Wednesday, January 6, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Tư 6/1

Tin Thế Giới

1.
Bắc Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch

Bắc Triều Tiên hôm thứ Tư loan báo nước này thử nghiệm "thành công" bom khinh khí, hay còn gọi là bom H, một động thái khiến các cường quốc thế giới cực lực lên án.

Loan báo trên đài truyền hình nhà nước gọi việc thử bom này là một hành động tự vệ để bảo vệ chủ quyền đất nước và đưa ra nhiều ám chỉ lên án Mỹ. Sự việc này diễn ra một tháng sau khi lãnh tụ Kim Jong Un tuyên bố nước ông chế tạo được bom H. Hoa Kỳ và các nước khác đã nhanh chóng đánh giá thấp tuyên bố đó.

Bom H, còn gọi là bom nhiệt hạch, mạnh hơn nhiều so với bom nguyên tử.

Bắc Triều Tiên đã ba lần thử nghiệm hạt nhân vào các năm 2006, 2009 và 2013.

Cả ba lần thử nghiệm đó được thực hiện tại Punggye-ri, cùng khu vực mà nhiều cơ quan theo dõi phát hiện một hoạt động động đất nhân tạo vào sáng thứ Tư.

Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Ned Price nói rằng Tòa Bạch Ốc không xác nhận được vụ thử nghiệm này, nhưng Washington luôn nêu rõ rằng Mỹ không chấp nhận một nước Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục giữ gìn và bảo vệ an ninh cho các đồng minh của chúng tôi trong khu vực, trong đó có Hàn Quốc, và sẽ đáp lại một cách thích đáng bất cứ và mọi hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên", phát ngôn viên Price nói.

Hoa Kỳ, Anh và Pháp đồng thanh lên án mọi vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Hội đồng Bảo an có các lệnh trừng phạt Bắc Triều Tiên và đã nhiều lần yêu cầu chính phủ nước này phải bỏ  chương trình hạt nhân.  

Hội đồng Bảo an theo trù liệu sẽ triệu tập một cuộc họp khẩn về diễn tiến mới nhất này trong ngày hôm nay, thứ Tư.

Trung Quốc, một đồng minh của Bắc Triều Tiên và là một thành viên trường trực của Hội đồng Bảo an, nói Trung Quốc "kiên quyết phản đối" vụ thử nghiệm và kêu gọi Bắc Triều Tiên ngưng những hành động "làm xấu đi tình hình trên Bán đảo Triều Tiên."

Hàn Quốc và Nhật Bản đã ngay lập tức mở các cuộc họp khẩn về an ninh quốc gia.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hứa sẽ có "phản ứng mạnh mẽ" tại Liên hiệp quốc cùng với Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga.

"Bắc Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân là một đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia của chúng tôi, và điều đó hoàn toàn không thể dung chấp," Thủ tướng Abe phát biểu trước quốc hội. "Chúng tôi cực lực lên án hành động đó".

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye gọi vụ thử nghiệm của Bắc Triều Tiên là "hành động khiêu khích nghiêm trọng" đe dọa tương lại của đất nước bà.

"Chính phủ Hàn Quốc sẽ hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế để bảo đảm rằng Bắc Triều Tiên phải trả một cái giá tương xứng cho hành động thử nghiệm hạt nhân," Tổng thống Park phát biểu được hãng tin Yonhap trích thuật.

Ông Cho Tae-yong, một giới chức an ninh cấp cao của Tổng thống Park, nói Bắc Triều Tiên làm ngơ trước những cảnh cáo được lập lại nhiều lần là không được tiến thành một vụ thử nghiệm hạt nhân nữa.

Ông Lassina Zerbon, người đứng đầu Tổ chức Công ước cấm thử nghiệm hạt nhân toàn diện, nói rằng nếu vụ thử này được xác nhận, nó đề ra "một mối đe dọa nghiêm trọng cho hòa bình và an ninh thế giới." Ông cũng kêu gọi Bắc Triều Tiên tuân thủ lệnh cấm về thử nghiệm hạt nhân. - VOA
|
|

2.
Đức tiếp nhận 1.1 triệu di dân năm 2015

Đức cho hay gần 1,1 triệu người đăng ký là di dân đến lãnh thổ của nước này trong năm ngoái.

Khi phổ biến các số liệu hôm thứ Tư, Đức nói rằng 428.468 di dân thuộc dòng người di tản khỏi Syria. Người Syria trốn chạy chiến tranh trên quê hương họ là nhóm đông nhất trong số các di dân đến Đức tính đến nay.

Hai nhóm lớn khác cũng trốn chạy chiến tranh trên quê hương họ, đó là Afghanistan với 154.046 di dân đăng ký tại Đức, và Iraq với 121.662 di dân đăng ký.

Các giới chức nói con số di dân đến Đức trong năm 2015 cao khoảng gấp 5 lần so với con số của năm 2014.

Giới hữu trách hôm thứ Ba tìm thấy xác của ít nhất 36 di dân, trong đó có nhiều trẻ em, bị chết đuối ngoài khơi biển Thổ Nhĩ Kỳ do thuyền của họ bị lật trong biển động khi đang tìm đường đến đảo Lesbos của Hy Lạp.

12 người được cứu sống.

Hiện chưa rõ bao nhiêu tàu thuyền đã bị lật trong mùa gió lớn, nhưng hãng tin Dogan nói rằng ít nhất đã có hai tai nạn lật thuyền.

Các vụ lật thuyền này là những tai nạn làm nhiều người chết nhất trên Biển Agean trong năm 2016 xảy ra vào lúc Liên hiệp Âu Châu tìm cách thúc giục Thổ Nhĩ Kỳ chận dòng người di dân băng qua biên giới nước này. Đổi lại, Thổ Nhĩ Kỳ được hỗ trợ tài chánh.

Khoảng 850.000 di dân vào người tị nạn đã vượt biên đến Hy Lạp trong năm ngoái. Họ đã trả tiền cho những băng đảng đưa lậu người để được chở trên những chiếc xuồng mong manh từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Mỹ tăng cường cuộc chiến chấm dứt nạn nô lệ mới

Tổng thống Barack Obama tuyên bố tháng Giêng là Tháng Phòng chống Buôn người và Tình trạng Nô lệ trên toàn quốc. Các quan chức hàng đầu của Mỹ hôm nay nhắc lại những cam kết chống nạn buôn người thông qua các nỗ lực liên ngành và những quan hệ đối tác giữa hai lĩnh vực công-tư.

Gọi buôn người là tổ chức kinh doanh tội phạm ‘nhiều tỷ đô la’, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chỉ ra rằng cuộc chiến chống lại vấn nạn này là cả một vấn đề về nghĩa vụ đạo đức và an ninh quốc gia.

Phát biểu trong một cuộc họp cấp nội các tại Tòa Bạch Ốc, Ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh ‘Tôi tin rằng chúng ta có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến này, nhưng quan trọng hơn cả, chúng ta bắt buộc phải chiến thắng. Trong thời buổi này, không thể để cho 20 triệu người bị nô lệ hóa và chờ đợi cho tới khi nào  một chính phủ hay một cơ quan hữu trách có thể nhúng tay vào bảo vệ vì chúng ta cần phải ra tay.’

Ngoại trưởng Mỹ nói thêm rằng hằng năm có hơn 20 triệu người bị bắt làm nô lệ, nhưng chỉ 1% được xác minh.

Trong danh sách các ưu tiên về giám sát và phòng chống buôn người của Tòa Bạch Ốc có việc tăng cường các quy định của pháp luật, tài trợ các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân buôn người, ngăn chặn nạn buôn người trong các chuỗi cung ứng khu vực tư nhân và các nhà thầu hợp đồng cho liên bang, cũng như nâng cao nhận thức công chúng.

Một trong những sáng kiến được đưa ra bao gồm chương trình đăng ký mới giúp tăng cường bảo vệ cho những người lao động nội địa được thuê mướn tại các phái bộ nước ngoài ở Washington. Bộ Ngoại giao Mỹ dự kiến mở rộng chương trình đăng ký này đối với người lao động làm việc cho các tổ chức quốc tế trên khắp nước Mỹ.

Phúc trình buôn người

Vào tháng 7 năm ngoái, phúc trình về buôn người do Bộ Ngoại giao Mỹ thực hiện liệt kê Mexico là nước cung cấp và cũng là đích đến của những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em bị buôn bán làm nô lệ tình dục và bị cưỡng bức lao động.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, Loretta Lynch, cho hay Bộ này cùng với Bộ An ninh Nội địa đã làm việc với các đối tác thực thi pháp luật của Mexico để tăng cường điều tra và truy tố các mạng lưới buôn người hoạt động xuyên biên giới.

Bà Lynch nói ‘Từ năm 2009, nỗ lực song phương đã dẫn tới việc chính phủ liên bang Hoa Kỳ truy tố hơn 170 bị can, trên 40 vụ truy tố ở Mexico đối với các tay buôn người có liên quan tới mạng lưới này, và việc dẫn độ 8 bị cáo từ Mexico sang Mỹ. Quan trọng hơn, nỗ lực này đã đưa tới việc giải cứu hơn 200 nạn nhân và nhất là giải cứu con trẻ của trên 20 nạn nhân từ các mạng lưới buôn người.’

Theo quy định pháp luật, kể từ năm 2001 tới nay, mỗi năm Bộ Ngoại giao Mỹ đều công bố phúc trình về nạn buôn người. Dù đề ra các tiêu chuẩn tối thiểu rõ ràng để bài trừ nạn buôn người, nhưng một số chuyên gia chỉ trích rằng báo cáo này không đưa ra được một phương thức nhất quán để đánh giá việc tuân thủ.

Ví dụ như trường hợp của Cuba, nước bị chỉ trích nhiều năm ròng vì không tuân thủ các tiêu chuẩn về phòng chống buôn người, lại được nâng thứ hạng trong báo cáo thường niên của Bộ ngoại giao Mỹ hồi năm ngoái. Một số nhà hoạt động nhân quyền cho rằng quyết định này được dựa trên các động cơ chính trị của Mỹ. - VOA
|
|

4.
Vấn đề Biển Đông và chính sách đối ngoại-quốc phòng Mỹ

Vấn đề Biển Đông đã được đề cập đến trong cuộc họp báo thường lệ của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hôm 5/1, một ngày sau khi Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ chỉ trích chính quyền Tổng thống Barack Obama là đã trì hoãn hoạt động tuần tra trên Biển Đông, nêu bật tầm quan trọng cao hơn của cuộc tranh chấp chủ quyền Biển Đông trên chính trường Mỹ.

Trong cuộc họp báo thường lệ chiều hôm 5/1, Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Mỹ Peter Cook tái khẳng định chính sách của Washington, nói rằng các cuộc tranh chấp Biển Đông phải được giải quyết qua đường lối ngoại giao, và ‘bất cứ hành động nào thách thức điều đó, làm leo thang căng thẳng trong Biển Đông, đều không có ích gì’. Ông Peter Cook nhấn mạnh đó là một khu vực quan trọng của thế giới, một khu vực quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ, và cho nước Mỹ nói chung.

Trả lời câu hỏi về liệu Bộ Quốc phòng Mỹ có một vai trò trong việc đảm bảo Biển Đông vẫn là một vùng lãnh hải quốc tế? Ông Peter Cook nói rằng “Như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã nói, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đóng một vai trò thiết yếu tại khu vực đó của thế giới để bảo đảm ổn định khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, và chính sách xoay trục sang Châu Á thể hiện lập trường đó”.

Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Mỹ lưu ý rằng quân đội Mỹ đã duy trì sự ổn định và an ninh trong khu vực từ lâu, và vai trò đó cũng là lý do quân đội Mỹ bấy lâu nay hiện diện trong khu vực và xa hơn thế nữa.

Trong một diễn biến khác liên quan tới Biển Đông, Thượng nghị sĩ John McCain, hôm 4/1 đã lên tiếng chỉ trích chính phủ của Tổng thống Obama là đã trì hoãn, không tiếp tục các hoạt động tuần tra trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây ở Biển Đông, để khẳng định quyền tự do hàng hải và đi lại trên vùng biển quốc tế này.

Ông McCain, nhà lập pháp rất có thế lực trong vai trò Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, cho rằng việc Hoa Kỳ có thái độ do dự, không quyết đoán đã cho phép Trung Quốc tiếp tục các hành động hung hăng hơn để áp đặt chủ quyền ở Biển Đông. Hành động mới nhất, theo ông McCain, là Bắc Kinh vẫn tiếp tục quân sự hoá các đảo tân tạo và hôm 2/1 đã cho đáp thử máy bay trên các phi đạo mới xây trên đảo Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam cho là thuộc chủ quyền của mình.

Thượng nghị sĩ McCain nói việc chính phủ Mỹ không thực hiện các chuyến tuần tra vào cuối năm 2015 như dự định trước đó là một điều "đáng thất vọng" nhưng không làm ông ngạc nhiên.

Từng là đối thủ tranh giành chức Tổng Thống với ông Obama, Thượng nghị sĩ John McCain chỉ trích chính phủ do ông Obama lãnh đạo là "hoặc không có khả năng giải quyết những sự phức tạp trong quan hệ hợp tác liên cơ quan trong tiến trình làm quyết định về vấn đề an ninh quốc gia, hoặc là có thái độ quá e dè, sợ rủi ro nên đã không thực hiện những hành động cần thiết để bảo vệ trật tự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương dựa trên luật pháp quốc tế”.

Hôm thứ Hai, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói rằng việc Trung Quốc lần đầu tiên đáp máy bay trên một hòn đảo trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông làm ‘tăng căng thẳng và đe doạ sự ổn định khu vực.’

Các nhà phân tích nói rằng sự hiện diện quân sự ngày càng được củng cố của Trung Quốc trong vùng rốt cuộc sẽ dẫn tới quyết định của Bắc Kinh thiết lập một khu nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.  

Trung Quốc đang hoàn tất một loạt các cảng biển cùng các kiến trúc trên các đảo nhân tạo và trong tương lai sẽ đặt những trạm radar cảnh báo sớm và trạm thông tin liên lạc quân sự tại các đảo mới xây ở quần đảo Trường Sa.

Giáo sư Ian Storey, một chuyên gia khu vực nói rằng một khi các cơ sở này đi vào hoạt động, máy bay quân sự và dân sự của các nước khác sẽ bị cảnh cáo thường xuyên hơn, và đó là “tiền thân của một vùng nhận dạng phòng không trên thực tế, nếu không phải là một vùng nhận dạng phòng không chính thức. Nếu xảy ra thì căng thẳng sẽ leo thang hơn nữa tại Biển Đông”. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Trung Quốc lại đáp máy bay trên đảo Đá Chữ Thập

Trung Quốc ngày 6/1 tiếp tục thực hiện hai chuyến bay thử nghiệm trên một hòn đảo Bắc Kinh mới xây ở Biển Đông. Bốn ngày trước, Bắc Kinh khiến Việt Nam phẫn nộ khi đáp một máy bay trên cùng phi đạo trong vùng biển có tranh chấp.

Dẫn tin Tân hoa xã, Reuters hôm nay nói hành động mới này có phần chắc lại bị Việt Nam lên án như cách đây 4 ngày khi Trung Quốc cho một máy bay đáp lên Đá Chữ Thập trong chuyến bay thử nghiệm đầu tiên tại đây. Hà Nội đã chính thức phản đối ngoại giao hành động mà họ cho là làm leo thang căng thẳng.

Theo Tân hoa xã, sáng 6/1, hai phi cơ dân sự của Trung Quốc cất cánh từ một sân bay ở Hải Khẩu (thủ phủ tỉnh Hải Nam) đã đáp xuống một phi trường mới xây trên đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa vào lúc 10:21 phút và 10:46 phút. Chiều cùng ngày, hai phi cơ này đã trở lại Hải Khẩu.

Cơ quan ngôn luận của nhà nước Trung Quốc nói các chuyến bay thử thành công chứng minh là phi trường tại đây có đủ khả năng bảo đảm an toàn cho hoạt động của một phi cơ dân sự lớn.

Tân hoa xã cho biết phi trường dài 3000 mét trên Đá Chữ Thập sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyên chở các vật phẩm tiếp tế, nhân lực, và trang thiết bị y tế. - VOA
|
|

6.
Yếu tố Trung Quốc trong quan hệ an ninh Nga-Việt

Nga đang tìm cách thắt chặt các quan hệ với Việt Nam, hướng tới việc phát triển phạm vi ảnh hưởng tại Đông Á trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Trong thời gian trước cuối năm 2015, Liên Bang Nga đã đạt được nhiều bước có tính đột phá trong các quan hệ với Việt Nam, kể cả các hiệp định hợp tác song phương giữa Moscow và Hà Nội về các vấn đề đa dạng, như chống tham nhũng, quốc phòng và thương mại.

Bài viết đăng trên tạp chí Foreign Policy hôm 5/1 nhận định rằng trong khi dư luận quốc tế phần lớn phản đối Nga về những hành động quân sự ở nước ngoài như ở Ukraine chẳng hạn, thì tại Việt Nam, Nga được sự ủng hộ rộng rãi của công chúng.

Theo một cuộc thăm dò công chúng do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện, 75% người Việt Nam có quan điểm tích cực về nước Nga. Về phương diện nhà nước, mới đây Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã lên tiếng ủng hộ ‘vai trò lớn hơn của Nga trong các vấn đề toàn cầu’.

Bài báo dẫn lời một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga, bà Maria Zelenkova, nói rằng chính sách đối ngoại của Việt Nam được dựa trên mong muốn phát triển quan hệ với Trung Quốc, Nga và Hoa Kỳ dưới hình thức một chính sách đối ngoại đa phương.

Bà Zelenkova cho rằng trong bối cảnh tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng hơn, việc Hà Nội theo đuổi các quan hệ gần gũi hơn với một nước khác- ám chỉ nước Nga- bên cạnh các quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, là điều hợp lý.

Theo nhà nghiên cứu này, chính sách đó của Hà Nội cũng tương tự như chính sách của một số quốc gia khác, như Kazakhstan hay Mongolia, vốn phải đương đầu với thực tế là phải chia sẻ ranh giới với cả hai nước Nga và Trung Quốc.

Trong khi Việt Nam có lý do để xích lại gần Nga trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông gia tăng, việc Moscow theo đuổi chính sách quay lại thắt chặt các quan hệ với Hà Nội sau một thời gian lơ là chắc chắn phải do động cơ là quyền lợi quốc gia riêng tư của Nga, nhất là khi quyết định này khiến cho Nga vướng sâu hơn vào cuộc tranh chấp phức tạp ở Biển Đông.

Theo bài báo này, một trong các yếu tố thiết yếu nhất và là động cơ chính trong chính sách an ninh của Nga hiện nay là đảm bảo an ninh quốc gia tại các khu địa lý chống một loạt đối thủ và mối đe doạ tiềm tàng đối với Moscow. Và đó là lý do Nga tìm cách củng cố lại phạm vi ảnh hưởng trước đây của mình, bằng cách thắt chặt thêm các quan hệ ngoài vòng đai khu vực địa lý của mình hầu tạo ra một vòng đai an ninh gồm các quốc gia thân thiện.

Một yếu tố khác khả dĩ giải thích chính sách nối lại và củng cố thêm quan hệ với Việt Nam, theo tác giả bài báo, là tạo ra một thành trì chống sự trỗi dậy của Trung Quốc. Bất chấp những phát biểu có tính cách hữu nghị, Moscow vẫn có thái độ thận trọng và dè dặt đối với Bắc Kinh, được coi như một đối thủ trong việc tranh giành ảnh hưởng trong khu vực.

Bài báo kết luận rằng đối với Nga, Việt Nam là một đồng minh tại Đông Á, qua đó Nga có thể cân bằng chống lại sức mạnh đang tăng của Trung Quốc, và như thế có thể củng cố vị thế chiến lược của Nga ở Đông Á.

Giữa lúc Việt Nam đang tìm cách đa phương hoá chính sách đối ngoại và các quan hệ với nhiều nước, kể cả Nga, thì Nga cũng không chần chờ nắm lấy cơ hội vì Moscow coi Việt Nam như một cửa ngõ để bành trướng ảnh hưởng của mình tại Châu Á. - VOA

No comments:

Post a Comment