Friday, January 15, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 15/1

Tin Thế Giới

1.
Kinh tế trở thành tâm điểm cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan

Cử tri Đài Loan sẽ bầu tổng thổng mới vào ngày mai sau các hoạt động tranh cử cấp tập giờ chót tập trung vào nền kinh tế trì trệ của đảo quốc này. Cử tri muốn hưởng lương cao hơn, nhà cửa rẻ hơn và có thêm việc làm. Cả hai ứng cử viên hàng đầu nói họ đều có giải pháp. Thông tin viên Ralph Jennings của đài VOA tại Đài Bắc tường thuật.

Đài Loan bước vào suy thoái hồi tháng 9 năm ngoái, trong khi các đơn hàng xuất khẩu, vốn là luồng khí huyết nuôi dưỡng hòn đảo, đã sụt giảm trong 9 tháng gần đây. Người lao động phàn nàn là với mức lương thấp, chỉ có 600 đôla một tháng, họ không mua nổi các căn hộ ở Đài Bắc hoặc trả tiền cho việc chăm sóc con nhỏ hay bố mẹ già. Những vấn đề này đã đeo bám các ứng cử viên của hai đảng chính của Đài Loan khi họ đi vận động cử tri trên phố trước cuộc bầu cử hôm thứ Bảy. Đảng đối lập ở Đài Loan hiện đang dẫn trước trong các cuộc thăm dò.

Ông Vương Nghiệp Lập, giáo sư khoa học chính trị thuộc trường Đại học Quốc gia Đài Loan, nói cử tri đang kỳ vọng vị tổng thống tiếp theo sẽ mang lại đời sống dễ chịu.

Ông tin rằng tình hình kinh tế là vấn đề hàng đầu vì người dân muốn có thu nhập cao hơn, nhiều cơ hôi việc làm hơn và gây sức ép về những vấn đề khác liên quan đến túi tiền của họ.

Ông Vương nói thêm những người thuộc tầng lớp bình dân muốn thấy sự thay đổi đảng phái dẫn đến kết quả có ích vì Quốc Dân Đảng hiện thời đã điều hành kém trong 8 năm qua.

Đài Loan công nghiệp hóa trong những năm 1960, nhưng mức sống vẫn thua những nước như Nhật Bản, Nam Hàn hay những nước khác đi cùng lộ trình. Cùng lúc, chi phí đất đai và nhân công cao đến mức các nhà đầu tư quyết định chuyển ra hải ngoại, mang vốn ra khỏi Đài Loan và cắt giảm việc làm địa phương.

Tổng thống đương nhiệm Mã Anh Cửu làm cho cử tri thất vọng vì không đạt được các mục tiêu tăng lương, giảm thất nghiệp và tăng GDP, hiện ở mức 500 tỷ đôla. Kể từ năm 2008, chính phủ Quốc Dân Đảng của ông đã tìm kiếm trợ giúp kinh tế từ Trung Quốc. Hai nước đã ký 23 thỏa thuận chủ yếu nhắm thúc đẩy thương mại, du lịch và đầu tư. Trung Quốc là địch thủ chính trị của Đài Loan trong 7 thập niên và cũng là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Ứng cử viên Thái Anh Văn của Đảng Dân Tiến đối lập nói bà sẽ hành động để giúp các doanh nghiệp nhỏ của Đài Loan đạt tiến bộ  ở thị trường trong nước và hải ngoại. Hồi tháng 5, đảng của bà đề nghị sửa đổi một số luật lệ để tăng lương và giảm giờ làm từ 84 giờ trong 2 tuần xuống 40 giờ 1 tuần. Bà cổ xúy cho việc tạo việc làm bằng cách lập mạng lưới người trông trẻ ở các khu dân cư.

Ứng viên đảng đối lập này cũng muốn xây dựng 200.000 căn nhà giá rẻ để giảm lo ngại về giá đất. Các căn hộ ở Đài Bắc có giá ngang ngửa với các thành phố lớn trên thế giới.

Thăm dò dư luận trước bầu cử cho thấy bà Thái dẫn trước hơn 8%.

Ứng viên của Quốc Dân Đảng, ông Chu Lập Luân, đã cam kết sẽ tăng lương tối thiểu theo từng giai đoạn từ mức 600 đôla một tháng hiện nay lên xấp xỉ 900 đôla một tháng vào khoảng năm 2020. Ông Chu đề xuất mở cửa các trung tâm chăm sóc người già ở khu dân cư để lo cho họ khi con cái trưởng thành đi làm. Một phát ngôn viên của đảng nói ông sẽ thúc đẩy để có giá nhà phải chăng ngay tại những tòa nhà hiện có thay vì xây mới.

Các quan chức bầu cử Đài Loan sẽ công bố người lên làm tổng thống mới hôm thứ Bảy và người thắng cử sẽ bắt đầu nắm quyền vào tháng 5, khi Tổng thống Mã hết nhiệm kỳ. - VOA
|
|

2.
Thủ lĩnh IS bị máy bay không người lái Mỹ hạ sát tại đông Afghanistan

Các giới chức ở đông bộ Afghanistan nói một cuộc tấn công do máy bay không người lái Mỹ thực hiện đã giết chết viên thủ lĩnh hàng đầu của Nhà nước Hồi giáo trong khu vực mà các phần tử chủ chiến gọi là Khorasan, cùng với ít nhất 11 phần tử nổi dậy khác.

Cuộc tấn công bằng phi đạn xảy ra tại Achin, một khu vực đầy biến động tại một vùng hẻo lánh thuộc tỉnh Nangarhar, nơi mà người ta tin quân Nhà nước Hồi giáo đang đặt căn cứ hoạt động chính.

Các giới chức quân sự Mỹ ở Kabul xác nhận vụ không kích đã được phát động trong khu vực đó hôm 14/1, nhưng nói họ không thể xác quyết liệu thủ lĩnh của Nhà nước Hồi giáo ở địa phương Hafiz Saeed Khan có mặt trong số những ca tử vong hay không.

Một người phát ngôn của tỉnh trưởng tỉnh Nangarhar nói với VOA rằng họ đã xác nhận chính thức rằng Hafiz Saeed Khan, thủ lĩnh cao cấp nhất của IS tại Khorasan và các chiến binh dưới quyền đã bị trúng phi đạn vào lúc 4 giờ chiều giờ địa phương, gây một vụ nổ rất lớn tại khu vực Bandar của Achin, theo lời dân làng.

Các cuộc tấn công bằng phi đạn do máy bay không người lái của Mỹ thực hiện đã tăng trong thời gian gần đây, hàng chục phần tử chủ chiến đã bị giết tại các cứ địa của Nhà nước Hồi giáo ở Nangarhar.

Nhà nước Hồi giáo chưa lên tiếng bình luận về vụ không kích hôm thứ Năm.  Khan, một cựu chỉ huy Taliban đã rời bỏ hàng ngũ để gia nhập Nhà nước Hồi giáo cách đây một năm, được tin là đã bị giết cách đây 6 tháng, nhưng nhóm khủng bố IS lúc đó đã bác bỏ tin này. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Ứng viên tổng thống phe Cộng hòa tranh cãi về chính sách đối ngoại

Những ứng viên tổng thống hàng đầu của phe Cộng hòa ở Mỹ đã tranh cãi gay gắt về chính sách đối ngoại, các vấn đề kinh tế và giữa cá nhân họ với nhau trong cuộc tranh luận hôm thứ Năm ở South Carolina. Cuộc tranh luận diễn ra cách cuộc bỏ phiếu đầu tiên trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ chưa đầy 3 tuần. Thông tín viên Jim Malone của đài VOA có bài tường thuật.

Trong cuộc tranh luận ở Nam Carolina – được truyền hình trực tiếp trên kênh Fox Business Network – số ứng viên ít hơn lần tranh luận trước và đã có những màn ăn miếng trả miếng sôi động giữa các đối thủ.

Cựu thống đốc Florida Jeb Bush thách thức người đang dẫn đầu cuộc đua là ông Donald Trump về đề xuất của ông này là cấm người Hồi giáo không phải là người Mỹ nhập cảnh vào Mỹ.

Ông Jeb Bush nói:

“Tôi hy vọng ông cân nhắc lại vì một chính sách như vậy sẽ làm cho việc xây dựng một liên minh cần thiết để loại bỏ ISIS trở nên bất khả thi”.

Ông Donald Trump đáp:

“Tôi muốn an ninh cho đất nước này. Như quý vị biết đấy, chúng ta có vấn đề nghiêm trọng với người Hồi giáo cực đoan. Chúng ta có một vấn đề vô cùng lớn. Đó không chỉ là vấn đề ở đây mà trên khắp thế giới”.

Thượng nghị sỹ Texas Ted Cruz cũng xung đột với ông Trump về tuyên bố cho rằng gốc gác Canada của ông Cruz có thể làm ông không đủ tư cách làm tổng thống.

Ông Ted Cruz phát biểu:

“Tôi thấy ông Donald phát hoảng vì số liệu thăm dò về ông ấy bị sụt giảm ở Iowa. Nhưng sự thật và luật lệ ở đây rất rõ ràng. Theo luật lâu đời của Mỹ, một đứa trẻ của một công dân Mỹ được sinh ra ở nước ngoài vẫn là một công dân Mỹ ngay từ khi ra đời”.

Ông Donald Trump nói:

“Tôi đã biết những người Đảng Dân chủ sẽ kiện. Ông đang có một vụ kiện treo lơ lửng trên đầu ông trong khi ông đang tranh cử đấy, và nếu ông trở thành người được đề cử, ai mà biết liệu ông có được nắm quyền hay không”.

Thượng nghị sỹ bang Florida Marco Rubio và Thống đốc bang New Jersey Chris Christie đã cãi nhau về việc ai là người bảo thủ mạnh mẽ hơn.

Ông Marco Rubio nói:

“Tôi thích ông Chris Christie nhưng chúng ta không thể có một tổng thống là người ủng hộ Common Core [chương trình giáo dục Cốt lõi Chung]. Chúng ta không thể có một tổng thống Mỹ là người ủng hộ kiểm soát súng”.

Ông Chris Christie đáp trả:

“Tôi cũng thích ông Marco và cách đây 2 năm ông ấy đã gọi tôi là một nhà cải cách bảo thủ mà New Jersey cần. Đó là trước khi ông ấy chạy đua với tôi”.

Cuộc tranh luận đã làm nhà giải phẫu thần kinh Ben Carson lo ngại. Ứng viên này là người kêu gọi sự đoàn kết trong đảng, một chủ đề một số người khác đã cố nêu ra khi có các cuộc đối đáp ăn miếng trả miếng.

Các ứng viên Cộng hòa nói chung đã có nhiều lời lên án chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama. Các ông Christie và Rubio cảnh báo rằng bà Hillary Clinton của Đảng Dân chủ sẽ tiếp tục chính sách đó.

Ông Chris Christies nói:

“Quý vị không thể trao cho bà Hillary Clinton một nhiệm kỳ thứ 3 kế thừa quyền lãnh đạo của ông Obama. Tôi sẽ không làm như vậy nếu tôi được đề cử”.

Còn ông Marco Rubio có ý kiến:

“Bà ấy không chỉ là một thảm họa. Bà Hillary Clinton không đủ tư cách để làm tổng tư lệnh nước Mỹ”.

Những đối thủ trong Đảng Cộng hòa hiện đã quay trở lại với việc vận động tại các bang có bầu cử sớm là Iowa và New Hampshire. Cuộc họp kín chọn ứng cử viên của Iowa sẽ diễn ra vào ngày 1 tháng Hai. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

4.
Biển Đông: Trung Quốc gọi đầu tư vào các đảo có tranh chấp

Tân Hoa Xã ngày15/01/2016 cho biết thành phố Tam Sa lập kế hoạch kêu gọi tư nhân đầu tư vào các cơ sở hạ tầng trên những đảo đang có tranh chấp ở Biển Đông và khởi động các chuyến bay thường xuyên đến một trong những đảo này.

Theo Phó Thị trưởng thành phố Tam Sa (Sansha), ông Phùng Văn Hải (Feng Wenhai), chính quyền thành phố này đang lập một kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng tại đây trong năm 2016 theo mô hình «chương trình đối tác công – tư ». 

Các hạng mục bao gồm xây dựng một Trung tâm cứu hộ y tế hàng hải, rải cáp quang ngầm dưới lòng biển và phủ sóng Wifi cho toàn bộ các đảo có người ở và những bãi đá. Quan chức nàycòn cho biết thêm sân bay trên đảo Phú Lâm (Woody Island) sẽ đón tiếp những chuyến bay thường xuyên trong năm nay, nhưng không nêu rõ chi tiết.

Trung Quốc đã kiểm soát toàn bộ quần đảo Hoàng Sa từ năm 1974, sau một trận hải chiến dữ dội với hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Năm 2012 khi Trung Quốc tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa (thuộc đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa) và cho mời gọi các tập đoàn dầu khí đến thầu các lô khai thác trong vũng lãnh hải mà Việt Nam có đòi hỏi chủ quyền, hàng trăm người Việt Nam đã xuống đường biểu tình phản đối.

Căng thẳng Trung Quốc và Việt Nam đặc biệt gia tăng trong những tuần gần đây, sau khi Bắc Kinh cho thử nghiệm một vài một chuyến bay dân sự đến Đá Chữ Thập, nơi có một trong ba phi đạo mà Trung Quốc đã xây dựng trong khu vực từ hơn một năm nay.

Trên thực tế, Trung Quốc có yêu sách chủ quyền trên toàn bộ diện tích Biển Đông, nơi có những tuyến hàng hải quan trọng đối với thương mại thế giới. Cũng trong vùng biển này, Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ với Philippines, Brunei, Việt Nam, Malaysia và Đài Loan. - RFI
|
|

5.
Bước ngoặt hậu chiến, Mỹ thấy Việt Nam là đồng minh tiềm tàng

Khi ông Ted Osius đến Việt Nam với tư cách là nhà ngoại giao hồi những năm 1990, ông bị cấm bàn về chất da cam - chất gây rụng lá mà Mỹ đã rải xuống quân địch trong Chiến tranh Việt Nam.

Hai thập niên sau, chính sách của Mỹ đã thay đổi. Ông Osius, giờ là Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, giám sát các nỗ lực chung để dọn sạch dioxin trong đất đai ở Việt Nam và chăm sóc những người dân địa phương tiếp xúc với hóa chất này.

Hôm thứ Năm, tại một hội nghị kỷ niệm 20 năm quan hệ song phương, ông Osius phát biểu: “Chúng tôi đã biến một lãnh vực từng có xung đột lớn thành một lĩnh vực mà chúng tôi đang hợp tác rất nhiều với Việt Nam”. Ông nói thêm: “Và chúng tôi đang thảo luận chân tình về quá khứ chung. Tôi tin rằng cách duy nhất để vượt qua quá khứ là phải nói trung thực về nó”.

Cùng lúc Washington nhận trách nhiệm về lịch sử, bước ngoặt trong vấn đề chất da cam thể hiện sự chuyển đổi sâu sắc mà quan hệ Việt - Mỹ trải qua. Giờ đây, khi cuộc chiến đã ở lại phía sau, hai nước đã đẩy mạnh trao đổi thương mại và giáo dục, cùng nêu ra quan ngại giống nhau về sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực, và liên tiếp có các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao.

Về thương mại, Hà Nội và Washington là những nước đầu tiên hoàn tất đàm phán song phương về Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương có 12 nước thành viên. TPP sẽ tăng cường tình hữu nghị Mỹ - Việt, song các quan chức hai bên đều cố giảm nhẹ những suy nghĩ cho rằng tình hữu nghị ấy là để đối trọng với Trung Quốc. Tại hội nghị, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên bác bỏ điều mà ông gọi là những “tin đồn” cho rằng tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc đang đẩy Việt Nam vào vòng tay Mỹ.

“Không có chuyện chúng tôi lợi dụng mối quan hệ này để đối trọng với bên kia”, ông Niên nói. “Đó không phải là chính sách của chúng tôi”.

Ông cho rằng hai nước đang xích lại gần nhau hơn vì lợi ích tổng thể của đôi bên. Năm ngoái, khi tổng thống Mỹ Obama đón tiếp vị tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam lần đầu tiên ở Tòa Bạch Ốc, ông Niên đã thắp hương. “Tôi xúc động tự đáy lòng”, ông bộc bạch.

Nhưng Trung Quốc cũng là nguyên nhân làm TPP hấp dẫn hơn đối với Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê ở Hà Nội, Việt Nam  nhập hàng hóa trị giá 4,2 tỷ đôla hồi tháng 11 so với mức xuất khẩu 1,5 tỷ đôla. Để giảm bớt sự lệ thuộc vào quốc gia vừa-bạn-vừa-thù lâu đời và thu hẹp thâm hụt thương mại với Trung Quốc, Việt Nam cần tìm những đối tác thương mại thay thế trong TPP.

Cả Washington lẫn Hà Nội đều có mối lo chung là Bắc Kinh đang hành động hung hăng ở Biển Đông có tranh chấp. Trong tháng này, Trung Quốc đã đáp thử máy bay xuống Đá Chữ Thập, là một hòn đảo nhân tạo mà họ mới xây dựng trong quần đảo Trường Sa.

Vào lúc Trung Quốc đang trỗi dậy, cựu Bộ trưởng Công Thương Trương Đình Tuyển nói về TPP như một cách thức để Mỹ thể hiện sức mạnh ở châu Á.

Ông nói: “Tôi nghĩ Mỹ cần TPP hơn Việt Nam”.

Nếu như Washington cảm thấy lo ngại về Trung Quốc, các quốc gia Đông Nam Á khác dường như là những đối tác hiển nhiên của Mỹ hơn là cựu thù Hà Nội. Philippines có liên minh quân sự với Mỹ. Thái Lan là bạn lâu đời. Indonesia có nền kinh tế lớn nhất khu vực. Không nước nào trong số họ tham gia TPP.

Nhưng một số nhà phân tích lập luận rằng những nước láng giềng này không có đủ ý chí chính trị để dỡ bỏ các rào cản bảo hộ mậu dịch. Trong khi đó, Việt Nam đã “liên tục tăng cường các bước cải tổ nền kinh tế”, theo lời bà Wendy Cutler, Phó chủ tịch Viện Chính sách Hội châu Á.

Bà thúc giục Việt Nam đầu tư hơn nữa vào đào tạo kỹ năng, nghiên cứu, hạ tầng và công nghệ để tăng mạnh năng suất và tăng thứ bậc trong chuỗi giá trị.

Việt Nam cũng có một đòi hỏi với Mỹ. Việt Nam muốn được công nhận có nền kinh tế thị trường, mà nhờ đó họ sẽ tránh được các vụ kiện bán phá giá. Một số người coi các mức giá trần và tỷ giá hối đoái cố định của Việt Nam là những biện pháp kiểm soát phi thị trường. Thế nhưng chính sách nới lỏng định lượng của Mỹ cũng bị ví như việc thao túng tiền tệ vì việc in tiền của chính phủ tác động đến tỷ giá hối đoái.

Trong khi đó, Việt Nam và Mỹ đang có tiến bộ trong những lĩnh vực khác. Chẳng hạn như Mỹ chi xấp xỉ 10 triệu đôla mỗi năm để rà phá bom mìn chưa nổ ở Việt Nam. Mỹ hỗ trợ cho người khuyết tật Việt Nam có thể liên quan đến chiến tranh ở 9 tỉnh, và ông Osius nói lần nào trở về Washington ông cũng đều ra sức vận động để Hoa Kỳ hỗ trợ thêm cho Việt Nam. - VOA
|
|

6.
Nhật muốn chia sẻ thông tin quốc phòng với VN, mở rộng hiện diện ở Biển Đông

Chính phủ Nhật Bản hy vọng tới cuối năm nay sẽ đúc kết thỏa thuận với Việt Nam và Philippines về chia sẻ và bảo mật thông tin quốc phòng.

Tờ Nikkei Asian Review ngày 15/1 cho hay các thỏa thuận này sẽ cho phép lực lượng võ trang Nhật chia sẻ thông tin về thiết bị quốc phòng và hoạt động của binh sĩ các nước.

Nhật nhắm mục tiêu tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước Đông Nam Á trước chính sách trỗi dậy bành trướng của Trung Quốc trong khu vực. Các thỏa thuận vừa kể với Hà Nội và Manila sẽ là những thỏa thuận về thông tin quốc phòng đầu tiên giữa Tokyo với ASEAN.

Thỏa thuận, một khi được ký kết, sẽ giúp Nhật có được những thông tin về hoạt động của lực lượng Trung Quốc trên Biển Đông, nơi mà cả Manila và Hà Nội đều có các tuyên bố chủ quyền chồng chéo. Thỏa thuận cũng yêu cầu mỗi bên kiểm soát chặt chẽ các thông tin được trao đổi với nhau.

Lực lượng hải quân và không quân của Việt Nam và Philippines đang cần được đầu tư để tăng cường nội lực.

Nhật đang xét tới việc cung cấp cho Philippines các máy bay huấn luyện cùng nhiều quân cụ khác giúp Manila tăng cường khả năng quốc phòng sau khi đã đồng ý viện trợ các tàu tuần tra cho Việt Nam củng cố công tác giám sát hàng hải.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật dự kiến công du Việt Nam và Philippines đầu năm nay để mở ra các cuộc thảo luận về chia sẻ thông tin quốc phòng.

Cùng với Mỹ, Tokyo trong năm 2016 sẽ tăng cường sự hiện diện trên Biển Đông với các máy bay do thám chống tàu ngầm quá cảnh dọc theo các hải lộ ở đây.

Nhật báo Yomuiri Shimbun hôm 15/1 dẫn nguồn tin chính phủ cho hay Lực lượng Tự vệ và Bộ Quốc phòng Nhật đã cho phép máy bay tuần tra P-3C đáp xuống căn cứ các nước giáp mặt với Biển Đông trên đường trở về từ các nhiệm vụ chống hải tặc ở Somali.

Báo điện tử Inquirer xác nhận đó là các căn cứ ở Việt Nam, Philippines và Malaysia.

Theo International Business Times, chính phủ Nhật loan báo nhiệm vụ ưu tiên của các chuyến bay này trên đường trở về sẽ là tuần tra khu vực xung quanh Việt Nam và Philippines, những điểm nóng tranh chấp trên Biển Đông.

Các chuyên gia cho rằng quyết định này giúp Nhật chứng tỏ quyết tâm củng cố sự hiện diện của họ ở Biển Đông và hậu thuẫn Mỹ trong chính sách xoay trục về Châu Á.

Phân tích gia Fu Qiaoshao thuộc Không lực Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc nói với thời báo Global Times rằng các máy bay do thám P-3C có thể cung cấp cho Mỹ những thông tin thu thập được ở Biển Đông, đồng thời khuyến cáo Bắc Kinh nên lưu ý việc này.

Giữa năm ngoái, Nhật tiến hành các cuộc diễn tập tìm kiếm cứu hộ chung lần đầu tiên với Philippines trước khi đạt thỏa thuận với Hà Nội vào tháng 11 về việc tổ chức các cuộc thao dượt đầu tiên của lực lượng Nhật trong vùng biển Việt Nam.

Ngoài ra, hai bên Việt - Nhật cũng đạt thỏa thuận để cho tàu của Lực lượng Tự vệ Nhật neo đậu ở Vịnh Cam Ranh, cảng nước sâu chiến lược của Việt Nam. - VOA
|
|

7.
Đại hội 12: Báo phương Tây 'vào cuộc'

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng nhiều khả năng sẽ không hiện diện trong ‘tứ trụ’ sau Đại hội Đảng 12, báo nước ngoài dự báo.

Hôm 14/1, tờ Wall Street Journal dẫn nguồn mà họ mô tả là thạo tin nhận định rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tại vị ít nhất là hai năm và điều này có nghĩa là ông Dũng bị gạt ra ngoài ghế lãnh đạo Đảng mà ông theo đuổi.

Thủ tướng Việt Nam, người được coi có ‘đầu óc cải cách’, dường như đã vận động nhiều nhân vật thân tín để được chọn vào vị trí tổng bí thư và sắp đặt dàn lãnh đạo mới theo ý ông nhưng những người đồng đảng đặt ông trong tình thế ‘phải ra đi’.

Tờ báo Mỹ cũng cho rằng ông Trọng sẽ phải cẩn trọng hơn khi xử lý những vấn đề quan trọng như cải cách kinh tế và đối phó với áp lực ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Báo Wall Street nói họ không liên lạc được với cả ông Dũng lẫn ông Trọng để có được bình luận của họ.

Thông tấn xã Việt Nam tường thuật “đã có sự đồng thuận tại Hội nghị 14 trước ngày khai mạc Đại hội 12 hôm 20/1”.

Tuy nhiên báo này mô tả vẫn có khả năng tại Đại hội 12 thay đổi đội hình ứng viên chóp bu “nhưng điều đó hiếm khi xảy ra”.

‘Nghĩ thoáng hơn’

Các chuyên gia về Việt Nam nhận định rằng “sẽ có ít biến động trong định hướng chính sách của đất nước với dàn lãnh đạo mới: ngoài ông Trọng tại vị là Nguyễn Xuân Phúc - thủ tướng mới, Trần Đại Quang - Chủ tịch nước nước. Các nhà phân tích nói rằng ông Phúc và ông Quang “được xem là cộng sự thân cận của ông Dũng”.

"Quỹ đạo hiện sẽ không thay đổi, nhưng tốc độ cải cách có thể sẽ chậm hơn và không bền vững", ông Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, được dẫn lời. "Ông Dũng được cho là người có tinh thần cải cách nhiều hơn những người còn lại trong Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông không bị bó buộc bởi ý thức hệ mà là một nhà lãnh đạo thực tiễn".

Ông được cho là người đưa Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Ông cũng cải thiện quan hệ quân sự và ngoại giao của Việt Nam với Hoa Kỳ nhằm đối phó với yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông.

Đảng Cộng sản đã khiển trách ông Dũng năm 2012 về cách điều hành nền kinh tế theo đó tăng trưởng bị giảm và lạm phát tăng vọt. Nhưng ông mau chóng lấy lại uy tín nhờ “bày tỏ lập trường mạnh mẽ hơn trước việc Trung Quốc xâm phạm lãnh hải năm 2014”.

Tuy nhiên, nhà quan sát Zachary Abuza ở Washington nhận định rằng ông Trọng, người bảo vệ tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã "tỏa sáng" trong những năm gần đây.

Ông Trọng ủng hộ Việt Nam gia nhập TPP và trả lời phỏng vấn của Wall Street Journal tháng 7/2015 bằng văn bản rằng ông hy vọng “chính sách ngoại giao và quân sự của Hoa Kỳ xoay trục về châu Á sẽ tiếp tục” và rằng “cựu thù của Việt Nam là một lực lượng giữ cho sự ổn định của khu vực”.

‘Cũng có sự nhầm lẫn’

Báo Asahi của Nhật có bài bàn về nhân sự chóp bu của Việt Nam với việc đề cập tới khả năng tại vị của ông Trọng.

Bài báo mô tả khả năng ra đi của ông Dũng có thể làm Nhật lo bởi điều mà báo này nói là ông Dũng "thân Nhật".

Các vị trí còn lại trong "tứ trụ" cũng được báo này nêu trong đó có tên của ông Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc và bà Nguyễn Thị Kim Ngân.

Hôm 15/1, báo Nhật Nikkei Asian Reviewtường thuật, dàn lãnh đạo mới của Việt Nam “đã bị tiết lộ trên Facebook”.

“Khi cuộc bầu cử lãnh đạo Việt Nam đến hồi gay cấn nhất, mạng xã hội đã hé lộ danh tính của bộ tứ mới.

Thông tin về nhân sự Đại hội 12 lan truyền trên mạng xã hội được coi là đáng tin cậy hơn báo chí do chính phủ kiểm soát. Nguồn tin từ mạng xã hội cho hay ông Trọng, sẽ tại vị thêm một nhiệm kỳ”, báo này viết.

Tuy vậy, việc rò rỉ thông tin nhân sự “cũng có sự nhầm lẫn”. Ban đầu, người ta truyền tai nhau rằng ông Dũng có thể “đảm nhiệm cùng lúc hai chức danh tổng bí thư và chủ tịch nước, một việc vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử Việt Nam.

Nếu điều đó xảy ra, ông cũng sẽ là “tổng bí thư ký người miền Nam đầu tiên”.

Nikkei Asian Review mô tả: “Nhiều nhà quan sát bỏ ngỏ khả năng Nguyễn Tấn Dũng dùng hết chiêu thức để thay đổi cách thức đề cử và trở thành tổng bí thư kiêm chủ tịch nước”.

“Các thông tin bị rò rỉ trên mạng truyền thông xã hội nhằm lèo lái dư luận là điều không thể không chú ý”, báo này viết.

‘Căng thẳng bất thường’

Trong khi đó tạp chí của Anh là The Economist hôm 15/1 cho hay, “Dường như những người Việt ở độ tuổi 20, 30 không còn sống trong ý thức hệ như các thế hệ trước. Họ hoan nghênh quan hệ gần gũi với Hoa Kỳ”.

“Trong bối cảnh nền kinh tế đang tăng trưởng ở mức gần 7% một năm, Đảng Cộng sản đang cố gắng để theo kịp. Các nhà lãnh đạo Việt Nam đang cố gắng tạo dựng hình ảnh hiện đại và minh bạch. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Vũ Nam, một người quản lý (manager) thuộc chuỗi các quán cà phê Cộng, “những người trẻ không quan tâm ai sẽ thành lãnh đạo mới của Đảng. Việc thay đổi nhân sự trong một tập thể lãnh đạo nói chung mang màu sắc ảm đạm dường như không mang nhiều ý nghĩa”.

Tạp chí của Anh cũng nhận định: “Tại Đại hội Đảng sắp diễn ra, hơn một nửa số 16 ủy viên Bộ Chính trị đến tuổi hưu sẽ được những người trẻ hơn thay thế. Tuy đã có những ứng viên chủ chốt nhưng cuộc thương lượng vị trí năm này được cho là ‘căng thẳng bất thường’.

Báo này cũng nhận xét ông Nguyễn Tấn Dũng là quan chức “sắc sảo và nhìn đỡ chán nhất” trong dàn lãnh đạo Việt Nam.

“Nếu ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Dũng có thể muốn tìm cách đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng từ Tập Cận Bình. Tuy nhiên, một động thái như vậy trong Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ được cho là bất thường. Chính trường Việt Nam đến nay không có chỗ cho nhà lãnh đạo có cá tính mà chỉ dựa trên sự đồng thuận tập thể”, Economist viết.

Những người ủng hộ ông Dũng cho rằng thách thức hiện tại của Việt Nam là cần dàn lãnh đạo mới “mạnh mẽ và nhất quán” để cải tổ kinh tế.

“Việt Nam không thể hành xử khiến cho quan hệ với Trung Quốc xấu đi, nhưng đồng thời các nhà lãnh đạo phải thể hiện được lập trường bảo vệ lãnh thổ Việt Nam”.

Hầu hết giới trí thức muốn thấy ông Dũng ở lại trong ‘bộ tứ’ vì thời gian qua ông đã có tiếng nói mạnh mẽ chống lại việc Trung Quốc hù dọa.

“Ông Dũng từng được dự báo ‘chắc thắng’ trong cuộc chơi này. Tuy nhiên, một phe phái không thực sự đoàn kết lắm chống lại ông có thể loại hẳn ông ra khỏi dàn lãnh đạo.

Bài báo mô tả việc dọn quan lộ cho con cái mình làm hoen ố hình ảnh của ông Dũng cũng giống như hình ảnh các đồng chí khác trong Đảng.

Con cả của ông được thăng tiến nhanh một cách bất thường, trong khi con rể bóng bẩy người Mỹ gốc Việt sở hữu McDonald tại Việt Nam.

Đã xảy ra bê bối tại những tập đoàn nhà nước mà ông Dũng bảo trợ. Trong khi đó giới bảo vệ nhân quyền không cho rằng ông có xu hướng gì khác với các nhà lãnh đạo khác trong nỗ lực tăng cường kiểm soát báo chí hoặc ngưng việc côn đồ mạnh tay với các nhà bất đồng chính kiến.

Bài của The Economist nói “Một số quan chức lo ngại rằng việc Việt Nam đang xích lại gần với Hoa Kỳ sẽ chỉ khiến Trung Quốc đối đầu căng thẳng hơn. Một số người thậm chí còn lo rằng bản năng tự do hóa của ông Dũng có thể đe dọa sự tồn vong của Đảng”, mặc dù đó cũng chỉ là sự phỏng đoán. - BBC
|
|

8.
Tù nhân chính trị Hồ Thị Bích Khương ra tù và bị đưa về địa phương

Nữ tù nhân chính trị Hồ Thị Bích Khương hôm nay ra khỏi nhà tù và bị đưa về địa phương ở Nam Đàn, Nghệ An.

Vào lúc 5 giờ chiều, Đài Á Châu Tự Do liên lạc với Bà Hồ Thị Lan, chị ruột của nữ tù nhân Hồ Thị Bích Khương, và được cho biết như sau:

“Chiều hôm qua công an xã vào nhà hỏi tôi có biết ngày mai bà Khương được đưa về không, tôi nói có biết và họ về.

Sáng nay họ gọi tôi lên xã và nói bàn giao Khương cho tôi. Tôi nói là chị em ruột thịt tôi sẵn sàng giúp, nhưng chuyện bàn giao tôi không nhận vì xã lấy hết nhà đất của Khương thì phải giúp Khương ổn định cuộc sống. Còn về ở nhà tôi nhỡ có chuyện gì xảy ra tôi làm sao. Chiều nay chúng tôi vào đưa nước, mì tôm thì họ khóa cổng không cho vào. Nhiều người dân đến chào Khương cũng phải ở ngoài không được vào.”

Bà Hồ Thị Lan còn cho biết nơi xã giữ nữ tù nhân Hồ Thị Bích Khương là Nhà Văn hóa xã.

Xin được nhắc lại, Bà Hồ Thị Bích Khương, sinh năm 1967, phải chịu tù ba lần do hoạt động khiếu kiện và đấu tranh vì quyền con người.

Năm 2005, khi lên Hà Nội khiếu kiện Bà bị bắt và tòa án quận Ba Đình kết án bà 6 tháng tù giam với tội danh ‘gây rối trật tự công cộng’. Đến tháng tư năm 2008, Bà lại bị tòa án huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An tuyên án 2 năm với tội danh ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, công dân’ theo điều 258. Tháng 12 năm 2011, Bà cùng bị đưa ra tòa với mục sư Nguyễn Trung Tôn, và bản thân Bà bị tuyên án 5 năm tù giam và 3 năm quản chế với tội danh 'tuyên truyền chống Nhà nước' theo điều 88 Bộ Luật Hình sự VN. Bà kháng án, nhưng phiên phúc thẩm vào tháng 5 năm 2012 giữ nguyên bản án.

Bà Hồ Thị Bích Khương từng bị giam ở Trại 5 Yên Định, Thanh Hóa, và sau đó bị chuyển ra Trại giam Thanh Xuân, Hà Nội.

Năm 2011, Bà Hồ Thị Bích Khương được tổ chức nhân quyền Human Rights Watch trao giải Hellman Hammett. Bà cũng được Mạng lưới Nhân quyền tại Hoa Kỳ trao giải năm 2015 cùng với nữ tù nhân Bùi Thị Minh Hằng và Hòa thượng Thích Không Tánh. - RFA
|
|

9.
Sẽ có bất ngờ phút chót ở Đại hội 12?

Hội nghị trung ương 14 Đảng cộng sản Việt Nam vừa kết thúc trước đại hội đảng chỉ một tuần với một loạt các quyết định cần phải được đưa ra, trong đó có những quyết định liên quan đến nhân sự quan trọng, trong bối cảnh có những căng thẳng ngay trong nội bộ đảng. Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam, thuộc trường đại học New South Wales, Australia, nhận định sức ép về thời gian chính là sức ép về thỏa hiệp trong việc lựa chọn nhân sự của đại hội lần này. Ông cũng nhận định, rất có thể sẽ có những kết quả ngạc nhiên ở cuối kỳ đại hội đối với nhiều người. Việt Hà của đài chúng tôi có cuộc phỏng vấn với Giáo sư Carl Thayer về vấn đề này.

Căng thẳng trong nội bộ đảng có tiếp tục?

Trước hết nói về những thông tin liên quan đến việc lựa chọn nhân sự cho 4 vị trí đứng đầu của Đảng Cộng sản nhiệm kỳ tới, giáo sư Carl Thayer cho biết:

GS Carl Thayer: Thông tin duy nhất mà tôi nghe được là bộ chính trị đã đề nghị lên Ban chấp hành trung ương hội nghị 14 cho phép gia hạn thêm 1 năm tại chức đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và trong lúc đó thì họ sẽ tìm người thay thế. Điều này cũng tương tự như hồi năm 1996 khi tổng bí thư Đỗ Mười được yêu cầu ở lại thêm nửa nhiệm kỳ và sau đó khoảng hơn một năm thì ông Lê Khả Phiêu lên thay. Cho nên điều này đã có tiền lệ. Nhưng Bộ Chính trị đa phần không ủng hộ Nguyễn Tấn Dũng. Họ đã muốn kỷ luật ông Dũng trước kia nhưng Ban chấp hành trung ương đã cứu ông ta cho nên cho đến giờ vẫn chưa rõ là liệu ông Dũng có còn duy trì được sự ủng hộ từ Ban chấp hành trung ương hay không. Về danh sách các ứng cử viên thì Việt Nam giữ bí mật rất kỹ nhưng các trang blog, trang mạng thì có rất nhiều bình luận, và đồn đoán nhưng tôi chưa nghe được gì cụ thể ngoài một số tên như ông Tô Lâm, thứ trưởng bộ công an hiện tại có nhiều khả năng sẽ là bộ trưởng bộ này, và ông Trần Đại Quang là Bộ trưởng bây giờ sẽ có chức cao hơn trong đảng cộng sản.

Việt Hà: Nếu đúng là ông Trọng ở lại thêm 1 năm nữa thì theo ông nguyên nhân vì sao đảng cộng sản Việt Nam lại có sự lựa chọn này?

GS Carl Thayer: Điều này chắc là do những bế tắc. Từ lâu đã có những đồn đoán là ông Nguyễn Tấn Dũng đang tìm kiếm cơ hội trở thành tổng bí thư và điều này là chưa có tiền lệ. Ông ta sẽ phải về hưu cùng với một số ủy viên Bộ chính trị khác là những người đã quá 65 và đã phục vụ hai nhiệm kỳ. chưa từng bao giờ trong lịch sử của các đại hội đảng cộng sản Việt Nam khi mà một quan chức cấp cao như thế rời khỏi chức vụ và lấy một chức vụ cao khác trong 4 vị trí cao nhất của đảng. Đã có một liên minh được hình thành xung quanh Tổng Bí thư và Chủ tịch nước để chặn ông Dũng… Có nhưng thông tin nói về gia đình ông, về tham nhũng… nói chung là rất nhiều những điều phức tạp để nhắm vào ông nhằm tìm ra những điểm yếu của ông.

Việt Hà: Ông cũng đã nói đến gần đây về sự thay đổi trong bầu chọn nhân sự mới của Đảng mà theo đó các ứng cử viên không được bầu bởi ban chấp hành trung ương ở hội nghị mà phải do ban chấp hành trung ương khóa cũ đề cử. Theo ông tại sao lại có sự thay đổi này?

GS Carl Thayer: Thay đổi này đến từ chỉ thị 244 của bộ chính trị quy định rằng một người không thể là ứng cử viên của ban chấp hành trung ương trừ khi người đó đã được ban chấp hành trung ương cũ chấp nhận là ứng cử viên.

Theo tôi được nghe thì vấn đề này đáng ra đã phải được tranh luận rất gay gắt tại hội nghị 14. Ở đại hội đảng trước, trước khi chỉ thị này được đưa ra, các đại biểu có quyền đề nghị ứng cử viên và họ đã làm vậy và có một số người đã được đề bạt bao gồm cả con trai thủ tướng. Cho nên hệ thống của những người cũ vẫn muốn kiểm soát sự chuyển giao. Trong hai đại hội đảng trước, các đại biểu đề nghị họ được quyền có tiếng nói, sử dụng cái gọi là tập trung dân chủ để nói rằng chúng tôi được bầu chọn dân chủ và chúng tôi có quyền, chúng tôi không muốn chỉ có một lựa chọn cho chức Tổng Bí Thư. Họ không được lựa chọn nhưng họ được quyền bầu không chính thức. Sau đó thì 1.400 đại biểu đã bỏ phiếu bầu cho những ứng cử viên làm tổng bí thư và bỏ phiếu cho ban chấp hành trung ương mới và ban chấp hành trung ương mới được cung cấp một danh sách và họ bỏ phiếu bầu chọn Bộ chính trị. Sau đó họ chọn một người làm Tổng Bí Thư. Cuối cùng thì Nông Đức Mạnh đã được chọn. Cho nên một ứng cử viên duy nhất đã được chọn. Vào lúc này thì vẫn chưa rõ là liệu tinh thần dân chủ như trước kia sẽ xuất hiện ở đại hội này hay không. Như là một phản ứng đối lại với việc kiểm soát chặt chẽ thì theo tôi Nguyễn Tấn Dũng trong một bối cảnh mở và minh bạch sẽ có nhiều khả năng trở thành tổng bí thư mới. Đó là một dự báo lớn từ tôi nhưng Việt Nam không mở như vậy, ngoài ra thì hệ thống chính trị của Việt Nam cũng không phải là một hệ thống mà người thắng cuộc được tất cả. Cho nên nếu Nguyễn Tấn Dũng được bầu làm Tổng Bí Thư thì ông ta sẽ chọn một người của mình làm Thủ tướng. Người khác sẽ nói nếu như vậy thì ông ta quá mạnh nhưng cuối cùng thì phía bên kia thuộc bên Tổng bí thư cũng sẽ nhận được một vị trí cho nên là sẽ cân bằng. Và cuối cùng thì căng thẳng trong nội bộ đảng vẫn sẽ tiếp tục.

Sức ép về thời gian chính là sức ép về nhượng bộ

Việt Hà: Nếu ông Nguyễn Tấn Dũng được chọn như ông nói và ông ta chọn một người của mình vào chức Thủ tướng thì theo ông ai là gương mặt sáng giá cho vị trí này?

GS Carl Thayer: Tôi nói điều khác hẳn với nhiều người khác nghĩ. Tôi nghĩ là nếu mà ông ta được chọn làm Tổng Bí Thư và ông ta được làm theo cách của mình thì sẽ có rất nhiều những mặc cả dữ dội và trao đổi giữa hai phía. Sẽ rất có thể người được chọn không phải là người mà ông ta muốn. Chúng ta nghe những cái tên như Nguyễn Xuân Phúc rồi Nguyễn Thiện Nhân. Một khi họ đã quyết định được người nào làm Tổng Bí Thư rồi thì họ sẽ tính đến những vị trí khác để đạt được sự cân bằng. Trong trường hợp họ gia hạn thời gian tại chức cho ông Tổng Bí thư thì đây sẽ là một bước đi sai lầm cho Việt Nam vì Việt Nam cần phải hội nhập với quốc tế. Cộng đồng quốc tế muốn có một sự đảm bảo về hướng đi sắp tới của Việt Nam… Về phần Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi ở chức lãnh đạo của mình ông đã đề bạt những quan chức trẻ tuổi hơn và được đào tạo ở phương Tây, những người đã được thử thách ở địa phương. Văn phòng của Thủ tướng trở nên có quyền lực hơn, các bộ cũng có thêm quyền lực hơn so với trước kia.

Việt Hà: Nếu đúng là ông Trọng ở lại thì Việt Nam sẽ có thay đổi gì và thách thức gì?

GS Carl Thayer: Trong trường hợp như vậy thì sẽ là một sự tiếp tục của bế tắc… bộ chính trị của Việt Nam có 16 người trong đó 7 người sẽ ở lại, 2 người còn quá trẻ tức còn quá mới, ít nhất 5 người cho 4 vị trí cao nhất, và đó là điểm sai trong hệ thống của Việt Nam vì nó giống như là một người ở vị trí được đề bạt vào chức mà anh ta không thể đảm đương nổi nên khi chọn những người vào vị trí quan trọng như Thủ tướng hay Chủ tịch Quốc hội thì sẽ là một trong những người trẻ như Nguyễn Thị Kim Ngân chẳng hạn. Bằng việc đợi thêm một năm nữa, họ sẽ phải tìm một người cho vị trí Tổng Bí Thư, phải chọn người từ danh sách các ủy viên Bộ chính trị mới nhưng họ phải trì hoãn thì liệu Việt Nam có muốn hòa nhập, liệu họ có thể chấp nhận ngoại lệ cho một người có thể mang vào văn phòng của Tổng Bí Thư những khả năng mới. Có thể là trừ trường hợp Đỗ Mười, chưa có một ai trong vị trí Tổng Bí Thư bao gồm cả Tổng Bí Thư hiện tại có kiến thức về kinh tế thế giới. Nguyễn Phú Trọng cũng đã làm một điều trong di sản của mình là ông đã đến phòng bầu dục, người tiền nhiệm của ông đến Australia, ông đến thăm Nhật Bản, châu Âu. Nhưng điều tôi muốn nói là các nước dân chủ khác không có hệ thống 1 đảng tương ứng đã bắt đầu chấp nhận vai trò của Tổng bí thư đảng cộng sản ở Việt Nam. Điều này không nên để bị bỏ phí phạm. Tổng Bí Thư không thể là một người chỉ nói với những trang giấy viết sẵn cho mình mà phải là người có thể hành động độc lập, thực hành quyền lực của mình như là một lãnh đạo thực sự thay vì chỉ phản ánh những lợi ích nội địa. Cho nên đối với Việt Nam, (nếu Trọng được ở lại thêm 1 năm) thì đó sẽ là một năm mất đi, một sự đình trệ trong khi họ cố tìm người mới cho chức Tổng Bí Thư.

Việt Hà: Ngoài hai gương mặt Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng, ông còn thấy những gương mặt sáng giá nào khác cho chức Tổng Bí Thư?

GS Carl Thayer: Trước đó đã có các gương mặt như Phạm Quang Nghị nhưng ông ta cũng không làm được gì, rồi Trần Đại Quang có nhiều khả năng trong rada quan sát của tôi nhưng theo tôi ông ta đại diện quá mức cho phía bảo thủ, nắm quyền kiểm soát an ninh, và điều này làm cho các lãnh đạo khác lo lắng. Cho nên câu trả lời của tôi là tôi không thực sự thấy ai cả. Nhưng mà chúng ta cũng không thể biết được. Ngay trong đảng thôi đã có ai trước đó nghĩ rằng ông Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu trường học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh sẽ là một Tổng Bí Thư.

Việt Hà: Theo ông thì liệu chúng ta có nên trông đợi một sự bất ngờ vào cuối đại hội lần này không?

GS Carl Thayer: Theo tôi trong nội bộ đảng cũng có đủ sự đa đảng để tôi có thể nói là có thể sẽ có sự ngạc nhiên vào cuối đại hội. Chúng ta không thể biết được với những gì đang diễn ra, chúng ta có đại hội sắp diễn ra rồi lại đến Tết cho nên họ hoặc là phải có kết quả bây giờ hoặc phải đẩy lùi lại đến tháng 3. Cho nên sức ép về thời gian chính là sức ép về nhượng bộ. Họ có bế tắc nhưng họ phải lựa chọn khi thời hạn đến… cho nên sẽ có ngạc nhiên hay không? Theo tôi có thể có.

Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn. - RFA

No comments:

Post a Comment