Friday, January 22, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 22/1

Tin Thế Giới

1.
Myanmar phóng thích 102 tù nhân, kể cả tù nhân lương tâm

Chính phủ Myanmar được quân đội hậu thuẫn đã phóng thích 102 tù nhân, kể cả nhiều người bị tống giam về các tội chính trị, trong một động thái diễn ra ngay trước khi chuyển giao quyền hành cho đảng đối lập thân dân chủ.

Các tù nhân được trả tự do hôm nay (22/1) khỏi nhà tù Insein gần Rangoon, theo một người phát ngôn của tổng thống. Các giới chức cho biết có ít nhất 20 nguời trong số các tù nhân được trả tự do là tù nhân lương tâm, trong khi những người khác là thường phạm.

Trong số những người được trả tự do có Philip Blackwood, công dân New Zealand 32 tuổi, mà hồi năm ngoái đã bị tuyên án 2 năm rưỡi tù vì đã dùng hình ảnh của Phật trên một tờ rơi mà một thẩm phán cho là có tính cách báng bổ đạo Phật.

Dưới sự lãnh đạo của tổng thống có lập trường cải cách Thein Sein, chính quyền Myanmar đã trả tự do cho hơn 1.300 tù chính trị trong mấy năm gần đây, trong khi vẫn tiếp tục tống giam các nhà hoạt động và thành phần  bất đồng chính kiến.

Theo Hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, có ít nhất 537 người còn bị giam cầm về các tội chính trị.

Lệnh ân xá mới nhất được đưa ra sau khi Phó ngoại trưởng Antony Blinken đến thăm Myanmar hồi đầu tuần này và kêu gọi giới lãnh đạo nước này hãy trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị còn lại.

Việc này cũng diễn ra trước khi chính quyền của ông Thein Sein chuyển giao quyền hành cho Liên minh Quốc gia Đấu tranh cho Dân chủ Miến Điện do Bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo. Bà Suu Kyi là nhà lãnh đạo đối lập và là một nhà hoạt động dân chủ lâu năm.

Đảng Liên minh Quốc gia Đấu tranh cho Dân chủ của bà đã đoạt thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái. - VOA
|
|

2.
Nga đả kích kết quả điều tra của Anh trong vụ đầu độc Litvinenko

Giới chức Nga giận dữ bác bỏ kết quả của một cuộc điều tra công khai của Anh về vụ hạ sát cựu nhân viên tình báo người Nga Alexander Litvinenko ở London vào năm 2006. Cuộc điều tra kết luận rằng Tổng thống Vladimir Putin "có lẽ" đã chấp thuận việc đầu độc cựu điệp viên bất đồng chính kiến này bằng chất phóng xạ polonium-210.

Cuộc điều tra mà kết quả được công bố hôm thứ Năm cho thấy Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) của Nga chịu trách nhiệm trực tiếp trong vụ hạ sát Litvinenko. Người đứng đầu cuộc điều tra, thẩm phán Anh Robert Owen, cho biết ông cũng đã kết luận rằng "hoạt động của FSB nhằm trừ khử ông Litvinenko" có lẽ đã được giám đốc FSB khi đó là Nikolai Patrushev, cũng như Tổng thống Vladimir Putin, phê chuẩn.

Hôm thứ Hai, ngay trước khi kết quả của cuộc điều tra được công bố, phát ngôn viên của ông Putin, Dmitry Peskov, nói với các nhà báo tại Moscow rằng Điện Kremlin không quan tâm tới những gì mà các nhà điều tra của Anh khám phá.

"Việc đó bây giờ không nằm trong những chủ đề mà chúng tôi quan tâm," ông Peskov phát biểu.

'Quá trình giả hiệu'

Nhưng sau khi truyền thông quốc tế dẫn lời những nhà điều tra của Anh đề cập đến khả năng ông Putin có dính líu trong vụ ám sát Litvinenko, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói với các nhà báo tại Moscow rằng cuộc điều tra "có động cơ chính trị."

"Chúng tôi không thấy bất cứ điều gì mới trong kết quả (của cuộc điều tra)," bà nói. "Đó là kết quả hợp lý của một quá trình tư pháp giả hiệu mà tòa án Anh và chính quyền dựng lên mà nói một cách nhẹ nhàng thì đầy mâu thuẫn và thật ra có thể gọi là có tính phạm tội."

Ủy ban điều tra của Nga - cơ quan điều tra tương tự như FBI - cũng gọi cuộc điều tra của Anh là "quá trình giả hiệu," nói rằng "không hề có một quá trình tranh tụng đối kháng ngay từ đầu" và cáo buộc những nhà điều tra của Anh "định sẵn" vai trò của bên có tội từ trước và sau đó sử dụng "một số cái gọi là 'bằng chứng' bí mật" để đi tới kết luận của họ.

Andrei Lugovoi và Dmitry Kovtun, hai người Nga bị cáo buộc tẩm polonium-210 vào trà của Litvinenko khi họ gặp ông ta tại một khách sạn ở London, hôm Thứ Năm cũng phản ứng trước kết quả của cuộc điều tra.

Lugovoi, người được bầu vào Duma Quốc gia, hạ viện của Nga, vào năm 2007, gọi là cuộc điều tra là thiên vị.

"Cáo buộc nhắm vào tôi là lố bịch," ông ta nói với hãng tin Interfax. "Như chúng ta dự đoán, không có gì giật gân đã xảy ra! Kết quả điều tra công bố ngày hôm nay một lần nữa khẳng định lập trường chống Nga của London, sự thiển cận và không sẵn lòng của người Anh để xác định nguyên nhân thực sự cho cái chết của Litvinenko."

Kovtun, một doanh nhân, cũng một lần nữa phủ nhận sự dính líu trong cái chết của ông Litvinenko và nói rằng cuộc điều tra của Anh sử dụng "bằng chứng giả mạo, ngụy tạo." - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Miền Đông nước Mỹ chuẩn bị đối phó với cơn bão tuyết lớn

Cư dân ở các tiểu bang miền Đông nước Mỹ đang cuống quýt chuẩn bị đối phó với cơn bão tuyết lớn sẽ bắt đầu vào chiều thứ Sáu (22/1) và tiếp tục cho đến sáng sớm ngày Chủ nhật. Theo dự kiến, tuyết sẽ đổ xuống nhiều tại ít nhất 15 tiểu bang, với những tình huống bão tuyết lịch sử có thể xảy ra tại Washington D.C., Baltimore và khu vực thành phố New York. Các giới chức thời tiết dự báo có khoảng từ 30 đến 90 centimét tuyết. Cư dân cũng được cảnh báo là sẽ có gió mạnh, đường lộ đóng băng và lụt lội tại các vùng bờ biển. Thông tín viên Zlatica Hoke tường trình là sự lo ngại đặc biệt cao tại các thành phố lớn, nơi ngay cả chỉ một ít tuyết rơi cũng có thể gây nên hỗn loạn.

Các con đường chính được rải muối trong khi cư dân vội vã đến các cửa hàng bán thực phẩm trước khi bão tuyết đến. Các cửa hàng bán vật dựng xây cất cũng đã bán hết muối, xẻng và ngay cả máy thổi tuyết từ ngày thứ Năm.

Ông Derek Staton cửa hàng bán vật liệt xây cất ở Virginia nói:

“Bán chạy nhất là xẻng xúc tuyết. Chúng tôi chỉ còn từ 3 đến 4 cái cuối cùng”.

Các chính trị gia và các nhà lãnh đạo tỉnh, thành phố có lập trường là “an toàn tốt hơn là hối tiếc” và khuyến cáo công dân cũng làm như vậy.

Ông Anthony Santino, người đứng đầu thị trấn Hemsptead, New York nói:

“Hãy tỏ ra biết điều, ở nhà ngày thứ Bảy trừ phi bạn bắt buộc phải đi đâu đó. Đừng đậu xe ngoài đường phố. Cố gắng mang xe vào nơi đậu xe ở nhà để nhân viên cào tuyết dễ dàng đi lại cào tuyết trên lòng đường. Rõ ràng là nếu xe dậu dọc đường thì sẽ cản trở việc cào tuyết của chúng tôi trên đường”.

Một số thành phố và tiểu bang đã công bố tình trạng khẩn cấp bắt đầu vào tối thứ Sáu.

Thống đốc bang Maryland Larry Hogan nói:

“Ưu tiên chính và hàng đầu của chúng tôi là bảo vệ an toàn cho người dân Maryland”.

Cư dân thủ đô nước Mỹ đặc biệt lo lắng. Washington đã từng nổi tiếng là bị tê liệt ngay cả lúc thời tiết chỉ hơi khắc nghiệt một chút. Chỉ cần tuyết rơi khoảng 5 centimét vào tối thứ Tư vừa qua cũng làm nhiều người lái xe bị kẹt trên những xa lộ chính, và nhiều người phải bỏ xe ở lề đường.

Một người lái xe Washington nói:

“Có khoảng 20 chiếc xe. Không thấy bóng cảnh sát trong khoảng 5 tiếng đồng hồ. Xe tiếp tục chạy đến và đụng vào nhau nẩy lên như quả bóng bàn. Chúng tôi nói chuyện với cảnh sát và họ nói chúng tôi sẽ bị truy tố về tội đụng xe bỏ chạy”.

Một số cư dân đô thị phải mất nhiều giờ mới về đến nhà. Đường trơn trợt tại thành phố làm nhiều tai nạn xảy ra khiến Thị trưởng Muriel Bowser phải xin lỗi.

Bà Bowser tỏ ý hối tiếc đã không đáp ứng kịp thời.

Các phương tiện chuyên chở công cộng sẽ không hoạt động trong suốt cơn bão tuyết tại Washington, và ngay cả sau khi những con đường chính được cào sạch tuyết, việc di chuyển sẽ còn gặp khó khăn trong một thời gian. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

4.
Tân Hoa Xã: Hợp tác với Trung Quốc có lợi cho Việt Nam

Tăng cường hợp tác với Trung Quốc có lợi cho tầm nhìn phát triển Việt Nam, theo bài bình luận được đăng trên Tân Hoa Xã của nhà nước Trung Quốc hôm nay.

Tác giả nói sự hợp tác giữa Việt Nam với Trung Quốc là một phần quan trọng giúp Việt Nam gặt hái thành công trong chính sách đổi mới 30 năm qua với những thành tựu kinh tế đáng kể và ổn định xã hội.

Bài báo viết thương mại song phương Việt - Trung đạt mức cao mới trong năm ngoái biến Trung Quốc thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam suốt 12 năm liền, trong khi Việt Nam hồi năm 2014 đã là bạn hàng lớn thứ nhì của Trung Quốc trong khối ASEAN.

Vẫn theo bài bình luận, tham vọng của Hà Nội trong kế hoạch 5 năm tới kể từ đại hội đảng 12 này, bao gồm nỗ lực đẩy mạnh sự lãnh đạo của đảng và đưa đất nước tiến lên nền kinh tế công nghiệp, đòi hỏi phải có quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc.

Để lý giải quan điểm này, bài báo đơn cử ví dụ như Trung Quốc có thể là tấm gương cho Việt Nam học hỏi kinh nghiệm trên con đường công nghiệp hóa cũng như trong công cuộc bài trừ tham nhũng.

Tuy nhiên, bài viết của Tân Hoa Xã lưu ý các mục tiêu ngoại giao của Việt Nam không nên đánh đổi bằng tình hữu nghị truyền thống Việt - Trung hoặc gây ảnh hưởng tới lợi ích tổng thể của đôi bên.

Bài báo cho rằng với sự gắn bó đã trắc nghiệm qua thời gian, với những tương đồng về nhiều mặt kể cả chính trị, Hà Nội và Bắc Kinh có mọi lý do để bảo vệ và tăng cường bang giao.

Tác giả nói lãnh đạo đôi bên đã đủ nhạy bén và tầm nhìn xa để đạt đồng thuận và duy trì ổn định bất chấp những ‘can thiệp’ từ các nước phương Tây và những tiếng nói dân tộc chủ nghĩa tại Việt Nam làm bùng nổ tranh chấp Việt - Trung ở Biển Đông.

Bài bình luận trên Tân Hoa Xã kết thúc với thông điệp nhắc nhở bộ máy tân lãnh đạo của nhà nước Việt Nam đảm bảo rằng những cam kết giữa đôi bên không hề lay chuyển.

Bài viết nhấn mạnh bất kỳ tinh thần chủ nghĩa dân tộc nào chống lại mối quan hệ truyền thống Việt - Trung cũng sẽ mang lại những phản ứng ngược. - VOA
|
|

5.
Đại hội Đảng 12: Ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn cơ may, dù rất nhỏ

Sau một loạt thông tin, chưa thể được xác nhận chính thức, nhiều người đã cho rằng thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kể như đã bị gạt ra khỏi giàn lãnh đạo Việt Nam trong thời gian tới đây. Tuy nhiên, sau một lời giải thích của bộ trưởng Thông Tin Việt Nam vào hôm qua, 21/01/2016, một số nhà quan sát đã cho rằng không nên vội khai tử sự nghiệp chính trị của thủ tướng mãn nhiệm.

Trong một bản tin đánh đi từ Hà Nội, hãng tin Mỹ AP đã không ngần ngại cho rằng: “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn một cơ may mỏng manh để thách thức đối thủ là tổng bí thư đảng Cộng Sản trong việc tranh chức vị lãnh đạo cao nhất”. Cơ hội đó có được là nhờ vào một cách giải thích mới về các quy chế bầu cử phức tạp được xác định vào lúc khai mạc Đại Hội Đảng lần thứ 12.

Cho đến nay, tất cả mọi thông tin không chính thức đều tiết lộ rằng thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã không được Ban Chấp Hành Trung Ương khóa cũ đề cử làm ứng viên lần này, do đó ông không thể vươn tới chức tổng bí thư Đảng như ông mong muốn, và sẽ phải rút khỏi giàn lãnh đạo Việt Nam.

Ngay cả khi Đại hội Đảng diễn ra, ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn bị quy chế bầu cử hiện hành ràng buộc (quyết định 244), vì sẽ không được quyền ứng cử, và đặc biệt là không được quyền nhận đề cử.

Theo báo mạng Việt Nam Vnexpress, vào hôm qua, khi trả lời phỏng vấn, ông Nguyễn Bắc Son, bộ trưởng Thông Tin và Truyền Thông đã nhắc lại quy định đó: “Theo quy chế bầu cử được thông qua tại phiên trù bị, ủy viên nhiệm kỳ cũ không được Ban Chấp Hành nhiệm kỳ cũ giới thiệu, thì không được ứng cử. Còn nếu được Đại hội đề cử thì đồng chí đó phải xin rút, do quy định là không được ứng cử và không được nhận đề cử”.Tuy nhiên, ông Nguyễn Bắc Son cũng nói thêm rằng: “Cuối cùng, quyền quyết định cao nhất vẫn là của Đại hội”.

Chính câu nói này đã khiến hãng tin Mỹ cho rằng “trường hợp ông Nguyễn Tấn Dũng không hoàn toàn tuyệt vọng”, vì các đại biểu tham gia Đại hội Đảng hoàn toàn có quyền đề cử những ai họ muốn, và nếu ông Nguyễn Tấn Dũng được đề cử, thì ông phải từ chối sự đề cử này, nhưng các đại biểu Đại hội 12 vẫn có thể bỏ phiếu bác bỏ lời từ chối đề cử đó.

Theo báo Vnexpress, Thứ Trưởng Thông Tin Trương Minh Tuấn đã nói rõ hơn về khả năng này: “Theo quy định, những người trong Ban Chấp Hành cũ không được đề cử, ứng cử và không được nhận đề cử nếu Ban Chấp Hành cũ không giới thiệu. Tuy nhiên, ra Đại hội, nếu những đại biểu chính thức của Đại hội mà không phải là ủy viên Ban Chấp Hành khóa cũ đề cử những người đó thì Đại hội sẽ xem xét bằng cách bỏ phiếu và nếu người đó xin rút thì Đại hội cũng xem xét có đồng ý hay không”.

Tóm lại hoàn toàn có khả năng diễn ra kịch bản theo đó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được một đại biểu nào đó không phải là ủy viên Ban Chấp Hành khóa cũ đề cử, rồi theo đúng thủ tục, ông Dũng xin rút tên ra khỏi danh sách đề cử, nhưng đề nghị rút tên bị Đại hội bác bỏ.

Theo hãng AP, nếu kịch bản đó diễn ra, thì rõ ràng cuộc đọ sức sẽ xẩy ra giữa hai ông Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng, với 1.510 đại biểu trong vai trò trọng tài.

Đối với hãng tin Mỹ, nếu thực sự xẩy ra, thì cuộc đọ sức giữa hai lãnh đạo sẽ không diễn ra công khai, thậm chí các đại biểu có thể là sẽ không bỏ phiếu mà ngồi lại với nhau để tìm thỏa hiệp, và ngày 28/01 tới đây, khi Đại hội bế mạc, đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn sẽ cho thấy một bộ mặt đoàn kết, thống nhất. - RFI
|
|

6.
Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư kêu gọi Việt Nam đổi mới chính trị

Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Việt Nam nói đổi mới chính trị là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển quốc gia.

Truyền thông nhà nước dẫn phát biểu của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh hôm nay (22/1) trước Đại hội đảng lần thứ 12 nhận xét hệ thống chính trị hợp với kinh tế kế hoạch hóa tập trung thời chiến là rào cản cho sự phát triển của Việt Nam ngày nay.

Ông Vinh nói công cuộc đổi mới trong 5 năm qua ‘chưa thực sự đem lại hiệu quả như mong muốn’ vì Việt Nam dù ‘đã tích cực đổi mới thể chế kinh tế và đạt một số kết quả nhất định, nhưng đổi mới về chính trị thì hầu như chưa làm’.

Bộ trưởng Vinh nhắc nhớ chiến lược phát triển quốc gia 2011-2020 thông qua tại Đại hội 11 cách đây 5 năm đã đề mục tiêu ‘đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế’, ‘đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng’, ‘xây dựng nhà nước pháp quyền’ và mở rộng dân chủ trong Đảng và xã hội.’

Người đứng đầu Bộ Kế hoạch Đầu tư nhấn mạnh thành tựu lớn nhất của công cuộc đổi mới là chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, cách thức hoạt động của hệ thống chính trị Việt Nam không thay đổi cho thích hợp.

Bộ trưởng Vinh nói dù pháp luật Việt Nam có khuyến khích công dân tham gia vào quản trị nhà nước nhưng từ lý thuyết đến thực tiễn vẫn còn là một khoảng cách. Một ví dụ được nêu lên là quy trình bầu cử và cơ chế để các tổ chức xã hội tham gia vào công tác quản lý nhà nước chưa bảo đảm tính đại diện  của người dân.

Ông Vinh khẳng định: “Một hệ thống chính trị phù hợp với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây, đặc biệt trong hoàn cảnh chiến tranh nay không còn phù hợp nền kinh tế thị trường, thậm chí còn là rào cản, trở ngại cho sự phát triển.” Vì vậy, vẫn theo lời ông, đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế là yêu cầu hết sức cấp bách cho sự phát triển quốc gia.

Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư cũng kêu gọi đảng cộng sản Việt Nam đánh giá lại chính mình, thực hiện nghiêm túc những nghị quyết đưa ra, ‘đổi mới cơ cấu’ để hoạt động hiệu quả hơn, ‘lấy lại niềm tin trong nhân dân’.

Về đổi mới kinh tế, ông Vinh lưu ý 3 điểm chính bao gồm phát triển kinh tế đi đôi với  bền vững môi trường, công bằng xã hội và nâng cao năng lực quản lý của nhà nước.

Tuy nhiên, ông không đề nghị cách thức đổi mới chính trị cụ thể như thế nào.

Một số bình luận đăng tải trên các trang mạng xã hội chất vấn Việt Nam có thể đổi mới chính trị bằng cách nào khi mà đảng cộng sản độc quyền cai trị đất nước vẫn tự cho mình ‘ngồi trên Hiến pháp’.

Một độc giả góp ý thẳng thắn: "Khi nào Hiến pháp và pháp luật được thượng tôn, khi đó mới nói đến chuyện cải cách thể chế".

Cũng có ý kiến cho rằng lời kêu gọi của Bộ trưởng Vinh chẳng qua là một hình thức tô bóng hình ảnh của các giới chức trong lúc diễn ra đại hội đảng 12, đánh dấu thay đổi nhân sự quan trọng trong bộ máy lãnh đạo Việt Nam cho nhiệm kỳ 5 năm tới. - VOA

No comments:

Post a Comment