Tuesday, January 12, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Ba 12/1

Tin Thế Giới

1.
Trung Quốc tái cơ cấu Quân ủy Trung ương

Trung Quốc loan báo hoàn tất tái cơ cấu các cơ quan của Quân ủy Trung ương, tiến tới 'xây dựng quân đội hùng mạnh'.

Ngày 11/1, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm nói với các nhà báo tại Bắc Kinh rằng "nhiệm vụ điều chỉnh sắp xếp lại các cơ quan của Quân ủy Trung ương đã cơ bản hoàn thành".

Đây là "một tiến triển đột phá trong cải cách thể chế lãnh đạo và chỉ huy của quân đội Trung Quốc".

Chủ tịch Tập Cận Bình, cũng là người đứng đầu Quân ủy Trung ương, lâu nay không che giấu tham vọng "xây dựng quân đội hùng mạnh đặc sắc Trung Quốc".

Theo cơ cấu lãnh đạo chỉ huy mới, 4 tổng cục bao gồm: Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Trang bị được giải tán. Thay vào đó là 7 tổng cục, 3 ủy ban và 5 cơ quan trực thuộc; tổng cộng 15 cơ quan thuộc Quân ủy Trung ương.

Tân Hoa Xã liệt kê 15 cơ quan này là:Văn phòng Quân ủy Trung ương, Tổng cục Tham mưu Quân ủy, Tổng cục Chính trị Quân ủy, Tổng cục Hậu cần Quân ủy, Tổng cục Phát triển trang bị Quân ủy, Tổng cục Quản lý huấn luyện Quân ủy, Tổng cục Động viên quốc phòng Quân ủy, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Quân ủy, Ủy ban Chính trị và Pháp luật Quân ủy, Ủy ban Khoa học-Công nghệ Quân ủy, Văn phòng Quy hoạch chiến lược Quân ủy, Văn phòng Cải cách và Biên chế Quân ủy, Văn phòng Hợp tác quân sự quốc tế Quân ủy, Cục Kiểm toán Quân ủy, Tổng cục Quản lý các cơ quan Quân ủy.

Sau khi giải tán và thay thế, Quân ủy Trung ương đứng đầu là Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ nắm quyền quản lý, chỉ huy trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội Trung Quốc, các đơn vị chủ lực trực tiếp tác chiến.

Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc sẽ trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy 4 Quân chủng: hải quân, lục quân, không quân, tên lửa; 5 Chiến khu: Đông, Bắc, Tây, Nam, Trung tâm; cùng một binh chủng mới được thành lập là binh chủng hỗ trợ chiến lược.

Tham vọng lớn

Trước đó, Trung Quốc cũng tuyên bố khởi động quá trình tái cơ cấu quân đội tham vọng nhất của nước này trong vòng sáu thập niên nay.

Ba tướng cấp cao của Trung Quốc vừa được bổ nhiệm vào vị trí đứng đầu các lực lượng bộ binh, tên lửa và hậu cần, như một phần của kế hoạch cải tổ.

Trong đó, Tướng Lý Tác Thành, 62 tuổi, được phong chức chỉ huy Bộ Tổng tư lệnh lục quân Trung Quốc. Trước đó ông Lý là Tư lệnh quân khu Thành Đô.

Điều đáng chú ý là Tướng Lý từng được Trung Quốc phong anh hùng vì tham gia cuộc chiến biên giới với Việt Nam.

Theo quân đội Trung Quốc, năm 1979 ông bị thương nhưng vẫn chỉ huy trung đội chiến đấu "với kẻ thù trong 26 ngày đêm, tiêu diệt 294 và bắt sống 4".

Chắc chắn việc bổ nhiệm ông này vào chức chỉ huy lục quân Trung Quốc sẽ gây chú ý trong giới quan sát quân sự Việt Nam.

Ngoài ra, Tướng Cao Tân được phong chức tư lệnh binh chủng hậu cần chiến lược và Tướng Nguỵ Phượng Hòa làm tư lệnh binh chủng tên lửa. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

2.
Hạ viện Mỹ sắp biểu quyết chế tài Bắc Triều Tiên

Hạ viện Mỹ ngày hôm nay sẽ biểu quyết về một biện pháp chế tài có thể ngăn Bắc Triều Tiên tiếp cận những loại chỉ tệ mạnh mà họ cần có cho chương trình vũ khí hạt nhân. Từ Điện Capitol, thông tín viên Cindy Saine của đài VOA tường thuật.

Chủ tịch Uỷ ban Ngoại giao Hạ viện, Dân biểu Ed Royce thuộc đảng Cộng hòa là người bảo trợ cho dự luật chế tài, được xem như để đáp lại việc Bắc Triều Tiên loan báo trong tuần trước là đã tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư - cho nổ một quả bom nhiệt hạch với sức tàn phá mãnh liệt.

Nhiều người không tin vụ nổ đó là do bom nhiệt hạch gây ra.

Dân biểu Royce nói mối đe dọa về những tiến triển về vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên là không thể chấp nhận được, và Hạ viện nên dẫn đầu trong việc ứng phó. Ông nói:

“Sự quan trọng của dự luật này nằm ở chỗ sử dụng những áp lực tài chánh và kinh tế để không cho ông Kim Jong Un và các giới chức cao cấp của ông ấy tiếp cận với những tài khoản mà họ có tại các ngân hàng nước ngoài và những loại chỉ tệ mạnh để giữ vững sự cai trị của họ.”

Các biện pháp chế tài

Luật Chấp hành Chế tài Bắc Triều Tiên sẽ cho phép tịch thu các tài sản có liên hệ về việc phổ biến vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên, những hoạt động bất hợp pháp và những vi phạm nhân quyền. Luật này sẽ không cho phép các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên tiếp cận hệ thống tài chánh Mỹ, và làm áp lực lên tổng thống để chế tài những cá nhân dính líu tới những cuộc tấn công trên mạng chống lại nước Mỹ.

Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã họp khẩn vài giờ sau khi phát giác cuộc thử nghiệm hạt nhân ngày 6 tháng 1 vừa qua. Họ cũng đang cứu xét những chế tài mới đối với Bắc Triều Tiên vì “vi phạm trắng trợn” những nghị quyết trước đây của Liên hiệp quốc.

Hội đồng chấp thuận những chế tài gần đây nhất chống lại Bắc Triều Tiên 3 tuần lễ sau khi Bình Nhưỡng thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba vào ngày 12 tháng 2 năm 2013.

Dân biểu Royce và những dân biểu Cộng hòa khác nói chiến lược của Tổng thống Obama được gọi là “kiên nhẫn có tính chiến lược” với Bắc Triều Tiên là không hữu hiệu. Ông cũng thừa nhận là nước Mỹ, dưới sự lãnh đạo của nhiều vị tổng thống khác nhau, đã thất bại trong việc ngăn chặn những tiến bộ của Bắc Triều Tiên trong việc phát triển vũ khí hạt nhân.

Dân biểu Gerald Connolly, thuộc đảng Dân chủ, nói điều thiết yếu là phải luôn luôn nhớ đến những thiệt hại về sinh mạng mà chương trình hạt nhân tốn kém này gây ra cho người dân ở Bắc Triều Tiên.

"Bắc Triều Tiên là một nước hoang tưởng, cẩu thả, coi thường tất cả mọi khía cạnh đời sống của con người và hiện nay đã có ô dù hạt nhân. Điều này làm cho bán đảo Triều Tiên trở thành một trong những điểm nóng nguy hiểm nhất trên thế giới.”

Ông Connolly nói thêm là dự luật chế tài được đề nghị sẽ cung cấp một trợ giúp nhân đạo đặc biệt cho Bắc Triều Tiên.

Hoa Kỳ là nước tài trợ nhân đạo và viện trợ thực phẩm lớn nhất cho Bắc Triều Tiên.

Hành động của Thượng viện

Các thành viên của Uỷ ban Ngoại giao Thượng viện vào cuối ngày hôm qua đã được nghe thuyết trình mật về cuộc thử nghiệm hạt nhân mới nhất của Bắc Triều Tiên.

Chủ tịch Uỷ ban, Thượng nghị sĩ Bob Corker, thuộc đảng Cộng hoà, nói với Đài VOA là Hoa Kỳ, trong một thời gian khá lâu, đã để cho Bắc Triều Tiên đạt được tiến bộ trong chương trình hạt nhân của họ.

Thượng nghị sĩ Tim Kaine, thuộc đảng Dân chủ, nói với Đài VOA rằng Hoa Kỳ khó gây ảnh hưởng lên Bắc Triều Tiên vì không có quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, ông nói Washington phải yêu cầu các nước có liên hệ chặt chẽ với Bắc Triều Tiên, đặc biệt là Trung Quốc, dùng ảnh hưởng của họ để kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Trung Quốc đã chỉ trích Bắc Triều Tiên, đồng minh chính yếu của họ. Nhưng Bắc Kinh vẫn do dự và không muốn ủng hộ những chế tài nghiêm nhặt hơn, có thể gây bất ổn định dọc theo biên giới Trung Quốc và gây nên những xung đột khác nữa.

Trong khi đó, Washington và Seoul đang thảo luận để điều động thêm các loại khí tài quân sự--như máy bay ném bom B-52 có khả năng mang bom nguyên tử đã bay trên bầu trời Nam Triều Tiên vào ngày Chủ Nhật vừa qua để biểu dương lực lượng—nhằm tăng cường khả năng phòng vệ.

Cũng có tin đồn là một tàu sân bay của Mỹ có thể được phái đến vùng biển Triều Tiên.

Tuy nhiên, các giới chức Hoa Kỳ nói họ không có kế hoạch bố trí vũ khí hạt nhân ở Nam Triều Tiên, một việc có thể làm cho Trung Quốc bất bình và gây nên một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân trong khu vực. - VOA
|
|

3.
Tổng thống Mỹ Obama sắp đọc thông điệp liên bang cuối cùng

Lần thứ bảy và cũng là lần cuối trong cương vị tổng thống, ông Barack Obama sẽ đứng trước Quốc hội và công chúng Mỹ để trình bày tầm nhìn của mình không chỉ về những tháng còn lại trong nhiệm kỳ mà cả về tương lai của nước Mỹ. Thông tín viên Aru Pande của đài VOA tại Tòa Bạch Ốc tường thuật.

Ông Obama nói trong một đoạn video của Phòng Bầu dục giới thiệu trước về diễn văn của ông:

“Không chỉ những tiến bộ đáng chú ý mà chúng ta đạt được, không chỉ những gì tôi muốn đạt được trong những năm tới, mà còn là những gì tất cả chúng ta cần làm cùng nhau trong những năm tới. Những điều lớn lao sẽ bảo đảm một nước Mỹ thậm chí còn vững mạnh hơn, tốt đẹp hơn, thịnh vượng hơn cho con cháu chúng ta.”

Một Obama lạc quan

Trong đoạn video, ông Obama nói ông chưa bao giờ lạc quan hơn lúc này về con đường Hoa Kỳ đang đi. Sự lạc quan này không chỉ hướng về 2016 mà cả những năm sau đó. Các quan chức Nhà Trắng cho biết điều đó sẽ được trình bày cụ thể khi tổng thống phát biểu trước quốc dân trong Thông điệp Liên bang cuối cùng của ông vào tối Thứ Ba này.

Người phát ngôn của Tòa Bạch Ốc, ông Josh Earnest nói “Hoa Kỳ đã hồi phục từ cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái, và chúng ta đã thấy tất cả những sự chao đảo kinh tế ở các nước trên khắp thế giới, trong khi sức mạnh kinh tế Mỹ là một sự tương phản rõ rệt với sự bất ổn đó.”

Ông Earnest cho hay không như năm ngoái, khi ông Obama liệt kê các đề xuất cụ thể, bao gồm cả các sáng kiến miễn học phí đại học cộng đồng và tăng cường an ninh không gian mạng, năm nay tổng thống sẽ tập trung vào viễn cảnh dài hạn của đất nước, đồng thời phản bác một số ý kiến bi quan thể hiện trong cả các cuộc thăm dò dư luận cũng như trong các cuộc vận động tranh cử tổng thống.

Ông Earnest nói “Phần lớn những lời lẽ đao to búa lớn chúng ta nghe thấy từ phía bên kia tập trung vào nỗi lo sợ về tương lai và cảm giác bất an về một thế giới đang thay đổi. Sự thật là Hoa Kỳ ở vào vị thế tốt hơn bất cứ nước nào khác trên thế giới để  tận dụng các cơ hội ở phía trước chúng ta.”

Tuy ông Obama nhiều khả năng sẽ không nêu ra những đề xuất lập pháp cụ thể với Quốc hội, song ông được trông đợi sẽ kêu gọi các nhà lập pháp quan tâm đến những công việc dang dở trước khi ông rời chức vụ, trong đó có việc phê chuẩn hiệp định hợp tác thương mại Xuyên Thái Bình Dương và tiến hành các bước để đóng cửa nhà tù quân sự của Mỹ ở Vịnh Guantanamo, Cuba.

Nêu bật các thành tựu

Xem video của Phòng Bầu dục giới thiệu trước về diễn văn của Tổng thống Obama:

Các quan chức Nhà Trắng cho hay tuy Tổng thống Obama sẽ không liệt kê một danh sách những thành tựu trong bản thông điệp hôm Thứ Ba, song tổng thống Mỹ dự kiến sẽ nhấn mạnh tới một việc là đất nước đã tiến bộ rất nhiều kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2009.

Trong bài phát biểu hàng tuần hôm 9/1, Tổng thống Obama nói:

“Các doanh nghiệp của chúng ta đã tạo việc làm liên tục trong 70 tháng, với tổng cộng hơn 14 triệu việc làm mới. Chúng ta đã chỉnh đốn trường học cũng như cách thức trả tiền cho việc học đại học. Chúng ta đã tiến hành những kế hoạch đầu tư có tính lịch sử vào năng lượng sạch và dấn thân vào con đường tiến tới một tương lai phát thải cácbon thấp.”

Như trong các năm trước, tổng thống có kế hoạch sẽ công du ngay sau khi đọc Thông điệp Liên bang. Ông sẽ tới thăm các cộng đồng ở Louisiana và Nebraska trong tuần này để nêu bật những tiến bộ - mà theo lời Nhà Trắng - các bang này đã đạt được trong việc giảm thất nghiệp và gia tăng tiếp cận với chăm sóc y tế.

Về các vấn đề toàn cầu, ông Obama nhiều khả năng sẽ khoe những thành công ngoại giao gần đây trong việc bình thường hóa quan hệ với Cuba, đạt được thoả thuận hạt nhân với Iran, và làm việc để đạt được một hiệp định khí hậu quốc tế ở Paris.

Nhà phân tích chính trị Matthew Dallek nói:

“Tôi chắc chắn là Tổng thống sẽ nói về điều đó như một thành tựu nổi bật nhất, và quả thực tôi nghĩ điều đó giúp cho mọi người hiểu được vì sao ông thành công như vậy ở hải ngoại trong các lĩnh vực đó. Và chính người dân sẽ có thể tự đánh giá về những gì ông phát biểu.”

Đối đầu với những thách thức phía trước

Nhưng cùng với những thành tựu, giáo sư  Matthew Dallek của Đại học George Washington nói ông Obama nhiều khả năng sẽ nói về thách thức hiện thời của nạn khủng bố và cuộc chiến chống nhóm cực đoan hiếu chiến Nhà nước Hồi giáo. Ông Dallek nói:

“Tôi nghĩ tổng thống sẽ phải nói, một lần nữa, và cố gói gọn một cách rõ ràng, một cách mà có thể trước đây chưa làm được, về chiến lược của ông đối với ISIS là gì và vì sao ông tin chiến lược đó sẽ có hiệu quả. Và ông sẽ phải trình bày những lý lẽ để cho rằng đã đạt được tiến bộ trong những tháng gần đây.”

Giáo sư Dallek cho rằng vấn đề này hiện đang đóng một vai trò nổi bật trong cuộc tranh cử của các ứng cử viên tổng thống phía Đảng Cộng hòa, cho dù đó là ông Ted Cruz kêu gọi Mỹ “ném bom rải thảm” lên Nhà nước Hồi giáo, hay Donald Trump thúc giục một lệnh cấm tạm thời tất cả người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ. Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đã đưa ra những lời chỉ trích đối với chính sách Trung Đông của ông Obama.

Lãnh tụ khối đa số Thượng viện, ông Mitch McConnell, nói trong chương trình “This Week” của đài ABC hôm Chủ Nhật:

“Tôi cho rằng tổng thống sẽ nói về tương lai và cố gắng vẽ ra một bức tranh tươi hồng không có thật. Điều chúng ta muốn nghe từ tổng thống là một kế hoạch thật sự về việc đánh bại ISIL.”

Bất chấp những quan điểm tiêu cực, các quan chức Nhà Trắng nói tổng thống tự tin hơn bao giờ hết về khả năng của đất nước để đương đầu với những thách thức như vậy, một thông điệp mà ông Obama sẽ gửi tới người dân Mỹ trong Thông điệp Liên bang cuối cùng của ông vào tối nay. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

4.
Đại hội 12 ‘không tác động đến kinh tế’

Một nhà quan sát ở Hà Nội bình luận với BBC rằng kết quả Đại hội Đảng 12 sẽ ‘không có tác động gì đáng kể đến tình hình kinh tế Việt Nam vì cơ bản là không có sự thay đổi chính sách’.

Đại hội Đảng 12 sắp diễn ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo mới của Việt Nam được dự báo sẽ thúc đẩy quan hệ với Hoa Kỳ và các đối tác TPP khác để giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế và thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc.

Lâu nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được cho là có vai trò khởi xướng trong tiến trình Việt Nam gia nhập TPP. Vậy trong trường hợp ông Dũng không còn trong dàn lãnh đạo mới sau Đại hội Đảng 12, việc này sẽ ảnh hưởng gì đến lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam?

Hôm 12/1, từ Hà Nội, trong cuộc trao đổi với BBC, tiến sĩ Nguyễn Quang A cho biết: “Tôi nghĩ rằng những việc lớn như TPP thì không có một ông nào khởi xướng hoặc có công làm nên, vì cả ban lãnh đạo Việt Nam phải nhất trí thông qua, có chủ trương để làm chuyện ấy”.

'Không có gì thay đổi'

Theo nhà hoạt động dân sự, tất nhiên là dàn lãnh đạo mới hậu Đại hội Đảng 12 sẽ chịu sức ép cải tổ kinh tế “nhưng không nhiều lắm, vì nhìn vào đường lối chính sách của đại hội này về cơ bản cũng giống như những đại hội trước thôi”.

“Điều quan trọng là có những khu vực Đảng không thể can thiệp được, như khu vực kinh tế tư nhân, đầu tư nước ngoài. Tất nhiên, nếu Đảng có chính sách thoáng, tốt hơn cho doanh nghiệp thì kinh tế sẽ phát triển hơn. Nhưng tôi nghĩ sẽ không có thay đổi về chính sách kinh tế gì sau đại hội này”, ông A nói.

Ông cũng nói thêm: “Tuy vậy, tùy vào hoàn cảnh thực tế, nếu tăng trưởng kinh tế bị chững lại, nợ công tiếp tục tăng lên, các nhà lãnh đạo mới sẽ phải tính cách thay đổi chính sách vi mô để cải thiện. Nhưng về đường hướng lớn thì chắc sẽ không có gì thay đổi”.

Trước đó, trong bài viết công bố hôm 9/1, giáo sư Carl Thayer nhận xét ông Nguyễn Tấn Dũng được cho là người thúc đẩy Việt Nam theo hướng "quốc gia hiện đại và công nghiệp hóa" năm 2020. Ông có thể được mô tả như là người có tham vọng muốn phát huy vai trò của các tập đoàn lớn có khả năng cạnh tranh quốc tế trong lĩnh vực kinh tế có đặc thù.

Nhà quan sát người Úc nói ông tin rằng ông Dũng sẽ đặt mục tiêu Việt Nam đáp ứng được những đòi hỏi của TPP.

"Nếu thắng, ông Dũng sẽ là Tổng Bí thư đầu tiên có nhiều kinh nghiệm đối ngoại, xử lý các vấn đề kinh tế quốc tế và được các nhà lãnh đạo chính phủ khác biết đến”. - BBC
|
|

5.
Sẽ không có đột phá sau Đại hội Đảng 12

Đại hội 12 đảng cộng sản Việt Nam sắp diễn ra vào tuần tới với nhiều những dự đoán liên quan đến nhân sự cũng như đường lối chính sách sắp tới mà Việt Nam sẽ theo đuổi trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở biển Đông và quan hệ sâu hơn với Hoa Kỳ.

Những diễn tiến gần đây trên thế giới ảnh hưởng tới đại hội lần này ra sao và chuyên gia nước ngoài đánh giá thế nào về những dự đoán cho các chức vụ chủ chốt của đảng cộng sản Việt Nam 5 năm tới? Việt Hà có bài phỏng vấn Giáo sư Zachary Abuza thuộc trường đại học chiến tranh của Hoa Kỳ, chuyên gia về Việt Nam.

Trước hết nói về những trông đợi liên quan đến những thay đổi có thể trong đường lối chính sách của Việt Nam sau đại hội đảng lần này, giáo sư Abuza cho biết:

Tôi không trông đợi những thay đổi lớn dù lãnh đạo mới là ai đi chăng nữa đơn giản là vì lãnh đạo Việt Nam thường rất thận trọng và họ không muốn có những thay đổi lớn đột ngột trong chính sách. Nhưng quan trọng hơn cả là trong những năm qua, họ rõ ràng đã đặt mình vào con đường đổi mới và khó có thể quay lại. Họ đã cam kết vào TPP. Khi Tổng Bí thư Đảng cộng sản sang thăm Hoa Kỳ vào tháng 7 năm ngoái, đến Nhà Trắng, thuyết phục Tổng thống Hoa Kỳ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường thì điều này rõ ràng cho thấy là tranh luận xung quanh chính sách kinh tế trong suốt hai thập kỷ qua nhìn chung là đã kết thúc.

Việt Hà: Theo ông thì những căng thẳng gần đây trên biển Đông có ảnh hưởng thế nào tới đại hội lần này, đặc biệt là việc chọn nhân sự lãnh đạo?

Gs. Zachary Abuza: Không chỉ trong một vài ngày gần đây mà vài năm gần đây chúng ta đã thấy Trung Quốc trở nên khá hung hăng trên biển Đông, từ việc đặt giàn khoan dầu vào vùng thềm lục địa của Việt Nam, đến việc xây lấp đảo nhân tạo, rồi đâm chìm tàu cá Việt Nam…. Cho nên những hành động này đã trở thành sức ép toàn diện lên Việt Nam và người ta có thể trông đợi là Ban chấp hành Trung ương Đảng sẽ muốn có những lãnh đạo sẵn sàng kháng cự lại các sức ép từ Trung Quốc. Nhưng điều này không hẳn đã diễn ra như mong muốn.

Việt Hà: Vậy quan hệ với Hoa Kỳ có ảnh hưởng ra sao tới đại hội lần này?

Gs. Zachary Abuza: Quan  hệ của Việt nam với Hoa Kỳ đang rất tốt đẹp. Trong vòng 1 năm rưỡi qua, 8 trong số 16 ủy viên bộ chính trị đã sang thăm Mỹ. Mối quan hệ đã khăng khít hơn ở mức độ làm việc, và hai nước không còn cần phải có sự can thiệp cao hơn về chính trị để có thể khiến công việc được thực hiện. Hoa Kỳ đánh giá cao lãnh đạo Việt Nam trong khối ASEAN và hiệp định TPP chỉ khiến quan hệ kinh tế hai nước sâu thêm. Tôi không nhìn thấy những thay đổi cơ bản trong quan hệ hai nước sau đại hội này.

Chúng ta sẽ tiếp tục thấy sự phát triển trong quan hệ quân sự giữa hai nước, quan hệ kinh tế sâu thêm. Đặc biệt quan hệ kinh tế với Trung Quốc đang rất bất lợi cho Việt Nam. Năm ngoái, thâm hụt thương mại giữa Việt nam với Trung Quốc tăng thêm 12,5%, tức là hơn 32 tỷ đô la một năm, cho nên thương mại với Trung Quốc không chỉ là không cân bằng, dẫn đến thâm hụt cán cân thương mại mà xu hướng là các sản phẩm của Trung Quốc được đổ sang Việt nam và đổi lại thì Việt Nam xuất những sản phẩm nguyên liệu thô sang Trung Quốc. Thực tế là đầu tư của Mỹ vào Việt Nam trở nên quan trọng hơn cho tương lai kinh tế của Việt Nam. Chúng ta nói đến công nghệ, sản phẩm chế tạo công nghiệp….

Việt Hà: Ông có dự đoán gì vào lãnh đạo đảng sau đại hội đảng lần này?

Gs. Zachary Abuza: Khi nhìn vào bộ chính trị hiện tại, chỉ có 6 ủy viên là có đủ điều kiện để được tái ứng cử cho nhiệm kỳ mới. Điều này khá là bất thường đối với Việt Nam vì thường thì họ không muốn có quá nhiều người ra đi và vào mới trong hàng ngũ lãnh đạo. Cho nên khi nhìn vào danh sách các ủy viên thì chúng ta có thể trông đợi là sẽ có một số trường hợp được bỏ qua về quy định độ tuổi. Nhưng sẽ có nhiều cuộc đấu tranh nội bộ, sẽ có nhiều những quyền lợi đến từ những áp lực từ các tỉnh thành đòi hỏi các đổi mới về kinh tế và tránh tập trung hóa trong cuộc đấu nội bộ, rồi những người bảo thủ thì lo ngại là đảng đã đi quá xa và đã trao quá nhiều quyền lực cho các nhóm kỹ trị. Tôi đã có trông đợi nhiều là Việt Nam sẽ tiếp tục quá trình đổi mới kinh tế tiếp theo sau đại hội lần này nhưng bây giờ tôi không còn nhiều lạc quan như thế nữa sau khi biết được về sự lựa chọn nhân sự mới.

Việt Hà: Theo tin mà đài Á châu tự do có được sau ngày đầu tiên của hội nghị trung ương 14 thì dường như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ ở lại chức thêm 2,5 nữa. Ông đánh giá thế nào về điều này nếu đúng là ông Trọng sẽ tiếp tục giữ chức Tổng Bí thư nhiệm kỳ tới?

Gs. Zachary Abuza: Đây là một bước lùi. Ông ta sẽ không thúc đẩy việc đổi mới doanh nghiệp nhà nước hoặc tư hữu hóa. Nhưng mặt khác ông ta đã đi một đoạn đường khá xa sau khi được bầu là Tổng Bí thư vào đại hội đảng thứ 11. Nhưng rõ ràng đây là một bước lùi cho những người đang trông đợi một sự đổi mới về kinh tế sâu hơn.

Vấn đề chống tham nhũng

Việt Hà: Trong nhiệm kỳ vừa qua thì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn kêu gọi phải đấu tranh chống tham nhũng, theo ông thì khi ở lại thêm nhiệm kỳ nữa, công cuộc đấu tranh này của ông Trọng sẽ có hiệu quả hay không?

Gs. Zachary Abuza: Theo tôi nhìn chung, cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam sẽ tiếp tục rất yếu kém dưới quyền lãnh đạo của ông Trọng. Có những giới hạn đối với việc người lãnh đạo có thể đấu tranh chống tham nhũng khi mà họ không sẵn sàng cởi trói cho báo chí, cho phép tự do báo chí, và họ không sẵn sàng tư hữu hóa doanh nghiệp nhà nước… Nếu ông Trọng vẫn là Tổng bí thư, các bạn sẽ thấy rất nhiều lời hô hào miệng về chống tham nhũng rằng tham nhũng đang đe dọa sự tồn vong của Đảng cộng sản, nhưng trên thức tế họ sẽ không thực hiện được gì mấy khi mà báo chí không được tự do, và không có sự tham gia mạnh mẽ của xã  hội dân sự, không có tư hữu hóa doanh nghiệp nhà nước và đập bỏ bức tường của đảng trong nền kinh tế.

Việt Hà: Cũng theo tin của đài Á châu tự do có được thì Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ làm Thủ tướng nhiệm kỳ tới. Trong dự đoán mà ông đưa ra vào tháng 10 năm ngoái ông cũng nói tới điều này. Ông nhận xét gì về vai trò của ông Nguyễn xuân Phúc?

Gs. Zachary Abuza: Ông ta đã làm tốt việc điều hành nền kinh tế. Ông ta là người thuộc giới kỹ trị. Ông ta ít nổi tiếng hơn đối với mọi người nếu so với những lãnh đạo khác và ông ta theo tôi đánh giá là người thuộc giới kỹ trị có khả năng. Ông ta sẽ tiếp tục việc lãnh đạo nền kinh tế. Tôi rất chú ý đến việc những ai sẽ là các phó thủ tướng trong chỉnh phủ của ông.

Việt Hà: Về phần bộ quốc phòng, ông đã có những thông tin gì và đánh giá thế nào về những thay đổi sau đại hội lần này?

Gs. Zachary Abuza: Những gì tôi đọc được vào sáng nay về hội nghị trung ương 14 thì Bộ trưởng Quốc phòng sắp tới sẽ là Ngô Xuân Lịch, người hiện là Chủ nhiệm tổng cục chính trị. Đây rõ rang là một bước lùi. Đã rất lâu rồi từ thời Lê Khả Phiêu, giờ Việt Nam lại có một người thuộc chính trị viên quân đội nằm trong bộ chính trị.  Quốc phòng Việt Nam đã được hiện đại hóa rất nhiều trong thập niên qua. Không một nước nào ở khu vực Đông Nam Á đã mua nhiều hơn các vũ khí hiện đại so với Việt Nam. Bây giờ họ đặt một người có xu hướng chính trị viên theo truyền thống làm lãnh đạo một tổ chức đang có những đổi mới thay vì chọn một người có kinh nghiệm về điều hành quân đội, đối với tôi là đáng ngại.

Việt Hà: Theo ông, việc bổ nhiệm này nói lên điều gì? 

Gs. Zachary Abuza: Nếu đi ngược lại quá khứ thời chiến tranh thì chúng ta có thể nói là họ chọn người đỏ hơn là một chuyên gia, tức là họ chọn người có lý luận chính trị hơn là một người có kinh nghiệm và kiến thức quân sự. Khi quân đội Việt Nam trải qua một giai đoạn hiện đại hóa mạnh trong suốt một thập niên qua, mà bây giờ lại chứng kiến một người cả cuộc đời là một một chính trị viên thì điều này nói lên rất nhiều. Sẽ có ý kiến cho là đây là do áp lực từ Trung Quốc, rằng  họ không muốn người có kinh nghiệm chiến đấu mà thay vào đó là một người chú trọng đến quan hệ xã hội chủ nghĩa, tình đoàn kết. Điều này sẽ nhanh chóng xuất hiện trên các trang blog.

Việt Hà: Đã có nhiều đồn đoán về việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ là Tổng Bí thư sắp tới. Ông đánh giá thế nào về ông Dũng khi còn làm Thủ tướng?

Gs. Zachary Abuza: Ông ta luôn là một nhân vật gây nhiều tranh cãi đơn giản là vì những cáo buộc tham nhũng liên quan đến cá nhân ông, việc lạm dụng quyền lực để làm lợi cho gia đình người thân của mình. Ông ta đã không có được số phiếu tín nhiệm cao ở quốc hội trước kia. Tuy nhiên ông ta lại có số phiếu tín nhiệm khá trong quốc hội vào năm ngoái.  Điều này theo tôi không nhất thiết là do ông làm tốt công việc của mình hay vì ông ta là người duy nhất trong Bộ chính trị dám lên tiếng phản đối Trung Quốc sau vụ giàn khoan dầu. Theo tôi ông đã nhận được nhiều ủng hộ sau những việc đó. Nhưng ông luôn là một nhân vật gây chia rẽ bởi một phần ông đã lobby rất mạnh để trở thành Tổng Bí Thư và điều này là điều chúng ta chưa thấy ở Việt Nam.

Việt Hà: Theo ông thì Chủ tịch Trương Tấn Sang đã làm được gì khi ông là Chủ tịch nước?

Gs. Zachary Abuza: Trương Tấn Sang đã luôn là một chủ tịch nước tốt, theo tôi nhận xét. Ông ta là người thận trọng. Ông tham gia giám sát quá trình hiện đại hóa quân sự của Việt Nam. Mặc dù ông ta không được xem là người đổi mới cho nền kinh tế nhưng ông ta ủng hộ những đổi mới quan trọng trong nền kinh tế trong 5 năm qua. Ông ta đóng vai trò quan trọng trong đàm phán TPP. Ông ta khác hẳn Nguyễn Tấn Dũng và không có những cáo buộc tham nhũng như tương tự. Ông ta luôn được xem là một nhân vật khá là chính trực. Việc ông ta ra đi là một tổn thất cho Việt Nam.

Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn. - RFA
|
|

6.
Ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ ‘theo chân’ Tổng thống Putin?

Đương kim thủ tướng Việt Nam vẫn là “ứng viên sáng giá” cho vị trí Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, và nếu “lên ngôi”, ông sẽ là “Putin của Việt Nam”, theo nhận định của một số nhà quan sát.

Các nguồn tin từ trong nước cho hay, gần tới ngày diễn ra kỳ đại hội đảng lần thứ 12, trong khi thông tin về việc lựa chọn “tứ trụ”, gồm vị trí tổng bí thư, thủ tướng, chủ tịch nước và chủ tịch quốc hội, được giữ kín, trên mạng xã hội dồn dập xuất hiện nhiều đồn đoán về nhân sự chủ chốt.

Ông Trương Duy Nhất, chủ trang blog “Một góc nhìn khác”, cho VOA Việt Ngữ biết rằng bây giờ dư luận trong nước “đang xôn xao” và “chú tâm vào việc là những ai sẽ ngồi vào ngôi tứ trụ đấy”.

Cựu nhà báo này nói thêm rằng người dân “không biết làm gì ngoài chờ và kỳ vọng vào kết quả lựa chọn nội bộ trong tổ chức đảng” vì họ “chưa có quyền cầm nắm lá phiếu trực tiếp để bầu”. Blogger Nhất nói tiếp: 

“Dư luận trong nước về ông Nguyễn Tấn Dũng thì nó đa chiều. Cũng có một cái luồng rất ủng hộ ông Dũng, bởi vì người ta hy vọng là ông Dũng độc tài và khi mà ông Dũng cầm trịch được thì ông sẽ xoay theo tình thế khác nào đấy. Người ta hy vọng nhất, và bây giờ người Việt Nam lo lắng nhất là làm cách nào để thoát Trung. Với những phát biểu của ông Dũng trước đây, thì người ta hy vọng rằng nước cờ vào tay ông Dũng thì ông có thể thoát Trung được, ông ấy sẽ thân Mỹ hơn, thân phương Tây hơn bởi vì không những có tư tưởng mà quan hệ gia đình, thông gia có với phía Mỹ. Nhưng mà cũng có những luồng dư luận trái chiều lại, thì người ta bảo là không hy vọng gì vào một nhân vật như ông Dũng cả, bởi vì thật sự thì qua bao nhiêu năm, hai nhiệm kỳ ông làm thủ tướng thì thấy tình hình nó cũng tệ đi, cho nên không nên kỳ vọng vào nhân vật đó mà nhường cho những nhân vật khác. Tôi kỳ vọng, tôi muốn làm mới hết, và tôi cũng không muốn ông Trọng [Tổng bí thư] ngồi lại”.

Trong một bình luận mới công bố, ông Carl Thayer, nhà nghiên cứu về Việt Nam, nhận xét rằng ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng Việt Nam hai nhiệm kỳ và đã hơn 65 tuổi, nhưng vẫn là “một ứng viên sáng giá cho vị trí Tổng bí thư.”

Tranh giành quyền lực

“Nếu ông ấy được bầu lại, đây sẽ là điều chưa từng có tiền lệ”, giáo sư Carl Thayer nhận định. “Chưa có quan chức cấp cao nào từng phải buộc nghỉ hưu [theo quy định] lại tìm cách được miễn để nhắm một vị trí cấp cao khác. Nói một cách khác, chưa có ai ở Việt Nam làm giống như ông Vladimir Putin, người từng làm thủ tướng rồi sau đó lại làm tổng thống”.

Giáo sư Thayer nói tiếp rằng nếu trở thành tổng bí thư, ông Dũng sẽ là người đầu tiên “nhậm chức với nhiều kinh nghiệm đối ngoại, kiến thức cơ bản khá vững về các vấn đề kinh tế quốc tế và được lãnh đạo các nước biết tiếng”.

Chuyên gia người Australia nhận xét rằng trong nền chính trị độc đảng như ở Việt Nam “không phải ai chiến thắng sẽ giành thế tuyệt đối”.

Giáo sư Carl Thayer viết tiếp: “Nếu ông Dũng trở thành tổng bí thư, sẽ có những cuộc thương lượng gay go để những người chống ông ấy cũng được đại diện ở cấp cao nhất. Cuộc tranh giành quan trọng nhất sẽ là về vị trí thủ tướng và liệu người đó có phải là người được ông Dũng bảo hộ hay không”.

Ông Vladimir Putin lên làm tổng thống Nga thay ông Dmitry Medvedev kể từ tháng Năm năm 2012. Trước đó, ông từng làm tổng thống hai nhiệm kỳ, cũng như nhiều năm làm Thủ tướng Nga.

Báo chí trong nước hôm qua đưa tin, trong ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa đọc tờ trình của Bộ Chính trị tiếp thu ý kiến của trung ương để bổ sung nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đề cử nhân sự 4 chức danh lãnh đạo chủ chốt khóa 12.

‘Trường hợp đặc biệt’

Ngoài ra, tiểu ban nhân sự và Bộ Chính trị cũng đã nghiên cứu, cân nhắc và đề nghị giới thiệu thêm một số ủy viên Trung ương khóa 11 thuộc trường hợp “đặc biệt” tái cử khóa 12.

Chưa rõ là “trường hợp đặc biệt” này là ai, nhưng hiện đang có các tranh luận sôi nổi trên các trang mạng xã hội về điều này.

Các nhà quan sát tình hình chính sự ở Việt Nam lâu nay nhận định rằng ông Nguyễn Tấn Dũng là người nhiều khả năng sẽ lên nắm chức Tổng bí thư từ tay ông Nguyễn Phú Trọng.

Nhưng các nhà phân tích cho rằng đương kim thủ tướng đối mặt với nhiều thách thức vì các đối thủ của ông lo ngại rằng suy nghĩ phóng khoáng của ông có thể làm tổn hại tới sự độc tôn quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông Vũ Tường, Phó Giáo sư về khoa học chính trị, Đại học Oregon, Mỹ, nói với VOA Việt Ngữ rằng cuộc đua giành các vị trí lãnh đạo chủ chốt ở Việt Nam đang ngày càng cam go. Ông nói thêm:

“Cái sự đấu đá đó càng ngày càng tăng, càng ngày càng có các thủ đoạn bẩn thỉu bộc lộ ra trước mắt công chúng qua những nguồn thông tin trên mạng, mặc dù tính xác thực của những thông tin như vậy thì rất khó xác định được. Về phía phe phái thì khó có thể dùng những từ thân Tàu hay thân Mỹ cho những phe này. Trong những cái đấu đá đó, nó có sự đan xen giữa quyền lợi, lợi ích của cá nhân, của phe nhóm, và quan điểm chính trị của họ và những đường lối chính sách, tức là nó có đan xen của nhiều thứ, trong đó vấn đề Trung Quốc và Mỹ chỉ là một trong những vấn đề dùng để bảo vệ vị trí của mình, hoặc để hạ thấp đối thủ trong cuộc tranh giành cho các chức vụ lãnh đạo.”

Trong một phát biểu mới nhất, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng lại lên tiếng về biển Đông, điều một số nhà quan sát cho là một trong các “lá bài” chính trị của ông.

Phát biểu tại tiệc chiêu đãi chào mừng Cộng đồng ASEAN và năm mới 2016 tại Hà Nội tối 10/1, người đứng đầu chính phủ nói rằng Việt Nam sẽ “kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng ở biển Đông”.

Một số nhà quan sát nói với VOA Việt Ngữ rằng với tình hình chính trị “tranh tối, tranh sáng” ở Việt Nam, mọi thứ sẽ chỉ trở nên rõ ràng hơn khi có thông báo về kết quả bầu chọn cuối cùng.

Blogger Trương Duy Nhất cho biết dư luận vẫn còn đồn đoán rằng liệu ở phút 89 có “cú sút” nào đó ở đại hội đảng sắp tới hay không. - VOA

No comments:

Post a Comment