Friday, April 24, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 24/4

Tin Thế Giới

1.
Biển Đông: Malaysia tránh chỉ trích trực diện Trung Quốc tại Thượng đỉnh ASEAN --- Tàu chiến TQ khiêu khích máy bay tuần tra Philippines

Hội nghị thượng đỉnh các nước Đông Nam Á sẽ kêu gọi khẩn thiết các bên "tự kiềm chế" nhưng tránh chỉ trích trực tiếp Trung Quốc gây căng thẳng trong các tranh chấp trên Biển Đông. Một nguồn tin ngoại giao tại Kuala Lumpur hôm nay, 24/04/2015, tiết lộ nội dung của dự thảo tuyên bố chung của thượng đỉnh như trên.

Hội nghị thượng đỉnh thường niên các nước ASEAN chính thức khai mạc ngày Chủ nhật 28/4 tại Kuala Lumpur. Một trong những vấn đề được bàn thảo tại hội nghị lần này là việc Trung Quốc bồi đắp đảo trong khu vực đanh tranh chấp với các nước xung quanh.

Nguồn tin ngoại giao trên cho hay, Malaysia, nước chủ trì hội nghị, muốn tránh đưa ra những chỉ trích trực tiếp những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Dự thảo sẽ được lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN nghiên cứu bàn thảo trong ngày làm việc thứ Hai tuần tới.

Trong khi đó Manila gần đây liên tục tố cáo Bắc Kinh có hành động thay đổi hiện trạng khu vực các đảo tranh chấp. Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã kêu gọi Hiệp hội các nước Đông Nam Á đưa ra một tuyên bố tập thể lên án việc Trung Quốc tiến hành bồi đắp các đảo đang có tranh chấp trên Biển Đông.

Trả lời phỏng vấn AFP tuần trước, Tổng thống Philippines tuyên bố là các hành động của Trung Quốc hiện nay "có thể gây ra sự sợ hãi cho cả thế giới" và đe dọa tự do lưu thông hàng hải.

Phác thảo tuyên bố chung do Thủ tướng Malaysia Najib Razak đề xuất có dành hai đoạn để nói đến các căng thẳng trên Biển Đông nhưng không đề cập đến việc đứng về bên nào. Dự thảo tuyên bố chung cũng kêu gọi các bên tranh chấp tôn trọng Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS). Ngoại trưởng Anifah Aman nói lập trường của Malaysia trên tư cách chủ tịch luân phiên ASEAN là thúc đẩy các bên thông qua Bộ luật ứng xử trên biển (COC) nhằm ngăn ngừa các hành động gây khiêu khích.

Trung Quốc vẫn khẳng định ASEAN không phải là một bên trong các tranh chấp Biển Đông. Từ hàng hàng chục năm nay, ASEAN vẫn hối thúc Trung Quốc thông qua COC, bộ luật ứng xử dựa trên các cam kết 2002 giữa các bên có tranh chấp trên Biển Đông tôn trọng tự do lưu thông hàng hải và giải quyết các bất đồng một cách hòa bình và tránh gây căng thẳng.

Trong khi đó, một tàu chiến Trung Quốc đậu gần Đá Xu Bi (Subi Reef) thuộc quần đảo Trường Sa đã chiếu đèn pha cực mạnh vào một phi cơ tuần tra của Philippines. Một nguồn tin quân sự Philippines hôm nay 24/04/2015 cho hãng tin Reuters biết như trên.

Một sĩ quan Không quân Philippines không muốn nói tên tiết lộ: "Một chiếc máy bay Fokker của Không quân chúng tôi đã bị một tàu chiến Trung Quốc gây hấn gần Đá Xu Bi khi đang bay trên không phận tranh chấp, bằng cách chiếu ánh sáng rất mạnh vào. Chúng tôi coi đây là một sự khiêu khích, nhưng chiếc Fokker vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ vì lúc đó đang tuần tra trên biển".

Đây là lần đầu tiên một chiến hạm Trung Quốc cảnh cáo phi cơ Philippines đang bay tuần tra tại Biển Đông. Một sĩ quan Không quân khác cũng giấu tên nói với Reuters, chiếc máy bay Fokker lúc ấy đang bay ở độ cao 1.500 mét trên không phận Đá Xu Bi – rạn san hô thuộc cụm Thị Tứ của quần đảo Trường Sa, bị Trung Quốc chiếm giữ từ năm 1988.

Phát ngôn viên quân đội Philippines, Chuẩn tướng Jose Kakilala muốn giảm nhẹ sự cố, nói rằng tàu chiến Trung Quốc không pha đèn thẳng vào chiếc Fokker, nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Theo tờ Philippines Star, sự cố trên đã dẫn đến việc phải hủy chuyến bay cứu cấp một phát thanh viên không chuyên là Chito Pastor. Người này đến đảo Thị Tứ (Thitu Island) để lập một chương trình phát thanh, nhưng đã bị bệnh sau khi uống nước quá mặn. Rốt cuộc ông Pastor đã được sơ tán hôm 23/4 cùng với hai người khác trên một chuyến bay dân sự, với sự hỗ trợ của đại sứ quán Mỹ.

Đảo Thị Tứ thuộc cụm Thị Tứ, là đảo lớn thứ hai của quần đảo Trường Sa, trực thuộc tỉnh Bà Rịa, Việt Nam trong thời kỳ Pháp thuộc, bị Philippines bí mật chiếm đóng vào đầu thập niên 70.

Chuẩn Đô đốc Alexander Lopez nói rằng việc Bắc Kinh bồi đắp tại ít nhất 7 đảo tranh chấp ở Trường Sa có thể hoàn tất trong năm nay hoặc đầu năm tới, họ xây dựng ồ ạt, đồng thời một cách ngang nhiên. Tuy nhiên quân đội Philippines chỉ có thể theo dõi chứ không thể làm gì hơn, vì chính phủ không muốn xảy ra sự cố nào làm phương hại đến vụ kiện ở Tòa án Trọng tài Quốc tế hiện nay. Dù vậy ông Lopez vẫn khuyến khích ngư dân Philippines tiếp tục hành nghề ở bãi cạn Scarborough, bị Bắc Kinh chiếm giữ từ năm 2012. Theo ông, tuy thường bị tàu Trung Quốc dùng vòi rồng xua đuổi, nhưng việc đánh bắt ở ngư trường truyền thống này mang tính biểu tượng.

Trước đó tướng Gregorio Catapang Jr. đã cảnh báo, Philippines có nguy cơ bị chắn mất lối vào Bãi Cỏ Mây (Second Thomas) và đảo Thị Tứ, một khi Trung Quốc hoàn thành việc mở rộng Đá Vành Khăn (Mischief Reef) thuộc cụm Bình Nguyên. Hiện Philippines đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp liệu cho hai khu vực này. - RFI
|
|

2.
NATO: Nga đang củng cố lực lượng gần biên giới Ukraine

Người đứng đầu liên minh NATO, ông Jens Stoltenberg nói Nga đã tăng cường lực lượng ‘đáng kể’ và đưa các thiết bị quân sự tới gần biên giới Ukraine, kể cả hơn 1 ngàn thiết bị nặng, các hệ thống vũ khí tiên tiến, cùng xe tăng và pháo binh.

Phát biểu hôm thứ năm tại Brussels, ông Stoltenberg cũng cáo buộc điện Kremlin là cung cấp cho phe ly khai thân Nga ở đông Ukraine những khoá huấn luyện cao cấp, bất chấp lệnh ngừng bắn đã đạt được hai tháng trước đây giữa Nga, Ukraine, Đức và Pháp.

Ông Stoltenberg nói sự kiện Nga củng cố lực lượng "là nguyên nhân gây mối quan tâm lớn," và sẽ giúp phe ly khai phát động các cuộc tấn công quân sự mới, mà không cảnh báo trước. 

Tại Moscow, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu bác bỏ những tuyên bố của NATO, đồng thời tố cáo quân đội Mỹ đã cung cấp việc huấn luyện chiến đấu trong thành phố cho vệ binh quốc gia Ukraine ở gần biên giới nước Nga.

Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf bác bỏ lời cáo buộc của ông Shoigu, gọi đó là một chuyện "nực cười". Bà Harf nói tất cả các hoạt động huấn luyện quân sự của Mỹ ở Ukraine đang diễn ra ở phía tây của nước này, gần biên giới Ba Lan.

Bà Harf nói: "Chúng tôi đã làm việc này từ khoảng 20 năm nay rồi." - VOA
|
|

3.
Lào trông đợi cân bằng ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của TQ

Ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Lào, nổi bật là sự mở rộng đầu tư và thương mại, đã khiến một số cơ quan quốc tế cảnh báo Lào về một sự lệ thuộc tài chính không lành mạnh vào Trung Quốc. Theo tường thuật của thông tín viên VOA Ron Corben từ Bangkok, Lào đang trông đợi quân bình ảnh hưởng của Trung Quốc bằng cách thu hút sự hỗ trợ của Việt Nam lâu nay vẫn giúp đỡ Lào, cũng như của phương Tây.

Năm 2014, Trung Quốc trở thành nhà đầu tư dẫn đầu ở Lào với các khoản tiền tổng cộng trên 5 tỷ đôla, trong các dự án khai mỏ, tài nguyên, thủy điện và kinh doanh nông sản.

Lào và Trung Quốc đã đồng ý xây dựng một dự án đường sắt cao tốc 7 tỷ đôla, trong khuôn khổ sách lược ‘Một vòng đai, Một con đường’ của Trung Quốc, kế hoạch nối liền đường sắt xuyên suốt Trung Á cũng như Đông Nam Á.

Các tuyến hỏa xa vào Đông Nam Á sẽ bắt đầu từ Côn Minh ở tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, với hơn 150 cây cầu, 76 đường hầm, và 31 nhà ga xuyên qua Lào đến Vientiane. Từ đó, tuyến này sẽ nối với Thái Lan bằng những chuyến tàu cuối cùng đi đến Singapore.

Ông Carl Thayer, một chuyên gia quốc phòng của Trường Đại học New South Wales nói rằng công cuộc đầu tư này đánh dấu một sự bành trướng thế lực của Trung Quốc, nhất là vào các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, tức ASEAN, đặc biệt là Thái Lan, Myanmar và Kampuchea:

“Tất cả đều nằm trong cuộc vận động của Trung Quốc nhằm phát triển tuyến đường thương mại về phía nam và cải thiện cơ sở hạ tầng – sự nối kết ASEAN – và rõ ràng là cần thiết cho Thái Lan bởi vì nó sẽ đi xuyên qua Lào và kết thúc ở Thái Lan. Ta có một sự mở rộng liên tục của Trung Quốc – tuyến hỏa xa cao tốc sẽ khiến Lào mắc nợ nặng vì những khoản ưu tiên cho vay.”

Các chuyên gia phân tích nói các khoản cho vay này, mà Lào phải dùng khoáng sản chưa khai thác để thế chấp, sẽ làm số nợ của Lào tăng vọt, với những khoản vay mượn chiếm gần 90% sản lượng kinh tế thường niên của nước này,

Ngân hàng Phát triển Á châu ADB nói việc đầu tư vào tuyến đường sắt là không thể kham nổi với một nền kinh tế nhỏ bé 6 triệu dân, mà sinh kế đa phần dựa vào nông nghiệp.

Trung Quốc cũng là một nước đầu tư hàng đầu vào thủy điện, với nhiều đập nước dự định xây trên các chi nhánh của sông Mekong với các báo cáo cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị ký các hợp đồng xây tới 9 đập nước mới. Các tỉnh miền bắc Lào dựa vào điện của Trung Quốc, vì phần lớn điện thủy lực của Lào được xuất khẩu qua lân quốc Thái Lan.

Các nhà phân tích cho rằng vị thế bao trùm của Trung Quốc đang gây ra những lo ngại về việc phá hoại sự đa dạng sinh thái, chiếm dụng đất đai và thất nghiệp trong khối nông dân bị dời cư.

Nhà khoa học chính trị của trường Đại học Chulalongkorn, ông Thitinan Pongsudirak, nói Trung Quốc coi Lào như một bước chủ chốt trong việc mở rộng ảnh hưởng trong vùng:

“Trong số các nước có liên quan, Lào có nhiều rủi ro nhất bị đặt dưới sự thống trị của Trung Quốc. Lào là một nước nhỏ, một nền kinh tế nhỏ, và Trung Quốc không sợ hãi biến không gian nằm trong đất liền ở Đông Nam Á này thành sân sau của chính nhà mình. Họ đang làm như thế ngay lúc này. Đông Nam Á lục địa hoàn toàn nằm trong quỹ đạo của Trung Quốc.”

Tăng trưởng kinh tế của Lào đang ở mức gần 7%, nhưng vẫn lệ thuộc vào những khu vực có mức tuyển dụng lao động thấp, như khai thác tài nguyên và thủy điện.

Ngân hàng Thế giới đã kêu gọi Lào đa dạng hóa nền kinh tế để có thể tạo công ăn việc làm cho hơn 90 ngàn người gia nhập thị trường lao động hàng năm.

Tình trạng tài chính của Lào cũng rất yếu kém. Tháng 7 năm ngoái, chính phủ bổ nhiệm một vị bộ trưởng tài chính mới giữa lục thâm hụt ngân sách gia tăng với chính phủ. Một sắc lệnh kêu gọi công chúng siết chặt ngân quỹ gia đình và kiềm chế chi tiêu.

Ông Thitinan nói vị thế tài chính yếu kém làm tăng thêm sự yếu thế của Lào:

"Các hạn chế tài chính đã đặt Lào vào một thế nguy hiểm. Kinh tế vĩ mô của Lào ở trong thể trạng không tốt. Hậu quả là Lào phải dựa vào Trung Quốc và Trung Quốc lợi dụng việc này rất có hiệu quả - bằng cách cho vay thêm các khoản nợ và thực hiện thêm các dự án ở Lào. Do đó Lào phải rất thận trọng.”

Về mặt lịch sử, Lào có quan hệ gần gũi lâu đời với lân quốc Việt Nam, ngay cả từ trước các cuộc chiến tranh Đông dương trong thập niên 1960 và 1970. Các mối quan hệ chặt chẽ này đã tiếp tục giữa hai chính phủ cộng sản kể từ các cuộc chiến tranh Đông Dương.

Nhưng ông Martin Stuart-Fox, giáo sư danh dự về Lịch sử tại trường Đại học Queensland, nói Trung Quốc đã khai triển một chính sách nhắm mục tiêu làm suy yếu các mối liên hệ giữa Lào và Việt Nam:

“Trong lúc ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc gia tăng – thì nó đi kèm với ảnh hưởng chính trị cũng gia tăng. Phía Trung Quốc vốn luôn kiên quyết muốn rằng họ sẽ có ảnh hưởng ít nhất là ngang với phía Việt Nam. Đã có một quyết định ở Bắc Kinh rằng Lào sẽ không rơi vào tầm ảnh hưởng của Việt Nam.”

Các chuyên gia nói chính phủ Lào thừa nhận sự cần thiết phải đạt một thế cân bằng giữa Trung Quốc và Việt Nam, và thu hút hậu thuẫn từ phương Tây.

Năm 2016, Lào sẽ tiếp nhận chức chủ tịch ASEAN, được coi như một cơ hội để Vientiane có thêm lợi thế và quyền mặc cả trong khi đối phó với các lân quốc lớn hơn đối đầu nhau. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Mỹ: TT Obama xin lỗi về cái chết của 2 con tin do không kích bằng drone

Tổng thống Mỹ Barack Obama vào hôm qua 23/04/2015 đã lên tiếng xin lỗi về cái chết của hai con tin trong một vụ dùng máy bay không người lái – tiếng Anh gọi là drone – tấn công vào một nhóm Al Qaeda tại vùng biên giới giữa Pakistan và Afghanistan. Xẩy ra từ tháng Giêng, nhưng mãi đến hôm qua vụ việc mới được tiết lộ.

Nạn nhân bị chết oan là Warren Weinstein, một công dân Mỹ, bị Al Qaeda bắt cóc năm 2011, và Giovanni Lo Porto, một người Ý, bị bắt cóc năm 2012. Cả hai đều là nhân viên hoạt động nhân đạo. 

Nhà Trắng đã quyết định giải mật hồ sơ liên quan đến phi vụ oanh kích kể trên, trong bối cảnh nhiều nghị sĩ Mỹ lại đặt nghi vấn về hiệu quả của các thông tin ngành tình báo và phương pháp dùng máy bay không người lái để tấn công. 

Từ Washington, Thông tín viên RFI Anne-Marie Capomaccio cho biết thêm chi tiết:

"Doanh trại của Al Qaeda, mục tiêu của chiến dịch không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ đã được theo dõi trong nhiều tuần lễ. Hàng trăm giờ video đã được nghiên cứu, và các cơ quan tình báo đều chắc chắn về mục tiêu của mình".

Trên đây là lời giải thích được Nhà Trắng đưa ra, sau khi sai lầm bi thảm dẫn đến cái chết của hai con tin phương Tây đã được Tổng thống Barack Obama công nhận. Phát ngôn viên Nhà Trắng nói thêm: "Không có bằng chứng nào cho thấy có thường dân bị giam giữ ở nơi đó".

Trong cùng một chiến dịch tấn công, Ahmed Farouk và Adam Gadahn, hai người Mỹ đã gia nhập Al Qaeda, cũng đã thiệt mạng, làm dấy lên một câu hỏi khác: Nước Mỹ có quyền giết chính công dân của mình hay không? 

Trên vấn đề này, Bộ Tư pháp Mỹ trả lời dứt khoát: Có, nếu những người này trở thành mối đe dọa cho an ninh quốc gia. 

Việc nhanh chóng cho giải mật các loại thông tin như trong vụ này rất hiếm. Và chính là những chi tiết về các hoạt động trong tháng Giêng đã khiến các nghị sĩ Mỹ hoài nghi. Nhiều người hiện đang kêu gọi rà soát lại thủ tục cho phép dùng máy bay không người lái để oanh kích, và đòi cơ quan tình báo Mỹ CIA giải thích. 

Về phần mình, Nhà Trắng cho biết các cuộc tấn công bằng drone vào các căn cứ khủng bố vẫn sẽ tiếp diễn. - RFI
|
|

Tin Việt Nam

5.
Dự luật "Ngày hành trình đến tự do" thành luật --- VN phản đối Canada về 'luật 30/4'

Lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do từ văn phòng Thượng Viện ở Ottawa, Canada, Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải cho biết:

Dự luật S219 của tôi đã được thông qua tại hạ viện ngày hôm qua, Thứ Tư, vào lúc 7:30 tối. Lúc đó Hạ Viện đã tranh luận sau một tiếng đồng hồ đảng Tự Do và đảng Tân Dân Chủ có một số dân biểu cũng nói lên sự chống đối của họ. Tuy nhiên vì bên đảng Bảo Thủ có đa số thành ra sau đó khi bỏ phiếu thì tất cả mọi đảng phái đều chấp nhận hết. 

Thanh Trúc: Thưa Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải, xin cho biết với các dân biểu chống đối thì lý do họ đưa ra để chống là như thế nào?

TNS Ngô Thanh Hải: Đa số nói rằng Đạo Luật ngày 30 tháng Tư này không được chỉnh lắm. Một số dân biểu đề nghị ngày 27 tháng Bảy bởi vì những dân biểu đó đã được đảng cộng sản Việt Nam hoặc tòa đại sứ cộng sản Việt Nam đến lobby họ rồi. Họ mướn người lobby để đánh phá, để dời ngày và làm chậm Đạo Luật của tôi. Khi mà tôi ra điều trần trước ủy ban thì tôi nói ngày 27 tháng Bảy là ngày kêu là tưởng niệm của quân đội cộng sản Việt Nam, một quân đội đã giết chúng tôi, đã tra tấn chúng tôi, đã bỏ tù chúng tôi, đã hành hạ chúng tôi… mà bắt chúng tôi phải tưởng niệm những người đó thì đâu có được, đó là một sự sỉ nhục cho người Canada. Khi nghe tới đó thì họ bắt đầu lui, tuy nhiên sau đó ông Chủ tịch bên Hạ Viện cũng đã bác ý kiến đòi tu chỉnh ngay, thành ra (họ) thua luôn.

Thanh Trúc: Xin ông cho biết tiến trình hay thủ tục trở thành Đạo Luật ngay ngày hôm nay vì nghe nói có vị Toàn quyền Canada xuống ký?

TNS Ngô Thanh Hải: Đạo Luật của tôi đã thông qua Thượng Viện và thông qua Hạ Viện thì bây giờ ông Thống Đốc Toàn quyền Canada đại diện Nữ hòang sẽ ấn ký. Ấn ký có sắc lịnh thông qua đây là Luật chứ không phải Resolution (Nghị Quyết) hoặc là Proclamation (Tuyên cáo). Đây là Luật cho toàn xứ Canada công nhận ngày 30 tháng Tư của chúng ta. Ông Thống Đốc Toàn quyền David Johnston sẽ đến Thượng Viện và sẽ ấn ký vào 4 giờ chiều hôm nay giờ Canada. 

Cộng Đồng Người Việt của chúng ta tại Toronto, Montreal, và Ottawa cũng sẽ có mặt tại Thượng Viện để chứng kiến sự kiện lịch sử này đúng 4 giờ chiều nay. Đây là Đạo Luật cho dân Canada biết rằng người Việt tị nạn bỏ xứ ra đi sau 30 tháng Tư 1975 khi cộng sản chiếm miền Nam, đó là ngày chúng ta phải nhớ. 

Đối với dân Canada, không biết ngày 30 tháng Tư là gì, nhưng sau đó chỉ trong vòng hai năm 1979 đến 1980 họ nhận 60.000 thuyền nhân Việt Nam. Từ 75 cho tới hiện nay thì người Canada gốc Việt ở Canada dân số khoảng 300.000. Đây là một chứng từ lịch sử cho thế hệ thứ hai, thế hệ thứ ba hoặc các thế hệ kế tiếp phải hiểu biết điều đó, biết rằng 30 tháng Tư là ngày chúng ta bỏ nước ra đi.

Thanh Trúc: Câu hỏi cuối cùng xin được hỏi ông, đối với những người lâu này vẫn muốn ngày 30 tháng Tư là ngày quốc hận chứ không thể là ngày gì khác thì ông có lời nào bày tỏ?

TNS Ngô Thanh Hải: Thưa nó như thế này: quốc hận là quốc hận của ngừơi Việt Nam chúng ta, chúng ta hận là đúng, nhưng mà đối với dân Canada họ có gì đâu mà phải hận? Tuy nhiên, nếu coi kỹ trong Đạo Luật, ngày quốc hận là ngày 30 tháng Tư khi chúng ta bỏ nước ra đi là lý do gì? Chúng ta bỏ nước đi tìm tự do chứ đâu phải là hận cộng sản đâu. Chúng ta chạy là chúng ta bỏ nước ra đi vì vấn đề tự do. Đạo Luật này không xóa bỏ ngày 30 tháng Tư mà chính thức là National Day của Canada đặc biệt công nhận ngày 30 tháng Tư.

Trong cái Preamble (Lời dẫn nhập) cũng có nói rằng cộng đồng người Việt Canada vẫn thường dùng ngày 30 tháng Tư là ngày Black April Day. Công việc đó đối với những người đó tôi không muốn trả lời bởi vì họ không đọc kỹ cái đạo luật của tôi, họ cho rằng đạo luật này không có nghĩ tới vấn đề quốc hận. Ai mà không biết ngày quốc hận, tôi cũng cho đó là ngày quốc hận vậy, nhưng ngày 30 tháng Tư chúng ta ra đi là để tìm tự do, bỏ nước bỏ gia đình bỏ nhà cửa để đi tìm tự do, thì ngày 30 tháng Tư là ngày chính. Xong rồi ra ngoài này chúng ta hận cộng sản là chuyện đương nhiên, thành ra ngày hành trình tìm tự do hay ngày quốc hận cũng vẫn được như thường bởi vì trong preamble của tôi vẫn đề ngày 30 tháng Tư là Black April Day mà cộng đồng ngừơi Việt thường dùng cũng như Ngày Hành Trình Tìm Tự Do.

Nói xóa bỏ ngày quốc hận 30 tháng Tư là điều mà Cộng sản Việt Nam vẫn dùng, vẫn đưa ra, để đánh lạc hướng. Họ vận dụng lý do đó để họ lobby các dân biểu các nghị sĩ chống đối Đạo Luật này, tìm cách làm mờ ngày 30 tháng Tư đi mà công nhận ngày khác như ngày 27 tháng Bảy là ngày liệt sĩ của quân đội cộng sản Việt Nam, đó là lý do họ làm. Chúng ta không nên mắc mưu vấn đề đó mà nên nghĩ rằng 30 tháng Tư chúng ta vẫn có là 30 tháng Tư, Đạo Luật này công nhận chính thức của Canada là ngày 30 tháng Tư. Do đó tôi thấy không nên hấp tấp cho rằng Đạo Luật này là xóa bỏ ngày quốc hận.

Thanh Trúc: Xin cảm ơn ông Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải về thời giờ của ông.

Việt Nam triệu Đại sứ Canada tại Việt Nam để phản đối Canada thông qua đạo luật S-219 xem ngày 30/4 là “Ngày hành trình tìm tự do”.

Hôm 22/4, dự luật này được chính phủ Canada công nhận.

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 24/4 nói đây là đạo luật “hoàn toàn sai trái, chứa đựng nhiều nội dung xuyên tạc lịch sử”.

“Việt Nam kiên quyết phản đối việc Canada thông qua đạo luật này,” người phát ngôn Lê Hải Bình tuyên bố.

Hà Nội nói đã triệu Đại sứ Canada tại Việt Nam để phản đối hôm 24/4.

Ông Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Đây là bước lùi trong quan hệ giữa hai nước, gây ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Canada, xúc phạm tình cảm của nhân dân Việt Nam cũng như một bộ phận lớn cộng đồng người Việt tại Canada.”

Đạo luật “Ngày hành trình tìm tự do” do một người gốc Việt, Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải thuộc Đảng Bảo thủ Canada đại diện cho tỉnh bang Ontario, giới thiệu ra Thượng viện năm 2014.

Luật này muốn Canada lấy ngày 30/4 để ghi nhớ việc Canada đón nhận hàng ngàn thuyền nhân Việt Nam sau 1975.

Bộ trưởng Quốc phòng Canada Jason Kenney nói ngày 30/4 “sẽ mang đến cho người dân Canada một cơ hội để nghĩ lại cuộc hành trình của hơn 60.000 người tị nạn Việt Nam đến Canada”. - RFA, BBC
|
|

6.
CSVN: VN 'tự do báo chí hơn nhiều nước' --- Thực sự Việt Nam có tự do báo chí hơn nhiều nước?

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam nói Việt Nam “tự do báo chí hơn nhiều nước khác”.

Ông Nguyễn Bắc Son phát biểu ngày 24/4 khi tiếp xúc cử tri xã Đại Đồng (Thạch Thất, Hà Nội).

Tường thuật của Infonet, trang web chính thức của Bộ Thông tin và Truyền thông, nói ông Son đã “giải đáp” nhiều câu hỏi, trong đó có vấn đề tự do báo chí.

Ông nói: “Một số tổ chức nước ngoài, trong đó có cả tổ chức nhân quyền thế giới bảo ta không có tự do báo chí, đó là họ nói không đúng và nhìn nhận không đầy đủ.”

“Thực ra ta có nhân quyền và báo chí ở ta tự do hơn họ rất nhiều. Bằng chứng là các hội, các ngành đều có một tờ báo riêng, trên thế giới chỉ có khoảng 20 nước có luật về báo chí thì trong đó có cả Việt Nam.”

“Thực tế thì Việt Nam tự do báo chí hơn nhiều nước khác,” ông bày tỏ.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết dự kiến chính phủ Việt Nam sẽ trình Quốc hội dự thảo Luật Báo chí sửa đổi vào tháng 10.

Ông nói luật mới sẽ là “công cụ để công tác quản lý báo chí được thực hiện hiệu quả hơn”.

Việt Nam thường bị các tổ chức quốc tế xếp thấp điểm về tự do báo chí.

Mới đây, một tổ chức truyền thông đưa Việt Nam vào danh sách 10 quốc gia kiểm duyệt khắt khe nhất thế giới.

Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ), đặt trụ sở ở Mỹ, xếp Việt Nam thứ sáu trong danh sách.

Tổ chức này phân tích toàn bộ truyền thông ở Việt Nam, theo luật, đều phải là “tiếng nói của các tổ chức Đảng”.

Những blogger độc lập “đối diện trừng phạt qua các vụ tấn công đường phố, bắt bớ, theo dõi, án tù nặng”.

Có ít nhất 16 phóng viên đang ngồi tù tại Việt Nam, theo CPJ.

Bình luận của Bộ trưởng Son gây chú ý công luận giữa bối cảnh Việt Nam trong nhiều năm liên tiếp bị các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế liệt kê vào danh sách các nước đàn áp tự do báo chí-tự do ngôn luận nghiêm trọng nhất trên thế giới.

Blogger-nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang từng là phóng viên và biên tập viên chuyên trang Tuần Việt Nam của Vietnamnet nay là nhà hoạt động cổ võ cho nhân quyền Việt Nam, phản hồi trước tuyên bố của Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông:

“Bộ trưởng nói vậy em bật cười, và em nghĩ nhiều nhà báo khác cũng bật cười. Câu nói rằng Việt Nam có tự do báo chí vì Việt Nam có nhiều báo là phép ngụy biện mà nhiều quan chức của chính quyền cộng sản dùng nhiều năm nay rồi. Vấn đề là các tờ báo đó chất lượng thế nào và bản chất hoạt động của báo chí Việt Nam thế nào thì không bao giờ các ông ấy nói đến cả. Có cả ngàn tờ báo mà chỉ có một tổng biên tập. Sự lố bịch và dối trá ấy công khai tồn tại nhiều năm nay rồi.”

Giới hữu trách Việt Nam giải thích do số lượng báo đài trong nước nhiều nên nhà nước cần phải quản lý để hoạt động hiệu quả, ‘đúng tôn chỉ, mục đích.’

Blogger Đoan Trang phản bác quan điểm này:

“Điều này thể hiện một tư duy rất kém về chính sách công, về quản trị đất nước, về chính trị và luật pháp. Em muốn nói họ dốt về chuyện quản lý đất nước, quản trị điều hành. Còn chuyện trấn áp kiểm soát thì họ khá lắm. Quản lý báo chí nên là việc của xã hội, chứ không phải việc của nhà nước. Bao lâu nay báo chí Việt Nam chỉ được kiểm soát bằng nghị quyết, nghị định của đảng. Những chuyện đụng đến chính trị thì bị xử lý, còn chuyện xâm phạm đời tư-vu khống bôi nhọ tràn lan trên mặt báo đâu thấy ai nói gì. Ở đây rõ ràng có vấn đề rất nặng về chuyện luật pháp, hành pháp, cũng như lập pháp.”

Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Việt Nam chỉ ra Việt Nam nằm trong 20 nước trên thế giới có luật về báo chí để nói rằng Việt Nam ‘tự do báo chí hơn nhiều nước khác.’ Tuy nhiên, giới hoạt động cho rằng các luật báo chí của Việt Nam không nhằm bảo vệ quyền tự do báo chí.

Nhà báo độc lập Đoan Trang:

“Cái họ dùng không phải là luật pháp. Nó là luật rừng thì đúng hơn, đầy mơ hồ. Ở Việt Nam thừa luật về quản lý và siết chặt tự do nhưng thiếu luật tốt để xã hội vận hành được. Những luật họ dùng hoàn toàn nhằm bảo vệ lợi ích của đảng và của công an. Luật về báo chí không bảo vệ tự do báo chí hoặc giúp nhà báo vận hành một cách chuyên nghiệp.”

Tháng 10 năm nay, chính phủ Việt Nam dự kiến trình Quốc hội dự thảo Luật báo chí sửa đổi.

Theo lời Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông, Luật báo chí sửa đổi ‘sẽ là công cụ để công tác quản lý báo chí được thực hiện hiệu quả hơn.’

Ông Son cũng kêu gọi cử tri đóng góp ý kiến thêm ‘để công tác quản lý báo chí được làm tốt hơn.’

Giới hoạt động cho rằng Luật báo chí Việt Nam cần sửa đổi để bảo vệ quyền tự do ngôn luận-tự do báo chí của người dân hơn là bảo vệ ‘công tác quản lý báo chí’ của nhà nước.

Thành viên nồng cốt của Mạng lưới Blogger Việt Nam, Phạm Đoan Trang:

“Thấy một cảm giác rất là khó chịu. Những người với trình độ như vậy vẫn cứ giữ các vị trí như vậy, vẫn cứ phát ngôn các câu nói rất tệ hại thể hiện sự thiếu hiểu biết và thiếu tôn trọng các nhà báo như thế. Cảm thấy bực bội thôi chứ không lo ngại. Kể cả Luật báo chí có siết chặt hơn nữa thì cũng không sao vì thật ra các nhà báo Việt Nam cũng quen với việc đó rồi. Bao lâu nay họ vẫn bị siết chặt như thế rồi. Để nói Luật báo chí cần phải sửa đổi thế nào cho phù hợp thì họ phải hiểu về báo chí và hiểu về nhân quyền. Trong lực lượng lập pháp của đảng, không có những người như vậy. Họ không có tư duy về nhân quyền hay tự do báo chí.” - BBC, VOA


No comments:

Post a Comment