Tuesday, November 24, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Ba 24/11

Tin Thế Giới

1.
Chiến đấu cơ Nga bị bắn hạ tại biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria --- Putin: Hạ phi cơ Nga là 'đâm dao sau lưng'

Nga hôm 24/11 cho hay một trong các chiến đấu cơ Su-24 của họ đã bị bắn rơi dọc theo biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, nhưng nói thêm rằng ‘hỏa lực bắn lên từ mặt đất’ là nguyên nhân máy bay bị bắn hạ.

Tuy nhiên, các giới chức quân sự Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng các máy bay chiến đấu F-16 của họ đã bắn chiếc máy bay Nga sau khi máy bay này xâm phạm không phận của Thổ Nhĩ Kỳ và làm ngơ 10 lời cảnh báo đưa ra liên tiếp trong vòng 5 phút, yêu cầu máy bay Nga rời không phận của Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ Quốc phòng Nga khẳng định phi cơ của Nga không hề rời không phận Syria. Nga cũng cho biết là các phi công của họ đã ấn nút để thoát ra khỏi phi cơ, nhưng tình trạng của họ vẫn chưa biết ra sao. Băng thu hình từ khu vực dường như cho thấy hai phi công đang nhảy dù từ trên cao, và hãng thông tấn Dogan của Thổ Nhĩ Kỳ tường thuật rằng máy bay trực thăng của Nga đang tìm kiếm trong khu vực.

Một người phát ngôn của điện Kremlin mô tả đây là một ‘sự cố nghiêm trọng’ nhưng nói thêm rằng hiện còn quá sớm để đi tới các kết luận.

Đài Quan sát Nhân quyền Syria có trụ sở ở Anh vốn vẫn theo dõi bạo lực bên trong Syria, nói chiếc phi cơ đâm đầu xuống đất trong vùng núi Turkmen ở tỉnh Latakia. Các lực lượng thân chính phủ đã chiến đấu trong khu vực này và được biết Nhà nước Hồi giáo không có mặt tại đó.

Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng họ không thể xác nhận các bản tin của báo chí rằng các máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ một máy bay chiến đấu không rõ xuất xứ, nhưng đang theo dõi sát tình hình.

Các giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã ra nhiều cảnh báo về các máy bay xâm phạm không phận của họ trong cuộc nội chiến kéo dài 4 năm rưỡi tại Syria. Các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ một máy bay trực thăng Syria vào năm 2013, và tháng trước, bắn hạ một máy bay không người lái không rõ xuất xứ xâm phạm lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ trước đây cũng than phiền ít nhất hai lần về vấn đề máy bay Nga bay vào không phận của họ.

Nga khởi sự chiến dịch quân sự tại Syria vào cuối tháng 9. Tháng 10, họ đạt thỏa thuận với Hoa Kỳ, nước đang lãnh đạo một liên minh các nước đang đánh bom các phần tử chủ chiến ở Syria, để máy bay của hai bên duy trì một khoảng cách an toàn và liên lạc với nhau hầu tránh những tai họa trên không. - VOA

***
Tổng thống Nga nói vụ bắn hạ phi cơ SU-24 là 'hành vi đâm vào sau lưng' với Nga và lên án Thổ Nhĩ Kỳ 'là đồng phạm với khủng bố'.

Phóng viên BBC tại Moscow Sarah Rainsford nói ông Vladimir Putin tỏ ra 'tức giận' khi phát biểu như vậy trước truyền thông.

Ông Putin cảnh báo rằng sẽ "có hậu quả nghiêm trọng" cho quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Nato sẽ họp một phiên đặc biệt để thảo luận về vụ việc này theo đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nói đã bắn rơi một máy bay quân sự Nga gần biên giới với Syria trong ngày 24/11.

Bộ Quốc phòng Nga nói một chiếc Su-24 đã bị rớt ở vùng lãnh thổ Syria, sau khi bị trúng đạn bắn lên từ mặt đất.

Nhưng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thì nói rằng các chiến đấu cơ F-16 của nước này đã bắn rơi chiếc máy bay sau khi cảnh báo phi hành đoàn gồm 2 phi công của chiếc phi cơ Nga nhiều lần rằng nó vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ.

Hai phi công đã nhảy dù ra ngoài trước khi chiếc phi cơ đâm xuống tỉnh Latakia, nhưng những người nổi dậy Syria nói rằng ít nhất một phi công đã chết.

Nhưng hãng tin Dogan ở Thổ Nhĩ Kỳ nói hai phi công bị bắn khi nhảy dù xuống và cả hai đã chết.

Nga bác bỏ tin rằng chiếc phi cơ của họ bay vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ và "đâm xuống đất" tại Syria.

Đây là lần đầu tiên phi cơ Nga bị rớt tại Syria kể từ khi chính phủ Nga tiến hành các cuộc không tập nhắm vào các phe phái chống lại Tổng thống Bashar al-Assad từ cuối tháng Chín.

Phát ngôn viên điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, miêu tả vụ việc này là "rất nghiêm trọng", nhưng cẩn trọng nói rằng còn quá sớm để đưa ra các kết luận.

Liên minh quân sự Nato mà Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên cho biết họ đang theo dõi "chặt chẽ" tình hình và đang liên lạc với giới chức trách Thổ Nhĩ Kỳ. Sẽ có một cuộc "họp thông tin" của các đại sứ tại Brussels vào lúc 16:00 GMT.

Bộ Quốc phòng Nga khẳng định sáng thứ Ba một chiếc Su-24 của Nga đã "bị đâm trên lãnh thổ Syria, sau khi bị bắn trúng đạn từ mặt đất" trong khi đang bay ở độ cao 6.000m.

"Các nỗ lực đang được tiến hành để biết chắc chắn điều gì đã xảy ra với các phi công. Theo tin tức ban đầu, các phi công đã kịp nhảy dù ra," hãng tin Interfax trích thuật Bộ Quốc phòng Nga nói trước đó.

Bộ Quốc phòng cũng nhấn mạnh rằng "trong suốt chuyến bay, chiếc phi cơ luôn bay hoàn toàn phía không phận Syria", và nói thêm: "Những dữ liệu giám sát khách quan cho thấy điều đó."

Trực thăng quân sự của Nga đã tìm kiếm phi công và hoa tiêu gần nơi máy bay bị rớt tại Bayir Bucak, khu vực chủ yếu là người Turk sinh sống, theo hãng tin Dogan của Thổ Nhĩ Kỳ.

Một phát ngôn viên cho nhóm nổi dậy hoạt động tại khu vực này, Lữ đoàn 10 Duyên hải, nói với hãng tin AP rằng hai phi công của chiếc phi cơ chiến đấu Nga đã tìm cách nhảy dù xuống vùng lãnh thổ do lực lượng chính phủ kiểm soát nhưng họ bị các thành viên của phe nổi dậy nhắm bắn.

Một trong số hai phi công đã bị chết khi chạm đất, ông này nói thêm. Số phận của phi công thứ hai hiện nay còn chưa được rõ.

Nga đã mở chiến dịch không kích hỗ trợ chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ cuối tháng Chín.

Nga nói chiến dịch này chỉ nhằm vào "khủng bố" nhưng các nhà hoạt động nói các cuộc không kích của Nga cho tới nay toàn trúng các nhóm phiến quân được phương Tây hậu thuẫn.

Thổ Nhĩ Kỳ, nước thành viên NATO xưa nay vẫn cực lực chỉ trích Tổng thống Assad, đã cảnh báo máy bay Nga và Syria vi phạm không phận nước họ.

Tháng trước Ankara nói chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã chặn máy bay phản lực của Nga vượt qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi hai máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ bị một chiếc Mig-29 không rõ của nước nào quấy nhiễu. - BBC
|
|

2.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô chuẩn bị chuyến đi thăm Châu Phi đầu tiên --- Xử năm người tiết lộ tài liệu Vatican

Đức Giáo Hoàng Phanxicô khởi sự chuyến công du chính thức đầu tiên của Ngài tới Châu Phi vào ngày thứ Tư (25/11), với những chặng dừng chân được hoạch định ở Kenya, Uganda và Cộng hòa Trung Phi. Đây là một chuyến đi mà giới cổ vũ cho nhân quyền hy vọng Đức Giáo Hoàng sẽ tận dụng để hối thúc việc nới rộng các quyền chính trị, tinh thần khoan dung về tôn giáo và sự tôn trọng đối với các nhóm thiểu số.

Chặng dừng chân đầu tiên là Kenya. Tại đây, Đức Giáo Hoàng sẽ đi thăm khu nhà ổ chuột ở Kangemi, theo chủ trương bênh vực người nghèo của Ngài.

Theo trông đợi, Đức Giáo Hoàng cũng sẽ nêu bật những hậu quả của biến đổi khí hậu. Trước đây, ngài từng nói rằng các thành phần thua thiệt bị tác động một cách bất tương xứng bởi những biến đổi về khí hậu.

Trong chuyến công du, Đức Giáo Hoàng sẽ gặp gỡ lãnh đạo các tôn giáo khác nhau trong một nỗ lực nhằm nêu bật lịch sử đầy bạo lực giữa các nhóm tôn giáo khác nhau tại Kenya.

Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch đã gửi một bức thư tới Đức Giáo Hoàng, trong đó họ nêu lên một danh sách những quan ngại mà tổ chức này hy vọng Đức Giáo Hoàng sẽ đề cập đến trong chuyến đi thăm Châu Phi của Ngài. Lá thư kêu gọi Đức Giáo Hoàng hãy nói tới các vụ vi phạm nhân quyền tại cả 3 điểm đến của Ngài tại Châu Phi. - VOA

***
Năm người bị đưa ra xử tại Vatican trong vụ tiết lộ các tài liệu mật về quản trị tài chính sai trái trong Tòa Thánh Vatican.

Một cáo buộc của họ nói rằng 50% tiền từ quỹ từ thiện Peter’s Pence được dùng vào chi tiêu cho bộ máy quan chức Tòa Thánh chứ không hề chi cho người nghèo.

Hai nhà báo đã trích dẫn các tài liệu mật đó trong sách của họ bị đưa ra tòa cùng hai thành viên một ủy ban của Giáo hoàng và một người trợ lý.

Nếu bị kết án họ có thể bị tù tới tám năm.

Nhiều cơ quan truyền thông, báo chí đã lên án phiên tòa, gọi đây là "vụ tấn công tự do báo chí".

Hai nhà báo Emiliano Fittipaldi và Gianluigi Nuzzi mô tả các vụ chi tiêu sai trái tiền từ thiện và các ngân quỹ khác trong hai cuốn sách 'Merchants in the Temple' (Các tay buôn trong Đền thiêng), và Avarice (Lòng tham).

Tiêu pha tiền triệu

Các báo buộc này nêu ra những vụ giới tăng lữ cao cấp, gồm cả các hồng y ở Vatican tiêu pha quỹ công cho việc riêng.

Họ nói Hồng y Tarcisio Bertone, nguyên bộ trưởng ngoại giao Tòa Thánh, đã dùng hàng chục triệu euro từ một tín quỹ để nâng cấp và sửa sang cho tư dinh.

Hồng y Bertone người đã nghỉ hưu tháng 10/2013, sau đó cho hay các khoản tiền "đã được hoàn trả", theo báo The Guardian ở Anh.

Báo chí châu Âu từng viết hồi 2014 rằng Giáo hoàng Francis "vô cùng bực bội" khi nghe tin Hồng y Bertone chi tiêu sa hoa vào tòa penthouse bốn tầng nhìn xuống thành Rome để làm chỗ về nghỉ hưu.

Một trong số người 'thổi còi' tố cáo lạm dụng công quỹ là linh mục Tây Ban Nha Lucio Vallejo Balda.

Ông cùng người thư ký riêng (Nicola Maio) và một chuyên gia về ứng xử truyền thông (public relations) người Ý, Francesca Chaouqui, đã từng là thành viên một ủy ban tư vấn cho giáo hoàng về cải cách kinh tế.

Theo bà Caroline Wyatt, phóng viên BBC về tôn giáo viết từ Rome thì vụ xử có nhiều rủi ro.

"Điều nguy hiểm cho Vatican là vụ xử tạo ra ấn tượng Tòa Thánh đang báo thù và còn thu hút thêm chú ý vào các cáo buộc trong hai cuốn sách."

Hiện linh mục Balda đã bị Vatican cầm giữ.

Nhưng hai nhà báo Fittipaldi và Nuzzi là công dân Ý nên họ tự nguyện ra tòa vì Vatican không có thẩm quyền pháp lý bắt buộc họ.

Một rủi ro pháp lý cho họ là Nhà nước Vatican có thể yêu cầu Ý 'dẫn độ' họ vào Vatican nhưng hai nhà báo Ý không tin điều này sẽ xảy ra.

Họ tin tưởng rằng Ý bảo vệ quyền tự do ngôn luận nên việc ra sách của họ không vi phạm luật Ý.

Giáo hoàng Francis từ khi lên cầm quyền hồi tháng 3/2013 đã cố gắng ̣̣đưa ra một số cải cách nhằm làm trong sạch bộ máy Vatican.

Trong bài diễn văn hôm thứ Hai ngày 22/12/2014, Giáo hoàng Francis nói một số giáo sỹ ham muốn quyền lực đã phạm tội ‘thản nhiên giết chết thanh danh của các vị đồng sự và huynh đệ của họ’.

Ngài so sánh công việc của bộ máy quan chức trong Giáo hội giống như một dàn nhạc ‘lỗi nhịp’ bởi vì họ không hợp tác được với nhau và không có tinh thần làm việc nhóm.

Giáo hoàng Francis đã thành lập một loạt các cơ quan chuyên trách để chống tham nhũng và quản lý yếu kém đồng thời cũng chỉ định một đội ngũ cố vấn.

Giáo hoàng cũng phát động việc làm sạch Ngân hàng Vatican vốn bị nhiều tai tiếng sau hàng loạt vụ bê bối. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Hải quân Mỹ và Campuchia diễn tập chung ở Vịnh Thái Lan

Hải quân Mỹ đã phái một trong những chiến hạm mới nhất và tối tân nhất tới Campuchia để tiến hành những cuộc thao dượt chung trong Vịnh Thái Lan. Từ tỉnh Preah Sihanouk, thông tín viên David Boyle của đài VOA gởi về bài tường thuật.

Tại Vịnh Thái Lan, các viên sĩ quan của Hải quân Mỹ và Campuchia đã chuẩn bị để bắn phá một mục tiêu mà họ đặt tên là Sát thủ Cà chua.

Cuộc tập trận bắn đạn thật này là một phần của chương trình thao dượt CARAT của Hải quân Mỹ, năm nay được thực hiện sang tới năm thứ 6 với Campuchia.

Chương trình này được thiết kế để tăng cường khả năng của Mỹ trong việc hợp tác với hải quân của các nước khác nhằm chống lại những mối đe dọa trên biển và cung cấp sự hỗ trợ khẩn cấp sau thiên tai.

Nó cũng giúp cho Hoa Kỳ phát triển những mối quan hệ chiến lược trong vùng biển mà những mối căng thẳng với Trung Quốc vì vấn đề Biển Đông đang gia tăng, mặc dù không bên nào trực tiếp đề cập tới việc này.

Đại tá Lê Bá Hùng của Đội Khu trục hạm Số 7 của Hải quân Mỹ cho biết như sau về cuộc thao dượt này.

"Tôi nghĩ rằng các mối quan hệ là lý do chúng tôi có mặt ở đây. Một phần lớn của lý do Đội Khu trục hạm Số 7 được điều tới Đông Nam Á là để cho chúng tôi có thể phát triển những mối quan hệ chiến lược với các nước rất quan trọng trong khu vực này".

Thiếu tá Joshua Root là một luật sư của Hải quân Mỹ và người đang dùng kỹ năng tiếng Khmer mà ông học được khi tham gia Đoàn Hòa bình để giúp đôi bên trao đổi với nhau. Ông Root phát biểu như sau.

"Hải quân Mỹ phải làm việc chung với rất nhiều lực lượng hải quân và việc nhìn thấy những nền văn hoá khác họ làm như thế nào, nói một cách khác là việc truyền tin liên lạc được thực hiện ra sao, là rất quan trọng cho hải quân Mỹ để có thể hoạt động một hữu hiệu, bởi vì chúng tôi thực hiện rất nhiều những hoạt động đa quốc, các hoạt động của Liên Hiệp Quốc. Điều đó hết sức quan trọng. Nó hoàn toàn không phải là những chuyện một chiều".

Đại tá In Sokhemra, Chỉ huy trưởng Hạm đội Tuần tiểu Số 6 của Hải quân Campuchia, tỏ ý hài lòng về sự hợp tác với phía Mỹ.

"Lúc đầu, khi các quân nhân Mỹ tới đây, chúng tôi không hiểu họ nghĩ gì. Nhưng bây giờ chúng tôi hiểu được và điều đó làm cho việc giao tiếp với họ trở nên rất dễ dàng".

Để tập trận chung với hai chiếc tàu tuần tra của Campuchia thuộc lớp Stenka do Liên Xô chế tạo, Hải quân Mỹ đã điều động một trong các chiến hạm mới nhất – (đó là) chiếc USS Fort Worth thuộc loại tàu tác chiến cận duyên.

Trong lúc Hoa Kỳ tìm cách xây dựng những mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ hơn trong khu vực, các chiến hạm, đặc biệt thích hợp cho việc hoạt động tại các vùng biển nước cạn ở Đông Nam Á, dự kiến sẽ nắm giữ một vai trò mỗi ngày một quan trọng hơn. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

4.
Trung Quốc gởi tàu vận tải lớn đến Hoàng Sa

Một vận tải hạm cực lớn của quân đội Trung Quốc được đưa vào hoạt động từ ngày 23/11/2015. Đây là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh gia tăng củng cố những vùng đảo đã chiếm được tại Biển Đông, duy trì một lực lượng thường trú, bố trí đơn vị tiền phương ở các đảo khác trong vùng tranh chấp với các láng giềng Đông Nam Á.

Theo báo mạng Hong Kong Free Press, quân đội Trung Quốc vừa được trang bị một tàu vận tải quân sự mang số hiệu GY820. Như tên gọi, tàu yểm trợ này trực thuộc quân khu Quảng Châu, có chiều dài 90 mét, trọng tải 2.700 tấn.

Nhiệm vụ của GY820 là vận chuyển tiếp liệu cho căn cứ quân sự ở đảo Phú Lâm, mà Trung Quốc đặt tên là Vĩnh Hưng, sau khi đánh chiếm Hoàng Sa từ tay Quân lực Việt Nam Cộng Hòa tháng Giêng năm 1974.

Đến năm 2012, sau khi đánh chiếm thêm một số đảo của Việt Nam và của Philipines trong quần đảo Trường Sa, Bắc Kinh đặt tên khu vực Biển Đông này là Tam Sa. Trung Quốc cũng liên tục xây dựng, củng cố căn cứ quân sự, hải cảng và phi trường để khống chế toàn bộ Biển Đông mà Chủ tịch Tập Cận Bình gọi là "thuộc chủ quyền từ thời Cổ đại và không thể tranh cãi của Trung Quốc". Theo báo cáo chính thức của Trung Quốc , "cư dân" của huyện Tam Sa hiện nay là 1.443 người.

Bị Philippines kiện ra tòa án quốc tế, Bắc Kinh gia tăng sức ép chia rẽ nội bộ ASEAN và nhiều lần thành công loại Biển Đông ra khỏi các chương trình nghị sự hội nghị khu vực, với sự góp sức của một số thành viên. - RFI
|
|

5.
Thiếu niên 15 tuổi bị kết án hơn 4 năm tù ở Việt Nam

Tòa án nhân dân huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, hôm nay (24/11) đã tuyên án bị cáo Nguyễn Mai Trung Tuấn, 15 tuổi, 4 năm 6 tháng tù giam vì tội “Cố ý gây thương tích” theo Khoản 3 Điều 104 Bộ Luật Hình sự.

Tin cho hay, do cha, mẹ bị cáo cũng đang liên quan đến vụ án khác nên cậu ruột Mai Quốc Viễn là người giám hộ cho bị cáo tại phiên tòa.

Theo cáo trạng, hồi tháng Tư năm nay, Tuấn đã “hất axit vào phía sau” ông Nguyễn Văn Thủy, một người đang tham gia cưỡng chế giải tỏa đất của gia đình thiếu niên này để làm dự án đê bao chống lũ, khiến ông này “bị thương tích 35%”.

Các thẩm phán tòa án sơ thẩm cũng đã yêu cầu cha mẹ của em Tuấn là ông Nguyễn Trung Can và bà Mai Thị Kim Hương “có trách nhiệm liên đới bồi thường cho ông Thủy hơn 42 triệu đồng”.

Bà Mai Kim Chung, dì của em Tuấn, cho VOA Việt Ngữ biết thêm chi tiết:

“Mức án đó không phù hợp. Đối xử với một cậu bé 15 tuổi như vậy là không đúng. Cảm thấy rất là đáng thương tại vì một cậu bé 15 tuổi đang trong tuổi ăn, tuổi học mà giờ lại bị tù tội. Gia đình sẽ kháng cáo lên trên, chừng nào lên [tòa án] tối cao mới thôi”.

Bà cho biết thêm rằng, trong lời nói cuối cùng tại tòa, “cháu Tuấn nói muốn đi học trở lại”.

Hồi tháng Chín vừa qua, TAND huyện Thạnh Hóa đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm về tội chống người thi hành công vụ đối với 12 bị cáo, trong đó có cha mẹ em Tuấn.

Khi ấy, bà Mai Thị Kim Hương bị tuyên án 3 năm 6 tháng tù giam, trong khi ông Nguyễn Trung Can chịu án 3 năm tù.

Tin cho hay, hai ông bà cùng 10 người khác đã kháng án nên ngày mai, tòa án nhân dân tỉnh Long An sẽ mở phiên xử phúc thẩm.

Trả lời VOA Việt Ngữ mới đây, em Nguyễn Mai Thảo Vy, em gái của Tuấn hiện ở cùng với bà con họ hàng, cho biết em “chỉ mong trở lại cuộc sống bình thường”.

“Con cảm thấy mình giống như là bước vào con đường cùng không có lối thoát. Con tưởng cuộc đời con chấm hết rồi. Không còn cha mẹ, không còn nhà cửa. Tinh thần của con rất là suy sụp”, Vy nói. - VOA
|
|

6.
VN công nhận quyền chuyển đổi giới tính

Quốc hội Việt Nam bỏ phiếu thông qua Bộ luật dân sự (sửa đổi) sáng 24/11, thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính.

Chi tiết này nằm trong Điều 37, được đa số đại biểu thông qua.

Có 399 đại biểu tán thành với Điều 37 thuộc Bộ luật Dân sự về chuyển đổi giới tính, 43 đại biểu không tán thành, 4 người không biểu quyết.

Điều 37 ghi: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.”

Trong khi đó, điều 36 nói về quyền xác định lại giới tính: “Cá nhân có quyền xác định lại giới tính; Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính; Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật; Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.”

Bộ luật dân sự sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2017, bao gồm 27 chương, 689 điều. - BBC

No comments:

Post a Comment