Monday, May 11, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Hai 11/5

Tin Thế Giới

1.
Úc yêu cầu Trung Quốc không lập vùng phòng không ở Biển Đông --- Singapore, Malaysia và Indonesia mở rộng tuần tra chung ở Biển Đông

Hôm nay, 11/05/2015, hãng tin Bloomberg cho biết Ngoại trưởng Úc, trong một cuộc phỏng vấn, khẳng định Trung Quốc không nên thiết lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông, vì điều này có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, Ngoại trưởng Úc, bà Julie Bishop nhấn mạnh việc các nước Đông Nam Á "hết sức lo ngại" trước dự định áp đặt vùng nhận dạng phòng không tại khu vực này. Phát biểu của lãnh đạo Ngoại giao Úc, được đưa ra sau tuyên bố của Trung Quốc hồi cuối tuần trước (ngày 07/05) về việc Bắc Kinh có quyền đơn phương thiết lập một vùng ADIZ, trong trường hợp mà Trung Quốc thấy cần thiết.

Mới đây, Philippines tố cáo Trung Quốc ngăn chặn nhiều chuyến bay của nước này trên bầu trời quần đảo Trường Sa. Ngoại trưởng Úc cho biết, bà đã đề cập với các lãnh đạo Trung Quốc về vấn đề này, và yêu cầu Bắc Kinh không có thêm hành động khiến tình hình thêm căng thẳng. Việc Trung Quốc cấp tốc mở rộng nhiều đảo tại Trường Sa (với diện tích tăng gấp 400 lần, tương đương 800 ha, theo một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ công bố ngày 08/05) và xây dựng nhiều công trình quân sự tại đây khiến các nước láng giềng và quốc tế rất lo ngại. 

Úc là một đồng minh của Hoa Kỳ, và ủng hộ chính sách xoay trục của Washington sang khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, nhưng Bắc Kinh cũng là đối tác thương mại hàng đầu của Úc. Hiện có khoảng 2.500 binh sĩ Hoa Kỳ đồn trú tại một căn cứ quân sự ở Darwin, một thành phố miền bắc Úc. Cũng trong cuộc phỏng vấn, Ngoại trưởng Úc khẳng định đe dọa lớn nhất đối với an ninh của nước Úc hiện nay là tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo, "một ý thức hệ man rợ, độc hại" nhất, kể từ sau đệ nhị thế chiến.

Ngoài ra hôm nay, 11/05/2015, nhật báo Singapore’s Today cho biết hải quân ba nước Singapore, Malaysia và Indonesia đang thảo luận về việc mở rộng tuần tra chung trên Biển Đông. Chuẩn Đô đốc hải đông Singapore Lai Chung Han thông báo việc phối hợp mở rộng tuần tra này nhằm đối phó với tình trạng cướp biển tái xuất hiện và những tụ điểm hải tặc nguy hiểm tại Biển Đông.

Trước đó, hợp tác giữa ba nước đã thành công trong việc hạn chế tình trạng hải tặc tại eo biển Malacca. Tuy nhiên, việc mở rộng tuần tra lần này sẽ phức tạp hơn do các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.

Chuẩn đô đốc Lai Chung Han cho biết khu vực này, cùng với vùng eo biển Philippines, trải dài trên 16km ở phía nam Singapore, là các điểm nóng mới. Ông cũng thừa nhận những điểm này nằm gần các vùng tranh chấp tại Biển Đông, nhưng đồng thời khẳng định không muốn lẫn lộn các vấn đề với nhau. Theo vị Đô đốc này, các cuộc tuần tra chỉ tập trung đối phó với nạn hải tặc vì không một quốc gia nào thực sự có lợi nếu vấn nạn này tiếp tục hoành hành.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Văn phòng Hàng hải quốc tế (IMB), trong vòng 12 tháng gần đây, trung bình hai tuần một lần, hải tặc tấn công một tầu chở dầu cỡ nhỏ neo đậu ở vùng biển ngoài khơi Đông Nam Á. Khu vực này hiện trở thành một điểm nóng về hải tặc trên thế giới. Từ đầu năm 2015, hơn một nửa các vụ tấn công của hải tặc xảy ra tại khu vực Đông Nam Á.

Trong những năm gần đây, khu vực Biển Đông là chủ đề tranh chấp chủ quyền dữ dội giữa nhiều quốc gia. Trung Quốc ngày càng bị các nước Đông Nam Á xa lánh vì các hành động hung hăng tại vùng biển này. - RFI
|
|

2.
Quốc vương Ả Rập Saudi và 3 quốc vương vùng Vịnh khác không dự Thượng đỉnh Mỹ-Vùng Vịnh với TT Obama

Ngày thứ Tư 13/05 và thứ Năm 14/05/2015 tới sẽ diễn ra hội nghị thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ với sáu quốc gia vùng vịnh Ba Tư. Chủ đề chính của thượng đỉnh là các vấn đề "chống khủng bố, an ninh hàng hải, an ninh tin học và hệ thống phòng vệ chống tên lửa đạn đạo", trong bối cảnh các cường quốc sắp đạt được một thỏa thuận về hạt nhân với Iran, tuy nhiên, theo một số nhà quan sát, cuộc thượng đỉnh này đã bị nguyên thủ đa số nước vùng Vịnh tẩy chay.

Trong số sáu quốc vương vùng Vịnh được mời, chỉ có đích thân nguyên thủ Qatar và Kuwait tới Hoa Kỳ. Sự kiện đặc biệt gây chú ý là việc Quốc vương Ả Rập Saudi từ chối lời mời của Tổng thống Mỹ. Thông tin được Bộ Ngoại giao Ả Rập Saudi loan báo hôm qua, 10/05/2015. Người được cử dẫn đầu phái đoàn của Saudi là hoàng tử kế vị Mohammed ben Salman, và Bộ trưởng Quốc phòng, một con trai khác của vua.

Về mặt chính thức, Quốc vương Ả Rập Saudi Salman, ưu tiên có mặt trong nước để theo dõi thỏa thuận ngừng bắn tại Yemen, sẽ có hiệu lực từ tối mai, 12/05, tuy nhiên nhìn từ Hoa Kỳ, đây rõ ràng là một dấu hiệu không tốt lành.

Từ Washington, thông tín viên Anne-Marie Capomaccio cho biết cụ thể,

"Thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và các nước khối Hội đồng hợp tác vùng Vịnh CCG có mục tiêu bảo đảm với các quốc gia của khối về triển vọng thương thuyết đang diễn ra với Teheran. Ả Rập Saudi – đối thủ của Iran - đặc biệt lo ngại trước khả năng quốc tế dỡ bỏ trừng phạt đối với nước này. 

Cho dù các cuộc gặp trù bị cho thượng đỉnh đã diễn ra, nhưng chắc chắn các cuộc họp đã không có hiệu quả như phát biểu của Nhà Trắng. Các quốc gia vùng Vịnh không che giấu thực tế này. Sáu nước thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh hy vọng có được với Hoa Kỳ một hiệp định quốc phòng chung, để đối trọng lại với thỏa thuận sắp đạt được giữa Iran và khối 5+1 (gồm năm thành viên Hội đồng Bảo an và Đức). Tuy nhiên, một hiệp định đi ngược lại quyền lợi của Israel sẽ không có hy vọng được thông qua, do sự phản đối của Hạ viện Mỹ, đa số thuộc đảng Cộng hòa. Một thỏa thuận như vậy do đó không nằm trong lịch trình của thượng đỉnh. 

Việc bán vũ khí cũng là một chủ đề gây căng thẳng khác. Washington từ chối bán một số thiết bị quân sự tối tân cho các nước Ả Rập. Và điều này cũng do không muốn Israel bực tức. Như vậy, rõ ràng là Phủ Tổng thống Mỹ sẽ phải có nhiều nỗ lực ngoại giao để giải quyết tình trạng khủng hoảng hiện nay. 

Theo thông tin thêm của RFI, một trong các lý do khiến vua Ả Rập Saudi từ chối lời mời dường như là do phía Ả Rập Saudi không cảm thấy được bảo đảm, sau cuộc hội kiến giữa Ngoại trưởng nước này, ông Adel al-Jubeir, với người đồng nhiệm Hoa Kỳ John Kerry tại Paris, hôm 08/05, mặt khác, vua Salman cũng đã sắp 80 tuổi, một chuyến đi như vậy có thể là quá mệt mỏi với ông".

Phe Houthi ủng hộ việc ngừng bắn với liên quân 

Về tình hình Yemen, theo AFP, sau hơn sáu tuần không kích của liên quân do Ả Rập Saudi đứng đầu, lực lượng nổi dậy người Houthi, theo hệ phái Shia – được Iran ủng hộ - đã có phản ứng "tích cực" trước đề nghị ngừng bắn trong năm ngày của liên quân, vì lý do nhân đạo.

Chiến dịch can thiệp của liên quân Ả Rập, khởi sự từ ngày 26/03, có mục tiêu ngăn chặn cuộc nổi dậy của phe Houthi, lật đổ chính quyền được Liên Hiệp Quốc công nhận. Kể từ tháng 3 đến nay, hơn 1.400 người thiệt mạng trong các xung đột, theo Liên Hiệp Quốc. Khoảng 70.000 người – trong đó có 28.000 trẻ em - phải sơ tán khỏi tỉnh Saada, căn cứ địa của người Houthi, do các cuộc không kích. Mười bảy tổ chức phi chính phủ đã ra thông cáo chung, kêu gọi ngừng bắn.

Thượng đỉnh sẽ bắt đầu vào thứ tư với các đoàn đại biểu từ 6 nước thành viên trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh thăm Tòa Bạch Ốc và các cuộc hội đàm vào thứ năm tại khu nghỉ dưỡng của Tổng thống ở Camp David.

Ngoại trưởng Jubeir cho hay Quốc vương Salman sẽ phái Thái tử Mohammed bin Nayef đi thay, viện dẫn lý do thượng đỉnh trùng với cuộc ngưng bắn và nỗ lực nhân đạo kéo dài 5 ngày ở nước láng giềng Yemen, nơi Ả Rập Saudi đang dẫn đầu chiến dịch không kích chống lại các tay súng chống chính phủ.

Một giới chức của chính quyền Tổng thống Obama nói sự thay đổi này không phải là phản hồi trước bất kỳ vấn đề trọng yếu nào.

Không có Quốc vương Salman, chỉ có lãnh đạo của Qatar và Kuwait dẫn đầu các phái đoàn tới thượng đỉnh. Quốc vương Sabah Ahmad al-Sabah của Kuwait tới Washington hôm qua và Quốc vương Qatar, Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani, hôm nay theo dự kiến sẽ khởi hành từ Doha.

Quốc vương Sultan Qaboos bin Said của Oman và Chủ tịch của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất Khalifa bin Zayed al-Nahyan không tham gia vì lý do sức khỏe.

Phái đoàn của Bahrain sẽ được dẫn đầu bởi Thái tử thay vì Quốc vương Hamad bin Isa Al-Khalifa, không rõ lý do vì sao.

Phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc Eric Schultz tuần trước loan báo rằng thượng đỉnh sẽ bao gồm các cuộc thảo luận về thắt chặt hợp tác an ninh với các quốc gia Vùng Vịnh và tìm các đường hướng chung cho các cuộc xung đột ở Iraq, Syria, Libya, và Yemen. - RFI, VOA
|
|

3.
NATO tố cáo Nga vi phạm lệnh ngưng bắn ở Ukraine

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm nay tố cáo Nga vi phạm lệnh ngưng bắn trong cuộc xung đột ở Ukraine bằng cách vẫn tiếp tục cung cấp cho các phần tử ly khai thân Nga viện trợ quân sự.

Lên tiếng từ Brussels, ông Stoltenberg nhấn mạnh ‘Có sự tăng cường của Nga dọc theo biên giới Nga-Ukraine và cả bên trong miền Đông Ukraine với các luồng cung cấp đều đặn thiết bị hạng nặng, xe tăng, pháo, đạn dược, các hệ thống phòng không, và rất nhiều hoạt động huấn luyện.’

Đánh giá của Tổng thư ký NATO về giao tranh tiếp diễn ở Đông Ukraine được đưa ra trong lúc Bộ Ngoại giao Mỹ loan báo Ngoại trưởng John Kerry đang trên đường tới Sochi (Nga) để họp với Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin vào ngày mai, bàn về vụ khủng hoảng ở Ukraine và các cuộc xung đột ở Trung Đông. Nga bác bỏ tố cáo của các nước phương Tây rằng Moscow đang trông coi cuộc giao tranh ở Ukraine.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của Ngoại trưởng Kerry tới Nga kể từ khi xung đột bùng nổ ở Đông Ukraine cách đây hơn 1 năm giữa các phần tử ly khai thân Nga và các lực lượng của Kiev sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ sẽ thảo luận với Tổng thống và Ngoại trưởng Nga ‘một loạt nhiều vấn đề song phương và khu vực, bao gồm vấn đề Iran, Syria, và Ukraine.’

Loan báo về chuyến đi của Ngoại trưởng Kerry, Bộ Ngoại giao Mỹ nói đây là ‘một phần trong các nỗ lực đang thực hiện để duy trì các kênh giao tiếp trực tiếp với các giới chức cấp cao của Nga để bảo đảm lập trường của Mỹ được truyền tải rõ ràng.’

Sau chặng dừng chân ngắn ở Nga, ông Kerry tiếp tục lên đường sang Thổ Nhĩ Kỳ để họp với Ngoại trưởng các nước NATO. Sau đó ông quay về Mỹ tham dự thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo Ả Rập do Tổng thống Barack Obama chủ trì tại Camp David, khu nghỉ dưỡng của Tổng thống bên ngoài thủ đô Washington. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Mỹ bị chất vấn tại phiên Kiểm điểm Nhân quyền LHQ

Các giới chức Hoa Kỳ hôm nay đối mặt chất vấn tại Geneva về sử dụng án tử hình, việc dùng võ lực thái quá trong ngành cảnh sát và các biện pháp an ninh quốc gia giữa lúc Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc đang tiến hành cuộc kiểm điểm nhân quyền của Mỹ.

Giới chức Tư pháp, James Cadogan, dẫn chứng một số các trường hợp nổi bật gần đây liên quan đến vụ cảnh sát giết chết những cư dân da đen không võ trang và nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ cần phải nỗ lực hơn nữa để bảo vệ các quyền dân sự.

Ông Cadogan nói ‘Các vụ việc này là thử thách để chúng ta nỗ lực nhiều hơn vì sự tiến bộ.’

Việc áp dụng án tử hình tại Mỹ cũng khiến nhiều người quan tâm. Một số nước kêu gọi bãi bỏ án tử hình, một số khác cho rằng tối thiểu Hoa Kỳ cần có biện pháp đảm bảo cho các tù nhân bị thiểu năng trí tuệ không bị xử tử.

Phản hồi trước các câu hỏi về chính sách đối đãi người lao động nhập cư, phái đoàn giới chức Hoa Kỳ cam kết rằng mọi nỗ lực đang được tiến hành nhằm bảo vệ quyền của công nhân nhập khẩu trong đó có các kế hoạch ngăn ngừa khai thác lao động trẻ em.

Cuộc họp kiểm điểm nhân quyền hôm nay cũng tập trung về các biện pháp thẩm tra của CIA, tình trạng tiếp tục giam giữ tù nhân tại trại giam của Mỹ ở Vịnh Guantanamo (Cuba), các cuộc không kích bằng máy bay không người lái của Hoa Kỳ, và các hoạt động theo dõi của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ. 

Chuẩn tướng Richard Gross báo cáo các tù nhân ở Vịnh Guantanamo vẫn tiếp tục bị giam giữ theo luật định và nhấn mạnh rằng gần phân nửa tù nhân đã được chuyển đi kể từ khi Tổng thống Barack Obama lên nắm quyền với cam kết đóng cửa nhà tù này.

Vẫn theo lời ông, quân đội Mỹ luôn cân nhắc thận trọng khi sử dụng võ lực kể cả khi nhắm mục tiêu các phần tử khủng bố cụ thể trong các đợt không kích bằng máy bay không người lái.

Ông báo cáo trước Hội đồng rằng ‘Lực lượng Mỹ hết sức cẩn trọng để tránh gây thương vong cho thường dân.’

Cuộc kiểm điểm nhân quyền sẽ đưa ra báo cáo chi tiết các chất vấn về thành tích nhân quyền của Mỹ và hàng loạt các khuyến nghị giúp giải quyết các vấn đề quan tâm. - VOA
|
|

5.
Mỹ cảnh báo mối đe dọa khủng bố đang bước vào ‘giai đoạn mới’

Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Jeh Johnson nói rằng cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu đã bước vào một giai đoạn mới, trong bối cảnh các tổ chức như Nhà nước Hồi giáo (IS) đã sử dụng thành công truyền thông xã hội để kêu gọi các công dân mạng tham gia tổ chức này hoặc thực hiện các vụ tấn công nội địa.

Theo tường thuật của thông tín viên VOA Victor Beattie, ông Johnson phát biểu như vậy hôm qua trên chương trình This Week của đài truyền hình ABC, sau khi có những tiết lộ cho biết cơ quan thi hành công lực liên bang đang tiến hành hàng trăm cuộc điều tra nhằm xác định xem ai gây ra mối đe dọa khủng bố ở trong nước.

Bộ trưởng An ninh Nội địa Jeh Johnson nói rằng mối đe dọa khủng bố đang bước vào một giai đoạn mới vì tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã sử dụng thành công mạng xã hội mà theo lời ông là để tiếp cận vào bên trong nước Mỹ để tuyển mộ các phần tử thánh chiến ở nội địa.

“Chính vì việc sử dụng Internet cho nên chúng ta biết ít hoặc thậm chí không biết trước được khi nào thì một kẻ tấn công nào đó định hành động. Chính vì thế mà cơ quan thi hành công lực ở cấp địa phương cần phải cảnh giác hơn bao giờ hết, và chúng tôi thường xuyên nhắc nhở họ điều đó”.

Ông Johnson nói rằng mỗi một cuộc tấn công hoặc âm mưu tấn công sẽ giúp mang lại một bài học kinh nghiệm. Giới chức này nói thêm rằng trong khi có các mối đe dọa kể từ sau các vụ tấn công khủng bố 11/9/2001, hiện đã có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các giới chức thi hành công lực cấp địa phương, cấp tiểu bang và liên bang. 

Tuần trước, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey cảnh báo rằng hiện có thể có hàng nghìn người công dân mạng ủng hộ Nhà nước Hồi giáo ở Mỹ, và thách thức hiện nay cho giới hữu trách là xác định xem người nào trong số đó thực sự là một mối đe dọa.

Hồi đầu tháng này, ngày 3/5, hai tay súng đã tấn công một sự kiện gần thành phố Dallas, tiểu bang Texas, nơi diễn ra một cuộc thi vẽ tranh biếm họa Đấng tiên tri Muhammad. Hai tay súng đã bị hạ sát trong khi đọ súng với cảnh sát. Một nhân viên bảo vệ cũng bị thương trong vụ này. Ông Comey nói rằng cơ quan của ông đã cảnh báo cảnh sát Garland, Texas, phải canh chừng Elton Simpson và kẻ đồng lõa Nadir Soofi chỉ vài giờ trước khi xảy ra cuộc tấn công.

Ông Johnson nói rằng ông và các giới chức liên bang đang ngăn chặn nỗ lực tuyển mộ thông qua mạng xã hội bằng cách tiếp cận cộng đồng Hồi giáo ở Hoa Kỳ. Ông nói thêm:

“Kể từ khi giữ chức bộ trưởng, cá nhân tôi đã tham gia các cuộc trao đổi với các nhân vật lãnh đạo cộng đồng Hồi giáo ở nhiều nơi. Tôi đã tới New York, Boston, Minneapolis, Chicago, Los Angeles và những nơi khác, và tại đó, tôi đã gặp gỡ các lãnh tụ cộng đồng để nói với họ về việc ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan bạo lực. Đó phải là một phần của nỗ lực trong giai đoạn mới này”.

Ông Johnson nói rằng những lời đối chọi với điều mà ông thừa nhận là một thông điệp “bóng bẩy và hiệu quả” mà nhóm IS chuyền tải tới những kẻ khủng bố tiềm năng trên mạng xã hội phải xuất phát từ các cộng đồng đó.

“Nó phải xuất phát từ các lãnh tụ Hồi giáo, và thật sự mà nói, họ nói ngôn ngữ của mình tốt hơn hẳn so với các quan chức chính quyền liên bang. Chính vì lẽ đó, khi tôi gặp gỡ các nhân vật lãnh đạo cộng đồng, các lãnh tụ Hồi giáo, đó là một trong những điều tôi thúc giục họ thực hiện. Một số người đã bắt đầu thực hiện. Chúng tôi đã thấy một số tiến bộ tốt đẹp, nhưng còn nhiều việc có thể làm.”

Ông Johnson cho rằng các biện pháp mà quân đội Mỹ áp dụng để tăng cường an ninh tại các căn cứ khắp nước Mỹ là hành động khôn ngoan và thận trọng, sau khi FBI cảnh báo rằng các chiến binh Nhà nước Hồi giáo có thể nhắm mục tiêu vào các binh sĩ hoặc cảnh sát địa phương.

Xuất hiện trên chương trình Fox News Sunday từ Paris, dân biểu Michael McCaul, Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện, nói rằng mối đe dọa nhắm vào các căn cứ quân sự và cảnh sát địa phương đã gia tăng.

“Chúng tôi đã chứng kiến những điều đó gần như là hàng ngày. Đó là điều đáng ngại. Tôi đang có mặt ở đây để trao đổi với các chuyên gia chống khủng bố đang điều tra vụ Charlie Hebdo về cách thức ngăn chặn các chiến binh nước ngoài từ Iraq và Syria tới châu Âu. Nhưng hiện chúng ta thấy có hiện tượng ở Mỹ, những kẻ khủng bố có thể được khuyến khích trên Internet. Và thực sự là chủ nghĩa khủng bố đã lan rộng”.

Ông McCaul nói rằng có thể thấy là mối đe dọa khủng bố tiềm tàng còn lớn hơn những gì FBI nêu ra. Ông nói rằng Hoa Kỳ hiện phải đối mặt với hai mối đe dọa: một là từ các chiến binh xuất phát từ Trung Đông, và hai là từ hàng nghìn người tại ngay chính nước Mỹ, những ngươi sẵn sàng cầm vũ khí khi tổ chức IS phát đi một thông điệp qua Internet. Ông cảnh báo rằng mối đe dọa này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, chứ không phải dịu bớt đi, phần lớn là vì sự tồn tại của quá nhiều quốc gia bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
VN yêu cầu Thủ Tướng Ấn nêu vấn đề an ninh biển với Trung Quốc

Việt Nam tố cáo Trung Quốc có những hoạt động vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, và bày tỏ hy vọng Thủ Tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ nêu vấn đề này với Bắc Kinh, trong các cuộc thảo luận sắp tới với lãnh đạo Trung Quốc khi ông Modi tới thăm nước này.

Báo chí Ấn Độ dẫn lời ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại Việt Nam, nói với các nhà báo Ấn Độ rằng Ấn Độ và Việt Nam có các quan hệ rất tốt với nhau, và New Dehli luôn luôn hậu thuẫn Hà Nội bất cứ khi nào Trung Quốc tìm cách vi phạm chủ quyền của Việt Nam, đặc biệt tại quần đảo Trường Sa mang tính chiến lược.

Ông Nghiêm nói Tập đoàn dầu khí ONGC của Ấn Độ đã thực hiện các cuộc thăm dò trong các vùng biển của Việt Nam, bất chấp sự chống đối của Trung Quốc. Ấn Độ cũng đã ký một thoả thuận với Việt Nam để thăm dò dầu hoả trong vùng biển có tranh chập chủ quyền với Trung Quốc trong Biển Đông.

Ông Nghiêm lưu ý rằng “Ấn Độ là đối tác chiến lược của Việt Nam. Hai nước không chỉ hợp tác trong lĩnh vực thương mại và doanh thương, mà còn trong lĩnh vực quốc phòng”.

Theo lịch trình, Thủ tướng Modi sẽ thực hiện chuyến công du 2 ngày tới thăm Trung Quốc, từ ngày 14 tới ngày 16 tháng 5.

Trong năm qua, Ấn Độ và Việt Nam đã thực hiện nhiều chuyến đi thăm qua lại cấp cao, Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm Ấn Độ hồi tháng 10 theo lời mời của Thủ Tướng Narendra Modi.

Và trước đó trong tháng 9, Tổng Thống Ấn Độ Pranab Mukherjee cũng đến thăm Việt Nam trong 4 ngày. - VOA


No comments:

Post a Comment