Saturday, May 2, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 2/5

Tin Thế Giới

1.
Khoảng 1.000 người Âu châu còn mất tích sau trận động đất ở Nepal

Một tuần sau trận động đất 7.8 tàn phá Nepal, các giới chức ở đây cho biết hàng ngàn người vẫn còn mất tích, trong đó có khoảng 1.000 người Âu châu.

Các giới chức hôm nay nói rằng số tử vong đã vượt mức 6.600 người, với phần lớn nạn nhân là người ở bên trong và xung quanh thủ đô Kathmandu.

Giới hữu trách cho biết không có nhiều hy vọng tìm được người sống sót trong những đống đổ nát.

Tại Kathmandu, một số dấu hiệu bình thường đã xuất hiện lại với việc một số thương gia xúc tiến công việc làm ăn và một số người dọn dẹp lều trại để về nhà. Mặc dầu vậy, mùi tử thi tràn ngập là một nguyên do chính làm cho nhiều người tiếp tục ở ngoài trời chứ không ở trong nhà.

Người đứng đầu công tác cứu trợ của Liên Hiệp Quốc, bà Valerie Amos đã đi thăm những khu vực ở Nepal hôm thứ sáu trong khuôn khổ của chuyến đi 3 ngày nhằm thẩm định các hoạt động cứu trợ. Bà cho báo chí biết rằng tài trợ khẩn cấp cho hoạt động cứu trợ đang đổ vào Nepal. Bà cũng hối thúc cộng đồng quốc tế gia tăng sự trợ giúp.

Chính phủ Nepal đang phát 1.000 đô la cho các gia đình có người thiệt mạng cộng với 400 đô la chi phí mai táng.

Liên Hiệp Quốc cho hay hơn 8 triệu người bị ảnh hưởng của trận động đất và ít nhất 2 triệu người mất nhà cửa.

Uỷ ban Hồng Thập Tự Quốc tế đã lập một website để bạn bè và thân nhân báo cáo người mất tích và tìm kiếm những người đã ghi tên. - VOA
|
|

2.
Nigeria giải cứu hơn 200 phụ nữ và trẻ em bị Boko Haram bắt cóc

Quân đội Nigeria cho biết họ vừa giải cứu 234 phụ nữ và trẻ em bị phiến quân Boko Haram bắt cóc ở miền đông bắc.

Một giới chức quân đội nói rằng vụ giải cứu mới nhất diễn ra hôm thứ năm trong rừng Sambisa.

Cách đây vài ngày một nhóm vài trăm con tin cũng đã được giải cứu trong cùng khu rừng.

Hiện chưa rõ trong số những thiếu nữ được giải cứu có những nữ sinh bị bắt cóc hồi năm ngoái tại một trường nội trú ở Chibok hay không. Vụ bắt cóc đó gây căm phẫn trên khắp thế giới và có lẽ đã góp phần làm cho Tổng thống Goodluck Jonathan bị thất bại trong cuộc bầu cử mới đây.

Nhiệm kỳ của ông Jonathan sẽ kết thúc trong tháng này. Ông cho biết khu rừng Sambisa là cứ địa cuối cùng của nhóm Hồi giáo hiếu chiến. Ông cam kết quét sạch các cứ địa của quân khủng bố trước khi rời khỏi chức vụ. - VOA
|
|

3.
Đài Loan: Lãnh đạo Quốc dân đảng thăm Trung Quốc

Chủ tịch Quốc dân đảng, đảng cầm quyền ở Đài Loan, ông Châu Lập Luân (Eric Chu) đến Trung Quốc hôm nay, 02/05/2015, mở đầu chuyến viếng thăm đầu tiên của lãnh đạo đảng này từ năm 2008 tại Hoa lục.

Theo chương trình dự kiến, ông Châu Lập Luân sẽ đến dự diễn đàn thương mại thường niên tại Thượng Hải trong hai ngày cuối tuần, trước khi tiếp kiến chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào thứ hai tới, 04/05/2015.

Trước khi lên đường đi Trung Quốc, lãnh đạo Quốc dân đảng đã hứa sẽ nêu lên mối quan ngại ngày càng tăng của công luận Đài Loan trước ảnh hưởng của Hoa lục lên đảo này. Ông cũng sẽ thảo luận với lãnh đạo chế độ Bắc Kinh về việc Đài Bắc muốn gia nhập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á (AIIB), do Trung Quốc đề xướng. Tuy nhiên, chủ tịch Quốc dân Đảng Châu Lập Luân sẽ không thảo luận với Bắc Kinh về hiệp định hòa bình giữa hai bên.

Ông Châu Lập Luân đã lên kế nhiệm Tổng thống Mã Anh Cửu ở chức vụ chủ tịch Quốc dân đảng vào tháng Giêng năm 2015. Đảng này chủ trương xích gần lại Trung Quốc thông qua việc thúc đẩy mậu dịch và du lịch. Thế nhưng, công luận Đài Loan chống đối ngày càng mạnh chính sách này, vì họ thấy rằng các hiệp định thương mại giữa hai bờ eo biển Đài Loan đã được thương lượng bí mật và không mang lại lợi ích gì cho người dân thường.

Một số người thuộc tổ chức đối lập Liên hiệp Đoàn kết Đài Loan hôm nay đã đến sân bay Đài Bắc để biểu tình với biểu ngữ phản đối ông Châu Lập Luân là đang "bán rẻ" Đài Loan cho Trung Quốc. Họ cũng giương biểu ngữ "Người Đài Loan quyết định tương lai của Đài Loan". Tháng 3 năm 2014, khoảng 200 sinh viên đã chiếm giữ Quốc hội Đài Loan trong hơn 3 tuần để phản đối hiệp định về dịch vụ với Trung Quốc, trong khuôn khổ một chiến dịch biểu tình được mệnh danh "Phong trào Hoa Hướng Dương".

Trong cuộc bầu cử địa phương tháng 11/2014, Quốc dân đảng đã thu được kết quả tồi tệ nhất từ trước đến nay. Cuộc bầu cử địa phương này được xem là thước đo cho cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan vào năm 2016. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Đối phương sử dụng vụ bất ổn ở Baltimore tuyên truyền chống Mỹ --- 6 cảnh sát viên bị truy tố vì cái chết của thanh niên da đen

Tình trạng bất ổn xảy ra ở thành phố Baltimore trong tuần này sau khi một công dân Mỹ gốc Phi trẻ qua đời trong khi bị cảnh sát câu lưu đang được các đối phương của Hoa Kỳ trên khắp thế giới sử dụng trong làn sóng tuyên truyền và chỉ trích trên toàn cầu, phần lớn chủ ý gây rối rắm cho nước Mỹ.

Một số chính phủ Tây phương như Hoa Kỳ và những nước khác đang bắt đầu gia tăng các chiến thuật trên mạng truyền thông xã hội, phản công lại các luận điệu chỉ trích và thông tin sai lạc đang loan truyền qua truyền thông xã hội.

Tuy nhiên theo ông David Altheide, nhà nghiên cứu về truyền thông thuộc Đại học Arizona thì những lựa chọn đó có thể giới hạn. Ông là người có công trình nghiên cứu chuyên về tuyên truyền và truyền thông giải thích:

“Sự đáp ứng cần ở mức tối thiểu, và nhấn mạnh vào trọng tâm. Sự thay đổi lớn nhất của truyền thông xã hội là mức lan truyền hết sức rộng rãi của nó. Trên khắp thế giới ngày càng nhiều người sử dụng mạng truyền thông xã hội. Đó là lý do vì sao truyền thông xã hội có khuynh hướng mang lại nhiều hiệu quả. Cách đáp ứng tốt nhất là Hoa Kỳ nên giới hạn, trung thực và tập trung vào vấn đề.”

Nhưng thậm chí trước khi những ngọn lửa ở Baltimore tàn lụn tiếp theo sau vụ náo loạn vào đêm Thứ hai, những người phê bình Hoa Kỳ đã lên mạng, chụp lấy các biến cố vừa diễn ra.

Trên trang Twitt của nhà lãnh đạo tối cao Iran Ahatollah Ali Khamenei, đăng mẫu tin đầu tiên trong 8 mẫu tin về cái chết của Freddie Gray người Mỹ gốc Phi 25 tuổi sau khi bị cảnh sát bắt: “Quyền lực và chế độ chuyên chế khác biệt. Ở một số nước như Hoa Kỳ chẳng hạn, cảnh sát dường như rất uy quyền. Đó là nội dung của mẫu tin đầu tiên của ông.

Trong các mẫu twitt tiếp theo sau, ông chỉ trích điều mà ông gọi là những cái chết “bất công” của người Mỹ gốc Phi do cảnh sát gây ra, và ca ngợi Hồi giáo như một tôn giáo mà cảnh sát trong tôn giáo đó hành động với lòng nhân từ; trong một mẫu twitt khác ông còn châm chọc Tổng thống Barack Obama rằng thật “lố bịch” là các tội ác nhắm vào người Mỹ gốc Phi diễn ra trong khi bản thân Tổng thống là người da đen.

Các dư luận viên Nga trên các website RT để lại hàng ngàn bình luận thường không đề tên gọi Hoa Kỳ là “đạo đức giả,” “tội phạm,” “chủ nô lệ,” và còn nhiều lời tồi tệ hơn nhiều.

Một bình luận có nội dung như sau: “Hoa Kỳ còn có gan dạy Nga là cảnh sát xử sự ra sao".

Uỷ viên nhân quyền của Nga Konstatin Dolvov nói vụ bất ổn cho thấy “chiều sâu và sự phân biệt chủng tộc có hệ thống ở Mỹ.”

Các phần tử chủ chiến có liên hệ với nhóm Nhà nước Hồi giáo, IS, nắm lấy các hashtag (#) phổ biến trên mạng, như BlacklivesMatter, BaltimoreRiot, FreddieGray, để kích bác phương Tây đồng thời tuyển mộ chiến binh mới. 

Một trong hàng trăm mẫu twitt của một trong hàng trăm tài khoản trên Twitter, có cảm tình với nhóm chủ chiến IS, viết, “Trong Hồi giáo và nhóm Nhà nước Hồi giáo, IS, không có sự khác biệt giữa người da đen và người da trắng.

Hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc Tân hoa xã đăng một bài bình luận gay gắt, cùng với nhiều mẫu chuyện, gọi các vụ bạo loan trong tuần này là, “… một bằng chứng khác nữa cho thấy Hoa Kỳ hiện đang chia rẽ sâu sắc, và xã hội Mỹ ngày càng trở nên bất ổn trong khi hệ thống luật pháp không đáp ứng được kỳ vọng của người dân.”

Không có gì mới lạ về chuyện một nhà nước nắm lấy những rủi ro của đối thủ để sử dụng cho mục tiêu tuyên truyền. Nga đã làm điều đó trong nhiều năm rồi. Tuy nhiên theo các chuyên gia thì mạng truyền thông xã hội đang thay đổi ván cờ tuyên truyền. 

Ông Keir Giles, một chuyên gia trong ban nghiên cứu an ninh quốc tế của viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Chatham House ở London nói, “Trong nhiều cách, mục tiêu lật đổ Liên Xô, hay tuyên truyền cổ động, cho đến giữa thập kỷ 1980 và chiến tranh thông tin của Nga ngày nay cũng giống như vậy.”

Ông Giles, người từng làm việc trong chế độ Liên Xô cũ, nghiên cứu việc sử dụng truyền thông xã hội của chính quyền Putin nhằm loan truyền các mục tiêu và các thông điệp.

Mặc dù hoạt động tuyên truyền của chế độ Liên Xô cũ có thể giống phương tiện thông tin tinh vi hơn được chỉ đạo bởi Điện Kremlin trong thời đại này, ông Giles nhận định rằng chúng khác nhau ở một khía cạnh quan trọng.

“Thổi phòng tin tức là một mục tiêu quan trọng trong việc sử dụng truyền thông xã hội của Nga,” ông nói. “Các cơ sở dư luận viên - thuê mướn hàng trăm người để đăng bình luận lên các trang truyền thông xã hội, các diễn đàn thảo luận và các trang bình luận cho các trang truyền thông trực tuyến khác - làm như vậy để tạo cảm tưởng rằng thông tin sai lạc của truyền thông nhà nước Nga được sự ủng hộ rộng rãi.

“Các dư luận viên sử dụng các tên nghe như Tây sẽ lập lại những câu chuyện thất thiệt hay nguỵ tạo từ các nguồn của Nga – của cả trang web RT (Russia Today hay Nước Nga Ngày nay) lẫn bất cứ các trang web giả mạo nào – càng loan truyền rộng rãi càng tốt.” ông Giles nói. “Việc này có thể có hiệu quả cao.”

Ông Giles nói rằng công tác tuyên truyền hiện đại của Nga phổ biến qua mạng truyền thông xã hội, nhắm nhiều mục tiêu, trong đó có việc gây hoang mang, khơi xúc cảm, và làm thay đổi công luận trong những vùng địa lý quan trọng. Ông nói:

“Các nguyên tắc căn bản giống nhau: làm suy yếu và gây bất ổn cho đối phương sử dụng bất cứ cơ hội hay quan điểm nào đang thịnh hành và nếu có thể ảnh hưởng vào chính sách và việc hoạch định chính sách. Ngoài những dối trá trắng trợn về Ukraine, còn rất nhiều điều nữa đang diễn ra – đưa ra những tường thuật thất thiệt kém rõ ràng ở tầm mức vô cùng rộng lớn, về các sự kiện diễn ra ở Hoa Kỳ và các nước đồng minh của Hoa Kỳ nhằm mục tiêu chia rẽ và gây suy yếu chính phủ và xã hội của những nước này.”

Nhưng các chiến dịch truyền thông xã hội của các nhóm như nhóm Nhà nước Hồi giáo, IS, thể hiện một mức độ cao về kỹ năng và tinh tế. 

Nhà phân tích Giles nói rằng cách hiệu quả nhất để chống lại các làn sóng tuyên truyền bằng phương tiện điện tử mới này chỉ cần đơn giản nói đó là: Tin thất thiệt:

“Khi các nhà lãnh đạo phương Tây và truyền thông quốc gia chỉ đơn giản xác định vấn đề và lên tiếng thẳng thắn về vấn đề đó, việc này đã chứng tỏ là một bước quan trọng đối với việc tham gia vào tư duy phản biện trong xã hội và giúp những người dân thường sử dụng Internet ở những nước đó nhận ra là họ đang bị Nga lừa bịp, và lợi dụng.”

Ông David Altheide nói:

“Không có nhiều tư duy phản biện khi nói đến vấn đề tuyên truyền loan truyền qua truyền thông xã hội. Nó có xu hướng củng cố các nhận thức và định kiến. Vì vậy các mẫu tin củng cố những sự hiểu sai đó có hiệu quả nhất thời, nhưng chủ yếu là đối với những người có khuynh hướng tin vào nó.”

Về sự việc ở Baltimore, công tố viên trưởng của thành phố Baltimore ở miền đông nước Mỹ loan báo các cáo trạng hình sự đối với 6 cảnh sát viên dính líu tới vụ bắt giữ ông Freddie Gray.

Bà Marilyn Mosby hôm thứ sáu nói rằng giám định viên y khoa của tiểu bang đã xác định cái chết của ông Gray trong lúc bị cảnh sát câu lưu là một vụ án mạng.

Bà cho biết ông Gray bị thương nặng ở cổ trong lúc được chở trên một chiếc xe van của cảnh sát hôm 12 tháng Tư. Bà nói rằng nạn nhân không được quàng giây nịt vào ghế ngồi trên xe, một việc lẽ ra phải làm, và các cảnh sát viên đã không cung cấp sự trợ giúp y tế mà cũng chẳng yêu cầu người khác làm như vậy, mặc dù ông Gray đã nói là ông cần có sự giúp đỡ. Bà Mosby cũng nói rằng bản thân vụ bắt giữ là “bất hợp pháp” vì chiếc dao được tìm thấy trên người của thanh niên da đen 25 tuổi này không phải là dao bấm và việc ông ấy mang dao như vậy là hợp pháp.

“Nói rõ sự thật về những gì xảy ra cho ông Freddie Gray là một việc cần thiết một cách tuyệt đối,” Tổng thống Barack Obama phát biểu như vậy tại Tòa Bạch Ốc hôm thứ sáu sau khi các cáo trạng được loan báo. Các cáo trạng này gồm có cáo trạng sát nhân cấp một nhắm vào một cảnh sát viên, cùng với các cáo trạng ngộ sát, hành hung cấp hai, hành xử sai trái trong khi thi hành nhiệm vụ và giam giữ trái phép.

Tất cả 6 cảnh sát viên, gồm 3 người da trắng và 3 người da đen, được tại ngoại hầu tra sau khi bị bắt giữ và được quan toà thông báo tội danh hôm thứ sáu. - VOA
|
|

5.
Biển Đông: Mỹ bác đề nghị của Trung Quốc

Hôm qua, 01/05/2015, Hoa Kỳ đã bác bỏ đề xuất của một sĩ quan cao cấp Trung Quốc sẵn sàng cho Mỹ và các nước khác sử dụng các đảo đang tranh chấp trên Biển Đông cho các hoạt động cứu nạn.

Báo chí Hoa Kỳ trích dẫn một thông tin từ trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, cho biết là Đô đốc Ngô Thắng Lợi (Wu Shengli), tư lệnh Hải quân Trung Quốc đã đưa ra đề nghị nói trên khi nói chuyện với Đô đốc Jonathan Greenert, tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ, trong một hội nghị qua màn ảnh video. Theo thông tin của Bộ Quốc phòng, Đô đốc Ngô Thắng Lợi khẳng định rằng các công trình bồi đắp những đảo đang tranh chấp "sẽ không đe dọa đến quyền tự do lưu thông hàng hải và hàng không" ở khu vực Biển Đông, mà trái lại sẽ "nâng cao khả năng dự báo thời tiết, tìm kiếm, cứu hộ trên biển, cũng như giúp bảo vệ an ninh hàng hải quốc tế".

Thế nhưng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, Jeff Rathke, hôm qua nói rằng Hoa Kỳ không quan tâm đến đề nghị nói trên của phía Trung Quốc. Trong cuộc họp báo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã tuyên bố thẳng thừng rằng xây dựng các cơ sở trên phần đất được bồi đắp trên các đảo đang tranh chấp "sẽ không góp phần vào hòa bình và ổn định trong vùng", cho dù có đúng là các cơ sở đó được sử dụng vào các mục đích dân sự, cứu trợ thiên tai. Ông Rathke nói thêm rằng: "Nếu thật sự muốn làm giảm các căng thẳng, Trung Quốc nên tích cực giảm căng thẳng bằng những bước cụ thể để ngưng việc cải tạo, bồi đắp đảo".

Những tuyên bố nói trên của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho thấy là lập trường của Washington vẫn không thay đổi trên vấn đề Trung Quốc gia tăng cải tạo, bồi đắp các đảo đang tranh chấp ở Biển Đông. Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Shinzo Abe ngày 28/04/2015, nhân dịp lãnh đạo chính phủ Nhật Bản viếng thăm chính thức Hoa Kỳ, Tổng thống Barack Obama đã cực lực chỉ trích những mưu toan của Trung Quốc làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông.

Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear gần đây cũng đã cho rằng Trung Quốc gia tăng bồi đắp các đảo tranh chấp ở Biển Đông có thể là nhằm mục tiêu thiết lập một vùng nhận dạng phòng không ở khu vực này, tương tự như vùng nhận dạng phòng không mà Bắc Kinh thiết lập ở vùng biển Hoa Đông vào cuối năm 2013.

Nhiều chuyên gia về an ninh tin rằng nay Trung Quốc xem Biển Đông như là một vùng "bất khả xâm phạm", không có bất cứ sự can thiệp quân sự nào của Mỹ và Bắc Kinh đang có ý định triển khai tại đây những tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo (SLBM) có thể tấn công vào lãnh thổ lục địa của Hoa Kỳ. Nếu Bắc Kinh thực hiện được chiến lược như vậy, điều đó sẽ ảnh hưởng đến khả năng răn đe hạt nhân của Mỹ và càng làm tăng mối quan ngại là sẽ không thể nào ngăn chận được đà bành trướng trên biển của Trung Quốc. - RFI
|
|

Tin Việt Nam

6.
Tổng thống Obama 'rất quan tâm' tới VN

Tổng thống Barack Obama 'rất quan tâm' tới tình hình tự do ngôn luận, báo chí và nhân quyền ở Việt Nam, theo blogger Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải, cựu tù nhân lương tâm, người vừa được nhà lãnh đạo Hoa Kỳ mời tới Nhà Trắng để gặp gỡ và trao đổi nhân ngày Tự do Báo chí Quốc tế hôm 01/5/2015.

Trao đổi với BBC từ Washington D.C. hôm thứ Bảy, nhà báo tự do Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải nói:

"Chuyến gặp lần này đã cho tôi một cảm xúc rất đặc biệt, Tổng thống Obama là một người rất bình dị và khi mà chúng tôi ngồi ở bên cạnh nhau để thảo luận về các vấn đề tự do báo chí, tự do ngôn luận của các nước, mà có các nền báo chí tồi tệ.

"Tôi thấy rằng Tổng thống Obama rất quan tâm đến tình hình của các nước như là Ethiopia, Nga hay Việt Nam.

"Cách mà Tổng thống diễn đạt những câu chuyện rất bình dị và ấm áp."

Khi được hỏi vì sao Tổng thống Mỹ chọn gặp ba nhà báo từ Việt Nam, Nga và Ethiopia trong cuộc gặp này, blogger Điếu Cày đáp:

"Đấy cũng là một chỉ dấu cho thấy là ba quốc gia này có nền báo chí tồi tệ nhất. Theo tôi được biết có một danh sách trên 30 nhà báo được lựa chọn.

"Nhưng chỉ có 3 người được vào gặp Tổng thống, và như vậy cũng cho thấy rằng những người mà đã bị đàn áp ở những quốc gia có nền báo chí tồi tệ, thì Tổng thống lựa chọn để gặp mặt."

'Giữ kín cuộc gặp'

Blogger Điếu Cày cho hay ông đã được biết trước về cuộc gặp cách đó không lâu:

"Tôi đã biết trước được khoảng một tuần trước, nhưng vì lý do an ninh nên cái này phải giữ kín...

"Bên Bộ Ngoại giao và sau đó là bên phía Nhà Trắng (đặt vấn đề mời)."

Điếu Cày cũng chia sẻ thêm về một danh sách các tù nhân lương tâm, trong đó có nhiều nhà báo, blogger đang bị giam giữ ở Việt Nam, mà ông đã gửi Tổng thống Obama nhân dịp này.

Blogger, chủ nhiệm Câu lạc Bộ Nhà báo Tự do mới tái lập ở Hoa Kỳ nói:

"Có Trần Huỳnh Duy Thức, Tạ Phong Tần, anh Vinh Ba Sàm (blogger Ba Sàm - Nguyễn Hữu Vinh), chị Bùi Hằng, Trần Vũ Anh Bình, Việt Khang và một số tù nhân nữa, chúng tôi có đưa một danh sách."

Khi được hỏi về phản ứng của Tổng thống Hoa Kỳ, blogger Điếu Cày cho hay:

"Tổng thống đã rất quan tâm tới câu chuyện này," nhà tranh đấu cho tự do báo chí, ngôn luận và nhân quyền ở Việt Nam nói với BBC hôm 02/5/2015.

Blogger Điếu Cày, đã có cuộc gặp với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama trước thềm ngày Tự do Báo chí Thế giới 3/5.

Ông đã có mặt cùng hai blogger khác là Simegnish 'Lily' Mengesha (từ Ethiopia) và Fatima Tlisova (từ Nga) tại Nhà Trắng hôm 1/5/2015 để tham gia hội luận về tự do báo chí trên thế giới, các báo hải ngoại đưa tin.

Trả lời đài RFA (Á Châu Tự do) sau cuộc gặp, ông Hải cho biết đã "gởi lời tri ân sâu sắc đến Tổng thống và Chính phủ Hoa Kỳ đã quan tâm và nhờ thế tôi đã được tự do và ra khỏi nhà tù".

"Tôi cũng trình bày với Tổng thống về những vấn đề tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam và vấn đề tù nhân lương tâm, sau đó thì tôi cũng đưa ra một danh sách những bạn bè cần được Tổng thống quan tâm giúp đỡ", ông nói thêm.

Phát biểu trước báo giới sau buổi thảo luận, ông Obama nói vai trò trọng yếu của báo chí là "đóng góp vào nền dân chủ trên toàn thế giới."

Ông ca ngợi sự "dũng cảm" của ba nhà báo nói trên trong những hoàn cảnh khác nhau và nói Hoa Kỳ "chào đón họ" để tiếp tục công việc quan trọng của mình.

"Các nhà báo cho tất cả chúng ta cơ hội để biết sự thật về đất nước chúng ta, về chúng ta, về chính phủ của chúng ta sao để chúng ta tốt hơn, mạnh mẽ hơn," ông Obama nói.

"Họ góp phần cất tiếng nói cho những người không được nói, phơi bày sự bất công và bắt những lãnh đạo như tôi phải làm tròn bổn phận và trách nhiệm của mình."

"Tuy nhiên đáng tiếc là nhiều nơi trên thế giới, người ta đã tấn công tự do báo chí. Chính phủ muốn trốn tránh sự thật, hoặc hoài nghi khả năng của công dân tự đưa ra các quyết định cho chính mình."

"Các nhà báo bị sách nhiễu, thậm chí đôi khi bị giết. Báo chí độc lập bị dẹp, hoặc ép buộc phải im lặng và người ta bóp nghẹt tự do ngôn luận."

"Do đó tôi trân trọng có được dịp gặp ba nhà báo hết sức dũng cảm trong những hoàn cảnh khác nhau. Cả ba người đều từ những nước hạn chế hết sức mạnh mẽ về tự do báo chí. Cả ba nhà báo đều từng bị giam cầm hay bị sách nhiễu, cả ba người đều tìm tới Hoa Kỳ để lánh nạn và chúng tôi chào đón họ để họ tiếp tục công việc quan trọng của mình." 

'Tiếng nói lãnh đạo'

Đề cập về Điếu Cày, Tổng thống Obama gọi ông là "tiếng nói lãnh đạo cho tự do báo chí ở Việt Nam".

"Điếu Cày là blogger viết về nhân quyền và tự do tôn giáo và ông là tiếng nói lãnh đạo cho tự do báo chí ở Việt Nam. Ông ngồi tù 6 năm và mới được thả hồi tháng 10 năm ngoái", ông nói.

"Tôi đã lắng nghe thông tin trực tiếp từ ông Điếu Cày và hai nhà báo về tầm quan trọng của tự do báo chí.

"Tôi cũng giải thích với họ là những nước này [Việt Nam, Nga, Ethiopia] đều thuộc diện Hoa Kỳ đang đối thoại trực tiếp và trao đổi kinh doanh thương mại nhiều. 

"Và tôi tin rằng đối thoại và ngoại giao chắc chắn là hết sức quan trọng cho lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ."

"Tuy nhiên điều cũng quan trọng là chúng ta nói ra nhân danh các giá trị đã được nêu trong hiến pháp và các quyền mà chúng ta trân quí bởi chúng ta tin rằng các giá trị đó không chỉ đơn thuần là của Hoa Kỳ mà còn là giá trị phổ quá toàn cầu và thuộc về nhân quyền và rốt cùng làm cho thế giới tốt đẹp và mạnh mẽ hơn."

Sau khi đề cập tới tên các nhà báo khác cũng đang trong cảnh bị tù tội, ông Obama nói thêm:

"Một lần nữa tôi muốn cảm ơn ba nhà báo có mặt tại đây hôm nay đã chia sẻ với tôi một cách rõ ràng và khúc chiết về một số thách thức mà chúng ta đang đối diện."

"Chúng tôi muốn nhắc lại với quí vị báo giới rằng đây vẫn tiếp tục là việc mà Hoa Kỳ đã và đang làm trong chính sách ngoại giao của chúng tôi."

"Điều đó không chỉ là việc chính đáng phải làm mà vì rốt cùng đó là những điều mà tôi tin là nó nằm trong lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ." - BBC



No comments:

Post a Comment