Friday, November 27, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 27/11

Tin Thế Giới

1.
Pháp tổ chức lễ tưởng niệm quốc gia cho các nạn nhân khủng bố Paris --- Tổng thống Nga hứa hợp tác với Pháp chống lại IS

Tại sân điện Invalides nổi tiếng ở Paris, Tổng thống François Hollande chủ trì một buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân những vụ tấn công khủng bố ở thủ đô Pháp ngày 13/11/2015.

Trong số 2.600 người tham dự buổi lễ, có thân nhân của 130 người thiệt mạng và 350 người bị thương trong loạt khủng bố ở Paris, các đại diện cho toàn bộ chính giới, lực lượng an ninh và lực lượng cứu hộ.

Buổi lễ đã bắt đầu với bài quốc ca Pháp, tiếp đến là một ca khúc nổi tiếng của cố ca sĩ, nhạc sĩ người Bỉ Jacques Brel "Quand on n’a que l’amour". Sau đó là bài hát "Perlimpipin" của cố nữ ca sĩ, nhạc sĩ Pháp Barbara, một bài hát mang nội dung chống bạo lực. Sau hai bài hát đó, trên màn ảnh lớn, hình ảnh các nạn nhân lần lượt được chiếu lên và tên tuổi của từng người quá cố được đọc lên trong bầu không khí im lặng, trang nghiêm. Đa số các nạn nhân chưa tới 35 tuổi.

Trong bài phát biểu sau đó, Tổng thống Hollande nói: "Thứ sáu 13/11, cái ngày mà chúng ta sẽ không bao giờ quên, nước Pháp đã bị tấn công vào trong lòng một cách hèn hạ. Trong một hành động chiến tranh được tổ chức từ xa và được tiến hành một cách lạnh lùng, bọn sát nhân đã giết chết 130 người trong chúng ta và làm hàng trăm người bị thương. Hôm nay, toàn thể quốc dân đồng bào khóc thương cho những nạn nhân, cho 130 cái tên, cho 130 cuộc sống bị đứt đoạn, cho 130 tiếng cười mà chúng ta sẽ không còn nghe nữa, cho 130 tiếng nói vĩnh viễn tắt đi. Chính vì họ là hiện thân của tự do mà họ đã bị thảm sát.

Tôi hứa là nước Pháp sẽ huy động mọi phương tiện để tiêu diệt đội quân những kẻ cuồng tín đã gây ra các tội ác này, nước Pháp sẽ hành động không ngơi nghỉ để bảo vệ cho con em của mình. Tôi cũng hứa là nước Pháp sẽ vẫn trung thành với chính mình, một nước Pháp mà những người quá cố đã yêu mến, một nước Pháp mà chắc là họ muốn sẽ vẫn như vậy".

Ông Hollande cho rằng "bọn sát nhân đã đánh vào lớp trẻ của một dân tộc tự do yêu nền văn hóa của mình". Kết luận bài phát biểu, Tổng thống Hollande nhấn mạnh: "Dù cho nước mắt tuôn rơi, thế hệ này hôm nay đã trở thành gương mặt của nước Pháp". - RFI

***
Tổng thống Pháp Francois Hollande đã nhận được lời hứa hợp tác của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc chiến chống lại các phần tử hiếu chiến Nhà nước Hồi Giáo. Ông Hollande đã thảo luận với ông Putin tại Moscow chiều ngày hôm qua sau khi mở các cuộc họp tương tự vói các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, Anh, Đức và Ý. Thông tín viên Zlatica Hoke tường trình về kế hoạch của tổng thống Pháp kết nối một Liên minh chặt chẽ hơn để chống lại tổ chức khủng bố. Liên minh này đã gặp khó khăn vì những căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.

Tổng thống Pháp nói rõ ràng khủng bố là kẻ thù chung của thế giới văn minh. Ông nói: “Chúng ta biết tổ chức này, có tên là Daesh, Nhà nước Hồi Giáo, tổ chức này có một lãnh thổ, một quân đội, và nhiều nguồn lực, do đó chúng ta phải thành lập Liên minh rộng lớn mà tôi đang đề cập đến, để tấn công các thành phần khủng bố này.”

Tổng thống Nga đã cam kết hợp tác. Nhưng các quyền lợi của Nga tại Syria xung đột với các quyền lợi của Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên của NATO, gây thiệt hại cho những nỗ lực của ông Hollande. Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một máy bay phản lực của Nga, Ông Putin cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ là mua dầu giúp tài trợ cho Nhà nước Hồi Giáo.

Ông Putin nói: “Một số người tiếp tục bỏ túi hàng trăm triệu và hàng tỉ đô la.”

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhanh chóng đáp trả: “Ông nên thảo luận những vấn đề này với Tổng thống Syria Bashar al-Assad mà ông vẫn ủng hộ. Vì Nhà nước Hồi Giáo đang bán dầu cho ông ta và họ có được tiền từ ông ta. Nguồn tài chánh của họ rất rõ ràng.”

Ngày hôm qua, Nga loan báo là lực lượng không quân của họ đã quét sạch những nhóm phiến quân hoạt động dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ gần nơi chiếc máy bay bị bắn rớt trong tuần này. Vụ oanh kích này có phần chắc làm cho Ankara nổi giận thêm theo như nhận xét của nhà phân tích Peter Eltsov thuộc Trường đại học Quốc phòng.

Ông Peter Eltsov cho biết: “Họ là những nhóm khác nhau chiến đấu chống lại ông Assad và họ cũng là người sắc tộc Turk.”

Ông Eltsov nói bất cứ liên minh nào ông Hollande có thể thành lập sẽ thiếu sự đoàn kết vì các nhà lãnh đạo chính trị phải thỏa hiệp mục đích chung với những quyền lợi riêng của họ.

Ông Peter Eltsov nói: “Thật khó mà nói điều gì là quan trọng hơn đối với họ, kế hoạch địa chính trị của họ, những vấn đề nội bộ của họ, vì rõ ràng là ông Erdogan đang dùng tinh thần dân tộc theo cùng phương cách như ông Putin dùng đối với những vấn đề nội bộ, để được sự ủng hộ trong các cuộc bầu cử, trong tất cả mọi chuyện.”

Ông Eltsov nói thêm vào đó, ông Putin muốn gieo rắc những bất đồng trong các thành viên NATO: “Và đây là chiến lược ông Putin gần đây đã theo đuổi, và đặc biệt sau những cuộc tấn công Paris.”

Trong chuyến viếng thăm Washington của ông Hollande hôm thứ Ba, Tổng thống Barack Obama nói Nga có thể đóng một vai trò xây dựng hơn nếu chuyển trọng tâm các cuộc không kích hướng vào việc đánh bại Nhà nước Hồi Giáo. - VOA
|
|

2.
TT Putin: Mỹ biết đường bay của chiến đấu cơ Nga bị bắn hạ

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Hoa Kỳ biết đường bay của chiếc chiến đấu cơ Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi hôm thứ Ba, và đáng ra phải thông báo cho Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của Mỹ.

Tại Moscow hôm nay, Tổng thống Putin nói: "Phía Mỹ, nước cầm đầu liên minh có Thổ Nhĩ Kỳ tham gia, biết được về địa điểm và thời gian các phi vụ của máy bay chúng tôi, và máy bay của chúng tôi bị bắn chính xác tại địa điểm đó, vào thời gian đó. Tại sao chúng tôi lại loan báo những thông tin này cho phía Mỹ, để rồi họ không chuyển tiếp thông tin đến cho liên minh của họ."

Hoa Kỳ có một thỏa thuận với Nga để tránh những vụ va chạm máy bay trên không phận Syria, nơi cả hai đều thực hiện các chiến dịch không kích.

Thổ Nhĩ Kỳ nói họ phát đi cảnh cáo nhiều lần đến máy bay của Nga rằng chiếc máy bay đã xâm phạm không phận trước khi bắn hạ.

Trong khi đó, cuộc khẩu chiến giữa Moscow và Ankara vẫn tiếp tục. Tổng thống Putin nói việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga là một hành động phản bội của một nước mà Nga lầm tưởng là một nước bạn, "nếu không thì chúng tôi đã thiết lập một hệ thống phòng thủ cho máy bay của chúng tôi."

Hôm thứ Tư Nga loan báo sẽ đưa hệ thống phi đạn S-400 đến tỉnh Latakia của Syria sát với biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Putin nói "không thể có chuyện" Thổ Nhĩ Kỳ không biết đó là máy bay của Nga, như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ám chỉ trên đài truyền hình Pháp.

"Nếu đó là một máy bay của Mỹ, liệu họ có nhắm bắn vào máy bay Mỹ không?" ông Putin nói. "Thay vào đó, điều mà chúng tôi nghe thấy là họ không có gì phải xin lỗi."

Trong một cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình CNN hôm thứ Năm, Tổng thống Erdogan nói rằng nước ông sẽ không xin lỗi về việc bắn rơi máy bay Nga.

"Tôi nghĩ nếu có một bên cần phải xin lỗi, thì đó không phải là bên chúng tôi," ông Erdogan nói. "Những ai vi phạm không phận của chúng tôi chính là bên cần phải xin lỗi."

Dầu hỏa của Nhà nước Hồi giáo

Ông Erdogan phủ nhận cáo buộc của Nga rằng Ankara mua dầu khí của Nhà nước Hồi giáo. Ông nói cuộc chiến của nước ông chống các phần tử thánh chiến Hồi giáo là "không thể tranh cãi." Ông yêu cầu bất cứ ai cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ mua dầu của nhóm chủ chiến này đưa ra bằng chứng cho những cáo buộc đó.

Tổng thống Erdogan nói "Quan điểm chống Nhà nước Hồi giáo của Thổ Nhĩ Kỳ là rõ ràng ngay từ đầu. Không có bất cứ một nghi vấn nào ở đây. Không ai có quyền tranh cãi về cuộc chiến của đất nước chúng tôi chống Nhà nước Hồi giáo hay có quyền cáo buộc chúng tôi."

Ông Erdogan cũng nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã có những biện pháp thận trọng để ngăn chặn tình trạng buôn lậu dầu hỏa qua biên giới của nước ông. Đó là nguồn thu tài chánh chủ yếu của nhóm Nhà nước Hồi giáo.

Nhưng ông Putin nói rằng những hàng xe bồn được phát hiện chở dầu hỏa từ Syria vào Thổ Nhĩ Kỳ và quay trở lại với xe không. "Chúng tôi thấy hoạt động này diễn ra hàng ngày," ông Putin nói, và bình luận thêm rằng khó có thể tưởng tượng được là chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ lại không biết chuyện đó.

Nga cắt đường dây nóng

Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Năm loan báo đình chỉ mọi "kênh giao tiếp" với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có một đường dây nóng được thiết lập để tránh va chạm trên không phận Syria.

Trước đó trong ngày thứ Năm, Nga loan báo sẽ tăng các biện pháp kiểm soát thực phẩm của Thổ Nhĩ Kỳ xuất khẩu vào thị trường Nga.

Một người phát ngôn của Điện Kremlin bác bỏ tin nói Nga cấm vận Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng nói rằng các biện pháp hạn chế mới được áp dụng "vì những lý do khác nhau," trong đó có lý do "đe dọa khủng bố."

Sau khi lệnh mới được ban hành, truyền thông Nga loan tin xe tải chở hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ kẹt nối đuôi nhau tại cửa khẩu.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nói rằng Moscow sẽ xem xét việc cắt đứt quan hệ kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ và bỏ các dự án đầu tư trong vài ngày tới. Ông chỉ thị cho chính phủ của ông soạn thảo các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ trong hai ngày tới để đáp lại vụ Ankara bắn rơi chiến đấu cơ Su-24 của Nga, được ông gọi là một "hành động khiêu chiến" với nước ông.

Thổ Nhĩ Kỳ công bố ghi âm cảnh báo

Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố băng ghi âm mà Thổ Nhĩ Kỳ nói là những lời cảnh báo đã được quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phát đi nhiều lần đến phi công Nga trước khi bắn hạ chiếc máy bay.

Ghi âm được phổ biến cho hãng thông tấn AP hôm thứ Năm, cho thấy máy bay của Nga bị cảnh cáo nhiều lần hôm thứ Ba rằng chiếc máy bay đang tiến vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ và được yêu cầu phải đổi hướng.

Trong phần ghi âm, người ta nghe thấy một giọng bằng tiếng Anh không thông thạo, nói rằng: "Đây là Không quân kiểm soát không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Qúy vị đang bay vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Hãy đổi hướng bay về hướng nam ngay lập tức."                                                                                             

Phần lớn còn lại của đoạn ghi âm là những tạp âm khó có thể nghe rõ hết nội dung, nhưng giọng cảnh cáo tăng mạnh lên khi các cảnh cáo dường như không được chú ý đến.

Đoạn ghi âm được công bố chỉ có những cảnh cáo từ phía Thổ Nhĩ Kỳ mà không có hồi đáp của phi công Nga. Không rõ liệu có nhận được phần trả lời từ phía Nga nhưng không được chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ công bố, hoặc liệu các phi công Nga không hồi đáp hoặc không nhận được cảnh báo. - VOA
|
|

3.
Nhật chào đón phái viên dân chủ Myanmar

Ngoại trưởng Nhật Bản, ông Fumio Kishida đón chào ông Nyan Win, đặc phái viên từ Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ Myanmar (NLD) và nói ông hy vọng bà Aung San Suu Kyi sẽ sớm thăm Nhật.

Đón ông Nyan Win, phát ngôn viên của NLD và là nhân vật thân cận với bà Suu Kyi tại Tokyo hôm 27/11, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật cam kết nước ông sẽ tiếp tục ủng hộ quá tr̀nh chuyển giao quyền lực tại Myanmar.

Đảng NLD đã thắng vang dội trong cuộc bỏ phiếu lịch sử 8/11 vừa qua và có thừa số phiếu để làm chủ Nghị viện và lập tân chính phủ.

Đảng của phe quân nhân Myanmar chỉ được chưa tới 50 phiếu nhưng có 25% ghế nghị sỹ được trao cho họ theo một quy định trong hiến pháp.

Tuần trước, ông Yohei Sasakawa, đặc phái viên của chính phủ Nhật Bản chuyên theo dõi hòa giải dân tộc ở Myanmar đã gặp các lãnh đạo NLD và trao cho bà Aung San Suu Kyi thư của Thủ tướng Shinzo Abe mời bà sang thăm Nhật.

Quyền lực mềm của Nhật

Dù theo Hoa Kỳ để áp đặt lệnh cấm vận kinh tế với chính quyền quân nhân Myanmar, Nhật Bản vẫn duy trì một mạng lưới quan hệ rộng rãi ở quốc gia Đông Nam Á.

Ngay sau khi chính quyền quân nhân chuyển sang dân sự, Tokyo xóa ngay ba tỷ USD tiền nợ của Myanmar.

Theo hai tác giả Purnendra Jain và Tridivesh Singh Maini trong một bài viết trên trang The Diplomat tháng 4/2015, cả Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản đều muốn có chỗ đứng ở Myanmar nhưng 'quyền lực mềm' của Tokyo có bề dày hơn cả.

Từng là nhà cấp viện cho Myanmar trong thập niên 1950, Nhật Bản nay quay trở lại đầu tư, với tiền thấy hơn Trung Quốc một chút.

Theo một phóng viên BBC tiếng Miến Điện tại London bình luận về chuyến thăm Nhật một tuần của ông Nyan Win, bà Aung San Suu Kyi "có tình cảm riêng với Nhật Bản".

Cha của bà, tướng Aung San, đã tìm đến người Nhật để nhận trợ giúp cho cuộc chiến giành độc lập từ tay thực dân Anh.

Chiến thắng vang dội của đối lập dân chủ Myanmar bắt đầu có tác động thay đổi cục diện quốc tế trong vùng Đông Nam Á.

Các quốc gia trong vùng, gồm cả Trung Quốc, bắt đầu chuẩn bị cho việc nhìn nhận một phong trào dân chủ rộng khắp và ủng hộ các giá trị phổ quát, lên nắm quyền ở quốc gia còn nghèo khó nhưng có nhiều tiềm năng phát triển.

Dự kiến tân chính phủ do NLD kiểm soát sẽ chỉ lên cầm quyền vào mùa xuân 2016.

Phe quân nhân Myanmar đã chấp nhận thất bại bầu cử. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Chính quyền Obama cảnh cáo các tiểu bang rằng từ chối người tị nạn Syria là phạm luật

Chính quyền liên bang Hoa Kỳ cảnh báo các giới chức tiểu bang rằng họ không có thẩm quyền luật pháp để từ chối nhận người tị nạn Syria.

Thông cáo ghi trong công văn do giám đốc Văn phòng Tái định cư Người tị nạn (OPR) ký hôm thứ Tư, gởi cho các cơ quan tái định cư của các tiểu bang.

Giám đốc chương trình, ông Robert Carsey, nói rằng các tiểu bang không được quyền khước từ các phúc lợi và dịch vụ do OPR tài trợ căn cứ vào quốc gia xuất phát hoặc liên hệ tôn giáo của người tị nạn.

Tiểu bang nào không chấp hành là phạm luật và "có thể bị xử lý theo luật," ông Carey cảnh cáo trong công văn.

Nội dung của công văn này được tờ Houston Chronicle đăng tải.

Hơn 20 thống đốc, đa số theo Ðảng Cộng hòa, hứa sẽ kiên quyết ngăn chặn chương trình của liên bang tái định cư người tị nạn Syria tại các tiểu bang của họ, với tranh luận rằng những người tị nạn này đề ra một rủi ro an ninh không thể chấp nhận được.

Những lo sợ càng tăng thêm tiếp theo sau tin nói ít nhất một trong những nghi can tấn công khủng bố đẫm máu ở Paris hôm 13/11 đã trà trộn vào dòng người tị nạn Syria để vào châu Âu.

Tổng thống Barack Obama, một đảng viên Dân chủ, dự trù tiếp nhận 10.000 người tị nạn Syria trong năm tới.

Con số này tăng cao đáng kể so với con số 2.000 người tị nạn Syria được Mỹ tiếp nhận từ khi cuộc nội chiến Syria nổ ra cho đến nay, nhưng vẫn là một tỉ lệ không đáng kể so với con số hàng triệu người phải trốn chạy khỏi đất nước đang bị chiến tranh xé nát này.

Tuần trước, các đại biểu Quốc hội do Ðảng Cộng hòa lãnh đạo đã thông qua một dự luật tăng thêm những giới hạn đối với người tị nạn đến từ Iraq và Syria. Tương lai của dự luật này tại Thượng viện hiện chưa rõ. Tổng thống Obama hứa sẽ phủ quyết dự luật đó. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Việt Nam tái khẳng định không tham gia liên minh chống các nước khác

Phát biểu tại Viện Koerber, một trung tâm nghiên cứu của Đức hôm 26/11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tái khẳng định, “Việt Nam sẽ không bao giờ gia nhập một liên minh để tấn công các nước khác, nhưng sẽ quyết liệt bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình”.

Báo chí Việt Nam hôm nay dẫn lời ông Trương Tấn Sang tuyên bố như vậy trong chuyến công du chính thức tới thăm nước Đức từ ngày 24/11 tới 26/11, theo lời mời của vị tương nhiệm, Tổng Thống Đức Joachim Gauck.

Trọng tâm của bài diễn văn của ông Trương Tấn Sang xoay quanh vấn đề an ninh tại khu vực Á Châu-Thái Bình Dương.

Trang mạng của Bộ Ngoại giao Việt Nam trích lời ông Sang nói rằng “Hòa bình và phát triển là lợi ích chung của các nước trong khu vực, đi ngược lợi ích này là đẩy lùi lịch sử”.

Ông Sang nói hai nước chia sẻ những quan ngại về những diễn biến phức tạp hồi gần đây trong Biển Đông, mà theo lời ông đang ‘đe doạ hoà bình, ổn định và an ninh khu vực, cũng như an toàn hàng hải và hàng không’.

Ông nói khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cần có ‘một cấu trúc an ninh khu vực toàn diện, hữu hiệu, được xây dựng trên cơ sở luật pháp quốc tế; tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích của nhau”.

Về phía Đức, Tổng Thống Joachim Gauck nói ông và nhà lãnh đạo Việt Nam đã hội đàm về tình hình căng thẳng trong Biển Đông, trong cuộc đàm đạo, ông Sang bày tỏ hy vọng rằng cộng đồng quốc tế sẽ đạt đồng thuận về một nguyên tắc hầu giải quyết tình hình.

Theo báo Tuổi Trẻ, Tổng Thống Đức nói ông hiểu các quan điểm của Hà nội về các vấn đề Biển Đông, và cộng đồng Âu Châu đã chia sẻ các quan điểm chung với Việt Nam và với khối ASEAN về vấn đề này.

Tổng Thống Đức ghi nhận có tới 130,000 người Việt đang sinh sống trong hoà bình ở Đức, và hội nhập tốt đẹp vào xã hội Đức.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia Việt Nam tới Đức từ khi nước này tái thống nhất vào năm 1990. Mục đích của chuyến đi là để đánh dấu kỷ niệm 40 năm quan hệ bang giao song phương. - VOA
|
|

6.
Việt Nam thông qua luật bỏ án tử hình dành cho 7 tội danh

Các bản án tử hình đã tuyên với các giới chức tham nhũng ở Việt Nam giờ sẽ được ân giảm thành tù chung thân, nếu họ trả lại ít nhất 75% số tiền bất hợp pháp đã tước đoạt.

Hãng tin AP hôm nay dẫn tin của VnExpress nói rằng quy định mới nằm trong khuôn khổ Bộ Luật Hình sự được sửa đổi đã thông qua với đa số áp đảo tại quốc hội Việt Nam trong ngày hôm nay.

Theo điều khoản tu chính sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, Việt Nam huỷ bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh gồm có: đầu hàng địch, chống đối mệnh lệnh, phá hoại các công trình có tầm quan trọng đối với an ninh quốc gia, cướp tài sản, sở hữu và vận chuyển trái phép ma tuý, sản xuất và buôn hàng giả, kể cả lương thực.

Bộ Luật Hình sự được tu chính cũng sẽ bỏ án tử hình đối với các tử tội từ 75 tuổi trở lên.

Theo AP, một số nhà lập pháp đã bày tỏ những ý kiến chống đối đề nghị sửa đổi luật hình sự trong các cuộc tranh cãi tại quốc hội vào tháng 6, họ cho rằng bỏ án tử hình sẽ làm suy yếu cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn được báo chí nhà nước trích lời nói rằng làm như vậy sẽ tạo ra một lỗ hổng pháp lý để các giới chức tham nhũng dùng tiền đã cướp đoạt để chuộc mạng.

Các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế và một số nước Tây Phương trước đó đã hối thúc Việt Nam huỷ bỏ án tử hình. - VOA
|
|

7.
Việt Nam kêu gọi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tự chế

Việt Nam kêu gọi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hãy tự kiềm chế để tránh leo thang căng thẳng sau khi Ankara bắn hạ một máy bay chiến đấu Nga trong tuần này.

Báo chí Việt Nam hôm nay tường thuật rằng tại cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Năm 26/11, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình kêu gọi hai nước giữ bình tĩnh và không nên có hành động nào có thể làm căng thẳng leo thang hơn nữa.

Trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Sukhoi của Nga, ông Lê Hải Bình nói:

“Chúng tôi cho rằng các bên liên quan cần kiềm chế, không có các hành động làm leo thang căng thẳng tình hình, xử lý vụ việc trên cơ sở luật pháp quốc tế, đóng góp có trách nhiệm vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.

Chiếc Su-24 của Nga bị các chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ, rơi xuống khu vực gần biên giới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ hôm 24/11. Một trong hai phi công Nga bị quân nổi dậy bắn chết trong lúc đang nhảy dù. Sự cố này đã đẩy hai nước trước đây từng có quan hệ hữu hảo vào thế đối đầu, giữa lúc Nga đang tăng cường các biện pháp đáp trả, chủ yếu là biện pháp trừng phạt kinh tế. - VOA

No comments:

Post a Comment