hoa Kỳ

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm nay sẽ chính thức đề cử Đại tướng Joseph Dunford, Tư lệnh Thuỷ quân Lục chiến, giữ chức Chủ tịch Ban Tham mưu Liên quân. Theo tường thuật của thông tín viên Victor Beattie của đài VOA, sự lựa chọn này được thực hiện vào một thời điểm có nhiều thách thức, bao gồm một nước Trung Quốc đang trỗi dậy, một nước Nga có nhiều hành động hung hăng cộng với những chiến dịch ở Trung Đông và Phi Châu nhắm vào các nhóm khủng bố và những khoản cắt giảm ngân sách sắp xảy ra.

Nếu được Thượng viện chuẩn thuận, Đại tướng Dunford, sẽ là viên tướng Thuỷ quân Lục chiến thứ nhì từ trước tới nay giữ chức Chủ tịch Ban Tham mưu Liên quân. Vị tướng 4 sao, 59 tuổi này, đã được thăng chức một cách nhanh chóng, sau khi phục vụ gần hai năm ở Iraq với chức vụ chỉ huy trưởng một trung đoàn tác chiến. Ông Patrick Bratton, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ngoại giao và Quân sự của Đại học Hawaii-Pacific, cho biết như sau về việc này.

"Ông ấy nổi tiếng là người được thăng chức rất nhanh và cũng là người được quí trọng trong tư cách là một viên chỉ huy ngoài mặt trận. Khi ở Iraq ông ấy có biệt danh là Fighting Joe. Ông ấy cũng nổi tiếng là người có những sự tiếp xúc rộng rãi với các nước đồng minh, có những mối liên hệ tốt đẹp trong cộng đồng quân sự với các đối tác trong liên minh. Ngoài ra, khi ở Iraq, ông cũng là người được thuộc cấp kính nể."

Tướng Dunford phục vụ trong 18 tháng với chức vụ tư lệnh các lực lượng Hoa Kỳ và liên minh ở Afghanistan trước khi được bổ nhiệm vào chức Tư lệnh Thuỷ quân Lục chiến hồi tháng 10 năm ngoái.

Chức Chủ tịch Ban Tham mưu Liên quân đòi hỏi sự chuẩn thuận của Thượng viện cho một nhiệm kỳ hai năm. Báo chí trích lời Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, Thượng nghị sĩ John McCain của phe Cộng hoà, nói rằng Tướng Dunford là “một nhà lãnh đạo xuất chúng.” Ông McCain cho biết ông “hết sức vui mừng” khi ông Dunford được chọn.

Người đứng đầu phe Dân chủ tại Ủy ban Quân vụ, Thượng nghị sĩ Jack Reed, cho biết trong một tin nhắn twitter rằng ông mạnh mẽ ủng hộ sự đề cử này và nói rằng Tướng Dunford “có kinh nghiệm và tầm nhìn cần thiết để lãnh đạo trong những thời khắc có nhiều thách thức này.”

Ông Carl Baker, người đứng đầu một tổ chức nghiên cứu an ninh ở Hawaii có tên Diễn đàn Thái Bình Dương, cho rằng tiến trình chuẩn thuận sẽ diễn ra một cách rất suôn sẻ vì Tướng Dunford là người có những mối quan hệ rất tốt ở Washington và có kiến thức uyên bác về Iraq và Afghanistan.

Ông Baker cũng cho rằng Tướng Dunford sẽ đối mặt với nhiều thách thức khác nhau khi giữ chức Chủ tịch Ban Tham mưu Liên quân trong hai năm chót của nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama.

"Làm thế nào để ứng phó với những sự hạn chế mà chúng ta đã đặt ra về lực lượng trên bộ ở Iraq. Làm thế nào để ứng phó với nhóm Nhà nước Hồi giáo nói chung ở Trung Đông sẽ là một vấn đề trọng yếu mà ông ấy phải giải quyết. Nhưng, quí vị cũng nên nhớ là còn có nhiều khu vực khác. Châu Á Thái Bình Dương là một khu vực mà nhiều người nói là một phép thử để xem Hoa Kỳ có thực sự cam kết với chiến lược tái cân bằng sang Châu Á hay không, và do đó tôi nghĩ rằng đây sẽ là một vấn đề mà ông ấy phải chú tâm giải quyết. Và dĩ nhiên, ông ấy phải chú tâm vào những ý đồ của Trung Quốc trong khu vực này và những cam kết của Mỹ đối với các nước đồng minh."

Ông Baker cho biết những hành động của Nga ở Ukraine đã tạo nhiều sức ép lên liên minh NATO và chiến trường đó cũng cần tới sự lưu tâm cấp bách của viên cố vấn quân sự hàng đầu của Tổng thống Obama.

Trong khi đó, ông Bratton của Đại học Hawaii-Pacific nói rằng công việc của ông Dunford còn gặp phải một khó khăn lớn là vấn đề cắt giảm ngân sách quốc phòng. Kế hoạch cắt giảm tự động, vốn được tạm hoãn trong vòng 2 năm vào năm 2013, sẽ bắt đầu được áp dụng cho tài khoá 2016 bắt đầu từ tháng 10 năm nay.

Nếu được chuẩn thuận, Tướng Dunford sẽ lên thay Đại tướng Lục quân Martin Dempsey, là người chuẩn bị về hưu sau khi giữ chức vụ này trong 4 năm. Theo dự liệu, Tổng thống Obama sẽ đề cử Đại tướng Không quân Paul Selva, hiện là chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh Vận tải, giữ chức Phó Chủ tịch ban Tham mưu Liên quân. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

4.
Hội Nhà văn VN 'loại Văn đoàn độc lập'

Hội Nhà văn Việt Nam vừa có hành động được cho là “loại bỏ” những hội viên tham gia Văn đoàn độc lập Việt Nam.

Trong phiên bỏ phiếu bầu đại biểu đi dự Đại hội toàn quốc diễn ra ở TP. HCM ngày 5/5, lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam đề nghị những người tham dự gạch tên chín người sinh sống ở TP. HCM và tham gia Văn đoàn độc lập.

Chín người này là Ngô Thị Kim Cúc, Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Lập, Dạ Ngân, Ý Nhi, Hiền Phương, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Quang Thân, và Phạm Đình Trọng.

Tổ chức này xuất hiện tháng Ba năm ngoái với lời kêu gọi về “quyền tự do sáng tác và công bố tác phẩm”.

Lý do Hội nhà văn Việt Nam đưa ra để loại chín người này là họ tham gia một tổ chức “không được thừa nhận và có dấu hiệu phạm pháp”, theo tin từ đại hội nhà văn khu vực TP. HCM.

Theo một người tham dự đại hội, ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, hôm 5/5 nói sau một thời gian vận động, đã có ba người rời khỏi Văn đoàn, nhưng vẫn còn 26 người “khước từ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản”.

Nói với BBC sau khi nghe tin, nhà thơ Đỗ Trung Quân nói ông chỉ cảm thấy “mừng” trước quyết định của Hội Nhà văn Việt Nam.

Trên trang web của Văn đoàn độc lập hiện để tên 56 người trong “ban vận động thành lập”.

Tuyên bố chính thức của tổ chức này, được nhà văn Nguyên Ngọc đứng tên, nói họ là “một tổ chức của xã hội dân sự, ái hữu nghề nghiệp, hoàn toàn độc lập đối với mọi hệ thống tổ chức và thiết chế trong và ngoài nước”.

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX dự kiến diễn ra vào tháng Bảy năm nay tại Hà Nội.

Việc bỏ phiếu tại đại hội nhà văn khu vực TP. HCM hôm 5/5 dẫn đến kết quả sẽ có 78 người được đi dự Đại hội tại Hà Nội. - BBC
|
|

5.
Một chương trình của VTV bị dừng phát sóng vì ‘di dời’ thủ đô Hà Nội sang Trung Quốc

Một chương trình truyền hình thực tế ở Việt Nam đã bị tạm ngưng phát sóng ngay sau số ra mắt vì minh họa thủ đô của Việt Nam nằm trên lãnh thổ của Trung Quốc.

Trong phần giới thiệu giải thưởng là một chuyến đi sang Thái Lan của chương trình có tên gọi “Điệp vụ tuyệt mật”, trên bản đồ minh họa không có hình ảnh quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.

Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu Đài truyền hình Việt Nam giải trình về sai sót trong hình minh họa mà nhiều tờ báo trong nước nói là “chuyển”, “di dời” Hà Nội sang tỉnh Quảng Tây.

Cơ quan này nói rằng việc phát hình ảnh “không chính xác về lãnh thổ nước ta, gây suy diễn rất xấu trong dư luận xã hội Việt Nam, đặc biệt có thể ảnh hưởng đến vấn đề bảo vệ chủ quyền đất nước và vi phạm nghiêm trọng quy định tại khoản 4 Điều 10 Luật Báo chí”.

Sự cố này xảy ra ít lâu sau khi Đài truyền hình Việt Nam cho đăng hình ảnh blogger Điếu Cày ngồi bên cạnh Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc gặp tại Tòa Bạch Ốc.

Một nhà báo làm việc cho một nhật báo ở Việt Nam nói với VOA Việt Ngữ rằng việc xử lý nghiêm như vậy một phần vì có liên quan tới vấn đề chủ quyền của Hoàng Sa, Trường Sa.

“Hai sự việc xảy ra liên tục, vừa việc Điếu Cày, vừa việc bản đồ, xảy ra sát, khá gần nhau, nên việc xử lý của cơ quan chức năng cũng phải nhanh chóng hơn. Việc Điếu Cày thì người ta cũng không, không dại gì mà khơi lại cả vì đó là sai phạm nhạy cảm, nó có yếu tố chính trị. Trong xử lý các vấn đề truyền thông thì hay nhất là lờ nó đi. Tiếp sau đấy thì xảy ra việc kia nữa nên người ta xử lý luôn một thể”.

Báo chí trong nước trích lời đơn vị sản xuất chương trình cho biết rằng hình ảnh đồ họa là do hãng AirAsia cung cấp.

Sau đó, hãng hàng không này đã lên tiếng xin lỗi và nhận trách nhiệm vì đã để xảy ra sai sót nghiêm trọng đồng thời sẽ “lập tức chỉnh lại hình ảnh đúng với thực tế địa lý”.

Trước sự cố này, đài truyền hình Việt Nam đã cho phát hình ảnh cuộc gặp hôm 1/5 giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và blogger Điếu Cày trong bản tin buổi sáng hôm 2/5, khi đề cập tới vụ bạo động ở Baltimore, Hoa Kỳ.

Truyền thông trong nước không đưa bất kỳ thông tin nào về cuộc gặp của người từng bị kết án tù vì tội “tuyên truyền chống nhà nước” với nhà lãnh đạo của Mỹ.

Thế nên, việc một đài truyền hình quốc gia cho chiếu cảnh cuộc gặp đã thu hút sự chú ý của người dân trong nước. - VOA
|
|

6.
Trưởng ban Hội chợ Tết ở California 'biển thủ'

Chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam vùng Nam California và Thủ quỹ bị hội này cách chức với cáo buộc gian lận, trộm cắp và biển thủ 118.000 đôla.

Hai người này đóng vai trò tổ chức Hội chợ Tết thường niên, được xem là hoạt động lớn nhất của cộng đồng gốc Việt tại Hoa Kỳ.

Cô Nina Trần giữ chức trưởng ban tổ chức Hội Chợ Tết năm 2015.

Theo báo Người Việt đặt tại California, những năm gần đây, Hội Chợ Tết có doanh thu hơn nửa triệu đôla.

Thông cáo của hội sinh viên nói họ đã báo cho cảnh sát thành phố Garden Grove và Bộ Tư Pháp Tiểu Bang California.

Theo hội này, vào tháng 11 năm ngoái, họ phát hiện chủ tịch hội Nina Trần và thủ quỹ Helen Nguyễn dùng ngân khoản của hội để “trả thẻ tín dụng cá nhân và rút tiền mặt nhiều lần từ ngân hàng”.

Thông cáo nói điều tra cuối tháng Tư cho thấy hai người đã “trộm cắp, biển thủ” tổng cộng 118.000 đôla. Trong đó, cô Nina Trần bị cáo buộc lấy đi 103.000 đôla, còn cô Helen Nguyễn lấy 15.000 đôla.

Hội này “đã thu lại” được hơn 33.000 đôla từ cô Nina Trần, và tổng số chưa hoàn lại từ cô này là 70.000. - BBC


No comments:

Post a Comment