Tin Thế Giới
1.
Điều trần về Biển Đông ở Uỷ Ban Thượng Viện Hoa Kỳ hôm 13/5
Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện Hoa Kỳ điều trần về việc bảo vệ quyền lợi Mỹ tại Biển Hoa Đông và Biển Đông hôm Thứ Tư 13/5.
Trình bày cho UB có Chủ Tịch UB là NS Bob Corker, NS Ben Cardin (DC-MD), NS Cory Gardner (CH-CO).
Trình bày cho phía hành pháp có ông Daniel Russel (Phụ Tá Ngoại Trưởng), ông David Shear (Phụ Tá BT Quốc Phòng).
TNS Bob Corker (Cộng Hòa - Tennessee) mở đầu buổi điều trần, ông nói:
Uỷ Ban này hồi tháng Sáu 2014 đã có cuộc điều trần về tương lai của mối quan hệ Mỹ-Hoa và tôi đã nêu lên sự lo lắng của tôi về việc HK thiếu một chính sách nhất quán đối với TQ... Tôi rời buổi điều trần đó trong trạng thái gãi đầu. Và bây giờ, gần một năm sau, tôi càng thêm bối rối.
Hôm qua Uỷ Ban này có thảo luận về thỏa hiệp hợp tác hạt nhân với TQ và chúng ta đã nghe những thông tin bất lợi về việc TQ có ý định lạm dụng kỹ thuật hạt nhân của HK cho mục tiêu quân sự. Hơn nữa, TQ còn không có những bước ngăn chận cần thiết trong việc các tổ chức và cá nhân của TQ phổ biến kỹ thuật hạt nhân cho các nước khác, như Iran hay Bắc Hàn. Dù vậy, các viên chức hành pháp vẫn hổ trợ việc cộng tác hạt nhân với TQ trong cuộc điều trần.
Và chiều hôm nay, sự thiếu vắng một chính sách nguyên thuỷ về TQ lại thể hiện khi chúng ta thảo luận về biển Đông và Nam Trung Hoa nơi mà TQ đang có những cư xử có tính cách gây hấn và tạo bất ổn.
Như các bạn thấy qua những hình ảnh trình bày về việc lấp biển và xây dựng, phạm vi và tầm vóc có thể nói là chưa từng xảy ra. Đảo Chữ Thập qua hình ảnh tháng Sáu 2014 và bây giờ với phi đạo dài 1,300 thước và được biết sẽ tiếp tục kéo dài đến 3,100 thước...
Hơn nữa, Bắc Kinh đã công khai xác nhận rằng họ dùng những cơ sở này cho các mục tiêu quân sự, qua việc phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao TQ nói hôm 9/3 rằng việc xây dựng này một phần để "thoả mãn những nhu cầu quốc phòng cần thiết".
Điều đáng chú ý là tất cả các hoạt động đang diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang bành trướng ngân sách quân sự lớn lao, bao gồm cả các khoản đầu tư đáng kể để chống tiếp cận/từ chối đi vào khu vực (anti-access/area-denial hay A2/AD).
Đa số các nhà quan sát về TQ tin rằng Bắc Kinh không muốn xảy ra một cuộc xung đột quân sự ở hai phía biển Đông và Nam Trung Hoa. Tuy nhiên, đa số họ cũng thừa nhận rằng Bắc Kinh có thể làm tất cả mọi thứ, trừ xung đột quân sự, để củng cố các đòi hỏi của mình...
Theo số liệu thống kê gần đây nhất, khoảng 5,000 tỷ đôla thương mại hàng hải toàn cầu đi qua biển Nam TH (Biển Đông) hàng năm... tất cả các tuyến đường thương mại quan trọng qua biển Nam TH đi gần khu vực tranh chấp ở cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Tôi hy vọng chúng ta sẽ có một cuộc thảo luận cẩn thận hôm nay để vạch ra lợi ích của HK ở vùng biển Ấn Độ-Thái Bình Dương và việc TQ hành động thế nào ở biển Đông và Nam TH trong sự cân bằng của mối quan hệ song phương HK-TQ...
Nếu HK chỉ đơn giản cho rằng cách tiếp cận bằng cách duy trì sự hợp tác trong khi "quản lý những khác biệt" với TQ thì không phải là một công thức thành công, đặc biệt là khi sự "quản lý" có vẻ như là nhường lại ảnh hưởng của HK và đặt những quyền lợi của HK trong sự rủi ro ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Tôi lo ngại rằng sự vắng mặt một đường lối đúng đắn, đặc biệt ở cấp cao vợi việc tập trung quan tâm của Chính phủ Hoa Kỳ để nói lên một chính sách chặc chẽ về Trung Quốc, thì uy tín của chúng ta sẽ tiếp tục bị suy giãm trong suốt cả khu vực - cho dù việc đó liên quan đến phổ biến hạt nhân hay bảo toàn tự do hàng hải ở biển Đông và Nam TH.
Tôi mong muốn được nghe từ các nhân chứng.
Trong lời kết của buổi điều trần, NS Corker bày tỏ sự thất vọng vì trong suốt năm qua Hoa Kỳ vẫn chưa có một chính sách nhất quán (a coherent policy) về những vấn đề liên quan đến Trung Quốc và Biển Đông, nhấn mạnh rằng ngoại giao (diplomacy) chỉ thực hiện được khi có cái giá phải trả (a price to pay) nếu ngoại giao không xong. - Viet Tide
|
|
2.
Burundi: Đằng sau âm mưu đảo chính
Một viên tướng trong quân đội Burundi nói Tổng thống Pierre Nkurunzia đã "bị lật đổ".
Đây là diễn biến mới sau nhiều tuần biểu tình, chủ yếu diễn ra tại thủ đô Bujumbura.
Hiện chưa rõ kết quả cuộc đảo chính quân sự là thế nào, trong lúc tổng thống, người được tin tức nói là đang kẹt tại Tanzania, nói rằng nó đã thất bại.
Tại sao có đảo chính quân sự?
Tình hình bất ổn bắt đầu từ tháng Tư, khi tuyên bố đưa ra theo đó nói Tổng thống Pierre Nkurunziza sẽ ra tranh cử nhiệm kỳ ba.
Những người biểu tình đã xuống đường phản đối. Họ nói nhà cựu lãnh đạo phiến quân, người vốn đã nắm quyền gần 10 năm nay, không được quyền làm vậy.
Họ không hài lòng về việc tòa hiến pháp ra phán quyết rằng do ông Nkurunziza được Quốc hội bổ nhiệm năm 2005 chứ không phải do bầu cử, cho nên ông có quyền ứng cử lần nữa.
Một số tướng lĩnh quân đội nói điều này vi phạm nghiêm trọng hiệp ước hòa bình vốn chấm dứt 12 năm nội chiến tàn bạo, và nói họ giải trừ các nhiệm vụ của tổng thống.
Ai lãnh đạo?
Hiện vẫn chưa rõ. Tuyên bố về đảo chính quân sự do Tướng Godefroid Niyombare đưa ra. Ông này từng là đồng minh một thời của tổng thống. Ông đã bị cách chức khỏi vị trí phụ trách ngành tình báo hồi tháng Hai sau khi khuyên tổng thống không nên ra tranh cử nhiệm kỳ ba.
Tướng Niyombare tuyên bố trên đài phát thanh rằng một ủy ban trong đó có năm tướng lĩnh đang nắm quyền điều khiển, và hàng triệu người đã xuống phố tại thủ đô để ăn mừng.
Tuy nhiên, văn phòng tổng thống ra tuyên bố nói âm mưu chiếm quyền của phe quân đội đã bị dập tắt.
Vì sao quân đội bất trung với tổng thống?
Thỏa thuận hòa bình 2000 quy định quân đội trong tương lai luôn phải chia đều 50-50 giữa người Tutsi thiểu số, những người vốn đông đảo trong quân đội, với người Hutu đa số, mà chủ yếu là các cựu phiến quân.
Và do vậy, không giống cảnh sát, lực lượng vốn đã trấn áp các cuộc biểu tình phản đối nhiệm kỳ ba của tổng thống, quân đội được coi là lực lượng trung dung.
Tuy nhiên, trong nội bộ quân đội cũng có những phe nhóm khác nhau, với các cựu phiến quân Hutu được cho là trung thành với đảng cầm quyền, còn các quân nhân gốc gác Tutsi được cho là trung thành với phe đối lập.
Điều gây ngạc nhiên về tuyên bố đảo chính là do Tướng Niyombare đưa ra, người từng là đồng chí của tổng thống. Hiện chưa rõ liệu ông này có thực sự lấy được lòng trung thành của toàn bộ binh lính hay không.
Điều gì sẽ xảy ra?
Hiện chưa rõ.
Tổng thống Nkurunziza, người được ủng hộ rộng rãi ở các vùng nông thôn, đã đi ra nước ngoài để dự cuộc họp khu vực tại Tanzania khi cuộc đảo chính diễn ra.
Ông bị chặn, không cho trở về sau khi binh lính ủng hộ cuộc đảo chính chiếm giữ sân bay.
Các phe phái kình chống nhau trong quân đội đã có các cuộc thảo luận nhằm tránh xảy ra đụng độ.
Trong mấy tuần qua, ít nhất 40 ngàn người đã bỏ chạy sang các quốc gia láng giềng do sợ tình trạng bạo lực sẽ quay trở lại như thời nội chiến, khi mà khoảng 300 ngàn người, hầu hết là dân thường, bị giết chết. - BBC
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
TT Obama chủ trì hội nghị vùng Vịnh tập trung vào Iran, xung đột vùng
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và các quan chức cấp cao của 6 quốc gia vùng Vịnh đang tiếp tục cuộc họp cấp cao trong ngày hôm nay 14/5 về các vấn đề ở Trung Đông, bao gồm một thỏa thuận hạt nhân có khả năng đạt được với Iran, và các cuộc chiến tranh ở Iraq, Syria, Yemen và Libya.
Các cuộc đàm phán với các thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh đã bắt đầu với một bữa ăn tối vừa ăn vừa làm việc hồi tối Thứ tư tại Tòa Bạch ốc, trước khi chuyển tới trại nghỉ mát David của Tổng thống, cách thủ đô Washington khoảng 100 km về hướng bắc, vào ngày hôm nay, Thứ năm.
Tổng Thống Obama cho biết cuộc họp diễn ra vào một thời điểm mà ông mô tả là "đầy thử thách" tại vùng Vịnh.
Phó cố vấn an ninh quốc gia của Tổng Thống Obama, ông Ben Rhodes, nói với đài Alhurra hôm qua rằng một trong các mục tiêu của hội nghị là để xem xét các khả năng quân sự và những phương cách mà các nước vùng Vịnh có thể làm việc với nhau và với Hoa Kỳ.
Ông Rhodes nói, "Chúng tôi không coi hiệp ước này là có tính cách ràng buộc pháp lý như hiệp ước mà chúng tôi đã có với các nước NATO, mà là một thoả thuận nào đó đã có được sau các cuộc thương lượng đầy khó khăn, đã phát triển trong nhiều năm qua, nhưng điều mà chúng ta đang chứng kiến là một cam kết rõ ràng từ phía Hoa Kỳ rằng chúng tôi sẽ bảo vệ các đối tác của chúng tôi trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh, GCC, trước các mối đe dọa từ bên ngoài. Chúng tôi đã từng chứng tỏ là điều đó bao gồm khả năng sử dụng vũ lực quân sự như chúng tôi đã làm trong chiến tranh vùng Vịnh."
Các quốc gia vùng Vịnh đã bày tỏ quan ngại về các cuộc đàm phán hạt nhân đang diễn ra với Iran, một đối thủ trong khu vực, và muốn nâng cấp quan hệ an ninh với Mỹ. Họ lo lắng rằng một thỏa thuận sẽ tăng cường uy tín của Iran trong khu vực và làm suy yếu các quan hệ của Mỹ với các quốc gia vùng Vịnh khác, đặc biệt là trong các vấn đề quân sự .
Hôm qua, Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc John Earnest nói Hoa Kỳ coi trọng quan hệ an ninh với Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh. - VOA
|
|
4.
Washington không để Bắc Kinh thao túng tại Biển Đông
Hoa Kỳ quyết định ngăn chận thủ đoạn của Trung Quốc từng bước khống chế biển Đông Nam Á xây dựng căn cứ tiền phương ở quần đảo chiến lược Trường Sa. Quân đội Mỹ chuẩn bị nhiều phương án đối phó. Hoa Kỳ "quyết tâm dấn thân bảo vệ tự do giao thông trên biển và trên không tại Biển Đông" là thông điệp mà Ngoại trưởng John Kerry sẽ xác quyết với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối tuần này.
Hành động xây dựng các đảo bán nhân tạo như Trung Quốc đang thực hiện tại biển Đông Nam Á không cho phép tuyên bố chủ quyền lãnh hải hay không phận quốc gia.
Với nhận định này, Hoa Kỳ tỏ thái độ và chuẩn bị nhiều biện pháp để đối phó tham vọng bành trướng của Trung Quốc tại vùng biển đảo truyền thống của Việt Nam và Philippines mà Bắc Kinh tranh giành từ 40 năm nay. Đây cũng là con đường huyết mạch của thương thuyền quốc tế và khu vực trách nhiệm của hạm đội 7 Hoa Kỳ.
Về ngoại giao, trong chuyến viếng thăm Bắc Kinh vào cuối tuần này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khi gặp gỡ thảo luận với giới lãnh đạo Trung Quốc, kể cả ông Tập Cận Bình, sẽ cảnh báo: những hành động xây dựng căn cứ trong vùng biển tranh chấp chỉ gây bất ổn trong khu vực và tác hại đến quan hệ với Hoa Kỳ.
Theo bộ ngoại giao Mỹ, sau khi gặp Ngoại trưởng John Kerry, chính quyền Trung Quốc sẽ "không còn mơ hồ về quyết tâm dấn thân" của Hoa Kỳ để bảo đảm quyền tự do lưu thông trên không và trên biển tại khu vực này. Cũng như sau khi đơn phương thành lập vùng "nhận dạng phòng không", bao phủ phần lớn biển Hoa Đông gây căng thẳng với Nhật Bản, Trung Quốc tuyên bố cấm hải thuyền quốc tế và máy bay quốc tế "đi vào hải phận và không phận" (12 hải lý) của Trung Quốc tại biển Đông Nam Á.
Theo AFP, nhiều nhà chiến lược Mỹ lo ngại Trung Quốc sẽ biến các đảo nhân tạo này thành căn cứ quân sự tiền phương và trang bị vũ khí tối tân như ra-đa, tên lửa để khống chế toàn khu vực Biển Đông. Chuyên gia Alexander Sullivan, của Trung tâm nghiên cứu vì An ninh mới CNAS, nhận định: về chính trị, nếu Trung Quốc kiểm soát được toàn bộ biển Đông thì đây sẽ là một đòn chí tử cho chính sách khu vực của Mỹ. Về quân sự, Hoa Kỳ sẽ khó có thể huy động lực lượng cấp cứu hai đồng minh Đài Loan và Philippines đang bị Bắc Kinh đe dọa.
Hôm thứ tư 13/05, Hoa Kỳ khẳng định sẽ huy động tàu chiến áp sát cái gọi là "lãnh hải 12 hải lý" của Trung Quốc ở Trường Sa và cho máy bay trinh sát đi vào "không phận" để chứng tỏ Mỹ không xem tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh là có giá trị. Bộ trưởng quốc phòng Ashton Carter chỉ thị cho bộ tham mưu chuẩn bị các khả năng này.
Tiếp theo đó, Hoa Kỳ thông báo đưa tàu tác chiến cận duyên tối tân USS Fort Worth vào Biển Đông hoạt động.
Để đáp lại phản ứng của Mỹ, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh "bày tỏ sự lo ngại" của Bắc Kinh và yêu cầu Mỹ làm "sáng tỏ vấn đề".
Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai) được trao trách nhiệm đáp trả bằng những lời chất vấn và cảnh cáo Mỹ trên Tân Hoa xã: Ai là kẻ gây căng thẳng tại biển Nam Hải? Ai là kẻ có thái độ hung hăng trong những năm gần đây? Tại sao các nước khác (hàm ý Việt Nam, Philippines và Đài Loan) lấn chiếm, xây dựng trên đảo "của Trung Quốc" mà Hoa Kỳ không lên án?
Đại sứ Trung Quốc cho rằng Hoa Kỳ sử dụng "các biện pháp biểu dương võ lực để giải quyết xung khắc như thời chiến tranh lạnh".
Giới phân tích dự báo chuyến viếng thăm của Ngoại trưởng Mỹ tại Trung Quốc vào hai ngày cuối tuần tới đây sẽ có nhiều sóng gió. Chương trình dự trù là để bàn thảo "hợp tác chiến lược" sẽ trở thành nơi "phơi bày xung khắc".
Ian Storey, chuyên gia chiến lược hàng đầu của Viện Nghiên cứu Chiến lược Á Châu tại Singapore, nhận định: những tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông đã làm Hoa Kỳ thức tỉnh. Giờ đây, vấn đề là sẽ đối phó bằng cách nào, vì cho đến nay những lời kêu gọi, khuyến cáo không được Bắc Kinh lắng nghe. - RFI
|
|
Tin Việt Nam
5.
Việt Nam biện minh cho hoạt động bồi đắp đảo ở Biển Đông
Việt Nam lên tiếng biện minh cho các hoạt động bồi đắp, mở rộng đảo trên Biển Đông, đã được nhìn thấy gần đây qua các hình ảnh chụp từ vệ tinh.
Các hình ảnh vệ tinh do Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) của Hoa Kỳ công bố ngày 07/05/2015 vừa qua cho thấy Việt Nam đã bồi đắp hai đảo mà nước này đang kiểm soát, đó là đảo Sơn Ca (Sand Cay) và đảo Đá Tây (West London Reef), thuộc quần đảo Trường Sa. Các hình ảnh vệ tinh nói trên được chụp trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến ngày 30/04/2015.
Trong một thư điện tử trả lời trang thông tin Rappler của Philippines hôm qua, 13/05/2015, đại sứ Việt Nam tại Manila Trương Triều Dương viết rằng những hoạt động nói trên của Việt Nam chỉ hoàn toàn là nhằm cải tạo các cơ sở đã có sẵn nhằm phục vụ các nhu cầu thường nhật tối thiếu của người dân trên các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Đại sứ Trương Triều Dương cũng cho rằng báo cáo của CSIS là "không hoàn toàn chính xác", vì những hoạt động xây dựng của Việt Nam không phải là "bồi đắp đảo" như mô tả của viện nghiên cứu này. Ông Trương Triệu Dương còn khẳng định là hoạt động xây dựng của Việt Nam ở Biển Đông không giống như những hoạt động của phía Trung Quốc. Theo đại sứ Việt Nam tại Manila, Việt Nam có chủ quyền "không thể tranh cãi được" trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nên các hoạt động xây dựng của Việt Nam là "hoàn toàn chính đáng và bình thường".
Theo Rappler, bộ Ngoại giao Philipines ngày 11/05 vừa qua cho biết đang kiểm tra thông tin về các hoạt động bồi đắp đảo của Việt Nam.
Những hình ảnh vệ tinh nói trên của CSIS được công bố vào lúc Philippines phản đối các hoạt động bồi đắp đảo của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời tăng cường liên minh với Việt Nam để đối phó Bắc Kinh. - RFI
|
|
6.
Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào Biển Đông
Trung Quốc loan báo hoạt động của giàn khoan nước sâu 981 tại Biển Đông trước khi di chuyển tới một vị trí mới.
Thông báo đăng trên website của Cục Hải sự Quốc gia Trung Quốc nói trong thời gian 10 ngày từ 6/5-16/5, giàn khoan Hải Dương 981 sẽ tác nghiệp tại giếng Lăng Thủy 25-1S-1, tọa độ 17°03′44″.5 Bắc/109°59′02″.7 Đông.
Vị trí này nằm cách thành phố Tam Á, thủ phủ tỉnh Hải Nam, khoảng 75 hải lý về phía đông nam.
Giới chức Việt Nam trong các phỏng vấn với báo giới trong nước nói vị trí này "ở ngoài vùng biển Việt Nam".
Báo Thanh Niên dẫn lời thiếu tướng Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam, nói Cảnh sát biển Việt Nam luôn sát sao theo dõi hoạt động của giàn khoan 981.
Trong khi đó giới quan sát đang tìm hiểu sau ngày 16/5 khi công việc ở giếng Lăng Thủy kết thúc, giàn khoan 981 sẽ di chuyển đi đâu.
Có thông tin chưa kiểm chứng nói nó có thể sẽ được đưa vào vị trí hồi tháng Năm năm ngoái, tức nằm trong thềm lục địa của Việt Nam và chỉ cách đảo Lý Sơn chừng 120 hải lý.
Ngày 1/5/2014, giàn khoan 981 được đưa vào vị trí này, khơi nguồn một làn sóng phản đối Trung Quốc mạnh mẽ mà cao trào là đợt bạo lực nhắm vào doanh nghiệp Trung Quốc ở Việt Nam.
Cho tới giữa tháng 7/2014 giàn khoan này mới rút đi.
'Hành động điên rồ'
Nhận định về khả năng giàn khoan 981 được đưa trở lại vị trí năm 2014, Tiến sỹ Ian Storey từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đặt tại Singapore nói: "Nếu nhớ lại ảnh hưởng nghiêm trọng cho quan hệ Trung-Việt cũng như phản ứng tiêu cực trong khu vực mà việc Trung Quốc di chuyển giàn khoan hồi năm ngoái gây ra, cộng thêm sự quan ngại trước các hoạt động xây đảo nhân tạo mới đây của Trung Quốc tại Biển Đông, thì thật là điên rồ nếu Bắc Kinh lại muốn đưa giàn khoan của mình vào khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam lần nữa".
"Tuy nhiên quá trình ra quyết định của Trung Quốc không rõ ràng minh bạch và trong những năm qua chúng ta thấy Trung Quốc sẵn sàng chịu thiệt hại uy tín và vẫn tiếp tục thái độ hung hăng tại Biển Đông thì khó có thể khẳng định điều gì."
Trong một diễn biến có liên quan, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry có kế hoạch sẽ đề cập chủ đề tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông với lãnh đạo Trung Quốc khi ông thăm Bắc Kinh cuối tuần này.
Hãng tin Reuters cho hay ông Kerry "sẽ cảnh báo Trung Quốc rằng việc cải tạo cơi nới đảo mà nước này đang làm ở Biển Đông sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới ổn định khu vực cũng như cho quan hệ Trung-Mỹ".
Trước đó, hôm thứ Ba 12/5 một quan chức Mỹ cũng nói Lầu Năm Góc đang cân nhắc điều chiến đấu cơ và tàu chiến tới để bảo đảm tự do đi lại quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây tại Biển Đông.
Trung Quốc phản ứng giận dữ trước thông tin này và đòi giải thích. - BBC
No comments:
Post a Comment