Thursday, April 23, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Năm 23/4

Tin Thế Giới

1.
Trung Quốc: Bắc Triều Tiên có 20 quả bom hạt nhân

Một nhật báo lớn ở Mỹ cho biết các chuyên gia hạt nhân hàng đầu của Trung Quốc nâng số ước tính của họ về khả năng hạt nhân của Bắc Triều Tiên vượt khỏi ước tính trước đây của Hoa Kỳ. Theo tường thuật của thông tín viên Victor Beattie của đài VOA, tờ Wall Street Journal trích lời một chuyên gia có uy tín của Mỹ về vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên nói rằng nếu ước tính của Trung Quốc là chính xác thì những nỗ lực phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên sẽ có thêm rất nhiều chướng ngại.

Theo tin của tờ Wall Street Journal, tại một cuộc họp kín với các chuyên gia hạt nhân Mỹ tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc hồi tháng hai, các chuyên gia Trung Quốc nói rằng Bắc Triều Tiên có thể đã có 20 đầu đạn hạt nhân. Trước đây không lâu, các chuyên gia Mỹ cho rằng Bắc Triều Tiên có từ 10 đến 16 quả bom hạt nhân.

Bài báo trích lời ông Siegfried Hecker, cựu Giám đốc Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos của Mỹ, nói rằng Bình Nhưỡng càng tin họ có một kho vũ khí hạt nhân hoạt động đầy đủ và có khả năng răn đe nhiều chừng nào thì càng khó thuyết phục họ từ bỏ vũ khí hạt nhân nhiều chừng đó.

Plutonium cấp vũ khí

Các chuyên gia hạt nhân Trung Quốc cũng cho biết Bình Nhưỡng có khả năng sản xuất một số lượng plutonium đủ để tăng gấp đôi kho vũ khí hạt nhân của họ vào năm tới.

Giáo sư Hecker là người đầu tiên tiết lộ chương trình tinh luyện uranium của Bình Nhưỡng khi ông tới thăm Bắc Triều Tiên năm 2010.

Ông cho biết các chuyên gia Trung Quốc giờ đây tin rằng Bình Nhưỡng có nhiều khả năng hơn để tinh luyện uranium ở bên trong nước họ so với ước tính trước đây.

Ông James Kim, một nhà phân tích an ninh của Viện Nghiên cứu Chính sách Á châu ở Seoul, không biết chắc lý do tại sao Trung Quốc cho phép các chuyên gia của họ nói với các chuyên gia Mỹ về số bom hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

"Chính sách của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên đã thay đổi khá lâu rồi. Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn chưa mời người đứng đầu chế độ Bắc Triều Tiên đến dự một cuộc họp thượng đỉnh. Quan hệ giữa Trung Quốc với Bắc Triều Tiên đã bị nguội lạnh khá lâu. Nhưng những sự tiết lộ mới đây đã làm một số người ngạc nhiên. Nó mang lại cho các đồng minh của Mỹ một lý do để tăng cường sự phòng vệ chống lại Bắc Triều Tiên, và đây là một tin vui, xét theo quan điểm của Trung Quốc."

Hai vấn đề

Ông Kim cho biết Bắc Triều Tiên vẫn còn đối mặt với hai vấn đề chính về kỹ thuật. Một là sự trở về bầu khí quyển của phi đạn đạn đạo liên lục địa và hệ thống điều hướng để đánh trúng mục tiêu; và hai là làm thế nào để thu nhỏ các đầu đạn hạt nhân.

Ông Sydney Seiler, đặc sứ Mỹ tại cuộc đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên, hôm thứ ba vừa qua nói rằng cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran với 6 đại cường thế giới cho thấy Hoa Kỳ sẵn sàng thương thuyết để có một giải pháp cho vụ giằng co hạt nhân với Bắc Triều Tiên. Ông Seiler cũng nói rằng những sự giao tiếp của Mỹ với Iran, Myanmar và Cuba nêu bật sự linh động và sáng tạo của Washington khi họ có được một đối tác đối thoại khả tín, một đối tác có thể quyết định thay đổi đường lối để phục vụ các quyền lợi quốc gia của mình.

Ông Troy Stangarone, một nhà nghiên cứu của Viện Kinh tế Triều Tiên ở Washington, cho rằng nếu tường thuật của tờ Wall Street Journal là chính xác, điều này cho thấy mục tiêu đạt được thoả thuận phi hạt nhân hoá với Bắc Triều Tiên mỗi ngày một xa vời hơn.

"Nó nêu ra những câu hỏi về những gì cần phải làm để Bắc Triều Tiên từ bỏ kho vũ khí hạt nhân và khả năng là sẽ làm như vậy cao tới mức nào. Rõ ràng là Bắc Triều Tiên đang ra sức xúc tiến chương trình của họ và điều đó làm cho vấn đề trở nên khó khăn hơn."

Hồi trung tuần tháng này, Đô đốc William Gortney, người đứng đầu Bộ Tư lệnh miền Bắc của quân đội Mỹ, cảnh báo rằng Bình Nhưỡng giờ đây đã có khả năng để gắn bom hạt nhân lên một phi đạn KN-08 có thể bắn tới lục địa nước Mỹ. Tuy nhiên, ông Gortney nói rằng chưa có dấu hiệu cho thấy Bắc Triều Tiên đã thử nghiệm loại phi đạn liên lục địa này. Về việc này, nhà phân tích Stangarone của Viện Kinh tế Triều Tiên cho biết như sau.

"Những gì mà chúng tôi biết được là họ đã thử nghiệm thành công cả hai loại phi đạn có khả năng bắn tới Nam Triều Tiên và Nhật Bản: phi đạn Taepodong-1 và phi đạn Nodong. Người ta cũng tin là họ đã thu nhỏ một đầu đạn có thể gắn vào một trong hai loại vũ khí đó. Vì vậy, cả Seoul và Nhật Bản có thể nằm trong tầm tác xạ của Bắc Triều Tiên. Và để đối phó với việc này chúng ta phải có một hệ thống phòng thủ phi đạn tốt hơn."

Ông Stangarone hy vọng những thông tin mà Trung Quốc tiết lộ là một dấu hiệu cho thấy rằng, với tư cách là đối tác thương mại, nhà đầu tư và nước cấp viện lớn nhất của Bắc Triều Tiên, Bắc Kinh sẽ thúc đẩy Bình Nhưỡng quay lại với cuộc đàm phán 6 bên mà họ từ bỏ hồi năm 2009.

Trong khi đó, tờ Wall Street Journal cho biết sự gia tăng của kho vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên làm gia tăng mối lo ngại của quốc tế về nạn phổ biến hạt nhân từ một nước mà các giới chức Mỹ nói đã xuất khẩu kỹ thuật hạt nhân sang Syria và bán các bộ phận phi đạn cho Iran, Yemen và Ai Cập. - VOA
|
|

2.
'Ngọn lửa' tranh chấp TQ-Philippines bùng lên trước Thượng đỉnh ASEAN

Vài ngày trước Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN ở Kuala Lumpur, căng thẳng ngoại giao giữa Philippines và Trung Quốc đang tăng thêm với một cuộc khẩu chiến, một vụ xịt vòi rồng và bước kế tiếp trong một vụ kiện trọng tài có liên quan đến các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Từ Manila, thông tín viên VOA Simone Orendain ghi nhận chi tiết.

Tranh chấp Biển Đông sẽ nằm trong nghị trình tại cuộc họp thường niên mùa xuân của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á vào chủ nhật và thứ hai sắp tới.

Nếu Tổng thống Philippines Benigno Aquino được quyền quyết định, thì vấn đề này sẽ bao trùm các cuộc đàm phán. Bộ Ngoại giao Philippine cho biết ưu tiên của ông là nêu ra những quan ngại về việc Trung Quốc ồ ạt xây dựng những hòn đảo nhân tạo trên 7 bãi đá đang có tranh chấp trong vùng biển. Nhưng dưới áp lực của Trung Quốc, các cuộc họp trước đây của ASEAN đã hạ giảm tầm quan trọng của vấn đề.

Bắc Kinh đòi chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông. Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng có những yêu sách chủ quyền chồng chéo nhau trong vùng biển giàu tài nguyên này.

Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Anifa Aman trong tuần này tuyên bố, với tư cách là nước chủ trì các cuộc họp ASEAN năm nay, Malaysia sẽ kêu gọi đẩy nhanh cuộc điều đình về một Bộ Quy tắc Ứng xử có tính cưỡng hành hướng dẫn việc xử lý các vụ tranh chấp trong hòa bình. Ông cũng nêu ra rằng tất cả các nước đòi chủ quyền không nên có hành động có thể làm leo thang căng thẳng.

Trung Quốc từng nói trước đây rằng Philippines gây căng thẳng trên biển qua việc tổ chức các cuộc thao diễn quân sự chung với Hoa Kỳ ngoài khơi duyên hải Biển Đông.

Vào lúc diễn ra các cuộc tập trận năm nay, một bài xã luận đăng trên tờ Global Times của nhà nước Trung Quốc hôm thứ ba đã gọi Philippines là ‘một tay sai nhỏ bé xinh xắn’ của Hoa Kỳ. Bài xã luận cũng nêu ra rằng quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước này nhắm mục tiêu chống lại sự hiện diện ngày càng nhiều của Trung Quốc trong khu vực đã không đi đến đâu.

Phản ứng lại, Phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Edwin Lacierda nói Bắc Kinh có quyền có ý kiến, mà Manila không đồng ý.

“Chúng tôi không hiểu sự bất an của Trung Quốc đối với chúng tôi phát xuất từ đâu. Chúng tôi lấy đâu ra phương tiện để cạnh tranh với Trung Quốc trong tư cách một siêu cường?”

Cuộc trao đổi lời lẽ khó chịu diễn ra sau khi có báo cáo mới đây của các ngư dân Philippines nói rằng một chiếc tàu tuần duyên Trung Quốc đã xịt vòi rồng để đuổi họ ra khỏi Bãi cạn Scarbourough. Philippines nhận chủ quyền bãi cạn này, nằm cách duyên hải phía bắc của họ 200 kilomet. Cách đây 3 năm, Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát bãi cạn này sau một cuộc giằng co căng thẳng giữa hai nước.

Một lần nữa, Bắc Kinh lại khiển trách Manila là vi phạm bãi cạn mà họ đặt tên là Đảo Hoàng Nham. Tại một cuộc họp báo thường lệ hôm thứ tư, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói ngư dân Philippines đã “tác động đến an toàn và trật tự” tại Bãi cạn Scarborough.

Ông Hồng nói: “Chúng tôi kêu gọi phía Philippines giáo dục và kiểm soát tốt hơn ngư dân của họ và đình chỉ mọi hành động gây phương hại đến chủ quyền và các quyền lãnh thổ của Trung Quốc, và tôn trọng chủ quyền Trung Quốc một cách nghiêm túc hơn.”

Philippines đã nộp một đơn kiện vào năm 2013 lên Tòa án Trọng tài Thường trực, nêu nghi vấn về các yêu sách chủ quyền bừa bãi của Trung Quốc. Trung Quốc bác bỏ sự tài phán và không đáp lại phiên xử. Tuy nhiên, Trung Quốc đã công bố một văn bản lập trường nêu thắc mắc về quyền tài phán của Tòa đối với vụ việc này. Tòa hôm qua loan báo phiên toà đầu tiên của vụ này sẽ diễn ra vào tháng 7.

Trong vụ kiện còn chờ được phân xử và thái độ ngày càng rõ ràng quyết liệt của Trung Quốc về chủ quyền của họ trong vùng biển có tranh chấp, một số quan sát viên cho rằng có nhiều phần chắc Malaysia sẽ lánh xa hẳn các vụ tranh chấp, viện dẫn quan hệ kinh tế chặt chẽ giữa Trung Quốc với từng quốc gia thành viên của ASEAN. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Bà Loretta Lynch sắp được chuẩn thuận làm Bộ trưởng Tư pháp Mỹ

Năm tháng sau khi được Tổng thống Barack Obama đề cử, bà Loretta Lynch dự kiến sẽ chính thức được Thượng viện chuẩn thuận để trở thành Bộ trưởng Tư pháp Mỹ ngày hôm nay.

Việc chuẩn thuận bà Lynch đã bị đình trệ nhiều tuần sau khi phe Dân chủ tại Thượng viện ngưng không thông qua một dự luật nhằm trấn áp nạn buôn người sau khi phe Cộng hòa đưa việc sửa đổi chống phá thai vào dự luật này.

Đáp lại, lãnh đạo phe chiếm đa số tại Thượng viện Mitch McConnell đã từ chối đưa việc đề cử bà Lynch ra bỏ phiếu cho tới khi nào dự luật về buôn người được giải quyết.

Sự bế tắc trong vấn đề phá thai đã khai thông hồi đầu tuần này sau khi một nhóm các đảng viên của phe Cộng hòa và Dân chủ đạt được thỏa hiệp, mở đường cho việc thông qua dự luật ngày hôm qua với tỷ lệ thuận – chống là 99-0.

Một số đảng viên Cộng hòa chống lại việc đề cử bà Lynch vì bà ủng hộ một mệnh lệnh hành pháp của ông Obama cho phép hàng triệu di dân trái phép được ở lại Mỹ.

Bà Lynch là một công tố viên liên bang kỳ cựu làm việc ở New York.

Nếu được chuẩn thuận, bà sẽ trở thành phụ nữ Mỹ gốc Phi Châu đầu tiên lãnh đạo Bộ Tư pháp Hoa Kỳ. - VOA
|
|

4.
Thăm dò: Ông Rubio, bà Clinton dẫn đầu cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc

Một cuộc thăm dò ý kiến của công chúng Mỹ cho thấy ông Marco Rubio, thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa hiện đang dẫn đầu trước nhiều ứng viên khác để trở thành ứng viên tổng thống 2016 của đảng này.

Một cuộc thăm dò do Đại học Quinnipiac công bố hôm nay cho thấy vị thượng nghị sĩ nhiệm kỳ một từ bang Florida đã giành được sự ủng hộ của 15% các cử tri đăng ký bầu cử sơ bộ của phe Cộng hòa. Tiếp đó là cựu thống đốc bang Florida Jeb Bush với 13% và thống đốc của Wisconsin Scott Walker với 11%. Cả ông Bush và Walker chưa chính thức tham gia cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc.

Cuộc thăm dò ý kiến cũng cho thấy, trong cuộc tổng tuyển cử giả tưởng, so với các ứng viên Cộng hòa khác, ông Rubio giành được nhiều ủng hộ hơn cả trong cuộc chạy đua với bà Hillary Clinton, ứng viên tổng thống tiềm năng của phe Dân chủ.

Ông Rubio chỉ thua cựu ngoại trưởng Mỹ 2%, nhận được 43% ủng hộ so với tỷ lệ 45% của bà Clinton.

Trong khi đó, bà Clinton hiện dẫn đầu so với tất cả các ứng viên tiềm năng của phe Dân Chủ, trong đó có Phó tổng thống Joe Biden, Thượng nghị sĩ tiểu bang Vermont Berie Sanders và cựu thống đốc tiểu bang Maryland Martin O’Malley.

Nhưng cuộc thăm dò cũng cho thấy chỉ có 54% số người được hỏi tin rằng bà Clinton thành thật và đáng tin cậy, so với con số 38% số người nghĩ ngược lại. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Nhóm người Việt bị Australia hồi hương đang bị công an cầm giữ

Người ta tin rằng nhóm người tìm đường tị nạn bị hải quân Australia trả về Việt Nam tuần trước đang bị thẩm vấn tại một trung tâm giam giữ của công an ở tỉnh duyên hải phía Bắc Sài Gòn.

Tờ Sydney Morning Herald ngày 23/4 dẫn các nguồn tin từ cộng đồng người Việt ở Australia và giới hoạt động nhân quyền cho biết tất cả những người lớn trên chiếc tàu vượt biên bị Australia chặn bắt đang bị giam cầm để thẩm vấn trong khi một số trẻ em đã được phóng thích.

Tin nói nhóm này khởi hành vượt biên từ vùng biển phía Nam Việt Nam, nghĩa là nhà chức trách Australia có thể đã giữ họ trong lúc các yêu cầu tị nạn chính trị của họ được giới chức Sở Di trú có mặt trên tàu HMAS Choules thanh lọc.

Họ bị giao trả về cho giới hữu trách ở Vũng Tàu hồi thứ sáu tuần trước.

Bộ trưởng Di trú Australia Peter Dutton hôm nay 23/4, lần đầu tiên lên tiếng xác nhận rằng 46 người Việt đã bị hồi hương.

Thông tin về 46 người này do một người Việt trong một trung tâm cầm giữ người tị nạn ở Australia tiết lộ. Tờ Sydney Morning Herald nói cháu trai của bà nằm trong nhóm bị hồi hương đó.

Hãng tin Fairfax Media cho biết một số người trong cộng đồng người Việt ở Melbourne biết kế hoạch vượt biên bằng tàu hồi tháng 3 của nhóm vừa kể.

Tin nói những người lớn trong nhóm bị đưa về Việt Nam bằng tàu HMAS Choules đang bị nhốt trong một trung tâm giam giữ ở Bình Thuận.

Nhà hoạt động Anoop Sukumaran thuộc Mạng lưới Quyền của người Tị nạn Châu Á-Thái Bình Dương cũng xác nhận với Fairfax Media rằng ông cũng nhận được các báo cáo tương tự.

Cơ quan người tị nạn của Liên hiệp quốc đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về việc Australia hồi hương nhóm người tị nạn Việt Nam.

Trong khi đó, Tổ chức Ân xá Quốc tế nói họ e rằng đơn xin tị nạn của nhóm này đã không được xem xét và quyết định một cách thỏa đáng qua quy trình thanh lọc trên biển.

Bộ trưởng Di trú Australia hôm 23/4 bác bỏ tố cáo này, nói rằng theo phán quyết của Tòa án tối cao Australia vào năm ngoái, Australia có quyền thanh lọc người tị nạn ngay trên biển.

Ông Dutton cũng đoan chắc rằng những người vừa bị hồi hương sẽ không bị chính quyền đàn áp.

Tờ Sydney Morning Herald dẫn phát biểu của Bộ trưởng Dutton nhấn mạnh: ‘Chúng tôi đã làm việc với phía Việt Nam liên quan đến vấn đề này và tôi muốn bày tỏ lòng cảm kích với chính phủ Việt Nam về cách làm việc xây dựng. Chúng tôi đã có thể hồi hương an toàn 46 người đó về lại Việt Nam.’

Chính phủ Việt Nam chưa lên tiếng chính thức bình luận về vụ việc. - VOA
|
|

6.
'VN nên có chiến lược rõ rệt chống hoạt động lấn biển lấy đảo của TQ'

Trong bối cảnh căng thẳng tiếp tục leo thang trong cuộc tranh chấp chủ quyền Biển Đông, Hà Nội và Manila đã tìm cách tăng cường hợp tác với nhau. Hôm 20 tháng Tư, các giới chức Philippines tiết lộ rằng chính Hà Nội đã khởi xướng ý kiến hình thành một đối tác chiến lược Việt-Phi, và còn đề nghị mở một cuộc họp song phương trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh ASEAN sắp tới.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Ban Việt ngữ VOA, bà Phương Nguyễn, một nhà nghiên cứu về các vấn đề Đông Nam Á cộng tác với Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS), cho biết ý kiến về sự hợp tác giữa hai nước đều là hội viên của ASEAN, trước mối đe dọa do chính sách bành trướng của Trung Quốc gây ra.

“Tôi tin rằng từ năm 2010 trở về sau, chúng ta đã chứng kiến việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Philippines trong lĩnh vực hàng hải. Các chiến hạm hai nước đã qua lại thăm viếng lẫn nhau. Cho nên một hiệp định đối tác chiến lược, khi nào được ký kết, chủ yếu sẽ có tính cách quân sự. Tôi dự kiến sẽ có tăng cường hợp tác giữa hai lực lượng hải quân, đồng thời với việc chia sẻ thông tin tình báo giữa đôi bên.”

Bà Phương Nguyễn cho rằng hiệp định đối tác chiến lược Việt-Phi nên được đặt trong bối cảnh rộng lớn hơn, vượt quá giới hạn của mối quan hệ song phương.

“Tôi tin rằng đối tác chiến lược Việt Nam-Philippines phải được nhìn trong bối cảnh rộng lớn hơn bởi vì Philippines thực ra không có một lực lượng vũ trang trang bị hùng hậu cho lắm. Nhìn rộng hơn quan hệ song phương, Việt Nam trong thời gian qua đã tìm cách củng cố quan hệ với các đồng minh của Mỹ tại Châu Á, đặc biệt là với Nhật Bản và gần đây hơn, với Philippines. Tôi cho rằng việc Việt Nam muốn thiết lập đối tác chiến lược với Philippines, tương hợp với nguyện vọng của Hà Nội muốn thắt chặt quan hệ với các nước có khả năng mang lại những lợi ích cho Việt Nam, dù là lợi ích quân sự hay lợi ích kinh tế. Trong trường hợp Philippines, tôi nghĩ rằng Việt Nam thấu hiểu tầm quan trọng của việc liên kết với một nước có lập trường cứng rắn chống lại những hành động lấn biển lấy đất của Trung Quốc. Thành thực mà nói, cả Nhật Bản lẫn Philippines đều là đồng minh của Mỹ, nhưng hợp tác quân sự với Nhật Bản, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam hơn nhiều, so với hợp tác quân sự với Philippines.”

Về các hoạt động lấn biển xây đảo nhân tạo của Trung Quốc trong Biển Đông, bà Phương Nguyễn cho rằng Việt Nam đang bị đẩy vào một tình huống khó xử:

“Việt Nam lâm vào thế khó xử bởi vì Trung Quốc chỉ thẳng vào Việt Nam mà tố cáo lại rằng chính Việt Nam cũng có những hoạt động lấn biển và xây cất trên các bãi cạn và các đảo mà Việt Nam chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa. Tôi cho rằng một mặt Việt Nam chỉ trích các hoạt động xây đảo của Trung Quốc, nhưng tôi không thấy Việt Nam có một chiến lược nào rõ rệt về nên phản ứng như thế nào để đáp lại các hoạt động đó của Trung Quốc.”

Bà Phương Nguyễn nói Trung Quốc đã khởi sự các cộng trình xây cất ở Biển Đông trong ít nhất là một năm qua chứ không phải mới đây, tuy là tiến độ của các hoạt động này đã tăng nhanh hồi gần đây. Nhà nghiên cứu này nói rằng tại diễn đàn hội nghị ASEAN hồi năm ngoái, khi Mỹ và Philippines đề nghị tất cả các nước có tranh chấp chủ quyền Biển Đông nên công khai ủng hộ việc duy trì nguyên trạng tại đây, chống mọi hoạt động xây cất tại các vùng biển tranh chấp, thì Việt Nam không hưởng ứng lời kêu gọi này:

“Việt Nam không mạnh mẽ ra mặt ủng hộ đề nghị của Mỹ và Philippines. Một số nước ASEAN khác chống đối đề nghị đó. Tôi không chắc là Việt Nam chống đối, nhưng Việt Nam rõ ràng không mạnh mẽ hưởng ứng đề nghị đó.”

Nhà nghiên cứu này cho rằng, phản ứng không dứt khoát đó của Việt Nam có tác động tới cách đáp ứng của ASEAN và các nước khác trước các diễn biến mới ở Biển Đông. Bà cho rằng Việt Nam nên minh bạch những hoạt động của mình trong Biển Đông, và xác định rõ Hà Nội muốn ASEAN và các cường quốc khác có quyền lợi gắn liền với Biển Đông, nên đáp ứng như thế nào.

Trong một động thái được coi là hiếm có đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng mùa hè năm ngoái đã đưa ra những lời lẽ mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc là ‘gây bất ổn và đe doạ hoà bình trong khu vực’, trong chuyến đi thăm Philippines.

Phương Nguyễn là một nhà nghiên cứu về các vấn đề Đông Nam Á cộng tác với Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS). Bà là tác giả của nhiều bài tham luận có giá trị về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đối với các nước ASEAN, và nền ngoại giao Trung Quốc. đồng tác giả quyển ‘Một kỷ nguyên mới trong quan hệ Hoa Kỳ- Việt Nam: Thắt chặt quan hệ sau 20 năm Bình thường hoá Bang Giao (CSIS, 2014). - VOA


No comments:

Post a Comment