Wednesday, April 22, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Tư 22/4

Tin Thế Giới

1.
TQ trình bày chiến lược phát triển Con đường Tơ lụa tại Hội nghị Á-Phi

Nhiều nhà lãnh đạo của các nước trên thế giới, trong đó có Trung Quốc, Iran và Zimbabwe, hôm nay đã đến dự Hội nghị Thượng đỉnh Á-Phi ở Jakarta. Theo tường thuật của thông tín viên Brian Padden của đài VOA tại địa điểm hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trình bày chiến lược nhiều tham vọng của nước ông để phát triển kinh tế trên khắp Châu Á và Phi Châu qua việc xây dựng cơ sở hạ tầng và ký kết các hiệp định hợp tác thương mại.

Trong tháng qua, Trung Quốc đã phác hoạ các kế hoạch của họ về “Con đường Tơ lụa Mới”, theo đó Bắc Kinh sẽ đầu tư nhiều tỉ đô la cho các dự án cơ sở hạ tầng ở Châu Á, Trung Đông và Âu Châu.

Kế hoạch có tên “Một Vành Đai, Một Con Đường” cũng bao gồm việc phát triển một tuyến thương mại trên biển nối liền các hải cảng của Trung Quốc với những trung tâm thương mại ven biển ở Phi Châu và Trung Đông.

Kế hoạch sẽ làm tăng mạnh vai trò kinh tế vốn rất đáng kể của Trung Quốc trong hoạt động thương mại toàn cầu trong lúc cam kết nối kết các nước muốn thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của chính họ.

Chủ tịch Tập Cận Bình hôm nay nói với các đại biểu của hơn 100 nước, trong đó có nhiều vị nguyên thủ quốc gia, rằng Bắc Kinh sẽ giảm thiểu thêm nữa thuế suất nhập khẩu cho các nước đang phát triển để giúp những nước này tăng cường nền kinh tế của mình.

Cuối năm nay, Trung Quốc sẽ dành mức thuế zero cho 97% các mặt hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia kém phát triển có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, và Trung Quốc sẽ tiếp tục cung cấp sự trợ giúp cho các nước đang phát triển mà không kèm theo những điều kiện chính trị.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc nói rằng kế hoạch kinh tế của nước ông là “phương pháp đôi bên cùng thắng”, thông qua việc xúc tiến thương mại và đầu tư.

Những người chỉ trích kế hoạch phát triển của Trung Quốc nói rằng các dự án xây dựng của nước này không tuân thủ những biện pháp bảo vệ nhân quyền và môi trường như những dự án được tài trợ bởi các định chế quốc tế như Ngân hàng Thế giới. Hoa Kỳ thường đặt điều kiện cho những khoản viện trợ phát triển, đòi các nước nhận viện trợ cải thiện tính chất minh bạch, bài trừ tham nhũng hoặc đạt được những tiến bộ về các quyền chính trị và xã hội.

Trong bài diễn văn tại hội nghị ngày hôm nay, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói “Chúng ta cần phải xây dựng một nền kinh tế mới, một nền kinh tế cởi mở hơn đối với các cường quốc kinh tế mới nổi.” Indonesia là một trong 57 nước xin gia nhập ngân hàng phát triển mới của Trung Quốc có tên là Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á. Nhật Bản và Hoa Kỳ không gia nhập.

Ông Widodo hô hào cho một trật kinh tế mới không bị chế ngự bởi các định chế do Hoa Kỳ và Trung Quốc kiểm soát.

Đồng chủ tịch hội nghị, Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe, 91 tuổi, lên tiếng cổ xuý cho việc cải cách Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là loại bỏ quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an của 5 nước hội viên thường trực là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc.

"Một trong các vật liệu thiết yếu để thực hiện việc này là tăng cường sự đoàn kết của chúng ta để tiếp tục tranh đấu cho một Liên Hiệp Quốc thừa nhận tất cả các đối tác là những đối tác bình đẳng."

Các nhà lãnh đạo Trung Đông, như Quốc vương Abdullah của Jordan, kêu gọi các nước đoàn kết trong cuộc chiến chống lại quân khủng bố và những nhóm hiếu chiến của những phần tử Hồi giáo cực đoan. Ông đề cập tới việc thế giới đã đồng thanh hỗ trợ cho nỗ lực này khi phiến quân Nhà nước Hồi giáo giết hại hai con tin người Nhật và một viên phi công của Jordan.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani đặc biệt lên án phiến quân Sunni đang chiến đấu ở Iraq và Syria. Có lẽ ông muốn nói tới Ả rập Saudi và những nhóm khác của người Hồi giáo Sunni khi đả kích “những tác nhân quốc tế và khu vực” ủng hộ cho những phần tử cực đoan. Ả rập Saudi đang dẫn đầu một liên minh chống lại phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn ở Yemen.

Trong bài diễn văn tại hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản đã bày tỏ sự hối tiếc sâu sắc về cuộc chiến tranh trong quá khứ. Ông muốn nói tới những sự chỉ trích của Trung Quốc và Nam Triều Tiên cho rằng ông tìm cách chối bỏ những hành vi tàn ác mà quân đội Nhật đã làm trong thế chiến thứ hai.

Hầu hết các nhà lãnh đạo khác tập trung sự chú ý của họ vào công cuộc giao thương giữa các nước đang phát triển, gia tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng như đường sá, cầu cống, nhà máy điện, hải cảng, và những vấn đề phát triển khác.

Hội nghị Thượng đỉnh Á-Phi sẽ bế mạc vào ngày mai và theo dự liệu các đại biểu sẽ đúc kết một khuôn khổ hợp tác mới và các hiệp định hợp tác thương mại song phương. Nhiều nhà lãnh đạo cũng sẽ tham dự một buổi lễ ở Bangdung vào ngày thứ sáu để diễn lại Hội nghị Thượng đỉnh Á-Phi lần thứ nhất năm 1955. - VOA
|
|

2.
Pháp phá vỡ kế hoạch khủng bố các nhà thờ

Hơn 3 tháng sau các vụ tấn công khủng bố ở Paris, nhà chức trách Pháp cho hay đã phá vỡ được âm mưu tấn công vào một hay nhiều nhà thờ gần thủ đô Pháp

Hơn 3 tháng sau khi xảy ra những vụ tấn công khủng bố ở Paris, nhà chức trách Pháp cho hay đã phá vỡ được một kế hoạch khác, lần này nhắm mục tiêu vào một hay nhiều nhà thờ gần thủ đô Pháp. Thông tín viên Lisa Bryant gửi về bài tường thuật cho đài VOA từ Paris.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve cho hay cảnh sát đã bắt giữ một sinh viên khoa Kỹ thuật Thông tin 24 tuổi người Pháp gốc Algeria bị nghi là một phần tử Hồi giáo cực đoan. Người này đã bị câu lưu hôm chủ nhật. Chưa rõ ngay vì sao nhà chức trách lại để đến hôm nay mới loan tin.

Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve cho biết cảnh sát phát hiện một kho vũ khí trong xe của anh ta, đậu tại một khu phố ở Paris. Ông Cazeneuve nói họ cũng phát hiện những văn kiện cho thấy nghi can bị cáo buộc là hoạch định thực hiện một vụ tấn công vào một trong các nhà thờ ở vùng ngoại ô Villejuif của Paris.

Tin ghi cảnh sát đã báo động khi người này gọi xe cứu thương sau khi dường như tự bắn vào chân. Anh ta còn bị nghi là giết một phụ nữ khác được phát hiện bị bắn chết trong xe riêng ở Villejuif.

Tin tức nói cảnh sát đang thẩm vấn gia đình đương sự. Ông Cazeneuve cho biết người đàn ông này đã nằm trong tầm theo dõi của cảnh sát ít lâu này, bởi vì có kế hoạch đi Syria. Hàng trăm thanh niên Pháp đã lên đường đi Syria và Iraq trong mấy tháng vừa qua để gia nhập các tổ chức cực đoan.

Trong thông cáo, Thủ tướng Pháp Manuel Valls cho hay cũng như nhiều quốc gia khác, nước Pháp đang phải đối mặt với mối đe dọa khủng bố chưa từng có mà nước này phải ứng phó bằng sự sáng suốt và quyết tâm.

Hàng ngàn cảnh sát và binh sĩ đang canh gác các nhà thờ Do Thái, các cơ quan truyền thông và các địa điểm nhạy cảm khác khắp nước Pháp kể từ sau các vụ tấn công khủng bố gây thiệt mạng cho 17 người ở Paris hồi tháng giêng. Các vụ nổ súng nhắm mục tiêu vào người Do Thái, giới truyền thông và cảnh sát.

Chuyên gia Frederic Encel nói âm mưu tấn công nhà thờ bị phá vỡ đã chuyển trọng điểm mục tiêu vào người Cơ đốc giáo.

Ông Encel nói với đài phát thanh France Info rằng các phần tử hồi giáo cực đoan hôm nay đã làm sống lại những quan điểm cổ xưa coi nhà thờ là tượng trưng cho chủ nghĩa đế quốc và can thiệp - bất kể đạo nào. Một băng video mới đây, được cho là do nhóm Nhà nước Hồi giáo thực hiện cho thấy những vụ hành quyết người Cơ đốc giáo ở Libya, đã làm thế giới chấn động. - VOA
|
|

3.
Bầu cử: Hồng Kông không đáp ứng yêu sách của phe dân chủ

Hôm nay, 22/04/2015, chính quyền Hồng Kông công bố lộ trình cho cuộc bầu cử lãnh đạo hành pháp kỳ tới, nhưng không có nhân nhượng nào đối với phe dân chủ. Đại diện của phe này đã rời khỏi Hội đồng lập pháp để tỏ thái độ phản đối.

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carri Lam), nhân vật lãnh đạo số hai của chính quyền đặc khu hành chính Hồng Kông, hôm nay đã trình bày trước Hội đồng lập pháp kế hoạch cải tổ cho cuộc bầu cử theo thể thức phổ thông đầu phiếu để chọn lãnh đạo hành pháp vào năm 2017. Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga giải thích rằng cuộc bầu cử này sẽ được tiến hành theo đúng những quy định do Bắc Kinh ban hành vào tháng 8/2014 và đã được Quốc hội Trung Quốc thông qua.

Nhưng theo các quy định nói trên, sẽ chỉ có hai hoặc ba ứng cử viên ra tranh chức lãnh đạo hành pháp Hồng Kông và những ứng cử viên này phải có sự chấp thuận của một ủy ban gồm các nhân vật thân Trung Quốc. Dưới con mắt của phe dân chủ Hồng Kông, như vậy tân lãnh đạo hành pháp sẽ là một nhân vật trung thành với Bắc Kinh.

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga hôm nay xác nhận là vào năm 2017, cử tri Hồng Kông sẽ chọn giữa hai hoặc ba ứng cử viên do một uỷ ban gồm 1.200 thành viên tuyển chọn. Thành phần ủy ban này cũng giống như thành phần của ủy ban thân Bắc Kinh cho tới nay vẫn chỉ định lãnh đạo hành pháp cho đặc khu Hồng Kông.

Chính là nhằm phản đối những quy định đó mà hàng chục ngàn người đã xuống đường biểu tình vào mùa thu năm 2014, chiếm đóng nhiều khu phố ở Hồng Kông, cho đến khi chính quyền đặc khu này tháo dỡ các lều trại của người biểu tình vào tháng 12/2014. 

Một lãnh đạo phe đối lập hôm nay đã cực lực lên án chính quyền Hồng Kông, tuyên bố sẽ tung một chiến dịch để phản đối kế hoạch bầu cử nói trên và sẽ kêu gọi người dân Hồng Kông tiếp tục đòi quyền phổ thông đầu phiếu thật sự. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Mỹ: Tranh luận về 'quyền thương thuyết nhanh' cho hiệp định TPP

Phe ủng hộ giới doanh thương và phe ủng hộ giới lao động ở Mỹ hôm thứ Ba đã tranh luận về dự luật "quyền thương thuyết nhanh" nhằm tạo điều kiện cho việc hình thành và thông qua hiệp ước thương mại chung của khối 12 quốc gia Thái Bình Dương. Thông tín viên Michael Bowman của đài VOA từ trụ sở Quốc hội Mỹ tường trình rằng các cuộc tranh luận đã bắt đầu tại Uỷ ban Tài chánh Thượng viện về Quyền Xúc tiến Thương mại (gọi tắt là TPA), để Quốc hội chỉ có thể biểu quyết chấp thuận hay chống đối Hiệp định Hợp tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà không được tu chính.

Sức sống kinh tế của Hoa Kỳ lệ thuộc vào thương mại, mà sự mở rộng giao thương đòi hỏi phải có Quyền Xúc tiến Thương mại. Đó là nhận định của ông Tom Donohue, Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ :

"Quốc hội phải thông qua TPA. Hiệp định Hợp tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương sẽ mở ra các thị trường châu Á-Thái Bình Dương năng động cho hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ."

Nhưng theo ông Richard Trumka, Chủ tịch Nghiệp đoàn Lao động Liên bang và các Tổ chức Công nghiệp Mỹ, gọi tắt là AFL-CIO, việc thông qua điều được gọi là "quyền thương thuyết nhanh” sẽ tạo ra những điều kiện thương mại bất lợi cho người lao động Mỹ với những quy định về nhân quyền và môi trường kém.

"Chúng tôi đề nghị Quốc hội bác bỏ tiến trình phi dân chủ và lỗi thời, được gọi là quyền thương thuyết nhanh này. Đời sống và sinh hoạt của người lao động sẽ gặp phải thách thức vì hiệp định đó. Điều quan trọng là chúng ta phải đi đúng hướng."

Tuần trước, chủ tịch Ủy ban Tài chánh Thượng viện, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Orrin Hatch, và người đứng đầu phe Dân chủ trong ủy ban này là Thượng nghị sĩ Ron Wyden đã hé lộ một kế hoạch thông qua cho TPA. Ông Hatch nói:

"Thương mại là nhân tố cần thiết của một nền kinh tế mạnh. Chúng ta cần phải làm tất cả những gì có thể để thăng tiến một nghị trình thương mại có lợi cho nước Mỹ và phát triển những lợi ích của chúng ta trên trường thế giới."

Nếu được thông qua, TPA sẽ làm gia tăng đáng kể các triển vọng hoàn tất và thực thi Hiệp định Hợp tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương của khối 12 quốc gia chiếm 40% GDP của thế giới. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Khai mạc Diễn đàn Công dân ASEAN 2015

Diễn đàn Công dân ASEAN được tổ chức hàng năm, tập trung các cuộc hội thảo nhóm của các nước ASEAN nhằm chia sẻ, góp ý kể cả phản biện từ  những tổ chức xã hội dân sự đối với các chính sách của các quốc gia ASEAN. Trong Diễn đàn lần này tập trung rất nhiều vấn đề mà trong đó vai trò các Tổ chức xã hội dân sự độc lập sẽ được nêu lên hứa hẹn rất nhiều tranh luận giữa các phái đoàn của nhà nước và đại diện nhiều tổ chức tham gia tranh đấu cho những người không được góp tiếng nói của họ trên diễn đàn này. Mặc Lâm có mặt tại Kuala Lumpur tường trình thêm chi tiết.

Diễn dàn công dân ASEAN lần thứ 10 

Sáng hôm nay 22 tháng 4, bốn ngày trước khi Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 26 khai mạc, Diễn dàn công dân ASEAN lần thứ 10 chính thức diễn ra tại Kuala Lumpur, thủ đô của Malaysia với đông đảo người tham dự đến từ đến nhiều quốc gia. Bên cạnh công dân ASEAN còn có cả người đang sinh sống tại nước ngoài quan tâm đến Diễn đàn này không ngại đường xa trở về nhằm góp phần tạo cơ hội cho Diễn đàn có tiếng nói chung, trung thực và hiệu quả hơn.

Diễn đàn Công dân ASEAN được gọi tắt là APF (ASEAN People’s Forum) được nguyên Thủ tướng Malaysia là ông Abdulah Badawi có sáng kiến mở ra mười năm về trước. Trong suốt thời gian đó các tổ chức núp dưới danh xưng Xã hội dân sự nhưng thật ra do nhà nước thành lập đã liên tục điều phối Diễn đàn dưới tên gọi GONGO (government organized NGO), tức là tổ chức phi chính phủ nhưng lại do chính phủ quản lý điều hành, và vì vậy các tổ chức Xã hội dân sự độc lập không có cơ hội tham gia vào Diễn đàn này hầu góp tiếng nói của mình cho Diễn đàn quan trọng nhất Đông nam á.

Từ trong nước, trước khi Diễn đàn khai mạc, một tuyên bố chung có chữ ký của 21 tổ chức Xã hội dân sự độc lập được gửi tới cho Diễn đàn Công dân ASEAN nhằm khẳng định tính chính đáng của mình là những tổ chức Xã hội dân sự độc lập bất kể sự không thừa nhận của nhà nước.

Ông Trần Thanh Tùng, đại diện cho Giáo dân Cồn Dầu có mặt tại Diễn đàn ngày hôm nay cho biết mục đích của chuyến đi dài từ Hoa Kỳ về Malaysia để tham gia hội nghị:

-Tôi tên Trần Thanh Tùng đại diện cho giáo dân Cồn Dầu đây là lần đầu tiên tôi tham dự diễn đàn này nhưng trước đây ba tháng tôi đã có cơ hội đại diện cho giáo dân Cồn Dầu tham gia việc chuẩn bị cho kỳ đại hội này. Hôm nay tôi cùng phái đoàn từ Hoa Kỳ cũng như trong nước có mặt ở đây cùng với Ban tổ chức chúng tôi đại diện cho giáo dân Cồn Dầu và qua đó tất cả những tổ chức Xã hội dân sự độc lập của Việt Nam không được phép tham dự thì chúng tôi lên tiếng cho các tổ chức Xã hội dân sự đó của Việt Nam để có tiếng nói trong Diễn đàn xã hội dân sự của Đông Nam á là một diễn đàn rất quan trọng qua đó phát huy dân chủ, tự do cho Đông Nam á cũng như đất nước Việt Nam.

Bà Debbie Storhard một công dân Malaysia, thành viên tổ chức của Diễn đàn cho biết cảm tưởng của mình trước sự kiện quan trọng này:

-Tôi là Debbie Storhard, là một người Malaysia làm việc cho tổ chức Nhân quyền và dân chủ cho Miến Điện đã 26 năm, tôi hãnh diện được là người tham gia tổ chức cho hội nghị APF lần này vì tôi rất quan tâm đối với những người đang hoạt động tại Miến. Rất nhiều người bạn của chúng tôi đã không đến Malaysia để tham dự được hội nghị quan trọng này.

Nhiều người hoạt động cho dân chủ nhân quyền đang bị càn quét và kết án bởi chính phủ. Sinh viên bị bắt, bị sách nhiễu vì đã tham gia biểu tình một cách ôn hòa chống lại bản hiến pháp. Hàng trăm nông dân và người dân vùng thôn quê đang đối diện với nhà tù vì chống lại biện pháp cưỡng chế đất đai của chính quyền. Người dân tại khu vực San đang là đối tượng bị tấn công bởi quân đội và bây giờ đang bước vào năm thứ tư của cuộc nội chiến. Người Rohinya và Hồi giáo bị kết án ngày một nhiều hơn và chính quyền Miến Điện đã thông qua đạo luật chống lại những người không phải là Phật giáo và can thiệp thô bạo vào hôn nhân của những người khác tín ngưỡng.

Tôi hy vọng hội nghị APF lần này sẽ báo động cho các thành viên ASEAN biết những gì đang xảy ra tại Miến Điện.

Bốn chủ đề chính của APF

Căn cứ trên nguyên tắc lấy người dân ASEAN làm trung tâm, mục tiêu mà APF đặt ra trong năm nay có bốn chủ đề chính. Thứ nhất phải đảm bảo công lý trong khi phát triển. Thứ hai, trong tiến trình quản lý quốc gia, dân chủ và các quyền tự do cơ bản của người dân phải được tôn trọng. Thứ ba, hòa bình và an ninh khu vực phải được các nước cam kết đặt trọng tâm vào các cuộc đàm phán, tôn trọng lẫn nhau trong đó phải tôn trọng quyền lợi của xã hội. Thứ tư, phải chấm dứt tình trạng phân biệt và đối xử bất bình đẳng giữa chính phủ và công dân.

Anh Salam Em Saram đến từ Cambodia cho biết sự quan tâm của mình đối với Diễn đàn:

-Tên tôi là Salam Em Saram đến từ Cambodia. Tôi rất hồi hộp có mặt tại  đây vì muốn tìm hiểu thêm các hoạt động dân sự của người dân các nước ASEAN các vấn đề phát triển đặc biệt là vấn đề môi sinh cho cư dân trong khu vực.

Một người Lào khác, anh Saksakih tuy sống ở Mỹ nhưng cũng trở về tham dự Diễn đàn cho biết cảm tưởng của mình:

-Tên tôi là Saksakih Silum Shak tôi đến từ Hoa Kỳ tôi đến đây theo dõi Diễn đàn công dân ASEAN với hy vọng một sự chuyển đổi nào đó từ cộng sản sang tự do dân chủ. Tôi là người Lào nhưng sống tại Mỹ và đến đây để giúp cho đồng bào tôi những người không thể lên tiếng biết thêm thông tin của diễn đàn này.

Diễn đàn không những theo đuổi bốn mục tiêu như đã nói mà còn chú ý đào sâu những vấn đề khác của các quốc gia ASEAN. Từ chuyện bảo vệ người phụ nữ cho tới việc điều hành Internet của các chính phủ. Từ vấn đề môi sinh cho tới chống tra tấn và bảo vệ nhân quyền, những quan tâm này sẽ được thảo luận và kiến nghị cho các lãnh đạo ASEAN.

Bà Marina Kristina với quốc tịch Indonesia cho biết hy vọng của bà trước tầm quan trọng của Diễn đàn, bà nói:

-Tôi là Marina Kristina, là người Indonesia nhưng làm việc tại Kuala Lumpur. Cảm tưởng của tôi đối với Diễn Đàn Công dân ASEAN là rất hồi hộp vì sẽ thấy chính người dân ASEAN lên tiếng về ASEAN. Bởi vì ASEAN là một đề án rất chuyên biệt và tiếng nói của chính người dân tại đây sẽ tác động lên các chính quyền . Đây là thời điểm rất tốt để diễn đàn này cất lên tiếng nói chung cho chính họ.

Theo thông lệ, bản tuyên bố chung của Diễn đàn được thành lập sau khi hội nghị kết thúc và sẽ được gửi đến lãnh đạo ASEAN nhưng lần này, Ban tổ chức đã quyết định tập họp lấy ý kiến chung từ các Tổ chức xã hội dân sự trước khi hội nghị khai mạc nhằm có một nội dung đa dạng và phong phú hơn, nhất là tạo điều kiện cho các tổ chức độc lập có thêm tiếng nói. Ông Trần Thanh Tùng cho biết thêm chi tiết về vấn đề này:

-Trước đây ba tháng chúng tôi có tham dự các cuộc họp chuẩn bị cho hội nghị này và trong kỳ họp đó chúng tôi góp ý cho bản thông cáo chung của Diễn đàn công dân ASEAN, trong đó xác định những mục tiêu đã đạt được cho tất cả các quốc gia Đông Nam á trong đó có những điều chúng tôi đòi hỏi phải được ghi vào như vấn đề đa đảng, vấn đề dân chủ, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do báo chí….những điều này đã được ghi trong thông cáo chung cho Diễn đàn công dân ASEAN ngày hôm nay.

Diễn đàn Công dân ASEAN kéo dài ba ngày từ 22 tới 24 tháng 4 năm 2015 với hàng chục buổi hội thảo quan trọng của tham dự viên. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và đưa tin cho tới ngày bế mạc. - RFA
|
|

6.
Việt Nam trong 10 nước kiểm duyệt gắt gao nhất thế giới

Việt Nam vừa bị tổ chức Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) đưa tên vào danh sách 10 nước kiểm duyệt gắt gao nhất thế giới, nơi truyền thông bị hạn chế nhiều nhất.

Theo CPJ, nhiều chủ đề bị cấm đề cập trên báo chí chính thống như “hoạt động của các nhà bất đồng chính kiến, sự chia rẽ trong nội bộ Đảng Cộng sản hay vấn đề nhân quyền”.

Ngoài ra, tổ chức có trụ sở ở New York còn cho rằng các blogger độc lập viết về các vấn đề nhạy cảm “đối mặt với tình trạng bị sách nhiễu qua các vụ hành hung theo kiểu đường phố, bị bắt bớ bừa bãi, bị theo dõi và bị tống giam”.

Tổ chức thúc đẩy tự do báo chí trên thế giới còn cho rằng Việt Nam đã “chặn nhiều trang web chỉ trích chính phủ” cũng như sử dụng điều luật mơ hồ 258 về tội gọi là “chống phá nhà nước” trong Bộ Luật hình sự để truy tố và tống giam các blogger.

Trong danh sách công bố hôm nay, ngoài Việt Nam (ở vị trí thứ 6) còn có Trung Quốc, Miến Điện, Bắc Hàn và Cuba.

Trước đây, Việt Nam cũng nằm trong danh sách các quốc gia bỏ tù nhiều ký giả nhất trên thế giới của CPJ với ít nhất 16 người còn bị giam giữ.

Việt Nam chưa lên tiếng bình luận về phúc trình mới nhất của CPJ, nhưng Hà Nội từng phản bác các báo cáo tương tự là “thiếu khách quan”, và “không phản ảnh đúng thực tế ở Việt Nam”. - VOA


No comments:

Post a Comment