Thursday, November 26, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Năm 26/11

HAPPY THANKSGIVING TO ALL

Tin Thế Giới

1.
Trung Quốc phản đối Mỹ và Nhật tập trận ở biển Đông

Chính quyền Bắc Kinh hôm 26/11 đã phản đối một kế hoạch tiếp tục tập trận chung giữa Tokyo và Washington tại biển Đông.

“Chúng tôi kêu gọi các nước liên quan tiếp tục góp phần duy trì hòa bình và ổn định ở biển Nam Trung Hoa (biển Đông) thay vì "giương oai diễu võ", gây căng thẳng và thúc đẩy quân sự hóa vùng biển này”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói tại một cuộc họp báo thường kỳ.

Ông Hồng đã trả lời như vậy sau khi được hỏi về thỏa thuận đạt được hôm 24/11 tại Hawaii giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, Tướng Nakatani và đô đốc Harry Harris, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ về việc tiếp tục tiến hành các cuộc diễn tập ở vùng biển tranh chấp.

Thỏa thuận trên được ký vài tuần sau khi Hoa Kỳ triển khai một tàu chiến trang bị tên lửa dẫn đường tới gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở biển Đông, khiến Bắc Kinh tức giận.

Trong cuộc gặp với ông Nakatani, ông Harris tuyên bố sẽ tiếp tục hoạt động này. Trong khi đó, hôm 26/11, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói việc làm đó của Washington “đe dọa nghiêm trọng tới chủ quyền và an ninh của Trung Quốc”.

Hồi tháng 10, Nhật Bản đã tiến hành cuộc diễn tập chung với tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ ở phía nam Biển Đông.

Hôm 24/11, Phó đô đốc Yasuhiro Shigeoka, chỉ huy Hạm đội Phòng vệ Nhật Bản, nói rằng Nhật Bản sẵn sàng triển khai tàu chiến tới biển Đông để giám sát các hoạt động lấn biển của Trung Quốc.

Bốn ngày trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói với Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng Tokyo sẽ xem xét triển khai lực lượng tự vệ đến Biển Đông trong khi xem xét ảnh hưởng của tình hình tại đó đối với an ninh của Nhật Bản.

Ông Abe được trích lời nói trong cuộc gặp với Tổng thống Obama bên lề diễn đàn hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tại Manila: "Tôi phản đối tất cả những nỗ lực đơn phương để thay đổi hiện trạng và gây leo thang căng thẳng”. - VOA
|
|

2.
Ðức Giáo Hoàng kêu gọi đối thoại liên tôn là thiết yếu để tránh bạo động

Đức Giáo Hoàng Phanxicô phát biểu tại hội nghị của các nhà lãnh đạo Hồi giáo và Kitô giáo ở thủ đô của Kenya rằng họ phải đối thoại với nhau để ngăn tránh cực đoan hóa và những hành vi bạo động nhân danh Thượng đế.

Phát biểu tại hội nghị liên tôn được tổ chức tại phái bộ ngoại giao Vatican ở Nairobi, Đức Giáo Hoàng nói rằng đối thoại liên tôn là "thiết yếu", chứ không phải chỉ là một lựa chọn hay một sự xa xỉ. Ngài nhắc đến nhiều vụ tấn công của những phần tử Hồi giáo cực đoan hồi gần đây ở Kenya, trong đó có vụ tấn công tại Đại học Garissa hồi tháng 4 ở miền đông bắc, làm 150 người thiệt mạng, và vụ tấn công năm 2013 tại thương xá Westgate ở Nairobi làm 67 người thiệt mạng.

Nhóm hiếu chiến Al-Shabab nhận đã thực hiện những vụ tấn công đó. Nhóm này phản đối việc chính phủ Kenya phái quân đội sang nước láng giềng Somalia để giúp chống nhóm cực đoan này.

Thứ Sáu, nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo La Mã sẽ đi thăm người nghèo ở khu ổ chuột Kangemi ở Nairobi và gặp gỡ với giới trẻ tại sân vận động Kasaranni.

Trong các chặng dừng tiếp sau đó, Đức Giáo Hoàng sẽ đến thăm một đền thờ các thánh tử đạo Công giáo ở Uganda, một đền thờ Hồi giáo và một trại tị nạn ở Cộng hòa Trung Phi. Nối lại những rạn nứt giữa Hồi giáo và Kitô giáo là một chủ đề của chuyến thăm Phi châu đầu tiên của Đức Giáo Hoàng.

Trong chuyến công du này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô được trông đợi sẽ nhấn mạnh đến những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Trước đó, ngài đã nói rằng những người nghèo khó, thiếu thốn điều kiện chịu nhiều ảnh hưởng hơn từ những thay đổi bất thường của khí hậu. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Mỹ mừng Lễ Tạ ơn với tiệc tùng và mua sắm

Người Mỹ hôm nay mừng Lễ Tạ ơn với những hoạt động truyền thống như sum họp gia đình, tiệc tùng và đi mua sắm hàng giá hạ.

Lễ Tạ ơn theo truyền thống ở Mỹ được mừng vào ngày thứ Năm của tuần lễ thứ tư của tháng 11, và cũng để đánh dấu khởi đầu của mùa lễ hội với đỉnh điểm là ngày Tết Dương lịch.

Ngày thứ Sáu sau Lễ Tạ ơn là ngày các cửa hàng bán giảm giá quần áo, đồ chơi, đồ gia dụng... và dân chúng bắt đầu đi mua sắm cho mùa lễ.

Ngày bán hàng giảm giá thường được gọi là "Thứ Sáu Đen" bắt đầu từ Lễ Tạ ơn, hoặc thậm chí vài ngày trước đó và thường kết thúc bằng ngày thứ Hai sau đó, thường gọi là "Thứ Hai Cyber" là ngày các sản phẩm liên quan đến máy vi tính được bán giá hạ trên mạng. Theo Hiệp hội bán lẻ toàn quốc, khoảng 68 triệu dân Mỹ nói họ dự trù đi mua sắm trong dịp cuối tuần của Lễ Tạ ơn.

Hôm thứ Tư, Tổng thống Barack Obama đã thực hiện nghi thức truyền thống "phóng sanh gà tây" để một đôi gà tây được chọn lựa đặc biệt cho Tòa Bạch Ốc mừng lễ sẽ không bị đưa lên bàn ăn tối của Lễ Tạ ơn. Đôi gà tây "Honest" và "Abe" sau đó được đưa về công viên gà tây để đón chào công chúng đến xem.

Tổng thống Obama cũng nói đến lãnh vực cần quan tâm khác. Ông trấn an rằng vào thời điểm cần cảnh giác cao về an ninh, không có mối đe dọa khủng bố nào mà công chúng phải lo ngại trong lúc lo việc du hành và mừng lễ truyền thống. Phát biểu tại Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Obama nói rằng "có thể hiểu được" lo âu của dân Mỹ về khả năng xảy ra tấn công khủng bố, nhưng chính phủ không nhận được thông tin về bất cứ mối đe dọa "cụ thể và đáng chú ý nào". - VOA
|
|

Tin Việt Nam

4.
VN bỏ 'phiếu trắng' cho dự thảo nhân quyền

Thông cáo báo chí của Liên Hiệp Quốc cho biết, Việt Nam đã bỏ phiếu trắng cho dự thảo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về những người bảo vệ nhân quyền.

Ngày thứ Tư 25/11, sau phiên họp "căng thẳng", Ủy Ban số 3 của Liên Hiệp Quốc đã thông qua dự thảo Nghị quyết lần cuối về những người bảo vệ Nhân quyền.

Thông cáo từ Liên Hiệp Quốc cho biết phiên họp đã diễn ra với "thảo luận căng thẳng hàng loạt vấn đề", Ủy ban chuyên trách các vấn đề xã hội, nhân đạo và văn hóa đã thông qua dự thảo nghị quyết về những người bảo vệ nhân quyền, sẽ trình lên Đại Hội Đồng vào Tháng 12.

Đại diện từ Na Uy là người giới thiệu nội dung văn bản dự thảo trong cuộc họp. Nước này cho biết trong các phiên họp trước, 'Đại Hội Đồng đã thể hiện mối quan tâm khẩn cấp đối với những cuộc tấn công nhắm vào người bảo vệ nhân quyền'.

Bản dự thảo mạnh mẽ lên án bạo lực và đe dọa chống lại người bảo vệ nhân quyền. Với văn bản này, Đại Hội Đồng sẽ 'mạnh mẽ kêu gọi các quốc gia kiềm chế các hành vi đe dọa hay trả đũa chống lại những người bảo vệ nhân quyền'. Văn bản này cũng 'nhấn mạnh vai trò của mọi tập đoàn doanh nghiệp tôn trọng quyền của những nhà bảo vệ nhân quyền'.

"Thiếu rõ ràng"?

Trong phiên họp, đã có 117 quốc gia bỏ phiếu thuận, 14 nước bỏ phiếu chống và 40 nước bỏ phiếu trắng.

Việt Nam bỏ phiếu trắng với dự thảo nghị quyết này.

Giải thích lý do bỏ phiếu trắng, thông cáo của Liên Hiệp Quốc dẫn lời người đại diện Việt Nam nói đoàn Việt Nam "đã tham vấn đầy đủ các cấp" và "vì lý do nghị quyết thiếu rõ ràng và cân bằng", Việt Nam quyết định bỏ phiếu trắng.

Trung Quốc bỏ phiếu chống vì cho rằng: "Các nước phương Tây đã sử dụng việc bảo vệ người bảo vệ nhân quyền là lý do để can thiệp vào nội bộ các nước đang phát triển".

14 quốc gia bỏ phiếu chống dự thảo nghị quyết gồm Burundi, Kenya, Nga, Syria, Myanmar, Nigeria, Ả Rập Saudi, Zimbawe, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Nam Phi, Iran, Pakistan, Sudan.

Trước khi phiên họp ngày 25/11 diễn ra, Tổ chức quốc tế chống tra tấn OMCT và Phong trào nhân quyền thế giới FIDH đã gửi thư thỉnh nguyện đến Liên Hiệp Quốc yêu cầu công nhận vai trò của những nhà đấu tranh nhân quyền và việc bảo vệ họ.

Thư của OMCT viết:"Người bảo vệ nhân quyền thường phải đối mặt với hàng loạt sự xâm phạm và lạm dụng dưới bàn tay của nhà nước và các tổ chức phi nhà nước. Các quốc gia phải công nhận vai trò của người bảo vệ nhân quyền, những nguy cơ đặc thù họ phải đối mặt, và cam kết bảo vệ họ." - BBC
|
|

5.
Tàu chiến Trung Quốc ‘chĩa súng’ vào tàu Việt Nam --- Đài Loan tìm kiếm một vai trò trong vụ tranh chấp Biển Đông

Trung Quốc “điều khoảng 10 người mặc quân phục, dàn đội hình chiến đấu và chĩa AK từ boong tàu 995 sang tàu Hải Đăng 05”, báo chí trong nước dẫn lời các nhân chứng cho biết như vậy.

Lời kể của thuyền trưởng Trần Văn Nga được đăng tải trên truyền thông trong nước hôm 26/11, 13 ngày sau khi vụ việc xảy ra.

Ngoài ra, ông Nguyễn Duy Hiết, giám đốc công ty bảo đảm an toàn hàng hải biển Đông và hải đảo cũng được dẫn lời xác nhận tàu Hải Đăng 05 của công ty này đã bị “hai tàu cảnh sát biển mang số hiệu 2305, 35115 và tàu chiến số hiệu 995 của Trung Quốc vây ép tại Trường Sa ngày 13/11”, khi tàu này đang trên đường từ đảo Sơn Ca về đảo Song Tử Tây hiện do Việt Nam kiểm soát.

Theo lời kể của ông Nga, không chỉ vây ép mà tàu chiến của Trung Quốc cũng “bắn pháo hiệu liên tục qua tàu Hải Đăng 05 với hàm ý đe dọa, xua đuổi”. Báo chí Việt Nam đã cho đăng hình ảnh cũng như một đoạn video về sự cố trên.

Trong khi đó, ông Hiết cho biết đây không phải là lần đầu tiên tàu của công ty bị tàu của Trung Quốc vây ép như vậy.

Hồi tháng 10 năm nay, theo ông, một tàu khác của công ty cũng đã lâm vào tình huống tương tự khi đi tiếp tế cho công nhân tại các trạm hải đăng ở Trường Sa.

Các tàu của Việt Nam thời gian qua thông báo nhiều vụ bị tàu của Trung Quốc “vây ép, rượt đuổi” ở biển Đông, trong bối cảnh Bắc Kinh thực hiện nhiều hành động khẳng định chủ quyền hầu như toàn bộ vùng biển tranh chấp.

Mới đây, trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói rằng cùng với phát triển kinh tế-xã hội, Việt Nam “phải tăng cường quốc phòng, an ninh” để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. - VOA

***
Đài Loan là một trong những nước có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, nhưng chính phủ ở Đài Bắc lâu nay vẫn bị gạt qua bên lề của vụ tranh chấp sôi nổi này vì bị Trung Quốc che phủ. Giờ đây, trong lúc Philippines thách thức những yêu sách của Bắc Kinh tại tòa án quốc tế ở La Haye, Đài Bắc đang tìm cách khẳng định những yêu sách của mình một cách rõ ràng hơn. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Bill Ide của đài chúng tôi gởi về bài tường thuật.

Khi còn là một viên sĩ quan trẻ trong lực lượng hải quân của Trung hoa Dân quốc, ông Miêu Vĩnh Khánh đã tham gia một cuộc tuần tra ở quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa) và ghé vào đảo Ba Bình (Trung Quốc gọi là Thái Bình).

Vị cựu đô đốc từng giữ chức tư lệnh hải quân Đài Loan thuật lại như sau:

"Hai năm sau khi tôi ra trường vào năm Dân quốc thứ 55 (1966), tôi làm phó hạm trưởng chiến hạm Thái Hòa. Nhiệm vụ của chúng tôi là tu bổ bia chủ quyền trên những hòn đảo mà chúng tôi được cho biết đã bị Philippines phá hoại".

Ông Miêu cho biết không có vụ đụng độ nào xảy ra trong chuyến công tác đó. Nhưng ông nói rằng việc khẳng định những yêu sách chủ quyền của Đài Loan hiện nay vẫn quan trọng y như trước.

"Nước nào cũng phải kiên quyết 100% trong việc khẳng định yêu sách chủ quyền của mình và chúng tôi có rất nhiều bằng chứng lịch sử".

Đảo Ba Bình, phần nổi bật nhất của những yêu sách chủ quyền của Đài Loan ở Biển Đông, giờ đây có một sân bay cùng với các cơ sở quân sự và khí tượng, nhưng những công trình này không phải được xây trên đất đai được bồi đắp, như Trung Quốc đã làm hồi gần đây ở Biển Đông.

Trong lúc Philippines và Trung Quốc tiếp tục tranh cãi về các yêu sách chủ quyền, Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu có thể đến đảo ba Bình trong tháng 12 để tái khẳng định yêu sách của Đài Loan.

Ông William Stanton, cựu giới chức ngoại giao Mỹ đang giảng dạy tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, cho biết những hành động của Đài Loan sẽ được theo dõi rất kỹ vì họ có những yêu sách giống như Bắc Kinh. Nhưng ông nói thêm rằng so với Trung Quốc, Đài Loan sẵn sàng hơn trong việc tuân hành một phán quyết của tòa án quốc tế.

"Vì Đài Loan muốn tuân thủ luật pháp quốc tế một cách nghiêm chỉnh hơn, họ thường tuân hành các quyết định của Liên Hiệp Quốc mặc dù họ không phải là thành viên Liên Hiệp Quốc. Nó sẽ đặt Đài Loan vào một vị thế rất khó khăn".

Những yêu sách chủ quyền của Đài Loan cũng là một vấn đề đang được bàn tới trong những cuộc vận động cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng Giêng ở đảo quốc này.

Bà Thái Anh Văn, ứng cử viên của phe đối lập, là người đang dẫn đầu trong cuộc chạy đua. Bà đã đề nghị tiến hành các cuộc đối thoại với những nước có yêu sách chủ quyền, kể cả Trung Quốc. Nhưng hiện nay, mối quan hệ giữa Đài Loan với Trung Quốc và kinh tế của Đài Loan là những vấn đề chính, và vấn đề Biển Đông có phần chắc sẽ tiếp tục là một mối quan tâm thứ yếu đối với cử tri Đài Loan. - VOA
|
|

6.
Lãnh đạo Việt Nam phải tuyên thệ ‘trung thành với dân’

Thủ tướng, chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội và chánh án tòa án nhân dân tối cao Việt Nam phải “tuyên thệ trung thành với tổ quốc, nhân dân và hiến pháp” khi nhậm chức.

Đây là một trong các nội quy kỳ họp quốc hội sửa đổi mới được thông qua sáng 24/11 và sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2016.

Theo đó, người tuyên thệ “quyết định nội dung tuyên thệ phù hợp với trách nhiệm được giao và phải đứng trước quốc kỳ tuyên thệ với thời gian không quá 3 phút”.

Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, nói thêm với VOA Việt Ngữ về nội quy trên.

“Khi mà quốc hội mới bầu ra các chức danh như chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội và chánh án tòa án nhân dân tối cao, thì sẽ có tuyên thệ nhậm chức. Trong hiến pháp thì quy định như thế còn trong cái nội quy kỳ họp của quốc hội thì quy định cụ thể hơn thôi, trình tự, thủ tục phải làm như thế nào. Quy định như thế để thực hiện việc tuyên thệ theo tinh thần của hiến pháp. Các nước họ làm nhiều rồi, như là tổng thống nhậm chức họ làm rồi, còn Việt Nam từ xưa tới nay thì chưa”.

Một số nhà quan sát cho VOA Việt Ngữ biết rằng điều đáng chú ý là “không có đảng trong phần phải tuyên thệ trung thành”.

Hồi tháng Bảy vừa qua, phát biểu tại Đại hội thi đua quyết thắng toàn quân lần thứ IX, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng quân đội Việt Nam "phải tuyệt đối trung thành với tổ quốc, với dân tộc, với hiến pháp của nước CHXHCN Việt Nam..", khác với các tuyên bố trước đó của các nhà lãnh đạo khác, đặt đảng lên đầu.

Nội quy sửa đổi trên được thông qua trong bối cảnh chỉ còn vài tháng nữa là diễn ra đại hội đảng lần thứ 12, và tại kỳ họp này, các vị trí chủ chốt trong chính quyền Việt Nam sẽ được xác định.

Hồi đầu năm nay, một tờ báo thuộc cơ quan Ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đăng bài bình luận cho rằng 2015 sẽ là năm căng thẳng chính trị ở Việt Nam trong khi chuẩn bị cho Đại hội thứ 12 với việc bầu ban lãnh đạo chóp bu mới, đồng thời nhận định rằng Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đang nhắm tới chiếc ghế Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tờ Hoàn cầu Thời báo nhận định: “Thủ tướng đương quyền của Việt Nam có lẽ đang nhắm tới vị trí hàng đầu của đảng cầm quyền. Trong nền chính trị chia rẽ ở Việt Nam, ông Dũng, một đại diện của phe thân Mỹ, có lẽ sẽ mạnh mẽ thay đổi chiến lược quốc gia và chính sách ngoại giao của Việt Nam để hợp tác nhiều hơn với Mỹ”.

Tờ báo cũng cho rằng Hoa Kỳ đang âm mưu sử dụng chiến thuật cách mạng màu cổ lỗ tại Việt Nam nhằm biến Hà Nội “thành một con tốt giống như Philippines để kiềm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc”. - VOA

No comments:

Post a Comment