Wednesday, January 13, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Tư 13/1

Tin Thế Giới

1.
Mỹ tán dương phán quyết về hiệp định an ninh của tòa án Philippines

Hoa Kỳ hoan nghênh việc Tối cao Pháp viện Philippines ra phán quyết cho rằng hiệp định an ninh mà chính phủ ở Manila ký kết với Mỹ cách nay hai năm là hợp hiến. Theo tường thuật của thông tín viên Victor Beattie của đài VOA, phán quyết này dọn đường cho Mỹ gia tăng sự hiện diện quân sự ở Philippines trong lúc mối quan hệ giữa Manila và Trung Quốc tiếp tục căng thẳng vì vụ tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Phán quyết của Tối cao Pháp viện Philippines về Hiệp định Tăng cường Hợp tác Quốc phòng (ECDA) được loan báo hôm qua, trong lúc Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter họp tại Washington với các vị tương nhiệm phía Philippines.

Ngoại trưởng Kerry phát biểu như sau về diễn tiến này.

"Mối quan hệ chiến lược của chúng ta bắt đầu với một cam kết vững chắc, trong đó Mỹ có một cam kết vô cùng mạnh mẽ đối với an ninh của Philippines. Do đó, chúng tôi hoan nghênh quyết định của tòa án tối cao Philippines cho rằng hiệp định tăng cường hợp tác quốc phòng là phù hợp với hiến pháp Philippines. Đó là một quyết định quan trọng. Chúng tôi mong đợi sự tiến hành của hiệp định này vì nó sẽ làm tăng cao khả năng can thiệp của các lực lượng quân đội của chúng tôi và đóng góp vào sự hiện đại hóa và cải thiện khả năng chung của chúng tôi trong các hoạt động cứu trợ thiên tai."

Hiệp định ECDA, được ký kết năm 2014, cho phép binh sĩ Mỹ xây dựng các cơ sở để tồn trữ những trang thiết bị dùng cho mục tiêu bảo vệ an ninh biển và cho những hoạt động cứu trợ thiên tai. Thoả thuận này đạt được hơn hai mươi năm sau khi căn cứ thường trực cuối cùng của Mỹ ở quốc gia Đông Nam Á này bị đóng cửa.

Ông Carl Baker, một nhà nghiên cứu của Diễn đàn Thái Bình Dương tại Hawaii, cho biết việc đóng cửa các căn cứ đó phát xuất từ tình cảm bài Mỹ, nhưng tình hình giờ đây đã thay đổi.

"Philippines xem Trung Quốc là một mối đe dọa lớn và họ quyết định tập trung vào hoạt động quốc phòng đối ngoại hơn là đối nội. Và mối quan hệ với Mỹ là điều cần thiết để họ làm điều đó. Hiệp định quốc phòng với Mỹ là quan trọng đối với Philippines vì khả năng quốc phòng của Philippines không đủ để thách thức Trung Quốc. Nó sẽ giúp Philippines xây dựng thêm năng lực hải quân để đối phó với Trung Quốc."

Hãng tin Tân Hoa của nhà nước Trung Quốc cho rằng hiệp định an ninh Mỹ-Phi sẽ làm cho căng thẳng leo thang và gây phương hại cho hoà bình và an ninh khu vực. Họ cảnh báo rằng Manila sẽ nhận lãnh những hậu quả của điều mà họ gọi là “một hành động ngu xuẩn”.

Philippines là một trong nhiều nước Đông Nam Á chống đối những hành vi hung hãn của Trung Quốc trong vùng biển có tranh chấp, trong đó có việc đáp máy bay xuống Đá Chữ Thập, một trong 7 hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở quần đảo Trường Sa. Những chuyến bay đó của Trung Quốc đã bị Philippines chính thức phản đối sau khi gặp phải sự đả kích của Việt Nam và sự chống đối của Hoa Kỳ. - VOA
|
|

2.
Ngải Vị Vị và chính sách bán sỉ của Lego

Hãng Lego cho biết họ sẽ đổi lại chính sách bán sỉ và sẽ không yêu cầu người mua phải cho biết họ muốn dùng các khối Lego vào việc gì.

Thay đổi này diễn ra sau một vụ việc gây tranh cãi liên quan tới nghệ sĩ Trung Quốc, Ngải Vị Vị.

Hồi tháng Mười năm ngoái, ông Ngải Vị Vị cáo buộc Lego về vấn đề kiểm duyệt khi hãng từ chối bán Lego cho ông.

Công ty cho biết chính sách của hãng là không chấp nhận những đơn hàng mà họ tin là các khối Lego sẽ được sử dụng vì một tuyên bố chính trị.

Ông Ngải, nổi tiếng là người chỉ trích chính phủ Trung Quốc, là một trong những nghệ sĩ đương đại hàng đầu thế giới.

Ông muốn mua các khối Lego cho một tác phẩm nghệ thuật về những nhà bất đồng chính kiến. Ông cuối cùng đã phải dùng Lego được công chúng hiến tặng cho một triển lãm ở Melbourne, Úc.

Ông Ngải hôm thứ Tư dường như đã phản ứng với quyết định của hãng Lego bằng việc đăng một bức ảnh trên trên Instagram một bé trai gắn những khối Lego lên mặt ông đi kèm là một biểu tượng (emoji) cười.

Trong tuyên bố trên trang mạng hôm thứ Ba, hãng Lego cho biết họ thường hỏi khách hàng mua sỉ mục đích sử dụng, vì không muốn "chủ động ủng hộ hay hưởng ứng một mục đích chính trị đặc biệt nào".

"Tuy nhiên, những chính sách này có thể dẫn tới hiểu lầm và bị xem là không nhất quán, và Tập đoàn Lego vì thế đã sửa đổi chính sách bán Lego khối lượng lớn," tuyên bố này nói.

Nay, kể từ ngày 1/1, công ty sẽ yêu cầu khách hàng phải nêu rõ rằng hãng không ủng hộ, cũng không hưởng ứng đối với các công trình được trưng bày tại nơi công cộng.

Quyết định trước đó của hãng Lego khi từ chối yêu cầu mua sản phẩm Lego đã khiến ông Ngải tức giận - ông cáo buộc công ty tội kiểm duyệt và phân biệt đối xử cũng như tìm cách vạch định nghệ thuật chính trị.

Nghệ sĩ Trung Quốc này cũng gắn quan điểm của Lego với lợi ích kinh doanh tại Trung Quốc.

Vụ việc gây tranh cãi đã khiến những người ủng hộ trên khắp thế giới gửi tặng ông Ngải các khối Lego của họ.

Ông Ngải lập "các điểm thu nhận Lego" tại các thành phố khác nhau và cuối cùng đã tạo ra một loạt các tác phẩm nghệ thuật dựa trên chính vụ việc này như một lời bình về tự do ngôn luận và nghệ thuật chính trị. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
TT Obama không nhắc đến Bắc Hàn trong Thông điệp Liên bang --- Phản ứng chính trị đối với Thông điệp Liên bang của Tổng thống Obama

Trong số nhiều thách thức chính sách đối ngoại mà Hoa Kỳ đối mặt, vụ thử hạt nhân mới đây của Bắc Hàn không được đề cập đến trong diễn văn về tình trạng liên bang hôm Thứ Ba của Tổng thống Barack Obama. Thông tín viên Brian Padden của đài VOA gởi về bài tường thuật từ Seoul.

Ông Obama nói ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu phải là đối phó với các mối đe dọa từ "các quốc gia không hoạt động hữu hiệu" ở Trung Đông, Afghanistan và Pakistan, và các mạng lưới khủng bố đã lớn mạnh lên ở khu vực đó của thế giới.

Nhà phân tích về Bắc Hàn Victor Cha, làm việc cho Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở thủ đô Washington, cho rằng đối phó với mối đe dọa hạt nhân ngày càng tăng từ Bắc Hàn vẫn chỉ là một mối quan tâm thứ yếu. Ông nói ông không kỳ vọng ông Obama sẽ thay đổi chính sách kiềm chế hiện thời mang tên "kiên nhẫn chiến lược", cũng như không trông đợi bất kỳ ứng cử viên tổng thống chủ chốt nào sẽ biến Bắc Hàn thành một vấn đề quan trọng trong cuộc tranh cử.

"Bất cứ ai nắm quyền trong khoảng một năm tới kể từ bây giờ sẽ phải xử lý một vấn đề tồi tệ hơn theo cấp số nhân so với điều mà chúng ta đang đối phó với ngày hôm nay".

Nỗi đau đến tận xương

Tuy nhiên căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục gia tăng trong tuần này, ít nhất là về mặt ngôn từ.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye hôm Thứ Tư công khai lên án Bắc Hàn vì đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ tư. Bà cũng bênh vực cho sự phản ứng hạn chế của nước mình và thúc giục Trung Quốc hỗ trợ những biện pháp trừng phạt quốc tế mạnh mẽ.

Tại một cuộc họp báo ở Seoul, bà Park cho hay Hàn Quốc đang hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ và các đồng minh khác để xây dựng các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc mà bà nói sẽ làm cho Bắc Hàn cảm thấy "đau tận xương tủy".

Tuy nhiên bà nhìn nhận rằng nếu không có sự hỗ trợ từ Trung Quốc, là nước cung cấp trợ giúp kinh tế thiết yếu cho Bắc Hàn, sẽ rất khó gây áp lực hiệu quả buộc chính quyền Kim Jong Un phải ngừng chương trình hạt nhân của mình.

"Tôi tin rằng Trung Quốc sẽ đóng một vai trò tích cực hơn vì họ đã thể hiện rõ ràng sự sẵn sàng. Chúng tôi đang thảo luận với các đặc sứ của cuộc đàm phán sáu bên để xây dựng các biện pháp trừng phạt hiệu quả".

Năm 2009, Bình Nhưỡng đã rút khỏi "cuộc đàm phán sáu bên" với Washington, Seoul, Tokyo, Bắc Kinh và Matxcơva về việc ngừng chương trình hạt nhân của Bắc Hàn để đổi lấy viện trợ kinh tế và bảo đảm an ninh.

Hãng tin KCNA của nhà nước Bắc Hàn đưa tin rằng hôm Thứ Ba, lãnh tụ Kim Jong Un đe dọa cho nổ một "quả bom H mạnh hơn" trong tương lai và cổ xuý cho việc mở rộng về quy mô và sức mạnh kho vũ khí hạt nhân của nước ông.

Bắc Hàn tuyên bố vụ nổ hạt nhân mới đây của nước này là một quả bom khinh khí, nó mạnh hơn rất nhiều so với quả bom nguyên tử nước này đã thử trước đây. Hầu hết các chuyên gia đều bác bỏ tuyên bố này. Họ phản biện rằng năng lượng sinh ra thấp đối với một thiết bị nhiệt hạch đầy đủ quy mô.

Các biện pháp của Hàn Quốc

Bà Park đã bênh vực cho quyết định của mình khi cho hoạt động trở lại việc phát loa phóng thanh chống Kim Jong Un dọc theo biên giới khi có những cáo buộc là hệ thống đó không hiệu quả hoặc quá khiêu khích.

Bà nói việc sử dụng biện pháp chiến tranh tâm lý này kích thích sự nổi dậy của những người dân ở miền Bắc và làm mất ăn mất ngủ giới lãnh đạo Bình Nhưỡng đang kiểm soát chặt chẽ các phương tiện truyền thông nhà nước. Bà ghi nhận rằng các chương trình phát thanh năm ngoái - khi nổ ra căng thẳng về một vụ tai nạn mìn - đã gây áp lực với các lãnh đạo Bắc Hàn buộc họ tìm kiếm một giải pháp và phải có những nhượng bộ, bao gồm cả việc xin lỗi vì đã kích động xung đột. Bà phát biểu:

"Sự thật là vũ khí quan trọng nhất chống lại một chế độ toàn trị".

Có tin Bắc Hàn đã thiết lập các cột loa của mình trong khu vực biên giới để phát đi những bình luận chỉ trích Tổng thống Park.

Trong cuộc họp báo, bà Park khen ngợi liên minh quân sự chặt chẽ của Hàn Quốc với Hoa Kỳ vì đã tạo ra sự răn đe mạnh mẽ và nâng cao khả năng sẵn sàng quân sự để bảo vệ trước các hành động khiêu khích tiềm tàng của Bắc Hàn.

Washington và Seoul vừa tiến hành biểu dương sức mạnh không quân gần biên giới với Bắc Hàn bằng cách phái một oanh tạc cơ B-52 có khả năng mang vũ khí hạt nhân của Mỹ từ đảo Guam bay tới Hàn Quốc.

Hôm qua, Hạ viện Mỹ, với đa số áp đảo, đã thông qua dự luật nới rộng các biện pháp chế tài đơn phương để trao quyền cho Tổng thống phong toả tài sản của những cá nhân và công ty Bắc Hàn dính líu tới các hoạt động bị cấm và trừng phạt những ngân hàng của các nước khác làm ăn với chính phủ của ông Kim Jong Un.

Dự luật này có phần chắc sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Thượng viện và Tổng thống Obama. - VOA

***
Chính giới Mỹ - từ các ứng viên tổng thống cho đến các dân biểu, nghị sỹ - đã có phản ứng đối với diễn văn về tình trạng liên bang cuối cùng của Tổng thống Obama hôm Thứ Ba.

Tối thứ ba là một đêm đầy rẫy những sự mâu thuẫn khi những người của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa suy ngẫm về di sản của Tổng thống Obama.

Tổng thống đã thúc giục người Mỹ hướng tới tương lai vào thời điểm của sự thay đổi. Những người của Đảng Dân chủ khen ngợi nỗ lực của ông nhằm tổng kết lại bảy năm qua:

Dân biểu Eliott Engel, thuộc đảng Dân chủ, đại diện tiểu bang New York nhận xét như sau.

“Toàn bộ bài diễn văn khá biểu cảm. Tôi nghĩ ông ấy điểm lại những trải nghiệm của mình trong 7 năm qua rồi đưa ra lời kêu gọi theo cách nhìn của mình và điều đó thật xúc động. Tôi đoán là trong tất cả những bài diễn văn về tình trạng liên bang ông đã viết, bài này tự ông đã viết hết”.

Thượng nghị sỹ Ben Cardin, thuộc đảng Dân chủ, đại diện tiểu bang Mary land, tán thưởng những phát biểu của ông Obama.

“Tôi nghĩ Tổng thống nói thật mạnh mẽ về vai trò của Mỹ ở tầm quốc tế mà chúng ta cần can dự, chúng ta cần thể hiện vai trò lãnh đạo. Tôi nghĩ ông nói rất mạnh về các nguyên tắc mà chúng ta đấu tranh cho chúng”.

Những người của Đảng Cộng hòa đã chỉ trích điều mà họ gọi là thiếu chi tiết.

Dân biểu Tom Cole, thuộc phe Cộng hoà, đại diện tiểu bang Pennsylvania, phát biểu.

“Tôi mong được nghe thêm về cách thức cân bằng ngân sách, đánh bại Nhà nước Hồi giáo và duy trì hoạt động của nền kinh tế”.

Ông Tom Meriono, một dân biểu khác ở Pennsylvania cũng thuộc phe Cộng hoà, tỏ ý chê trách:

“Quả thực ông ấy còn bất cập. Ông ấy nói về một kế hoạch tốt nhưng tại sao ông ấy lại không thực hiện điều ông ấy nói đến?”

Nhưng mọi người ai nấy cũng nghĩ về cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, kể cả ông Obama:

“Tôi đang cố nói ngắn gọn lại. Tôi biết là một vài người trong quý vị đang nóng lòng muốn trở về Iowa”.

Và các ứng viên tổng thống thuộc Đảng Cộng hòa đã phản ứng, thậm chí trước khi có bài diễn văn.

Thống đốc Chris Christie của tiểu bang New Jersey nói:

“Diễn văn Tình trạng Liên bang tối nay không phải là một lời kêu gọi hành động; nó sẽ chỉ là một danh sách những mong ước viển vông của một Tổng thống đã thất hứa với chúng ta”.

Nhắn tin trên Twitter ngay sau bài diễn văn – ông Jeb Bush nói rằng tổng thống sống trong một thế giới khác khi ông trình bày về phương pháp kinh tế và chiến lược đánh bại ISIS.

Di sản của Tổng thống Obama chắc chắn sẽ được tranh luận trong tiến trình tranh cử vào những tháng tới đây. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

4.
An toàn hàng không trên Biển Đông: Việt Nam tố cáo Trung Quốc nói dối

Khẩu chiến giữa Hà Nội và Bắc Kinh liên quan đến tính chất nguy hiểm của các chuyến bay của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông càng lúc càng gay gắt. Vào hôm qua, 12/01/2016, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chính thức bác bỏ những lập luận "sai trái" mà Trung Quốc đưa ra một hôm trước về việc liên tiếp điều phi cơ dân sự ra thử nghiệm phi đạo trên Đá Chữ Thập vùng quần đảo Trường Sa.
Trong bản tuyên bố được truyền đi tối hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã phản bác từng điểm một trong phát biểu ngày 11/01/2016 của người đồng cấp Trung Quốc Hồng Lỗi.

Về tuyên bố của Trung Quốc cho rằng đã thông báo cho các cơ quan chức năng Việt Nam về các chuyến bay – từ ngày 28/12/2015 - nhưng « không nhận được câu trả lời », ông Lê Hải Bình khẳng định rằng cơ quản lý không lưu FIR Hồ Chí Minh của Việt Nam đã « không hề nhận được bất kỳ thông báo nào của Trung Quốc về kế hoạch bay như họ nói ». 

Ngoài ra, cũng theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, ngày 30/12/2015, khi được đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội thông báo về việc Bắc Kinh sẽ dùng phi cơ dân sự thực hiện các chuyến bay ra Đá Chữ Thập, Việt Nam đã « ngay lập tức phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ hành động này ». 

Đối với Việt Nam, việc Trung Quốc xác định rằng các chuyến bay ra Đá Chữ Thập là « hoạt động hàng không quốc gia », chỉ nhằm áp đặt « yêu sách chủ quyền phi lý » của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa, « vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ».

Bộ Ngoại giao Việt Nam nhắc lại những cáo buộc đã từng được đưa ra, theo đó các hoạt động của phi cơ Trung Quốc đã : « Ảnh hưởng đến an ninh an toàn tự do hàng không ở Biển Đông, đi ngược lại các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Chicago năm 1944 về Hàng không dân dụng và các Phụ lục liên quan đến Quy tắc bay qua vùng trời quốc tế, đặc biệt là Phụ lục 2 và Phụ lục 11 ». 

Theo báo chí trong nước, các hành động « nguy hiểm » của Trung Quốc đối với hoạt động bay trong khu vực không chỉ giới hạn trong 3 chuyến bay đến Đá Chữ Thập.

Trong một thông báo ngày 08/01/2016 được gửi đến Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), Cục Hàng không Việt Nam ghi nhận là riêng trong thời hạn 01-08/01/2016, Trung Quốc đã thực hiện 46 chuyến bay vào Vùng Thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR Hồ Chí Minh) mà không thông báo, qua đó đe dọa an toàn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động bay trong khu vực.

Manila phản đối Bắc Kinh

Cũng liên quan đến các chuyến bay của Trung Quốc ra Đá Chữ Thập, Chính quyền Philippines vừa xác nhận việc chính thức trao công hàm phản đối Trung Quốc.

Theo ông Charles Jose, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines vào hôm nay, 13/01/2016, thì Manila đã triệu mời đại diện Sứ quán Trung Quốc tại Philippines lên Bộ Ngoại giao ngày 08/01 để trao công hàm phản đối « những hành động khiêu khích, hạn chế quyền tự do hàng hải và hàng không ở vùng biển Biển Đông » do Bắc Kinh tiến hành.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay đã bác bỏ lời phản đối của Philippines. - RFI
|
|

5.
'Mang tinh thần Hội nghị 14 vào ĐH Đảng'

Đọc diễn văn bế mạc hội nghị trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 14 tại Hà Nội Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng xác nhận có phương án nhân sự 'tái cử' ở cấp cao nhất để trình Đại hội Đảng 12.

Đây là các chức vụ trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư của Trung ương Đảng thuộc khóa 11 hiện nay được Ban chấp hành trung ương đề cử bổ sung cho khóa 12.

Đó là các trường hợp là uỷ viên Trung ương Đảng và nhân sự thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa 12 được coi là "thuộc trường hợp đặc biệt tái cử khóa 12".

Nhưng ông không nêu ra bất cứ một tên tuổi nào cho việc 'đặc biệt tái cử' này mà chỉ nhấn mạnh đây là các cuộc biểu quyết "với số phiếu rất tập trung".

Mô tả kỳ họp ba ngày vừa qua là "dân chủ, đoàn kết, tập trung", vị Tổng bí thư 71 tuổi nói rằng Hội nghị đã "thành công rất tốt đẹp", một tuần trước kỳ Đại hội Đảng 12.

Khi nói "chỉ còn đúng một tuần" là bước vào Đại hội 12, GS Trọng có vẻ như thừa nhận tính gấp rút chưa từng có của quá trình họp và bầu bán nội bộ Đảng cầm quyền tại Việt Nam vốn thu hút nhiều sự chú ý của dư luận.

Tuy nhiên, ông vẫn nhấn mạnh đến nhu cầu "nghiêm túc thực hiện" nghị quyết của hội nghị và kêu gọi "mang tinh thần hội nghị 14 vào Đại hội 12" của Đảng.

Ông nói các ủy viên trung ương phải khẩn trương hoàn tất các công việc và chỉ đạo "để làm cho Đại hội thành công rực rỡ".

"Cán bộ, Đảng viên, nhân dân đều mong chờ vào thành công của Đại hội", ông Trọng nói.

Trước đó, theo tường thuật trên VTV1, ông Trọng dành một đoạn dài trong bài diễn văn nói đến Hiệp định Thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương -TPP.

Trong toàn bộ phần phát biểu về nhân sự, nét mặt của cả TBT Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo cao nhất đều hết sức nghiêm trang và họ chỉ cười, vỗ tay sau khi ông Trọng tuyên bố bế mạc Hội nghị Trung ương 14 và gửi lời chúc Tết Bính Thân đến tất cả.

Cùng ngày, một nhà nghiên cứu bình luận với BBC rằng đề cử 'tứ trụ' của Bộ Chính trị cho Đại hội khóa tới cho thấy nếu bốn vị này sẽ lại trúng cử thì đường lối chính của Đảng Cộng sản sẽ thiên về 'giữ ổn định' chính trị.

Xu hướng này như thế sẽ trội hơn là xu hướng 'tăng tốc đổi mới, phát triển', theo Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp từ Singapore nói với BBC. - BBC
|
|

6.
Hoãn xét xử blogger Anh Ba Sàm

Tòa án Nhân dân TP Hà Nội thông báo hoãn phiên xử ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy trong tuần tới "sang một ngày khác".

Trước đó cũng tòa này thông báo sẽ xét xử blogger Anh Ba Sàm, tức ông Vinh, và bà Thúy vào sáng 19/1, một ngày trước Đại hội Đảng XII.

Thời điểm thông báo đã gây ra nhiều đồn đoán về các phe cánh trong Đảng dùng phiên tòa được dư luận chú ý để sát phạt lẫn nhau.

Văn bản thông báo ra ngày 12/1 mà BBC có được nêu lý do hoãn xử ngày 19/1 vì "hội thẩm nhân dân được phân công tham gia Hội đồng xét xử vụ án không thể tham gia phiên tòa vào ngày đã dự kiến". 

Tòa này nói "khi có quyết định xét xử sẽ thông báo sau".

Ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy bị truy tố tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân theo Điều 258 Bộ Luật Hình sự.

Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa là ông Nguyễn Văn Phổ.

LS Hà Huy Sơn, một trong các luật sư bào chữa cho ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy, nói ông đã đề nghị thay thẩm phán chủ tọa phiên tòa vì cho rằng ông Nguyễn Văn Phổ "có thể không vô tư trong khi làm chủ tọa".

Blogger Nguyễn Hữu Vinh bị bắt ngày 5/5/2014 với cáo buộc từ trang thông tin của Bộ Công An là "đã có hành vi đăng tải các bài viết trên mạng Internet nội dung xấu, thông tin sai lệch làm giảm uy tín, mất lòng tin trong nhân dân về cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, công dân, quy định tại Điều 258 – Bộ Luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam."

Trang blog Anh Ba Sàm mà ông chủ xướng đăng nhiều bài viết về chính trị-xã hội Việt Nam, được nhiều người truy cập, nay do người khác quản lý.

Cùng bị bắt với ông Vinh có bà Nguyễn Thị Minh Thúy, nguyên là nhân viên cũ của ông Vinh tại công ty TNHH Điều tra và Bảo vệ (VPI). - BBC

No comments:

Post a Comment