Wednesday, November 18, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Tư 18/11

Tin Thế Giới

1.
TT Obama: Cần 'những bước táo bạo' để giảm căng thẳng Biển Đông

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cho rằng cần có “những bước táo bạo” để giảm thiểu những mối căng thẳng ở Biển Đông, nơi Trung Quốc và 5 nước khác, trong đó có Việt Nam và Philippines, có những yêu sách chủ quyền chồng lấn nhau. Thông tín viên Simone Orendain của đài VOA tường thuật từ địa điểm hội nghị thượng đỉnh APEC ở Manila.

Sau cuộc họp song phương với Tổng thống Philippines Benigno Aquino bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC ở Manila, Tổng thống Obama hôm nay đề cập tới những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đã gây ra những mối lo ngại trong khu vực và ở Washington.

"Chúng tôi đã thảo luận về ảnh hưởng của những hoạt động lấp biển lấy đất và những hoạt động xây dựng của Trung Quốc đối với sự ổn định của khu vực. Chúng tôi đồng ý với nhau là cần có những bước táo bạo để giảm thiểu căng thẳng, trong đó có cam kết ngưng cải tạo đất, không xây dựng thêm, và không quân sự hoá những khu vực có tranh chấp ở Biển Đông."

Những hoạt động lấp biển lấy đất mà Trung Quốc thực hiện trong gần 2 năm qua tại 7 bãi cạn và bãi đá trong vùng biển này đã tạo ra những hòn đảo nhân tạo, làm cho các nước láng giềng cảm thấy lo lắng. Trong số 7 hòn đảo nhân tạo đó có ít nhất hai hòn đảo có sân bay và hải cảng mà máy bay và tàu bè quân sự có thể sử dụng.

Các giới chức Philippines đã bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc không cho biết rõ ý đồ của họ là gì.

Trung Quốc lâu nay vẫn cho rằng họ có “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với hầu như toàn bộ Biển Đông và bác bỏ sự can dự của những nước bên ngoài khu vực vào vụ tranh chấp này. Philippines đã kiện Trung Quốc ra toà trọng tài để chống lại yêu sách của Bắc Kinh, nhưng Trung Quốc bác bỏ vụ kiện và không tham gia.

Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam cũng có những yêu sách chủ quyền ở vùng biển chiến lược này.

Tổng thống Obama, một lần nữa, khẳng định sự trung lập của Mỹ đối với vụ tranh chấp, nhưng ông cũng tuyên bố Hoa Kỳ có cam kết vô cùng vững chắc đối với Philippines.

Hoa Kỳ là đồng minh có hiệp ước duy nhất của Philippines, và năm ngoái hai nước đã ký kết một hiệp định để cho phép có thêm binh sĩ Mỹ luân phiên trú đóng ở Philippines và các khí tài quân sự Mỹ được bố trí sẵn tại các địa điểm chiến lược trên khắp nước. Tuy nhiên, một số tổ chức ở Philippines đã nêu lên nghi vấn về tính chất hợp hiến của hiệp định này và vụ việc đang bị bế tắc tại Tối cao Pháp viện.

Mặc dầu vậy, Tổng thống Aquino đã đề cập tới những lợi ích mà thoả thuận này mang lại. Ông nói quân đội Philippines sẽ tiếp cận được với “những kỹ thuật hiện đại” để tăng cường khả năng của mình. Ông cũng tái khẳng định sự hậu thuẫn đối với chiến dịch tự do hàng hải mà quân đội Mỹ thực hiện ở Biển Đông.

"Hoa Kỳ có thể sử dụng các căn cứ của chúng tôi để phát huy sức mạnh trong khu vực nhằm góp phần duy trì ổn định, bảo vệ trật tự và giải toả những mối căng thẳng trong khu vực."

Hôm qua, Việt Nam và Philippines chính thức nâng quan hệ song phương thành quan hệ đối tác chiến lược sau khi đôi bên ký kết một thông cáo chung để cam kết tăng cường sự hợp tác hải dương.

Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng, hôm nay tuyên bố Hà Nội muốn có những quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh nhưng cương quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông. - VOA
|
|

2.
Thượng đỉnh APEC: Mỹ cổ võ công nghệ sạch, Nga rao bán dầu giá rẻ

Tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở Manila hôm nay, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hô hào cho việc sử dụng công nghệ năng lượng sạch để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong lúc Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đề nghị bán dầu lửa và khí đốt giá rẻ. Thông tín viên Brian Padden của đài VOA tường thuật từ thủ đô Manila.

Tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo APEC, Tổng thống Obama đã kêu gọi các chính phủ trong khu vực ủng hộ một hiệp định toàn cầu tại hội nghị cấp cao về biến đổi khí hậu sắp diễn ra ở Paris để giảm bớt sự lệ thuộc đối với các loại nhiên liệu gốc carbon, là loại nhiên liệu góp phần gây ra nạn biến đổi khí hậu.

"Nếu chúng ta có thể hoàn tất một hiệp ước, nó có thể tạo ra những công ăn việc làm mới, những cơ hội và những hoạt động đầu tư trong một nền  kinh tế toàn cầu mà thật ra đang cần có một sự thúc đẩy vào lúc này.

Nhà lãnh đạo Mỹ nêu ra rằng biến đổi khí hậu đang đe dọa tới các nền kinh tế của 21 thành viên APEC, chiếm 60% sản lượng toàn cầu và gần phân nửa lượng mậu dịch thế giới."

Những hòn đảo ở Thái Bình Dương đang lâm vào tình trạng dễ bị tổn thương bởi lụt lội và mất đi đất đai vì mực nước biển lên cao, và Philippines, nước tổ chức hội nghị APEC lần này, đã tổn thất hàng ngàn sinh mạng và chi tiêu nhiều tỉ đô la để phục hồi sau khi xảy ra trận bão Haiyan cách nay hai năm.

"Chúng ta biết rằng không có sự kiện thời tiết đơn độc nào là chỉ do biến đổi khí hậu mà có. Nhưng những mô hình và khoa học không nói dối, nhiệt độ và mực nước biển đang lên cao, những khối băng đang tan, và những cơn bão trở nên mạnh hơn."

Tại Hoa Kỳ, sự ủng hộ của Tổng thống Obama cho việc phát triển công nghệ sạch nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã gặp phải sự chống đối của phe Cộng hoà. Họ cho rằng những qui định nghiêm nhặt mà chính phủ của ông Obama áp dụng để ứng phó với biến đổi khí hậu làm gia tăng giá thành sản xuất và khiến cho sức cạnh tranh của các công ty Mỹ bị yếu đi.

Trong lúc ông Obama hô hào cho việc gia tăng đầu tư vào năng lượng sạch, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev công khai đề nghị bán thêm dầu lửa và khí đốt cho các nước Á châu Thái Bình Dương.

"Nga có những tài nguyên rất lớn và gần gũi về mặt địa dư. Đó là lý do tài sản chúng tôi có thể mang lại những chuyến giao hàng ổn định trong dài hạn và giá cả có tính cạnh tranh cao."

Vị thủ tướng của Nga cho rằng các nước APEC có thể giành lấy lợi thế của giá dầu thế giới đang ở mức thấp - vì kinh tế thế giới bị trì trệ và giá trị đồng rúp hạ thấp, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách giảm ngay giá thành sản xuất.

Ông Medvedev cũng nói rằng tỉ giá thấp của đồng rúp làm cho giá ngũ cốc xuất khẩu của Nga rẻ hơn. Ông dự đoán lượng ngũ cốc xuất khẩu của Nga sẽ tăng tới mức từ 35 đến 40 triệu tấn vào năm 2020.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề cập tới những nỗ lực của nước ông nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu trong bài phát biểu tại hội nghị APEC.

Nhưng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ông Tập hô hào cho việc tăng cường cải cách cơ cấu và xây dựng những mối quan hệ kinh tế khu vực gần gũi hơn, bao gồm việc phát triển Khu vực Thương mại Tự do Á châu Thái Bình Dương (FTAAP), một hiệp ước mậu dịch tự do đa phương mà nhiều người xem là một kế hoạch của Trung Quốc để đối đầu với Hiệp định Hợp tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Hoa Kỳ lãnh đạo. - VOA
|
|

3.
2 người chết trong cuộc đột kích nhắm vào kẻ chủ mưu vụ tấn công Paris

Tổng thống Pháp Francois Hollande hôm nay nói rằng nước ông đang ở trong tình trạng chiến tranh với bọn khủng bố thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo và ông muốn thành lập một liên minh rộng lớn để chống lại những phần tử hiếu chiến. Ông Hollande cho biết như vậy không bao lâu sau khi một vụ đột kích của cảnh sát kéo dài 7 tiếng đồng hồ ở Paris chấm dứt với 2 người chết, 7 người bị bắt và chưa rõ số phận của người bị nghi là kẻ chủ mưu vụ tấn công hôm thứ sáu ở thủ đô nước Pháp. Thông tín viên Lisa Bryant của đài VOA tường thuật từ Paris.

Một nữ phát ngôn viên chính phủ loan báo vào trưa hôm nay rằng vụ đột kích vào một căn chung cư ở Saint-Denis đã chấm dứt. Giới hữu trách cho biết họ đang truy lùng Abdelhamid Abaaoud, một người Bỉ gốc Ma rốc, nhưng chưa xác nhận ngay là nghi can này có mặt ở đó hay không.

Một thông cáo của văn phòng công tố viên cho biết trong số hai người chết có một phụ nữ nổ bom tự sát. 3 cảnh sát viên bị thương và một chú chó nghiệp vụ bị chết trong vụ đột kích.

Giới hữu trách cũng đang tìm kiếm những nghi can khác dính líu tới vụ tấn công hôm 13 tháng 11, giết chết 129 người và gây thương tích cho hơn 300 người.

Ba giới chức cảnh sát không muốn nêu danh tánh cho biết hồi tối thứ ba rằng một cuộc phân tích về những vụ tấn công hôm thứ sáu cho thấy một người trực tiếp dính líu tới vụ này vẫn chưa được kiểm kê. Họ nói rằng kẻ tại đào đó chưa được nhận diện. Giới hữu trách Pháp và Bỉ đã ra trát bắt một người khác – đó là Salah Abdeslam, một người sinh ra ở Bỉ và có người anh em nằm trong số những kẻ tấn công.

7 kẻ tấn công đã thiệt mạng trong vụ tấn công đêm thứ sáu: 3 người xung quanh sân vận động quốc gia, 3 người bên trong hí viện Bataclan, và một người tại một quán ăn gần đó.

Các giới chức cho biết một nhóm người vũ trang cũng đã nổ súng vào nhiều địa điểm tại một trong những khu sang trọng nhất ở Paris.

Các vụ bắt giữ

Cảnh sát Paris hôm thứ ba cho biết 16 người đã bị bắt và bị câu lưu trong khu vực kể từ chủ nhật và cảnh sát đã tịch thu 6 khẩu súng kể từ khi tình trạng khẩn cấp được tuyên bố hôm thứ bảy.

Một người anh em thứ ba của Abdeslam, tên là Mohammed, đã bị câu lưu trong một thời gian ngắn hồi cuối tuần.

Trong cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình Pháp hôm qua, Mohammed Abdeslam nói “Chúng tôi là người trong một nhà, chúng tôi nghĩ tới nó, chúng tôi không biết nó đang ở đâu, nó có sợ hãi hay không, nó có ăn hay khôn …Kết quả tốt nhất là nó ra nộp mình ngõ hầu tiến trình tư pháp có thể làm rõ sự việc.”

Giới hữu trách tin rằng khoảng 20 người dính líu tới việc lập kế hoạch và thực hiện vụ khủng bố ở Paris.

Cũng trong ngày hôm qua, các nhà điều tra nhận ra giọng nói trong một tuyên bố của Nhà nước Hồi giáo nhận trách nhiệm đối với vụ tấn công ở Paris là giọng nói của Fabien Clain, 36 tuổi, một công dân Pháp ở Toulouse gia nhập hàng ngũ thánh chiến Hồi giáo. Clain bị nghi là kẻ chủ mưu vụ tấn công bất thành nhắm vào một nhà thờ ở ngoại ô Paris hồi đầu năm nay.

Những nỗ lực chung

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry hôm thứ ba nói rằng những phần tử hiếu chiến của nhóm Nhà nước Hồi giáo “sẽ cảm thấy những áp lực lớn hơn nữa” trong những tuần lễ tới đây trong lúc Hoa Kỳ, Pháp và các nước đồng minh tăng cường những nỗ lực chống lại bọn chúng.

Ông Kerry tuyên bố như vậy tại Paris sau khi hội kiến Tổng thống Pháp Francois Hollande. Nhà lãnh đạo Pháp sẽ gặp Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama vào thứ ba tuần sau tại Washington để bàn về việc tăng cường chiến dịch chống Nhà nước Hồi giáo.

Tòa Bạch Ốc cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về những nỗ lực của Mỹ để giúp đỡ trong cuộc điều tra về vụ khủng bố ở Paris và gia tăng sự hợp tác trong liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu chống lại Nhà nước Hồi giáo.

Các giới chức Mỹ nói “Chuyến viếng thăm này sẽ nêu bật tình hữu nghị và sự liên đới giữa Hoa Kỳ và Pháp, đồng minh lâu đời nhất của chúng tôi.”

Tại cuộc họp báo ở Paris hôm qua, Ngoại trưởng Kerry nói “Chúng tôi tuyệt đối có quyết tâm tăng cường những nỗ lực của mình trong mọi mức độ có thể có và một cách chín chắn, một cách thận trọng. Cảm tưởng của tôi là mọi người ai nấy đều hiểu rằng với những vụ tấn công ở Li Băng, với những gì đã xảy ra ở Ai Cập, ở thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ, với những vụ tấn công lúc này ở Paris, chúng ta phải tăng mạnh những nỗ lực của mình để đánh thẳng vào cốt lõi của bọn chúng, nơi bọn chúng lập kế hoạch cho những việc này, và cũng có một đều rất rõ ràng là chúng ta phải làm nhiều hơn nữa về vấn đề biên giới và sự di chuyển của người dân.”

Cũng trong ngày hôm qua, chiến đấu cơ Pháp tiếp tục đánh phá những mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo tại Raqqa, thủ đô trên thực tế của nhóm hiếu chiến này ở Syria. Những vụ không kích đánh trúng một trung tâm chỉ huy và một địa điểm tuyển mộ chiến binh.

Những chuyến bay bị chuyển hướng

Hãng máy bay Air France xác nhận hai chuyến bay của họ từ Mỹ tới Paris đã phải chuyển hướng và hạ cánh an toàn ngày hôm qua sau khi nhận được những lời đe dọa từ những nguồn nặc danh.

Air France không cho biết chi tiết của lời đe dọa mà họ nhận được sau khi hai chiếc phi cơ đó cất cánh, nhưng nói rằng họ quyết định cho phi cơ đáp xuống “như một biện pháp phòng hờ và để tiến hành mọi thủ tục kiểm tra an ninh.”

Một chuyến bay từ Los Angles đã đáp xuống Salt Lake City ở tiểu bang Utah, và Cục Điều Tra Liên bang Mỹ cho biết họ không tìm thấy sự đe dọa khả tín nào. Một chuyến bay cất cánh từ Washington đã chuyển hướng và đáp xuống thành phố Halifax ở Canada. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

4.
Thủ tướng chưa trả lời 'trúng vấn đề' --- Bộ trưởng VN muốn 'giảm stress' cho ĐBQH

Trong khi các câu hỏi về quan hệ Việt - Trung của các Đại biểu Quốc hội Việt Nam chất vấn Chính phủ rất đúng ý dân, thì câu trả lời của Thủ tướng Việt Nam trước Quốc hội lại chưa 'trúng vấn đề' và 'không mới', theo ý kiến của nhà bình luận từ Hà Nội.

Trao đổi với BBC hôm 18/11/2015, nhà báo tự do Trần Tiến Đức nói:

"Trước hết tôi thấy rằng ba vị Đại biểu Quốc hội đã nêu lên những vấn đề rất trúng với ý niệm của người dân Việt Nam.

"Đó là vấn đề bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của đất nước Việt Nam và để không bị lệ thuộc vào Trung Quốc..."

Chưa trúng, không mới

Ông Trần Tiến Đức nói thêm:

"Còn về mấy ý kiến của ông Thủ tướng trả lời thì tôi thấy là chưa trả lời trúng vấn đề.

"Bởi vì ví dụ như vấn đề có tiếp tục vay Trung Quốc nữa hay không, vấn đề vay của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng như thế nào đến vấn đề chúng ta (Việt Nam) ứng xử tiếp theo, thì ông ấy không nói.

"Hay vấn đề là Trung Quốc tiếp tục xây dựng trái phép ở trên những đảo thuộc Việt Nam và chúng ta hành xử như thế nào, hay vấn đề bảo vệ ngư dân, thì cũng không thấy nói, những vấn đề và ý kiến chung chung mang tính chất đạo lý và tôi thấy không có gì mới.

"Điều đó làm chúng tôi rất là thất vọng," nhà báo Trần Tiến Đức, người cũng là cựu Vụ trưởng Truyền thông và Giáo dục của Ủy ban Dân số thuộc Chính phủ Việt Nam nói với BBC. - BBC

***
Bộ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch Việt Nam Hoàng Tuấn Anh nói phát biểu của ông tại Quốc hội nhằm “giảm stress” cho các đại biểu.

Hôm 17/11, ông Hoàng Tuấn Anh đã nhiều lần khiến nghị trường cười “nghiêng ngả”, theo tường thuật của nhiều tờ báo trong nước

Một đại biểu hỏi ông về trách nhiệm của bộ trưởng vì du lịch Việt Nam chưa thực phát triển.

Ông Tuấn Anh nói: “Phiên chất vấn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có hỏi bao giờ du lịch Việt Nam bằng Thái Lan, Malaysia, Singapo, tôi bỏ ngỏ cho nhiệm kỳ tiếp theo trả lời việc này, tôi không dám trả lời.”

Theo truyền thông Việt Nam, hội trường đã cười ồ khi nghe ông nói.

Kết thúc phần trả lời, ông bộ trưởng nói: “Trách nhiệm của chúng tôi sẽ truyền đạt lại cho Bộ trưởng kế tiếp. Thời gian không còn nữa thì làm sao.”

Hôm 18/11, trang Infonet, trang tin chính thức của Bộ Thông tin-Truyền thông Việt Nam, dẫn lời bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh giải thích.

“Tôi trả lời chất vấn như vậy là để giảm stress cho các đại biểu Quốc hội,” ông nói. - BBC
|
|

5.
Chính sự Campuchia vẫn như cũ, ông Rainsy tiếp tục ở nước ngoài

Lãnh tụ đối lập Campuchia, ông Sam Rainsy, tố cáo đảng cầm quyền là tiến hành một cuộc đảo chánh hiến pháp sau khi một tòa án địa phương ra trát bắt ông và một ủy ban quốc hội truất quyền đại biểu của ông. Trong một tin nhắn trên Facebook, nhà chính trị này nói đảng cầm quyền đang có những biện pháp tìm cách loại trừ đảng đối lập chính trong nước. Từ Phnom Penh, Thông tín viên VOA Robert Carmichael gởi về bài tường thuật.

Lãnh tụ đối lập Sam Rainsy ban đầu dự định trở về Campuchia hồi khuya thứ Hai sau khi đi thăm Nhật Bản và Nam Triều Tiên – nhưng ông đã hoãn chuyến đi sau khi một tòa án ra trát bắt ông vào ngày thứ Sáu, và một ủy ban quốc hội dưới quyền kiểm soát của đảng cầm quyền sau đó đã tước quyền miễn tố và ghế đại biểu của ông.

Ông Rainsy chưa định lại ngày trở về.

Hôm thứ Tư, nhật báo Cambodia Daily loan tin các cuộc thương nghị đang được xúc tiến để đi đến một thỏa thuận giữa lãnh tụ đối lập và Thủ tướng độc tài Hun Sen, người đã cai trị đất nước 3 thập niên.

Vụ giằng co này là cao điểm của nhiều tuần lễ căng thẳng gia tăng giữa đảng cầm quyền và phe đối lập. Cuối tháng trước, các nhà lập pháp thuộc đảng Nhân dân Campuchia CPP cầm quyền đã biểu quyết bãi chức ông Kem Sokha, nhân vật số 2 của đảng đối lập, ra khỏi ghế quốc hội của ông. 

Ít ngày trước đó, một đám đông hỗn loạn đã đánh đập 2 nhà lập pháp đối lập vào lúc họ rời khỏi quốc hội, trong khi cảnh sát và nhân viên bảo vệ an ninh khoanh tay đứng nhìn. Cuối ngày hôm đó, một đám đông đã tấn công vào tư thất của ông Sokha – cảnh sát làm ngơ trước những lời kêu cứu của vợ ông bị kẹt bên trong nhà.

Nhiều người cho rằng đảng cầm quyền CPP đã ra lệnh cho những vụ tấn công đó, mặc dầu một phát ngôn viên của đảng này phủ nhận điều ấy.

Chuyên gia phân tích chính trị Ou Virak, người sáng lập tổ chức nghiên cứu The Future Forum, nói rằng sự bất đồng hiện nay rất giống với các hành động của đảng cầm quyền trước các cuộc bầu cử năm 2008 và 2013.

Ông Virak nói: “Các hành động đó đã có tác dụng kỳ diệu trước đây – vì thế mà ông Hun Sen coi nó như một trang trong một vở kịch cũ, và chắc chắn một cách nào đó ông trở lại áp dụng chiến thuật cũ đã giúp ông một cách dễ dàng, không tốn kém, bằng cách chỉ đưa ra những cáo buộc pháp lý với một tòa án mà ông nắm trọn quyền kiểm soát.”

Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia đối lập, còn gọi tắt là CNRP, đã làm đảng cầm quyền sửng sốt khi suýt thắng cuộc tổng tuyển cử năm 2013, chỉ thua có 300.000 phiếu, tức là khoảng 4% số cử tri.

Ông Virak nói đảng cầm quyền nhận ra rằng cam kết đưa ra năm 2013 hứa thực thi cải cách tỏ ra khó thực hiện, và đó là lý do vì sao bây giờ đảng này muốn tìm cách chia rẽ phe đối lập trước cuộc bầu cử năm 2018.

Ông Virak cho biết: “Sau cuộc bầu cử năm 2013, mà kết quả rất xít xao, đảng CPP nghĩ họ có thể thực sự cứu xét các cải cách và tìm cách thu hút cử tri trẻ tuổi. Tôi nghĩ họ đã nhận thức được rằng thực tế khó hơn nhiều, nhất là với một hệ thống tham nhũng thâm căn mà họ đã xây dựng, và duy trì. Vì thế bây giờ họ đang trở lại sử dụng các chiến thuật cũ, các chiến thuật cũ dơ bẩn, đó là lợi dụng các tòa án mà họ nắm toàn quyền kiểm soát, để sách nhiễu pháp lý ông Sam Rainsy, chiến thuật đã có tác dụng thần kỳ trước đây và ngày nay vẫn có đem lại hiệu quả.”

Đêm qua, người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã mô tả trát bắt ông Rainsy và các vụ tấn công trước đó nhắm vào các nhà lập pháp đối lập là “những diễn biến đáng lo ngại,” và kêu gọi cả hai đảng nối lại các cuộc đàm phán.

Năm vừa qua là một năm rất khó khăn cho phe đối lập: 15 nhà hoạt động đã bị bỏ tù hồi đầu năm sau khi bị buộc tội nổi loạn, và một thượng nghị sĩ đang chờ ra tòa về cáo trạng làm giả chứng từ công cộng. Các vụ này được nhiều người coi là có động cơ chính trị.

Trát bắt ông Rainsy có liên quan đến một quyết định của tòa án năm 2011 xử khiếm diện ông, trong đó ông bị xét thấy can tội phỉ báng và bị tuyên phạt 2 năm tù sau khi tuyên bố rằng Ngoại trưởng Hor Namhong đã giúp điều hành một nhà tù Khmer Đỏ dưới chế độ bạo tàn của Pol Pot vào thập niên 1970.

Tuy nhiên, bản án đó được nhiều người cho là đã được bãi bỏ trước cuộc bầu cử năm 2013, khi ông Rainsy được hoàng gia ân xá và được phép trở về nước để ra tranh cử. - VOA
|
|

6.
Mỹ giúp Việt Nam nắm thông tin tình báo về biển Đông?

Chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tuyên bố sẽ hỗ trợ Việt Nam tăng cường trinh sát, do thám và thu thập thông tin tình báo hàng hải, trong bối cảnh Trung Quốc không che giấu tham vọng thâu tóm biển Đông.

Trong thông cáo gửi cho báo chí hôm qua, Mỹ thông báo sẽ trợ giúp Việt Nam 40 triệu đôla để tăng cường năng lực hàng hải trong vòng hai năm tới.

Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng sẽ giúp đỡ các cơ quan hàng hải của Việt Nam tăng cường khả năng kiểm soát và chỉ huy.

Thêm nữa, Mỹ cũng lặp lại tuyên bố trước đây rằng sẽ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương liên quan tới hàng hải để tăng cường năng lực cho Việt Nam cũng như mở rộng các cuộc thao dượt và huấn luyện giữa hai nước, tập trung vào các vấn đề cứu nạn và nhân đạo.

Số tiền mà Hoa Kỳ trợ giúp Việt Nam nằm trong gói viện trợ mới trị giá 259 triệu đôla nhằm giúp “các đồng minh và đối tác [của Mỹ] tăng cường khả năng hàng hải nhằm xử lý các thay đổi nhanh chóng trong khu vực”.

Thông báo của Mỹ được đưa ra khi Tổng thống Obama có mặt ở Philippines để dự hội nghị thượng đỉnh APEC.

Hôm nay, sau cuộc gặp tới Tổng thống nước chủ nhà, ông  Benigno Aquino, ông Obama đã kêu gọi Trung Quốc chấm dứt việc xây dựng trên các hòn đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp ở biển Đông.

Cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước đồng minh diễn ra một ngày sau khi Việt Nam và Philippines nâng mối quan hệ song phương lên tầm chiến lược.

Giáo sư Tương Lai, người từng làm trong ban cố vấn của thủ tướng Việt Nam, cho rằng việc Mỹ cam kết giúp Việt Nam cải thiện lĩnh vực hàng hải cũng như việc Hà Nội và Manila củng cố quan hệ là những bước đi mang tính biểu tượng. Ông nói thêm với VOA Việt Ngữ:  

“Đó là một biểu tượng có ý nghĩa. Trong có nội lực là chính, là phải quyết tâm bằng mọi cách giữ vững độc lập dân tộc. Nó đòi hỏi một đường lối độc lập tự chủ, mà đường lối độc lập tự chủ đó là phải biết liên minh với ai để tăng thêm sức mạnh cho mình. Khi chúng ta có kẻ cướp nó đang đánh vào nhà, có hàng xóm láng giềng đến giúp đỡ thì phải biết cách liên minh với ông láng giềng đó. Nhưng phải biết chọn ông láng giềng nào có khả năng nhất để mà liên minh. Đó là vấn đề có ý nghĩa chiến lược”.

Trong một diễn biến khác liên quan tới biển Đông, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng hôm nay đã đăng đàn để trả lời các câu hỏi của các đại biểu quốc hội về nhiều vấn đề, trong đó có biển Đông và mối quan hệ với Trung Quốc.

Người đứng đầu chính phủ Việt Nam nói rằng lập trường quan điểm, chủ trương của đảng và nhà nước là “rõ ràng, nhất quán, cơ bản là phù hợp và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng cũng còn không ít khó khăn, thách thức”. Ông Dũng nói thêm:

“Trước hết là chân thành làm hết sức mình để tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác, bình đẳng cùng có lợi, cùng phát triển với Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực. Đồng thời, Việt Nam cũng kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia. Với phát triển kinh tế xã hội phải tăng cường quốc phòng an ninh, quan hệ đối ngoại, tăng cường khối đại đoàn kết và sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế về chân lý, lẽ phải của chúng ta; gìn giữ hòa bình, ổn định để tạo môi trường cho xây dựng, phát triển và bảo vệ tổ quốc".

Một ngày trước đó, trong khi đặt câu hỏi chất vấn cho ông Dũng, đại biểu quốc hội Trương Trọng Nghĩa từ TP HCM nói rằng “đa số nhân dân không đồng ý nhận viện trợ từ Trung Quốc”.

Ông Nghĩa đặt câu hỏi rằng nhận viện trợ hay vay vốn ODA của Trung Quốc cho dù rẻ thì sau này có kiện để đòi lãnh thổ được không?

"Nếu trưng cầu ý dân thì tôi tin đa số nhân dân sẽ không đồng ý nhận viện trợ hay vay tiền từ Trung Quốc vì còn nhiều nguồn khác để vay", ông nói.

Về vấn đề quan hệ Việt-Trung, cũng như phát biểu của Thủ tướng Dũng, giáo sư Tương Lai nhận định:

“Nguyễn Tấn Dũng chính là người đầu tiên nêu lên vấn đề rằng không thể đem chủ quyền thiêng liêng của đất nước để đổi lấy tình hữu nghị viển vông và lệ thuộc. Đó là một tuyên bố rất dứt khoát, và có một ý nghĩa rất lớn, lần đầu tiên nói rằng Việt Nam không thể lệ thuộc Trung Quốc được. Nhưng mà cái tập thể này, cái đường lối này, cái bộ chính trị này mới có khả năng đưa ra một quyết sách. Chứ còn cá nhân một thủ tướng, trong cái cơ chế đảng lãnh đạo mang tính toàn trị này, và không hề có chuyện tam quyền phân lập, thì ông Tổng bí thư ông đã nói rõ trong phát biểu của ông ta với Tập Cận Bình vừa rồi rằng phải giữ nguyên nguyên trạng, không làm xáo trộn vấn đề. Trong một bài viết gần đây, tôi đã phân tích rõ rằng không thể gọi là giữ nguyên nguyên trạng được. Nếu mà giữ nguyên nguyên trạng ấy thì làm sao mà có quyết sách đối phó lại với Tập Cận Bình?” 

 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới thăm Việt Nam và phát biểu trước quốc hội hồi đầu tháng này.

Chỉ một ngày sau khi rời Việt Nam, ông Tập tuyên bố rằng các hòn đảo trên biển Nam Trung Hoa (biển Đông) “là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời xa xưa”, và chính phủ Trung Quốc “phải có trách nhiệm để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi lãnh hải chính đáng”.

Cũng giống như nhiều cư dân mạng, giáo sư Tương Lai chỉ trích các vị đại biểu đã “không dám” bày tỏ thái độ khi nhà lãnh đạo Trung Quốc tới cơ quan lập pháp của Việt Nam. - VOA

No comments:

Post a Comment