Thursday, January 21, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Năm 21/1

Tin Thế Giới

1.
Ông Putin đích thân ‘cho phép’ hạ độc cựu điệp viên Litvinenko

Một nhà điều tra hàng đầu của chính phủ Anh nói rằng có khả năng đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho phép thực hiện kế hoạch ám sát ông Alexander Litvinenko.

Ông là một cựu gián điệp sau đó trở thành nhà bất đồng chính kiến và bị buộc phải sang Anh sống lưu vong sau khi chỉ trích gay gắt ông Putin.

Ông Robert Owen, một thẩm phán về hưu đứng đầu nhóm điều tra, hôm nay nói rằng cuộc điều tra kéo dài một năm xác nhận rằng nhà nước Nga chịu trách nhiệm về vụ hạ độc ông Livinenko vào tháng 11 năm 2006 tại khách sạn Millennium ở trung tâm London, chỉ cách đại sứ quán Mỹ vài mét, và do hai điệp viên Nga thực hiện.

9 năm kể từ cái chết của ông, vợ ông, bà Marina Litvinenko, đã đi tìm câu trả lời, và kết quả điều tra công bố hôm nay, đã giúp bà nguôi ngoai phần nào.

Nói với phóng viên bên ngoài tòa án ở London, bà cho biết “rất hài lòng” về kết quả điều tra.

“Những lời mà chồng tôi nói ra lúc sắp chết, cáo buộc ông Putin giết mình, đã được chứng minh là đúng tại tòa án của Anh, vốn độc lập và công bằng”, bà nói.

Tại Moscow, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zhakarova nói “chúng tôi lấy làm tiếc là một vụ việc thuần túy hình sự lại bị chính trị hóa, và làm xấu bầu không khí trong mối quan hệ song phương”.

Ông Litvinenko là một điệp viên của FSS, cơ quan tình báo Nga ra đời sau cơ quan tương tự thời Xô Viết là KGB. Nhưng sau khi gay gắt chỉ trích ông Putin năm 1998, ông đã phải bỏ chạy khỏi Nga để sang xin tị nạn ở Anh.

Ông tiếp tục làm phật lòng Điện Kremlin khi công kích cá nhân ông Putin, mà trong đó có một bài báo gọi là lãnh đạo này là một kẻ ấu dâm. Sau đó, Kremlin đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc này.

Đầu tháng 11 năm 2006, ông Litvinenko đồng ý gặp hai điệp viên Nga là Andrei Lugovoi và Dmitry Kovtun. Các quan chức Anh nói rằng hai người này đã trộn chất phóng xạ được sản xuất ở Nga vào trà mà ông Litvinenko uống. Lugovoi và Kovtun sau đó trở về Nga.

Ông Litvinenko lâm bệnh và tử vong trong bệnh viện 23 ngày sau đó. Các bức ảnh chụp ông trên giường bệnh cho thấy ông bị rụng tóc và hốc hác.

Vợ ông cho biết chính cựu điệp viên này đã yêu cầu được chụp ảnh để cho thế giới thấy “những gì mà ông Putin đã làm” đối với ông.

Bà hôm nay cũng kêu gọi Anh trục xuất tất cả các nhân viên tình báo Nga, và cũng như một số nhà lập pháp Anh, kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những người bị coi là thủ phạm trong vụ ám sát.

Nữ phát ngôn viên của Thủ tướng David Cameron cho biết ông thấy kết quả điều tra “hết sức đáng ngại”, đồng thời cho biết chính phủ đang cân nhắc các hành động kế tiếp. - VOA
|
|

2.
Người biểu tình Philippines tiếp tục đổ ra đảo tranh chấp với TQ

Người biểu tình Philippines sẽ thực hiện một chuyến đi thứ hai ra quần đảo tranh chấp ở biển Đông, và lần này sẽ ở lại đó một tháng, sau khi Trung Quốc dùng máy bay đưa các du khách ra một hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh mới bồi đắp.

Tuần trước, Bắc Kinh đã dùng máy bay chở một nhóm du khách đầu tiên ra Bãi đá Chữ thập ở Trường Sa. Đa phần những người đó là thân nhân của các binh sĩ đồn trú trên đảo.

Đây là một phần của các chuyến bay thử nghiệm đối với đường băng dài 3.000 mét trên hòn đảo nhân tạo xây trên Bãi đá Chữ Thập.

Một nữ phát ngôn viên của nhóm của người Philippines có tên gọi “Tự do của chúng tôi” nói rằng “Trung Quốc đang thực hiện đúng điều chúng tôi đã làm tháng trước, đó là tới đảo Thị Tứ”.

Hồi tháng 12, khoảng 50 người biểu tình Philippines, phần lớn là sinh viên, đã thực hiện chuyến hải hành kéo dài 3 ngày tới Thị Tứ, một trong các hòn đảo mà Philippines kiểm soát. Trung Quốc sau đó đã phản đối chuyến đi này.

Nữ phát ngôn viên cho biết thêm rằng nhóm của bà sẽ dành một tháng để tới thị sát các hòn đảo mà Philippines quản lý ở Trường Sa vào tháng Tư tới.

“Chúng tôi kêu gọi tất cả những người Philippines yêu nước tham gia cùng chúng tôi để bảo vệ lãnh hải,” bà nói.

Những người biểu tình nói rằng các ngư dân Philippines hiện không thể đánh bắt tại các ngư trường truyền thống vì bị các tàu tuần duyên lớn của Trung Quốc xua đuổi.

Họ cũng chỉ trích chính phủ Philippines không hành động để ngăn chặn các ngư dân Trung Quốc dùng thuốc nổ để đánh bắt cá và hải sản ở Trường Sa. - VOA
|
|

3.
Các tổ chức phi chính phủ rời bỏ Trung Quốc

Trung Quốc đang soạn thảo một điều luật mới, và nếu được thông qua, sẽ áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt đối với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, viết tắt là NGO.

Các nhà phân tích nói rằng chính quyền Bắc Kinh coi một số NGO là mối nguy về an ninh, và đang lập ra các luật lệ để có thêm quyền điều tra các tổ chức này.

Ít nhất một tổ chức NGO lớn, ActionAid, đã giảm bớt quy mô hoạt động, và chỉ duy trì sự hiện diện hạn chế ở Trung Quốc.

Một số tổ chức phi chính phủ của phương Tây khác cũng tính tới chuyện rút khỏi Trung Quốc.

Vụ tống giam ông Peter Dahlin, một nhân viên phi chính phủ người Thụy Điển, gần đây được coi là cũng không giúp giảm bớt quan ngại.

Trung Quốc bày tỏ quan ngại rằng các thế lực chính trị phương Tây đang tìm cách xâm nhập vào xã hội Trung Quốc qua các NGO để truyền bá các tư tưởng về dân chủ kiểu phương Tây.

Ông Dahlin đã xuất hiện trên truyền hình Trung Quốc và thú nhận đã phạm luật. Ông cũng thừa nhận đã sử dụng ngân quỹ của nước ngoài để “kích động đối đầu” trong xã hội Trung Quốc. Các nguồn tin phương Tây cho rằng ông đã bị buộc phải nhận tội.

Theo dự luật mới, tất cả các NGO phải đăng ký với cơ quan an ninh, lực lượng sau đó sẽ giám sát các hoạt động của họ.

Dự luật còn có các điều khoản cụ thể về việc “gây nguy hại tới an ninh quốc gia” của các tổ chức phi chính phủ, cũng như những điều được gọi là khả năng vi phạm của các NGO đối với “đạo đức, giá trị và phong tục quốc gia”. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Ông Kerry kêu gọi Diễn đàn Davos tập trung vào hoà đàm Syria 

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm nay sẽ họp bàn với đặc sứ của Liên Hiệp Quốc về Syria.

Đây là một nỗ lực mới nhất nhằm giải quyết các bất đồng giữa các cường quốc trên thế giới mà có thể làm trì hoãn các cuộc hòa đàm quốc tế về tương lai của Syria.

Ông Kerry và Staffan de Mistura gặp nhau bên lề diễn dàn kinh tế Davos ở Thụy Sĩ. Hai quan chức này từng bày tỏ hy vọng rằng các cuộc đàm phán do Liên Hiệp Quốc điều giải về quá trình chuyển tiếp chính trị ở Syria có thể diễn ra theo đúng kế hoạch vào thứ Hai tới.

Tuy nhiên, ông Mistura hôm qua thừa nhận rằng điều đó có thể không xảy ra. Ông nói với đài truyền hình CNN rằng ông tin là các bên có thể khởi động đàm phán nhưng không phải là vào ngày 25. Nhưng ông nói thêm rằng các bên cần phải duy trì áp lực và nỗ lực.

Hiện có bất đồng sâu sắc về việc nhóm đối lập nào sẽ tham gia các cuộc đàm phán, và các quan chức nói rằng các cuộc họp vào tuần sau sẽ không thể diễn ra cho tới khi nào có sự đồng thuận về danh sách các nhóm đối lập tham gia.

Ông Kerry hôm qua đã gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, một đồng minh chính của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Sau đó, ông Lavrov nói rằng Moscow “không có ý định” hoãn các cuộc thảo luận sang tháng tới.

Liên Hiệp Quốc thông báo sẽ không gửi đi các thư mời tham dự các cuộc đàm phán cho tới khi nào giải quyết xong thành phần phiến quân tham gia.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng “không phải là ngày tận thế” nếu các cuộc thảo luận bị hoãn một hoặc hai ngày.

Chuyến đi tới Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos của ông Kerry là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du tới 5 quốc gia ở Trung Đông và châu Á.

Diễn đàn có sự tham dự của các nguyên thủ cũng như các giám đốc điều hành của các công ty hàng đầu thế giới. Ông Kerry sẽ phát biểu tại diễn đàn này và ngày mai.

Cuối ngày hôm nay, ông Kerry sẽ gặp các nhà lãnh đạo trong đó có Thủ tướng Iraq và Israel. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Năm 2030: Biển Đông sẽ thành ao nhà của Trung Quốc

Không còn gì để thắc mắc, tới năm 2030, Trung Quốc sẽ là một siêu cường trên thế giới và Biển Đông sẽ trở thành ‘ao nhà’ của Bắc Kinh, theo một phúc trình mới công bố của Trung Tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế CSIS tại Hoa Kỳ.

Công trình đánh giá độc lập về Chiến lược Quốc phòng Hoa Kỳ ở Châu Á-Thái Bình Dương nói Trung Quốc chiếm lĩnh ưu thế trong khu vực nhờ vào việc tiếp tục phát triển các đội hàng không mẫu hạm và việc quân đội nước này chú trọng mở rộng khả năng hoạt động ở nước ngoài.

Trích dẫn Bạch thư Quốc phòng của Bắc Kinh, CSIS lưu ý rằng quân đội nhân dân Trung Quốc trong tương lai gần sẽ vận hành vượt xa ra ngoài phạm vi Chuỗi đảo Thứ nhất kéo dài từ Nhật Bản tới Philippines vươn ra Ấn Độ Dương.

Kế hoạch này, theo CSIS, là mối quan ngại lớn nhất đối với Hoa Kỳ vì nó sẽ giúp dần dần nới rộng tầm tay của quân đội Trung Quốc.

CSIS dự đoán để hoàn thành chiến lược này, Bắc Kinh sẽ đầu tư ‘nặng ký’ cho công tác phát triển và bố trí nhiều đội tàu sân bay trong khu vực trước năm 2030.

Trung Quốc xác nhận đang tiến hành xây tàu sân bay thứ nhì và dự kiến sẽ còn đóng thêm nhiều tàu nữa trong những năm tới.

Những sự điều động này sẽ tăng cường thế mạnh cho Trung Quốc trong các tuyên bố chủ quyền ở Châu Á, đặc biệt là Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang tranh chấp chủ quyền với Việt Nam, Philippines, Brunei, và Malaysia.

Hiện nay, các công trình xây đảo và đặt lên đó hải cảng, đê chắn biển, hay đường băng cũng giúp Bắc Kinh củng cố sự ảnh hưởng trong khu vực, đồng thời cũng là một báo động đối với các nước láng giềng bao gồm Việt Nam.

Tất cả những yếu tố này, theo CSIS, sẽ đảm bảo là trước năm 2030 Biển Đông sẽ bị biến thành ao nhà của Trung Quốc tương tự như vị trí của vùng biển Ca-ri-bê hoặc Vịnh Mexico đối với Hoa Kỳ hiện nay.

Nghiên cứu của Trung tâm CSIS chỉ ra rằng chính sách cân bằng ‘xoay trục về Châu Á’ của Mỹ hiện chưa được giải thích rõ ràng hoặc chưa được vận dụng hữu hiệu để đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.

CSIS nói chính sách này cần được chú ý nhiều hơn và cần có nhiều nguồn lực hơn nữa giữa bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường nhịp độ ‘uy hiếp’ và Bắc Triều Tiên tiếp tục bành trướng tham vọng hạt nhân.

Ngoài ra, vẫn theo khuyến nghị của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, Hoa Kỳ nên gầy dựng khả năng cho các đồng minh và đối tác trong vùng để ứng phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Việt Nam hiện là một trong những đối tác của Mỹ tại khu vực trong khi Philippines là một đồng minh lâu năm của Hoa Kỳ. - VOA
|
|

6.
'Ngày quan trọng' trong kỳ Đại hội Đảng XII --- Tổng bí thư vẫn 'kiên định Mác-Lê'

Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa chính thức khai mạc và diễn ra trong vòng một tuần tại Hà Nội.

Một trong những nội dung quan trọng nhất là bầu dàn lãnh đạo mới cho năm năm tới.

Tổng số có 1.510 đại biểu, đại diện cho 4,5 triệu đảng viên toàn quốc tham dự đại hội.

Các đại biểu sẽ bầu chọn tân Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Vào một trong những ngày chót của kỳ đại hội, tân Ban chấp hành sẽ họp để bầu ra Bộ Chính trị gồm 16 người, là các thành viên đã có chân trong Ban Chấp hành.

Sau đó, Bộ Chính trị sẽ chọn người vào vị trí tổng bí thư, thủ tướng và chủ tịch nước.

Ứng viên cho chức tổng bí thư sẽ phải được Đại hội chuẩn thuận, theo dự kiến là một ngày trước ngày bế mạc Đại hội 28/1.

Thủ tướng và chủ tịch nước sẽ cần được Quốc hội đồng ý trong vòng sáu tháng. Tuy nhiên, thủ tục này được coi chỉ mang tính hình thức.

Trước khi chính thức khai mạc vào ngày 21/1, Đại hội 12 đã có phiên họp trù bị hôm 20/1 và trước đó là ba kỳ Hội nghị Trung ương (12, 13 và 14) với những bàn thảo quyết liệt về nhân sự cho nhiệm kỳ mới.

Hội nghị Trung ương các kỳ là sự kiện chỉ dành riêng cho các ủy viên Ban Chấp hành, gồm cả các ủy viên chính thức lẫn dự khuyết.

Trong kỳ Hội nghị 13, Ban Chấp hành khóa 11 đã thông qua danh sách các nhân vật được Ban Chấp hành nhất trí giới thiệu ứng cử vào Ban Chấp hành khóa 12, vào Bộ Chính trị, Ban Bí Thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng.

Tuy nhiên, các trường hợp nhân sự "đặc biệt", quá tuổi tái cử vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt đã phải để lại để tiếp tục thảo luận trong Hội nghị 14.

Diễn văn bế mạc Hội nghị 14 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng xác nhận có phương án nhân sự 'tái cử' ở cấp cao nhất để trình Đại hội Đảng 12, nhưng không nêu ra bất cứ một tên tuổi nào cho việc 'đặc biệt tái cử' này.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh các cuộc biểu quyết tại Hội nghị 14 đã đạt được "với số phiếu rất tập trung".

Mô tả kỳ họp ba ngày là "dân chủ, đoàn kết, tập trung", vị Tổng bí thư 71 tuổi nói rằng Hội nghị 14 đã "thành công rất tốt đẹp", một tuần trước kỳ Đại hội Đảng 12.

Để được có mặt trong Đại hội 12, các đại biểu phải là người được bầu chọn trong kỳ đại hội đảng bộ cấp tỉnh, thành, với số lượng mỗi tỉnh thành cử đi do Ban Chấp hành Trung ương Đảng phân bổ, trừ các trường hợp được đương nhiên tham dự.

Lần này, đoàn Hà Nội có 61 người, trong đó có bốn đại biểu đương nhiên, đoàn TP Hồ Chí Minh được 35 đại biểu chính thức và bảy đại biểu đương nhiên.

Các đại biểu đương nhiên gồm các ủy viên Bộ Chính trị, và Ủy viên chính thức hoặc dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương.

Tại Đại hội 12, theo kế hoạch, các đại biểu thảo luận văn kiện trong ba ngày trước khi tiến hành bàn về vấn đề nhân sự, với lịch trình cụ thể như sau:

21-23/1: Các đại biểu thảo luận văn kiện

Chiều 23/1: Ban Chấp hành Trung ương khóa 11 báo cáo về công tác nhân sự khóa mới; Đại hội thảo luận và biểu quyết về số lượng thành viên Ban Chấp hành khóa 12. Ban chấp hành Trung ương khóa 11 đã đưa đề xuất theo hướng Ban Chấp hành khóa mới sẽ có 180 ủy viên chính thức, tức là thêm 5 người so với khóa 11, và 20 ủy viên dự khuyết.

24/1: Đại hội thảo luận về tiêu chuẩn, cơ cấu Ban Chấp hành khóa 12; Đoàn Chủ tịch Đại hội nhận danh sách ứng cử, đề cử từ các đoàn đại biểu

25/1: Đoàn Chủ tịch xem xét các đơn xin rút lui, nếu có, và chính thức đưa danh sách đề cử, ứng cử để Đại hội biểu quyết thông qua; Đoàn Chủ tịch gồm 17 người, gồm 16 đương kim Ủy viên Bộ Chính trị và bà Hà Thị Khiết, người đã tham gia tám kỳ đại hội, được bầu trong phiên họp trù bị hôm 20/1

26/1: Các đại biểu bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 trong buổi sáng; Buổi chiều Ban Kiểm phiếu báo cáo kết quả và công bố danh sách ủy viên trung ương khóa mới

27/1: Tân Ban Chấp hành họp phiên thứ nhất để bầu Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương

28/1: Tân Ban Chấp hành báo cáo kết quả bầu chọn trước Đại hội; tân Tổng Bí thư đọc diễn văn bế mạc. - BBC

***
Nội dung bản báo cáo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc tại phiên khai mạc Đại hội Đảng XII hôm 21/1 được ghi nhận vẫn 'kiên định Mác-Lê'.

Hôm 21/1, Báo điện tử của Chính phủ Việt Nam công bố toàn văn báo cáo về văn kiện của Tổng Bí thư.

Theo đó, ông Trọng nhấn mạnh: “Trước hết phải kiên định chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và Chủ nghĩa Xã hội; kiên định đường lối đổi mới”.

Tổng Bí thư đánh giá “Nền kinh tế vượt qua nhiều thách thức. Tuy nhiên đổi mới chưa đồng bộ và toàn diện”.

Đáng lưu ý hai trong số các bài học được ông Trọng rút ra qua 30 năm đổi mới là: “Đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân”.

Báo cáo của Tổng Bí thư cũng nhìn nhận “tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển đảo trong khu vực và trên biển Đông sẽ còn diễn ra gay gắt, phức tạp”.

'Phần tử xấu lợi dụng'

Đề cập về lĩnh vực kinh tế, Tổng bí thư đặt ra các mục tiêu: “Cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính, từng bước cơ cấu lại ngân sách nhà nước;

Cơ cấu lại và giải quyết có kết quả vấn đề nợ xấu, bảo đảm an toàn nợ công;

Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước với trọng là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước;

Phát triển mạnh kinh tế biển nhằm tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Có cơ chế tạo bước đột phá về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển. Tập trung đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động các khu kinh tế ven biển”.

Về khoa học, ông Trọng nêu hướng “Phấn đấu đến 2020, khoa học công nghệ Việt Nam đạt trình độ phát triển của nhóm dẫn đầu Asean; đến 2030 có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến trên thế giới”.

Đề cập về nội bộ Đảng Cộng sản, ông cũng thừa nhận: “Một số rất ít cán bộ, đảng viên bị phần tử xấu lợi dụng, lôi kéo, kích động, xúi giục, mua chuộc đã có tư tưởng, hành động, việc làm chống đối Đảng, Nhà nước.

Công tác xây dựng Đảng bộc lộ nhiều hạn chế, khuyết điểm làm cho Đảng chưa thật sự trong sạch, vững mạnh, làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ”.

Cũng tại phiên khai mạc, ông Lê Hồng Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư được báo Tuổi Trẻ hôm 21/1 dẫn lời từ báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chấp hành trung ương Khóa 11: "Vẫn còn những đồng chí chưa gương mẫu hoặc để vợ, con, người thân, cấp dưới lợi dụng, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước”.

Tuy vậy ông không nêu rõ danh tính của "những đồng chí chưa gương mẫu".

Hôm 20/1, trong cuộc trao đổi với BBC, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, nhà quan sát từ Hà Nội, cho hay: “Nói thật là tôi chẳng quan tâm đến Đại hội 12, vì tôi là người không đảng phái.

Tôi cho rằng những người điều hành đất nước là phải là những lãnh đạo do người dân bầu ra, ở trong bộ máy chính quyền do người dân lựa chọn.

Có như thế thì đất nước mới thịnh vượng được. Chứ đại hội của một đảng thì có gì khiến tôi quan tâm đâu?”. - BBC

No comments:

Post a Comment