Saturday, April 25, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 25/4

Tin Thế Giới

1.
Động đất tại Nepal, gần 900 người chết

Một trận động đất dữ dội, với cường độ 7.9, đã làm rung chuyển Nepal hôm nay, với những chấn động lan đến tận một số vùng miền Bắc Ấn Độ và Bangladesh, thậm chí đến thủ đô New Delhi. Theo thống kê mới nhất, gần 900 người chết trong trận động đất này.

Trận động đất, mà Viện địa vật lý Mỹ (USGS) đo được cường độ là 7.9 trên thang địa chấn kế Richter, xảy ra tại một nơi nằm cách thủ đô Katmandou 81 km về phía Tây Bắc và đã làm sụp đổ tòa tháp lịch sử Dharhara ở thủ đô Katmandou. Trận động đất cũng đã gây nhiều thiệt hại cho sân bay quốc tế Katmandou, khiến sân bay này phải đóng cửa.

Về thiệt hại nhân mạng, theo cảnh sát Nepal, đến hiện nay, số nạn nhân của trận động đất đã lên tới 876 người, tính trên toàn quốc.

Chấn động của trận động đất hôm nay tại Nepal lan đến nhiều vùng ở miền Bắc Ấn Độ, đến tận thủ đô New Delhi, cũng như lan đến nhiều vùng của Bangladesh, trong đó có thủ đô Dacca.

Vào năm 2011, một trận động đất với cường độ 6.9 cũng đã từng xảy ra tại vùng Đông Bắc Ấn Độ và cũng đã làm rung chuyển Nepal, khiến 110 người thiệt mạng.

Trận động đất xảy ra vào lúc gần 12 giờ trưa làm sập nhà cửa và khiến dân chúng hốt hoảng chạy ra đường. Một cơn hậu chấn 6.6 xảy ra hơn một giờ sau cơn địa chấn ban đầu.

Nhiều người bị gãy tay, gãy chân và những chấn thương nghiêm trọng khác.

Tòa tháp lịch sử xây từ thế kỷ 19 ở Kathmandu bị sập và có tin nói rằng mấy mươi người có thể bị mắc kẹt trong đống đổ nát.

Cơn địa chấn làm bùng ra một trận tuyết lở ở Hy Mã Lạp Sơn, làm vài người leo núi bị thiệt mạng và một số người khác bị mắc kẹt.

Chấn động của cơn địa chấn này có thể được cảm nhận ở nhiều nước khác, kể cả lân bang Ấn Độ, nơi có ít nhất 20 người thiệt mạng. - RFI, VOA
|

2.
Đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông nổi cộm tại Thượng đỉnh ASEAN

Các lãnh đạo 10 nước ASEAN họp thượng đỉnh tại Malaysia vào ngày 27/04/2015 sẽ không tài nào tránh né được hồ sơ nổi cộm hiện nay là việc Bắc Kinh đang rầm rộ bồi đắp các rạn san hô và bãi ngầm mà Trung Quốc chiếm đóng tại Biển Đông. Vấn đề lại càng gay gắt hơn nữa vì Bắc Kinh đang xây dựng trên đó hàng loạt công trình bị tình nghi là sẽ được dùng vào mục tiêu quân sự, nhằm khống chế vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ diện tích.

Quốc gia ASEAN đầu tiên cho biết là sẽ nêu bật vấn đề Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo tại Biển Đông trước Hội nghị Thượng đỉnh toàn khối là Philippines. Trong một bài phỏng vấn gần đây dành cho hãng tin Pháp AFP Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã cảnh báo rằng: "Phần còn lại của thế giới nên hãi sợ trước các hành động của Trung Quốc".

Theo các quan chức Philippines, tại Malaysia, ông Aquino sẽ thúc giục toàn khối ASEAN ra một tuyên bố mạnh mẽ để bày tỏ mối quan ngại của mình. Nước thứ hai được cho là sẽ nêu bật vấn đề này là Việt Nam, cho dù đến lúc này, Hà Nội không có những tuyên bố dứt khoát như Philippines.

Nước thứ ba cũng bị buộc phải lên tiếng là chủ nhà Malaysia. Vấn đề là Kuala Lumpur cho đến nay vẫn nổi tiếng là kín đáo, tránh đụng chạm Trung Quốc một cách trực diện, cho dù là Malaysia cũng là một bên tranh chấp chủ quyền ở Trường Sa và cũng nhiều lần bị Bắc Kinh khiêu khích.

Một nguồn tin ngoại giao Đông Nam Á đã tiết lộ với hãng AFP rằng dự thảo ban đầu của bản Tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần này có đề cập đến Biển Đông, nhưng chỉ kêu gọi các bên "tự kiềm chế", không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp, mà tránh chỉ trích trực tiếp Bắc Kinh.

Nội dung đó rất phù hợp với chủ trương ngoại giao kín đáo của Malaysia, nhưng giới quan sát đang chờ đợi xem là trong quá trình tranh luận tại Hội nghị Thượng đỉnh, liệu phe chủ trương có lập trường cứng rắn hơn trên vấn đề Biển Đông có thành công trong việc nêu bật trong văn kiện của ASEAN tính chất nguy hại tiềm tàng mà các công trình của Trung Quốc trên Biển Đông gây ra cho an ninh khu vực và thế giới hay không.

Phải nói rằng các hình ảnh vệ tinh mới được tiết lộ trong những tuần qua đã khiến rất nhiều nước quan tâm đến an ninh chung của khu vực, cũng như đến quyền tự do lưu thông tại Biển Đông lo ngại.

Từ cầu tàu đủ cho chiến hạm cập bờ, cho đến các phi đạo dài từ hai đến ba ngàn mét để chiến đấu cơ dễ dàng lên xuống, các công trình mà Bắc Kinh đang rốt ráo xây dựng trên gần một chục rạn san hô hay bãi ngầm ở cả Trường Sa lẫn Hoàng Sa đã gióng lên những hồi chuông báo động.

Theo chuyên gia Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, các hoạt động bồi đắp, xây dựng của Trung Quốc tại Biển Đông là "một sự leo thang rất đáng kể". Đối với chuyên gia này, các công trình xây dựng cơ sở quân sự và dân sự cũng như hạ tầng cơ sở mà Bắc Kinh đang tiến hành có một quy mô "chưa từng thấy từ trước đến nay".

Đối với giới chuyên gia, công trình xây dựng tại Trường Sa, kèm theo những công việc tương tự là Bắc Kinh đã và cũng đang làm tại Hoàng Sa đã làm dấy lên nỗi lo ngại về một sự hiện diện thường trực của quân đội Trung Quốc tại vùng biển rất xa này, với khả năng dựa vào các tiền đồn đang xây dựng đó để khống chế toàn khu vực. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Mỹ chọn 8 căn cứ Philippines để tăng sức mạnh quân sự ở Đông Nam Á

Hoa Kỳ đã yêu cầu Philippines cho Mỹ quyền sử dụng các căn cứ quân sự tại 8 địa điểm để có thể tiếp nhận binh lính, phi cơ và chiến hạm Mỹ. Đây sẽ là các đơn vị được huy động trong khuôn khổ chiến lược tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ tại Đông Nam Á, vào lúc Trung Quốc mở rộng sự hiện diện quân sự của họ tại Biển Đông.

Theo hãng tin Anh Reuters, lãnh đạo quân đội Philippines, tướng Gregorio Catapang đã tiết lộ vào tối hôm qua, 24/04/2015, trên một đài truyền hình địa phương rằng Mỹ đã xác định được ít nhất là 8 địa điểm ở Philippines có thể được dùng làm nơi đồn trú cho các lực lượng quân đội, máy bay và tàu chiến sẽ thay phiên nhau ghé Philippines để tham gia của cuộc tập trận hay các công tác huấn luyện.

Danh sách các căn cứ đã được hai nước đúc kết vào tháng 10 năm ngoái, bao gồm 4 căn cứ trên đảo chính Luzon, nơi thường xuyên được hai nước chọn để tổ chức tập trận, và hai căn cứ khác trên đảo Cebu ở miền Trung. Điểm đáng chú ý là có hai căn cứ trên đảo Palawan ở miền Tây Philippines, nằm gần quần đảo Trường Sa đang tranh chấp tại Biển Đông.

Thông tin về việc tám địa điểm tại Philippines sẽ tiếp nhận lực lượng Mỹ được đưa ra trong bối cảnh tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, trong một bài phát biểu tại Arizona gần đây, đã phác họa giai đoạn tiếp theo của chiến lược xoay trục qua châu Á của Washington: Đó là triển khai các khu trục hạm, các loại oanh tạc cơ và chiến đấu cơ hiện đại nhất của Mỹ tới khu vực, trong đó có vùng Biển Đông.

Theo các nhà phân tích, chiến lược xoay trục qua Châu Á của Mỹ đã được cụ thể hóa một cách rõ ràng bằng quyết định cho Thủy quân lục chiến Mỹ thay phiên nhau đồn trú tại Darwin, thành phố Úc gần Đông Nam Á nhất.

Tuy nhiên, trước mắt Manila chưa bật đèn xanh cho việc mở cửa các căn cứ có liên quan cho lực lượng Mỹ. Lý do, như Tướng Catapang giải thích, đó là vì cần phải đợi cho đến cuối năm nay, sau khi Tòa án Tối cao Philippines phán quyết về tính hợp hiến của thỏa thuận quân sự mang tên Hiệp định Hợp tác Quốc phòng Nâng cao, ký kết năm ngoái 2014 giữa Manila và Washington.

Các thông tin về việc Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự tại vùng Đông Nam Á đã được liên tiếp đưa ra trong thời gian gần đây, vào lúc Trung Quốc ngày càng có thêm những hành động bị đánh giá là "khiêu khích" nhằm áp đặt chủ quyền của Bắc Kinh trên gần như toàn bộ Biển Đông, thúc ép các láng giềng, đặc biệt là Philippines và Việt Nam. - RFI
|
|

4.
Mỹ nhận thấy căng thẳng lắng dịu trong vụ tàu Iran hướng đến Yemen

Một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết căng thẳng ở Biển Ả-rập về khả năng những chiếc tàu của Iran chở vũ khí tới cho phiến quân người Houthi đã dịu đi ở Yemen.

Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài Đại tá Steve Warren nói với các nhà báo hôm thứ Sáu rằng một đoàn tàu biển của Iran hướng về Yemen đã thay đổi lộ trình và giờ có vẻ đang trên đường trở về Iran.

Ông Warren cho biết không rõ điểm đến của đoàn tàu là đâu, nhưng "công bằng mà nói thì điều này dường như là sự xuống thang một số căng thẳng."

"Chúng tôi vẫn không chắc chắn về ý định của họ," phát ngôn viên này nói về đoàn tàu chở hàng của Iran, "dù những tàu này đang di chuyển xa [khỏi Yemen]."

Tòa Bạch Ốc cho biết họ có bằng chứng cho thấy Iran đã cung cấp vũ khí và những hỗ trợ khác cho người Houthi.

Ngũ Giác Đài đã điều tàu chiến của Mỹ đến vùng biển Yemen để bảo đảm các tuyến hải vận ở vùng Vịnh chính vẫn thông thoáng.

Trong khi đó, Liên Hiệp Quốc cho biết con số thương vong thường dân tại Yemen đã tăng lên kể từ khi bắt đầu chiến dịch ném bom do Ả-rập Saudi dẫn đầu nhắm vào phiến quân ngưới Houthi theo phái Shia ở Aden, Sana'a và những nơi khác của Yemen.

Liên Hiệp Quốc hôm thứ Sáu cho biết rằng số thường dân tử vong kể từ khi vụ ném bom bắt đầu vào cuối tháng trước ước tính là 551 người. Cơ quan trẻ em của Liên Hiệp Quốc, UNICEF, nói ít nhất 115 trẻ em nằm trong số những người chết.

Sau một khoảng thời gian yên ắng ngắn ngủi ở thủ đô Sana'a của Yemen, các cuộc không kích tái tục vào ngày thứ Sáu, ba ngày sau khi Ả-rập Saudi tuyên bố chấm dứt chiến dịch không kích.

Máy bay chiến đấu đã tấn công những địa điểm ở Sana'a và những nơi khác bị nghi là đang được phiến quân sử dụng để cất giữ vũ khí hoặc điều động binh lính, trong khi chiến sự nổ ra giữa người Houthi được Iran hậu thuẫn và những người ủng hộ Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi đang lưu vong. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Chính phủ VN mua lại OceanBank với giá 0 đồng

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ mua lại Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) với giá 0 đồng.

Đây là trường hợp thứ hai sau Ngân hàng Xây dựng (VNCB) hồi tháng Hai.

Sau khi nguyên Chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm bị bắt tháng 10 năm ngoái, OceanBank đã liên tiếp thay chủ tịch.

Ban đầu bà Nguyễn Minh Thu lên thay ông Thắm, nhưng chỉ hai tháng sau, bà cũng bị công an bắt tạm giam.

Hiện nay người lãnh đạo ngân hàng này là ông Đỗ Thanh Sơn, nhưng mọi hoạt động chịu sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Tin về thương vụ 0 đồng được loan báo tại Đại hội cổ đông thường niên của OceanBank ngày 25/4.

Theo truyền thông trong nước, vốn điều lệ thực của OceanBank hiện chưa đủ mức vốn pháp định 3.000 tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ trở thành chủ sở hữu (100% vốn điều lệ) của OceanBank, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông của các cổ đông hiện hữu.

Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) sẽ tham gia quản trị, điều hành OceanBank.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nói quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại OceanBank sẽ được đảm bảo. - BBC
|
|

6.
Diễn đàn Kinh tế mùa xuân: “Đổi mới hay là chết”

Diễn đàn Kinh tế mùa xuân 2015 diễn ra hai ngày 21 và 22 tháng 4 tại thành phố Vinh tỉnh Nghệ An đã gây sôi nôi dư luận báo chí, khi nhiều đề nghị cải cách đã có sự đụng chạm tới Hiến pháp Việt Nam hiện hành. Thí dụ như cần thay đổi khái niệm nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và trên thực tế Kinh tế Nhà nước không phải là chủ đạo nền kinh tế.

Cải cách thể chế sẽ vướng Hiến pháp?

Theo tường thuật của Thời báo kinh tế Việt Nam, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đã quyết liệt bảo vệ quan điểm: “không chuyển sang kinh tế thị trường thì không giải quyết được gì cả.”

Chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh, vừa trở về Hà Nội từ thành phố Vinh đã trả lời câu hỏi của chúng tôi về sự kiện những đề xuất cải cách thể chế sẽ vướng Hiến pháp hiện hành. Ông nói:

“Trong tất cả ý kiến thảo luận đó thì đều khẳng định và nhấn mạnh là cần tiếp tục cải cách doanh nghiệp nhà nước và phải có Luật về cổ phần hóa, phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ về thể chế và cắt giảm giấy phép con không còn có hiệu lực từ 1/7 và phải qui định rõ trách nhiệm giải trình của Bộ trưởng; phải chống tham nhũng và đã nêu lên các tác động cụ thể của việc chống tham nhũng. Còn về lâu về dài các việc đó có dẫn đến phải sửa đổi bổ sung Hiến pháp hay không thì việc đó sẽ còn chờ xem xét. Tại Diễn đàn Kinh tế mùa xuân chúng tôi không đặt vấn đề gì về việc sửa đổi Hiến pháp cả.”

Báo mạng vneconomy.vn dẫn lời TS Nguyễn Đình Cung Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương tại Diễn đàn Kinh tế mùa xuân 2015 nói rằng, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một khái niệm được sử dụng thường xuyên, nhưng nội hàm của khái niệm chưa rõ, chưa thống nhất và những gì được giải thích liên quan đến khái niệm này không còn phù hợp. TS Cung đề nghị đổi mới khái niệm đó như sau: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, trong đó, Nhà nước và thị trường là hai yếu tố không thể thiếu, phối hợp, cộng sinh và bổ sung cho nhau hướng đến thị trường hoàn hảo.”

Nhận định về đề xuất của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, TS Phạm Chí Dũng nhà phản biện xã hội dân sự độc lập phát biểu từ Saigon:

“Tôi thấy là ông Nguyễn Đình Cung dù có đưa ra khái niệm về kinh tế thị trường, nhưng ông vẫn đưa ra một định nghĩa mà theo ông là đầy đủ hơn trong đó vẫn giữ nguyên khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là gì và bao gồm những nội hàm như thế nào. Có nghĩa là không cắt đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa mà không cắt đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa thì không có ý nghĩa gì về kinh tế thị trường; cũng như không có ý nghĩa gì đối với thành phần kinh tế tư nhân mà người ta vẫn xem là động lực chính hiện nay. Vấn đề này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đụng chạm tới Hiến pháp, đặc biệt là vấn đề Điều 4 Hiến pháp vai trò độc đảng. Cho nên là không thể cắt đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa thì chắc chắn không thể thực thi nền kinh tế thị trường đầy đủ, theo những gì mà Việt Nam đang đề nghị quốc tế đặc biệt là Hoa Kỳ và Liên minh Châu âu linh hoạt về nền kinh tế thị trường đầy đủ để Việt Nam có thể tham gia vào TPP…”

Khi ghi nhận những đề xuất vừa nêu, người đọc báo nhớ lại phát biểu của ông Bùi Quang Vinh Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư tại Học viện Chính trị Quốc gia vào năm 2014 là làm gì có mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà nghiên cứu và đi tìm. Phát biểu của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh được nhiều báo đưa tin trong đó có SaigonTimes Online.

Chính phủ đã thực sự lắng nghe?

Từ khi Ủy ban Kinh tế Quốc hội khởi sự tổ chức các Diễn đàn Kinh tế vào dịp Xuân-Thu mỗi năm, rất nhiều ý kiến đột phá về cải cách thể chế đã được đề xuất. Nhưng trên báo chí không thấy đưa tin là Chính phủ đã thực sự lắng nghe và ứng dụng được những ý kiến nào. TS Lê Đăng Doanh nhận định:

“Tôi nghĩ rằng những biện pháp thiết thực có thể làm được sẽ được xem xét. Thí dụ như những biện pháp cắt giảm giấy phép con, những biện pháp giảm phiền hà thì Chính phủ đã cam kết sẽ đẩy mạnh việc thực hiện như qua Nghị quyết 19 ngày 12/3/2015, Chính phủ cam kết sẽ cố gắng đạt mức của các nước ASEAN-6 về các chỉ tiêu về nộp thuế v..v.. Thế thì tôi nghĩ bây giờ hãy cứ thực hiện một số tiến bộ có thể đạt được, còn các việc khác có lẽ là sẽ xem xét và từng bước sẽ được thực hiện. Tôi không nghĩ là cùng một lúc có thể có sự thay đổi đột ngột trong hoàn cảnh hiện nay.”

Cùng về câu hỏi đánh giá thế nào về sự lắng nghe, tiếp thu và ứng dụng các ý kiến đề xuất để giúp cho dân giàu nước mạnh, được các chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế mùa xuân 2015, cũng như các Diễn đàn trước đó. Nhà phản biện độc lập TS Phạm Chí Dũng nhận định:

“Những tranh luận này thực ra không mới, tại vì những Đại hội Đảng trước bao giờ cũng có thảo luận và tranh luận thậm chí cũng đã đặt ra việc bỏ vai trò động lực chủ đạo của kinh tế nhà nước, nhưng mà cuối cùng vẫn không bỏ. Do người ta bảo thủ đến mức như vậy nên cho tới nay không có gì thay đổi. Thực tình mà nói tôi không hy vọng là Dự thảo báo cáo Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 sẽ được thay đổi về những định hướng và những chính sách cơ bản. Sẽ khó mà có chuyện đó, do vậy ở Việt Nam vẫn diễn ra một cảnh nghịch lý vô cùng tận là sự chênh biệt rất lớn giữa lý thuyết và thực tế. Các nhà lý thuyết và kinh tế cứ việc nói còn thực tế diễn biến ngược lại và cho đến khi nào mà thực tế bùng nổ như là cuộc đình công của 90 ngàn công nhân ở Pouyuen vừa rồi, thì người ta mới chợt ngộ ra một điều rằng tất cả đều sống trong một lâu đài trên cát.”

Tại Diễn đàn Kinh tế mùa xuân 2015 tổ chức tại Vinh, kinh tế gia Lê Đăng Doanh đã trình bày tham luận “Môi trường đầu tư kinh doanh và tác động của tham nhũng và chi phí phi chính thức. Theo VnExpress đây là bài tham luận gây chú ý ngay phiên khai mạc Diễn đàn.

TS Lê Đăng Doanh nói thêm về tham luận của ông.

“Tham nhũng sẽ dẫn đến những méo mó trong việc phân bổ tiền vốn, không phải phân bổ tiền vốn theo hiệu quả mà phân bổ tiền vốn theo mức độ đút lót và mức độ ưu đãi có thể đạt được. Thứ hai nữa, việc đút lót làm bóp méo tất cả khung pháp luật từ khung pháp luật bảo vệ môi trường, khung pháp luật an toàn vệ sinh thực phẩm rồi thì tất cả khung pháp luật về thi tuyển về bằng cấp có thể bị bóp méo và là vì do tham nhũng. Một điểm nữa là với môi trường tham nhũng như thế những doanh nghiệp kém mà tham nhũng đút lót lại có thể được hưởng lợi và nó làm nản lòng các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Từ đấy dẫn tới năng lực cạnh tranh của một nền kinh tế tham nhũng thì sẽ bị tác hại rất là lớn…”

Tham luận của TS Lê Đăng Doanh tại Diễn đàn Kinh tế mùa xuân 2015 được báo chí giật tít lớn “Một đồng đút lót đổi một đồng lãi” đã nói lên tình trạng tham nhũng đang làm cản trở mọi ý định mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. TS Lê Đăng Doanh cho biết thêm:

“Chúng tôi có trích dẫn một báo cáo của cơ quan hỗ trợ phát triển của Anh đã tài trợ nghiên cứu và xuất bản tháng 8 năm 2014 vừa qua và được Ngân hàng Thế giới ở Việt Nam bảo trợ. Trong báo cáo đó đã điều tra các doanh nghiệp và đi đến con số hết sức đáng chú ý là để kiếm được một đồng lãi thì bình quân các doanh nghiệp phải đút lót khoảng 0,72 cho tới 1,2 đồng và tỷ lệ đó là rất cao.

Vấn đề chúng tôi đưa ra là phải nhanh chóng chống tham nhũng nếu không thì với chi phí cao như vậy thì các doanh nghiệp Việt Nam rất khó có thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài mà các doanh nghiệp nước ngoài đến 2016 Cộng đồng kinh tế ASEAN hiệu lực thì họ đã ập vào Việt Nam rồi.” 

Diễn đàn Kinh tế mùa xuân 2015 tổ chức tại TP. Vinh hai ngày 21-22 tháng 04 diễn ra trong lúc Việt Nam có nhu cầu thực hiện một cuộc đổi mới lần thứ hai sau 30 năm. Hiện nay nền kinh tế Việt Nam khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 67% tổng kim ngạch xuất khẩu và chiếm 70% giá trị sản xuất công nghiệp. Đây là một sự thật đắng lòng vì Hiến pháp 2013 qui định: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.” - RFA



No comments:

Post a Comment