Tin Thế Giới
1.
Phe đối lập Syria đến Geneve để dự cuộc đàm phán hoà bình
Một phái đoàn đại diện nhóm đối lập chính ở Syria sẽ đến Geneve trong ngày hôm nay.
Hiện chưa rõ các thành viên của Thượng Uỷ ban Thương thuyết (HNC) do Ả rập Xê út hậu thuẫn có tham dự một cách trực tiếp trong cuộc hoà đàm hay không.
Hôm qua, các giới chức Liên Hiệp Quốc đã khai mạc cuộc đàm phán tại Thuỵ Sĩ, bất chấp một vụ tẩy chay của Thượng Hội đồng Thương thuyết.
Cuộc đàm phán đã bắt đầu với một cuộc họp tại văn phòng của Liên Hiệp Quốc giữa Đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Syria, ông Staffan de Mistura, với một phái đoàn của chính phủ Syria nằm dưới sự hướng dẫn của Đại sứ Syria tại Liên Hiệp Quốc Bashar Ja'afari.
Sau cuộc họp đó, ông Mistura nói ông hy vọng gặp gỡ các thành viên của Thượng Uỷ ban Thương thuyết vào ngày Chủ nhật.
Trước đó Thượng Uỷ ban Thương thuyết tuyên bố sẽ tẩy chay cuộc thương thuyết vì Nga và Syria không ngưng không kích vào khu vực dân cư hoặc nới lỏng những vụ phong toả làm cho hàng cứu trợ không tới tay người dân. Tuy nhiên, ngày hôm qua, liên minh đối lập này cho biết họ đã nhận được “những sự bảo đảm”, mà họ không nói rõ là gì, khiến họ quyết định cử một phái đoàn tới Geneve.
Cuộc hoà đàm này là nỗ lực mới nhất để chấm dứt cuộc nội chiến Syria kể từ khi các cuộc thương thuyết bị đổ vỡ vào năm 2014.
Cuộc nội chiến gần 5 năm ở Syria đã giết chết khoảng 250.000 người và làm cho hàng triệu người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn. - VOA
|
|
2.
Mỹ: Chiến đấu cơ Nga bay cách máy bay Mỹ 5 mét --- Iran cho biết đã bay máy bay không người lái bên trên tàu sân bay Mỹ
Các giới chức quân sự Mỹ cho biết một chiến đấu cơ Nga hôm thứ hai đã bay cách một chiếc máy bay trinh sát của Mỹ trong không phận quốc tế chỉ có 5 mét.
Một nữ phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung tá Michelle Baldanza, hôm thứ sáu nói chiếc máy bay của Không quân Mỹ đang bay trên tuyến bay thường lệ ở Biển Đen khi bị một chiếc phản lực Nga nghênh cản với “một cung cách không an toàn và không chuyên nghiệp.”
Các giới chức quân sự Mỹ cho các cơ quan truyền thông biết rằng chiếc máy bay Nga đã bay bên cạnh máy bay trinh sát của Mỹ rồi quẹo gắt qua hướng tay phải, gây ảnh hưởng tới sự điều khiển của chiếc máy bay Mỹ.
Họ không cho biết chiếc máy bay Nga có trang bị vũ khí hay không.
Vụ này tương tự như vụ xảy ra hồi tháng tư ở Biển Baltique. Ngũ Giác Đài cho biết khi đó một chiếc chiến đấu cơ Nga bay ngang mũi của một chiếc máy bay trinh sát Mỹ và nghiêng máy bay để khoe vũ khí. Moscow nói rằng phi công của họ không làm gì sai trong vụ đó. - VOA
***
Truyền thông nhà nước Iran cho biết một chiếc máy bay không người lái không vũ trang của nước họ đã bay bên trên một hàng không mẫu hạm của Mỹ và chụp được những bức ảnh “chính xác” trong một cuộc thao dượt hải quân ở Vịnh Ba Tư.
Hôm qua, truyền hình nhà nước Iran và hãng tin bán chính thức FARS phổ biến những bức ảnh giống nhau mà họ nói là hình chụp từ máy bay không người lái đó. Những bức hình này cho thấy một tàu sân bay không rõ tên gì.
Tin tức của Iran nói rằng những hình ảnh đó được chụp hôm thứ sáu. Nhưng người phát ngôn của hải quân Mỹ cho biết một chiếc máy bay không người lái không vũ trang của Iran đã bay gần hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle của Pháp và “ngay bên trên” hàng không mẫu hạm USS Harry Truman vào ngày 12 tháng Giêng khi hai tàu này di chuyển trong hải phận quốc tế ở Vịnh Ba Tư.
Đô đốc Habibollah Sayyari, Tư lệnh Hải quân Iran, nói diễn tiến đó là dấu hiệu của “sự dũng cảm, kinh nghiệm và năng lực khoa học của những người điều khiển máy bay không người lái của chúng ta.”
Nếu thời điểm mà phía Hoa Kỳ đưa ra là chính xác thì vụ việc này xảy ra trong cùng ngày Iran bắt 10 binh sĩ hải quân Mỹ trên chiếc tàu đi lạc vào hải phận Iran. Các binh sĩ đó đã được thả vào ngày hôm sau. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Bà Clinton gửi email riêng chứa 'bí mật'
Hai mươi hai bức thư điện tử được gửi qua máy chủ không bảo đảm an toàn của bà Hillary Clinton trong lúc bà đang là Ngoại trưởng chứa đựng những bí mật của chính phủ, theo giới chức Mỹ.
Bộ Ngoại giao nói các tin nhắn đã được xếp loại "tối mật" và không thể được gửi đi.
Phát ngôn viên John Kirby nói các thư điện tử (email) này đã không được đánh dấu ‘mật’ vào thời điểm chúng được gửi.
Vụ việc bà Clinton sử dụng email cá nhân khi đang là Ngoại trưởng đã đeo đẳng chiến dịch ứng viên tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ của bà.
Thông tin nhạy cảm
Bà Clinton, người đang tìm kiếm sự đề cử của đảng Dân chủ cho cuộc bầu cử năm 2016, đã bị chỉ trích vì sử dụng một máy chủ vi tính cá nhân khi trao đổi các email công việc lúc còn tại vị.
Theo yêu cầu của bà, hàng ngàn email đã được Bộ Ngoại giao công bố.
Nhưng đây là lần đầu tiên nhiều bức thư của bà được tuyên bố là ‘mật’.
Bộ phận vận động tranh cử của bà Clinton đã phản ứng tức giận trước thông báo và yêu cầu các email phải được công bố đầy đủ.
Thông báo của giới chức được đưa ra ba ngày trước khi bà Clinton tham dự cạnh tranh ứng viên đề cử trong một cuộc đấu quan trọng ở Iowa.
Các bức thư đã được xếp hạng "tối mật", vì chúng sẽ gây ra thiệt hại "đặc biệt nghiêm trọng" cho an ninh quốc gia nếu công bố, Bộ Ngoại giao Mỹ nói.
Các quan chức tình báo nói với hãng tin Mỹ Associated Press rằng 37 trang có thể chứa những thông tin nhạy cảm được gọi là các "chương trình tiếp cận đặc biệt" – những dự án bí mật chẳng hạn như các cuộc không kích không người lái hay nghe lén của chính phủ.
Gửi hay chỉ nhận?
Không rõ liệu bà Clinton có gửi các thông tin "tối mật" này đi hay là bà chỉ nhận được chúng mà thôi.
Trước đây, các thông tin nhạy cảm đã được biên tập trước khi các thông điệp, thư từ được công bố, nhưng ông Kirby nói thư điện tử "tối mật" sẽ không được công bố, thậm chí là một phần.
Các đối thủ của bà Clinton đã buộc tội bà đặt an ninh của nước Mỹ trước rủi ro khi bà sử dụng một hệ thống máy tính không bảo đảm an ninh.
Ứng viên hứa hẹn cho chức vụ Tổng thống đã thừa nhận rằng quyết định của bà sử dụng một máy chủ thư điện tử riêng tại nhà của bà ở New York là một sai lầm.
Bộ Ngoại giao đã công bố một loạt các email của bà Clinton vào tối thứ Sáu.
Tuy nhiên cơ quan này vẫn chưa công bố khoảng 7.000 trang các thư điện tử từ máy chủ riêng của bà.
Giới chức tại Bộ Ngoại giao Mỹ đã yêu cầu có thêm thời gian để kiểm tra các thông điệp, thư từ do bị ảnh hưởng bởi trận bão tuyết gần đây tấn công Washington.
Họ đã yêu cầu công bố loạt cuối cùng của các bức thư điện tử vào ngày 29/2, là thời điểm sau khi diễn ra sự kiện liên quan cuộc đua ứng viên với cửa ải tranh đấu quan trọng của bà Clinton ở Iowa. - BBC
|
|
4.
Biển Đông: Mỹ bất ngờ cho tàu tuần tra gần đảo Tri Tôn (Hoàng Sa) --- Biển Hoa Đông và Biển Đông: Bắc Kinh lại "cay cú" Mỹ
Mọi người chờ đợi Mỹ ở Trường Sa, nhưng vào hôm nay, 30/01/2016, Hải quân Hoa Kỳ lại bất ngờ phái chiến hạm tiến vào tuần tra bên trong khu vực 12 hải lý của đảo Tri Tôn, vùng quần đảo Hoàng Sa. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, mục tiêu của chiến dịch vẫn là thể hiện quyết tâm bảo vệ quyền tự do hàng hải.
Theo một phát ngôn viên Lầu Năm Góc, khu trục hạm USS Curtis Wilbur (DDG 54) đã tiến vào và di chuyển bên trong vùng 12 hải lý của đảo Tri Tôn, theo thủ tục « qua lại vô hại ». Tuy nhiên phát ngôn viên Mỹ nhấn mạnh rằng hoạt động của chiến hạm Mỹ nằm trong khuôn khổ một chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải, nhằm phản đối « các đòi hỏi chủ quyền quá đáng » của Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan, tức là ba bên đang tranh chấp vùng quần đảo Hoàng Sa.
Tuyên bố nói rõ : « Hoạt động này [của tàu Curtis Wilbur] thách thức các nỗ lực của ba bên tranh chấp - Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam – muốn giới hạn các quyền hàng hải và quyền tự do chung quanh các thực thể địa lý mà họ tuyên bố chủ quyền, bằng cách đòi nước khác phải xin phép hay thông báo trước quá cảnh vùng lãnh hải ».
Đối với phát ngôn viên Lầu Năm Góc : « Đòi hỏi chủ quyền quá đáng liên quan đến đảo Tri Tôn không phù hợp với luật lệ quốc tế được phản ánh trong Công ước về Luật Biển ».
Theo một quan chức quốc phòng Mỹ được nhật báo Wall Street Journal trích dẫn, chuyến tuần tra của chiếc USS Curtis Wilbur kéo dài ba tiếng đồng hồ, đã được tiến hành mà không hề báo trước cho bất kỳ nước nào biết. Việc không thông báo là yếu tố cho thấy cuộc tuần tra đích thực là một chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải.
Viên chức Mỹ cũng xác định rằng chiến hạm Mỹ đã không thấy bất kỳ chiếc tàu Trung Quốc nào trong lúc thực hiện nhiệm vụ tuần tra, nhưng không nói rõ là đã có hay không có những trao đổi qua vô tuyến điện với tàu Trung Quốc hay nước khác.
Hành động của Mỹ, theo như Lầu Năm Góc tuyên bố, nhắm vào cả Trung Quốc, Việt Nam lẫn Đài Loan. Tuy nhiên giới quan sát cho rằng đây thực chất là một động thái nhắm vào Trung Quốc, nước hiện đang kiểm soát toàn bộ vùng quần đảo Hoàng Sa mà họ đã chiếm trọn từ tay Việt Nam vào năm 1974.
Sự kiện Trung Quốc không phản ứng khá khác thường, vì lẽ từ trước đến nay, Bắc Kinh thường tung các đội tàu nhỏ ra để đối phó mỗi khi tàu ngoại quốc tiến vào khu vực mà Trung Quốc cho là thuộc chủ quyền của họ.
Vào tháng 10 năm ngoái 2015, một khu trục hạm khác của Hải Quân Mỹ cũng đã đi vào phạm vi 12 hải lý của Đá Xu Bi (Subi Reef), một trong 7 đảo mà Trung Quốc vừa bồi đắp ở quần đảo Trường Sa. Trung Quốc khi ấy đã cực lực phản đối, và cho tàu của họ theo dõi sát tàu Mỹ.
Sau khi Hoa Kỳ cho biết sẽ tiếp tục các chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải tại Biển Đông, nhiều nhà phân tích đã dự báo khả năng Mỹ sẽ áp sát Đá Vành Khăn (Mischief Reef) trong chiến dịch thứ hai. Không ngờ là hôm nay, tàu Mỹ lại tiến vào vùng Hoàng Sa. - RFI
***
Trung Quốc vào hôm qua 29/01/2016 đã lại cảnh cáo Mỹ sau tuyên bố thẳng thắn của đô đốc Harry Harris, tư lệnh lực lượng Mỹ vùng Thái Bình Dương là sẽ bảo vệ Nhật Bản nếu quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông bị Trung Quốc tấn công. Lời phản ứng cứng rắn này được đưa ra 24 tiếng đồng hồ sau một lời đả kích khác của Bắc Kinh, cũng nhắm vào đô đốc Mỹ, đã khẳng định rằng các đảo trên Biển Đông không phải là của Trung Quốc.
Theo nhật báo Anh ngữ Trung Quốc China Daily, trong một tuyên bố bằng văn bản gởi đến tờ báo này, Bộ Quốc phòng Trung Quốc vào hôm qua 29/01, đã kêu gọi Washington« thận trọng trong lời nói và hành động liên quan đến vấn đề quần đảo Điếu Ngư ». Điếu Ngư là tên Bắc Kinh đặt cho quần đảo Senkaku hiện do Nhật Bản kiểm soát, nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền.
Trong một tuyên bố ngày 27/01 tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) tại Washington, khi nói về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, vị đô đốc chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, đã tái khẳng định quan điểm theo đó « Mỹ rõ ràng sẽ bảo vệ quần đảo này nếu bị Trung Quốc tấn công ».
Một chuyên gia Trung Quốc được tờ China Daily trích dẫn đã tố cáo những lời lẽ được cho là có ý đồ khuyến khích Nhật Bản dùng biện pháp quân sự tại vùng đang tranh chấp. Một chuyên gia khác thì giảm nhẹ ý nghĩa của tuyên bố từ phía Mỹ, cho rằng các cam kết bảo vệ đồng minh châu Á mà Mỹ đưa ra thường « mạnh mẽ hơn nhiều so với các hành động trong thực tế ».
Ngoài các ý kiến về Biển Hoa Đông, đô đốc Harris cũng đã khiến Bắc Kinh giận dữ khi ông đề cập đến tình hình Biển Đông, và khẳng định rằng Mỹ sẽ tiếp tục thách thức lập trường của Trung Quốc về Biển Đông, nơi mà theo ông, « những hòn đảo không thuộc về Trung Quốc ».
Tối hôm 28/01/2016, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã đả kích nhân xét của đô đốc Mỹ, bị cho là « hoàn toàn thiếu hiểu biết thông thường về lịch sử ». Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông là công việc của Bắc Kinh và các nước ASEAN, do đó « không cần đến các nước bên ngoài khu vực chỉ trỏ, chưa kể đến việc đưa ra những nhận xét ngu dốt ».
Phản ứng gay gắt của Bắc Kinh tương ứng với những tuyên bố bộc trực của đô đốc Mỹ, theo đó trong vấn đề biển đảo, Trung Quốc là "kẻ xâm lược tiềm tàng". - RFI
|
|
5.
Mỹ và Brazil cam kết hợp tác chống Zika
Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Brazil cho biết họ đồng ý với nhau về “sự quan trọng của những nỗ lực hợp tác” để ngăn chận sự lây lan của virus Zika.
Sau cuộc điện đàm giữa hai vị tổng thống hôm thứ sáu, Tòa Bạch Ốc đưa ra một thông cáo nói rằng ông Barack Obama và bà Dilma Rouseff thừa nhận sự quan trọng của việc hợp tác nhằm “gia tăng sự hiểu biết, xúc tiến hoạt động nghiên cứu, và đẩy mạnh việc phát triển thuốc chủng và những kỹ thuật khác để khống chế virus này.”
Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo rằng virus Zika đang lan truyền một cách nhanh chóng trên khắp châu Mỹ và có thể ảnh hưởng tới 4 triệu người.
Virus Zika được cho có dính líu tới 4.000 ca nghi nhiễm của bệnh teo não tại Brazil. Hiện chưa có cách chữa bệnh này.
Tổng thống Rouseff hôm qua loan báo một chiến dịch toàn quốc để diệt trừ loại muỗi truyền virus Zika sang con người.
Các nhà khoa học cảnh báo rằng phải mất nhiều năm để phát triển một loại thuốc chủng để ngừa virus Zika.
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ cảnh báo phụ nữ mang thai tránh đến những khu vực có dịch Zika. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
6.
Phái đoàn VN sang New Zealand ký TPP
Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng dẫn đầu phái đoàn sang Úc và New Zealand chuẩn bị ký kết TPP, theo truyền thông Việt Nam.
Ngày 4/2, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ chính thức được ký kết tại thành phố Auckland, New Zealand.
“Đoàn Việt Nam có nhiều đại diện doanh nghiệp. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định TPP mang lại rất nhiều lợi ích, mà đối tượng hưởng lợi nhiều nhất chính là doanh nghiệp,” Website CafeBiz hôm 30/1 tường thuật.
“Việc kết thúc đàm phán để ký kết TPP là quan trọng, nhưng việc tiếp theo là làm thế nào để mọi đối tượng, trong đó có doanh nghiệp, người dân, biết được nội dung có liên quan để tận dụng lợi thế, đồng thời có biện pháp hạn chế khuyết điểm.
"Đây là vấn đề không phải chỉ của Bộ Công thương mà là công việc của các bộ ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và của người dân”, ông Hải được trang điện tử này dẫn lời, nói.
Việc ký kết TPP diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sắp mãn nhiệm sau Đại hội Đảng 12.
Ông Đỗ Thắng Hải khi trả lời tờ VnExpress tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 29/1 cũng cho biết sẽ 'không có nhiều thay đổi' khi Việt Nam tham gia ký vào ngày thứ Năm tới đây so với các thông báo từ trước.
“Nội dung hiệp định vẫn giữ được những lợi ích cho các đối tượng tham gia, trong đó người dân, doanh nghiệp Việt Nam cũng được hưởng lợi”, ông Thứ trưởng được dẫn lời, nói.
“Nội dung hiệp định vẫn giữ được những lợi ích cho các đối tượng tham gia, trong đó người dân, doanh nghiệp Việt Nam cũng được hưởng lợi”, quan chức này khẳng định với truyền thông Việt Nam.
Tờ VnExpress cho hay sau khi 'báo cáo Chính phủ và được Bộ Chính trị đồng ý', sáng 30/1, đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Công Thương dẫn đầu sẽ tới Australia và New Zealand với chương trình công tác 'nhằm đẩy mạnh hợp tác kinh tế' và trong khuôn khổ chuyến đi, đoàn sẽ tham dự lễ ký kết chính thức hiệp định vào ngày 4/2.
Phát biểu tại họp báo, đại diện Bộ Công Thương cho rằng một trong những thành tựu lớn nhất trong kinh tế đối ngoại năm qua của Việt Nam chính là tham gia nhiều hiệp định kinh tế mà TPP là đáng chú ý nhất, vẫn theo trang báo điện tử này.
'Thay đổi to lớn'
Trước đó, trong một trả lời phỏng vấn với BBC từ Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói:
“Tôi nghĩ rằng những việc lớn như TPP thì không có một ông nào khởi xướng hoặc có công làm nên, vì cả ban lãnh đạo Việt Nam phải nhất trí thông qua, có chủ trương để làm chuyện ấy”.
“Do vậy, kết quả Đại hội Đảng 12 cũng như sự ra đi của ông Dũng không có tác động gì đáng kể đến tình hình kinh tế Việt Nam vì cơ bản là không có sự thay đổi chính sách”, nhà hoạt động dân sự nói.
Trong bài dự báo về tình hình chính trị - kinh tế Việt Nam trên trang Australian Financial Review cuối năm ngoái, tác giả Thomas Jandl viết:
"Năm 2016 mang tính then chốt để Hà Nội điều chỉnh cơ cấu chính trị trong nước cho phù hợp với vị trí mới của Việt Nam trong kiến trúc kinh tế và an ninh toàn cầu".
“Việc hoàn tất đàm phán TPP đặt Việt Nam vào khối 12 nước cần tuân thủ một loạt các quy tắc thương mại, đầu tư chung, đồng thời đòi hỏi Việt Nam phải thực hiện những thay đổi to lớn ở trong nước.
"Các doanh nghiệp nhà nước, vốn được bảo hộ mạnh mẽ, nay sẽ phải nỗ lực để tồn tại nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi, bởi họ nay sẽ cùng chung chịu sự điều chỉnh của các quy định áp dụng cho khối tư nhân”, ông Jandl viết trên tờ báo tài chính của Úc.
Khi so sánh với khối kinh tế tư nhân, tác giả nói rằng cả tính hiệu quả lẫn tính thiết thực trong việc sử dụng vốn của khối kinh tế nhà nước hoàn toàn thua kém, đặc biệt là nếu so với các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ.
Thế nhưng khối quốc doanh cho đến nay vẫn được nhận những thị phần to lớn về tín dụng và các hợp đồng làm ăn của chính phủ, và điều đó đã khiến cho nền kinh tế bị trì trệ.
Tận dụng được cơ hội?
Trong một trao đổi với BBC gần đây nhìn lại kinh tế năm qua và dự phóng trong toàn năm 2016, trong đó có bối cảnh TPP và Việt Nam, một nhà kinh tế học từ Đại học Kinh tế Quốc dân, PGS. TS. Phạm Thế Anh nói:
"Trong năm qua, có mấy sự kiện đáng nổi bật như sau, thứ nhất là sự hồi phục kinh tế, hồi phục kinh tế đã diễn ra trên diện rộng hơn, tức là trên nhiều ngành nghề hơn, nhưng đáng chú ý nhất vẫn là hồi phục ở ngành xây dựng và những ngành liên quan kinh doanh bất động sản, nó hơi chênh lệch so với những ngành khác.
"Ngành sản xuất có hồi phục so với năm trước, nhưng không phải là quá cao, và mức hồi phục của cả nền kinh tế thì chủ yếu diễn ra trong lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản.
"Triển vọng tăng trưởng cả năm 2015 có thể đạt ở mức khoảng 6,6% đến 6,7% cho cả năm 2015, mức này là mức cao hơn so với kỳ vọng đầu năm, tuy nhiên gần đây, chỉ số quản trị nhà mua hàng (chỉ số PMI) của Việt Nam, đối với ngành sản xuất của Việt Nam, thì lại xấu đi; trong ba tháng gần đầy đều ở dưới ngưỡng 50 điểm, tức là ngưỡng trung lập.
"Nó phản ánh triển vọng kinh tế trong những năm sau có vẻ là xấu đi, không được tốt như những tháng đầu năm hay gữa năm, cái này có thể phản ánh đà hồi phục tăng trưởng của kinh tế Việt Nam có thể là hụt hơi. Đó là cái lo ngại.
"Thế còn vấn đề khác như là thương mại hay đầu tư quốc tế, thì nó chưa có gì nổi bật cả, mặc dù trong năm qua Việt Nam đã hoàn thành đàm phán hợp tác thương mại tự do với EU hay TPP, hay là Việt Nam - Hàn Quốc, thì hàng loạt hiệp định thương mại tự do đã ký kết, hoặc đã hoàn thành đàm phán, tuy nhiên tác động tích cực chưa đến ngay, mà nó có thể trong một hai năm tới.
"Tuy nhiên thì Việt Nam có tận dụng được các cơ hội đó hay không, thì nó là một câu chuyện khác," chuyên gia về kinh tế vĩ mô Phạm Thế Anh nói với BBC. - BBC
No comments:
Post a Comment