Tuesday, January 26, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Ba 26/1

Tin Thế Giới

1.
Ngoại trưởng Mỹ sẽ nêu vấn đề Biển Đông, Bắc Hàn khi đến TQ --- Ông Kerry thảo luận với Thủ tướng Hun Sen về nhân quyền, thương mại

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry sẽ hối thúc Trung Quốc tạo áp lực nhiều hơn nữa để đòi Bắc Triều Tiên ngưng các cuộc thử nghiệm hạt nhân gây nhiều tranh cãi khi ông gặp gỡ với các giới chức Trung Quốc ở Bắc Kinh hôm nay.  Thông tín viên Pam Dockins của đài VOA có bài tường trình sau đây.

Trung Quốc là chặng dừng cuối trong chuyến đi thăm ba quốc gia Á Châu của Ngoại trưởng Kerry. Trước đó ông đã đi thăm Lào và Campuchia.

Chuyến công du của ông Kerry diễn ra vài tuần lễ sau khi Bắc Triều Tiên tuyên bố thực hiện thành công điều họ gọi là một cuộc thử nghiệm bom nhiệt hạch; một động thái bị Nam Triều Tiên và các cường cường thế giới kịch liệt lên án.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Tony Blinken đã đến Á Châu trước chuyến thăm của ông Kerry để thảo luận với các giới chức Nhật Bản và Nam Triều Tiên về hành động này Bắc Triều Tiên.  Ông Blinken cho biết các nước này tán thành quan điểm cho rằng phải có thái độ cứng rắn đối với Bắc Triều Tiên.

"Chúng tôi nhất trí với nhau là phải mạnh mẽ phản đối vụ thử nghiệm hạt nhân này,  và chúng tôi nhất quyết buộc Bắc Triều Tiên phải gánh chịu hậu quả của hành động coi thường nghĩa vụ quốc tế của họ."

Điểm then chốt của nỗ lực đó là Trung Quốc, chiếc phao cứu sinh kinh tế của Bắc Triều Tiên, nhưng cũng là nước bị chỉ trích là đã sử dụng ảnh hưởng của mình để gây áp lực lên Bình Nhưỡng.

Người phát ngôn Hồng Lỗi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.

"Vào lúc này tình hình trên bán đảo Triều Tiên là hết sức nhạy cảm. Tôi hy vọng các nước liên hệ có hành động theo một cách thức phù hợp với mục tiêu duy trì hòa bình và ổn định cho khu vực."

Các nhà phân tích nói rằng Trung Quốc còn phải cân bằng những lợi ích trái ngược nhau.

Ông Scott Snyder, một chuyên gia của Hội đồng Đối ngoại, nhận định như sau.

"Đối với Trung Quốc, điều khó khăn là phải cân bằng giữa sự cần thiết phải trừng phạt Bắc Triều Tiên với những lo ngại về sự ổn định ở Bắc Triều Tiên.  Do đó họ muốn gây áp lực, nhưng họ không muốn gây áp lực quá mạnh."

Ông Scott Snyder nói rằng thách thức đối với Mỹ là làm thế nào để thuyết phục Bắc Kinh để họ tin rằng việc trừng phạt Bắc Triều Tiên sẽ không gây phương hại cho quyền lợi của Trung Quốc. - VOA

***
Những mối quan tâm về nhân quyền và vấn đề thương mại song phương là trọng tâm của cuộc thảo luận của Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry với các nhà lãnh đạo Campuchia tại Phnom Penh ngày hôm nay. Thông tín viên Pam Dockin của đài VOA tháp tùng phái đoàn ngoại trưởng Mỹ gởi về bài tường thuật sau đây.

Ngoại trưởng Kerry cho biết tiến bộ của Campuchia trong lãnh vực nhân quyền, các quyền tự do phổ cập và cai trị tốt đẹp là “vô cùng cần thiết” để “thể hiện đầy đủ tiềm năng” của mối quan hệ song phương với Hoa Kỳ.

Ông Kerry cho biết như vậy trong cuộc họp báo ngày hôm nay ở Phnom Penh sau khi tiến hành các cuộc thảo luận riêng rẽ với các giới chức của Campuchia, trong đó có Thủ tướng Hun Sen và quyền lãnh tụ đối lập Kem Sokha.

Ông nói “Các chính phủ dân chủ có nhiệm vụ bảo đảm là tất cả những người đại diện được dân chúng bầu ra được tự do chu toàn trách nhiệm  của mình mà không sợ bị tấn công hoặc bị bắt giữ.”

Ông nhấn mạnh rằng ông đã nêu lên những mối quan tâm về vấn đề nhân quyền trong các cuộc thảo luận này.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ phát biểu như vậy trong lúc nhiều người cảm thấy lo ngại về những nỗ lực của Campuchia để cải cách dân chủ và nhân quyền.

Trong lúc lãnh tụ đối lập Sam Rainsy đang tự ý sống lưu vong để tránh những cáo trạng mà nhiều người cho là có động cơ chính trị, và 17 thành viên của phe đối lập và các nhà tranh đấu dân chủ đang bị cầm tù, các tổ chức nhân quyền nói rằng bất kỳ sự cải thiện nào trong mối quan hệ ngoại giao phải đi kèm với sự bảo đảm cải cách của Campuchia.

Ngoại trưởng Kerry cũng lên tiếng tán dương những tiến bộ về mặt kinh tế của Campuchia.

Ông nói” Campuchia đã có được sự tăng trưởng khả quan. Chúng ta đã trông thấy những sự thay đổi rất ngoạn mục, không chỉ ở Phnom Penh, là nơi đã từ một thành phố bị chiến tranh tàn phá và chỉ có 350.000 dân trở thành một thành phố hiện đại với 2,2 triệu người.”

Thủ tướng Hun Sen cho Ngoại trưởng Kerry biết rằng ông xem hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Hoa Kỳ-ASEAN, được tổ chức ở California vào tháng hai, là “một bước hướng tới mối quan hệ chiến lược” giữa Mỹ và các nước ASEAN.

Ông Kerry cho biết một trong các đề tài chính của hội nghị thượng đỉnh này là chống lại chủ nghĩa cực đoan bạo động, một việc ông gọi là “một thách thức cấp bách”. Ông nói thêm rằng Thủ tướng Hun Sen đã tỏ ý mong muốn hợp tác với liên minh chống Nhà nước Hồi giáo.

Campuchia là chặng dừng chân thứ nhì trong chuyến công du Á châu của ông Kerry, sau khi viếng thăm nước Lào.

Sau khi rời Campuchia, ông Kerry sẽ tới Trung Quốc. Theo dự liệu, ông sẽ thúc giục Bắc Kinh sử dụng ảnh hưởng của mình để gây sức ép lên Bắc Triều Tiên để đòi Bình Nhưỡng ngưng thử nghiệm vũ khí hạt nhân.

Ngoài ra, ông cũng sẽ nêu lên những mối quan tâm của Washington đối với những vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo đang tiếp diễn ở Biển Đông.

Sáng ngày hôm nay, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ đã đến thăm Viện Bảo tàng Quốc gia Campuchia, nơi có những bộ sưu tập đầy đủ nhất thế giới về văn hoá Khmer. - VOA
|
|

2.
Chứng khoán Á Châu lại tuột dốc

Ngày giao dịch hôm thứ Ba rất có thể sẽ là một ngày khác nữa làm đau đầu giới đầu tư, giữa lúc các thị trường chứng khoán Á Châu gánh chịu thêm một đợt thua lỗ nặng, mà chắc chắn sẽ có tác động tới thị trường toàn cầu.

Thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thẩm Quyến dẫn đầu, mỗi thị trường mất đi 6% vào cuối ngày giao dịch, mức thấp nhất trong vòng 14 tháng.

Tại các thị trường ở Hong Kong và Nhật Bản, giá chứng khoán hạ 2%, trong khi thị trường Đài Loan, Singapore và Thái Lan đều thua lỗ.

Giá chứng khoán sụt giảm trong ngày thứ Ba một lần nữa lại diễn ra sau những thua lỗ trên Phố Wall ngày hôm trước, khi các chỉ số Dow Jones, S&P 500 và NASDAQ đều giảm vì giá dầu một lần nữa lại hạ xuống mức dưới 30 đôla một thùng do mức cung dầu thô trên thị trường toàn cầu quá cao so với nhu cầu, và cũng vì đà phát triển chậm lại tại Trung Quốc.

Hậu quả là giá cổ phần các công ty năng lượng tuột dốc, gây quan ngại trong giới đầu tư về nguy cơ nền kinh tế toàn cầu sẽ bị trì trệ. - VOA
|
|

3.
'Tố cáo tham nhũng nhắm vào Thủ tướng Najib không đúng sự thật'

Bộ trưởng Tư Pháp Malaysia tuyên bố các cáo buộc tham nhũng nhắm vào Thủ tướng Najib Razak liên quan tới vụ chuyển ngân 681 triệu đôla vào trương mục ngân hàng cá nhân của ông là không đúng sự thật. 

Ông Mohamed Apandi Ali hôm 26/1 nói với các nhà báo rằng món tiền ấy đã được gia đình hoàng gia Ả Rập Xê út tặng cho ông Najib vào đầu năm 2013 như một món quà cá nhân. Ông Apandi nói Thủ Tướng Najib đã trả lại cho gia đình hoàng gia 620 triệu đô la bởi vì số tiền ấy chưa được dùng đến. Ông cho biết kết quả điều tra cho thấy vụ nhận tiền đó không phải là một hành vi tham nhũng. 

Tuy nhiên ông không cho biết lý do vì sao gia đình hoàng gia Ả Rập Xê út lại tặng món tiền ấy cho ông Najib, hoặc điều gì đã xảy ra cho số 61 triệu đô la còn lại.

Thủ Tướng Najib Razak đã bị chỉ trích từ năm ngoái liên quan tới các cáo buộc xoay quanh cácngân khoản đã không cánh mà bay tại công ty đầu tư OneMDB do nhà nước sở hữu.

Một cuộc điều tra trước đây do Uỷ hội Chống Tham nhũng Malaysia thực hiện nói rằng món tiền liên hệ là một khoản tiền quyên tặng chính trị từ một mạnh thường quân người Trung Đông không rõ danh tính.

Ông Najib đã cách chức người tiền nhiệm của Bộ trưởng Tư Pháp Apandi, là người đã mở cuộc điều tra về vụ việc này. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Các ứng viên tổng thống ra sức vận động sự ủng hộ của cử tri Iowa --- Các ứng viên đảng Dân chủ nỗ lực vận động cử tri Iowa

Chỉ một tuần trước cuộc họp kín chọn ứng viên đánh dấu sự khởi đầu của tiến trình bầu cử tổng thống Mỹ, các ứng viên của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều đang vận động sự ủng hộ của cử tri. Các kết quả bầu cử ở Iowa và 2 tuần sau ở New Hampshire có thể báo hiệu ứng viên nào có cơ may chiến thắng lớn nhất trong cuộc bầu cử tháng 11. Ông Donald Trump vẫn đang dẫn đầu bên Đảng Cộng hòa, trong khi bà Hillary Clinton đối mặt với cuộc tranh đua khá cam go với đối thủ Bernie Sanders. Theo tường thuật của thông tín viên Zlatica Hoke của đài VOA, lại có thêm một chính trị gia đang cân nhắc tham gia cuộc đua với tư cách ứng viên độc lập.

Ông Trump giữ vững vị trí dẫn đầu trong cuộc đua của Đảng Cộng hòa, bất chấp những lời tuyên bố gây tranh cãi, những phát biểu xúc phạm và điều mà nhiều người coi là thiếu hiểu biết về thời sự và đối ngoại. Với vị thế dẫn đầu đó, ông khoe khoang rằng không ai có thể ngăn ông được. Ông Trump nói:

“Tôi có thể đứng giữa Đại lộ số 5 (ở thành phố New York) và bắn bỏ ai đó mà vẫn sẽ không mất một cử tri nào”.

Một lý do làm ông Trump nổi danh là lập trường cứng rắn của ông về người nhập cư bất hợp pháp.

Bà Donna Nichols, ủng hộ viên của ông Trump ở Iowa, nói: “Với nền kinh tế thế này trong nước, chúng ta không thể trao việc làm cho những người có mặt ở đây mà lại không sẵn sàng đi qua quy trình để đến đây một cách hợp pháp”.

Dù lớn tiếng khoe khoang, ông Trump công nhận giành chiến thắng ở Iowa là điều quan trọng.

Ông nói:“Giờ là lúc quyết định. Tôi muốn thắng ở Iowa, thực sự muốn thắng”.

Thượng nghị sỹ Ted Cruz thua ông Trump hơn 10%, nhưng ông hy vọng ông có thể tạo khác biệt ở Iowa.

Ông Cruz nói: “Nếu chúng ta sát cánh với nhau như lời mở đầu của Hiến pháp, chúng ta sẽ mang trở lại, chúng ta sẽ khôi phục niềm hy vọng cuối cùng, tốt đẹp nhất cho nhân loại – thành phố tỏa sáng đó trên ngọn đồi là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”.

Về phía đảng Dân chủ, Thượng nghị sỹ Bernie Sanders, đại diện tiểu bang Vermont, dường như đang giành được sự ủng hộ tương đương với bà Hillary Clinton ở một số nơi. Ông nhận được nhiều ủng hộ của các cử tri trẻ đang chán chường với kiểu chính trị thường lệ.

Ông Sander phát biểu: “Họ muốn đất nước này đi theo một hướng mới; họ muốn là một phần của cuộc cách mạng chính trị”.

Ông Sanders đã chỉ trích sự bất bình đẳng về thu nhập ngày càng tăng ở Mỹ và ảnh hưởng của tiền bạc lên chính trị.

Một ủng hộ viên của ông Sanders ở Iowa phát biểu như sau:

“Ông ấy không có tài trợ của các công ty lớn. Ông ấy nhận tài trợ của các cá nhân. Ý tôi là bà Hillary Cliton tuy là người thuộc đảng Dân chủ nhưng bà ấy vẫn chấp nhận trò chơi đó. Bà ấy nhận tài trợ từ đủ loại công ty, vì vậy tôi không ủng hộ lắm”.

Tin tức từ New York cho hay cựu thị trưởng của thành phố này, ông Michael Bloomberg, có thể tham gia cuộc đua tranh chức tổng thống nếu ông Sanders trở thành mối đe dọa cho bà Clinton. Nhà tỷ phú trong danh sách những người giàu nhất thế giới nói ông sẽ tự trả tiền cho cuộc vận động của mình và tranh cử như một ứng viên độc lập. - VOA

***
Tối qua, ba đảng viên Dân chủ muốn trở thành tổng thống sắp tới của Hoa Kỳ đã tiến hành các nỗ lực cuối cùng nhằm vận động cử tri ở bang Iowa, nơi cuộc họp kín của bang sẽ bắt đầu vào tuần tới, mở đầu tiến trình kéo dài nhiều tháng, để chọn ra ứng viên chính thức năm 2016 của đảng.

Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton phát biểu trước một cuộc họp lớn do CNN tổ chức rằng bà là một “chiến binh đã thử lửa” và nêu bật kinh nghiệm từng là thành viên Nội các của Tổng thống Barack Obama. Về những lời bình phẩm của Tổng thống Obama rằng bà là người thông minh và có kiến thức về chính sách, bà trả lời như sau:

 “Quý vị biết đấy, người dân ở Iowa này ghi nhớ chúng tôi đã tranh cử đầy gay go chống lại nhau và rồi tôi có cơ hội khi ông ấy mời tôi làm ngoại trưởng của ông ấy. Và điều đó không chỉ là một mối quan hệ công việc tuyệt vời mà còn trở thành một tình bạn thực sự, và ông ấy trực tiếp biết rõ công việc đó vất vả thế nào, vì vậy tôi thực sự trân trọng điều ông ấy nói và cách ông ấy nói ra…”

Bà Clinton, từng là người nhiều tháng đã dẫn đầu rõ rệt trong số các ứng viên Dân chủ, bà Clinton đã vấp phải thách thức trong những tuần gần đây trước Thượng nghị sỹ Bernie Sanders của bang Vermont. Ông Sanders đã gần như xếp hạng ngang bằng với bà Clinton trong các cuộc thăm dò ở Iowa.

Về bà Clinton, ông Sanders nói kinh nghiệm cũng quan trọng với việc làm tổng thống, nhưng đó có thể không phải là tiêu chí quan trọng nhất:

Ông Sanders nói, “Kinh nghiệm có quan trọng, nhưng khả năng đánh giá cũng quan trọng, và quan điểm của tôi là nếu lấy cựu Phó Tổng thống Dick Cheney làm ví dụ, ông ấy cũng có nhiều kinh nghiệm. Song các chính sách đối ngoại của ông ấy chắc chắc là một thảm họa. Vì vậy, kinh nghiệm cũng quan trọng nhưng không phải là điều duy nhất”.

Tụt xa lại phía sau trong các cuộc thăm do là cựu Thống đốc Maryland Martin O’Malley, nhưng ông không tỏ dấu hiệu nào cho thấy nhiệt tình sút giảm trong cuộc tranh cử. Ông nói tại cuộc họp lớn rằng ông “tham gia để chiến thắng”.

Ông O’Malley nói: “Chúng ta đang thấy ngày càng đông người, và nét đẹp của người Iowa là họ không bị dọa dẫm bởi những cuộc thăm dò, bởi các chuyên gia, và họ có quyền mặc nhiên, họ có cảm giác có thể đảo lộn mọi chuyện. Và vì chỉ có 3 chúng tôi trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ, nên chỉ có một người vẫn có thể làm đảo lộn tình hình, cố lên…”

Tiến trình họp kín chọn ứng viên làm cho ông O’Malley trở nên quan trọng đối với kết quả ở Iowa. Nếu ông không nhận được 15% phiếu ủng hộ, ông sẽ bị loại và các ủng hộ viên của ông sẽ tự do lựa chọn giữa bà Clinton hay ông Sanders, có tiềm năng làm xoay chuyển cuộc đua giữa họ.

Các cuộc bầu kín ở Iowa sẽ được tổ chức vào ngày Thứ Hai, 1 tháng 2. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Đặc sứ của ông Tập Cận Bình thăm Việt Nam

Ông Tống Đào, đặc sứ của Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình,  tới thăm Việt Nam và Lào trong khoảng thời gian từ ngày 26/1 – 30/1.

Theo Tân Hoa Xã, ông Tống hiện là Trưởng Ban liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Thông cáo được hãng tin chính thức của nhà nước Trung Quốc không nói rõ mục đích của chuyến công du này, nhưng nó diễn ra đúng dịp hai quốc gia Đông Nam Á đang tiến hành kỳ đại hội quan trọng, bầu chọn lãnh đạo đất nước.

Đại hội đảng cộng sản Lào đầu tuần này đã bầu ông Bounnhang Vorachit, 78 tuổi, vào chức Tổng bí thư.

Chính quyền Vientiane được coi là có quan hệ kinh tế và ngoại giao gần gũi với nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc.

Trong khi đó tại Việt Nam, Đại hội 12 đã bầu ông Nguyễn Phú Trọng vào Ban chấp hành Trung ương Đảng với số phiếu cao tới hơn 80%, và gần như chắc chắn vị lãnh đạo 72 tuổi này sẽ tiếp tục giữ chức Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam.

Trong khi đó, nhận định về Đại hội đảng ở Việt Nam, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm thứ Sáu tuần trước nói rằng, “là một láng giềng, bạn hữu, đồng chí và đối tác tốt của Việt Nam, chúng tôi mong thúc đẩy mối quan hệ chiến lược sang một gian đoạn mới dựa trên tình láng giềng hữu hảo, suy nghĩ hướng về phía trước và ổn định lâu dài”.

Trong khi đó, nhận định về Đại hội đảng ở Việt Nam, một tờ báo có tư tưởng dân tộc cực đoan của Trung Quốc tuyên bố rằng chỉ khi nào bùng ra cuộc đụng độ lớn giữa Hà Nội và Bắc Kinh thì Việt Nam mới buộc phải mưu tìm mối quan hệ quân sự gần gũi hơn nữa với Hoa Kỳ.

Hoàn cầu Thời báo sau đó đi tới kết luận rằng “vì thế, mối quan hệ Việt – Mỹ trong tương lai phụ thuộc vào diễn biến ở biển Đông”.

Trong bài bình luận dài hơn 600 chữ, ấn phẩm của tờ Nhân dân Nhật Báo thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc nói thêm rằng Mỹ đã sử dụng “lá bài biển Đông”, và trong chiến lược hướng về châu Á – Thái Bình Dương, Washington cần Việt Nam nên đã phớt lờ chuyện Việt Nam là một quốc gia theo đường lối xã hội chủ nghĩa. - VOA
|
|

6.
Đại hội Đảng 12: Công bố danh sách Ban chấp hành Trung ương mới

Hôm nay, 26/01/2016, các đại biểu dự Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 đã bầu một Ban chấp hành Trung ương khóa mới, với 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết. Danh sách Ban chấp hành mới này ngay sau đó đã được công bố.

Cuộc bỏ phiếu bầu Ban chấp hành Trung ương mới được tiến hành sau khi hôm qua, Đại hội Đảng đã bỏ phiếu thuận cho thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, một nhân vật được cho là chủ trương cải tổ, rút khỏi danh sách đề cử.

Mặc dù đã được Đại hội hôm Chủ nhật (24/01) đề cử bổ sung vào danh sách ứng cử Ban Chấp hành, nhưng theo quy định, do không được Ban Chấp hành Trung ương củ giới thiệu, ông Dũng đã buộc phải không nhận đề cử của Đại hội và chính các đại biểu sẽ quyết định cho thủ tướng Việt Nam rút khỏi danh sách đề cử hay không.

Ông Dũng bị loại, như vậy ông Nguyễn Phú Trọng, một nhân vật thuộc xu hướng bảo thủ, sẽ giữ nguyên chiếc ghế tổng bí thư Đảng, vì ông là người duy nhất được Bộ Chính trị cũ đề cử cho chức vụ lãnh đạo tối cao này. Bộ Chính trị khóa mới và tân tổng bí thư sẽ được các ủy viên Ban chấp hành bầu ra vào ngày mai, 27/01.

Trong danh sách Ban Chấp hành Trung ương mới không có 14 bộ trưởng hoặc quan chức mang hàm bộ trưởng của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Về phần ông Nguyễn Tấn Dũng, sau khi bị loại khỏi cuộc đua giành chức tổng bí thư, sẽ chính thức rời khỏi chức vụ thủ tướng sau khi Quốc hội Việt Nam bầu một lãnh đạo chính phủ mới vào tháng 5 hoặc tháng 6 năm nay. Một ủy viên ban chấp hành trung ương các hđây hai ngày xác nhận rằng nhân vật được Ban Chấp hành Trung ương khóa cũ đề nghị vào chức vụ thủ tướng là ông Nguyễn Xuân Phúc, hiện là Phó thủ tướng.

Hiện giờ chưa rõ là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có sẽ đại diện Việt Nam dự hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN ở California vào tháng tới hay không.

DANH SÁCH ỦY VIÊN BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XII

I. Ủy viên Trung ương chính thức

1 NGUYỄN HOÀNG ANH - Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng

2 CHU NGỌC ANH - Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ

3 NGUYỄN THÚY ANH - Phó Chủ nhiệm Các vấn đề xã hội của QH

4 TRẦN TUẤN ANH - Thứ trưởng Bộ Công thương

5 NGUYỄN XUÂN ANH - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng

6 HÀ BAN - Phó trưởng Ban Tổ chức TƯ

7 NGUYỄN HÒA BÌNH - Viện trưởng VKSNDTC

8 TRƯƠNG HÒA BÌNH - Chánh án TANDTC

9 DƯƠNG THANH BÌNH - Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau

10 NGUYỄN THANH BÌNH - Phó Trưởng Ban Tổ chức TƯ

11 PHAN THANH BÌNH - Giám đốc Đại học quốc gia Hồ Chí Minh

12 NGUYỄN VĂN BÌNH - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

13 TẤT THÀNH CANG - Phó bí thư Thành ủy TP.HCM

14 BÙI MINH CHÂU - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ

15 LÊ CHIÊM - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

16 HÀ NGỌC CHIẾN - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH

17 NGUYỄN NHÂN CHIẾN - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh

18 ĐỖ VĂN CHIẾN - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc

19 TRỊNH VĂN CHIẾN - Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá

20 HOÀNG XUÂN CHIẾN - Thiếu tướng Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

21 PHẠM MINH CHÍNH - Phó trưởng Ban Tổ chức TƯ

22 MAI VĂN CHÍNH - Phó trưởng Ban Tổ chức TƯ

23 NGUYỄN ĐỨC CHUNG - Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội

24 LÊ VIẾT CHỮ - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi

25 NGUYỄN TÂN CƯƠNG - Thiếu tướng - Tư lệnh Quân khu 4

26 LƯƠNG CƯỜNG - Thượng tướng - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND VN

27 NGUYỄN PHÚ CƯỜNG - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai

28 TRẦN QUỐC CƯỜNG - Phó bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk

29 BÙI VĂN CƯỜNG - Bí thư Đảng uỷ khối doanh nghiệp TƯ

30 PHAN VIỆT CƯỜNG - Phó bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam

31 NGUYỄN XUÂN CƯỜNG - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

32 NGUYỄN VĂN DANH - Bí thư, Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang

33 NGUYỄN HỒNG DIÊN - Phó bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình

34 LÊ DIỄN - Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông

35 NGUYỄN VĂN DU - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Cạn

36 ĐÀO NGỌC DUNG - Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan TƯ

37 NGUYỄN CHÍ DŨNG - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư

38 TRỊNH ĐÌNH DŨNG - Bộ trưởng Xây dựng

39 ĐINH TIẾN DŨNG - Bộ trưởng Tài chính

40 MAI TIẾN DŨNG - Bí thư, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam

41 TRẦN TRÍ DŨNG - Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh

42 VÕ VĂN DŨNG - Phó trưởng Ban Nội chính TƯ

43 PHAN XUÂN DŨNG - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của QH

44 LÊ XUÂN DUY - Thiếu tướng - Phó Tư lệnh Quân khu 2

45 NGUYỄN QUANG DƯƠNG - Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp TƯ

46 VŨ ĐỨC ĐAM - Phó Thủ tướng Chính phủ

47 HUỲNH THÀNH ĐẠT - Phó GĐ thường trực Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh

48 NGUYỄN KHẮC ĐỊNH - Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

49 TRẦN ĐƠN - Trung tướng - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

50 PHAN VĂN GIANG - Trung tướng - Tư lệnh Quân khu 1

51 NGUYỄN VĂN GIÀU - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội

52 PHẠM HỒNG HÀ - Thứ trưởng Bộ Xây dựng

53 TRẦN HỒNG HÀ - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường

54 NGUYỄN THỊ THU HÀ - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

55 NGUYỄN ĐỨC HẢI - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TƯ

56 NGUYỄN THANH HẢI - Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của QH

57 HOÀNG TRUNG HẢI - Phó Thủ tướng Chính phủ

58 BÙI VĂN HẢI - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang

59 NGÔ THỊ THANH HẰNG - Phó bí thư thường trực Thành uỷ Hà Nội

60 NGUYỄN MẠNH HIỂN - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương

61 PHÙNG QUỐC HIỂN - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của QH

62 BÙI THỊ MINH HOÀI - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TƯ

63 LÊ MINH HOAN - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Đồng Tháp

64 VƯƠNG ĐÌNH HUỆ - Trưởng Ban Kinh tế TƯ

65 LÊ MẠNH HÙNG - Phó Bí thư Đảng uỷ khối các cơ quan TƯ

66 NGUYỄN MẠNH HÙNG - Tổng Giám đốc Vietel

67 LỮ VĂN HÙNG - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang

68 NGUYỄN VĂN HÙNG - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị

69 NGUYỄN VĂN HÙNG - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum

70 ĐINH THẾ HUYNH - Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ

71 LÊ MINH HƯNG - Phó Chánh Văn phòng TƯ Đảng

72 THUẬN HỮU - Tổng biên tập báo Nhân dân

73 LÊ MINH KHÁI - Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu

74 NGUYỄN ĐÌNH KHANG - Phó bí thư Tỉnh ủy Hà Giang

75 TRẦN VIỆT KHOA - Phó giám đốc Học viện Quốc phòng

76 ĐIỂU KRÉ - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông

77 NGUYỄN THẾ KỶ - Phó Ban Tuyên giáo TƯ

78 HOÀNG THỊ THÚY LAN - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc

79 TÔ LÂM - Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an

80 CHẨU VĂN LÂM - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tuyên Quang

81 HẦU A LỀNH - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc

82 NGÔ XUÂN LỊCH - Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị QĐNDVN

83 NGUYỄN HỒNG LĨNH - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

84 LÊ THÀNH LONG - Thứ trưởng Bộ Tư pháp

85 NGUYỄN ĐỨC LỢI - Tổng Giám đốc TTXVN

86 NGUYỄN VĂN LỢI - Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước

87 VÕ MINH LƯƠNG - Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 7

88 UÔNG CHU LƯU - Phó Chủ tịch Quốc hội

89 LÊ TRƯỜNG LƯU - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế

90 TRƯƠNG THỊ MAI - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH

91 PHAN VĂN MÃI - Phó bí thư Tỉnh ủy Bến Tre

92 TRẦN THANH MẪN - Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ VN

93 PHẠM BÌNH MINH - Phó Thủ tướng Chính phủ

94 TRẦN BÌNH MINH - Tổng Giám đốc Đài Truyền hình VN

95 CHÂU VĂN MINH - Chủ tịch Viện Hàn lâm và khoa học VN

96 LẠI XUÂN MÔN - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân Việt Nam

97 GIÀNG PÁO MỶ - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lai Châu

98 PHẠM HOÀI NAM - Chuẩn đô đốc - Tư lệnh Quân chủng Hải quân

99 NGUYỄN PHƯƠNG NAM - Trung tướng, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN

100 BÙI VĂN NAM - Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an

101 TRẦN VĂN NAM - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương

102 NGUYỄN VĂN NÊN - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

103 LÊ THỊ NGA - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

104 NGUYỄN THỊ KIM NGÂN - Phó Chủ tịch Quốc hội

105 NGUYỄN THANH NGHỊ - Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang

106 TRƯƠNG QUANG NGHĨA - Phó trưởng Ban Kinh tế TƯ

107 NGUYỄN TRỌNG NGHĨA - Trung tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND VN

108 PHÙNG XUÂN NHẠ - Giám đốc ĐHQG Hà Nội

109 NGUYỄN THIỆN NHÂN - Chủ tịch UBTƯ MTTQ VN

110 CAO ĐỨC PHÁT - Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

111 ĐOÀN HỒNG PHONG - Bí thư Tỉnh ủy Nam Định

112 NGUYỄN THÀNH PHONG - Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM

113 TÒNG THỊ PHÓNG - Phó Chủ tịch QH

114 HỒ ĐỨC PHỚC - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An

115 NGUYỄN HẠNH PHÚC - Chủ nhiệm Văn phòng QH

116 NGUYỄN XUÂN PHÚC - Phó Thủ tướng Chính phủ

117 VÕ VĂN PHUÔNG - Phó trưởng Ban Tuyên giáo TƯ

118 TRẦN QUANG PHƯƠNG - Trung tướng, Chính uỷ Quân khu 5

119 TRẦN ĐẠI QUANG - Đại tướng, Bộ trưởng Công an

120 HOÀNG ĐĂNG QUANG - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình

121 LÊ HỒNG QUANG - Phó bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang

122 TRẦN LƯU QUANG - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh

123 LÊ THANH QUANG - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hoà

124 HOÀNG BÌNH QUÂN - Trưởng Ban Đối ngoại TƯ

125 PHẠM VĂN RẠNH - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long an

126 TRẦN VĂN RÓN - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long

127 VŨ HẢI SẢN - Thiếu tướng - Tư lệnh Quân khu 3

128 PHAN VĂN SÁU - Phó trưởng Ban Kinh tế TƯ

129 LÊ ĐÌNH SƠN - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh

130 BÙI THANH SƠN - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

131 NGUYỄN THANH SƠN - Phó Chủ nhiệm UB đối ngoại của Quốc hội

132 TRẦN VĂN SƠN - Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên

133 THÀO XUÂN SÙNG - Phó trưởng Ban Dân vận TƯ

134 ĐỖ TIẾN SỸ - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hưng Yên

135 LÊ VĨNH TÂN - Thứ trưởng Bộ Nội vụ

136 NGUYỄN ĐỨC THANH - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận

137 VŨ HỒNG THANH - Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh

138 LÂM THỊ PHƯƠNG THANH - Phó trưởng Ban Tuyên giáo TƯ

139 TRẦN SỸ THANH - Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn

140 NGUYỄN THỊ THANH - Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình

141 PHẠM VIẾT THANH - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng không VN

142 LÊ VĂN THÀNH - Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng

143 NGUYỄN VĂN THÀNH - Thứ trưởng Bộ Công an

144 ĐINH LA THĂNG - Bộ trưởng Bộ GTVT

145 HUỲNH CHIẾN THẮNG - Thiếu tướng - Chính uỷ Quân khu 4

146 SƠN MINH THẮNG - Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc

147 NGUYỄN XUÂN THẮNG - Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH VN

148 NGUYỄN VĂN THỂ - Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng

149 NGUYỄN NGỌC THIỆN - Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch

150 ĐẶNG THỊ NGỌC THỊNH - Phó chánh Văn phòng TƯ Đảng

151 LÊ THỊ THỦY - Phó tổng Thanh tra Chính phủ

152 VÕ VĂN THƯỞNG - Phó bí thư Thành uỷ TP.HCM

153 NGUYỄN XUÂN TIẾN - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng

154 BÙI VĂN TỈNH - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoà Bình

155 TRẦN QUỐC TỎ - Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên

156 PHẠM THỊ THANH TRÀ - Phó bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái

157 PHAN ĐÌNH TRẠC - Phó trưởng ban thường trực Ban Nội chính TƯ

158 DƯƠNG VĂN TRANG - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai

159 LÊ MINH TRÍ - Phó trưởng Ban Nội chính TƯ

160 NGUYỄN PHÚ TRỌNG - Tổng bí thư

161 LÊ HOÀI TRUNG - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

162 TRẦN QUỐC TRUNG - Bí thư Thành uỷ Cần Thơ

163 ĐÀO VIỆT TRUNG - Chủ nhiệm VP CTN

164 MAI TRỰC - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TƯ

165 BẾ XUÂN TRƯỜNG - Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

166 TRẦN CẨM TÚ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TƯ

167 TRƯƠNG MINH TUẤN - Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông

168 NGUYỄN THANH TÙNG - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định

169 TRẦN VĂN TÚY - Phó trưởng Ban Công tác đại biểu của QH

170 ĐỖ BÁ TỴ - Đại tướng, Tổng Tham mưu trưởng QĐND VN

171 HUỲNH TẤN VIỆT - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên

172 VÕ TRỌNG VIỆT - Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

173 NGUYỄN ĐẮC VINH - Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn

174 TRIỆU TÀI VINH - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang

175 NGUYỄN CHÍ VỊNH - Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

176 LÊ HUY VỊNH - Trung tướng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân

177 NGUYỄN VĂN VỊNH - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lào Cai

178 LÊ QUÝ VƯƠNG - Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an

179 TRẦN QUỐC VƯỢNG - Chánh Văn phòng TƯ Đảng

180 VÕ THỊ ÁNH XUÂN - Bí thư Tỉnh ủy An Giang

II. Ủy viên Trung ương dự khuyết

1  NGUYỄN HỮU ĐÔNG - Phó bí thư thường trực Tỉnh uỷ Phú Thọ

2  NGÔ ĐÔNG HẢI - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định

3  NGUYỄN VĂN HIẾU - Bí thư Quận uỷ quận 2, TP.HCM

4  ĐOÀN MINH HUẤN - Giám đốc Học viện Chính trị khu vực 1, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

5  Y THANH HÀ NIÊ KDĂM - Bí thư Thành uỷ Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk

6  ĐẶNG QUỐC KHÁNH - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh

7  ĐÀO HỒNG LAN - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH

8  LÂM VĂN MẪN - Phó Bí thư - Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng

9  HỒ VĂN NIÊN - Phó bí thư Tỉnh ủy Gia Lai

10  NGUYỄN HẢI NINH - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk

11  LÊ QUỐC PHONG - Bí thư TƯ Đoàn Thanh niên

12  CHÂU THỊ MỸ PHƯƠNG - Bí thư Huyện uỷ Cai Lậy, Tiền Giang

13  BÙI NHẬT QUANG - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận

14  THÁI THANH QUÝ - Bí thư Huyện uỷ Nam Đàn, tỉnh Nghệ An

15  BÙI CHÍ THÀNH - Bí thư Huyện uỷ Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

16  VŨ ĐẠI THẮNG - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam

17  NGUYỄN VĂN THẮNG - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Công thương VN

18  NGUYỄN KHẮC TOÀN - Bí thư Thành uỷ Cam Ranh, Khánh Hòa

19  LÊ QUANG TÙNG - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

20  BÙI THỊ QUỲNH VÂN - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ Quảng Ngãi, Bí thư Huyện uỷ Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. - RFI

No comments:

Post a Comment