Thursday, January 7, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Năm 7/1

Tin Thế Giới

1.
Thị trường Trung Quốc tuột dốc, kéo theo thị trường Châu Âu

Các thị trường tài chánh chính ở Châu Âu sáng nay bị sụt giá mạnh, sau khi Trung Quốc một lần nữa ngưng giao dịch vì xảy ra tình trạng bán tống bán tháo.

Các giới chức quản lý chứng khoán Trung Quốc ra lệnh ngưng giao dịch, chỉ 14 phút sau khi thị trường Thượng Hải mở cửa sáng nay và bị sụt 7,3%. Thị trường Thâm Quyến giảm 8,3%.

Đây là lần thứ nhì trong tuần này giới hữu trách Trung Quốc ra lệnh ngưng giao dịch chứng khoán.

Quyết định này gây lo âu cho các nhà đầu tư, khiến các thị trường khác ở Á Châu giảm giá, và làm cho giá trị của đồng nguyên giảm 0,51% so với đồng đô la -- xuống tới mức thấp nhất kể từ tháng 8.

Chỉ số Nikkei ở Nhật Bản giảm 1,8% và chỉ số Kospi ở Nam Triều Tiên giảm 1%. Chỉ số Hằng Sinh ở Hồng Kông giảm 2,6% trong khi chỉ số S&P/ASX ở Australia bị sụt 2%.

Các thị trường Đài Loan, New Zealand và các nước Đông Nam Á cũng giảm.

Trong những vụ giao dịch vào sáng sớm hôm nay, các thị trường Châu Âu theo gót Á Châu. Chỉ số DAX của Đức giảm 3,1% sau khi mở cửa. Chỉ số CAC 40 của Pháp ia3m 2,5%. Trong khi đó, chỉ số FTSE ở Anh giảm 2,3% và chứng khoán kỳ hạn Dow và S&P cũng sút giảm.

Theo sự mô tả của các chuyên gia, giới nhà đầu tư đang đối mặt với điều thường được gọi là “cơn bão hoàn hảo”, trong đó những yếu tố bất lợi đã hội tụ với nhau: tăng trưởng toàn cầu yếu kém -- nhất là ở Trung Quốc, nơi có tỉ lệ tăng trưởng thấp nhất trong vòng 25 năm; giá dầu giảm mạnh và những mối căng thẳng khu vực, kể cả tuyên bố của Bắc Triều Tiên về việc thử nghiệm một quả bom hydro hôm thứ tư.

Hãng thông tấn Reuters cho biết Uỷ ban Quản lý Chứng khoán Trung Quốc hôm nay cũng loan báo những qui định mới mà họ hy vọng sẽ góp phần ổn định thị trường.

Trong các qui định này có một qui định là bắt đầu từ ngày 9 tháng này các cổ đông lớn không được bán hơn 1% phần hùn trong một công ty có niêm yết thông qua hệ thống đấu giá trung ương của thị trường chứng khoán trong một tam cá nguyệt. Ngoài ra, Uỷ ban Quản lý Chứng khoán cũng đòi hỏi các cổ đông lớn phải nộp kế hoạch mua bán 15 ngày trước khi tiến hành các cuộc giao dịch.

Hôm qua, ủy ban này cho biết họ sẽ duy trì những qui định, lẽ ra sẽ hết hạn trong tuần này, là những cổ đông chiếm hơn 5% phần hùn của một công ty không được bán cổ phiếu. - VOA
|
|

2.
Lực lượng Mỹ, Hàn Quốc được đặt trong tình trạng báo động cao

Các lực lượng quân sự của Mỹ và Nam Triều Tiên trên bán đảo Triều Tiên đã được đặt trong tình trạng báo động cao sau khi Bắc Triều Tiên tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư vào ngày 6 tháng 1. Từ Seoul, thông tín viên Brian Padden của đài chúng tôi gởi về bài tường thuật.

Có tin cho biết Không quân Mỹ đã điều động máy bay thu thập dữ liệu khí quyển từ Căn cứ Không quân Kadena ở Okinawa để thu thập những phân tử bức xạ do vụ nổ ở Bắc Triều Tiên gây ra để xác định xem phải chăng đây là kết quả của một vụ nổ bom nhiệt hạch như Bình Nhưỡng tuyên bố.

Washington và Seoul không tin chương trình phát triển hạt nhân của Bình Nhưỡng đã tiến bộ đủ để sản xuất một quả bom nhiệt hạch, có cường độ lớn hơn nhiều so với ba quả bom nguyên tử mà họ đã thử nghiệm trước đây.

Bộ trưởng Quốc phòng Nam Triều Tiên Han Min Koo và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter hôm 7 tháng 1 đã bàn tới những biện pháp ứng phó mà liên minh Mỹ-Hàn đang xem xét, ngoài việc thực hiện những cuộc thao dượt chung. Ông Han Min Koo phát biểu như sau:

"Cả hai vị bộ trưởng đã đồng ý với nhau là Bắc Triều Tiên phải trả một cái giá cho hành vi khiêu khích của họ."

Kho vũ khí hạt nhân không ngừng gia tăng của Bắc Triều Tiên

Người ta tin Bắc Triều Tiên có đủ plutonium để chế từ 8 đến 12 quả bom hạt nhân. Nhiều nhà phân tích an ninh cho rằng số bom như vậy là quá đủ để ngăn chận một cuộc xâm lăng mà Bình Nhưỡng nghĩ là Hoa Kỳ hay Nam Triều Tiên có thể thực hiện.

Ngay cả trong trường hợp vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư này không mạnh như một quả bom hydro, điều đó vẫn cho thấy chương trình phát triển hạt nhân của Bắc Triều Tiên trong vài năm qua đã chuyển đổi từ một vị thế phòng vệ sang một vị thế có tính chất tấn công nhiều hơn.

Có tin cho biết Bình Nhưỡng năm ngoái đã khởi động lại một nhà máy tinh chế uranium để sản xuất thêm nhiên liệu dùng để chế bom hạt nhân.

Theo ước tính của Viện Khoa học và An ninh Quốc tế ở Washington, kho vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên có thể tăng tới mức từ 20 đến 100 quả bom vào năm 2020.

Vụ thử nghiệm hạt nhân tuần này diễn ra sau khi có tin nói rằng Bắc Triều Tiên đầu tháng này đã thất bại trong một vụ thử nghiệm phi đạn đạn đạo bắn từ tàu ngầm. Nếu chương trình này thành công, Bình Nhưỡng sẽ có khả năng tấn công bất kỳ nơi nào trên thế giới, kể cả Hoa Kỳ.

Năm ngoái, giới hữu trách quân sự Mỹ cho biết họ tin rằng Bắc Triều Tiên có khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn vào phi đạn tầm xa KN-08, tuy Bắc Triều Tiên chưa chứng tỏ khả năng này.

Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục phát triển kỹ thuật phi đạn tầm xa. Các chuyên gia tin rằng Bình Nhưỡng có 1.000 phi đạn kiểu Sô viết có thể bắn tới các mục tiêu ở Nam Triều Tiên và Nhật Bản.

Ông Robert Kelly, một nhà phân tích Bắc Triều Tiên của Đại học Quốc gia Pusan, cho biết như sau:

"Những vũ khí này không còn chỉ để trả đũa hay để phòng vệ. Những vũ khí này có thể nói là loại vũ khí phá vỡ xã hội. Nếu quí vị thả một quả bom nhiệt hạch xuống Seoul hay vài quả xuống những thành phố lớn của Nam Triều Tiên, quí vị không chỉ giết chết rất nhiều người, mà quí vị còn đe dọa tới khả năng tiếp tục hoạt động như một quốc gia của Nam Triều Tiên."

Các lựa chọn về quân sự 

Về mặt quân sự, Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên phải tìm cách cân bằng giữa việc hành động để ngăn chận và răn đe với việc khích động một cuộc xung đột rộng lớn hơn.

Sau khi Bắc Triều Tiên thử nghiệm một cơ cụ hạt nhân vào năm 2013, Washington đã phái hai chiếc oanh tạc cơ tàng hình B-2 có khả năng mang bom hạt nhân bay tới Nam Triều Tiên để biểu dương sức mạnh.

Các giới chức quốc phòng Nam Triều Tiên cũng đã nhấn mạnh tới kế hoạch của họ để tăng cường khả năng phòng chống phi đạn tầm ngắn.

Một số nhà lập pháp Nam Triều Tiên đang hô hào cho việc tự phát triển vũ khí hạt nhân để ứng phó với mối đe dọa mỗi ngày một lớn của Bắc Triều Tiên.

Dân biểu Won Yoo Chul, thuộc đảng Saenuri đương quyền, phát biểu như sau:

"Để chống lại sức mạnh hạt nhân của Bắc Triều Tiên, tôi nghĩ rằng chúng ta đã tới lúc phải có sức mạnh hạt nhân hoà bình để tự vệ. Không ai có thể bảo vệ cho an ninh của chúng ta."

Bộ trưởng quốc phòng Nam Triều Tiên đã nhanh chóng bác bỏ những đề nghị về việc bố trí vũ khí hạt nhân ở Nam Triều Tiên.

Cũng có một số người lập lại đề nghị là Nam Triều Tiên nên thiết lập hệ thống THAAD, tức hệ thống phòng thủ phi đạn từ trên cao.

Giáo sư Robert Kelly nhận định: "Tôi nghĩ rằng Nam Triều Tiên nên bắt đầu nghiêm túc xét tới việc thiết lập THAAD. Tôi muốn thấy Hoa Kỳ, Nam Triều Tiên và Nhật Bản thật sự bắt đầu những nỗ lực nghiêm túc về phòng thủ phi đạn khu vực. Nếu chúng ta đi theo con đường này và hoạt động ngoại giao không mang lại hiệu quả, tôi e rằng chúng ta sẽ thấy nhiều người bắt đầu đòi tiến hành những vụ không kích."

Có tin cho biết Bắc Kinh phản đối việc bố trí hệ thống THAAD trong khu vực vì nó có thể được dùng để ngăn cản phi đạn của Trung Quốc.

Các giới chức ở Seoul hôm 7 tháng 1 nói rằng Bình Nhưỡng nhắm tới hai mục tiêu khi tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân: về mặt đối ngoại, họ muốn ép cộng đồng quốc tế thừa nhận nước họ là một cường quốc hạt nhân; và về mặt đối nội, đây là một hành động chứng tỏ sức mạnh của nhà lãnh đạo trẻ tuổi để củng cố quyền lực trước một hội nghị quan trọng của đảng đương quyền trong năm nay.

Tại cuộc họp báo hôm 7/1, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nam Triều Tiên, ông Cho June Hyuck, cho biết: "Về mặt nội bộ, chúng tôi cho rằng Bắc Triều Tiên đang tìm cách lợi dụng vụ thử nghiệm này để chứng tỏ thành tích của ông Kim Jong Un trước Đại hội Đảng lần thứ 7.

Vụ thử nghiệm của Bắc Triều Tiên đã gặp phải sự chỉ trích trên khắp thế giới, ngay cả từ Trung Quốc -- là đồng minh chủ yếu và nước cung cấp những sự hỗ trợ quan trọng về kinh tế.

Các nhà quan sát cho rằng Liên Hiệp Quốc có phần chắc sẽ gia tăng các biện pháp chế tài kinh tế và ngoại giao đối với chế độ Kim Jong Liên Hiệp Quốc. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Tổng thống Obama thảo luận trực tiếp về vấn đề súng ống

Hai ngày sau khi thông báo các mệnh lệnh hành pháp nhằm thắt chặt kiểm soát sở hữu súng, Tổng thống Obama hôm 7 tháng 1 sẽ lên tiếng với công chúng trong một cuộc thảo luận trực tiếp tại hội trường và được truyền hình trên toàn quốc.

Ông Obama hôm 7/1 dự kiến sẽ thảo luận với ký giả Anderson Cooper của hãng CNN và trả lời các câu hỏi của khán giả tham gia trực tiếp tại Đại học George Mason ở Fairfax, Virginia, ở ngoại ô thủ đô Washington. 

Hồi đầu tuần này, tổng thống Mỹ đã công bố một loạt các biện pháp, trong đó có việc bắt buộc thêm những người bán súng phải có giấy phép cũng như người mua súng phải trải qua kiểm tra lý lịch. 

Các nhà lập pháp thuộc đảng Cộng hòa, vốn từng phản đối nỗ lực thắt chặt các quy định về súng ống của ông Obama năm 2013, nói rằng tổng thống đã vượt quá thẩm quyền của mình khi đưa ra các luật lệ mới mà họ nói là sẽ không giúp giảm bớt tình trạng bạo lực do súng ống gây ra. 

Vấn đề kiểm soát súng ống đã gây chia rẽ sâu sắc công chúng Mỹ. Một cuộc thăm dò ý kiến của CNN và ORC tiến hành hồi giữa tháng 12 cho thấy 48% số người được hỏi cho biết ủng hộ các luật lệ kiểm soát súng chặt chẽ hơn, trong khi 51% số người còn lại phản đối việc làm đó. 

Hãng CNN nói rằng khán giả tham gia cuộc thảo luận tại hội trường sẽ bao gồm cả người ủng hộ lẫn phản đối các luật lệ tăng cường về kiểm soát súng ống.

Tuy nhiên, Hiệp hội Súng trường Quốc gia, tổ chức thúc đẩy việc sở hữu súng được coi là quyền lực nhất của Mỹ, từ chối tham dự. - VOA
|
|

4.
Mưa lớn làm dịu bớt đợt hạn hán lịch sử ở California

Một cơn bão bị tác động bởi hiện tượng El Nino đã ập vào vùng duyên hải của California, gây ra mưa to tại tiểu bang đang trải qua một đợt hạn hán nghiêm trọng.

Hầu hết vùng duyên hải của tiểu bang này đã hứng chịu mưa to và gió lớn cuối ngày hôm qua, khiến cây cối đổ, gây tai nạn ôtô và ngập lụt đường phố và khiến nước sông tràn bờ.

Chưa có thông tin thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và người, nhưng các nhà dự báo thời tiết cho biết một số cơn bão khác có thể ập đến vào cuối ngày hôm nay.

Các cơn mưa đã làm dịu bớt đợt hạn hán lịch sử ở California.

Nhưng thị trưởng Los Angeles khuyến cáo rằng lượng mưa như vậy vẫn chưa đủ, và ông nói rằng cần phải bốn năm với lượng mưa như thế để hồi phục sau đợt hạn hán này.

Tháng trước, cơ quan không gian của Mỹ, NASA, cho biết các hình ảnh vệ tinh cho thấy hiện tượng El Nino năm nay có thể gây tác động nghiêm trọng như trong khoảng thời gian từ năm 1997 tới 1998. Khi đó, El Nino đã gây ra các cơn bão băng giá và lụt lội khắp nước Mỹ.

Hiện tượng El Nino xảy ra vài năm một lần, khi vùng nước nhiệt đới ở bờ Thái Bình Dương của Nam Mỹ ấm hơn so với bình thường.

Khí ấm nóng bốc lên từ các vùng biển đó thay đổi hướng của các luồng gió thổi khắp hành tinh. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Báo Trung Quốc ‘dọa’ Việt Nam không nên gần Mỹ? --- Biển Đông: Anh Quốc kiên quyết chống hạn chế tự do lưu thông

Một tờ báo có tư tưởng dân tộc cực đoan của Trung Quốc tuyên bố rằng chỉ khi nào bùng ra cuộc đụng độ lớn giữa Hà Nội và Bắc Kinh thì Việt Nam mới buộc phải mưu tìm mối quan hệ quân sự gần gũi hơn nữa với Hoa Kỳ.

Hoàn cầu Thời báo sau đó đi tới kết luận rằng “vì thế, mối quan hệ Việt – Mỹ trong tương lai phụ thuộc vào diễn biến ở biển Đông”.

Trong bài bình luận dài hơn 600 chữ, ấn phẩm của tờ Nhân dân Nhật Báo thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc nói thêm rằng Mỹ đã sử dụng “lá bài biển Đông”, và trong chiến lược hướng về châu Á – Thái Bình Dương, Washington cần Việt Nam nên đã phớt lờ chuyện Việt Nam là một quốc gia theo đường lối xã hội chủ nghĩa.

Hoa Kỳ năm ngoái đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam, và năm qua, đôi bên đã thực hiện nhiều chuyến thăm song phương cấp cao, trong bối cảnh Trung Quốc mạnh mẽ khẳng định chủ quyền ở biển Đông.

Dù Hà Nội và Washington đang xích lại gần nhau, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, một nhà nghiên cứu về quan hệ Việt – Mỹ, nhận định về các trở ngại còn tồn tại trong quan hệ quân sự giữa hai nước.

Ông Hùng nói: “Việt Nam vẫn còn nghi ngờ Mỹ. Một số người vẫn sợ cái gọi là diễn biến hòa bình. Họ cho là Mỹ có thể sử dụng vấn đề nhân quyền để làm xói mòn chế độ của họ. Dạo này bớt đi nhưng vẫn còn một số người tin như vậy. Đó là một trở ngại chính".

Cũng có nhận định giống như ông Hùng, Hoàn cầu Thời báo còn cho rằng “một mặt, Việt Nam muốn cải thiện quan hệ với Nhà Trắng để nâng cao vị thế trên thế giới cũng như có hình ảnh đẹp hơn trong khu vực”, nhưng “mặt khác lại lo ngại về khả năng xảy ra một diễn biến hòa bình được Hoa Kỳ hậu thuẫn”.

"Diễn biến hòa bình"

Tờ báo nói thêm rằng “miền nam Việt Nam trước đây từng có mối quan hệ thân cận với Hoa Kỳ, và nhiều người Mỹ gốc Việt ngày nay vẫn muốn Washington sớm gây diễn biến hòa bình ở Hà Nội”.

Bài bình luận của Hoàn cầu Thời báo được đăng tải hôm 5/1, hơn 10 ngày trước khi Đại hội Đảng lần thứ 12 ở Việt Nam mà các nhà quan sát cho rằng phe thân Mỹ và thân Trung Quốc đang “đấu đá lẫn nhau”.

Đây không phải là lần đầu tiên tờ báo thuộc cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc lên tiếng bình luận về quan hệ Việt – Mỹ.

Hồi tháng bảy năm ngoái, khi bình luận về chuyến công du mang tính lịch sử của Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ, Hoàn cầu Thời báo viết rằng Hà Nội “đang chịu sức ép chính trị ngày càng tăng từ Mỹ mà về lâu dài sẽ là một thách thức đối với sự ổn định của Việt Nam”.

Tờ báo nói thêm: “Mối quan hệ thân cận hơn giữa Việt Nam và Mỹ một phần là nhằm đối phó với Trung Quốc, và kéo theo biện pháp trả đũa từ Trung Quốc. Điều này sẽ gây áp lực lên cả ba phía, và khi đó, Việt Nam có thể trở thành kẻ chịu thiệt hại nhiều nhất”.

Hoàn cầu Thời báo viết thêm: “Cho tới nay, chưa có nước nào hưởng lợi từ việc lôi kéo Mỹ vào cuộc tranh chấp với Trung Quốc, và việc này chắc chắn sẽ thất bại”.

Trong một diễn biến khác liên quan tới biển Đông và quan hệ Mỹ - Trung, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Ba, 5/1, nói rằng Mỹ “nên nói những điều có lợi cho hòa bình và ổn định khu vực” liên quan tới vấn đề Biển Đông.  

Trong một buổi họp báo thường kỳ, khi được phóng viên hỏi rằng phía Trung Quốc phản hồi ra sao về tuyên bố của “các chính trị gia Mỹ, trong đó có Thượng nghị sĩ John McCain, chỉ trích chính quyền Obama đã không tiến hành thêm các cuộc tuần tra “tự do hàng hải” gần các đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trả lời: “Tình hình hiện nay ở Biển Đông vẫn hòa bình và ổn định. Tự do hàng hải và tự do bay ngang theo luật pháp quốc tế không hề bị ảnh hưởng. Tôi muốn hỏi những người Mỹ nghi ngờ về điều đó, họ có bất kỳ ví dụ cụ thể về việc khi nào và ở đâu sự tự do của tàu thuyền bị đe dọa hay không”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói thêm: “Mỹ nên nói những điều có lợi cho hòa bình và ổn định khu vực một cách có trách nhiệm, khách quan và công bằng, chứ không nhận xét đánh lừa công chúng và phá vỡ hòa bình, ổn định khu vực”.

Trong khi đó, dù vấp phải sự phản đối của nhiều nước, gồm cả Việt Nam, sau khi thực hiện chuyến bay dân sự thử nghiệm tới một hòn đảo nhân tạo ở Trường Sa, Trung Quốc tiếp tục thực hiện hai chuyến bay khác ra đó vào ngày 6 tháng 1. - VOA

***
Bất kỳ mưu toan nào nhằm hạn chế quyền tự do lưu thông trên không và trên biển tại vùng Biển Đông đều phải bị coi là tín hiệu đe dọa. Ngoại trưởng Anh Quốc Philip Hammond đã xác định như trên vào hôm nay, 07/01/2016 tại Manila, nhân chuyến công du Philippines.


Phát biểu trong một cuộc họp báo chung với đồng nhiệm Philippines Albert del Rosario, Ngoại trưởng Anh nói rõ: "Tự do hàng hải và hàng không là những điều không thể thương lượng. Đó là những lá cờ đỏ - tức là tín hiệu cảnh báo nguy cơ – đối với chúng tôi". Người đứng đầu ngành ngoại giao Anh Quốc tuy nhiên không cho biết chi tiết về những gì cụ thể nếu "cờ đỏ" được phất lên, chỉ nhắc lại rằng Luân Đôn vẫn tiếp tục khẳng định quyền tự do đi lại của mình trong khu vực.

Tuyên bố lập trường của Anh Quốc được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc vừa cho ba chiếc phi cơ dân sự hạ cánh trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) mà họ đã bồi đắp thành đảo nhân tạo lớn tại vùng Trường Sa, những động thái bị coi là bước đầu thực hiện ý đồ quân sự hóa vùng Trường Sa, với việc áp đặt kiểm soát quân sự của Bắc Kinh trong khu vực.

Phát biểu trong cuộc họp báo, Ngoại trưởng Philippines Del Rosario cho biết là ông rất quan ngại trước nguy cơ các chuyến bay thử nghiệm do Trung Quốc tiến hành đang đặt nền móng cho việc tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, tương tự như điều Bắc Kinh đã làm ở Biển Hoa Đông.

Theo Ngoại trưởng Philippines: "Nếu không bị ai phản đối, Trung Quốc cho họ có thể áp đặt một vùng phòng không, một cách mặc nhiên trên hiện trường hoặc là thông qua tuyên bố chính thức, và đó là điều mà chúng tôi không thể chấp nhận".

Ngay khi chuyến bay thử nghiệm đầu tiên được Trung Quốc tiến hành ngày 02/01/2016, Việt Nam đã nhanh chóng lên tiếng phản đối, xem đấy là một hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại Trường Sa. Vào hôm qua, 06/01, Trung Quốc lại cho hai chiếc máy bay khác từ Hải Nam bay ra Biển Đông và đáp xuống sân trên Đá Chữ Thập, rồi bay trở về Hải Nam. - RFI
|
|

6.
Việt Nam phản đối Trung Quốc tiếp tục đáp máy bay lên Đá Chữ Thập --- TQ: Trạm vệ tinh Ấn Độ ở VN khuấy động thêm rắc rối Biển Đông

Việt Nam hôm nay một lần nữa lên tiếng mạnh mẽ phản đối việc Trung Quốc tiếp tục tiến hành các chuyến bay thử nghiệm trên một hòn đảo mà Bắc Kinh vừa bồi đắp ở quần đảo Trường Sa mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền.

Trung Quốc ngày 6/1 hạ cánh thêm hai máy bay dân sự cỡ lớn xuống Đá Chữ Thập, 4 ngày sau khi cho đáp một máy bay khác trên cùng phi đạo khiến Việt Nam gửi công hàm ngoại giao phản đối.

Tại cuộc họp báo thường kỳ hôm nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Hải Bình, tuyên bố: ‘Đây là hành động xâm phạm một cách nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực; đe dọa an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.’

Vẫn theo lời ông, Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, tôn trọng luật pháp quốc tế, và không mở rộng hay làm phức tạp thêm tình hình.

‘Việt Nam khẳng định sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế,’ ông Bình nhấn mạnh.

Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của Trung Quốc đáp xuống sân bay ‘xây dựng bất hợp pháp trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam’ đã gây quan ngại cho Việt Nam và Hoa Kỳ giữa chính sách bành trướng chủ quyền lấn lướt của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Trong cuộc điện đàm ngày 6/1, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh đã chia sẻ những quan ngại khi đề cập tới việc Bắc Kinh bay thử nghiệm ra Đá Chữ Thập.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Mỹ, John Kirby, cho biết:

“Tối qua, Ngoại trưởng Kerry đã nói chuyện với Ngoại trưởng kiêm Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh của Việt Nam, thảo luận về các chuyến đáp thử nghiệm các máy bay dân sự của Trung Quốc ở Đá Chữ Thập trên Biển Đông. Đôi bên bày tỏ quan ngại về khả năng Trung Quốc quân sự hóa các tiền đồn ở Trường Sa và đồng ý với nhau rằng các hành động này tiếp tục làm leo thang căng thẳng trong khu vực.”

Vẫn theo người phát ngôn Kirby, dịp này, Ngoại trưởng hai nước Việt-Mỹ đã quyết định tìm kiếm cách thức để làm sao cải thiện tốt nhất nhận thức về các vấn đề hàng hải cũng như khả năng an ninh hàng hải cho Việt Nam.

Bắc Kinh chưa lên tiếng bình luận trước phản ứng từ Washington và Hà Nội, nhưng sau khi loan báo chuyến bay thử nghiệm đầu tiên ra Đá Chữ Thập hôm thứ bảy vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh khẳng định các chuyến bay này thuần túy mang tính ‘dân sự’.

Trung Quốc đã có 3 đường băng trên ít nhất 3 đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây bằng cách bồi đắp các bãi đá ở Trường Sa, bao gồm Đá Chữ Thập. Phi đạo trên Đá Chữ Thập dài 3 cây số.

Đá Chữ Thập, khu vực tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, Philippines, và Trung Quốc, nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc từ năm 1988 tới nay.

Các hành động đơn phương xác quyết chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông bất chấp phản đối của quốc tế biến nơi đây thành điểm nóng tranh chấp mà giới phân tích e có khả năng dẫn tới một cuộc xung đột quân sự trong khu vực.

Vấn đề Biển Đông dự kiến sẽ là một trong những trọng tâm thảo luận tại thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ với các nước Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, lần đầu tiên do Mỹ chủ trì tại bang California (Mỹ) vào tháng sau.

***
Một viện nghiên cứu chiến lược của Trung Quốc chỉ trích trạm vệ tinh Ấn Độ lắp đặt ở Việt Nam để theo dõi Biển Đông là âm mưu khuấy động thêm rắc rối tại khu vực.

Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) đã thiết lập trạm vệ tinh tại Sài Gòn để thu nhận, theo dõi, và điều khiển dữ liệu từ xa với kinh phí xây dựng khoảng 23 triệu đô la.

Báo chí Ấn Độ trong tuần cho hay trạm này sẽ sớm đi vào hoạt động và kết nối với một trạm khác ở Indonesia để thu thập thông tin, hình ảnh liên quan đến Biển Đông.

Ấn Độ cũng có một trạm theo dõi khác từ vệ tinh đặt tại Brunei.

Nhà nghiên cứu Gu Xiaosong thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á của Viện Khoa học Xã hội Nhân văn Quảng Tây được tờ Global Times ngày 7/1 trích thuật nhận định rằng ‘Ấn Độ không có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông, chỉ muốn khuấy nhiễu rắc rối trong vùng vì mục đích riêng nhằm đối trọng lại sự ảnh hưởng của Trung Quốc.’

Vẫn theo nhà nghiên cứu Xiaosong, hành động này chứng tỏ mưu đồ của Ấn muốn phức tạp hóa tranh chấp khu vực.

Ấn Độ lâu nay kêu gọi cho quyền tự do hàng không-hàng hải ở Biển Đông và cổ súy một giải pháp hòa bình cho tranh chấp Biển Đông. Tuy nhiên, New Dehli đã chọc giận Bắc Kinh khi tiếp tục gia hạn dự án hợp tác thăm dò dầu khí với Việt Nam ở Biển Đông bất chấp sự phản đối gay gắt của Trung Quốc.

Theo giới phân tích, trạm thu tín hiệu vệ tinh đặt tại Việt Nam là cơ sở chiến lược quan trọng của Ấn Độ bên trong và xung quanh Biển Đông, giúp New Dehli mở rộng vai trò ở Đông Nam Á giữa chính sách ‘Hành động Hướng Đông’ trước sự trỗi dậy ‘hung hăng’ của Trung Quốc.

Bắc Kinh một mực đòi giải quyết song phương với từng nước có tranh chấp ở Biển Đông và tố cáo rằng sự can thiệp từ các nước thứ ba làm cho tình hình căng thẳng hơn. - VOA
|
|

7.
Hội nghị trung uơng 14 CSVN và tuổi của Tứ trụ

Hội nghị 14 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ khai mạc thứ Hai 11/1, với trọng tâm bàn về việc tái cử của các Ủy viên Bộ Chính trị quá tuổi.

Theo quy định của Đảng Cộng sản, Ủy viên Bộ Chính trị tái cử nói chung không quá tuổi 65.

Bốn người giữ các chức danh lãnh đạo cao nhất – thường được gọi là ‘Tứ trụ’ – đều đã qua ngưỡng tuổi này.

Trước đó, Hội nghị Trung ương 13, bế mạc hôm 21/12, vẫn tranh luận những ai trong số bốn ông – Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng – có thể được tái cử tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12.

Thông báo của Hội nghị 13 cho biết Trung ương Đảng “giao Bộ Chính trị tiếp tục chuẩn bị nhân sự trường hợp đặc biệt là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI quá tuổi, tái cử, để đảm nhiệm chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, trình Hội nghị Trung ương 14 xem xét, quyết định”.

Kể từ đó, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản đã có ít nhất bốn lần họp về chủ đề nhân sự.

16 chính khách quyền lực nhất trong Đảng vẫn còn họp đến hết thứ Sáu 8/1 để chuẩn bị các văn bản trình ra Hội nghị 14.

Đề cử Tổng Bí thư?

Những ngày qua, trên mạng internet “tràn ngập” các tài liệu thật giả, cùng những bình luận về khả năng “đi hay ở” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Hai ông vẫn là ứng viên hàng đầu cho chức vụ Tổng Bí thư Đảng khóa 12.

Việc ai được Hội nghị 14 đề cử làm ứng viên chức Tổng Bí thư sẽ tác động đến nhân sự cho ba chức còn lại trong ‘Tứ trụ’ – Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội.

Theo phán đoán cá nhân, bốn người có thể nằm trong danh sách giới thiệu của Bộ Chính trị cho chức danh Tổng Bí thư:

- Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang

- Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị

- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Nếu phương án này diễn ra, điều này có nghĩa là các đại biểu dự Hội nghị 14 sẽ phải biểu quyết về số lượng ủy viên Bộ Chính trị quá 65 tuổi được tái cử.

Ông Phạm Quang Nghị (sinh năm 1949), Nguyễn Tấn Dũng (1949) và Nguyễn Phú Trọng (1944) đều thuộc nhóm nhân sự quá tuổi.

Hệ quả Hội nghị 13

Thông báo của Hội nghị 13 xác nhận danh sách ứng cử Ủy viên chính thức và dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã được nhất trí thông qua để trình ra Đại hội Đảng toàn quốc.

Trung ương Đảng khóa 11 cũng nhất trí thông qua danh sách ứng cử Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa 12. Đây là những người trong độ tuổi theo quy định của Đảng.

Còn lại, những người dự Hội nghị 13 đã viết phiếu đề xuất tái cử với những trường hợp quá tuổi trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Cần lưu ý danh sách viết phiếu này chỉ là một trong ba danh sách dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị 14 sắp khai mạc.

Hai danh sách còn lại gồm một của Tiểu ban Nhân sự Đại hội 12 mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trưởng ban, và một là danh sách ghi nhận ý kiến của Bộ Chính trị.

Có thể đoán ba danh sách này sẽ có độ vênh, dẫn tới tiếp tục thảo luận trước khi Trung ương Đảng biểu quyết.

Các thảo luận trong Bộ Chính trị không phải là kết luận chung cuộc để Trung ương Đảng tuân thủ.

Tại hội nghị 14, Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ xem xét đề xuất của Bộ Chính trị về chức danh Tổng Bí thư và ba chức danh cao cấp còn lại.

Nếu không nhất trí đề xuất của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng sẽ có thể đề xuất thêm ứng cử viên.

Quy trình đặt quyền lực vào lá phiếu của các ủy viên Trung ương là yếu tố khó đoán trước kết quả của Hội nghị 14.

Có thể một, hai trong ‘Tứ trụ’ hiện nay sẽ đủ phiếu để được giới thiệu tái cử.

Hoặc cũng có thể không ai đủ phiếu, dẫn đến cả bốn người cùng nghỉ.

Và nếu Hội nghị 14 không thể thống nhất về các trường hợp quá tuổi?

Lúc đó, sẽ chỉ còn một cuộc họp cuối cùng để Đảng quyết định, đó là đại hội trù bị diễn ra một ngày trước khi chính thức khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc.

Vấn đề tuổi tác và cuộc đua nhắm đến các chức vụ cao nhất cho thấy một đặc điểm quan trọng trong Đảng Cộng sản Việt Nam: các quy định, điều lệ là đối tượng của mặc cả quyền lực, phe phái và có thể bị xê dịch tùy tương quan lực lượng. Điều này hẳn sẽ không mất đi sau Đại hội Đảng. - BBC

No comments:

Post a Comment