Saturday, January 9, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 9/1

Tin Thế Giới

1.
Trung Quốc lại cho tàu võ trang xâm nhập vùng biển Senkaku/Điếu Ngư

Tuần duyên Nhật Bản ngày 08/01/2016 cho biết đã phát hiện hai tàu hải cảnh Trung Quốc tiến vào vùng lãnh hải quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà hai bên đang tranh chấp chủ quyền. Điểm đáng ngại là một trong hai chiếc tàu Trung Quốc có trang bị vũ khí.

Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, lực lượng tuần duyên Nhật Bản đã xác nhận rằng vụ xâm nhập chỉ kéo dài chừng 100 phút, xảy ra vào khoảng 14 giờ 20 phút, giờ địa phương. Lần đột nhập gần nhất trước đó là vào ngày 26/12/2015. 

Theo một kịch bản đã trở thành quen thuộc, khi bị cảnh báo, hai chiếc tàu hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 2401 và 31241, được cho có trang bị vũ khí, đã đáp lại là tàu tuần duyên Nhật Bản đang đi vào vùng lãnh hải của Trung Quốc và yêu cầu phía Nhật phải rời khỏi khu vực này.

Ngoài vụ thâm nhập nói trên, lực lượng tuần duyên tỉnh Okinawa còn phát hiện một tàu nghiên cứu biển của Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản, cách đảo Okinawa khoảng 415 km phía đông nam. Họ lưu ý là đây là ngày thứ tư liên tiếp chiếc tàu Trung Quốc trên tiến hành các hoạt động ngay trên vùng biển này.

Trung Quốc và Đài Loan đều có đòi hỏi chủ quyền tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, do Nhật Bản kiểm soát. Bắc Kinh đã tăng cường các biện pháp áp đặt yêu sách sau vụ Tokyo mua lại một số đảo nhỏ tại đây từ một công dân Nhật và đặt chúng dưới sự kiểm soát của chính phủ kể từ năm 2012. - RFI
|
|

2.
Bắc Triều Tiên tung vidéo bắn thử tên lửa từ tàu ngầm

Ba ngày sau khi thông báo cho nổ thử thành công bom H, hôm nay 09/01/2016, Bình Nhưỡng cho công bố video phô trương một vụ bắn thử tên lửa đạn đạo mới từ tàu ngầm.

Theo hãng tin AFP, đoạn video không xác định thời điểm ghi hình, được đài truyền hình Nhà nước phát đi cho thấy lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un xuất hiện trên một tàu chiến, mặc áo choàng mùa đông, trực tiếp theo dõi một quả tên lửa được phóng thẳng lên khỏi mặt biển. Tiếp đó đoạn băng hình ghi lại cảnh quả tên lửa bay mất hút vào trong đám mây trên cao.

Tuy nhiên báo chí Hàn Quốc phân tích rằng đoạn video vừa công bố này đã được cắt ghép từ các cảnh Bắc Triều Tiên bắn thử lần thứ 3 tên lửa SLBM, thực hiện hồi tháng 12/2015 trên biển Nhật Bản. Cảnh tên lửa bay vào trong mây là hình ảnh của vụ thử tên lửa Scud tiến hành năm 2014.

Hồi tháng 05/2015, Bắc Triều Tiên đã thông báo lần đầu tiên bắn thử thành công tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm. Lần đó, Bình Nhưỡng cũng cho phổ biến băng hình có Kim Jong Un chứng kiến trực tiếp vụ bắn thử trên biển.

Lần thử thứ 2 tên lửa đạn đạo SLBM diễn ra hồi tháng 11 năm ngoái ngoài khơi phía đông nam Bắc Triều Tiên. Nhưng dường như lần bắn thử đó đã thất bại .Các giới chức quân sự Hàn Quốc vẫn khẳng định Bắc Triều Tiên đang tích cực phát triển chương trình phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm. Nếu Bình Nhưỡng làm chủ được kỹ thuật này thì mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên sẽ lớn hơn nhiều. 

Liên Hiệp Quốc đã nhiều lần ra nghị quyết cấm Bắc Triều Tiên phát triển chương trình trình tên lửa đạn đạo cũng như các hoạt động hạt nhân vào mục đích quân sự. Tuy vậy, Bình Nhưỡng vẫn làm ngơ, bất chấp mọi sức ép của quốc tế, để thực hiện các chương trình phát triển vũ khí.

Quan chức Bắc Triểu Triều Tiên cảnh cáo Hàn Quốc

Hôm nay, trong cuộc mít tinh để biểu thị lòng trung thành với lãnh tụ Kim Jong Un tại Bình Nhưỡng, một quan chức Bắc Triều Tiên đã lên tiếng cảnh cáo chiến dịch tuyên truyền của Hàn Quốc bằng loa công suất lớn đặt ở giới tuyến sẽ đẩy hai miền đến "bờ chiến tranh".

Để đáp lại việc Bình Nhưỡng thử bom H, hôm qua Hàn Quốc mở cuộc chiến tuyên truyền nhằm vào miền bắc, cho lắp đặt tại 11 điểm trên dọc giới tuyến hai nước các dàn loa có công suất cực lớn liên tục phát đi các thông điệp chỉ trích chế độ Bắc Triều Tiên. Tháng 8 năm ngoái khi Seoul sử dụng phương pháp tuyên truyền tương tự đã khiến miền Bắc nổi đóa và dẫn đến đấu pháo giữa hai bên. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Lô độc đắc của vé số Powerball ở Mỹ lên tới mức cao nhất từ trước tới nay

Dân chúng trên khắp nước Mỹ đang xếp hàng để mua vé số Powerball, trong lúc những người ở các nước khác đua nhau mua vé số này qua mạng Internet.

Ông Gary Grief, Chủ tịch Hiệp hội Powerball, hôm thứ sáu nói “lô độc đắc hiện giờ lên tới 800 triệu đô la,” lãnh trong vòng 30 năm; và nếu lãnh ngay một lúc, giá trị của lô này là 496 triệu.

Tuy xác suất trúng số độc đắc của Powerball là 1 phần 292,2 triệu, ông Grief cho biết rất nhiều người sẵn sàng bỏ ra hai đồng để mua một vé cầu may.

Powerball được bán tại 44 tiểu bang và tại Đặc khu Washington, Puerto Rico và Quần đảo Virgin thuộc Mỹ. Một phần tiền lời được dùng để tài trợ cho các dịch vụ của chính quyền địa phương.

Cuộc xổ số được truyền hình trực tiếp sẽ diễn ra vào lúc 10:59 phút tối nay tại thành phố Tallahassee của tiểu bang Florida. - VOA
|
|

4.
Vụ bắt giữ trùm ma túy là ‘thắng lợi của nhân dân Mỹ và Mexico’

Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Loretta Lynch gọi vụ bắt giữ trùm ma tuý người Mexico Joaquin “El Chapo” Guzman là “một chiến thắng của nhân dân Mexico và Hoa Kỳ, cũng như minh chứng cho pháp quyền ở hai nước”.

Trong khi đó, cơ quan Bài trừ Ma tuý Hoa Kỳ cho biết họ “cực kỳ vui mừng” khi biết được tin này.

Bà Lynch không đề cập tới khả năng Guzman bị dẫn độ sang Mỹ, nơi trùm ma túy đang phải đối mặt với nhiều cáo trạng.

Hoa Kỳ từng yêu cầu Mexico dẫn độ Guzman sang Mỹ, nhưng Mexico nói can phạm này phải thọ án tù ở Mexico trước.

Guzman đã bị các giới chức Mexico đưa trở lại nhà tù Altiplano, sau khi bị bắt sau 7 tháng trốn thoát khỏi nơi này.

Trùm ma túy này bị bắt hôm qua, 8/1, trong một cuộc đột kích tại thành phố Los Mochis nằm ở tiểu bang quê nhà của Guzman là Sinaloa.

Vài giờ sau đó, ông ta được mang ra trình diện trước báo chí rồi được chuyển từ một chiếc xe van bọc sắt lên máy bay trực thăng để vào nhà tù cùng với ít nhất một người đồng loã.

Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto loan báo vụ bắt giữ Guzman hôm thứ Sáu với một tin nhắn trên twitter: “Nhiệm vụ đã hoàn thành. Chúng tôi đã bắt được y”.

Tổng chưởng lý Mexico, ông Arely Gomez Gonzalez, hôm qua cho báo chí biết rằng việc bắt lại Guzman là kết quả của một chiến dịch truy lùng qui mô lớn, trong đó có sự tham gia của một toán quay phim từng làm một cuốn phim về cuộc đời của tay trùm ma tuý này.

Guzman đã vượt ngục một cách táo bạo cách nay 7 tháng qua một đường hầm dài cả cây số. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Sự thật về chuyến tuần tra của chiến hạm Mỹ Lassen ở Biển Đông

Ngày 27/10/2015, trong một chiến dịch được mệnh danh là để bảo vệ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, khu trục hạm Mỹ USS Lassen đã tiến vào bên trong vùng 12 hải lý của Đá Xu Bi, một trong 7 hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp tại vùng quần đảo Trường Sa ngoài Biển Đông.

Cho đến gần đây, thông tin chính thức về chiến dịch này chưa hề được công bố, mà chỉ có những chi tiết manh mún được các nguồn tin khác nhau đưa ra, chủ yếu là ẩn danh, đến từ các giới chức quân sự quốc phòng Hoa Kỳ. Tình trạng mập mờ này đã khiến cho nhiều người hoài nghi về tính chất quyết liệt của chiến dịch "bảo vệ quyền tự do hàng hải", chống lại những đòi hỏi chủ quyền thái quá của Trung Quốc tại Biển Đông do Hải quân Mỹ thực hiện.

Nhiều nhà phân tích đã chỉ trích các thủ tục mà tàu Lassen đã áp dụng khi di chuyển bên trong vùng 12 hải lý của Đá Xu Bi, được mô tả là giống với các thủ tục "đi qua vô hại", dùng trong trường hợp chiến hạm nước ngoài di chuyển trong lãnh hải của một nước khác, hơn là các hoạt động thể hiện quyền tự do đi lại trên vùng biển quốc tế.

John McCain chất vấn Ashton Carter

Một trong những người đã rất quan ngại trước khả năng Mỹ rụt rè không dám thách thức Trung Quốc trong chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải đầu tiên là Thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ.

Trong một bức thư gửi đích danh Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ngày 09/11/2015, ông McCain đã yêu cầu ông Carter giải thích rõ ràng về nhiệm vụ của chiếc USS Lassen tại Trường Sa hôm 27/10/2015 là thực hiện hoạt động "tự do đi lại" hay "đi qua vô hại" bên trong vùng 12 hải lý của Đá Xu Bi.

Bức thư của Thượng nghị sĩ McCain nêu lên 5 câu hỏi trong đó có yêu cầu làm rõ những yêu sách quá đáng của Trung Quốc mà chiến dịch do tàu Lassen thực hiện muốn thách thức, và con tàu có thực sự hoạt động theo thủ tục đi qua vô hại hay không, nếu đúng thì tại sao, còn nếu không, thì đã có những hoạt động nào để chứng tỏ là con tàu không "đi qua vô hại".

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chính thức lên tiếng

Hơn một tháng sau, bức thư của Thượng nghị sĩ McCain đã nhận được phúc đáp chính thức của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ngày 21/12/2015, trong đó lần đầu tiên, nhân vật đứng đầu Lầu Năm Góc cho biết chi tiết về chiến dịch do tàu Lassen thực hiện. Toàn văn bức thư đã được trang thông tin USNI News của Học viện Hải quân Hoa Kỳ công bố ngày 05/01/2016 vừa qua.

Về chiến dịch tuần tra của khu trục hạm USS Lassen, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter nói rõ:

"Ngày 27 tháng 10 năm 2015, khu trục hạm USS Lassen (DDG-82) của hải quân Mỹ đã tiến hành một chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông bằng cách đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của năm thực thể địa lý tại vùng quần đảo Trường Sa – Xu Bi (Subi Reef), Song Tử Đông (Northeast Cay), Song Tử Tây (Southwest Cay), Đá Nam (South Reef), và Đá Hoài Ân (Sandy Cay) – đang do Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam và Philippines tranh chấp. Hoa Kỳ không hề báo trước cho bất kỳ bên tranh chấp nào về hoạt động của tàu Lassen, vốn phù hợp với những gì (nước Mỹ) thường làm và đúng theo luật pháp quốc tế".

Trong bài phân tích đăng ngày 06/01/2016 vừa qua, trang mạng của tờ báo Nhật Bản The Diplomat cho rằng đoạn văn nói trên đã xóa bỏ mối lo ngại là chiến hạm Mỹ USS Lassen đã vô tình củng cố yêu sách chủ quyền của Trung Quốc bằng cách tuân theo thủ tục đi qua vô hại trong vùng 12 hải lý quanh Đá Xu Bi. Đối với The Diplomat, sự kiện Mỹ không báo trước cho Trung Quốc biết về hoạt động của tàu Lassen rất có ý nghĩa.

Ngoài ra, bức thư của ông Carter lần đầu tiên đã xác nhận rằng chiếc Lassen còn di chuyển qua vùng biển gần 4 thực thể địa lý khác, chứ không chỉ tập trung ở Đá Xu Bi như các tin tức trước đây từng loan tải.

Sự kiện tàu Lassen đi vào bên trong vùng 12 hải lý của Đá An Viên (Sandy Cay), theo The Diplomat, chứng minh thêm cho lập luận của hai nhà nghiên cứu Bonnie Glaser và Peter Dutton, đã giải thích trên tạp chí National Interest rằng một hoạt động đi qua vô hại nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải gần đá Subi không hề giảm nhẹ lập trường phản đối yêu sách quá mức của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa mà Hoa Kỳ muốn thể hiện qua chiến dịch do tàu Lassen tiến hành.

Đối với The Diplomat, bức thư của ông Carter đã xác nhận điều đó một cách rõ ràng khi ông giải thích lý do chọn Đá Xu Bi để tuần tra:

"Chúng tôi tin rằng Đá Xu Bi, trước khi bị Trung Quốc biến thành đảo nhân tạo, từng là một thực thể lúc nổi, lúc chìm và do đó không thể tự tạo ra 12 hải lý lãnh hải cho riêng mình. Tuy nhiên, nếu nó nằm trong phạm vi 12 hải lý của một thực thể có lãnh hải 12 hải lý như trường hợp của đá Hoài Ân (nằm trong 12 hải lý lãnh hải của đảo Thị Tứ), thì mực nước thấp nhất ở Đá Xu Bi có thể được dùng làm đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải như trường hợp của Đá Hoài Ân. Trong trường hợp đó, Đá Xu Bi có thể được bao quanh bởi một vùng lãnh hải 12 hải lý mặc dù là một thực thể lúc nổi, lúc chìm hoàn toàn tự nhiên."

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói tiếp:

"Chính vì tình trạng không chắc chắn như thế, chúng tôi đã tiến hành chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải theo cách hợp pháp, với tất cả các kịch bản, để bảo lưu lập trường của Mỹ cho đến khi những gì mập mờ được làm rõ, những tranh chấp được giải quyết và những yêu sách hàng hải được sáng tỏ".

Bức thư của ông Carter đã nhắc lại một cách rõ ràng hơn lập trường xuyên suốt của Mỹ là không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng chống lại bất kỳ mưu toan nào nhằm hạn chế quyền đi lại và các quyền tự do khác xung quanh các đảo đá đang tranh chấp, trong đó có yêu cầu của một số bên là phải xin phép hay thông báo trước khi đi vào vùng lãnh hải của họ.

Và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã lập lại một lời khẳng định đã trở thành quen thuộc: Máy bay và tàu thuyền Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.

Theo giới quan sát, bức thư của ông Ashton Carter đã giải tỏa được nhiều thắc mắc về quyết tâm của Mỹ trong chủ trương phản đối các yêu sách biển đảo quá mức của Trung Quốc tại Biển Đông. Vấn đề là lẽ ra Lầu Năm Góc nên có thái độ minh bạch như vậy sớm hơn, chứ không nên đợi hai tháng sau khi sự kiện diễn ra rồi mới lên tiếng giải thích. - RFI
|
|

6.
Trung Quốc ‘bay lén’ vào không phận do Việt Nam quản lý --- Máy bay TQ ra Trường Sa gây áp lực Đại hội Đảng

Hà Nội hôm 8/1 đã gửi đơn lên Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (ICAO), tố cáo máy bay Trung Quốc không thông báo cho phía Việt Nam khi thực hiện hàng chục chuyến bay qua vùng bay do Việt Nam quản lý để tới một hòn đảo nhân tạo ở Trường Sa.

Báo chí trong nước dẫn lời Cục trưởng Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho biết rằng từ ngày 1 tới 8/1, Trung Quốc đã thực hiện gần 50 chuyến bay không báo trước vào vùng bay Hồ Chí Minh do Việt Nam quản lý để tới đảo nhân tạo nước này xây dựng trên bãi đá Chữ Thập ở Trường Sa.

Việt Nam cáo buộc Trung Quốc vi phạm quy định của ICAO liên quan đến hoạt động bay như không nộp kế hoạch bay cho cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu liên quan của Việt Nam và không thiết lập liên lạc thoại với Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh.

Một ngày trước đó, hôm 7/1, Cục hàng không Việt Nam đã thông báo cho ICAO về “máy bay lạ” xâm nhập vùng bay Hồ Chí Minh, nhưng sau đó đã xác định đó là máy bay của Trung Quốc.

Trung Quốc chưa có phản hồi trước các tố cáo của Việt Nam về “những hoạt động bay uy hiếp an toàn đến hoạt động hàng không quốc tế và khu vực”.

Dù vấp phải phản đối của nhiều nước, trong đó có Việt Nam, sau khi thực hiện một chuyến bay thử nghiệm ra hòn đảo nhân tạo trên bãi đá Chữ Thập ở Trường Sa hôm 4/1, Bắc Kinh hôm 6/1 tiếp tục thực hiện hai chuyến bay thử nghiệm khác và Hà Nội lại lên tiếng chỉ trích.

Tin tức về các chuyến “bay lén” của Trung Quốc được đưa ra cùng thời gian Việt Nam tố cáo tàu trinh sát giả dạng tàu cá của Trung Quốc “vào sâu trong lãnh hải Việt Nam để nắm tình hình”.

Báo chí trong nước dẫn lời Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP Đà Nẵng cho biết, trong năm 2015, cơ quan này đã phát hiện 264 lượt tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền vùng biển của Việt Nam. - VOA

***
Một biến chuyển đặc biệt

Trong bối cảnh Việt Nam bận rộn tổ chức Đại hội Đảng, việc Trung Quốc ngày 2 và 6/1 đưa ba máy bay đáp xuống sân bay thiết lập trên Đá Chữ Thập, được xem là một biến chuyển rất đặc biệt.

Theo TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ hiện nghỉ hưu ở Hà Nội, những hoạt động của Trung Quốc dù ngụy biện là hoạt động dân sự nhưng đã không thể che lấp mục đích quân sự hóa ở 7 đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Trung quốc đã thiết lập tới 3 đường băng, mổi đường dài tới 3.000 mét đạt tiêu chuẩn cho các phi cơ quân sự tối tân nhất. Những sự kiện này rõ ràng bộc lộ quyết tâm, chủ trương của Trung Quốc trong việc từng bước một sử dụng sức mạnh quân sự và các cơ sở quân sự để khống chế tiến tới mục tiêu độc chiếm biển Đông, trước hết là đe dọa an toàn hàng hải, hàng không qua biển Đông, gây quan ngại lớn trong dư luận Việt Nam và Thế giới. TS Trần Công Trục tiếp lời:

“Tôi nghĩ rằng đó không chỉ là sự đe dọa đến quyền và các lợi ích hợp pháp của Việt Nam đối với quần đảo Trường sa cũng như các vùng biển mà Việt Nam có chủ quyền, có quyền theo công ước luật biển; mà nó còn đe dọa đến lợi ích chung của khu vực và quốc tế, đặc biệt vấn đề hàng hải và hàng không, cả về an ninh quốc phòng và có thể gây ra đụng độ. Nếu không kiểm soát được có thể dẫn đến va chạm nổ súng, nguy cơ xảy ra chiến tranh trong khu vực. Tôi nghĩ vậy, việc Trung Quốc điều máy bay xuống đây, rõ ràng là việc họ tính toán từ lâu bởi vì việc họ tôn tạo xây dựng trên các thực thể ở đây không phải chỉ là vấn đề chính trị mà chính là họ xây dựng những căn cứ quân sự rất là mạnh, để thực hiện mục đích của họ. Việc lần này họ bất chấp tất cả những phản ứng dư luận quan tâm lên án của các nước lớn, như Hoa Kỳ và các nước khác trong khu vực, họ tiến hành các hoạt động. Theo tôi đây có thể là tín hiệu mở màn cho giai đoạn mới của chiến dịch rất lớn mà họ muốn thực hiện nhanh chóng, để độc chiếm biến đông làm chủ biển đông theo mưu lược đặt ra từ lâu.” 

Trong khi đó, Học giả Đinh Kim Phúc thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, hiện sống và làm việc tại Saigon cho rằng hành động của Trung Quốc hoàn toàn đi ngược lại những gì họ nói:

“Việc Trung Quốc từng bước lấn chiếm trái phép, xây dựng đảo nhân tạo rồi đưa máy bay vào Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, một lần nữa chúng ta có thể khẳng định rằng âm mưu bá quyền độc chiếm biển Đông của Trung Quốc không bao giờ thay đổi. Điều đó đánh động cho tất cả những ai còn ảo tưởng cho tình hữu nghị hòa bình đồng chí với Trung Quốc.” 

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê hải Bình hôm 6/1 đã phản đối việc Trung Quốc thực hiện bay thử nghiệm ra Đá Chữ Thập. Đồng thời Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam đã thông báo cho Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế ICAO về việc máy bay Trung Quốc đi vào vùng  thông báo bay FIR HCM vào ngày 2 và 6/1/2016 mà không hề liên lạc với Trung tâm kiểm soát đường dài HCM mà Việt Nam quản lý. Việc này vi phạm qui định của ICAO cũng như của Việt Nam và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn bay trong khu vực.

Học giả Đinh Kim Phúc nhấn mạnh tới việc Việt Nam và các nước cần thay đổi cách đối phó với Trung Quốc khi nước này leo thang các hành động phi pháp trên biển Đông. Ông nói:    

“Việc Trung Quốc hôm 6/1 đưa hai phi cơ đáp xuống Đá Chữ Thập không những vi phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm các cam kết mà các lãnh đạo Nhà nước Trung Quốc trong thời gian vừa qua đã hô hào, đây là việc đặc biệt nghiêm trọng đe dọa đến an toàn bay vùng thông báo bay FIR HCM mà Việt Nam quản lý, không những đối với hàng không của Việt Nam, của các nước Đông Nam Á mà nó còn đe dọa an toàn hàng không của tất cả các nước trên thế giới, nhất là những quốc gia có đường bay vào Đông Nam Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada, Mỹ…Tôi cho rằng đây là hành động nghiêm trọng không thể phản ứng yếu ớt chiếu lệ như thời gian vừa qua là cực lực lên án, quan ngại…mà chúng ta phải tố cáo ra cộng đồng quốc tế, hoặc kêu gọi tất cả các nước phải tỏ thái độ với Trung Quốc vấn đề đe dọa an toàn bay như ngày 6/1 vừa qua.”

Đúng thời cơ?

Nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ TS Trần Công Trục phân tích, từ đầu thế kỷ 20 trong quá trình tiến xuống biển Đông, Trung Quốc luôn tính đến tình hình chính trị xã hội, sự cân bằng sức mạnh của từng quốc gia một cũng như trong khu vực. Trung Quốc lợi dụng các thời cơ cụ thể về tình hình quốc tế, các khu vực các điểm nóng trên thế giới để hành xử. Riêng đối với Việt Nam, TS Trần Công Trục nhấn mạnh:

“Ai cũng biết rằng Việt Nam đang tập trung hết mọi khả năng cần thiết để đảm bảo cho sự thắng lợi của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12. Rõ ràng đấy là một trong những thời cơ lợi dụng, để Trung Quốc tiếp tục làm mạnh hơn nữa, rút ngắn thời gian để họ nhanh chóng đạt được mục tiêu cuối cùng của họ là khống chế độc chiếm biển Đông, nơi có những lợi ích đan xen của các quốc gia trong khu vực. 

Rõ ràng từ đầu năm đến nay họ đã triển khai rất nhiều mũi tiến công liên quan đến hoạt động trên biển Đông. Vấn đề quân sự hóa các thực thể lấn chiếm trên biển Đông họ đang làm ráo riết. Ngoài ra họ đưa các dàn khoan xuống khu vực biển Đông, hoặc cách họ hành xử với ngư dân Việt Nam đánh cá ở các vùng biển đó và trên dư luận thì họ tiếp tục đưa ra quan điểm để khẳng định là họ có chủ quyền từ lâu đời. Thậm chí họ tố cáo là các nước khác trong đó có Việt Nam đã đánh chiếm các đảo mà họ nói là họ có chủ quyền đó và họ để ngỏ khả năng là có thể chiếm lại bất kỳ lúc nào.”

Chúng tôi nêu câu hỏi với Học giả Đinh kim Phúc là có sự liên quan giữa việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động trên biển Đông và thời điểm nội bộ Việt Nam chuẩn bị Đại Hội Đảng lần thứ 12 hay không. Học giả Đinh Kim Phúc nhận định:

“Nhìn lại mối quan hệ từ khi Việt Nam bình thường hoá với Trung Quốc từ 1990, chúng ta thấy rõ rằng cứ mỗi một lần Việt nam Đại hội Đảng hay tổ chức bầu cử các cấp từ Quốc hội tới Hội đồng Nhân dân, thì Trung Quốc thường có những động thái gây áp lực tạo sự cố để cho một ai đó thấy rằng Trung Quốc vẫn có tiếng nói, vẫn có quyết định nào đó đối với nội bộ lãnh đạo Việt Nam. Sự kiện đầu tháng Giêng vừa qua chúng ta thấy rõ rằng bằng cách này hay cách khác, Trung Quốc đã bắn tiếng không thể buông vai trò của Trung Quốc đối với hoạt động của giới lãnh đạo Việt Nam. Nhưng mà ở đây các nhà lãnh đạo Việt Nam đã nói rõ rằng Trung Quốc không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, không này…không kia, nhưng rõ ràng trong phiên họp cuối năm của Chính phủ Việt Nam Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói rất rõ bảo vệ độc lập chủ quyền theo biện pháp hòa bình phù hợp với công pháp quốc tế, kêu gọi các nước ủng hộ chính nghĩa của Việt Nam không để cho nước khác can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, thì chúng ta thấy rõ rằng hành động đáp hai chuyến bay xuống Đá Chữ Thập chiếm của Việt Nam là để đáp lại tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.”

Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 21 tới 28/1/2016, trong thời gian trước đó là Hội nghị Trung ương 14 và tiếp theo là Hội nghị Trù bị. Nếu chỉ căn cứ vào những thông tin dòng chính mà thôi, thì đã có thể thấy vấn đề nhân sự 4 vị trí cao cấp nhất gọi là tứ trụ, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, Thủ tướng và chủ tịch Quốc hội có sự tranh chấp quyết liệt. Những luận cứ mà TS Trần Công Trục và Học giả Đinh Kim Phúc mà chúng tôi vừa trình bày thể hiện rõ nét mưu lược của Trung Quốc đối với vấn đề biển Đông, giữa bối cảnh Việt Nam sắp có một ban lãnh đạo mới cho Đảng và Nhà nước. - RFA

No comments:

Post a Comment