Sunday, January 17, 2016

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 17/1

Tin Thế Giới

1.
Tân tổng thống Đài Loan kêu gọi tự do hàng hải tại Biển Đông --- Trung Quốc kêu gọi Đài Loan "bỏ ảo vọng" độc lập

Trong diễn văn chào mừng chiến thắng của đảng Dân Tiến trong cuộc bầu cử tổng thống và Nghị viện Đài Loan ngày hôm qua 16/01/2016, tổng thống mới đắc cử Thái Anh Văn không dấu lập trường cứng rắn với Hoa Lục: tự do hàng hải tại Biển Đông phải được tôn trọng và Đài Bắc sẽ tiếp tục "thắt chặt" quan hệ với Tokyo.

Đêm hôm qua tại Đài Bắc, tổng thống tân cử Thái Anh Văn tuyên bố : đây là một bằng chứng mới của nền dân chủ đã bắt rễ tại Đài Loan, người dân đã bầu chọn một chính phủ biết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Từ Đài Bắc, đặc phái viên Heike Schmidt tường thuật:

"Từ nay, màu cờ chính trị của Đài Loan không còn là màu xanh nước biển của Quốc Dân đảng mà đã được thay thế bằng màu xanh lục của Dân Tiến đảng. Theo Ủy ban bầu cử, bà Thái Anh Văn đã đánh bại đối thủ Chu Lập Luân (Eric Chu) với tỷ lệ theo thứ tự 56,12% và 31,04%, một thảm bại lịch sử của Quốc Dân đảng.

Đây là lần đầu tiên đối lập Đài Loan vừa lấy được ghế tổng thống vừa chiếm đa số tuyệt đối tại Viện lập pháp (Nghị viện). Trong tổng số 113 ghế dân biểu, đảng Dân Tiến thắng 68 ghế, Quốc Dân đảng chỉ còn 35.

Bà Thái Anh Văn, được coi như là ''Angela Merkel của Châu Á'' , một nữ chính trị gia được mô tả là dè dặt, nhưng cương quyết, sẽ có rộng quyền tiến hành một đường lối cứng rắn với Hoa lục. Hòn đảo nhỏ chỉ nằm cách lục địa có 180 km không muốn để cho anh láng giềng khổng lồ dọa nạt. Cử tri Đài Loan đã đồng ý bằng lá phiếu.

Nền dân chủ non trẻ này từ nay sẽ giữ khoảng cách với Trung Quốc cho dù Bắc Kinh bố trí hơn 1600 tên lửa đe dọa ''hòn đảo nổi loạn''.

Tuy nhiên, cũng không phải vì thế mà Đài Loan sẽ cắt đứt quan hệ với Hoa Lục, bởi vì Trung Quốc là bạn hàng số một, nhập khẩu đến 40% hàng hóa xuất khẩu của Đài Loan".

Phản ứng quốc tế 

Hoa Kỳ chào mừng chiến thắng của đối lập Đài Loan. Theo Reuters, Bộ ngoại giao Mỹ nhận định kết quả bầu cử tổng thống hôm thứ bảy chứng tỏ Đài Loan là một "nền dân chủ vững chắc" và mong sớm hợp tác với chính quyền mới của tân tổng thống. 

Nhật Bản, qua lời ngoại trưởng Fumio Kishada, "nồng nhiệt chào mừng chiến thắng của bà Thái Anh Văn" và nhấn mạnh "củng cố hợp tác với đối tác quan trọng và cũng là thân hữu quý báu của Nhật Bản".

***
Sau khi, lãnh đạo đảng Dân Tiến đắc cử tổng thống, ngày 16/01/2016, Tân Hoa Xã kêu gọi Đài Loan "bỏ ảo vọng" độc lập. Hoàn Cầu Thời Báo, thuộc xu hướng diều hâu đe dọa : Đài Loan sẽ "đụng vào ngõ cụt nếu tìm cách vượt làn ranh đỏ".

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: "vấn đề Đài Loan là chuyện nội bộ của Trung Quốc. Bà Thái Anh Văn đắc cử không làm thay đổi gì, vì trên thế giới chỉ có một nước Trung Quốc. Trung Quốc sẽ không tha thứ để mất chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ". Tuy nhiên, theo Reuters, nếu so với lần đầu tiên đảng Dân Tiến thắng cử vào năm 2000 với tổng thống Trần Thủy Biển, phản ứng lần này của Bắc Kinh được xem là khá chừng mực.

Từ Thượng Hải, thông tín viên Delphine Sureau tường thuật:

""Người dân Đài Loan đã chọn bà Thái Anh Văn, chứ không phải nền độc lập'', đây là hàng tít lớn trên tờ Hoàn cầu thời báo trong số ra sáng hôm nay. Như để trấn an và giảm thiểu quy mô của cuộc bầu cử tổng thống lần này, tờ nhật báo của đảng Cộng Sản đã nhắc lại sự thận trọng của nữ tân tổng thống trong chiến dịch tranh cử, cũng như quan điểm ''giữ nguyên hiện trạng'' của bà. Tờ báo cảnh báo: độc lập là một viễn cảnh không thể xảy ra.

Chính bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nhắc lại ý trên vào tối muộn ngày hôm qua. Phát ngôn viên Hồng Lỗi tuyên bố: Chỉ có một nước Trung Hoa duy nhất trên thế giới, gồm cả đại lục và Đài Loan. Ông nói thêm : Chính phủ Trung Quốc ''phản đối'' mọi hình thức độc lập.

Hai tháng sau cái bắt tay lịch sử giữa chủ tịch Tập Cận Bình và tổng thống mãn nhiệm Mã Anh Cửu, Bắc Kinh lo ngại là sự xích lại gần nhau giữa hai bờ eo biển Đài Loan sẽ bị đưa ra xem xét lại. Chính phủ Trung Quốc luôn hy vọng lấy lại Đài Loan, dù phải dùng tới cả vũ lực. Vì vậy, chính quyền đã thiết lập biện pháp kiểm duyệt nhằm giảm thiểu chiến thắng của đảng Dân Tiến. Mục đích là ngăn chặn người sử dụng internet đưa ra phản ứng và bình luận. Trên mạng Weibo, được coi là twitter Trung Quốc, các tìm kiếm về bà Thái Anh Văn hoàn toàn bị ngăn chặn".

Giới tranh đấu Hồng Kông kêu gọi hợp tác mạnh hơn với Đài Loan

Về phía Hồng Kông, sau khi bà Thái Anh Văn đắc cử tổng thống, các lãnh đạo sinh viên phong trào Ô vàng - đòi bầu cử trực tiếp người đứng đầu đặc khu - kêu gọi gia tăng quan hệ với Đài Loan. Trong một cuộc họp báo tại Đài Bắc, Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), một trong các thủ lĩnh của phong trào sinh viên, tuyên bố: "Dù là vấn đề chủ quyền của Đài Loan hay tương lai của Hồng Kông, tất cả chúng ta đều phải đối mặt với Trung Quốc".

Giống như Đài Loan, với phong trào Hoa hướng dương, thế hệ tranh đấu trẻ của Hồng Kông trưởng thành qua phong trào Ô vàng năm 2014. Hôm qua, năm nhà tranh đấu Đài Loan thuộc đảng Quyền Lực Mới (New Power Party), xuất thân từ phong trào Hoa hướng dương, đã đắc cử dân biểu. Trước đó, hồi tháng 11/2015, nhiều nhà tranh đấu của phong trào Ô vàng cũng đắc cử trong một số cuộc bầu cử địa phương ở Hồng Kông. Ông Alex Chu, một lãnh đạo phong trào Ô vàng Hồng Kông kêu gọi hợp tác mạnh hơn giữa Hồng Kông và Đài Loan trong mọi lĩnh vực. Ông nói: "Chúng ta phải đối mặt với cùng một đe dọa, chúng ta đều phải bảo vệ xứ sở của chúng ta, vận mệnh của chúng ta". - RFI
|
|

2.
Quốc tế bỏ cấm vận kinh tế với Iran

Cấm vận quốc tế đối với Iran vừa được gỡ bỏ sau khi Tehran đã thực thi thoả thuận hạn chế phát triển vũ khí hạt nhân.

Người phụ trách đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini, nói rằng thoả thuận này sẽ đóng góp vào quá trình cải thiện hoà bình và an ninh của khu vực và quốc tế.

Thoả thuận lịch sử giữa Iran và các cường quốc được thống nhất hồi tháng Bảy năm ngoái.

Bỏ cấm vận có nghĩa là bỏ phong toả hàng tỷ đôla tài sản của Iran đồng thời cho phép nước này bán dầu ra thị trường quốc tế.

Cơ quan Nguyên tử năng Liên Hiệp Quốc, IAEA, cho hay các thanh tra viên đã xác nhận là Tehran thực thi đầy đủ các yêu cầu.

Một trong số đó là Iran phải giảm đáng kể số lò phản ứng ly tâm và tháo bỏ lò phản ứng nước nặng gần thị trấn Ẩk. Cả hai loại này đều có thể sử dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Iran luôn luôn khẳng định chỉ phát triển hạt nhân vì mục tiêu hoà bình, thế nhưng giới chỉ trích, trong đó có một số nghị sỹ Cộng hoà Mỹ, thì cho rằng Tehran chưa đủ nỗ lực để thuyết phục quốc tế rằng nước này không chế tạo bom nguyên tử.

Đoàn tụ gia đình

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã ra lệnh bỏ cấm vận kinh tế chống Iran.

Phát biểu tại Vienna, nơi ông đã có thảo luận với người đồng nhiệm Iran, ông Kerry nói rằng Tehran đã có "các bước quan trọng" mà nhiều người từng nghi ngờ liệu có bao giờ được đưa ra hay không.

Trước đó, vào thứ Bảy 16/1, tin cho hay là Iran đã trả tự do cho phóng viên báo Washington Post Jason Rezaian và ba tù nhân Mỹ gốc Iran theo thoả thuận trao đổi tù nhân với Hoa Kỳ.

Ông Rezaian, 39 tuổi, bị bắt vì một số tội trong có tội làm gián điệp, hồi tháng 11 năm ngoái.

Một người khác, Matthew Trevithick, đã được thả hôm 16/1.

Hoa Kỳ cho hay sẽ ân xá cho bảy người Iran hiện đang bị giam vì vi phạm lệnh cấm vận ở nước này.

Ông Kerry tuyên bố ông "rất mừng là trong lúc này đây, năm người Mỹ đang được trả tự do và lên đường về đoàn tụ với gia đình".

Ông nói Tổng thống Barack Obama sẽ cho biết thêm chi tiết về các vụ phóng thích.

IAEA nói đã lắp đặt thiết bị tại cơ sở Natanz nhằm giám sát hoạt động làm giàu uranium của Ỉan, với mục đích chứng thực rằng mức độ làm giàu nằm dưới 3,67% như đã thống nhất.

Giám đốc IAEA, Yukiya Amano, sẽ tới Tehran vào Chủ nhật 17/1 để gặp Tổng thống Rouhani và các quan chức khác. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Tổng thống Obama đề cao ngoại giao sau những diễn biến lịch sử với Iran

Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng nhờ "ngoại giao mạnh mẽ của Mỹ" mà đạt được những thành tựu cột mốc mới với Iran trong khoảng thời gian 24 giờ qua, bao gồm sự xác nhận rằng Tehran đã kiềm chế đáng kể chương trình hạt nhân của mình, phóng thích những tù nhân Mỹ và giải quyết một tranh chấp tài chính kéo dài 30 năm qua.

Tổng thống phát biểu vào Chủ nhật sau khi nhận được sự xác nhận rằng cả năm người Mỹ được Iran trả tự do đã rời khỏi nước này.

"Hôm nay là một ngày tốt lành," ông Obama phát biểu trên truyền hình toàn quốc. Sau khi sử dụng biện pháp ngoại giao để giao tiếp trực tiếp với Iran "Chúng ta đã nhìn thấy kết quả," ông nói.

Vào ngày thứ Bảy, Hoa Kỳ và năm cường quốc thế giới khác đã dỡ bỏ những chế tài đối với Iran sau khi một báo cáo của cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc nói rằng Tehran đã hoàn thành những cam kết cắt giảm chương trình hạt nhân của mình.

Việc dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt cho phép Iran tiếp cận nguồn tiền từ 50 đến 100 tỉ đôla, theo những quan chức cao cấp của chính quyền.

Mỹ cho biết Iran đã loại bỏ hai phần ba số máy ly tâm tinh chế uranium, vận chuyển ra nước ngoài hơn 98 phần trăm nguồn dự trữ uranium được tinh chế và sẽ phải chịu những cuộc thanh sát và sự tiếp cận chưa từng có đối với chương trình hạt nhân của mình. Nếu Iran tìm cách bí mật chế tạo một quả bom, "chúng ta sẽ phát giác ngay," Tổng thống nói. "Khu vực này, Hoa Kỳ, và thế giới sẽ an toàn hơn."

Các kênh liên lạc

Quá trình ngoại giao lâu dài và khó khăn để thương thuyết thỏa thuận hạt nhân với Iran đã mở ra những kênh liên lạc lần đầu tiên trong nhiều thập niên qua và những cơ hội mới cho hai quốc gia giao tiếp về những vấn đề trọng yếu khác, theo lời giới chức cao cấp của chính quyền.

Mối quan hệ ngoại giao được thiết lập giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người tương nhiệm của Iran Javad Zarif trong những cuộc đàm phán hạt nhân được cho là đã góp phần đưa tới việc phóng thích nhanh chóng những thủy thủ của Mỹ bị Iran câu lưu ở Vịnh Ba Tư vào tuần trước.

Sự giao tiếp lịch sử này cũng dẫn tới việc phóng thích năm người Mỹ bị Iran giam giữ một cách bất công, Tổng thống Obama nói.

"Sau khi hoàn tất thỏa thuận hạt nhân, các cuộc thảo luận giữa chính phủ hai nước chúng ta đã tăng tốc," ông Obama nói, tạo điều kiện cho việc phóng thích những tù nhân Mỹ trong một cuộc trao đổi tù nhân vào ngày thứ Bảy.

Những cựu tù nhân bao gồm Jason Rezaian, một ký giả của báo The Washington Post; Saeed Abedini, mục sư ở bang Idaho bị giam cầm hơn ba năm nay; cựu trung sĩ Thủy quân lục chiến Amir Hekmati ở bang Michigan bị giam cầm hơn bốn năm nay; Nosratollah Khosravi-Roodsari, và sinh viên Matthew Trevithick.

Đổi lại, Mỹ khoan hồng sáu người Mỹ gốc Iran và một công dân Iran đang chờ xét xử về cáo buộc vi phạm những chế tài thương mại của Mỹ nhắm vào Iran.

Mỹ và Iran sẽ tăng cường phối hợp trong việc tìm kiếm Robert Levinson, người đã bị mất tích ở Iran hơn tám năm qua.

Sau khi thỏa thuận hạt nhân Iran được thực thi và tù nhân được phóng thích, ông Obama cho biết hai nước đã dàn xếp một yêu cầu bồi thường của chính phủ Iran đối với Mỹ có từ hơn ba thập niên nay. Giới chức cao cấp của chính quyền nói rằng sự dàn xếp này có thể tiết kiệm hàng tỉ đôla cho Mỹ.

Tổng thống cũng trực tiếp phát biểu tới người dân Iran. Ông nói: "Nền văn minh của các bạn là một nền văn minh vĩ đại." Nhưng trong nhiều thập niên qua Iran đã gây mất ổn định khu vực và cô lập mình khỏi phần lớn thế giới. "Sau thỏa thuận hạt nhân, các bạn - đặc biệt là những người Iran trẻ tuổi - có cơ hội để bắt đầu xây dựng mối quan hệ mới với thế giới."

Chế tài mới

Cũng hôm Chủ nhật, Bộ Tài chính Mỹ áp đặt những chế tài mới nhắm vào năm cá nhân và một số công ty vì có liên hệ tới chương trình phi đạn đạn đạo của Tehran.

"Thỏa thuận hạt nhân không bao giờ có chủ định giải quyết tất cả những khác biệt của chúng ta với Iran," Tổng thống nói. "Chúng ta sẽ tiếp tục thực thi những chế tài một cách quyết liệt," ông nói thêm về những biện pháp trừng phạt phi đạn.

Trước đó hôm Chủ nhật, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói nước Cộng hòa Hồi giáo này đã bước vào một "chương mới" trong lịch sử của mình trong một bài phát biểu ca ngợi việc dỡ bỏ những chế tài của quốc tế hôm Chủ nhật đối với những hoạt động hạt nhân của Iran.

Một quan chức cao cấp của chính quyền Mỹ hôm Chủ nhật nói rằng Mỹ tiếp tục có "những khác biệt sâu sắc" với Iran về sự hỗ trợ của nước này đối với những kẻ khủng bố, những hành động gây mất ổn định trong khu vực, những vi phạm nhân quyền và cách thức chấm dứt cuộc chiến ở Syria.

Các cường quốc thế giới đang tổ chức những cuộc hội đàm tại Vienna về việc làm thế nào để chấm dứt chiến tranh và mang lại một tiến trình chuyển tiếp chính trị tại Syria. Mỹ và Iran vẫn chia rẽ sâu sắc về việc liệu Tổng thống Syria Bashar al-Assad có đóng bất kỳ vai trò nào trong tương lai chính trị của Syria hay không. Mỹ tin rằng chiến tranh sẽ không kết thúc chừng nào ông Assad vẫn còn nắm quyền. - VOA
|
|

4.
Phóng vệ tinh Pháp-Mỹ để giải mã các hiện tượng thời tiết cực đoan

Tập đoàn không gian Space X Hoa Kỳ chuẩn bị một phóng vệ tinh do Pháp, Châu Âu và Mỹ hợp tác, để nghiên cứu về các tương tác giữa khí hậu bị hâm nóng với các hiện tượng thời tiết cực đoan, thông qua biến đổi trên bề mặt đại dương.

Theo người phụ trách chương trình này, thuộc NOAA (Cơ quan đại dương và khí quyển Mỹ), « nhiệm vụ số một của Jason 3 là nghiên cứu vận chuyển của đại dương và mực nước biển ». Ông Laury Miller, phụ trách khoa học của vệ tinh Jason, thuộc NOAA, giải thích với báo giới, « mực nước biển dâng cao là biểu hiện rõ ràng nhất của việc khí hậu bị hâm nóng », nghiên cứu hiện tượng này cho phép « dự báo được các cơn bão nhiệt đới, sự tái xuất hiện của các dòng chảy nóng của El Nino trên Thái Bình Dương, và nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan khác ». Theo ông, « hơn 90% năng lượng bị kẹt lại trên bề mặt trái đất tập trung vào các đại dương, và đây có thể là nguyên nhân chủ yếu nhất của biến đổi khí hậu ».

Tên lửa đẩy Flacon 9 dự kiến sẽ được phóng vào 18 giờ 42 phút, giờ quốc tế hôm nay, 17/01/2016, tại sân bay vũ trụ Vanderberg, California.

Vệ tinh Jason 3, do công ty Pháp Thales Alenia Space phụ trách chế tạo, được Falcon đưa lên quĩ đạo có khả năng đo lường các chỉ số đại dương như : mức nước biển, cường độ gió, đô cao của sóng, hướng đi của các dòng nước biển, với độ chính xác rất cao. Vệ tinh Jason 3 sẽ hoạt động cách trái đất hơn 1.300 km, cho phép đo được mực nước biển với độ chính xác với sai số dưới 4 cm.

So với hai vệ tinh trước cũng do Pháp chế tạo, Jason 3 có thể đo được tốc độ gió và sức mạnh của các dòng nước biển tại khu vực cách bờ chỉ khoảng 1 km, so với 10 km trước đó. Điều này cho phép cải thiện trực tiếp các hoạt động cứu nạn, tìm kiếm, cũng như cải thiện khả năng dự báo thời tiết. Các dữ liệu cho vệ tinh nói trên cũng có ích cho việc đánh bắt hải sản, hoạt động hàng hải, và các nghiên cứu về tác động của hoạt động con người đến các đại dương nói chung.

Jason 3 là kết quả hợp tác giữa CNES (Trung tâm nghiên cứu không gian quốc gia Pháp), EUMETSAT (Tổ chức khai thác các vệ tinh dự báo khí tượng Châu Âu), NASA (Cơ quan hàng không và không gian Hoa Kỳ) và NOAA (Cơ quan đại dương và khí quyển Mỹ). Giá thành lắp đặt vệ tinh Jason 3, toàn bộ quá trình khai thác trong 5 năm và chi phí cho việc đưa lên quĩ đạo tốn kém khoảng 180 triệu đô la.

Tầng một của tên lửa đẩy Falcon 9 trong lần phóng này dự kiến sẽ quay trở được về Trái đất. Trong lần phóng thử trước đó, ngày 22/12/2015, công ty của nhà tỷ phú Mỹ gốc Nam Phi Elon Musk lần đầu tiên thành công trong việc đưa tầng một của Falcon 9 hạ cánh, 11 phút sau khi phóng. - RFI
|
|

Tin Việt Nam

5.
46 du khách Việt ‘biến mất’ ở Hàn Quốc

Một nhóm người Việt Nam tới thăm Hàn Quốc không thị thực đã biến mất khỏi hòn đảo nghỉ mát Jeju.

Tin này được chính quyền địa phương loan báo hôm 15/1.

46 người thuộc đoàn 155 người Việt Nam tới hòn đảo 3 ngày trước đó, trong chuyến đi du lịch kéo dài 6 ngày.

10 người tìm cách bỏ trốn, gồm 9 người đàn ông và một phụ nữ, đã bị bắt lại đầu tuần trước và đang bị điều tra.

Văn phòng phụ trách vấn đề nhập cư cho biết đang điều tra xem liệu có phải những người Việt Nam “mất tích” muốn làm việc trái phép ở Hàn Quốc hay không.

Một quan chức của văn phòng này cho biết nếu những người Việt ra khỏi tỉnh Jeju cũng như bị phát hiện làm việc “chui”, họ sẽ bị truy tố.

Các du khách Việt Nam sẽ được phép rời Hàn Quốc hôm nay nếu họ không còn bị nghi vấn.

Cảnh sát và lực lượng tuần duyên cho biết họ đang nỗ lực ngăn chặn những người Việt “mất tích” chạy sang các tỉnh khác.

Theo một điều luật đặc biệt dành cho Jeju, các du khách, trừ các công dân những nước có liên quan tới khủng bố, có thể tới thăm và ở lại hòn đảo này mà không cần visa tối đa là 30 ngày.

Trong khi đó, báo chí trong nước hôm nay đưa tin, đại diện đại sứ quán Việt Nam ở Hàn Quốc cho biết 26 trong số 56 người Việt "biến mất" tại Jeju đã về nước và cảnh sát đang tìm những người còn lại.

Hai người khác do không tìm thấy hộ chiếu nên vẫn ở lại Hàn Quốc.

Trước đó, cũng theo vị đại diện của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, cảnh sát sở tại tìm thấy 3 người Việt Nam đang làm việc ở một xưởng chế biến thực phẩm. - VOA
|
|

6.
Việt Nam khởi công xây khu tưởng niệm ‘Nghĩa sĩ Hoàng Sa’

Việt Nam hôm nay đã tổ chức buổi lễ khởi công, đặt viên đá đầu tiên xây dựng khu tưởng niệm “Nghĩa sĩ Hoàng Sa” trên đảo Lý Sơn.

Quan chức trong nước cho biết việc chọn hòn đảo thuộc tỉnh Quảng Ngãi cho dự án là vì Lý Sơn giống như “một bảo tàng sống về Hoàng Sa với những di chỉ của triều đình nhà Nguyễn cho ngư dân ra khai phá, xác lập chủ quyền và quản lý ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

Công trình trị giá 70 tỷ đồng được xây dựng trong bối cảnh Trung Quốc đang mạnh mẽ khẳng định chủ quyền ở biển Đông.

Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa là công trình thứ hai trong khuôn khổ chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa – Trường Sa” do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phát động từ tháng 3/2014.

Công trình thứ nhất là “Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma” được xây dựng tại bán đảo Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) hồi tháng Ba năm ngoái.

Trung Quốc đã chiếm toàn bộ Hoàng Sa sau trận hải chiến làm 74 binh sĩ Việt Nam Cộng hòa thiệt mạng ngày 19/1/1974.

Trong khi đó, tin trên các trang báo “lề trái”, không thuộc quản lý của nhà nước, cho biết, nhiều nhà hoạt động xã hội và các nhà bất đồng chính kiến ở Hà Nội, Vũng Tàu và Sài Gòn đã tổ chức các buổi lễ tưởng nhớ các binh sĩ Việt Nam đã ngã xuống ở Hoàng Sa hàng chục năm trước. - VOA

No comments:

Post a Comment