Friday, November 20, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 20/11

Tin Thế Giới

1.
Mali: Hơn 170 du khách bị bắt làm con tin trong một khách sạn ở Bamako --- Toàn bộ con tin được giải thoát

Một tuần sau loạt khủng bố đẫm máu tại Paris, vào sáng sớm hôm nay, 20/11/2015, một nhóm người có vũ trang đã tấn công vào khách sạn Radisson Blu, thủ đô Bamako của Mali, bắt giữ 170 du khách, đa số là người nước ngoài, làm con tin.

Theo một quan chức Mali, được AFP trích dẫn, trong buổi sáng, lực lượng an ninh đã tấn công một đợt, bắn hạ được ít nhất 3 kẻ khủng bố và cứu được khoảng một chục con tin.

Đến trưa nay, an ninh Mali quyết định tấn công đợt thứ hai, giải cứu được khoảng 80 con tin, nhưng những kẻ khủng bố vẫn cố thủ bên trong khách sạn và chống trả quyết liệt.

Chưa có thông tin đầy đủ về quốc tịch các du khách bị bắt làm con tin trong khách sạn, trong số này có khoảng 12 nhân viên của hãng hàng không Air France, 6 nhân viên hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ Turkish Airlines, 7 du khách Trung Quốc. Phía Air France cho biết các nhân viên của họ đã được đưa đến một chỗ an toàn.

Tổng thống Pháp François Hollande kêu gọi công dân Pháp đang có mặt tại những "nước nhậy cảm", cần phải thận trọng và cảnh giác. Đồng thời, Bộ Nội vụ Pháp thông báo đã điều khoảng bốn chục lính đặc nhiệm của Hiến binh – GIGN - sang trợ giúp an ninh Mali. - RFI

***
Lực lượng đặc biệt của Mali vừa xông vào khách sạn Radisson Blu Hotel tại thủ đô Bamako và đã giải thoát được tòan bộ 170 con tin bị các tay súng bắt giữ.

Còn chưa rõ vụ này có liên hệ với các vụ tấn công tại Paris cách đây một tuần khiến ít nhất 130 người thiệt mạng. 

Các tay súng vừa xông vào vừa nổ súng và hô lớn "Thượng đế vĩ đại!" bằng tiếng Ả Rập, các nhân chứng cho biết.

Các viên chức Mali cho biết 30 con tin đã được giải cứu. Truyền hình nhà nước trước đó đưa con số lên tới 80 người.

Ba người bị bắn chết và hai binh lính bị thương các viên chức nói.

Bộ trưởng Nội vụ Salif Traore cho biết tính mạng của các binh lính này không trong tình trạng nguy hiểm.

Khách sạn thuộc chủ là người Mỹ vốn được các thương gia và nhân viên hàng không ngoại quốc ưa chuộng.

Bộ Quốc phòng Mỹ nói với BBC rằng lực lượng đặc biệt của Mỹ hiện "đang trợ giúp các nỗ lực giải thoát con tin".

Một viên chức Mỹ cho biết khoảng 25 nhân viên quân đội đã có mặt tại Bamako vào thời điểm xảy ra vụ tấn công vào khách sạn và một số nhân viên này đã giúp "đưa dân thường vào các địa điểm an toàn, trong khi lực lượng Mali đẩy lùi các tay súng đầy hung hăng ra khỏi khách sạn".

Bộ Quốc phòng Pháp cho biết lực lượng đặc biệt của họ cũng có mặt tại khách sạn này.

Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc (LHQ) nói họ cũng đang hỗ trợ hoạt động này trong khi lực lượng Mali giải cứu con tin "từ lầu này sang lầu khác."

"Chúng tôi đã chặn mọi ngả ra vào khách sạn, vì vậy đảm bảo rằng không một kẻ bắt giữ con tin nào có thể trốn thoát," Bộ trưởng Nội vụ nói với phóng viên đang tụ tập bên ngoài khách sạn Radisson Blu.

Nhóm khách sạn Radisson Blu đã lập các đường dây điện thoại đặc biệt cho các gia đình có thân nhân bị ảnh hưởng. Người ta nói là 125 khách và 13 nhân viên hiện vẫn đang kẹt bên trong khách sạn.

Hãng hàng không Pháp Air France cho biết 12 nhân viên của họ đã được giải cứu. Hàng không Thổ Nhĩ Kỳ cho biết năm nhân viên của họ cũng đã thoát ra ngoài nhưng còn hai người vẫn kẹt bên trong.

Hai mươi người Ấn Độ có mặt rải rác trong khách sạn nhưng đều được an toàn, theo tòa đại sứ Ấn Độ tại Mali cho biết trong khi đài truyền hình nhà nước Trung Quốc đưa tin bốn trong số 10 công dân Trung Quốc bị kẹt trong vụ tấn công nay đã được giải cứu.

Ngoại trưởng Algeria, ông Ramtane Lamamra, được hãng thông tấn nhà nước APS trích thuật nói rằng bảy người Algeria ở khách sạn đã được giải thoát.

Một khách người Bờ biển Ngà cho biết bà và sáu người khác đã được lực lượng an ninh đưa ra khỏi đây khi các tay súng xông vào “tầng năm hoặc tầng sáu”.

Trước đó một nguồn tin an ninh nói với hãng Reuters rằng một vài con tin có thể đọc các câu trong kinh Koran đã được thả tự do. - BBC
|
|

2.
Trung Quốc giết 28 kẻ ‘khủng bố’ ở Tân Cương

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết các lực lượng an ninh đã giết chết 28 “phần tử khủng bố” trong một cuộc truy lùng kéo dài một tuần để tìm những người đã thực hiện cuộc tấn công gây tử vong tại một mỏ than ở khu vực Tân Cương bị chia rẽ sắc tộc.

Các bản tin phổ biến hôm thứ Sáu là lần đầu tiên có sự xác nhận chính thức vụ tấn công đẫm máu hôm 18/9 nhắm vào một mỏ than tại quận Aksu, mà theo các giới chức đã làm 16 người thiệt mạng, kể cả 5 nhân viên cảnh sát.

Tiếp theo sau vụ tấn công, các hung thủ đã chạy vào các ngọn núi gần đấy, phát động một cuộc truy lùng quy mô kéo dài 56 ngày, và có sự tiếp tay của khoảng 10.000 người, theo các giới chức địa phương.

Theo Tân Hoa Xã thì các lực lượng an ninh cuối cùng đã ‘phá vỡ băng đảng khủng bố’, giết chết 28 người. Tin này cho biết có 1 thành viên của nhóm này bị bắt.

Theo chính quyền địa phương ở Tân Cương thì nhóm này hoạt động ‘dưới quyền chỉ huy trực tiếp của một nhóm cực đoan ở nước ngoài’ do hai người mang tên tương tự như tên của người Uighur.

Trung Quốc nói họ đang chiến đấu chống một phong trào ly khai ở Tân Cương được nước ngoài hậu thuẫn. Tân Cương là nơi có cư dân đa số là người Hồi giáo, nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và từ lâu vẫn than phiền là bị đàn áp về mặt văn hóa và tôn giáo.

Khu vực này đã chứng kiến một làn sóng bất ổn trong mấy năm gần đây. Nhiều cuộc tấn công thoạt đầu nhắm vào các mục tiêu chính quyền hoặc an ninh, nhưng càng ngày càng nhắm nhiều hơn vào thường dân vô tội.

Bắc Kinh đã ém nhẹm thông tin về bạo lực ở Tân Cương, kể cả vụ tấn công hầm mỏ hồi tháng 9, vụ này đã được truyền thông nước ngoài tường trình, nhưng không được đề cập đến trong báo chí của nhà nước Trung Quốc.

Đài Á Châu Tự do do chính phủ Mỹ tài trợ tường thuật rằng có ít nhất 50 người thiệt mạng trong sự cố này.

Các nhóm bênh vực nhân quyền của người Uighur sống lưu vong, thường đặt nghi vấn về những tuyên bố của Trung Quốc về tình trạng bạo lực ở Tân Cương, chưa đưa ra phản ứng trước những tuyên bố mới nhất của Bắc Kinh. - VOA
|
|

3.
Nhà nước Hồi Giáo có thể sẽ sử dụng vũ khí hóa học

Các giới chức Tây phương cũng như các đồng minh tại Trung Đông, đang tìm cách theo dõi sát sự kiện có thể là một chương trình đầy tham vọng và đang được phát triển về vũ khí hóa học của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo.

Hôm thứ Năm, Thủ tướng Pháp Manuel Valls đưa ra lời cảnh báo mới nhất sau những vụ tấn công khủng bố vào Paris làm ít nhất 129 người thiệt mạng.

Ông Valls nói với quốc hội Pháp: “Chúng ta biết và ghi nhớ rằng có nguy cơ về vũ khí hóa học hay vũ khí vi trùng. Chúng ta không nên loại trừ chuyện gì cả”.

Cảnh báo từ người Kurd

Cho đến nay, các giới chức người Kurd là những người đã lên tiếng lớn nhất về những quan ngại. Các giới chức này nhiều lần cáo buộc các chiến binh Nhà nước Hồi giáo tìm cách sử dụng vũ khí hóa học tại Iraq và Syria.

Trong một cuộc phỏng vấn với Đài VOA, Giám đốc Cơ quan Tình báo của Chính phủ Vùng Kurdistan, ông Lahur Talabani, nói: “Họ có những phòng thí nghiệm tại Mosul và Raqqa và đang bận rộn chế tạo vũ khí hóa học”.

Ông Talabani nói tiếp: “Nếu họ có một loại vũ khí hóa học tiên tiến, thì mọi sự sẽ còn tồi tệ hơn hiện nay”.

Trong khi quan ngại về việc Nhà nước Hồi giáo tích cực theo đuổi các loại vũ khí sát thương, các giới chức Hoa Kỳ tỏ ra dè dặt hơn về khả năng thực sự của Nhà nước Hồi giáo.

Một giới chức chống khủng bố Mỹ nói với Đài VOA: “Sẽ không có gì lạ nếu Nhà nước Hồi giáo có khả năng chế tạo được một số vũ khí căn cứ trên chất chlorine thô, sử dụng những chất liệu thông thường và có sẵn. Tuy vậy, vẫn còn một chặng đường dài giữa loại vũ khí thô sơ như vậy với một chương trình vũ khí hóa học thực sự”.

Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ nói ít nhất vào lúc này, “không có tin tức được xác nhận hay có thể dựa vào để hành động” liên hệ đến việc nhóm khủng bố này theo đuổi một chương trình vũ khí hóa học hay sinh học.

Thiếu tá James Brindle nói: “Chúng tôi vẫn luôn quan tâm đến việc Nhà nước Hồi giáo chú trọng và có ý định có được bất cứ loại vũ khí nào, hóa học, sinh học hay phóng xạ. Chúng tôi đang tiếp tục điều tra rất chặt chẽ tất cả những cáo buộc này và cảnh giác về mối đe dọa sử dụng vũ khí hóa học hay những loại vũ khí tương tự”.

Lo ngại của Tổ chức Cấm Sử dụng Vũ khí Hóa học

Trước đây trong tháng, Tổ chức Cấm Sử dụng Vũ khí Hóa học kết luận là vũ khí hóa học đã được sử dụng trong các cuộc giao tranh hồi tháng Tám với sự can dự của Nhà nước Hồi giáo tại Marea, phía bắc Aleppo, Syria.

Báo cáo cho biết: “Toán điều tra có thể xác nhận được với sự tin tưởng tuyệt đối là ít nhất có hai người bị nhiễm khí lưu huỳnh mù tạt. Thêm vào đó có rất nhiều phần chắc là ảnh hưởng của chất lưu huỳnh mù tạt đã đưa đến cái chết của một em nhỏ”.

Nhưng Tổ chức Cấm Sử dụng Vũ khí Hóa học không giải quyết được vấn đề là bên nào chịu tránh nhiệm trong vụ này.

Mới tháng trước, các giới chức người Kurd cho hay xét nghiệm máu của các chiến binh Peshmerga chiến đấu chống Nhà nước Hồi giáo ở gần Irbil vào tháng 8 năm nay cho thấy bằng chứng họ bị nhiễm khí lưu huỳnh mù tạt do đạn súng cối bắn ra có chứa hóa chất này.

Quân đội Hoa Kỳ cũng đang điều tra về những cáo buộc là Nhà nước Hồi giáo tấn công bằng vũ khí hóa học vào các chiến binh Peshmerga người Kurd gần Makhmur vào ngày 11 tháng 8 năm nay.

Chuẩn tướng Kevin Killea thuộc Lực lượng Đặc nhiệm Hành quân Hỗn hợp Quyết tâm Sẵn có, nói vào lúc đó các mẫu này được các chiến binh Peshmerga gởi đến một “phòng thí nhiệm có uy tín, một phòng thí nghiệm quốc tế để phân tách lần cuối cùng”.

Ông Killea cũng tìm cách hạ giảm những lo ngại về việc liệu các lực lượng Mỹ trong vùng có sẵn sàng ứng phó với việc Nhà nước Hồi giáo sử dụng vũ khí hóa học hay không.

Ông nói với các phóng viên tại Ngũ Giác Đài rằng: “Việc huấn luyện trước khi điều động mà tất cả các binh sĩ phải trải qua chuẩn bị cho họ đối phó với các tình huống xấu nhất có thể tưởng tượng được trong trường hợp các loại vũ khí hóa học, sinh học hay phóng xạ được sử dụng”.

Ông Killea nói thêm: “Chúng ta chỉ cần theo dõi tình hình và đánh giá các mối đe dọa, và giải quyết những đe dọa này tùy theo mức độ mối đe dọa có thể thay đổi hay không”. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Tổng thống Obama tới Malaysia tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN --- Cảnh sát Malaysia: Có tin đe dọa khủng bố nhắm vào Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN

Tổng thống Mỹ Barack Obama đang ở Malaysia để cùng các nhà lãnh đạo trong khu vực bàn thảo các vấn đề tập trung vào kinh tế, khủng bố và tranh chấp lãnh thổ.

Ông Obama tới Kuala Lumpur hôm thứ Sáu để tham gia với các nhà lãnh đạo của 10 nước thành viên Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á và các nhà lãnh đạo thế giới khác tại một hội nghị thượng đỉnh thứ 2 cùng được tổ chức thường niên.

Hiểm họa khủng bố

An ninh đã được nới rộng trên toàn Kuala Lumpur trong lúc có các báo cáo về hiểm họa khủng bố của nhóm Nhà nước Hồi Giáo đã tiến hành các vụ tấn công ở Paris hồi tuần trước.

Người đứng đầu ngành cảnh sát của Malaysia, ông Khalid Abu Bakar, nói hôm thứ Sáu rằng các báo cáo đó không được khẳng định chắc chắn nhưng các giới chức đã nhấn mạnh rằng hàng nghìn quân đội đã được đặt vào vị trí hoặc chờ hành động.

Hầu hết những người tham gia hội nghị thượng đỉnh ASEAN đến từ Philippines nơi họ đã tham dự cuộc họp thường niên của diễn đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á-Thái Bình Dương APEC.

Cả hai cuộc họp, chủ yếu tập trung vào các vấn đề kinh tế, đã bị phần nào che phủ bởi những nỗ lực toàn cầu để chống khủng bố theo sau các cuộc tấn công ở Paris làm 129 người thiệt mạng.

Tổng thống Obama tiếp xúc lãnh đạo trẻ khu vực

Ngay sau khi tới thủ đô Malaysia, tổng thống Obama đã chủ trì một cuộc họp với đông đảo quần chúng nơi ông kêu gọi những nhà lãnh đạo trẻ châu Á không chấp nhận khủng bố và theo đuổi sự khoan dung.

Trong phần hỏi và trả lời, ông Obama cũng đã nói rằng ông sẽ “chắc chắn” đưa ra vấn đề nhân quyền và tham nhũng khi gặp mặt với thủ tướng Malaysia Najib Razak vào thứ Sáu.

Trong một vài năm qua, một con số gia tăng những nhân vật chống đối và những người chỉ trích chính phủ đã bị bắt giữ với nhiều tội danh chống nhà nước. Ông Najib đã phải đối mặt với áp lực từ chức theo sau các cáo buộc rằng ông đã nhận 700 triệu đôla vào tài khoản cá nhân từ quỹ đầu tư của chính phủ.

Tranh chấp biển Đông

Như những gì mà ông đã làm ở Manila, tổng thống Obama sẽ dùng hội nghị thượng đỉnh ASEAN để đưa ra vấn đề tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc với các nước láng giềng, theo các giới chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết.

Ông Obama tuần này đã kêu gọi Trung Quốc ngừng việc xây dựng gây tranh cãi các đảo nhân tạo trong các khu vực trên biển Đông cũng được các nước khác tuyên bố chủ quyền.

Các tuyên bố hầu hết biển Đông của Trung Quốc chồng lấn với một số nước láng giềng của Đông Nam Á, trong đó nổi trội là Philippines và Việt Nam.

Bắc Kinh phản đối đưa vấn đề này ra các diễn đàn khu vực như vậy, mà thay vào đó muốn giải quyết riêng lẻ với từng nước tuyên bố chủ quyền – một tình thế cho phép Trung Quốc có sức mạnh thương thuyết lớn hơn. - VOA

***
Quân đội Malaysia cho hay hơn 2.000 binh sĩ được bố trí ở Kuala Lumpur và thêm 2.500 binh sĩ khác đang ở tư thế chuẩn bị, để bảo vệ các cuộc họp thượng đỉnh sau khi có tin tuy chưa được xác nhận về mối đe dọa khủng bố.

Bên ngoài Trung tâm Hội nghị Kuala Lumpur, địa điểm chính của cuộc họp thượng đỉnh, cảnh sát đang được bố trí cùng với binh sĩ nhảy dù của Malaysia trang bị bằng súng trường M4.

Bên trong trung tâm hội nghị hôm thứ Sáu, tại cuộc họp báo về những gì các đại biểu ASEAN đã thảo luận cho đến nay trong các cuộc họp, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman không đề cập đến khủng bố và cũng không nhận trả lời câu hỏi nào.

Đáp lại một câu hỏi của VOA sau khi rời khỏi phòng hội nghị, ông Anifah nói: “Việc đó sẽ được các bộ trưởng đưa ra thảo luận vào ngày mai”.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, một trong 18 nhà lãnh đạo dự kiến sẽ dự các cuộc họp, đã đến Malaysia chiều thứ Sáu sau chuyến bay từ Manila nơi ông dự hội nghị thượng đỉnh APEC.

Trong một thông cáo, Tổng giám đốc cảnh sát Malaysia Khalid Abu Bakar nói: “Đã có tin tức về các mối đe dọa khủng bố có thể có ở Malaysia. Tôi muốn nhấn mạnh rằng tin tức này còn phải được kiểm chứng”.

Thông cáo được công bố sau khi cảnh sát xác nhận họ đã phổ biến một cảnh báo về một cuộc họp hôm Chủ nhật tuần trước ở tỉnh Sulu miền nam Philippines giữa các thành phần của cái được gọi là Nhà nước Hồi giáo, nhóm khủng bố Abu Sayyaf, và Mặt trận Giải phóng Dân tộc Moro.

Thông cáo do cảnh sát ở Sabah, Malaysia công bố, nói rằng các phần tử chủ chiến đã phái các tay đánh bom tự sát đến Sabah và Kuala Lumpur.

Ngoài Tổng thống Obama, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Nga nằm trong số những người dự trù mở các cuộc thảo luận với các nguyên thủ quốc gia của 10 nước thành viên ASEAN, và Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon.

Tại Malaysia, nơi đa số dân theo Hồi giáo, phong trào thánh chiến của phe chủ chiến đã phát triển từ mấy chục năm, theo lời các chuyên gia phân tích.

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia, ông Hishammuddin Hussein hôm thứ Hai đã nêu ra những mối quan ngại ngày càng nhiều về các phần tử chủ chiến trong khu vực.

Ông nói: “Tôi nhìn thấy một số khu vực trong vùng này không được quản lý tốt, đặc biệt tốt, nhất là miền nam Thái Lan và miền nam Philippines, chưa kể việc dân chúng các nước đi lại tự do và chuyển lậu vũ khí. Đây là những vấn đề cần phải xem xét nghiêm túc dựa vào những diễn biến mới đây ở châu Âu và Trung Đông”.

Đảo Jolo của Philippines nằm trong bán đảo Sulu ở đông bắc tỉnh Sabah của Malaysia, là một cứ địa của nhóm Abu Sayyaf, khét tiếng về những vụ đánh bom và bắt cóc người nước ngoài đòi tiền chuộc.

Vào lúc khai mạc cuộc họp thượng đỉnh về Kinh doanh và Đầu tư của ASEAN hôm thứ Sáu, Thủ tướng Malaysia Najib Razak tuyên bố: “Ngày mai tôi sẽ bàn về một số các mối đe dọa, những gì đã xảy ra ở Paris và chính công dân Malaysia của chúng ta là Bernard Then đã bị sát hại một cách tàn khốc nhất”.

Giới hữu trách ở đảo Jolo nói một cái đầu bị chặt bỏ trong một cái bao trước trạm cảnh sát ở đó hôm thứ Ba sau khi nhóm Abu Sayysaf nhận là đã chặt đầu ông Then, một kỹ sư điện đã bị bắt cóc ở Sandakan, Sabah, hồi tháng 5.

Trong lời mở đầu ngắn gọn tại cuộc họp hôm thứ Sáu của Hội đồng Cộng đồng Chính trị An ninh ASEAN, Ngoại trưởng Anifah nói: “Chúng đã cho thấy rõ ràng sự hiện diện của chúng trong vùng này và mối nguy hiểm nghiêm trọng mà chúng đề ra”.

Trước đó trong tuần, giới hữu trách Malaysia cho hay họ đã gia tăng gấp đôi các biện pháp an ninh cho các sự kiện ASEAN tiếp theo những vụ đánh bom và nổ súng của các phần tử khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Paris.

Cuộc chiến chống khủng bố trong khu vực đang chiếm một chỗ nổi bật hơn trong nghị trình thảo luận của các nhà lãnh đạo ở đây, cũng như tại các cuộc họp của khối G-10 và APEC trong tuần vừa qua. - VOA
|
|

5.
QH Mỹ chặn kế hoạch nhận người tị nạn từ Iraq và Syria của TT Obama

Hạ viện Hoa Kỳ do đảng Cộng hòa kiểm soát đã biểu quyết ngừng kế hoạch của Tổng thống Barack Obama nhằm tái định cư 10.000 người tị nạn từ Iraq và Syria vào Mỹ vào năm tới, nhưng tổng thống hứa sẽ phủ quyết biện pháp này nếu được thông qua ở Thượng viện.

Đa số áp đảo các thành viên đảng Cộng hòa và một nhóm khá lớn các đồng sự trong đảng Dân chủ của ông Obama đã biểu quyết (với 289 phiếu thuận và 137 phiếu chống) để áp đặt việc kiểm tra nghiêm ngặt hơn đối với những người Iraq và Syria vào Mỹ.

Số phận của dự luật này ở Thượng viện còn chưa biết thế nào nhưng dường như một cuộc chiến đã âm ỉ.

Nghị sĩ Harry Reid thuộc đảng Dân chủ nói:

“Thành thật mà nói, tôi thấy thất vọng bởi sự gieo rắc sợ hãi và thành kiến của phía Cộng hòa. Chúng ta không thể lặp lại những ngày đen tối của thập niên 1930 khi nhiều người Mỹ kiên quyết chối bỏ những người tị nạn tuyệt vọng đang trốn chạy phát xít Đức và Adolph Hitler”.

Nghị sĩ Ted Cruz của đảng Cộng hòa, một ứng cử viên tổng thống, đã phản bác lại đồng sự bên đảng Dân chủ.

“Nhưng họ đang ủng hộ một chính sách đem hàng chục nghìn người tị nạn Hồi Giáo Syria vào đất nước này khi biết chắc rằng chúng ta không thể kiểm tra họ để xác định xem ai đến đây để tham gia cuộc thánh chiến”.

Tổng thống Obama nói những người tị nạn phải trải qua một quá trình kiểm tra nghiêm ngặt trước khi được phép vào Mỹ.

Ông Obama nói quan niệm cho rằng có thể họ là một hiểm họa lớn hơn so với những người khách du lịch đổ vào Mỹ hàng ngày là không “phù hợp với thực tế”. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
ASEAN đồng thanh quan ngại về tranh chấp Biển Đông --- TQ tuyên bố ‘tự chế’ khi đối mặt với tàu chiến Mỹ ở Biển Đông

Ngoại trưởng các nước Đông Nam Á đồng thanh lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc về diễn tiến tình hình Biển Đông, nơi các công trình xây đảo nhân tạo của Trung Quốc đang thổi bùng căng thẳng với các nước có tranh chấp bao gồm Việt Nam.

Lãnh đạo 10 nước ASEAN cùng nguyên thủ 9 nước khác trên thế giới kể cả Hoa Kỳ đang họp tại Malaysia thảo luận về hợp tác kinh tế - thương mại và vấn đề Biển Đông là một điểm nhấn gây chú ý trong nghị trình làm việc.

AP thuật lời Ngoại trưởng nước chủ nhà Malaysia hôm nay cho hay Ngoại trưởng các nước cùng nhắc lại lời kêu gọi thành lập một bộ quy tắc ứng xử Biển Đông hữu hiệu để quản lý cách hành xử trong khu vực tranh chấp.

Ông Anifah Aman cho biết thêm rằng ASEAN cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, và tự do hàng hải trên Biển Đông.

Phát biểu với AP hôm nay, Tổng thư ký ASEAN, Lê Lương Minh, nói ‘Bộ tuyên bố ứng xử Biển Đông chưa từng được thực thi đầy đủ và hiệu quả và đó là lý do vì sao chúng ta cần một thỏa thuận mới mang tính ràng buộc pháp lý.’

Vẫn theo lời ông Minh, thỏa thuận đó không chỉ ngăn ngừa mà còn có thể giúp xử lý các sự cố như những gì đang diễn ra hiện nay. Dù không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng ông Minh ngụ ý nhắc tới các hoạt động xây dựng của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Cuối tuần này, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có các cuộc thảo luận với lãnh đạo 10 nước ASEAN trước khi tham dự Thượng đỉnh Đông Á bao gồm Trung Quốc.

Các giới chức an ninh Hoa Kỳ cho hay Biển Đông là một trọng tâm trong nghị trình công du Châu Á lần này của ông Obama. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng dự kiến sẽ nêu vấn đề Biển Đông tại thượng đỉnh Đông Á lần này.

Chủ tịch Trung Quốc có thể né tránh vấn đề Biển Đông tại thượng đỉnh APEC ở Manila trong tuần, nhưng Thủ tướng Trung Quốc dự kiến sẽ gặp khó khăn hơn tại thượng đỉnh ở Kuala Lumpur vào cuối tuần, theo phân tích của tờ IBB Times. - VOA

***
Chỉ huy hàng đầu của hải quân Trung Quốc tuyên bố lực lượng nước này đã ‘hết sức tự chế’ khi đối mặt trước ‘các hành động khiêu khích của Mỹ ở Biển Đông’, đồng thời cảnh báo rằng Bắc Kinh sẵn sàng ứng phó với các hành động tái diễn xâm phạm chủ quyền Trung Quốc tại đây.

Trang web Bộ quốc phòng Trung Quốc tối thứ Năm dẫn phát biểu của Đô đốc Ngô Thắng Lợi cho biết hải quân của Bắc Kinh theo sát mọi động thái khiêu khích của Hoa Kỳ và đã nhiều lần ra cảnh báo trong khi duy trì tự chế tối đa nhằm bảo đảm tình hình chung của mối bang giao Mỹ-Trung.

Tư lệnh hải quân Trung Quốc nói: "Nếu Hoa Kỳ lặp lại các hành động khiêu khích bất chấp phản đối của Bắc Kinh, chúng tôi có khả năng bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia".

Phát biểu của ông Ngô được đưa ra trong cuộc họp với Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Đô đốc Scott Swift, tại Bắc Kinh hôm 19/11.

Trong một nỗ lực được xem là cảnh cáo hành động của Mỹ, Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm nay loan báo hải quân của họ vừa thực hiện các cuộc diễn tập chống tàu ngầm ở Biển Đông với sự tham gia của các tàu ngầm, tàu chiến, và trực thăng.

Các cuộc diễn tập kiểu này của Trung Quốc cũng thường diễn ra, tuy nhiên, Bắc Kinh không cho biết rõ thời gian và địa điểm cụ thể của sự kiện vừa nói. - VOA
|
|

7.
HRW: Việt Nam tăng cường đàn áp đối kháng bất chấp cam kết TPP

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi Mỹ và các nước trong Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đẩy mạnh sức ép ngăn Việt Nam thông qua các dự thảo luật tiếp tục vi phạm nhân quyền.

Trong thông cáo báo chí vừa ban hành, Human Rights Watch khuyến cáo bất chấp những cam kết TPP, Việt Nam đang tăng cường các biện pháp đàn áp những tiếng nói bất đồng với các điều luật hà khắc mới được đề xuất.

Cảnh báo được đưa ra sau khi Bộ trưởng Công an Việt Nam tháng này báo cáo Quốc hội ‘ngành công an đã tiếp nhận, bắt giữ, xử lý 1.410 vụ và 2.680 đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia’ tính từ giữa năm 2012 đến nay.

Tướng Trần Đại Quang nói trong cùng thời gian này, các ‘đối tượng chống đối đã lập hơn 60 hội nhóm bất hợp pháp dưới danh nghĩa dân chủ - nhân quyền với khoảng 350 đối tượng tham gia ở 50 tỉnh thành’.

Human Rights Watch nói loan báo của chính phủ Việt Nam thừa nhận việc ngắm mục tiêu các nhóm hoạt động bảo vệ dân chủ-nhân quyền ‘gây quan ngại sâu sắc’ và chứng tỏ Hà Nội đã lạm dụng quá mức các điều luật về an ninh quốc gia.

Quốc hội Việt Nam đang xem xét dự thảo sửa đổi Bộ Luật hình sự và Bộ Luật tố tụng hình sự, với một số điều bổ sung dường như nhắm vào các nhà hoạt động và những tiếng nói chỉ trích nhà nước, theo nhận xét của Human Rights Watch.

Trong các điều luật mới được đề xuất, điều 109 (thay cho điều 79 trước đây), điều 117 (thay cho điều 88) và điều 118 (thay thế điều 89) đều có thêm nội dung rằng ‘người chuẩn bị phạm tội này sẽ bị phạt từ một đến năm năm tù’.

Human Rights Watch nói: "Thay vì loại bỏ các điều luật vốn đã hà khắc, thì chính phủ lại đề xuất các chế tài trừng phạt còn nặng nề hơn đối với những người hoạt động nhân quyền và các blogger".

Việt Nam lâu nay bị các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế lên án là dùng những điều luật mơ hồ về an ninh quốc gia để bịt miệng giới bất đồng chính kiến. Trong đó, điều 79 ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’, điều 88 ‘tuyên truyền chống phá nhà nước’, và điều 258 ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước’ được sử dụng nhiều nhất với hàng loạt các bản án gây chú ý công luận quốc tế dành cho các blogger và giới trí thức.

Ngoài ra, những người bất đồng chính kiến tại Việt Nam cũng thường bị xét xử về các tội danh như ‘gây rối trật tự công cộng’ và ‘trốn thuế’ sau các hoạt động thể hiện quan điểm ôn hòa bị nhà nước xem là ‘chống đối’.

Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, với cáo buộc ‘vi phạm các điều luật về an ninh quốc gia’, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ tùy tiện rất nhiều công dân, giam cầm dài hạn không qua xét xử, không cho họ được hỗ trợ pháp lý, thăm nuôi hay chăm sóc y tế đầy đủ.

Human Rights Watch kêu gọi làm rõ tình trạng từng người trong hơn 2600 tù nhân bị xử lý mà Bộ trưởng Công an Việt Nam vừa công bố.

Phó Giám đốc Ban Á Châu của Human Rights Watch, ông Phil Robertson, nói với VOA Việt ngữ:

"Có rất nhiều điều luật ở Việt Nam vi phạm các cam kết của chính Hà Nội về việc tôn trọng các chuẩn mực nhân quyền quốc tế. Các nước viện trợ cho Việt Nam phải áp lực mạnh mẽ hơn nữa buộc nhà cầm quyền Hà Nội phải làm đúng theo những gì đã hứa".

Ông Robertson nhấn mạnh:

"Nhiều điều luật của Việt Nam cần phải được cộng đồng quốc tế đặt vấn đề và đòi hỏi phải thay đổi. Chúng ta sẽ không thấy tiến bộ về nhân quyền Việt Nam trừ phi có nỗ lực kết hợp chặt chẽ từ thế giới".

Năm ngoái và năm nay, giữa quá trình thương thảo Hiệp định TPP, Việt Nam đã phóng thích 14 nhà hoạt động và blogger dưới sức ép của Mỹ. Tuy nhiên, vẫn theo Human Rights Watch, vẫn còn nhiều người khác đang bị giam cầm kể cả những trường hợp chưa đưa ra xét xử.

Hà Nội lâu nay khẳng định không giam giữ hay bỏ tù công dân vì lý do bất đồng chính kiến về chính trị hay tôn giáo, mà chỉ xử lý những người vi phạm luật pháp Việt Nam.

Phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á trong Human Rights Watch nói vấn đề ở chỗ luật lệ của Việt Nam vi phạm luật nhân quyền quốc tế và Hà Nội cần phải loại bỏ những điều luật này nếu muốn chứng tỏ tôn trọng nhân quyền. - VOA

No comments:

Post a Comment