*****
NGÀY Tháng Tư Đen Năm Thứ 40
TƯỞNG NIỆM Những Người Đã Hy Sinh Để Bảo Vệ Tự Do
TRI ÂN Những Người Đấu Tranh Để Thực Hiện Ước Mơ Còn Dang Dở
*****
Tin Thế Giới
1.
Ông Kim Jong Un hủy chuyến thăm Nga
Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã hủy chuyến công du dự kiến tới Moscow để tham dự Ngày Chiến thắng ở Nga.
Điện Kremlin mới thông báo tin này. Phát ngôn viên Dmitry Peskov hôm nay cho biết rằng “ông ấy quyết định ở lại Bình Nhưỡng”.
Người phát ngôn này nói đã nhận được thông tin trên qua “các kênh ngoại giao”.
Theo ông Peskov, chuyến thăm bị hủy bỏ vì “các vấn đề nội bộ Bắc Triều Tiên”.
Chuyến đi tới Nga được coi là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo Bắc Hàn kể từ khi lên kế nhiệm thân phụ.
Nga đã mời các nhà lãnh đạo trên thế giới, trong đó có ông Kim, tới Moscow ngày 9/5, để tham dự buổi lễ đánh dấu 70 năm chiến thắng của Nga trước phát xít Đức trong Thế Chiến II.
Cho tới ngày hôm nay, Nga vẫn nói với ban tiếng Triều Tiên của VOA rằng nước này đang chuẩn bị “hậu cần” cho chuyến thăm của ông Kim.
Thông báo về việc hủy chuyến đi được đưa ra một ngày sau khi cơ quan tình báo Hàn Quốc nói với các nhà lập pháp của nước này rằng ông Kim sẽ tới Nga.
Chưa có thông tin về việc ông Kim đã tới thăm một quốc gia nào hoặc gặp một nguyên thủ nào kể từ khi lên nắm quyền cuối năm 2011 sau khi cha ông là Kim Jong Il qua đời.
Tổng thống Hàn Quốc được mời tham dự buổi lễ ở Moscow nhưng đã từ chối tham gia. Đại sứ Mỹ ở Nga sẽ đại diện cho Hoa Kỳ. - VOA
|
|
2.
Quốc vương Ả Rập Saudi chỉ định Hoàng Thái tử kế vị
Hôm thứ Tư, Quốc vương Ả Rập Saudi, Salman bin Abdulaziz, cải tổ một số chức vụ cao cấp trong đó có việc chỉ định cháu trai của ông là Hoàng tử Mohammed bin Nayef làm thái tử. Ông Nayef là Bộ trưởng Nội vụ đầy quyền lực.
Hoàng thái tử mới thay thế người em cùng cha khác mẹ với nhà vua là hoàng tử Muqrin bin Abdulaziz, vừa mới được chỉ định làm hoàng thái tử kế vị ngôi vua vào tháng 1 năm nay khi Vua Salman đăng quang và sau khi Vua Abdullah băng hà.
Trong một động thái khác, tất cả được loan báo bằng một sắc chỉ trên truyền thông nhà nước, nhà vua bổ nhiệm bộ trưởng ngoại giao mới là Đại sứ Ả Rập Saudi tại Mỹ Adel al-Jubeir lên thay thế nhà ngoại giao kỳ cựu Saud al-Faisal.
Con vua là Hoàng tử Mohammed bin Salman được chỉ định làm phó thái tử.
Đây là sự thay đổi lớn trong giới lãnh đạo cấp cao: thay hoàng thái tử mới và cho về vườn vị ngoại trưởng lâu năm nhất. Sự thay đối có vẻ nhằm hướng tới việc nâng cao vị thế cho thế hệ trẻ lãnh đạo, trong một chính phủ đã bị lão hoá.
Ông Nayef đã nổi lên như một nhân vật chính trị chủ chốt của Saudi trong vai trò đàn áp các nhóm khủng bố trong nước, đặc biệt là al Qaeda, và được coi là một tiếng nói có ảnh hưởng trong việc xây dựng chính sách đối ngoại của Saudi.
Phó thái tử Mohammed bin Salman, con trai của vua Salman, là bộ trưởng quốc phòng và đang chỉ đạo chiến dịch không kích của Saudi Arabia chống lại phiến quân Houthi ở Yemen.
Vua Salman cất chức Bộ trưởng Saud al-Faisal, người giữ chức này từ năm 1975, thay vào là đại sứ Saudi Arabia ở Washington, Adel al-Jubeir. - VOA, FP
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
FED giữ mức lãi suất ổn định giữa lúc tăng trưởng kinh tế chậm lại
Ngân hàng trung ương của Mỹ cho biết tăng trưởng kinh tế chậm lại trong những tháng vừa qua là do thời tiết mùa đông lạnh bất thường và xuất khẩu kém đã gây tác động tiêu cực.
Trong một thông cáo về chính sách, Fed nói rằng các quan chức hàng đầu của Fed đã bỏ phiếu để giữ lãi suất cơ bản ổn định ở mức thấp kỷ lục, ở nguyên mức kể từ cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 2008.
Các quan chức của Fed viết rằng giữ lãi suất thấp sẽ giúp nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng "vừa phải." Họ nói các quan chức sẽ theo dõi thêm những cải thiện nữa trong thị trường việc làm và lạm phát cao hơn một chút trước khi tăng lãi suất.
Kinh tế gia cao cấp Gus Faucher của Ngân hàng PNC cho biết một số vấn đề kinh tế gần đây mang tính tạm thời và nền kinh tế sẽ "khá hơn đến hết năm 2015." Trong một cuộc phỏng vấn qua Skype, ông nói việc này sẽ làm cho Fed cảm thấy "thoải mái" khi tăng lãi suất ngắn hạn vào một lúc nào đó trong năm nay.
Trong cuộc suy thoái vừa qua, Fed đã cắt giảm lãi suất xuống gần bằng không với hy vọng thúc đẩy hồi phục kinh tế. Khi lãi suất thấp kỷ lục không thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Fed đã phát triển những công cụ mà trước đó chưa từng được sử dụng trong nền kinh tế Mỹ bằng cách thực thi một số chương trình mua trái phiếu quy mô lớn để đẩy lãi suất xuống.
Tám năm sau khi cuộc khủng hoảng tài chính, tỉ lệ thất nghiệp đã giảm từ mức 10 phần trăm trong giai đoạn suy thoái kinh tế vào năm 2009 xuống còn 5,5 phần trăm. Thị trường chứng khoán thu hồi được những thất thoát và vẫn đang đạt được những mức cao kỷ lục mới.
Lạm phát vẫn ở dưới mức 2 phần trăm, là mức mà các chuyên gia của Fed nói là lành mạnh cho nền kinh tế. - VOA
|
|
4.
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders ra tranh cử tổng thống Mỹ
Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Bernie Sanders từ tiểu bang Vermont nói ông sẽ ra tranh cử để trở thành ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ.
Ông Sanders, 73 tuổi, thông báo quyết định này trong các cuộc phỏng vấn với hãng tin AP và tờ USA Today. Ông sẽ thông báo thêm chi tiết trong cuộc họp báo hôm nay.
Vị thượng nghị sĩ độc lập tự coi mình là người theo chủ nghĩa xã hội, nhưng lại là một phần của nhóm thượng nghị sĩ Dân chủ kể từ khi ông được bầu lên năm 2006.
Cùng với Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren từ tiểu bang Massachusetts, ông Sanders trở thành một ứng viên được ưa thích của phe tả khuynh đang lên trong đảng Dân chủ, vì các quan điểm đối với những vấn đề như xóa bỏ sự bất bình đẳng về thu nhập, củng cố chương trình An sinh Xã hội, áp đặt các luật lệ nghiêm khắc hơn đối với thị trường tài chính Mỹ cũng như sự phản đối các thỏa thuận thương mại tự do, trong đó có Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương, mà chính quyền của Tổng thống Obama hiện đang thương thảo.
Giới quan sát nhận định rằng ông Sanders vẫn còn tụt lại xa so với cựu ngoại trưởng Hillary Clinton, ứng viên tổng thống duy nhất của phe Dân chủ cho tới nay, nhưng quyết định của ông có thể buộc bà Clinton phải có những quan điểm tương tự như ông Sanders. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Việt Nam kỷ niệm 40 năm ngày kết thúc chiến tranh --- Công an sách nhiễu nhà báo Phạm Chí Dũng
Hôm nay, 30/04/2015, tại Sài Gòn, Việt Nam tổ chức diễu binh, diễu hành kỷ niệm đúng 40 năm ngày chiến tranh Việt Nam kết thúc, mà đối với Hà Nội là ngày "giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước".
Ngày 30/04/1975, những chiếc xe tăng của quân Bắc Việt đã húc sập cổng Dinh Độc Lập, phủ tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, đánh dấu chiến thắng của miền Bắc lên miền Nam, chấm dứt một cuộc chiến mà đã khiến hàng triệu người chết ở cả hai miền, trong đó có nhiều thường dân, cũng như đã khiến 58.000 quân nhân Mỹ thiệt mạng.
Hôm nay, tại quảng trường trước Dinh Độc Lập, một cuộc mít tinh đã được tổ chức với sự tham gia của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chính phủ Việt Nam.
Trong bài diễn văn tại cuộc mít tinh, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đặc biệt lên án "Đế quốc Mỹ" đã gây ra "biết bao tội ác dã man, biết bao đau thương, mất mát đối với đồng bào ta, đất nước ta". Ông Dũng cũng cho rằng, chính "lòng yêu nước nồng nàn", và sự lãnh đạo "tài tình, sáng tạo" của Đảng đã làm nên thắng lợi của cuộc "kháng chiến chống Mỹ cứu nước". Sau đó, nhiều đơn vị quân đội, các đoàn thể đã tham gia cuộc diễu binh và diễu hành qua khán đài danh dự.
Theo hãng tin AFP, không có đại diện nào của Hoa Kỳ đến dự lễ kỷ niệm hôm nay, nhưng đại sứ Mỹ sẽ dự một buổi lễ tổ chức tại tòa Tổng lãnh sự tại Sài Gòn với một số cựu chiến binh Mỹ.
Cũng theo nhận định của AFP, các chiến thắng quân sự trong quá khứ vẫn thường được chính quyền hiện nay sử dụng để tạo tính chính đáng cho độc quyền lãnh đạo của Đảng.
Nhưng theo lời một giáo sư khoa chính trị tại đại học Oregon, cái nhìn của người dân Việt Nam nay đã thay đổi, tức là trước đây nhiều người vẫn xem đây là một chiến tranh "giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước", nhưng nay ngày càng có nhiều người nhìn nhận đây là một cuộc nội chiến. Trong bối cảnh này, dân Việt Nam ngày càng thờ ơ, thậm chí không đồng tình với những màn trình diễn nhằm hô hào lòng yêu nước.
Trong khi đó, Tổ chức Phóng viên Không biên giới ra thông cáo cho biết, hôm nay, 30/04/2015, công an đã bao vây nơi ở của nhà báo Phạm Chí Dũng và đã thô bạo ngăn chặn ông ra khỏi nhà.
Phóng viên Không biên giới - RSF - đã truyển tải ngay lời kêu cứu của nhà báo Phạm Chí Dũng, người được tổ chức này tặng danh hiệu Anh hùng thông tin và yêu cầu công an Việt Nam chấm dứt mọi hành động sách nhiễu ông và gia đình.
Trả lời RFI qua điện thoại, nhà báo Phạm Chí Dũng cho biết:
Nhà báo Phạm Chí Dũng: "Lực lượng họ lên tới sáu, bảy người. Có những khuôn mặt quen thuộc, có những khuôn mặt không quen, có lẽ chủ yếu họ là ở cấp phòng thuộc Công an TP Hồ Chí Minh. Họ vây xung quanh nhà tôi.
Và sau đó họ còn tiến thêm một bước là dùng máy điện thoại để chụp hình, và quay phim gia đình tôi. Cho đến lúc đó, tôi thấy việc này quá đáng rồi. Không biết điều luật nào cho phép công an tự nhiên đi ghi hình những người khác như vậy.
Tôi đã phải phản ứng với họ, và tôi nói thẳng là tôi sẽ làm văn thư để tôi phản ứng ra quốc tế về vấn đề này. Sau đó họ mới bỏ ra ngoài, nhưng vẫn bao quanh.
Theo tôi biết, còn có một số người khác, những người như bác sĩ Nguyễn Đan Quế, hòa thượng Thích Không Tánh, hay bà Dương Thị Tân, và khá nhiều người khác, cũng bị tình trạng theo dõi thường xuyên, và có lẽ chắc chắn cũng nằm trong tình trạng bị ngăn chặn thường xuyên vào đúng dịp mà Việt Nam coi là ‘‘đại lễ’’ như thế này.
Vào ngày này, đặc biệt vào dịp 40 năm kỷ niệm, được coi là ‘‘ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước’’, công tác an ninh ở Việt Nam nói chung, và ở Sài Gòn nói riêng, được đặt lên cao, có thể nói là hàng đầu. Nhưng tôi không nghĩ là họ có thể ấu trĩ, nông cạn tới mức đi ngăn chặn một cách thô bạo và ngu ngốc đến thế.
Tất cả những gì mà nhà nước đang - có lẽ phải dùng cái từ - ‘‘lải nhải’’ (về) cái chuyện hòa hợp, hòa giải trở thành vô nghĩa. Vô nghĩa ngay trong lòng dân tộc, và tất cả chỉ nằm ở trong những câu từ hết sức sáo rỗng, không có một cái gì thực chất".
Theo RSF, vừa qua, ông Phạm Chí Dũng đã có thư gửi Bí thư Thành Ủy Sài Gòn Lê Thanh Hải và Giám đốc Sở công an Nguyễn Chí Thanh, tố cáo là từ nhiều tháng qua, ông đã bị sách nhiễu liên tục và mất quyền tự do đi lại.
Với cương vị Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, được thành lập năm ngoái và được RSF ủng hộ, ông Phạm Chí Dũng đã nỗ lực thúc đẩy quyền tự do thông tin và thường xuyên tố cáo đảng Cộng sản Việt Nam kiểm soát báo chí.
Năm 2014, chính quyền đã ngăn cản, tịch thu hộ chiếu, không cho ông sang Geneve Thụy Sĩ để tham dự một cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Ông Benjamin Ismail, phụ trách Văn phòng Châu Á-Thái Bình Dương của RSF tuyên bố: "Chúng tôi yêu cầu công an Việt Nam chấm dứt ngay các thủ đoạn dọa nạt hoàn toàn bất hợp pháp. Chúng tôi cũng đề nghị cộng đồng quốc tế lên án chính sách của chính quyền (Việt Nam) và xem xét các trừng phạt kinh tế cá nhân đối với những người chịu trách nhiệm bên trong đảng Cộng sản, về hành động trấn áp này".
Quyền tự do thông tin tại Việt Nam trong năm 2015 tiếp tục tồi tệ hơn. Trong bảng xếp hạng của RSF về quyền tự do báo chí, được công bố ngày 12/02/2015, Việt Nam đứng thứ 175 trong tổng số 180 quốc gia được xem xét. - RFI
|
|
6.
Thượng nghị sĩ Canada lên án Việt Nam 'chối cãi sự thật' lịch sử 30/4
Một Thượng nghị sĩ Canada mạnh mẽ lên án chính phủ Việt Nam ‘nói dóc’, ‘chối cãi sự thật’ về lịch sử ngày 30/4/1975.
Phát biểu của nhà lập pháp gốc Việt Ngô Thanh Hải, tác giả đạo luật ‘Hành trình tới tự do,’ trong cuộc phỏng vấn với VOA Việt ngữ hôm nay là phản hồi chính thức đối với chỉ trích của Hà Nội về việc Canada thông qua luật này hôm 23/4.
Luật được thông qua giữa lúc đánh dấu 40 năm chiến tranh Việt Nam kết thúc quy định trên cả nước Canada, hằng năm, ngày 30/4 sẽ được biết đến như là ‘Ngày Hành trình đến Tự do’, một ngày lễ tưởng niệm nhưng không phải là ngày nghỉ lễ chính thức.
Hà Nội đã triệu đại sứ Canada đến để phản đối. Việt Nam nói đạo luật ‘Hành trình tới tự do’ ‘xuyên tạc lịch sử’, ‘khiêu khích chia rẽ đoàn kết dân tộc’ và rằng thông qua luật này là ‘bước lùi nghiêm trọng trong quan hệ hai nước, gây ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Canada.’
TNS Ngô Thanh Hải: Đạo luật của tôi nhấn mạnh ngày 30/4/1975 quân đội cộng sản Việt Nam đã không tôn trọng Hiệp định Paris, cưỡng chiếm miền Nam. Mục tiêu thứ hai, luật nói sau 30/4/75 có hơn 2 triệu người bỏ nước ra đi vì cộng sản đã vi phạm nhân quyền. Thứ ba, luật này để tưởng nhớ 250 ngàn người Việt thiệt mạng trên biển cả trong cuộc di cư đó. Thứ tư, luật công nhận chính phủ và nhân dân Canada đã đón tiếp những người Việt tị nạn.
VOA: Ngay sau khi Canada thông qua luật này, Việt Nam chính thức lên tiếng phản đối nói rằng luật ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ đang phát triển giữa hai nước. Là tác giả luật này, phản hồi của ông ra sao:
TNS Ngô Thanh Hải: Đạo luật của tôi không liên quan đến ngoại giao Việt-Canada, không dính líu tới bang giao hai nước, không liên quan gì đến chính phủ Việt Nam.
VOA: Việt Nam nói luật này làm tổn thương tình cảm người dân Canada vì ‘Canada trước đây từng ủng hộ người dân Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược,’ thưa ông?
TNS Ngô Thanh Hải: Như vậy họ càng sai hơn nữa vì Canada đã tham gia vào cuộc chiến Việt Nam với các hoạt động giám sát quốc tế để hỗ trợ mục tiêu thiết lập hòa bình và chấm dứt chiến tranh bằng cách hỗ trợ việc thi hành Hiệp định Paris 1973 mà chính cộng sản Việt Nam đã vi phạm. Thứ hai, sau khi nhân dân Canada chấp nhận 60.000 người mà sau này lên tới khoảng 300.000 người Việt tị nạn, Cao ủy Liên hiệp quốc đã trao Giải thưởng Nansen cho dân Canada năm 1986. Giải thưởng này tương đương Nobel hòa bình về vấn đề người tị nạn của Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc. Chính phủ Việt Nam không bao giờ chấp nhận sự thật, luôn luôn chối cãi bởi vì không muốn thế giới biết đến những sự vi phạm, giết chóc của họ đối với nhân dân Việt Nam.
VOA: Ông nói luật không ảnh hưởng bang giao song phương, nhưng Việt Nam cho rằng luật này đi ngược lại quan hệ chính trị-kinh tế-xã hội đang phát triển của hai nước, viện dẫn lý do luật công nhận 30/4 là ngày quốc lễ của Canada.
TNS Ngô Thanh Hải: Đạo luật này quy định 30/4 là một ngày lễ của quốc gia Canada tưởng niệm cuộc di cư của người Việt tị nạn cộng sản được đón nhận vào Canada. Nói nó liên quan đến vấn đề chính trị, bang giao tôi cho đó là sai.
VOA: Việt Nam nói luật này ‘xuyên tạc lịch sử’ vì ‘lịch sử đã chứng minh đây là cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc mà cộng đồng quốc tế trong đó có Canada ủng hộ.’ Quan điểm của ông ra sao?
TNS Ngô Thanh Hải: Vậy Việt Nam không công nhận 30/4 là ngày họ chiếm miền Nam à? Quân đội miền Nam cộng hòa có ra ngoài Bắc đánh không? Chính quân đội miền Bắc xuống xâm chiếm miền Nam mà. Họ không công nhận là họ vi phạm Hiệp định Paris 1973 họ đã ký à? Những điều cộng sản nói ra là nói dóc, chối cãi sự thật.
VOA: Cũng có ý kiến cho rằng luật này mang tính khiêu khích chia rẽ tinh thần đoàn kết dân tộc giữa người Việt với nhau vì giữa lúc vết thương chưa lành mà gợi nhớ lại những đau thường càng khơi dậy hận thù quá khứ, không giúp ích cho công cuộc hòa giải dân tộc sau chiến tranh. Ý kiến thượng nghị sĩ Hải thế nào?
TNS Ngô Thanh Hải: Cộng sản Việt Nam nói hòa giải dân tộc, xin hãy hòa giải với người dân trong nước trước vì chính họ là nạn nhân của cộng sản Việt Nam. Ở hải ngoại, chúng tôi đâu cần hòa giải với cộng sản Việt Nam. Hòa giải thì cộng sản Việt Nam phải làm việc đó trước vì người dân trong nước đã bị họ kèm kẹp và vi phạm tất cả những nhân quyền. Sau khi có thể chế tự do dân chủ rồi, mới nói tới cộng đồng Việt Nam hải ngoại. Và phải chấp nhận sự thật trước rồi mới tính tới, chứ tối ngày cứ nói láo thì cộng sản Việt Nam sẽ không đi tới đâu cả.
VOA: Nhưng làm thế nào để chữa lành vết thương cũ khi không chịu rời bỏ hận thù quá khứ?
TNS Ngô Thanh Hải: Muốn bỏ hận thù quá khứ, chính cộng sản phải làm trước: thả hết tù chính trị, tự do tôn giáo, tự do sở hữu, tự do-dân chủ-nhân quyền..v..v..
VOA: Vậy theo ông, việc hòa giải hoàn toàn tùy thuộc vào thiện chí của phía cộng sản?
TNS Ngô Thanh Hải: Đúng. Người dân viết một bản nhạc chống Trung Quốc thì họ bắt bỏ tù. Đó là chuyện không thể chấp nhận ở một nước tự do dân chủ, không bao giờ có chuyện đó. Tại sao họ lại làm vậy với nhân dân trong nước? Họ nói một đường làm một nẻo.
VOA: Có ý kiến cho rằng để xích lại gần nhau cần thiện chí đôi bên, rằng bên kia cũng cần quên quá khứ để hướng tới tương lai vì không thể hòa giải với những người chỉ biết đặt điều kiện để mưu cầu lợi ích cho một nhóm hận thù cộng sản dai dẳng mà thôi. Xin ghi nhận quan điểm của ông?
TNS Ngô Thanh Hải: Hòa giải trước, giải tất cả những cái sai cộng sản Việt Nam đã làm. Sau khi hòa giải trong nước rồi, nhân dân trong nước chấp nhận cộng sản Việt Nam đã thay đổi bằng một chính phủ tự do dân chủ nhân quyền, lúc đó cộng đồng Việt hải ngoại cũng sẽ chấp nhận hoặc chấp thuận. Cộng đồng người Việt hải ngoại có xây dựng đất nước hay không, chỉ khi nào chính phủ cộng sản Việt Nam thay đổi. Họ phải bỏ điều 4 Hiến pháp, họ phải có thể chế tự do dân chủ thì cộng đồng Việt Nam hải ngoại lúc đó mới có thể nói chuyện với họ được.
VOA: Phản ứng của hành pháp-lập pháp Canada về việc Hà Nội triệu đại sứ Canada phản đối đạo luật này ra sao, thưa ông?
TNS Ngô Thanh Hải: Đây là xứ tự do: hành pháp, lập pháp, và tư pháp riêng rẽ độc lập. Thành ra, bên đây nếu Quốc hội đã thông qua một đạo luật thì chính phủ cũng phải chấp nhận. Không phải theo kiểu của cộng sản Việt Nam.
VOA: Luật này được thông qua giữa lúc đánh dấu 40 năm chiến tranh Việt Nam kết thúc, ông có chia sẻ gì thêm?
TNS Ngô Thanh Hải: Luật pháp Canada đã công nhận ngày 30/4 là ngày miền Nam bị cộng sản chiếm khiến hơn 2 triệu người đã bỏ nước ra đi. Lời dẫn nhập đạo luật của tôi vẫn còn chữ ‘Tháng tư đen.’ Luật giúp các thế hệ sau hiểu rằng sở dĩ họ được sống trong xứ tự do dân chủ như ở đây là vì cha mẹ họ đã bỏ nước ra đi khỏi gọng cùm của cộng sản Việt Nam để tới một nước tự do-dân chủ.
VOA: Xin chân thành cảm ơn Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này. - VOA
No comments:
Post a Comment