Tin Thế Giới
1.
Iran: Chế tài không tác động tới việc phát triển phi đạn
Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehqan hôm thứ Hai nói rằng các biện pháp chế tài mới của Mỹ nhắm vào chương trình phi đạn đạn đạo của nước này sẽ không có tác động gì tới việc phát triển phi đạn của họ.
Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp mới hôm Chủ nhật đối với 5 công dân Iran và một mạng lưới các công ty có dính líu tới hoạt động phi đạn bị cấm.
Đây là động thái được đưa ra tiếp theo sau việc tháo gỡ các biện pháp chế tài kinh tế có liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran.
Ông Dehqan nói rằng các biện pháp trừng phạt đối với chương trình phi đạn đạn đạo của Iran cho thấy Mỹ vẫn tỏ thái độ ‘thù nghịch’ đối với nước ông, và ông thề sẽ cho ra mắt những sự phát triển phi đạn mới.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Iran Hossein Jaber Ansari mô tả các biện pháp cấm vận mới là ‘không chính đáng’.
Iran đã bị Mỹ và các cường quốc phương Tây lên án về hai vụ thử nghiệm phi đạn đạn đạo vào cuối năm ngoái, được cho là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Iran bênh vực các cuộc thử nghiệm này, cho rằng đây là một vấn đề an ninh quốc gia.
Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama nói chính phủ của ông sẽ kiên quyết thi hành các các biện pháp chế tài đối với chương trình phi đạn đạn đạo của Iran. - VOA
|
|
2.
Trung Quốc: Thách thức lớn nhất của nữ tổng thống Đài Loan
Cử tri Đài Loan hôm thứ 7 vừa qua đã trao nhiệm quyền mới cho bà Thái Anh Văn và đảng Dân Tiến của bà, giúp cho đảng có chủ trương cứng rắn với Trung Quốc này lần đầu tiên kiểm soát một lúc cả hai ngành hành pháp và lập pháp. Theo tường thuật do thông tín viên Bill Ide của đài chúng tôi gởi về từ Đài Bắc, ứng phó với đối thủ chính trị Trung Quốc sẽ là một trong những thách thức lớn nhất của vị nữ tổng thống đầu tiên của Đài Loan khi bà lên nhậm chức vào tháng 5.
Thắng lợi áp đảo của bà Thái Anh Văn trước Quốc Dân Đảng, là đảng đã ra sức cải thiện quan hệ với Trung Quốc trong 8 năm qua, đã mở ra một chương mới trong lịch sử của Đài Loan. Và Trung Quốc mà Đài Loan đối mặt ngày nay khác xa với Trung Quốc của năm 2000, khi Đảng Dân Tiến giành được chức vụ tổng thống lần đầu tiên.
Ông Larry Diamond, một nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Hoover, nhận định như sau: "Cộng hoà Nhân dân Trung hoa hiện nay - về các phương diện địa chính trị, quân sự và kinh tế - mạnh hơn rất nhiều so với 16 năm trước. Và điều thứ nhì là nhà lãnh đạo độc tài đang nắm quyền ở Cộng hoà nhân dân Trung hoa là người mà tôi nghĩ rằng là có nhiều quyền hành hơn về rất nhiều khía cạnh".
Các nhà phân tích cho rằng điều đó cho thấy là bà Thái Anh Văn cần phải thận trọng trong việc xử lý các mối quan hệ với Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ đối xử với Đài Loan như thế nào cũng là một vấn đề hết sức quan trọng.
Trong lúc Trung Quốc ra sức phô bày nước họ như một đại cường thế giới, những hành động của họ ở Biển Đông và những vụ đàn áp các nhân vật bất đồng chính kiến ở Hoa Lục và Hồng Kông đang gây lo ngại cho nhiều người ở nhiều nước trên thế giới.
Ông Bruce Jacobs, một học giả về quan hệ Đài Loan-Trung Quốc, nhận định như sau về sự đàn áp của Trung Quốc ở Hồng Kông: "Tình hình Hồng Kông cho thấy rõ là tầm nhìn của Trung Quốc cho một khối dân là thần dân của họ cảm thấy bất mãn với họ. Người dân Hồng Kông rất bất mãn vì những mưu toan của Trung Quốc nhằm áp đặt thêm những sự kiểm soát mỗi lúc một nhiều ở phần đất này".
Sau cuộc bầu cử ở Đài Loan, Trung Quốc một lần nữa khẳng định đảo quốc tự trị này là một phần lãnh thổ của họ và cho rằng cuộc bầu cử dân chủ ở Đài Loan không làm thay đổi điều mà họ gọi là “sự thật căn bản” đó.
Những phát biểu đó trái ngược với những tuyên bố của bà Thái Anh Văn sau khi đắc cử là Trung Quốc phải tôn trọng “nền dân chủ, ý thức dân tộc và không gian quốc tế” của Đài Loan.
Bà Shelly Rigger, một chuyên gia về Đài Loan của Đại học Davidson, nhận xét như sau: "Điều mà tôi nghĩ rằng các nhà lãnh đạo lãnh đạo Trung Quốc đôi lúc không hiểu được là đối với người dân Đài Loan, dân chủ là căn cước của họ và chế độ chính trị của họ là yếu tố quyết định đối với Đài Loan".
Các nhà phân tích cho rằng trong lúc này Trung Quốc sẽ dành cho bà Thái Anh Văn một sự hoà hoãn và chờ cho tới khi bà đọc bài diễn văn nhậm chức.
Bà Thái đắc cử hôm thứ 7 tuần trước, nhưng đến tháng 5 mới nhậm chức. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Khủng hoảng nước ở Michigan biến thành vấn đề chính trị
Thống đốc bang Michigan ở Mỹ đang chống đỡ những công kích mới nhất từ các chính trị gia và người nổi tiếng buộc tội ông đã tảng lờ vấn đề về nước ở thành phố Flint trong một thời gian dài. Vệ binh Quốc gia đã đưa thêm binh sỹ đến Flint, nơi nguồn cung nước bị ô nhiễm chì nặng đến mức không thể sử dụng để ăn uống hay tắm giặt. Thông tín viên Zlatica Hoke của đài VOA gửi về bài tường thuật.
Khoảng 70 vệ binh đã được điều đến Flint để giúp phân phối nước đóng chai, các bộ lọc nước và xét nghiệm cho khoảng 100.000 người dân không thể sử dụng nước máy.
Dân chúng ở Flint đã kêu ca trong một thời gian về nước máy có mùi và màu lạ, nhưng trong một năm hầu như không có ai làm gì. Mức độ chì trong máu trẻ em địa phương có dấu hiệu tăng lên, đồng nghĩa các cháu gặp nguy cơ tổn thương não lâu dài.
Thống đốc Rick Snyder bị chỉ trích dữ dội vì chính quyền tiểu bang đã ứng phó chậm chạp trước những lời cảnh báo.
Bà Hillary Clinton, ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ, nói: "Nếu trẻ em ở các khu dân cư giàu có của Detroit uống và tắm bằng nước bị ô nhiễm, hẳn là đã có người hành động. Vì vậy tôi đã cử phụ tá vận động tranh cử hàng đầu của tôi đến nói chuyện với thị trưởng Flint để xem tôi có thể làm gì để giúp đỡ."
Tổng thống Obama hôm 16/1 tuyên bố tình trạng khẩn cấp liên bang ở Flint, giải ngân tới 5 triệu đôla viện trợ liên bang để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng y tế công này, nhưng ông từ chối đề nghị của thống đốc bang về việc tuyên bố đây là thảm họa.
Nhà hoạt động dân quyền Jesse Jackson thúc giục cư dân Flint đấu tranh cho quyền của mình trong chuyến thăm hôm 17/1:
"Đây là vùng thảm họa, không chỉ là tình trạng khẩn cấp. Lẽ ra phải có các dải băng của cảnh sát quanh thành phố vì Flint là hiện trường vụ án hình sự."
Nhà làm phim Michael Moore, dân gốc ở Flint, cũng buộc thống đốc chịu trách nhiệm về vụ khủng hoảng nước và kêu gọi Tổng thống Obama đến thăm thành phố:
"Hạ tầng cấp nước ở thành phố đã bị hủy hoại. Và nó bị hủy hoại bởi chính ông thống đốc của tiểu bang này."
Hệ thống cấp nước của Flint bắt đầu bị ô nhiễm chì đầu năm 2014, sau khi thành phố chuyển nguồn nước đầu vào từ hồ Huron sang sông Flint để tiết kiệm tiền, trong khi chờ đợi việc xây dựng đường ống mới đến hồ. Nhưng nước có độ ăn mòn cao đã làm cho chì tan vào từ đường ống cũ.
Nguồn nước đầu vào đã được lấy trở lại từ hồ Huron hồi tháng trước, nhưng vẫn còn những quan ngại về ô nhiễm do đường ống bị hư hại và các vấn đề hạ tầng khác.
Một số quan chức của chính quyền tiểu bang đang bị điều tra. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
4.
An vị tượng Đức Thánh Trần ở California
Sáng Chủ Nhật, 17 Tháng Giêng, 2016, buổi lễ an vị tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, một danh nhân danh tướng Việt Nam, đã được tổ chức hết sức long trọng tại công viên Mile Square Regional Park, thuộc thành phố Fountain Valley ở miền Nam California, với sự tham dự của Hội Đồng Giám Sát Quận Cam, các quan chức, dân cử thuộc chính quyền các cấp, và các tổ chức hội đoàn quanh vùng. Đông đảo đồng hương gốc Việt cũng đã có mặt từ sớm để được chứng kiến giây phút đáng nhớ này.
Bức tượng Đức Thánh Trần được đúc bằng đồng, nặng 700 pound, tức khoảng 320 kg, cao 8 ft (khoảng gần 2.5 mét), được đặt trên bệ đá cao 6 ft (1.8 mét), gần Hồ Tự Do trong công viên Mile Square Regional Park, là công trình khởi đi từ sự vận động của Giám Sát Viên gốc Việt thuộc địa hạt 1 Andrew Đỗ, cũng như sự chung tay góp sức của nhiều mạnh thường quân gốc Việt tại Quận Cam.
Trong vai trò làm người đi vận động cho kế hoạch này, Giám Sát Viên Andrew cho biết:
“Ý kiến dựng nên tượng của Đức Thánh Trần thực sự đã được nói chuyện trong cộng đồng nhiều năm, nhất là hồi đó làm chánh văn phòng cho giám sát viên Janet Nguyễn thì chúng tôi cũng đã suy nghĩ về project đó. Khi lên làm giám sát viên thì chúng tôi thấy cơ hội có thể hợp tác với hội đồng giám sát thì chúng tôi nghĩ ra ý kiến là nếu mình có thể làm ra tượng những anh hùng để thay mặt cho ba cộng đồng lớn nhất ở đây là người bản xứ, người Mễ và người Việt chúng ta. Chúng tôi thấy đó là việc nên làm và nó sẽ giúp nhiều cho mọi người trong cộng đồng nên chúng tôi xúc tiến làm việc đó.”
Đầu Tháng Năm, 2015, Hội Đồng Giám Sát Orange County bỏ phiếu tuyệt đối thông qua đề nghị của Giám Sát Viên Andrew Đỗ, xây dựng ba bức tượng đồng, gồm đài tưởng niệm Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, tượng cố Tổng Thống Ronald Regan người đã có công giật sập bức tường Bá Linh năm 1989 dẫn đến việc sụp đổ của cộng sản Liên Xô và cộng sản Đông Âu, tượng Linh Mục người Mễ Tây Cơ Manuel Hidalgo là người đã lãnh đạo cuộc chiến tranh giành độc lập của dân tộc Tây Ban Nha năm 1821.
Riêng về bức tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Giám sát viên Andrew trình bày chi tiết hơn về quá trình thực hiện:
“Chúng tôi chọn được một họa sĩ người Mỹ, ở bên miền Đông, tiểu bang Delaware và trao đổi hình ảnh với họ. Chúng tôi dùng hình ảnh trong sách lịch sử về Đức Thánh Trần và đưa sang cho họ làm mẫu bằng đất sét. Khi nhìn qua nét mặt từ mẫu 18 inches mà họ sẽ làm thành mẫu 8 ft chính thức thì thấy nét mặt không giống Việt Nam lắm. Chúng tôi phải kiếm thêm tài liệu, rồi thấy hình Đức Thánh Trần trên tờ tiền mệnh giá 500 đồng thời VNCH mà chúng tôi thấy trong sách lịch sử, thế là lấy hình đó ra đưa cho họ. Từ đó hai bên làm việc với nhau và đưa tới tượng bằng đồng ngày hôm nay.”
Theo ông Andrew Đỗ, nhật báo Người Việt, một trong những cơ quan truyền thông lâu đời và lớn nhất tại hải ngoại, đã yểm trợ toàn bộ chi phí cho việc hoàn thành bức tượng cũng như tiền chuyên chở từ xưởng All Classic ở tiểu bang Delaware về đến nơi an vị vĩnh viễn là công viên Mile Square Park.
Ông Đinh Quang Anh Thái, đại diện nhật báo Người Việt, cho biết duyên do mà cơ quan truyền thông này nhận tài trợ chi phí cho việc đúc tượng đức Thánh Trần:
“Duyên do là sau nhiều lần trao đổi với Giám sát viên Andrew Đỗ địa hạt 1 của Quận Cam thì chúng tôi biết rằng ông GSV có một ý định là xin phép Hội đồng giám sát Quận Cam xin mảnh đất này trong công viên Mile Square Park nhằm mục đích an vị tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là một vị anh hùng, một vị thánh của dân tộc Việt Nam đã ba lần đánh thắng quân Mông Cổ. Thành thử ra chúng tôi nghĩ rằng nếu nhật báo Người Việt có một cơ hội đóng góp một phần nhỏ nhoi trong việc an vị tượng Đức Thánh Trần thì sẽ là một niềm vinh dự lớn lao lắm.”
Theo ông Andrew Đỗ, chi phí riêng cho bức tượng Đức Thánh Trần cùng tiền chuyên chở do nhật báo Người Việt bảo trợ vào khoảng $39,500.
Bày tỏ tâm tình về sự kiện này, ông Đinh Quang Anh Thái cho rằng:
“Thực sự đối với cá nhân tôi cũng như tôi tin rằng đối với những người Việt Nam khác thì đây là một niềm vui lớn, một niềm tự hào bởi vì chúng ta đang sống trong một đất nước không phải là quê hương mình, thành ra việc an vị tượng Đức Thánh Trần trong công viên Mile Square Park là nơi đông đảo người bản xứ và các sắc tộc khác thường đến tập thể dục buổi sáng hay đến đây chơi thì họ sẽ có cơ hội biết về một danh nhân, một vị thánh của dân tộc Việt Nam. Những phải nói hãnh diện hơn nữa đây là một thành quả của một cộng đồng mới góp mặt ở Mỹ 40 năm thôi.”
Có mặt tại buổi an vị tượng Đức Thánh Trần, Hải quân Trung úy Vũ Đình Thọ thuộc Hội ái hữu Hải quân Cửu Long miền Nam Califonria, chia sẻ:
“Đức Trần Hưng Đạo không những là một thiên tài quân sự lỗi lạc mà trên tất cả Ngài là một người tận trung yêu nước, đã hy sinh tất cả cuộc đời mình cho sự tồn vinh của quốc gia và dân tộc, hy sinh cả thù riêng để suốt cuộc đời tận tụy với lòng yêu nước. Vì vậy, chúng tôi đã nhận ngày là Thánh tổ của Hải quân Quân lực VNCH. Ngày hôm nay cộng đồng người Việt tị nạn nói chung rất hãnh diện và Hải quân VNCH rất hãnh diện vì chúng ta đã đặt được tượng Ngài tại đây, tại nước Mỹ, tại một công viên quốc gia của Mỹ.”
Trong tư cách một người dân gốc Việt đến tham dự một sự kiện quan trọng của cộng đồng, bà Bùi Bích Hà, cư dân thành phố Garden Grove, không giấu được sự xúc động:
“Người tham dự rất đông, và tôi tự hỏi là bao nhiêu người trong số những đồng hương đến tham dự buổi lễ này thấy lịch sử sống lại ở trong mình? Và khi mình thấy lịch sử sống lại trong mình thì mình không cầm được nước mắt.”
Trong diễn văn đọc tại buổi lễ, GSV Andrew Đỗ nhấn mạnh:
“Hôm nay chúng ta dựng tượng đức thánh Trần Hưng Đạo để nói lên lòng tôn kính của chúng ta đối với một vị đại anh hùng dân tộc đã bỏ nhiều công lao trong việc bảo vệ đất nước, đây là không phải là một công trình hay ước nguyện của một cá nhân mà là của toàn thể chúng ta hiện diện ngày hôm nay và của cộng đồng người Việt hải ngoại nói chung.”
Lễ an vị tượng Đức Thánh Trần cũng là lễ tưởng niệm các chiến sĩ hải quân VNCH đã anh dũng hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Nói như GSV Andrew, “Những anh hùng đó đã theo gót tiền nhân bảo vệ độc lập cho quê hương và sự vẹn toàn lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam.”
Nắng lên cao. Gió nhẹ lay. Ngước nhìn chân dung vị anh hùng dân tộc trong dáng vẻ oai phong, tung bay áo bào, tay trái nắm chặt gươm báo, tay phải chỉ về hướng dòng sông mà như nghe vọng lại lời thề năm nào “Trận này chưa phá xong giặc Nguyên thì ta không về bến sông này nữa” để trỗi dậy trong tâm tư những con dân Việt nơi xứ người một nỗi tự hào đến lạ. - RFA
|
|
5.
Tàu Trung Quốc tấn công dồn dập tàu cá Việt
Một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi vừa bị tàu vỏ thép của Trung Quốc đâm thẳng vào khi đang đánh bắt trên vùng biển của Việt Nam, một vụ việc thêm vào với hàng loạt các vụ tấn công của tàu cá Trung Quốc đối với ngư dân Việt trong các tuần lễ từ đầu năm đến nay.
Theo báo Tuổi Trẻ hôm 18/1, tàu cá QNg 98137 do ông Võ Ngọc Minh làm máy trưởng và 10 ngư dân Quảng Ngãi khác đang đánh bắt trên vùng biển cách Đà Nẵng khoảng 90 hải lý thì bị một tàu vỏ thép có chữ Trung Quốc tông thẳng vào trụ giữa cabin tàu.
Ông Minh cho biết tàu Trung Quốc đã đâm liên tục 2 lần vào tàu của ông khiến các ngư dân hoảng sợ bỏ chạy về Đà Nẵng. Tàu của ông Minh đã bị hỏng toàn bộ dân cáp liên lạc, cabin và ống khói.
Trong khi đó, thuyền trưởng một tàu cá khác là ông Võ Long cho biết hôm 31/12/2015 tàu của ông cùng 10 ngư dân cũng bị một tàu vỏ thép của một người “nói tiếng Hoa” đâm vào cabin khiến tàu của ông bị gãy ống khói.
Đại diện Cục Kiểm ngư Việt Nam nói “đang kiểm tra, xác minh vụ việc”.
Tình trạng tàu Trung Quốc tấn công tàu của ngư dân Việt đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây và ngày càng nghiêm trọng hơn.
Báo Thanh Niên cho biết từ đầu năm đến nay đã có 4 vụ tàu cá của ngư dân Việt bị tàu Trung Quốc cắt phá tại khu vực cách đảo Cồn Cỏ 20 hải lý và nhiều vụ phá hoại ở các địa điểm khác.
Trước đó vào cuối tháng 11/2015, một ngư dân Việt đã bị tàu Trung Quốc bắn chết ở khu vực gần quần đảo Trường Sa. Đến nay vẫn chưa có hồi đáp đền bù thiệt hại hay chịu trách nhiệm từ phía Trung Quốc. - VOA
|
|
6.
VN xôn xao tin 'cụ rùa qua đời'
Một số trang báo ở Việt Nam gỡ tin ‘cụ rùa hồ Gươm qua đời’, trong lúc người dùng Facebook ở Việt Nam tiếp tục bàn tán tin này hôm 19/1.
Báo Tuổi Trẻ là một trong các báo đưa tin cụ rùa hồ Hoàn Kiếm (hồ Gươm) đã chết vào khoảng 16g30 chiều cùng ngày.
Báo Tuổi Trẻ viết “lực lượng quản lý hồ Gươm đã phát hiện cụ rùa hồ Gươm chết và nổi ở trong hồ gần khu vực đường Lê Thái Tổ”.
Ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND TP Hà Nội, cũng đã đến hiện trường, theo báo.
Nhưng tối cùng ngày, bản tin Tuổi Trẻ đã bị xóa.
Một số báo khác tại Việt Nam cũng xóa tin này.
Tuy vậy, cũng có báo như tờ Thanh Niên vẫn đăng tin này.
Bản tin của Thanh Niên khẳng định cụ rùa đã chết và "nhiều người dân Hà Nội đã bất ngờ và tỏ ý buồn với thông tin này".
Một phóng viên bình luận trên Facebook rằng “báo chí giờ đến khổ” trong lúc có tin đồn rằng chính phủ Việt Nam không cho báo trong nước đăng tin này.
Với nhiều người Việt Nam, cụ rùa Hồ Gươm là một linh vật lịch sử sống.
Việc mỗi khi cụ rùa nổi lên lại làm nhiều người dân tin vào điều linh thiêng, huyền bí.
Tin tức về số phận cụ rùa hồ Gươm hôm 19/1 diễn ra chỉ một ngày trước khi bắt đầu Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ XII. - BBC
No comments:
Post a Comment