Saturday, November 7, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 7/11

Tin Thế Giới

1.
Tập Cận Bình tại thượng đỉnh Trung-Đài: "Chúng ta là một gia đình" --- Đài Loan: Biểu tình trước cuộc gặp thượng đỉnh Trung-Đài --- Thượng đỉnh Đài-Trung: Ván cờ đầy bất trắc

Tại Singapore hôm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu đã có cái bắt tay lịch sử khi bắt đầu cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên kể từ khi Đài Loan tách khỏi Trung Hoa lục địa cách đây 66 năm.

Tuyên bố với Tổng thống Đài Loan, ông Tập Cận Bình nói: "Chúng ta là một gia đình, không thế lực nào có thể chia cách chúng ta". Về phần ông Mã Anh Cửu đáp lại Chủ tịch Trung Quốc rằng, sau nhiều thập niên thù địch, hai bên "phải tôn trọng lẫn nhau".

Hai lãnh đạo Trung Quốc và Đài Loan đã bắt tay nhau và tươi cười với báo chí trong một phòng chật kín ở một khách sạn tại Singapore, trước khi lui vào trong để hội đàm với nhau. 

Diễn ra bên lề chuyến viếng thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Singapore, đây là cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo hai chế độ đối nghịch nhau kể từ khi chấm dứt nội chiến và thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949, khi phe Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch bị thua trận chạy lánh nạn sang Đài Loan. 

Kể từ khi ông Mã Anh Cửu lên cầm quyền năm 2008, quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan đã được cải thiện dần dần, với đỉnh điểm là cuộc gặp hôm nay giữa lãnh đạo Bắc Kinh và Đài Bắc, một sự kiện mà chỉ cách đây vài hôm không ai ngờ tới. Tuy nhiên, sẽ không có thỏa thuận hay tuyên bố chung nào được công bố sau cuộc họp thượng đỉnh, vì cho tới nay hai bên vẫn không chính thức thừa nhận tính chính đáng của nhau.

Từ Thượng Hải, thông tín viên RFI Delphine Sureau gởi về bài tường trình:

"Kênh truyền hình CCTV hôm nay đã có chương trình đặc biệt về thượng đỉnh Trung-Đài. Đối với truyền hình Nhà nước Trung Quốc, cái bắt tay này là một bước ngoặt lịch sử. Trước cuộc gặp gỡ, Tân Hoa Xã đã lộ vẻ sốt ruột khi đưa hàng tựa: "15 giờ Singapore. Cuộc gặp gỡ giữa Tập và Mã". Còn đối với tờ Hoàn cầu Thời báo, một tờ báo xu hướng dân tộc chủ nghĩa, cuộc họp thượng đỉnh này đánh dấu "thắng lợi của hòa bình và lẻ phải", cho dù tờ báo vẫn gọi những người chủ trương Đài Loan độc lập là "những kẻ quá khích".

Cuộc gặp gỡ giữa hai ông Tập Cận Bình và Mã Anh Cửu cũng là chủ đề được thảo luận nhiều nhất hôm nay trên các mạng xã hội Trung Quốc. Tại Trung Quốc, các cư dân mạng hy vọng sự xích lại gần nhau giữa hai bên sẽ phá vỡ tảng băng. Một blogger viết rằng: "Vấn đề Đài Loan phải được giải quyết. Chúng ta không thể dời mãi".

Ở Hoa lục, xu hướng thống nhất hai bờ eo biển Đài Loan đang chiếm thế áp đảo, mặc dù người ta thừa biết rằng những ý kiến trái chiều chắc là đã bị xóa đi. Cũng giống như lá cờ Đài Loan, tức là quốc kỳ của Trung Quốc trước đây, cài trên áo veste của ông Mã Anh Cửu. Truyền thông Trung Quốc đã cố hết sức để làm nhòe hình ảnh lá cờ này, cũng như không chiếu bất cứ lá cờ nào của Đài Loan khi lãnh đạo hai bên bắt tay nhau.  

Nhưng hy vọng của phía Trung Quốc có thể là sẽ nhanh chóng tan biến vào tháng Giêng năm tới. Phe đối lập ở Đài Loan được dự báo sẽ thắng cử trong cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống năm 2016.  

Rất có thể là do sắp đến bầu cử cho nên Chủ tịch Trung Quốc đã chấp nhận tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh mà cho tới nay ông vẫn từ chối. Ông Tập Cận Bình rõ ràng muốn đẩy nhanh tiến trình xích lại gần nhau và qua đó chống lại tư tưởng bài Trung Quốc ngày càng mạnh ở Đài Loan". - RFI

***
Trước giờ diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh được đánh giá là lịch sử hôm nay 7/11/2015, giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu, nhiều người biểu tình đã tìm cách tràn vào trụ sở Quốc hội tại Đài Bắc.

Từ đêm qua, rạng sáng hôm nay, khoảng hơn một trăm người giương khẩu hiệu "Độc lập cho Đài Loan" đã định tràn vào chiếm trụ sở nghị viện Đài Loan, nhưng họ đã bị cảnh sát ngăn chặn. Đến sáng nay, vẫn còn hàng chục người ngồi lại trước tòa nhà Quốc hội.

Cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa lãnh đạo Hoa lục và đảo Đài Loan tại Singapore hôm nay đang gây chú ý đặc biệt cho dư luận thế giới, tuy nhiên một bộ phận dân chúng Đài Loan tỏ ra bất bình về cuộc gặp. Họ lo sợ Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng để tạo áp lực tiến tới thôn tính hòn đảo về Hoa lục.

Người biểu tình sáng nay cũng kéo đến phi trường quốc tế ở Đài Bắc, nơi ông Mã Anh Cửu có bài phát biểu ngắn trước khi lên máy bay tới Singapore gặp ông Tập Cận Bình. Người biểu tình đốt ảnh hai ông Tập và Mã, đồng thời giương khẩu hiệu "Tập: độc tài Trung Quốc và Mã: kẻ phản bội Đài Loan".

Cảnh sát cho biết đã bắt giữ một số người biểu tình. Bên cạnh đó một nhóm người ủng hộ Tổng thống Mã Anh Cửu cũng kéo đến sân bay. Không có sự cố nào xảy ra giữa hai nhóm biểu tình chống và ủng hộ ông Mã Anh Cửu. - RFI

***
Cuộc gặp gỡ lịch sử giữa hai lãnh đạo Trung Quốc và Đài Loan có thể nói là một ván cờ hết sức tế nhị, nhất là đối với Đài Bắc, bởi vì diễn ra ngay trước cuộc bầu cử Tổng thống Đài Loan tháng 01/2016 - một cuộc bỏ phiếu mà Quốc dân đảng được dự báo là sẽ thất cử do chính sách quá thân Bắc Kinh.

Trên trường quốc tế hiện nay, Đài Loan ngày càng bị lép vế trước thế áp đảo ngày càng mạnh của Trung Quốc. Vốn đã bị mất chiếc ghế ở Liên Hiệp Quốc vào tay Trung Quốc vào năm 1971, nay Đài Bắc chỉ được 22 quốc gia chính thức công nhận. Tổng thống Mã Anh Cửu đã hy vọng là cuộc gặp gỡ hôm nay tại Singapore sẽ tạo cho Đài Loan một chỗ đứng quan trọng hơn trên bàn cờ thế giới. 

Về phía Trung Quốc, cải thiện hơn nữa quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan sẽ kéo Đài Bắc vào trong quỹ đạo ngoại giao và kinh tế của Bắc Kinh, và qua đó có thể cắt đứt quan hệ giữa Đài Loan với Hoa Kỳ, quốc gia đã cam kết sẽ bảo vệ hòn đảo này trong trường hợp Trung Quốc tấn công. 

Nhưng cuộc gặp thượng đỉnh Trung-Đài cũng mang đầy bất trắc đối với cả hai bên. Nó có thể sẽ phản tác dụng, nếu như những cử tri Đài Loan vốn đã nghi ngờ Trung Quốc bây giờ lại nghĩ rằng cuộc gặp gở này là một mưu toan của Bắc Kinh nhằm tác động lên lá phiếu của người dân Đài Loan. Trong trường hợp đó, họ sẽ dồn phiếu nhiều hơn cho Đảng Dân Tiến, đảng đối lập. Lãnh đạo của đảng này, bà Thái Anh Vân đã cho rằng cuộc họp thượng đỉnh ở Singapore sẽ gây phương hại cho nền dân chủ của Đài Loan. 

Ông Rana Mitter, giáo sư về chính trị và lịch sử Trung Quốc tại Đại học Oxford, cho biết: "Cử tri Đài Loan vẫn rất quan ngại về sự can thiệp của chính quyền Hoa lục vào chính trị nội bộ của Đài Loan. Cho nên cuộc gặp gỡ này có thể được coi như là một sự xác nhận chính sách một nước Trung Quốc duy nhất."

Đối với nhà chính trị học Jean-Pierre Cabestan ở Hồng Kông, Chủ tịch Trung Quốc đã cố thu phục nhân tâm Đài Loan qua cuộc gặp gỡ lịch sử này. Ông Cabestan nhấn mạnh lợi ích của Bắc Kinh là gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Trung Quốc với Đài Loan, chứ không phải là giảm bớt sự phụ thuộc đó. Cho nên, Bắc Kinh phải cố duy trì càng nhiều kênh liên lạc càng tốt. 

Nhưng theo ông Cabestan, mối nguy hiểm nằm ở chỗ là Đài Loan xích gần lại quá nhiều với một chính quyền vẫn đe dọa sự tồn tại của hòn đảo này như là một thực thể độc lập trên thực tế. 

Đối với bản thân hai nhà lãnh đạo, cuộc gặp gỡ ở Singapore cũng hết sức tế nhị. Chủ tịch Tập Cận Bình phải cố tránh đặt ông Mã Anh Cửu ngang hàng với ông, còn Tổng thống Đài Loan thì phải cố tránh tỏ ra khúm núm trước Chủ tịch Trung Quốc. 

Để tránh không thừa nhận tính chính đáng của nhau, hai lãnh đạo Trung Đài không dùng danh xưng "Chủ tịch" hay "Tổng thống" mà gọi nhau là "Ngài". Và cũng vì hai bên vẫn không chính thức thừa nhận tính chính đáng của nhau, cho nên sau cuộc gặp gỡ tại Singapore hôm nay, đã không có thỏa thuận hay tuyên bố chung nào được công bố.

Kết quả cụ thể duy nhất được Tổng thống Mã Anh Cửu thông báo trong cuộc họp báo chung, đó là ông đã đề nghị thiết lập một đường dây điện thoại đỏ giữa hai bên và ông Tập Cận Bình đã đồng ý với đề nghị này. Tổng thống Đài Loan cũng bày tỏ hy vọng là thượng đỉnh Singapore sẽ là một bước tiến thêm đến bình thường hóa bang giao song phương. 

Nhưng theo ông J. Micheal Cole, cuộc gặp gỡ hôm nay chỉ đề cập những những vấn đề chung chung và sẽ không mang lại thay đổi nào, nhất là vì ông Mã Anh Cửu, do không thể ra tranh cử lần nữa, sẽ rời khỏi chiếc ghế tổng thống vào năm tới. Ông Cole cho rằng, cuộc gặp gỡ ở Singapore mang tính lịch sử vì là lần đầu tiên, nhưng đây không là một sự kiện rất quan trọng. - RFI
|
|

2.
Bầu cử Miến Điện: Đảng đối lập tiến gần chiến thắng lịch sử

Ngày mai, 08/11/2015, hơn 30 triệu cử tri Miến Điện bước vào cuộc bầu cử Quốc hội quan trọng đánh dấu bước ngoặt lớn trong tiến trình dân chủ hóa đất nước. Các đảng phái đều đã chấm dứt chiến dịch vận động tranh cử từ nửa đêm qua. Đảng đối lập Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (LND) của bà Aung San Suu Kyi đang tới rất gần với chiến thắng.

Chặng cuối cùng để lên nắm quyền tại Miến Điện của LND vẫn chưa thể gọi là bằng phẳng. Thông tín viên RFI tại Rangoon Rémi Favre cho biết thêm chi tiết: 

"Thay đổi thực sự", đó là khẩu hiệu vân động tranh cử của đối lập, chỉ có điều đó mới giúp chấm dứt một nửa thế kỷ thống trị của giới quân sự trên chính trường Miến Điện. Bà Aung San Suu Kyi đã chọn chủ đề mang rất nhiều hàm ý này. Dân chúng Miến Điện vẫn giữ mối oán hận với giới quân sự.

Đối mặt với đảng của bà Aung San Suu Kyi, USDP - đảng cầm quyền của giới tướng lãnh đề cao vai trò của họ cho rằng: Chính họ mới là những người đem lại sự thay đổi từ năm 2011, chính họ đã thu hút đầu tư nước ngoài vào Miến Điện, đã hủy bỏ kiểm duyệt báo chí, cho phép biểu tình... Tổng thống Miến Điện đặt câu hỏi: Quý vị còn muốn gì hơn nữa?

Đó là những thay đổi mà theo bà Aung San Suu Kyi chỉ là bề mặt, sự thay đổi về vật chất.

Ở Miến Điện, gần như tất cả mọi người giờ đây đều có điện thoại di động. Các đường phố Rangoon giờ đã biết đến tắc nghẽn đường trong khi mà cách đây 5 năm các tuyến phố này đều vắng tanh. "Điều này không nói lên được rằng đất nước chúng ta đã phát triển, nhà đối lập Aung San Suu Kyi chỉ trích".

Thực tế tiến trình dân chủ đã bị chững lại rõ rệt từ cách đây gần hai năm. Giờ đây có gần 100 tù chính trị, tức là nhiều gấp ba lần so với hai năm trước. 

Sát ngày bầu cử, không khí căng thẳng càng trở nên rõ nét. Trong bài phát biểu tối qua trên đài truyền hình Miến Điện, Tổng thống Thein Sein khẳng định "chính phủ và quân đội tôn trọng kết quả bỏ phiếu". Nhưng ông cũng cảnh cáo mưu toan bắt chước các cuộc cách mạng nhân dân theo kiểu "Mùa xuân Ả Rập".

Tờ báo chính thức Global New Light of Myanmar hôm qua thông báo mức "báo động màu cam" đối với cảnh sát Rangoon. Giới quan sát bắt đầu tỏ lo ngại không tiếp cận giám sát được các cuộc bỏ phiếu sớm dành cho các đơn vị quân đội, chiếm khoảng từ 500 nghìn cử tri. Thêm vào đó các phong trào Phật giáo cực đoan ủng hộ chính quyền vẫn tích cực hoạt động gây ảnh hưởng lên cuộc bỏ phiếu và tấn công vào bà Aung San Suu Kyi. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Tổng thống Obama bác bỏ dự án đường ống Keystone XL

Tổng thống Barack Obama đã bác bỏ dự án đường ống Keystone XL gây tranh cãi, một kế hoạch xây dựng một đường ống dẫn dầu gần dài gần 1.200 dặm để vận chuyển dầu thô từ Canada đến những bang vùng Vịnh Mexico của Mỹ.

Phát biểu tại Tòa Bạch Ốc hôm thứ Sáu, Tổng thống Obama nói rằng ông đồng ý với kết quả thẩm định của Bộ Ngoại giao nói rằng dự án "sẽ không phục vụ lợi ích quốc gia của Mỹ."

Dự án đường ống dẫn dầu này đã trở thành trung tâm của tranh luận về chính sách môi trường và cam kết sẽ có hành động táo bạo để kiềm chế biến đổi khí hậu của Tổng thống. Thông báo này được đưa ra trước một hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu tại Paris vào tháng sau, nơi ông Obama dự kiến sẽ hối thúc các quốc gia chấp thuận những biện pháp mạnh mẽ hơn để giúp làm chậm lại tình trạng tăng nhiệt toàn cầu.

Ông Obama cho biết xây dựng đường ống Keystone XL sẽ không "đóng góp có ý nghĩa, lâu dài" vào nền kinh tế của Mỹ, không hạ thấp giá xăng cho người tiêu dùng và sẽ không làm tăng an ninh năng lượng của Mỹ.

Dự án đã được Bộ Ngoại giao duyệt xét từ nhiều năm qua. Bộ thẩm định những dự án đề xuất xuyên biên giới vào Mỹ, cần phải có sự chấp thuận của tổng thống.

Tòa Bạch Ốc đã đối đầu gay gắt với Quốc hội do Đảng Cộng hòa kiểm soát vốn ủng hộ xây dựng đường ống Keystone XL. Các nghị sĩ Cộng hòa lập luận rằng đường ống này sẽ làm giảm giá dầu và hạn chế sự lệ thuộc của Mỹ vào dầu mỏ nước ngoài.

Các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa trong Quốc hội đã phản ứng mạnh mẽ và nhanh chóng trước thông báo của Tổng thống. Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan gọi quyết định này là "bậy bạ" và "hết sức sai trái." Đăng trên Twitter, ông Ryan lập luận rằng ông Obama về cơ bản đang khước từ những công ăn việc làm trả lương tốt, đối tác thương mại và nước cung cấp năng lượng lớn nhất của Mỹ, và ý nguyện của người dân Mỹ và đa số lưỡng đảng của Quốc hội. "Nếu tổng thống muốn dành khoảng thời gian còn lại trong nhiệm kỳ của mình đáp ứng những đặc lợi thì đó là sự lựa chọn của ông ta," ông Ryan viết.

Nhiều nghị sĩ Đảng Dân chủ, bao gồm ứng cử viên Tổng thống Bernie Sanders, hoan nghênh quyết định này.

Tổng thống công khai phê phán điều mà ông mô tả là chính trị hóa dự án Keystone XL, nói rằng vấn đề này được cả hai đảng sử dụng quá thường xuyên như một thứ vũ khí trong chiến dịch tranh cử chứ không phải là một vấn đề chính sách nghiêm túc.

Tranh cãi chính trị, ông nói, "che khuất một thực tế rằng đường ống này sẽ không phải là giải pháp thần kỳ cho nền kinh tế như một số người hứa hẹn, mà cũng không phải là đường cấp tốc hướng đến thảm họa khí hậu mà những người khác tuyên bố."

Đầu tuần này, TransCanada, công ty đứng sau kế hoạch Keystone XL, đã yêu cầu chính quyền Obama đình chỉ việc thẩm định dự án. Trong khi Tòa Bạch Ốc cho biết sẽ xem xét yêu cầu hoãn quyết định của mình, phát ngôn viên Josh Earnest nói rằng "có thể có yếu tố chính trị" đằng sau yêu cầu của TransCanada.

Tổng thống đề cao chính sách môi trường của mình, nói rằng những nỗ lực của chính quyền ông nhằm giảm sự lệ thuộc của Mỹ vào dầu của nước ngoài và tăng cường sử dụng năng lượng sạch cho thấy Mỹ là nước lãnh đạo toàn cầu về môi trường.

Mỹ đang "lãnh đạo bằng cách tự làm gương," ông nói, và việc phê chuẩn đường ống Keystone XL "sẽ làm suy yếu sự lãnh đạo toàn cầu này."
|
|

4.
Mỹ: Tăng trưởng việc làm tháng 10 mở đường cho Fed tăng lãi suất

Mỹ hôm thứ Sáu cho biết thị trường lao động của nước này đã hồi phục mạnh mẽ sau ba tháng tăng trưởng việc làm yếu ớt, bổ sung thêm 271.000 việc làm trong tháng 10 và có thể mở đường cho ngân hàng trung ương tăng lãi suất vào tháng sau.

Bộ Lao động Mỹ báo cáo tỉ lệ thất nghiệp nhích xuống mức 5 phần trăm vào tháng trước – là mức thấp nhất trong bảy năm qua.

Nền kinh tế lớn nhất thế giới cho thấy tăng trưởng việc làm mạnh mẽ trong những lĩnh vực dịch vụ chuyên nghiệp và kinh doanh, chăm sóc y tế, bán lẻ, dịch vụ thức ăn và xây dựng.

Các nhà phân tích trước đó đã dự đoán mức tăng trưởng việc làm yếu hơn nhiều vào tháng trước, chỉ cao hơn một chút so với mức trung bình 145.000 việc làm một tháng cho tháng 8 và tháng 9.

Các nhà phân tích nói rằng con số tăng trưởng việc làm mạnh mẽ trong tháng 10 có thể mở đường cho Cục Dự trữ Liên bang, ngân hàng trung ương của Mỹ, tăng lãi suất vào tháng sau.

Các nhà hoạch định chính sách của Fed đã theo dõi sát tốc độ tăng trưởng việc làm, tỉ lệ thất nghiệp và những chỉ số kinh doanh khác để xác định khi nào là thời điểm thích hợp để điều chỉnh lãi suất cơ bản, hiện đang ở mức gần bằng không phần trăm những năm qua trong khoảng thời gian đất nước dần dần phục hồi từ cuộc suy thoái nặng nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái trong những năm 1930.

Ông Mark Vitner, nhà kinh tế cấp cao tại Ngân hàng Wells Fargo, một trong những ngân hàng lớn nhất ở Mỹ, nói với VOA rằng báo cáo hôm thứ Sáu cho thấy tình hình "khá thuận lợi," và rằng "Nó có thể dập tắt những nghi ngờ đã nảy sinh trong vài tháng qua."

Chủ tịch Fed Janet Yellen tuần này nói rằng nền kinh tế Mỹ nói chung đang khỏe mạnh, và rằng Fed có thể tăng lãi suất cơ bản vào tháng 12. Điều đó có thể dẫn tới chi phí cho vay cao hơn đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng, nhưng cũng ngăn lạm phát tăng quá nhanh. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Tập Cận Bình lại khẳng định Biển Đông là của Trung Quốc --- Lính Mỹ và TQ trên các chiến hạm ở Biển Đông nói chuyện thân mật với nhau

Tại Singapore, Chủ tịch Tập Cận Bình lại khẳng định Biển Đông là lãnh thổ của Trung Quốc và bảo vệ vùng biển này là vấn đề chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.

Phát biểu tại trường Đại học Quốc gia Singapore hôm nay, 07/11/2015, ông Tập Cận Bình tuyên bố Biển Đông đã là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời Cổ Đại. Lãnh đạo họ Tập còn khẳng định rằng một số đảo "Trung Quốc" đang bị các nước khác "xâm chiếm", nhưng ông nói thêm là Bắc Kinh sẽ tiếp tục tìm giải pháp cho các tranh chấp chủ quyền biển đảo thông qua thương lượng. 

Chủ tịch Trung Quốc còn tuyên bố rằng Bắc Kinh hoan nghênh các quốc gia ngoài khu vực (có thể là ám chỉ Hoa Kỳ) "tham gia vào hòa bình và phát triển ở châu Á", nhưng không kêu gọi những nước này trực tiếp tham gia giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông. 

Trong bài phát biểu nói trên, ông Tập Cận Bình cũng khẳng định rằng tự do hàng hải và hàng không "chưa bao giờ là một vấn đề và sẽ không bao giờ là một vấn đề nào cả", bởi vì theo ông, Trung Quốc là quốc gia muốn tàu bè được tự do lưu thông ở Biển Đông hơn bất cứ nước nào khác. 

Hoa Kỳ đã nhiều lần lên án việc Bắc Kinh bồi đắp và quân sự hóa các đảo ở Trường Sa, xem những hành động này là một mối đe dọa đến tự do hàng hàng hải và hàng không ở một vùng biển có tính chất thiết yếu đối với giao thương quốc tế. - RFI

***
Bất chấp căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông, binh sĩ hải quân hai nước tuần tra ở vùng biển này chứng tỏ họ là những người chuyên môn, chỉ làm nhiệm vụ của mình.

Ông Robert Francis là chỉ huy trưởng khu trục hạm USS Lassen, chiến hạm hồi tháng trước đã tiến vào vùng biển chỉ cách một hòn đảo nhân tạo do Trung Quốc xây ở Biển Đông 11 kilomét. Hôm qua, ông cho báo chí biết rằng một chiến hạm Trung Quốc bám theo tàu ông trong nhiều ngày đã cảnh báo đó là vùng biển của Trung Quốc và không ngớt đòi phía Mỹ cho biết ý định.

Ông Francis nói ông không hề cảm thấy bị đe dọa và các binh sĩ hải quân Mỹ thường xuyên gọi điện cho phía Trung Quốc để nói chuyện thân mật với nhau. Ông thuật lại một cuộc nói chuyện “Này, thứ bảy này các anh làm gì. Tụi tôi ăn pizza và cánh gà. Còn các anh ăn gì? Chúng tôi cũng đang chuẩn bị mừng lễ Halloween.”

Ông cho biết lính Trung Quốc, nói tiếng Anh, đã kể chuyện về gia đình của họ và những nơi họ đã ghé qua; và trước khi ngưng bám theo tàu Mỹ, lính Trung Quốc đã chúc lính Mỹ “một hành trình tốt đẹp” và “hẹn gặp lại.”

Hạm trưởng Francis gọi đó là “một ngày bình thường như bao ngày khác ở Biển Đông.” - VOA
|
|

6.
Ông Tập muốn cột chặt Việt Nam với Trung Quốc

VN-TQ, tiền đồ vận mệnh tương quan”

Nhân vật quyền lực nhất Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam ngày 5/11/2015 với một thông điệp rõ ràng: “Việt Nam-Trung Quốc, tiền đồ vận mệnh tương quan”. Họ Tập đến Hà Nội và được tiếp đón với nghi thức trọng thể nhất và trên báo chí Việt Nam thể hiện hai hình ảnh tương phản, lễ nghi hoành tráng bên cạnh thông tin lũ miền Trung đang lên nhanh nhiều người chết và mất tích.

Đọc bài tường thuật của Thanh Niên Online và nhiều báo điện tử khác, người đọc báo hiểu rằng, ông Tập Cận Bình ngay sau khi bước xuống sân bay Nội Bài trưa 5/11/2015 đã lập tức có bài phát biểu đầu tiên mà không chờ tới lễ đón chính thức sau đó ở Phủ Chủ tịch. Bài phát biểu sớm này có nhiều câu chữ đáng chú ý, mà báo Thanh Niên đã dùng đặt tựa bài của mình. Đó là “Việt Nam-Trung Quốc, tiền đồ vận mệnh tương quan.” Có những ý kiến cho rằng, nhà lãnh đạo Trung Quốc không bỏ lỡ cơ hội về điều gọi là xiết chặt thòng lọng chính trị đối với Đảng và Nhà nước Cộng sản Việt Nam. Phát biểu của ông Tập có ý nghĩa rất rõ ràng.

Tất nhiên truyền thông báo chí chính thức đã không đề cập gì tới các hoạt động phản đối chuyến thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình diễn ra ở Hà Nội và Saigon từ vài ngày trước. Đặc biệt là cuộc biểu tình tuần hành ở hai thành phố lớn nhất nước ngay trong ngày 5/11. Tin và hình ảnh ghi nhận từ truyền thông xã hội, cho thấy một số người biểu tình bị đánh đập đổ máu và tạm giữ ở Hà Nội cũng như Saigon. Trên Youtube truyền tải hình ảnh cuộc tuần hành ở công trường Hồ Con Rùa và khu vực tiếp cận Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM. Một nhóm vài chục người biểu tình bị lực lượng an ninh giải tán bằng dùi cui, gậy gộc. Đặc biệt hình ảnh được phổ biến nhiều nhất là khuôn mặt đẫm máu của Kỹ sư Trần Bang, một cựu binh trận chiến biên giới phía Bắc 1979. Ông Trần Bang hét to rằng ông chết để đuổi Tập Cận Bình ra khỏi Việt Nam.

Cuộc biểu tình chống ông Tập Cận Bình sáng 5/11 trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội cũng bị giải tán mau lẹ. Blogger Nguyễn Hữu Vinh có mặt trong đoàn tuần hành đã trả lời Đài ACTD khi bị lực lượng an ninh hốt lên xe.

“Sáng nay 5/11 có một số người tập trung trước vườn hoa đối diện Đại sứ quán Trung Quốc để phản đối chuyến thăm của Tập Cận Bình. Khi chúng tôi ở đó thì bị lùa lên xe và đang đi trên đường. Chúng tôi biết họ chở về số 6 Quang Trung, Hà Đông là trụ sở Công an Hà Nội. Chúng tôi không biết vì lý do gì mà chúng tôi phải đi về trên chiếc xe buýt này.”

Truyền thông nhà nước đưa tin lễ đón chính thức Chủ tịch Tập Cận Bình và Phu nhân diễn ra vào lúc 15g30 chiều 5/11 tại Phủ Chủ tịch với nghi thức cao nhất, hình ảnh duyệt hàng quân danh dự nhiều màu sắc và 21 phát đại bác chào mừng. Theo tường thuật của Thanh Niên Online, thì trong cuộc hội đàm sau đó giữa hai vị Tổng Bí thư hai đảng cộng sản, ông Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị Trung Quốc không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, gây căng thẳng tình hình Biển Đông. Đặc biệt ông Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung Quốc và Việt Nam cùng duy trì nguyên trạng và không theo đuổi mục tiêu quân sự hóa. Tuy vậy ông Trọng cũng đề nghị hai bên tăng cường xây dựng lòng tin để triển khai thuận lợi các dự án hợp tác trên biển mà hai bên đã nhất trí.

Có ý kiến cho rằng nhà báo ưu tiên chọn vấn đề tranh chấp Biển Đông để tường thuật cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Việt Trung là một chọn lựa khôn ngoan, giữa bối cảnh công luận Việt Nam sôi sục về việc Bắc Kinh nói một đàng làm một nẻo, không những lấn chiếm biển đảo mà còn ngang ngược bách hại ngư dân Việt Nam trên biển, cản trở cuộc mưu sinh của ngư dân. Theo tin các báo thì không thấy hai ông Tổng Bí thư hai Đảng đề cập gì tới việc Hoa Kỳ thực thi quyền tự do hàng hải hàng không ở Trường Sa, đặc biệt áp sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng và đang quân sự hóa.

16 chữ vàng và 4 tốt

Theo dõi truyền thông báo chí chính thức đưa tin về cuộc hội đàm giữa hai Tổng Bí thư chiều 5/11 ở Hà Nội, thì không thấy Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói gì về vấn đề Biển Đông mà ông Nguyễn Phú Trọng đề nghị. Họ Tập vẫn hành xử như tất cả các lãnh đạo Trung Quốc khác, lập lại phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt vốn được khai sinh từ sau Hội nghị Thành Đô 1990, một thập niên sau trận chiến tranh biên giới 1979 mà kẻ thù xâm lăng chính là Trung Quốc. Ngày 5/11/2015, ông Tập Cận Bình một lần nữa nhắc lại quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung-Việt theo phương châm gọi là “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.

Phương châm 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt trong quan hệ Việt Trung được các học giả trí thức Việt Nam mô tả là một sự mỉa mai đối với thực tế đã diễn ra trên biển đông từ nhiều năm nay. Tuy vậy ông Tập Cận Bình trong lần tới Việt Nam này, cũng mang theo một món quà cho Đảng và Nhà nước Việt Nam, đó là khoản viện trợ 1 tỷ nhân dân tệ trong 5 năm tới, trợ giúp Việt Nam xây dựng các công trình cải thiện dân sinh như trường học, bệnh viện. Ngoài ra còn có hai khoản vay ưu đãi tổng cộng 550 triệu USD. Cũng là một sự kiện trớ trêu, một trong hai khoản vay là bổ sung 250 triệu USD cho Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. Được biết dự án này bị chậm trễ, gây nhiều tai nạn lao động và đội vốn là do trách nhiệm của nhà thầu Trung Quốc mà Việt Nam không được quyền thay thế.

Báo chí chính thức cũng đưa tin, cùng trong buổi chiều ngày đầu tiên viếng thăm Việt Nam, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở Trụ sở Chính phủ Việt Nam. Ông Dũng đã không có phát biểu nào đáng chú ý, có phần nói năng êm dịu hơn ông Nguyễn Phú Trọng, theo thông tin chính thức được phổ biến.

Cùng ngày 5/11 báo chí Việt Nam cũng đưa thêm tin về việc Chủ tịch Tập Cận Bình vào sáng 6/11 có bài phát biểu tại Quốc hội Việt Nam. VTC News trích lời ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tiết lộ một điều khá thú vị. Theo đó chính phía Trung Quốc đề nghị để ông Tập Cận Bình phát biểu trước Quốc hội Việt Nam.

Được biết, theo thông lệ quốc tế đọc diễn văn trước Quốc Hội một quốc gia là hoạt động đặc biệt quan trọng đối với quốc khách và phải được chính Chủ tịch Quốc hội của quốc gia đó gởi lời mời. Việc phía Trung Quốc đề nghị để ông Tập Cận Bình phát biểu trước Quốc Hội là không bình thường mà một chuyên gia nói đùa là như kiểu trong nhà bảo nhau.

Trả lời Cát Linh Đài ACTD hôm 2/11 Luật Sư Trần Quốc Thuận nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội hiện nghỉ hưu ở Saigon đã nhận định.

“Tôi nghe tin này thì tôi cũng cảm có một cái gì bất ngờ, không bình thường, không hiểu người ta nghĩ thế nào mà người ta để ông Tập Cận Bình nói chuyện trước Quốc hội. Đó là một phong cách hiếm khi thấy các nước Xã hội chủ nghĩa làm và những việc nói trước Quốc hội thường là những việc của các nước dân chủ. Đó là 1 việc làm cho tôi hơi bất ngờ.”

Đúng như lịch trình, trưa ngày 6/11/2015, Tổng bí thư Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu tại Hội trường Quốc hội, báo chí không được dự mà phải theo dõi trên màn hình ở phòng bên cạnh và khi ông Tập phát biểu bằng tiếng Hoa nhà báo không được phiên dịch. Người Lao Động Online trích lời Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH, ông Lê Như Tiến cho biết theo nguyên văn: “Bài phát biểu của ông Tập Cận Bình tập trung nói đến cảm hứng hữu nghị, láng giềng hữu nghị, còn những vấn đề “nhạy cảm, khó nói” thì ông Tập Cận Bình không nhắc đến trong bài phát biểu như vấn đề tranh chấp Biển Đông.”

Tờ báo còn trích lời Luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu QH Đoàn TP HCM, nói rằng: “Trong bài phát biểu của mình trước QH, ông Tập Cận Bình không đưa ra một cam kết, hứa hẹn gì về việc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa”.

Bên cạnh chuyến viếng thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, báo chí cũng đưa tin về một cuộc viếng thăm khác cùng thời gian của Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản ông Gen Nakatani. Các chuyên gia mô tả sự có mặt của ông Nakatani từ ngày 5-7/11 mang một ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Theo VietnamNet và Zing News, sáng 5/11/2015, Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản ông Gen Nakatani đã trung chuyển ở Tân Sơn Nhất trước khi đáp may bay đến sân bay Cam Ranh. Ông Nakatani đã viếng thăm Quân cảng Cam Ranh để quan sát hoạt động tiếp vận và phương tiện ở vịnh sâu kín gió này. Trước đó báo Nikkei của Nhật Bản đưa tin kể từ năm tài khóa 2016 bắt đầu 1/4/2016 Tokyo có kế hoạch sử dụng Cam Ranh để các tàu chiến của Nhật được tiếp vận nhiên liệu, thực phẩm và hàng tiếp liệu phẩm khác trong khi hoạt động ở biển Nam Trung Hoa, tức Biển Đông Việt Nam cụ thể là vùng Trường Sa.

Tin chính thức ghi nhận chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản ông Gen Nakatani kéo dài từ 5-7/11/2015 theo lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh. Cụ thể ngày 6/11 ông Nakatani sẽ đến Hà Nội và hội đàm với ông Phùng Quang Thanh, nhiều khả năng hai bên sẽ ký kết văn kiện liên quan tới việc tàu Nhật được phép ra vào quân cảng Cam Ranh.

Kể cũng là một sự trùng hợp lý thú, Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản ông Gen Nakatani có mặt ở Hà Nội cùng lúc với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Quan điểm của Nhật Bản là ủng hộ Hoa Kỳ xoay trục về châu Á và hoan nghênh việc thực thi tự do hàng hải và hàng không, như sự kiện khu trục hạm Lassen có máy bay hộ tống áp sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp ở Trường Sa. - RFA

No comments:

Post a Comment