Tin Thế Giới
1.
Bà Aung San Suu Kyi: Đảng NLD thắng cử
Đảng đối lập chính ở Miến Điện đã giành được những ghế đại biểu đầu tiên trong cuộc bầu cử được nhiều người xem là sẽ mang lại thắng lợi áp đảo cho đảng này. Các giới chức bầu cử hôm nay cho biết đảng Liên Minh Dân Chủ Toàn Quốc đã giành được 12 ghế tại thành phố chính Yangon. Sau đó, đảng này nói rằng họ giành được 44 trong số 45 ghế dân biểu ở Yangon, nhưng các con số đó chưa được các giới chức bầu cử xác nhận. Trước đó, trong ngày hôm nay lãnh tụ đối lập Myanmar Aung San Suu Kyi cho biết đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc của bà rõ ràng là đã giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử quốc hội có tính chất lịch sử, nhưng bà chưa vội tuyên bố thắng cử trong lúc phiếu bầu đang được kiểm. Thông tín viên Steve Herman của đài VOA gởi về bài tường trình từ Yangon.
Trong bài phát biểu trước những người ủng hộ bên ngoài trụ sở chính của Đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc ở Yangon sáng hôm nay, bà Aung San Suu Kyi nói “Cho tới lúc này kết quả bầu cử chưa được loan báo. Nhưng tôi nghĩ rằng mọi người đã biết hoặc đã đoán được kết quả như thế nào.”
Người phụ nữ đoạt giải Nobel hoà bình này cũng kêu gọi những người ủng hộ bà chớ nên khiêu khích những ứng cử viên bị thất bại.
Ông Htay Oo, Chủ tịch Đảng Đoàn kết Phát triển Liên hiệp đương quyền, nói trên Đài truyền hình Tiếng nói Dân chủ Miến Điện, rằng ông đã mất ghế đại biểu trong cuộc bầu cử này, và thừa nhận số ghế đảng ông bị mất nhiều hơn số ghế thắng được.
Các giới chức bầu cử Myanmar cho biết họ hoãn việc loan báo kết quả chính thức cho tới 6 giờ chiều thứ hai giờ địa phương, thay vì 9 giờ sáng như kế hoạch trước đây. Họ không cho biết lý do của sự trì hoãn này.
Tờ Myanmar Times cho biết Đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc đã chính thức khiếu nại với Uỷ ban Bầu cử về sự thay đổi trong qui trình bầu cử. Đảng này nói rằng Uỷ ban Bầu cử đã chỉ thị cho các giới chức bầu cử địa phương trực tiếp nộp kết quả bầu cử cho văn phòng chính của uỷ ban tại thủ đô Naypyitaw, thay vì nộp cho giới hữu trách bầu cử địa phương và tiểu bang.
Các giới chức bầu cử đã kiểm khoảng 32 triệu phiếu bầu trong cuộc đầu phiếu hôm chủ nhật. Theo dự liệu, Đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc đánh bại Đảng Đoàn kết Phát triển Liên hiệp một cách dễ dàng. Một nhà lập pháp thuộc đảng đương quyền, Chủ tịch quốc hội Shwe Mann, người từng được xem là một ứng viên tổng thống, đã thừa nhận bị đối thủ của ông thuộc Đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc đánh bại trong cuộc chạy đua giành chức đại biểu ở quận Pyu.
Không hoàn hảo
Ông Mark Green, Chủ tịch Viện Cộng hoà Quốc tế, nói với đài VOA trong một cuộc phỏng vấn tại Yangon rằng “Rõ ràng là có những khiếm khuyết, không phải mọi thứ đều hoàn hảo. Người dân Miến Điện đang xem xét cẩn thận các kết quả chính thức.”
Ông Green, cựu Đại sứ Mỹ tại Zimbabwe, nói thêm rằng “Sự phán xét đối với cuộc bầu cử này hoàn toàn thuộc về người dân Miến Điện.”
Cựu Tổng thống Ireland, bà Mary Robinson, tham gia toán quan sát viên bầu cử của Trung tâm Carter ở Mỹ. Bà nói “Chúng ta phải nhìn cuộc bầu cử này trong một khuôn khổ không có tính chất dân chủ công khai một cách đầy đủ.”
Hàng triệu người, trong đó có những người Rohingya theo đạo Hồi ở tiểu bang Rakhine, đã mất quyền bầu cử vì không có quốc tịch hoặc vì những lý do khác.
Trong một thông cáo phổ biến hôm chủ nhật, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Samantha Power, nói việc mất quyền bầu cử của người Rohingya nằm trong số nhiều “khiếm khuyết và thách thức lớn mà giới hữu trách phải giải quyết trong tương lai.”
Trước đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry ngỏ lời chúc mừng dân chúng Myanmar và gọi cuộc bầu cử này là “một minh chứng của lòng dũng cảm và sự hy sinh của nhân dân Miến Điện trong nhiều thập niên.” Ông nói cuộc bầu cử này là “một bước tiến quan trọng”, tuy “không hoàn hảo.”
Chấp nhận kết quả
Tổng thống Myanmar, ông Thein Sein, đã hứa hợp tác với các đảng đối lập để có được một cuộc chuyển tiếp êm thắm và suôn sẻ trong trường hợp cuộc bầu cử này loại ông ra khỏi quyền lực. Trong bài nói chuyện hôm thứ 6 trước những người ủng hộ đảng đương quyền, ông Thein Sein nói “Chính phủ và quân đội sẽ tôn trọng và chấp nhận kết quả.Tôi sẽ chấp nhận tân chính phủ được thành lập dựa trên kết quả bầu cử.”
Đây là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ở Myanmar kể từ khi một chính phủ trên danh nghĩa là chính phủ dân sự lên nắm quyền năm 2011, một năm sau khi bà Aung San Suu Kyi được trả tự do và lệnh cấm đối với đảng của bà được thu hồi.
Bà Suu Kyi và Đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc của bà đã giành được thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử năm 1990 nhưng quân đội không để cho bà lên nắm quyền. Theo dự liệu, Liên minh dân chủ Toàn quốc lần này cũng sẽ đánh bại Đảng Đoàn kết Phát triển Liên hiệp, là đảng có được sự ủng hộ của phe quân đội có nhiều thế lực.
Đảng đương quyền tham gia cuộc bầu cử với một ưu thế rất lớn: 25% ghế đại biểu quốc hội được dành riêng cho sĩ quan quân đội.
Hội Ân Xá Quốc Tế cho rằng việc giam cầm những nhân vật tranh đấu ôn hoà, sự hạn chế đối với quyền tự do ngôn luận và những sự kỳ thị khác nhắm vào các nhóm thiểu số là một vấn đề nghiêm trọng gây phương hại cho tiến trình bầu cử ở Myanmar.
Cần có thắng lợi rất lớn
Các chuyên gia chính trị Myanmar cho rằng Đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc cần phải giành được 67% số ghế tại quốc hội mới có có thể vượt qua sự phủ quyết của quân đội tại quốc hội gồm hai viện và có nhiệm vụ bầu ra tổng thống.
Bà Aung San Suu Kyi không thể giữ chức tổng thống cho dù đảng của bà thắng cử. Tập đoàn quân nhân nắm quyền năm 2008 đã đưa vào bản hiến pháp một qui định để không cho một người có vợ hoặc chồng hoặc con cái là người nước ngoài được giữ chức tổng thống. Người chồng quá cố của bà Suu Kyi và hai người con trai của bà là công dân Anh.
Trong cuộc họp báo tại tư thất của bà ở Yangon hôm thứ Năm, bà Suu Kyi nói rằng trong trường hợp Liên minh Dân chủ Toàn quốc thắng cử bà sẽ giữ một chức vụ mà bà gọi là “cao hơn tổng thống.”
Gần 7.000 ứng cử viên thuộc 91 đảng dự tranh các ghế đại biểu tại hai viện của quốc hội.
Myanmar, cựu thuộc địa Anh, đã bị cô lập với hầu hết thế giới bên ngoài trong nhiều thập niên sau khi Tướng Ne Win thực hiện cuộc đảo chánh vào năm 1962 để lật đổ chính phủ và bãi bỏ hiến pháp dân chủ của quốc gia đa số dân là người theo đạo Phật. - VOA
|
|
2.
Chủ tịch TQ sẽ dự hội nghị APEC giữa căng thẳng Biển Đông --- Biển Đông: Mỹ cứng rắn với Trung Quốc nhưng còn mâu thuẫn nội bộ
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tham gia Diễn đàn Hợp tác Kinh tế khu vực Á Châu-Thái Bình Dương (APEC) vào tuần tới, giữa lúc căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines gia tăng về các vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo.
Bản tin của AP hôm nay tường thuật rằng hội nghị APEC sẽ diễn ra ở Manila từ ngày 17/11 tới ngày 19/11, quy tụ các nước thành viên, trong đó có Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia và Canada, Australia. Khu vực này chiếm 46% thương mại thế giới.
Một hội nghị ASEAN tuần trước, có sự tham gia của cả Hoa Kỳ và Trung Quốc, đã không đưa ra được một tuyên bố chung bởi vì các phái đoàn không thoả thuận được với nhau về vấn đề có nên đề cập tới cuộc tranh chấp Biển Đông hay không.
Trung Quốc đặc biệt phẫn nộ về việc Philippines đã nộp hồ sơ kiện Trung Quốc ra trước toà án trọng tài quốc tế ở Hà Lan để yêu cầu toà xét xử cuộc tranh chấp ở Biển Đông.
Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị sẽ đi thăm Philippines vào ngày mai, thứ Ba 10/11, để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của ông Tập Cận Binh và để bàn về những phương cách nhằm cải thiện các quan hệ với Manila.
Hôm qua, báo New York Times tường thuật rằng ông Tập một lần nữa lại bênh vực tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông, cho rằng các đảo tại đây đã thuộc về Trung Quốc từ thời xa xưa. Trong một bài diễn văn đọc hôm thứ Bảy tại Singapore, ông Tập nói các quốc gia khác bên ngoài khu vực phải tôn trọng nhu cầu của các nước Á Châu là có “một môi trường hoà bình và ổn định để có thể phát triển nhanh chóng”.
Phát biểu của ông Tập do Xinhua thuật lại rõ ràng là nhắm vào Hoa Kỳ, là nước đã mạnh mẽ chỉ trích các hoạt động của Bắc Kinh nhằm bồi đắp và xây đảo nhân tạo trong vùng biển tranh chấp.
Hoa Kỳ, cường quốc quân sự số 1 trong vùng Thái Bình Dương, nói rằng Washington không về phe nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền, nhưng quyết tâm bảo vệ quyền tự do hàng hải. - VOA
***
Trong những ngày qua, tình hình Biển Đông sôi động hẳn lên với quyết định có phần cứng rắn của Mỹ, ngày 26/10/2015 đã cho khu trục hạm USS Lassen tiến sâu vào bên trong vùng 12 hải lý bao quanh Đá Xu Bi (Subi Reef) thuộc vùng quần đảo Trường Sa. Hành động của Mỹ ngay lập tức đã bị Trung Quốc phản đối dữ dội, theo đó Washington đã khiêu khích Bắc Kinh, đã vi phạm chủ quyền và lãnh hải Trung Quốc, đã làm cho tình hình căng thẳng.
Về phần mình, Hoa Kỳ tái khẳng định tính chất chính đáng của hành động đưa tàu vào bên trong vùng 12 hải lý quanh đảo Xu Bi, một công việc mà Mỹ thường xuyên tiến hành từ trước đến nay ở mọi nơi để bảo vệ quyền tự do hàng hải.
Đối với trường hợp Biển Đông, các quan chức Mỹ liên tiếp lên tiếng xác định rằng hải vụ do khu trục hạm USS Lassen thực hiện nhằm nêu bật quan điểm của Mỹ phủ nhận mọi yêu sách chủ quyền, lãnh hải quá lố, không tuân thủ luật lệ quốc tế. Hải quân Mỹ còn xác định đó chỉ là bước khởi đầu, sắp tới đây họ cũng sẽ thực hiện các hải vụ tương tự trong vùng, có thể là theo nhịp độ hai lần mỗi ba tháng.
Sau hành động có thể nói là cứng rắn và rất cụ thể của chiếc tàu Lassen, các quan chức Mỹ đã tiếp tục có những phát biểu theo chiều hướng cứng rắn kể trên mà điển hình là các tuyên bố được lập đi lập lại của chính Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, kèm theo một cử chỉ đầy tính biểu tượng.
Ngày 05/11 cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia, nước hiện là Chủ tịch luân phiên của khối ASEAN, ông Carter đã đích thân lên thăm chiếc tàu sân bay Mỹ Theodore Roosevelt đang hoạt động trên Biển Đông, dù không phải là cận kề quần đảo Trường Sa. Ngay từ đó, Bộ trưởng Mỹ đã nêu bật quyết tâm của Mỹ bảo vệ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, và chống lại việc quân sự hóa vùng Trường Sa thông qua việc bồi đắp đảo nhân tạo.
Thông điệp cứng rắn lại bị nhiễu
Toàn cảnh nêu trên lẽ ra không có gì đáng nói, nếu không có những tiết lộ về những điều mà khu trục hạm USS Lassen đã thực hiện trong hải vụ tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải quanh Đá Xu Bi, theo đó chiếc tàu đã di chuyển bên trong vùng 12 hải lý của thực thể này theo thủ tục gọi là “đi qua vô hại”, áp dụng trong trường hợp quá cảnh lãnh hải của một nước khác, chứ không hề có những hành động bình thường của một chiến hạm khi đi trên vùng biển quốc tế.
Trong một bài phân tích ngày 6/11 vừa qua, hãng tin Anh Reuters đã trích dẫn Greg Poling, Giám đốc bộ phận Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (Asia Maritime Transparency Initiative AMTI) tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS ở Washington cho rằng: “Nếu chiếc Lassen không làm bất cứ điều gì khác ngoại việc quá cảnh, thì hải vụ Bảo vệ Quyền Tự do Hàng hải do chiến hạm này thực hiện đã không khẳng định những gì mà nó muốn chứng tỏ: Đá Xu Bi không thể có lãnh hải”.
Các chuyên gia phân tích đều nhìn thấy bàn tay của Nhà Trắng trong việc buộc chiếc Lassen không được có những hoạt động có thể bị Trung Quốc đáng giá là khiêu khích.
Trả lời phỏng vấn của ban Việt ngữ RFI, Giáo sư chính trị quốc tế Nguyễn Mạnh Hùng thuộc trường Đại học George Mason (Hoa Kỳ), hiện là Chuyên viên Khách mời Cao cấp (visiting senior fellow) của Viên Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, đã phân tích các nguyên do thúc đẩy Mỹ phải cứng rắn với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, nhưng vấn đề là giữa Nhà Trắng với giới Quân đội hay Quốc hội Mỹ, vẫn còn mâu thuẫn trên mức độ các phản ứng cần có.
Sau đây mời quý vị nghe bài phỏng vấn Giáo sư Hùng dành cho RFI.
Mỹ cứng rắn vì Trung Quốc lấn lướt
Nguyễn Mạnh Hùng: Thái độ cứng rắn đó xuất phát từ nhiều lý do.
1) Vì hành động lấn lướt của Trung Quốc. Với những đảo nhân tạo xây trên đá chìm (submerged reefs) hay lúc nổi lúc chìm (low-tide elevations), Trung Quốc không những đã tạo được một thế chiến lược áp đảo ở Biển Đông đối với các nước Đông Nam Á có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc, mà còn đơn phương thay đổi nguyên trạng, vi phạm luật quốc tế và vi phạm ngay cả bản Tuyên bố về quy tắc ứng xử (DOC) mà Trung Quốc đã ký với ASEAN.
2) Vì không hành động là chấp nhận cho Trung Quốc quyền sửa đổi và giải thích luật quốc tế theo ý mình.
3) Để trấn an các đồng minh Thái Bình Dương rằng Mỹ tiếp tục can dự và có khả năng duy trì tự do hàng hải tại vùng biển quan trọng này.
4) Để đối phó với tình trạng chia rẽ của ASEAN và khuynh hướng bỏ giải pháp tập thể để đi tìm giải pháp cá nhân cho quyền lợi an ninh của riêng mình. Thí dụ như trường hợp của Philippines. Trong khi ASEAN muốn đứng trung lập trước cạnh tranh Mỹ-Trung, nhưng Phi, vì thất vọng trước sự bất lực của ASEAN trong vụ Scarborough năm 2012, đã dùng mọi cách để vực dậy liên minh quân sự sẵn có với Mỹ.
Một nước khác là Indonesia - nước lớn nhất trong khối ASEAN - cũng chán cảnh phải đứng chung với tổ chức vừa yếu vừa chia rẽ, đã bàn đến chính sách “hậu-ASEAN”, nhấn mạnh vai trò cường quốc biển của Indonesia trong “tứ trụ Á châu” (Asian fulcrum of four) bao gồm cả Thái Bình Dương lẫn Ấn Độ Dương.
Trong bối cảnh đó, một số nước khác nếu thấy thế Mỹ đang xuống và thế Trung Quốc đang lên trong khu vực, có thể quyết định ngả theo ngay Trung Quốc trước khi quá muộn.
RFI: Có người nói là khi chọn tuần tra đá Xu Bi (Subi Reef), Mỹ đã chọn một cách làm yếu: Đá Xu Bi thuộc diện nửa chìm nửa nổi, trong lúc có tin là chiếc USS Lassen lại áp dụng thủ tục đi qua vô hại. Nhận xét của Giáo sư như thế nào ?
Nguyễn Mạnh Hùng: Có thể có 2 lý do. Thứ nhất, đá Xu Bi chỉ cách đảo Thị Tứ (Thitu) do Philippines kiểm soát 16 hải lý và tranh chấp chính là giữa Trung Quốc và Phi, một đồng minh quân sự của Mỹ, đã cho phép Mỹ sử dụng căn cứ quân sự trên đất mình khi cần thiết.
Thứ hai, Trung Quốc đã xây xong sân bay ở đá Chữ Thập mà chưa xong ở đá Xu Bi. Mỹ làm thế để hy vọng ngăn xây cất thêm, xem ông Tập Cận Bình có giữ lời hứa “không quân sự hóa” trong cuộc họp báo chung với ông Obama tháng 9 ở Washington, DC. hay không.
Đó chỉ là những suy đoán của tôi thôi.
(Về hoạt động của chiếc USS Lassen), trong các tuyên bố chính thức thì đó là hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (Freedom of navigation operations hay FONOPS) và chiến hạm USS Lassen của Mỹ đã đi vào bên trong vùng 12 hải lý của đá Xu Bi để chứng tỏ Mỹ không công nhận quyền lãnh hải của các đảo nhân tạo xây dựng bất hợp pháp.
Theo luật quốc tế thì đá chìm hay lúc nổi lúc chìm không có lãnh hải (territorial sea) 12 hải lý mà chỉ có vùng an toàn 500 thước thôi. Ngoài khu vực 12 hải lý, kể cả trong vùng đặc quyền kinh tế, thương thuyền hay chiến hạm đều có quyền đi lại tự do, kể cả quyền khảo cứu, và thám sát. Chỉ trong vùng lãnh hải, chiến hạm nước ngoài mới phải tuân thủ thủ tục “đi qua vô hại.”
Hạm trưởng chiến hạm USS Lassen cho biết chiến hạm của ông đi vào gần đá Xu Bi khoảng 6 hay 7 hải lý, như vậy là còn xa vùng an toàn 500 thước. Mà theo tiết lộ của những “nguồn tin từ Hải quân, Bộ quốc phòng, và Quốc Hội Mỹ” thì chiến hạm USS Lassen đi vào vùng này theo thủ tục “đi qua vô hại” (innocent passage), được mô tả là “các hệ thống radars kiểm soát phát hỏa đều tắt và không có trực thăng hộ tống", trong khi một máy bay trinh sát hải quân P-8 Poisedon cũng có mặt trong vùng, nhưng “không vượt qua lằn ranh 12 hải lý.”
Câu hỏi đặt ra là nếu không công nhận quyền lãnh hải của đảo nhân tạo, tại sao USS Lassen phải hành động theo thủ tục “đi qua vô hại” khi đi vào trong vùng 12 hải lý của đá Xu Bi ? Điều này có thể bị Trung Quốc hay là người khác giải thích lầm, cho rằng Mỹ mặc nhiên chấp nhận là đảo hay đá đó có 12 hải lý.
Thái độ không cứng rắn đủ đã để lộ mâu thuẫn nội bộ
Điều này còn để lộ ra một điểm khác mà theo tôi là rõ ràng có mâu thuẫn về chính sách Biển Đông giữa Nhà Trắng với Quân đội và môt số nhà lãnh đạo Quốc Hội.
RFI: Mâu thuẫn như Giáo sư vừa nói là như thế nào?
Nguyễn Mạnh Hùng: Mâu thuẫn là Quốc hội bảo vệ rõ rệt quyền tự do hàng hải, nhưng mà trường hợp đi theo kiểu “đi qua vô hại" này là một hành động rất rón rén.
Hiện nay chưa có tuyên bố chính thức, nhưng các nguồn tin được tiết lộ ra đều xuất phát từ Hải quân, từ Bộ Quốc phòng. Và gần đây nhất, ta thấy là sau chuyến “đi qua vô hại” đó, lập tức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã lên hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia, đứng trên đó và lại tuyên bố là Mỹ có thể đi bất cứ nơi nào, vào bất cứ lúc nào để bảo vệ quyền tự do hàng hải.
Về phía quân đội, có rất nhiều áp lực để bắt Tổng thống Obama phải quyết định (cho tàu tiến vào bên trong vùng 12 hải lý) , mà phải chờ nhiều tuần lễ thì ông Obama mới quyết định, nhưng lại ra lệnh cho tàu chiến đi một cách rón rén như vậy.
Có lẽ vì phía Quân đội bất mãn (trước thái độ dè dặt Nhà Trắng) cho nên họ mới leak (tiết lộ) ra những chuyện đó
RFI: Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia cũng lên tàu Theodore Roosevelt: Tín hiệu mạnh từ phía Malaysia ?
Nguyễn Mạnh Hùng: Malaysia trong nhiều năm tháng vừa qua rất rón rén. Nhưng kể từ vụ Trung Quốc xây đá chìm thành đảo nổi, Malaysia bắt đầu lên tiếng mạnh mẽ hơn. Cả Malaysia lẫn Singapore đều ủng hộ quyền tự do hàng hải, tức là gần như gián tiếp ủng hộ Mỹ.
Lần này, Malaysia là Chủ tịch ASEAN, mà ASEAN lại ở trong tình trạng quá yếu. Cuộc họp ở Malaysia giữa các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN với các đối tác trong đó có cả Mỹ lẫn Trung Quốc đã lại thất bại, không ra được thông cáo chung vì có sự bất đồng ý trong đó, mà ASEAN thì muốn có được thông cáo chung thì phải có đồng thuận.
Việc Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia ra hàng không mẫu hạm Mỹ củng là để chứng tỏ là Chủ tịch Đông Nam Á cũng ủng hộ việc này (bảo vệ quyền tự do hàng hải).
RFI: Trong hiệp đấu Mỹ-Trung lần này về Biển Đông, Trung Quốc có vẻ như đang ở trong thế bị động. Có thể nói thế hay không ?
Nguyễn Mạnh Hùng: Đúng nhưng chỉ một phần thôi. Trung Quốc đã khiến cho Mỹ và các nước có liên hệ đã không cản được những “sự đã rồi” (fait accompli) mà Trung Quốc đã làm, nhất là việc xây đá chìm thành đảo nổi tạo thế thương phong áp đảo đối với các nước tranh chấp chủ quyền và lãnh hải với Trung Quốc.
Sự chống đối của một số nước trong khối ASEAN và phản ứng tương đối quyết liệt của Mỹ là một thử thách mới cho Trung Quốc. Dù sao Trung Quốc đã thắng được một keo rồi, bây giờ là lúc ngưng lại chờ cơ hội khác, điều mà Trung Quốc thường làm trong quá khứ.
Triệu chứng rõ ràng là Tập Cận Bình cam kết không quân sự hóa, chỉ trích việc đưa tầu chiến Mỹ vào Biển Đông là hành động quân sự hóa, và tiến hành một chiến dịch thu phục nhân tâm mới (new charm offensive) qua cuộc họp thượng đỉnh Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc và chuyến viếng thăm Việt Nam và Singapore.
Mục đích của họ là vừa hứa hẹn hợp tác hòa bình, vừa mua chuộc kinh tế, vừa chứng tỏ thế đang lên của Trung Quốc, song song với sự bất lực của Mỹ trong việc ngăn chặn thế đang lên ấy và mức khả tín của Mỹ trong cam kết bảo vệ tự do hàng hải.
Có một điều bất lợi cho lý luận pháp lý của Trung Quốc là, cùng lúc ấy, Tòa án Trọng tài Thường trực Quốc tế xác định có quyền thụ lý và ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc ra tòa.
Tuy quyết định này có thể là một bất lợi nhất thời của Trung Quốc, nhưng nó cũng giúp cho Trung Quốc một đường lùi khi cần. Nhưng điều đó không thể kể là một thắng lợi của Mỹ vì nó không phải là kết quả của chính sách Mỹ. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Thủ tướng Israel hội kiến Tổng thống Obama, bàn về vấn đề viện trợ
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hội kiến Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Washington ngày hôm nay để thảo luận về các vấn đề song phương và khu vực cũng như về viện trợ quân sự của Mỹ dành cho đồng minh then chốt ở Trung Đông. Theo dự liệu, ông Netanyahu sẽ yêu cầu được viện trợ 50 tỉ đô la cho thập niên bắt đầu từ năm 2017 để duy trì ưu thế quân sự đối với các nước láng giềng. Thông tín viên Zlatica Hoke của đài VOA tường thuật.
Vài giờ trước khi lên đường sang Mỹ, vị thủ tướng của Israel nói với nội các của ông rằng cuộc hội đàm với Tổng thống Obama sẽ xoay quanh các vấn đề ở Trung Đông, trong đó có Syria và những mối căng thẳng mỗi lúc một tăng giữa Israel với Palestine. Nhưng trọng tâm của chuyến công du của ông là yêu cầu Hoa Kỳ gia tăng viện trợ quân sự cho Israel.
"Tăng cường an ninh của quốc gia Israel là một việc mà Hoa Kỳ luôn có quyết tâm theo đuổi, qua việc duy trì ưu thế về chất lượng của quốc gia Israel trong bối cảnh của một khu vực Trung Đông có nhiều biến đổi và một sự cân bằng lực lượng đang thay đổi."
Dựa theo thoả thuận hiện thời, Israel nhận hơn 3 tỉ đô la viện trợ mỗi năm. Nhưng theo tường thuật của hãng thông tấn Reuters, các nguồn tin ở Quốc hội Mỹ cho biết Israel bây giờ yêu cầu được viện trợ 5 tỉ đô la mỗi năm. Một số các nhà phân tích cho rằng sự gia tăng này nhằm xoa dịu nỗi bất mãn của Israel đối với thoả thuận hạt nhân Iran mà Hoa Kỳ cùng với 5 cường quốc thế giới đã đạt được với Tehran hồi đầu năm nay.
Ông Netanyahu đã làm cho ông Obama tức giận khi ông đến Washington hồi tháng 3 mà không có lời mời hoặc sự chấp thuận của nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, trong một cố gắng nhằm thuyết phục Quốc hội Mỹ bác bỏ thoả thuận này.
Chính phủ của Tổng thống Obama đã công khai bày tỏ sự bất bình đối với việc Israel gây cản trở cho nỗ lực đạt được một giải pháp hai quốc gia.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ John Kirby đã phát biểu như sau.
"Vấn đề chính mà Tổng thống Obama muốn nghe từ Thủ tướng Netanyahu là trong lúc không có các cuộc đàm phán hoà bình, ông ấy muốn làm như thế nào để ngăn chận một giải pháp một quốc gia, ổn định tình hình ở thực địa, và để chứng tỏ là ông ấy có quyết tâm theo đuổi giải pháp hai quốc gia."
Trong khi có mặt tại Washington, Thủ tướng Netanyahu có lẽ cũng phải tìm cách biện minh cho một sự việc là hôm thứ tư vừa qua ông đã quyết định bổ nhiệm ông Ran Baratz giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Ngoại giao Công cộng. Sự bổ nhiệm này chưa được Quốc hội Israel phê chuẩn.
Mới đây, ông Baratz đã dùng Facebook để mô tả Tổng thống Obama là một người có chủ trương bài xích người Do Thái và Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry là một người có đầu óc non nớt như một đứa trẻ 12 tuổi. - VOA
|
|
4.
Bộ trưởng Carter: Hoa Kỳ sẵn sàng hành động thêm ở Syria
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nói rằng nếu Hoa Kỳ phát hiện thêm các nhóm sẵn sàng chiến đấu chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Syria, thì ông và Tổng thống Barack Obama sẵn sàng triển khai thêm quân Mỹ tới đó. Trong khi đó, theo tường thuật của thông tín viên Victor Beattie, một thượng nghị sĩ nổi bật của đảng Dân chủ cho rằng việc phái dưới 50 lính biệt kích tới Syria là không đủ, đồng thời kêu gọi chính quyền Obama phải có một cách tiếp cận toàn diện nhằm đánh bại IS.
Xuất hiện trên chương trình “This Week” của đài truyền hình ABC của Mỹ trong khi có mặt trên hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt tại biển Đông, ông Carter nói rằng điều Hoa Kỳ rút ra kinh nghiệm ở Iraq và Afghanistan rằng điều mấu chốt nhằm giành chiến thắng đó là phải có các lực lượng địa phương có khả năng duy trì hòa bình một khi họ được hỗ trợ giành thắng lợi.
"Những lực lượng đó khó có thể tìm thấy ở Iraq và Syria. Đó là lý do vì sao sẽ mất thêm một thời gian giữa vì chúng ta cần phải giúp phát triển, khuyến khích và tăng cường khả năng cho các lực lượng đó. Điều ta thấy hiện nay là một số lực lượng muốn chiến đấu chống lại IS và đã cho thấy hiệu quả trong việc chiến đấu chống IS, và nếu họ gia tăng số lượng, chúng ta sẽ làm thêm nữa. Nếu chúng ta phát hiện thêm các nhóm sẵn sàng chiến đấu chống lại IS, và họ có khả năng, có lựa chọn, thì chúng ta sẽ thực hiện thêm nữa. Tổng thống đã cho thấy sẵn lòng thực hiện thêm nữa. Tôi dĩ nhiên sẵn sàng đề xuất ông làm thêm nữa, nhưng ta cần phải có các lực lượng địa phương có khả năng. Đó là điểm mấu chốt để duy trì thắng lợi”.
Ông Carter nói thêm rằng con số binh sĩ Mỹ tham gia không phải là điều quan trọng, mà là điều họ làm.
"Họ có các kỹ năng độc đáo, có thể kêu gọi không kích, có thể cấp tin tức tình báo. Vì thế, họ là thành phần cốt cán cho một lực lượng lớn hơn 50 người, nhưng bao gồm những người địa phương.”
Khi được hỏi là liệu Hoa Kỳ có trở lại tham chiến trong khu vực, người đứng đầu Lầu Năm Góc miêu tả IS là một tổ chức tàn ác đang đe dọa an ninh của Mỹ, và ông cũng nói thêm rằng Hoa Kỳ cần phải bảo vệ bản thân. Ông Carter nói rằng Nhà nước Hồi giáo cần phải bị đánh bại, và sẽ bị đánh bại.
Xuất hiện trên một chương trình khác của Mỹ có tên gọi “Meet the Press” của Đài NBC, phó chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, Thượng nghị sĩ Diane Feinstein nói rằng hàng chục lính biệt kích Mỹ không đủ để hoàn thành nhiệm vụ.
"Nếu ta sử dụng lực lượng biệt kích để ‘đánh nhanh, thắng nhanh’ thì ta cần phải thực hiện điều đó với cách thức toàn diện hơn nhằm đánh bại IS. Tổ chức này không chỉ có một cơ sở, một tòa nhà ở Raqqa hay ở một nơi nào đó, mà có ở nhiều nơi khác nhau. Hiện xuất hiện quan điểm cho rằng oanh kích không thôi thì không thể đánh bại IS. Chúng ta đã thực hiện 7 nghìn vụ xuất kích. Các nước khác cũng thực hiện điều đó. Chúng ta đã thực hiện phần lớn các vụ xuất kích, nhưng điều đó vẫn không giúp thay đổi tình thế.”
Bà Feinstein gợi ý phối hợp chiến lược với Nga để đánh bại IS ở Syria.
Trong khi đó, các bản tin của Reuters nói rằng các cuộc không kích với sự dẫn đầu của Mỹ nhắm vào các mục tiêu của IS ở cả Syria lẫn Iraq đã gia tăng trong 8 ngày tính tới ngày 6/11 với gần 60 vụ xuất kích so với chỉ 3 lần trong 8 ngày trước đó.
Hôm thứ Sáu tuần trước, một phát ngôn viên của Lần Năm Góc nói rằng nhiều chiến dịch đồng thời của liên quân đang gây áp lực lên các chiến binh Nhà nước Hồi giáo trên nhiều mặt trận. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Việt Nam sẽ cho phép thành lập các công đoàn độc lập
Việt Nam đồng ý về một loạt biện pháp cải cách lao động, kể cả cho phép thành lập các công đoàn tự do và độc lập, bao gồm quyền đình công, theo Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương-TPP được thoả thuận hồi tháng trước. Toàn văn hiệp định TPP được công bố, phác họa những nhượng bộ mà Việt Nam đã đồng ý trước những đòi hỏi của phía Mỹ.
Hãng tin Reuters hôm 8/11 tường thuật rằng các điều khoản liên quan tới việc này nằm trong một thoả thuận song phương riêng rẽ giữa Washington và Hà Nội, một trong những điều khoản trong hiệp định thương mại khổng lồ bao trùm 12 quốc gia ven Thái Bình Dương.
Reuters dẫn lời ông Tom Malinowski, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động khẳng định với tờ New York Times rằng đây là ‘cơ hội tốt nhất mà Hoa Kỳ có được trong nhiều năm nay để hối thúc cải cách sâu rộng các định chế tại Việt Nam hầu giúp thăng tiến nhân quyền, và điều này chỉ xảy ra nếu TPP được phê chuẩn.’
Việt Nam cam kết sẽ cho phép công nhân được đình công, không những chỉ về lương bổng và giờ giấc làm việc, mà còn về các điều kiện làm việc và những khiếu nại khác nữa.
Theo bản văn của hiệp ước TPP, “Việt Nam sẽ đảm bảo các thủ tục và cơ chế để đăng ký các công đoàn lao động ở cấp cơ sở, phù hợp với các quyền lao động như được ghi trong bản tuyên ngôn của Tổ chức Lao động Quốc tế, kể cả tôn trọng sự minh bạch, thời hạn làm thủ tục và các đòi hỏi đối với thành viên, mà không cần phải xin phép trước”.
Theo thoả thuận, Việt Nam sẽ thông qua các luật để cho phép công nhân thuộc các công ty và lĩnh vực khác nhau liên kết với nhau trong các tổ chức công đoàn để bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Trước đó tờ New York Times nói rằng thoả thuận này có thể dành cho công nhân quyền hạn lớn hơn để mặc cả với giới chủ nhân, nhưng ảnh hưởng của nó sẽ tuỳ thuộc vào cách mà Việt Nam thi hành thoả thuận này.
Theo thoả thuận đi kèm với TPP, ngoài quyền đình công, Việt Nam còn phải cho phép các công đoàn độc lập được yêu cầu sự hỗ trợ của các công đoàn lao động quốc tế.
Có nhiều sự khác biệt lớn giữa các nước tham gia TPP. Nước có GDP cao nhất là Hoa Kỳ với 17,42 nghìn tỉ đôla. Nước có GDP thấp nhất là Brunei với 17,26 tỉ đô la.
Về dân số nước đông dân nhất là Hoa Kỳ với 323 triệu dân, Brunei ít dân nhất với 420.000 người.
GDP tính trên đầu người cao nhất là Brunei, với 72.220 đôla, Việt Nam có GDP tính trên đầu người thấp nhất, là 1.901 đôla. - VOA
|
|
6.
Biến đổi khí hậu đe dọa nhiều thành phố lớn ở Châu Á, kể cả Việt Nam
Nhiều khu vực rộng lớn của Tokyo, Osaka, Shanghai, New York sẽ bị ngập dưới nước dù cho một hội nghị cấp cao về khí hậu có giới hạn sự tăng nhiệt của địa cầu ở mức 2 độ C.
Đó là tuyên bố của nhiều nhà khoa học hôm qua tiếp theo sau một cuộc khảo sát do AFP tường thuật hôm nay.
Nhiệt độ trái đất tăng lên 2 độ C, tức 3,6 độ Fahrenheit, sẽ khiến cho những vùng đất rộng lớn nơi sinh cư của 280 triệu người, bị ngập dưới nước.
Nhiệt độ địa cầu tăng lên 4 độ C, là xu hướng hiện nay nếu không có biện pháp ngăn chận, thì diện tích đất bị ngập dưới nước sẽ tác động tới hơn 600 triệu người.
Riêng tại thủ đô Nhật Bản, 7,5 triệu người, tức 30% cư dân Tokyo, sẽ bị ảnh hưởng nếu mực nước biển dâng cao trong tình huống nhiệt độ địa cầu tăng 4 độ C.
Theo cuộc nghiên cứu này thì nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Trung Quốc. Hiện nay khoảng 145 triệu người sinh sống tại các thành phố Trung Quốc và các vùng duyên hải có nguy cơ bị chìm trong đại dương nếu nhiệt độ quả địa cầu tăng lên 4 độ C.
4 trong số 10 thành phố lớn bị tác động nghiêm trọng nhất là của Trung Quốc: Thượng Hải, Thiên Tân, Hong Kong, và Đài Châu sẽ bị ngập dưới nước.
Bản tin của AFP nói rằng Ấn Độ, Việt Nam và Bangladesh cũng không khá hơn. Theo trang mạng Rediff.com, Hà Nội sẽ nằm trong số các thành phố bị ngập dưới nước cùng với các thành phố Calcutta và Mumbai của Ấn Độ, và Khulna của Bangladesh.
Châu Á là quê hương của 75% dân cư mà ngày nay đang sinh sống tại các khu vực sẽ không còn được coi là đất liền trong tương lai với tác động của biến đổi khí hậu.
Mục tiêu của một hội nghị cấp cao về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc sẽ diễn ra ở Paris từ ngày 30/11 tới ngày 11/12 là giới hạn mức tăng của nhiệt độ quả địa cầu ở mức 2 độ C trên các mức của thời kỳ tiền công nghiệp, hội nghị này sẽ quy tụ 195 quốc gia. - VOA
|
|
7
Câu hỏi về 'Khủng bố ở Little Saigon'
Phóng sự điều tra Khủng bố ở Little Saigon (tiếng Anh: Terror in Little Saigon) mới đây đã lật lại bí ẩn quanh cái chết của năm nhà báo người Việt ở Hoa Kỳ trong thời gian từ 1981 đến 1990.
Chiếu trên đài Mỹ PBS vào đầu tháng 11, đây là sản phẩm của Frontline (chương trình chiếu phim tài liệu điều tra truyền hình lâu đời nhất của Mỹ) và cơ sở truyền thông độc lập ProPublica.
Phim cáo buộc Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam – hay còn gọi là Mặt trận Hoàng Cơ Minh – hoặc chịu trách nhiệm hoặc là nghi can của các vụ giết người mà đến nay chưa có kết luận.
Đảng Việt Tân, vốn xem ông Hoàng Cơ Minh là chủ tịch sáng lập đảng, đã mạnh mẽ phản đối bộ phim.
BBC đã phỏng vấn phóng viên điều tra chính A.C. Thompson.
Ông Hoàng Tứ Duy, phát ngôn nhân của Việt Tân, cũng được mời phản hồi về bình luận của phóng viên A.C. Thompson.
BBC: Đảng Việt Tân đã kêu gọi đài PBS rút lại chương trình “Khủng Bố ở Little Saigon”, và nói Frontline và ProPublica đã “đăng tải những quy kết không căn cứ”. Ông có cho rằng nhóm của mình đã công bằng với họ trong các tường thuật?
A. C. Thompson: Suốt nhiều tháng, chúng tôi tìm cách phỏng vấn ông Hoàng Cơ Định và Nguyễn Kim Huờn, cựu lãnh đạo Mặt Trận mà vẫn còn liên hệ với đảng Việt Tân. Cả hai từ chối phỏng vấn.
Chúng tôi cũng tìm bình luận của những người khác trong đảng nhưng không ai đồng ý.
Tôi đã công bố thông tin thu thập được từ các cuộc nói chuyện với một đại diện của Việt Tân từ lâu trước khi chúng tôi chạy bài và phát bộ phim. Tôi khuyến khích nhóm này phản bác thông tin mà chúng tôi đã chia sẻ. Nhưng họ không làm; thay vì thế, Việt Tân lại ra thông cáo báo chí công kích.
Hoàng Tứ Duy: Nhiều cựu thành viên của Mặt Trận được một người Việt liên lạc. Anh ta nói đang làm việc với một nhà báo viết về các vụ giết nhà báo người Mỹ gốc Việt mà chưa tìm ra thủ phạm. Họ từ chối tham gia phỏng vấn vì họ không liên quan, hoặc họ không có thông tin về nội dung chương trình này.
BBC: Chương trình của ông kết luận Mặt Trận của ông Hoàng Cơ Minh là thủ phạm gây ra cái chết của năm nhà báo?
A. C. Thompson: Điều tra của chúng tôi có cùng kết luận như nhiều người trong FBI: Mặt Trận của ông Hoàng Cơ Minh có thể là thủ phạm của ít nhất vài vụ giết người, tấn công, đe dọa và khủng bố.
Khi chúng tôi xem lại hồ sơ FBI, rõ ràng nhiều người trong nhóm này đã khai với FBI rằng Mặt Trận dính líu một số trong các vụ tội ác đó.
Chúng tôi tìm ra năm nguồn khả tín từng ở trong Mặt Trận. Họ cho thêm thông tin về các vụ này và xác nhận rằng Mặt Trận điều hành một nhóm sát thủ. Đặc biệt, một nhân vật hoàn toàn xác nhận sự dính líu của Mặt Trận trong vụ giết ông Nguyễn Đạm Phong và Dương Trọng Lâm.
Phát biểu không chính thức (off camera), ông Nguyễn Xuân Nghĩa nói ông ấy có mặt trong một cuộc họp của Mặt Trận. Tại đó nhóm này bàn luận việc ám sát một chủ xuất bản ở Quận Cam. Ông Nghĩa nói ông đã thuyết phục họ từ bỏ ý định giết người.
Hoàng Tứ Duy: FBI đã điều tra các vụ giết người này suốt nhiều năm. Theo các tuyên bố chính thức của FBI đăng trên trang web của Frontline, họ kết luận không có đủ bằng chứng để tiếp tục điều tra. Có nghĩa là FBI không tìm thấy lý do để truy tố thành viên nào của Mặt Trận. Lý do đơn giản là vì Mặt Trận không bao giờ có chính sách bạo lực chống lại những người chỉ trích.
Ông Nguyễn Xuân Nghĩa đã nhiều lần phủ nhận lời cáo buộc về bạo hành bất kể nỗ lực của A.C. Thompson cố “dí ông” qua nhiều giờ phỏng vấn. Ấn bản trên web bảo rằng ông Nghĩa, phát biểu khi không quay phim, có biết những cá nhân trong Mặt Trận nghĩ đến chuyện dùng bạo lực. Ông Nguyễn Xuân Nghĩa đã lên tiếng sau đó rằng lời ông đã bị kể lại sai lệch.
Phóng sự cho rằng Mặt Trận đeo đuổi một chính sách dùng bạo lực chống lại giới chỉ trích, nhưng họ chẳng tìm ra hay trưng ra tài liệu nào của Mặt Trận ra lệnh tấn công như vậy.
Tài liệu quảng cáo bảo rằng có năm cựu thành viên Mặt Trận ám chỉ tổ chức này liên can đến vụ sát hại. Nhưng trong số năm người được phỏng vấn, người duy nhất bảo rằng Mặt Trận có dính đến việc sát hại lại là một nguồn ẩn danh. Mặc dù chương trình này không có khả năng xác định tính xác thực của người nói, lời thú nhận của ông ta vẫn được xem là “chứng cớ mới.”
Ông Nguyễn Đăng Khoa tuyên bố rõ trước ống kính là ông không biết gì về K-9. Lời phủ nhận được nghe rõ bằng tiếng Việt nhưng không dịch ra trên màn hình.
Ông Trần Văn Bé Tư chỉ tham gia Mặt Trận một thời gian ngắn và bị trục xuất năm 1984 vì quan điểm của ông quá cực đoan. Các câu trả lời của ông về K-9 là những tuyên bố vô căn cứ của một người chưa hề thuộc về K-9. Thompson hỏi ông ta: “Gia đình Đạm Phong nghĩ là Đạm Phong vì chỉ trích Mặt Trận thế mà bị giết. Điều đó có chính xác đối với ông không?” Câu trả lời của Trần Văn Bé Tư là một lời đồn: “Tôi nghe như thế.”
Ông 'Johnny' Nguyễn Văn Xung liên tục khẳng định ông ta không biết gì về việc Mặt Trận dính líu đến việc sát hại những người chỉ trích.
BBC: Còn những chi tiết gì quanh câu chuyện này mà ông muốn điều tra trong tương lai?
A. C. Thompson: Còn nhiều câu hỏi mà chúng tôi đang cố gắng trả lời. Chúng tôi tin rằng Mặt Trận đứng đằng sau nhiều vụ tội ác này, nhưng chúng tôi không biết ai đã ra lệnh hay ai đã bắn. Chúng tôi cũng cho rằng đã có nhiều tội ác khủng bố (ở Hoa Kỳ nói chung) trong thời kỳ này, từ 1981 đến 1990, mà chưa được báo chí tường thuật.
Nếu ai có thông tin, chúng tôi mong được nói chuyện với họ.
Hoàng Tứ Duy: Xem chương trình này thì thấy rõ là phóng viên chỉ dựa vào những giả thiết không đầy đủ, tin đồn, thông tin không đồng nhất. Ví dụ, phóng viên nói một nguồn “xác nhận” rằng Mặt Trận đứng đằng sau vụ giết ông Dương Trọng Lâm (1981). Ông Thompson có biết rằng Mặt Trận chỉ bắt đầu hoạt động ở Mỹ một năm sau khi ông Lâm bị giết?
A. C. Thompson: Theo ông Đỗ Thông Minh, một trong những người sáng lập Mặt Trận, nhóm này thành lập năm 1980. Họ không thông báo rình rang cho mãi đến 1982, nhưng ngay cả tài liệu tuyên truyền của Mặt Trận thời kỳ đó cũng cho thấy nhóm đã hoạt động vào năm 1981.
Mặt Trận đã nói dối về cái chết của lãnh đạo của họ suốt 14 năm. Nay Việt Tân cũng định viết lại lịch sử.
BBC: Ông nghĩ gì về đảng Việt Tân hiện nay? Họ có nên xin lỗi về quá khứ?
A. C. Thompson: Tôi kính phục (admire) công việc họ đang làm đại diện cho các blogger và những người khác muốn tự do ngôn luận ở Việt Nam.
Nhưng rõ ràng đảng này có liên hệ với Mặt trận Hoàng Cơ Minh, một tổ chức không tôn trọng báo chí là mấy.
Hoàng Tứ Duy: Là một thành viên Việt Tân, chúng tôi rất hãnh diện về ông Hoàng Cơ Minh và các chiến hữu đi trước. Chúng tôi đang đi tiếp con đường đấu tranh cho một đất nước Việt Nam thật sự nhân bản, thật sự tự do. - BBC
No comments:
Post a Comment