Saturday, January 2, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 2/1

Tin Thế Giới

1.
Quân đội Trung Quốc lập ba đơn vị mới để tăng sức chiến đấu

Trung Quốc vừa lập 3 đơn vị mới trong quân đội giữa lúc họ tìm cách xây dựng một lực lượng chiến đấu mạnh mẽ hơn và hữu hiệu hơn.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc tối thứ sáu 1/1 cho biết quân đội của họ quyết định lập một đơn vị mới để quản lý phi đạn chiến lược. Họ cũng lập một bộ tổng tư lệnh lục quân để chỉ huy các lực lượng trên bộ và một đơn vị chi viện để hỗ trợ lực lượng tác chiến.

Chủ tịch Tập Cận Bình nói những đơn vị mới được lập ra để thể hiện giấc mơ “cường quân”, hay có một quân đội hùng mạnh.

Loan báo này được đưa ra một ngày sau khi Bắc Kinh cho biết họ đang chế tạo chiếc hàng không mẫu hạm thứ nhì, trong dấu hiệu mới nhất về sự hiện đại hoá nhanh chóng lực lượng hải quân của họ.

Theo dự liệu, tàu sân bay mới có kích cỡ tương đương với chiếc Liêu Ninh hiện có và sẽ dùng năng lượng qui ước, thay vì năng lượng hạt nhân.

Chiếc hàng không mẫu hạm 50.000 tấn sẽ chở chiến đấu cơ loại J-15 của Trung Quốc và những loại máy bay khác. Ngày hạ thuỷ của tàu này chưa được xác nhận.

Trung Quốc đang có những vụ tranh chấp lãnh thổ rất căng thẳng với nhiều nước Á châu, nhất là ở Biển Đông. Trung Quốc đòi chủ quyền hầu như toàn bộ vùng biển chiến lược này.

Trung Quốc nhiều lần nói rằng sự bành trướng của hải quân nước họ không đe dọa tới các nước láng giềng. Họ cũng nói rằng chiếc Liêu Ninh chủ yếu sẽ chỉ được dùng cho mục đích nghiên cứu khoa học và huấn luyện.

Chiếc Liêu Ninh chưa hoạt động với đầy đủ chức năng, nhưng nó đã tiến hành những hoạt động huấn luyện ở Biển Đông và điều đó cho thấy Bắc Kinh sẽ tiếp tục có lập trường cứng rắn trong các vụ tranh chấp biển đảo. - VOA
|
|

2.
Giáo sĩ Shia nổi tiếng và 46 người khác bị xử tử ở Ả rập Xê út

Ả rập Xê út tiến hành vụ xử tử hàng loạt lớn nhất trong hơn 3 thập niên, giết chết 47 người bị kết tội khủng bố, trong đó có một giáo sĩ nổi tiếng của Hồi giáo Shia.

Các cơ quan truyền thông cho biết một số người bị xử tử hôm nay có liên hệ với al-Qaida. Ngoại trừ một người Chad và một người Ai Cập, những người còn lại đều là người Ả rập Xê út.

Sheikh Nimr al-Nimr, một giáo sĩ nổi tiếng của người Hồi giáo Shia, nằm trong số những người bị hành quyết. Giáo sĩ này là một nhân vật trọng yếu trong những cuộc biểu tình phản kháng của người Hồi giáo Shia đã bùng ra năm 2011 trong phong trào Mùa Xuân Ả Rập. Ông al-Nimr chỉ trích sự đối xử của chính phủ Ả rập Xê út đối với người Shia thiểu số.

Một người anh em của giáo sĩ al-Nimr nói vụ hành quyết này sẽ không ngăn được những nỗ lực đòi quyền bình đẳng.

Nhóm chủ chiến Hezbollah ở Li Băng nói rằng vụ hành quyết ông al-Nimr là một vụ mưu sát, và một giáo sĩ hàng đầu ở nước này cảnh báo sẽ có những sự trả đũa cho vụ xử tử ông al-Nimr.

Tại Iran, một giáo sĩ hàng đầu, Ayatollah Ahmad Khatami, nói với hãng tin Mehr rằng vụ xử tử này phản ánh điều ông gọi là “bản chất tội phạm” của gia tộc cai trị Ả rập Xê út. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran nói Ả rập Xê út sẽ phải “trả giá đắt” cho việc hành quyết ông al-Nimr.

Các tổ chức nhân quyền cho biết những vụ xử tử ở Ả rập Xê út thường diễn ra dưới hình thức chặt đầu công khai và đôi khi xác nạn nhân bị để ở ngoài trời cho mọi người đến xem.

Một phát ngôn viên Bộ Nội vụ Ả rập Xê út nói rằng những vụ chặt đầu ngày hôm nay được thực hiện ở nhà tù chứ không phải ở nơi công cộng.

Hội Ân Xá Quốc Tế nói Ả rập Xê út là “một trong những nước xử tử nhiều người nhất thế giới”, chỉ sau Trung Quốc và Iran. - VOA
|
|

3.
7 người chết trong vụ tấn công vào căn cứ không quân Ấn Độ

Các chiến binh mở một cuộc tấn công chết chóc vào một căn cứ không quân Ấn Độ gần biên giới Pakistan hôm nay, 2/1, dẫn tới một cuộc đọ súng kéo dài 15 tiếng đồng hồ.

Sau khi các lực lượng của Ấn Độ với sự yểm trợ của xe tăng và máy bay trực thăng giành lại quyền kiểm soát nơi bị tấn công, giới hữu trách cho biết 7 người đã chết, trong đó bao gồm toàn bộ 5 kẻ tấn công và hai nhân viên bảo vệ Ấn Độ.

Các giới chức Ấn Độ cho biết đang tìm cách xác định danh tính của những kẻ tấn công. Tuy nhiên, một số giới chức an ninh Ấn Độ cho biết họ tin những kẻ tấn công là thành viên của Jaish-e-Mohammed, một nhóm hiếu chiến ở Pakistan muốn vùng Kashmir thuộc Ấn được độc lập.

Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Rajnath Singh nói trên truyền hình: “Pakistan là nước láng giềng của chúng tôi và chúng tôi muốn hoà bình, không chỉ với Pakistan mà với tất cả các nước láng giềng. Chúng tôi muốn hoà bình, nhưng nếu quân khủng bố thực hiện những vụ tấn công trên lãnh thổ Ấn Độ chúng tôi sẽ đáp trả đích đáng.”

Năm ngoái, các phần tử vũ trang đã tấn công một thị trấn biên giới ở Punjab, giết chết 7 người, kể cả các cảnh sát viên. Ấn Độ nói rằng hung thủ là những kẻ từ Pakistan lẻn vào Ấn Độ.

Vụ tấn công hôm nay diễn ra chỉ một tuần sau khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thực hiện chuyến viếng thăm lịch sử không loan báo trước tới Pakistan để hội kiến Thủ tướng Nawaz Sharif. Đó là chuyến viếng thăm Pakistan đầu tiên của một vị thủ tướng Ấn Độ trong hơn 10 năm và được xem là dấu hiệu tan băng trong quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng có vũ khí hạt nhân.

Ấn Độ tố cáo Pakistan vũ trang và huấn luyện cho những phần tử nổi dậy muốn vùng Kashmir tách khỏi Ấn Độ để độc lập hoặc để sáp nhập vào Pakistan. Islamabad phủ nhận tố cáo đó. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Video khủng bố mới sử dụng hình ảnh Donald Trump, cảnh sát Mỹ

Nhóm chủ chiến al-Shabab ở Somalia đã tung ra một video tuyển mộ sử dụng hình ảnh những vụ nổ súng của cảnh sát ở Mỹ và lời kêu gọi của ứng cử viên tổng thống Donald Trump cấm người Hồi giáo nhập cảnh Mỹ.

Video công bố hôm thứ Sáu có thể là trường hợp đầu tiên mà trong đó một nhóm bị Mỹ định danh là khủng bố sử dụng lời kêu gọi của ông Trump hoặc những vấn đề hiện thời ở Mỹ để thu hút những người ủng hộ trên mạng.

Ứng viên tổng thống Hillary Clinton tháng trước đã nói rằng nhóm chủ chiến Nhà nước Hồi giáo đang "chiếu những video Donald Trump xúc phạm Hồi giáo và người theo Hồi giáo để tuyển mộ thêm chiến binh thánh chiến cực đoan."

Tuyên bố này vẫn chưa được chứng minh là xác thực. Nhưng giờ al-Shabab đang sử dụng những phát biểu của ông Trump. Video mới của nhóm này cho thấy một đoạn clip mà trong đó ứng cử viên này của Đảng Cộng hòa cầm giấy đọc to đòi hỏi ban hành một lệnh cấm du khách người Hồi giáo.

Sau đoạn clip, một phát ngôn viên không nêu danh tính của al-Shabab, phát biểu bằng tiếng Anh, khẳng định người Hồi giáo ở Mỹ phải lựa chọn giữa việc rời khỏi Mỹ hoặc theo đuổi lý tưởng thánh chiến.

Video mới cũng cho thấy những vụ cảnh sát hành hung hoặc bắn những người đàn ông Mỹ gốc Phi. Những video về cảnh sát, một số là được chính camera cảnh sát quay lại, đã khơi lên một cuộc tranh luận gay gắt ở Mỹ về những giới hạn thích hợp đối với việc cảnh sát sử dụng vũ lực. Tình trạng vũ lực đã dẫn tới phong trào “Black Lives Matter,” bao gồm những cuộc tuần hành phản đối ở một vài thành phố. 

Video của al-Shabab được sử dụng để lập luận rằng Mỹ là một xã hội phân biệt chủng tộc, nơi mà người da đen bị ném vào tù như một phương tiện của sự áp bức. Nó gợi ý rằng người Mỹ da đen có thể tìm thấy niềm an ủi ở Hồi giáo.

Từ Minnesota đến Mogadishu

Một phần lớn thời lượng video của al-Shabab nhấn mạnh tới những người Mỹ gốc Somali ở bang Minnesota, đã từng tới Somali để cùng nhóm này chiến đấu trong thời gian từ năm 2007 đến năm 2009.

Một người đàn ông được nhận diện là Farah Mohamed Beledi, từng là một cư dân của Minneapolis, đã thiệt mạng trong khi cố gắng thực hiện một vụ đánh bom tự sát nhắm vào những binh sĩ gìn giữ hoà bình của Liên hiệp châu Phi ở Mogadishu vào năm 2011. 

Ông Jibril Afyare là chủ tịch của Liên đoàn Công dân Mỹ gốc Somali ở Minneapolis. Trong một cuộc phỏng vấn với ban tiếng Somali của đài VOA hôm thứ Sáu, ông mô tả đoạn video là một “bước đi đầy tuyệt vọng” của nhóm al-Shabab. 

“Chúng cố gắng tìm sự liên hệ với những gì đang xảy ra ở Mỹ, cho dù đó là chúng sợ người Hồi giáo, là việc giết hại những người Mỹ gốc Phi, hay là những thanh niên ở Minnesota,” ông nói "Chúng cố gắng liên kết những điều đó và có một sự đồng tình từ cộng đồng và do đó tuyển mộ được thêm những người để phục vụ cho ý thức hệ của chúng.”

Ông Afyare nói rằng tổ chức của ông đã bắt tay vào thực hiện những nỗ lực giáo dục để khuyên can những người Mỹ gốc Somali không tham gia ủng hộ al-Shabab, nhưng cũng có thể còn cần phải sản xuất những video hoặc phát động những chiến dịch truyền thông xã hội để chống lại những thông điệp của nhóm thánh chiến này. 

Al-Shabab đang chiến đấu thiết lập một nhà nước Hồi giáo nghiêm khắc ở Somalia kể từ năm 2006. Nhóm này khét tiếng về những hình phạt khắc nghiệt như chặt tay những người bị nghi là trộm cắp và hành quyết những người bị cáo buộc ngoại tình hoặc làm gián điệp.

Al-Shabab từng kiểm soát phần lớn miền nam và trung Somalia nhưng đã bị quân đội của Liên hiệp châu Phi và chính phủ Somalia đẩy lùi khỏi những thành phố lớn và thị trấn của Somalia.

Tuy nhiên nhóm này vẫn là mối đe dọa tiềm năng mà bằng chứng là những vụ tấn công chết người hồi gần đây nhắm vào những căn cứ của Liên minh châu Phi tại Somalia hay vụ tấn công nhắm vào một trường đại học ở miền đông Kenya hồi tháng 4 năm ngoái giết chết 148 người.

Hoa Kỳ đang treo nhiều giải thưởng trị giá hàng triệu đôla để bắt được những thủ lĩnh của al-Shabab, bao gồm thủ lĩnh cấp cao Abu Ubaidah.

Người tiền nhiệm của thủ lĩnh này là Ahmed Abdi Godane, đã thiệt mạng trong một trận không kích của Mỹ vào tháng 9 năm 2014. - VOA
|
|

5.
Luật mới ở Texas cho phép công khai mang súng ngắn --- Obama sẽ đơn phương kiểm soát súng

Tiểu bang Texas của Mỹ hôm thứ sáu 1/1 bắt đầu năm mới với một luật mới, cho phép dân chúng công khai mang súng ngắn. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1871, dân Texas được mang súng ngắn đặt trong bao nơi công cộng. Luật này được nghị viện do phe Cộng hoà kiểm soát thông qua năm 2015.

Hôm thứ sáu, những người ủng hộ luật mới đã tụ tập tại thủ phủ Austin với những khẩu súng ngắn nằm trong bao.

Cư dân Texas nào đã hoàn tất khoá học bắt buộc về an toàn và có giấy phép mang súng giấu kín giờ đây có thể công khai mang súng ngắn để trong bao khi đi mua sắm, dạo phố, đi ăn tiệm hoặc đi nhà thờ.

Những người ủng hộ nói rằng luật này giúp cho công chúng an toàn hơn. Những người chống đối nói không có bằng chứng cho thấy những tiểu bang cho phép mang súng công khai là những nơi an toàn hơn.

Hơn 40 tiểu bang ở Mỹ có luật về việc công khai mang súng, nhưng Texas là tiểu bang đông dân nhất ở Mỹ cho phép dân chúng mang súng tới những địa điểm công cộng.

Luật mới ở Texas bắt đầu có hiệu lực trong cùng ngày Tổng thống Barack Obama nói tới điều ông gọi là “dịch bạo lực súng ống” trong bài diễn văn hàng tuần. Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết ông sẽ họp với Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch vào thứ hai tới đây để thảo luận về những gì ông có thể làm để ngăn chận làn sóng bạo lực. - VOA

***
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tuyên bố sẽ có hành động đơn phương để giải quyết vấn đề bạo lực súng ở nước này.

Trong bài phát biểu hàng tuần đầu tiên của năm 2016, Obama cho biết ông sẽ gặp Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch để thảo luận những hành động mà ông có thể làm.

Ông cho hay sử dụng quyền hành tổng thống vì Quốc hội Hoa Kỳ đã thất bại trong việc giải quyết vấn đề.

Các nhà phân tích cho rằng phe Cộng hòa sẽ có phản ứng dữ dội.

Tuy nhiên, ông Obama tuyên bố với người Mỹ rằng ông đã nhận được quá nhiều thư thúc giục việc kiểm soát súng từ các phụ huynh, giáo viên, và trẻ em.

"Chúng ta biết rằng không thể ngăn chặn mọi hành vi bạo lực," tổng thống nói. "Nhưng liệu chúng ta đã cố gắng ngăn cản dù chỉ một vụ hay không?

Liệu Quốc hội đã làm một điều gì đó - bất cứ điều gì - để bảo vệ con em của chúng ta khỏi bạo lực súng ống hay không?"

Tổng thống thừa nhận rằng không có khả năng thuyết phục Quốc hội ủng hộ cho những gì ông gọi là "luật sở hữu súng có trách nhiệm" và đây sự thất vọng lớn nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.

Phóng viên BBC Laura Bicker tại Washington nói rằng Tổng thống Obama có thể sử dụng quyền hành của mình trong một số lĩnh vực, bao gồm việc mở rộng kiểm tra lý lịch những người mua vũ khí.

Tuy nhiên, ông có thể sẽ phải đối mặt với sự phản đối gay gắt, phóng viên BBC nói.

Hiệp hội Súng trường Quốc gia đã tung ra một loạt video tấn công các nhà hoạt động kêu gọi kiểm soát súng.

Tháng trước, một cảnh sát trưởng Texas khuyến cáo tổng thống rằng "nỗ lực kiểm soát súng có thể châm ngòi cho một cuộc cách mạng".

Những nỗ lực trước đó để ban hành luật kiểm soát súng chặt chẽ hơn đã nhiều lần thất bại dù có nhiều người chết trong các cuộc tấn công súng xảy ra tại Hoa Kỳ. - BBC
|
|

Tin Việt Nam

6.
Trung Quốc và Việt Nam lại ‘khẩu chiến’

Bắc Kinh và Hà Nội lời qua tiếng lại sau khi Trung Quốc điều máy bay thử nghiệm hạ cánh tại một sân bay xây ở Trường Sa.

Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hôm nay, 2/1, tuyên bố rằng Trung Quốc mới hoàn thành một phi trường mới trên hòn đảo mà Việt Nam gọi là bãi đá Chữ Thập ở Trường Sa.

Bà Hoa nói tiếp: “Chính phủ Trung Quốc tiến hành một chuyến bay thử tới sân bay này bằng một máy bay dân sự để thử nghiệm xem các cơ sở trên đó có đáp ứng các tiêu chuẩn hàng không dân dụng hay không. Hoạt động liên quan hoàn toàn nằm trong chủ quyền của Trung Quốc”.

Nữ phát ngôn viên này một lần nữa nhấn mạnh tới “chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Nam Sa (Trường Sa) cùng các vùng nước lân cận” đồng thời tuyên bố “không chấp nhận cáo buộc vô căn cứ từ phía Việt Nam”.

Trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tuyên bố rằng việc làm trên của Trung Quốc “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa; đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc, tinh thần của Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) năm 2002; ảnh hưởng hòa bình, ổn định ở Biển Đông; giảm sự tin cậy chính trị giữa hai nước; tác động tiêu cực đến quan hệ láng giềng và tình cảm tốt đẹp giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc”.

Trong tuyên bố đăng trên trang web của Bộ này, ông Bình nói thêm: “Việt Nam kiên quyết phản đối hành động nêu trên của Trung Quốc; yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không tái diễn các hành động tương tự và có hành động thiết thực, cụ thể góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông”.

"Đi cùng hướng"

Tin cho hay, cũng trong ngày 2/1, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối.

Đáp lại, bà Hoa Xuân Oánh nói thêm rằng quan hệ Việt-Trung “về tổng thể, đang phát triển”.

“Hy vọng rằng phía Việt Nam có thể làm việc với Trung Quốc để đi cùng hướng và có các nỗ lực cụ thể nhằm duy trì việc phát triển mối quan hệ song phương một cách ổn định và tốt đẹp”, bà Hoa nói.

Phía Việt Nam  chưa có hồi đáp trước tuyên bố mới nhất của chính phủ Trung Quốc.

Trong một diễn biến khác, báo chí trong nước đưa tin, phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc đã gửi công hàm để phản đối tuyên bố chủ quyền và những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tin cho hay, phái đoàn này một lần nữa lặp lại tuyên bố rằng Việt Nam "có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước Liên Hiệp Quốc và luật Biển 1982”. - VOA
|
|

7.
Báo trong nước 'mấp mé' về đa đảng

Vài tuần trước ngày diễn ra Đại hội Đảng 12, mạng xã hội đang chia sẻ link bài trên một tờ báo kinh tế trong nước nhấn mạnh các khía cạnh ưu việt của nền chính trị đa đảng.

Hôm 1/1, Thời báo Kinh tế Sài Gòn đã đăng bài “Thương hiệu chính trị - Khắc tinh của hoàng hôn nhiệm kỳ” mượn chuyện bầu cử ở Hoa Kỳ để gợi suy nghĩ về thời sự tại Việt Nam.

Trong bài báo, ông Võ Trí Hảo, Giám đốc Chương trình Tư vấn doanh nghiệp, Công ty Khoa & Associate, giảng viên khoa Luật, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: “Mỗi một lựa chọn thể chế chính thức sẽ có một hệ quả thể chế phi chính thức tương ứng; pháp luật tạo độc quyền cho cô bán hàng mậu dịch, thì cái mặt “vênh” không xuất hiện mới là điều phi logic.

Thì cũng vậy với thương hiệu chính trị, xói mòn là điều xót xa không thể tránh khỏi, cho những thế hệ nào đã hy sinh xương máu, dày công tạo dựng”.

“Trong chế độ độc quyền thì bè phái sẽ làm tổn hại quyền lực của nhà vua, bởi vậy bị nhà vua khép tội chết hay chí ít là bị truất quyền bởi hành vi gây mất đoàn kết nội bộ.

Nhưng từ khi loài người bước sang thời đại dân chủ, cùng với quyền tự do lập hội, bè phái không còn bị cấm đoán; mà ngược lại được thể chế hóa, pháp luật ghi nhận, tạo điều kiện công khai hóa và kiểm soát, tránh những hậu quả xấu của nó, đồng thời khai thác ưu điểm”, tác giả bình luận.

Ông Hảo giải thích: “Việc pháp luật Hoa Kỳ bảo đảm quyền tự do đảng phái không chỉ là hiện thực hóa quyền tự do chính trị, tự do bầu cử trong Hiến pháp, mà nó còn tạo ra tám hệ quả cho một nền chính trị lành mạnh”.

Một trong số các hệ quả là: “Mỗi một sai lầm, thất hứa, tham nhũng của một đảng sẽ là cơ hội vô giá của đảng đối lập; bởi vậy, mỗi đảng phải hết sức giữ mình, và ngay lập tức yêu cầu đảng viên của mình từ chức, kể cả khi họ không vi phạm pháp luật, nhưng không làm cử tri hài lòng.

Hay nói cách khác, từ chức không phải là văn hóa tự thân, mà nó là hệ quả của việc giữ gìn thương hiệu chính trị tập thể”.

'Không để bị động bất ngờ'

Ngoài ra, bài báo còn có ý nói TP Hồ Chí Minh được cho là văn minh hơn Hà Nội là vì “Cơ chế mậu dịch quốc doanh, mà rộng hơn là cơ chế bao cấp, chỉ áp đặt lên Sài Gòn trong tròm trèm 10 năm (1975-1986), chưa kịp nhuốm phong cách bán hàng phục vụ của người Sài Gòn.

Thay vào đó, phong cách bán hàng, phục vụ của người Sài Gòn đã được định hình bởi cơ chế thị trường gần 100 năm (80 năm Nam kỳ thuộc địa trực trị áp dụng pháp luật thị trường của Pháp, 20 năm Việt Nam Cộng hòa cũng là thể chế kinh tế thị trường)”.

Hôm 31/12, trả lời phỏng vấn BBC từ Canada, Luật sư Vũ Đức Khanh nhận định 2016 là năm mang tính ‘quyết định thời cuộc Việt Nam giống như năm 1986 mở đường cho ‘đổi mới’.

“Có thể thấy, sự kiện quan trọng nhất năm 2016 của Việt Nam là kỳ Đại hội Đảng 12. Những người lạc quan thì mong đợi kỳ Đại hội này sẽ thiết lập chính phủ mới, quốc hội mới đáp ứng được những kỳ vọng của người dân trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, luật sư nói.

Tuy vậy, ông cũng thừa nhận: “Rủi ro lớn nhất là phe cấp tiến thân phương Tây trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng không giành thắng lợi trong Đại hội do lực cản từ phía Trung Quốc. Điều này dẫn đến hệ lụy là sẽ làm chậm tiến trình TPP, khiến Việt Nam đánh mất nhiều cơ hội cải cách xã hội và đạt mức tăng trưởng kinh tế mới”.

Ông dự báo mọi chuyển biến của Việt Nam chỉ thật sự rõ ràng khi Đại hội Đảng 12 kết thúc và đem lại kết quả ‘khiến người dân cảm thấy an lòng là Đảng Cộng sản và nhà nước quyết định chọn con đường mới để đi thay vì tiếp tục núp bóng Trung Quốc’.

Trong một diễn biến khác, Thông tấn xã Việt Nam hôm 2/1 đưa tin về buổi họp của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - Bí thư Quân ủy Trung ương - và Bộ tư lệnh thủ đô Hà Nội.

“Tổng bí thư đề nghị cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thủ đô cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới, đặc biệt sắp diễn ra Đại hội Đảng 12…

Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang phải nắm chắc tình hình thực tế, có biện pháp phù hợp, kịp thời, khôn khéo, 
không để bị động bất ngờ”. - BBC

No comments:

Post a Comment