Monday, January 25, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Hai 25/1

Tin Thế Giới

1.
Lào kêu gọi ASEAN đoàn kết trước Trung Quốc --- Lào có tân Tổng Bí thư --- Đánh bom ở Lào, 2 người Trung Quốc thiệt mạng

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng Lào muốn chứng kiến các quyền tự do hàng hải được tôn trọng cũng như muốn tránh việc quân sự hóa ở biển Đông.

Ông Kerry cho biết như vậy hôm nay, sau cuộc gặp với Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong. Ông Thammavong cũng thúc giục sự đoàn kết trong ASEAN trước các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp này.

Năm nay, Lào đảm nhiệm vị trí chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á gồm 10 thành viên, và cuối năm nay, sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh với sự tham dự của lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc.

Ông Kerry nói: “Ông ấy cho thấy rõ rằng ông ấy muốn chứng kiến một ASEAN đoàn kết, và ông ấy muốn các quyền tự do hàng hải được tôn trọng, và ông ấy muốn tránh quân sự hóa và tránh xung đột ở [biển Đông]”.

Ông Kerry trả lời các phóng viên như vậy trước câu hỏi rằng liệu Lào có thể hiện quan điểm cứng rắn về tranh chấp ở biển Đông với tư cách là chủ tịch ASEAN hay không.

Lào có quan hệ kinh tế và chính trị gần gũi với nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc, và điều đó khiến chính quyền của Tổng thống Obama lo ngại rằng chính quyền Vientiane sẽ hành xử giống như Campuchia khi nước này làm chủ tịch ASEAN năm 2012.

Campuchia bị cáo buộc cản trở sự đồng thuận của khối đối với các tuyên bố chủ quyền mạnh mẽ của Trung Quốc ở biển Đông. Từ đó tới nay, Trung Quốc đã xây dựng các hòn đảo nhân tạo có thể dùng cho mục đích quân sự.

Ông Kerry nói thêm: “Điều đặc biệt quan trọng là Lào đóng một vai trò sống còn trong ASEAN, cũng như ASEAN đóng vai trò quan trọng nhằm duy trì một hệ thống dựa trên luật lệ ở châu Á – Thái Bình Dương, và đảm bảo rằng mọi quốc gia, dù lớn hay nhỏ, có tiếng nói trong việc xử lý các vấn đề cùng quan ngại”.

Ngoại trưởng Mỹ nói thêm rằng Mỹ muốn mọi quốc gia đều có tiếng nói trong khu vực “bất kể diện tích, quyền lực và sự ảnh hưởng” của nước đó.

Sau Lào, ông Kerry sẽ tới Campuchia vào ngày hôm nay trong nỗ lực thúc đẩy đoàn kết của ASEAN trước khi diễn ra một hội nghị thượng đỉnh do Tổng thống Obama chủ trì với sự tham gia của lãnh đạo của khối này tại Sunnylands, California, diễn ra từ ngày 15 tới 16/2.

Sau Campuchia, ông Kerry sẽ tới Bắc Kinh để hội đàm với giỡi lãnh đạo tại đó. - VOA

***
Đảng Cộng sản Lào đã thay đổi cấp lãnh đạo trong Đại hội Đảng lần thứ 10, đánh dấu đường hướng tương lai của nước này trong khi chuẩn bị đảm nhận chức chủ tịch Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á. Động thái này diễn ra trước chuyến viếng thăm Lào của Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry. Từ Bangkok Thông tín viên VOA Ron Corben ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Đại hội Đảng Cộng sản Lào đánh dấu bằng việc bầu ông Bounnhang Vorachit, 78 tuổi, làm Tổng Bí thư.

Ông Bounnhang có mối quan hệ lâu dài với Việt Nam, kể từ khi còn là sinh viên và được huấn luyện quân sự tại Việt Nam. Ông thay thế ông Choummaly Sayasone, người đã giữ chức vụ này trong 10 năm.

Truyền thông nhà nước Lào nói gần 700 đại biểu đại diện cho hơn 200.000 đảng viên tham dự 5 ngày đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 10 tại Vientiane kể từ khi Đảng lên cầm quyền vào năm 1975.

Đại hội Đảng Cộng sản Lào diễn ra trước chuyến viếng thăm chính thức Lào của Ngoại trưởng John Kerry, cùng lúc với việc cử Bộ trưởng Ngoại giao Thongloun Sisoulith đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng.

Các nguồn tin ngoại giao ở Vientiane  nói với đài VOA là ông Thongloun Sisoulith từ lâu là người ủng hộ việc tái xây dựng các quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ.

Nhưng ông Thitinan Pongsudhirak, một giáo sư về chính trị tại trường đại học Chulalongkorn nhấn mạnh là toàn bộ chính sách ngoại giao của Lào sẽ không thay đổi dưới sự lãnh đạo mới và chính phủ sẽ tiếp tục đối mặt với những chỉ trích về thành tích nhân quyền của nước này. Ông Thitinan Pongsudhirak nói:

“Giới lãnh đạo mới vẫn như cũ. Vẫn như cũ về phương diện đàn áp và hạn chế xã hội dân sự và những quyền tự do căn bản. Chúng ta đã thấy những tai tiếng trong những ngày gần đây về việc mất tích của các nhà hoạt động xã hội dân sự  và những vi phạm nhân quyền sẽ vẫn tồn tại.”

Các nhà phân tích nói việc hai ủy viên Bộ Chính trị nghỉ hưu có thể làm suy yếu ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Trung Quốc là nước đầu tư lớn nhất tại Lào, tiếp theo là Việt Nam và Thái Lan.

Trong thời gian đại hội, phó Thủ tướng Somsavat Lengsavad tuyên bố mục tiêu của đảng là phá vỡ tình trạng là một quốc gia kém phát triển nhất vào năm 2020 và tránh khỏi nạn nghèo đói.

Giáo sư Carl Thayer, một nhà phân tích quốc phòng tại trường đại học New South Wales nói Lào sẽ phải cân bằng ngoại giao quốc tế với việc đảm nhận chức vụ chủ tịch ASEAN và tiếp đón các nhà lãnh đạo quốc tế trong đó có Tổng thống Barack Obama trong năm tới. Ông Carl Thayer nói:

“Tổng thống Barack Obama sẽ đến thăm vùng này vào tháng 5, đặc biệt là Việt Nam. Ông cố gắng vận dụng chút thời gian cuối năm, là lúc chính sách ngoại giao của Mỹ có thể đi kèm với Lào trong tư cách chủ tịch ASEAN, và tìm cách giữ cho Lào đi theo một hướng độc lập và trung lập thay vì ngả về phía Trung Quốc như một số người vẫn cho là như thế.”

Các nhà phân tích nói trong tư cách là chủ tịch ASEAN, Lào sẽ được quốc tế chú ý đến giữa lúc Đảng Cộng sản Lào tìm cách cân bằng các mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam cũng như tập trung vào tăng trưởng kinh tế. - VOA

***
Tân Hoa Xã của Trung Quốc đưa tin, hai công dân nước này đã thiệt mạng và một người khác bị thương trong một vụ đánh bom ở nước láng giềng Lào.

Vụ việc xảy ra hôm qua khi ba người Trung Quốc này đi trên một chiếc xe ở tỉnh Xaysomboun nằm tại một vùng núi non hẻo lánh.

Theo Tân Hoa Xã, một trong các nạn nhân là nhân công của một công ty khai mỏ.

Các quan chức từ Đại sứ quán Trung Quốc ở thủ đô Vientiane đã tới thăm các nạn nhân đang được chữa trị trong bệnh viện, và yêu cầu chính quyền địa phương nhanh chóng điều tra vụ việc.

Trung Quốc là quốc gia đầu tư cũng như là một đối tác ngoại giao lớn ở Lào, và trong những năm gần đây, đã đổ một lượng tiền lớn vào lĩnh vực khai thác tài nguyên thiên nhiên của Lào.

Tân Hoa Xã đưa tin rằng một đặc sứ của Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến sẽ tới thăm Lào vào tuần này.

Vụ việc xảy ra hôm qua trong khi Ngoại trưởng Mỹ tới Lào trong chặng dừng chân đầu tiên của chuyến thăm ba quốc gia châu Á. - VOA
|
|

2.
WHO kêu gọi giải quyết mối đe dọa về các dịch bệnh mới xuất hiện

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Margaret Chan kêu gọi hành động nhanh để giải quyết mối đe dọa ngày càng tăng về những dịch bệnh mới xuất hiện. Vào lúc khai mạc một phiên họp suốt tuần của Ủy ban Quản trị, người đứng đầu WHO cảnh báo rằng một số đe dọa đến sức khỏe toàn cầu sẽ đòi hỏi có biện pháp cấp thiết và phối hợp trong những tháng sắp tới. Từ địa điểm họp của WHO ở Geneve, thông tín viên VOA Lisa Schlein gửi về bài tường thuật.

Người đứng đầu WHO Margaret Chan tỏ ý khiêm tốn khi nói với khoảng 1.000 đại biểu dự họp rằng cần phải rút ra những bài học từ cơn dịch bệnh Ebola đã làm hơn 11.000 người thiệt mạng ở Liberia, Sierra Leone và Guinea.

WHO đã chậm chạp khi giải quyết vụ bộc phát bệnh chưa từng có từ trước đến nay, khiến cho virut nguy hiểm gây cảnh tàn khốc ở Tây Phi và làm cả thế giới hoảng loạn trước khi các biện pháp khống chế dịch bệnh được thực thi đầy đủ.

Sau nhiều suy ngẫm và khuyến cáo của các chuyên gia, WHO đã bắt đầu một tiến trình cải tổ. Bác sĩ Chan nói bà nhất quyết thay đổi cách thức WHO đáp ứng với những vụ bộc phát bệnh và những tình trạng khẩn cấp.

Bà Chan cho biết: "Ebola đã dạy cho thế giới rằng một vụ bộc phát bệnh ở bất cứ nơi nào trên thế giới đều có thể gây ra những ảnh hưởng toàn cầu… Trong một thế giới có liên hệ sâu xa với nhau, không có điều gì gọi là một vụ bộc phát dịa phương và không có cái gọi là một cuộc chiến tranh xa xôi. Như một số đánh giá về cách đáp ứng với Ebola đã kết luận, có các khả năng và cơ sở hạ tầng vững mạnh về y tế công cộng ở thế sẵn sàng tại những nước dễ bị tác động là tuyến phòng thủ đầu tiên để chống lại mối đe dọa về các bệnh lây nhiễm."

Sau cơn dịch Ebola, bác sĩ Chan nói các giới chức y tế cảnh giác hơn trước những tín hiệu báo động xuất phát từ thế giới vi sinh vật. Bà viện dẫn sự tàn phá do vụ bộc phát bệnh MERS năm ngoái gây ra ở Triều Tiên, một nước có hệ thống y tế tiến bộ.

Bà nói giải quyết những dịch bệnh mới xuất hiện trở nên khó khăn hơn trong các nền kinh tế đang phát triển và đang trỗi dậy. Bà cảnh báo về sự lây lan bùng phát của virut Zika đến các khu vực địa lý mới, mà mức miễn nhiễm bệnh rất thấp. Zika là chứng bệnh do muỗi lây truyền được cho là gây ra những vấn đề về thần kinh nơi trẻ em mới sinh.

Bác sĩ Chan cảnh báo về tình trạng kháng thuốc chống vi trùng như một mối nguy khẩn cấp nhất. Bà nói cần phải có nhiều biện pháp hơn để chống lại mối đe dọa ngày càng tăng từ phía các loại bệnh không lây nhiễm.

Bà cảnh báo rằng thế giới phải đề cao cảnh giác trước những hậu quả về y tế do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra. Bà nói những chương trình cần phải được cải tiến để đối phó với thêm những vụ bộc phát dịch tả và sốt dengue. Bác sĩ Chan nói sẽ có nhiều người hơn phải chịu đựng tình trạng ô nhiễm trong nhà và ngoài trời và dễ mắc phải các vấn đề về sức khỏe do các biến cố nguy hiểm về thời tiết gây ra. - VOA
|
|

3.
Đợt lạnh giá bất thường làm nhiều người chết ở Châu Á

Một đợt lạnh giá bất thường đã làm đình trệ hầu hết khu vực Đông Á.

Nhiệt độ đã rơi xuống mức thấp kỷ lục tại nhiều nơi người dân thường quen với thời thiết ấm áp.

Những trận mưa băng tuyết kèm theo gió lạnh đã buộc các giới chức phải hủy hàng trăm chuyến bay, đóng cửa trường học, và khiến hàng chục người tử vong ở Đài Loan và Nhật Bản.

Ít nhất 60 người tử vong ở Đài Loan, mà nhiều nhất ở thủ đô Đài Bắc và các vùng phụ cận.

Các giới chức cho biết rằng nhiều nạn nhân là người già không chịu được nhiệt độ lạnh giá giảm xuống còn 4 độ C ngày hôm qua. Các nguyên nhân gây tử vong chủ yếu liên quan tới trụy tim và giảm thân nhiệt.

Trang tin có tên gọi Focus Taiwan đưa tin rằng có tới 85 ca tử vong vì liên quan tới thời tiết khắp hòn đảo này.

Ít nhất 5 người chết ở Nhật Bản vì tuyết rơi dày khắp khu vực miền trung và miền tây.

Tại Hong Kong, hàng trăm người đã được giải cứu khỏi điểm cao nhất của lãnh thổ này sau khi mưa băng giá khiến đường xá trơn trượt và gần như không thể đi lại được. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Miền đông nước Mỹ ngập chìm trong biển tuyết sau trận bão

Trận bão tuyết kỷ lục đã đi qua, nhưng đã gây cảnh tê liệt suốt miền đông nước Mỹ, khiến hàng vạn hộ gia đình mất điện, và làm hơn 10.000 chuyến bay bị hủy trong những ngày cuối tuần.  Đối với hàng triệu người ở lì trong nhà trú bão cuối tuần qua, bão dứt có nghĩa là họ phải bắt tay vào đào bới tuyết để trở lại sinh hoạt thực tế.  Thông tín viên Ramon Taylor của đài VOA có bài tường trình sau đây.
Tài liệu về thời tiết sẽ ghi nhớ "trận bão mùa đông Jonas" là trận bão tuyết diễn ra theo đúng dự báo, tác động đến 85 triệu người Mỹ từ miền đông nam Hoa Kỳ, đến thủ đô Washington và thành phố New York, nơi tuyết đổ xuống đo được cao đến 68 centimét, mức lớn thứ hai trong sách kỷ lục.

Với những người sử dụng mạng xã hội gọi bão Jonas bằng những tên thân mật khác như Snowmaggedon, Snowpocalypse và Snowzilla, trận bão là một cái cớ để họ chia sẻ những lo lắng hồi hộp, thất vọng và đôi lúc những phán đoán đáng ngờ.

Nhưng giờ đây, trong khi mọi người đang đào tuyết mở đường để tìm cách trở lại với công việc, thì bất cứ cái thú nào cơn bão mang lại đã thực sự không còn nữa đối với nhiều người.

Anh Osvaldo Ayala, một cư dân New York, nói:

"Với những ai có xe hơi, thì bây giờ là ác mộng."

Đặc biệt với anh Osvaldo, khi cái xẻng xúc tuyết của anh nằm trong chiếc xe bị tuyết vùi lấp không mở cửa ra được.

Anh Matt, một cư dân khác ở New York cũng có xe hơi, nói rằng mục tiêu của anh là đào tuyết mở đường cho xong trước khi khối tuyết biến thành khối nước đá.

"Đó là một việc mà nếu như bạn cứ đứng ngó lui lại 3 mét, bạn thấy ngao ngán và chỉ muốn chui lại vào trong nhà mà than thở, nhưng nếu bạn cứ tiếp tục đào, xúc, và đừng nghĩ đến nó quá nhiều, thì khoảng hai tiếng đồng hồ sau, thì hy vọng bạn sẽ không đến nỗi nào."

Song đối với những người lớn tuổi ở thành phố này, thì tuyết chất đống gây ra rất nhiều khó khăn khác.

Ông Robert Meissner là một người lớn tuổi ở New York.

"Tôi nằm trong số những người may mắn.  Ở tuổi tôi mà vẫn cố bước ra ngoài được.  Nếu không còn đi lại bình thường được , thì quả là một sự liều mạng khi ra ngoài trong lúc thời tiết như thế này.”

Ông Meissner nói trận bão mùa đông năm nay là trận bão lớn nhất mà ông từng chứng kiến trong 59 năm ông ở New York.  Nhưng ông nói miễn là mọi người còn xúc tuyết, thì ông vẫn xoay sở được với cái khung tập đi của mình. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Đại hội 12 chấp nhận thủ tướng Dũng rút [game over cho ông Dũng]

Báo Việt Nam nói Đại hội 12 chấp nhận thủ tướng, chủ tịch nước và chủ tịch QH nhiệm kỳ Đại hội 11 rút khỏi danh sách ứng cử viên Trung ương khóa tới.

Công tác kiểm phiếu chọn các ứng viên được giới thiệu bổ sung tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XII được thực hiện tại Hà Nội chiều 25/1.

Trước đó, việc các đại biểu bỏ phiếu đối với 29 trường hợp xin rút khỏi danh sách ứng cử đã diễn ra vào lúc 5 giờ chiều 25/1.

Trong danh sách các ứng viên cuối cùng, có 221 người do Ban Chấp hành khóa cũ giới thiệu đã chắc chắn có mặt.

Vào lúc 20 giờ giờ Hà Nội, báo Tuổi Trẻ ở Việt Nam đăng tin rằng "đa số đại biểu của Đại hội XII đã đồng ý cho 29 ứng cử viên (23 chính thức và 6 dự khuyết) rút khỏi danh sách bầu cử".

Đó là những ứng cử viên được giới thiệu (ngoài danh sách đề cử của Trung ương khoá XI) và đã xin rút trước đó.

Họ gồm có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Thường trực Ban bí thư Lê Hồng Anh, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa, nguyên Bí thư thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị, nguyên Bí thư thành uỷ TPHCM Lê Thanh Hải và một số người khác.

Truyền thông tiếng Anh cũng vừa có tin về sự kiện Thủ tướng Dũng không còn 'trong cuộc chạy đua'.

Reuters viết rằng Đại hội Đảng Cộng sản ở Việt Nam đã chấp nhận "đơn xin rút" của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Trước đó, hãng tin này trích lời bình của nhà ngoại giao Mỹ đã nghỉ hưu, ông David Brown nói "cách vận hành của bộ máy quyền lực trong Đảng Cộng sản Việt Nam quả là gây chóng mặt".

Ông Brown cũng nói "đây quả là một cuộc thi đấu" (contest) và người ta có những sự lựa chọn khác nhau".

Điều này khiến Đại hội Đảng CSVN lần này khác với những lần trước khi mọi việc chỉ là "buồn tẻ và chia lại ghế".

"Đại hội quyết định"

Số lượng nhân sự ứng cử, đề cử bổ sung sẽ không được vượt quá 36 người để bầu cử ủy viên chính thức.

Tính đến sáng 25/1, có 62 người được Đại hội đề cử vào danh sách ứng cử viên chính thức và khoảng 30 người vào danh sách bầu ủy viên dự khuyết.

Đã có 23 người xin rút khỏi danh sách đề cử ứng viên chính thức, trong đó có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Trương Tấn Sang và toàn bộ bảy ủy viên Bộ Chính trị khóa 11 khác, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường được trang tin VnExpress dẫn lời.

Những người nhận được trên 50% số phiếu "không cho rút" sẽ được gộp vào danh sách các ứng viên được đề cử và không xin rút; tất cả sẽ qua một vòng bỏ phiếu nữa để chọn 36 đại diện.

Trong vòng bỏ phiếu thứ hai, các gương mặt được chọn sẽ tính theo thứ tự số phiếu cao nhất tính từ trên xuống, không nhất thiết phải đạt quá bán hay đa số tối đa.

Danh sách ứng viên chính thức, gồm 221 người do Ban Chấp hành cũ đề cử, và 36 người do Đại hội chọn ra sau hai phiên bỏ phiếu chiều tối nay, sẽ được chốt lại để Đại hội bầu vào Ban Chấp hành mới.

Việc bầu Ban Chấp hành mới sẽ được tiến hành vào sáng 26/1. - BBC
|
|

6.
Ấn Độ thiết lập trạm thu vệ tinh ở VN có khả năng theo dõi TQ

Các quan chức Ấn Độ mới đây cho hay nước này sắp thiết lập ở tp HCM một trạm theo dõi tín hiệu và thu hình ảnh từ các vệ tinh quan trắc trái đất của Ấn Độ.

Đây sẽ là trạm thu vệ tinh quan trắc đầu tiên của nước ngoài đặt ở Việt Nam.

Đổi lại việc cho phép Ấn Độ đặt trạm, Việt Nam sẽ tiếp cận được các hình ảnh về khu vực, kể cả Trung Quốc lẫn Biển Đông, nơi đang có nhiều tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Các bản tin của Reuters cho hay Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) - một cơ quan nhà nước - sẽ cấp ngân quỹ cho dự án, dự kiến là 23 triệu đôla.

Các quan chức Ấn Độ không nói cụ thể khi nào trạm sẽ bắt đầu vận hành. Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận về dự án nhưng không cung cấp thêm chi tiết.

Trên danh nghĩa, đây là một cơ sở dân sự - thông tin từ các vệ tinh sẽ phục vụ những ứng dụng về nông nghiệp, khoa học và môi trường. Tuy nhiên, các chuyên gia an ninh nói với công nghệ chụp ảnh được cải thiện, các hình ảnh cũng có thể được sử dụng vì các mục đích quân sự.

Chuyên gia an ninh hàng hải Collin Koh thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore nói: “Về mặt quân sự, bước đi này rất đáng kể. Đây dường như là một việc có lợi cho cả Ấn Độ và Việt Nam, giúp lấp đầy các khoảng trống ở phía Việt Nam trong khi mở rộng tầm quan sát của Ấn Độ”.

Nhà phân tích tình báo hải quân đã nghỉ hưu thuộc Bộ Quốc phòng Anh, ông Trevor Hollingsbee cho rằng: “Sự tiến bộ của công nghệ đang xóa nhòa ranh giới giữa vệ tinh dân sự và quân sự. Trong một số trường hợp, hình ảnh từ vệ tinh dân sự hiện đại đủ tốt để dùng cho quân sự”.

Reuters cho rằng công trình này có thể gây bực bội cho Trung Quốc trong khi giúp tăng cường quan hệ Việt Nam-Ấn Độ, hai nước có tranh chấp lãnh thổ lâu đời với Trung Quốc.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã tuyên bố không lo ngại về kế hoạch xây trạm thu vệ tinh, vì cho rằng đó không phải là một vấn đề quân sự, còn Bộ Ngoại giao nước này chưa đưa ra bình luận gì. - VOA

No comments:

Post a Comment