Tuesday, November 17, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Ba 17/11

Tin Thế Giới

1.
Mỹ giúp Châu Á tăng cường an ninh hải dương

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm nay cam kết giúp cho các đồng minh ở Châu Á Thái Bình Dương tăng cường an ninh hải dương khi ông thảo luận với các nhà lãnh đạo tại thủ đô của Philippines. Theo tường thuật của thông tín viên Mary Alice Salinas của đài VOA tại Manila, Tòa Bạch Ốc vừa loan báo một gói viện trợ mới trong vòng hai năm trị giá 259 triệu đô la, trong đó có 79 triệu cho Philippines, 40 triệu cho Việt Nam, 21 triệu cho Indonesia và 2 triệu rưỡi cho Malaysia. Hoa Kỳ cũng chuyển giao cho Philippines một chiếc tàu tuần duyên và một chiếc tàu khảo cứu.

Không lâu sau khi tới Manila hôm nay, Tổng thống Obama đã đến thăm chiến hạm BRP Gregorio del Pilar, soái hạm của hải quân Philippines. Chiếc tàu này trước đây là của lực lượng tuần duyên Mỹ và hiện giờ đang được Philippines dùng để thực hiện những cuộc tuần tra trong vùng Biển Đông có tranh chấp.

Tổng thống Obama nói “Chuyến viếng thăm của tôi tới nơi này nêu bật quyết tâm chung của chúng ta đối với an ninh của vùng biển của khu vực này và đối với tự do hàng hải.” Ông cũng cho rằng “Các lực lượng hải quân có nhiều năng lực hơn và quan hệ đối tác với Hoa Kỳ là vô cùng quan trọng cho nền an ninh của khu vực này.”

Nhà lãnh đạo Mỹ đã phát biểu như vậy khi ông tới Philippines để dự hội nghị thượng đỉnh APEC và tiến hành những cuộc thảo luận mà ông nói là hết sức quan trọng đối với tương lai của nước Mỹ.

Khu vực Đông Á Thái Bình Dương được xem là khu vực năng động nhất, đông dân nhất và tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Tổng thống Obama nói có một việc vô cùng cần thiết đối với Hoa Kỳ là nối kết chặt chẽ với tiềm năng kinh tế và bảo đảm an ninh của khu vực này.

"Nếu chúng ta muốn làm một đối tác nghiêm túc của khu vực cực kỳ quan trọng này của thế giới, chúng ta phải làm đúng về mặt kinh tế và chúng ta phải làm đúng về mặt an ninh quốc gia. Đó chính là lý do tại sao tất cả chúng ta đều đồng ý rằng hiệp định Hợp tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương mà chúng ta đã hình thành là vô cùng quan trọng."

Hiệp định TPP là một đề tài then chốt tại diễn đàn kinh tế có nhiều ảnh hưởng, nơi các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế nhóm họp với nhau, trong đó có nhiều vị nguyên thủ quốc gia, kể cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tổng thống Obama cảnh báo rằng nếu 12 nước thành viên TPP không phê chuẩn hiệp định này như đòi hỏi, thì những nước khác, như Trung Quốc chẳng hạn, sẵn sàng để tiến vào chiếm chỗ.

"Nếu chúng ta không thực hiện TPP, nếu chúng ta không tạo ra một cấu trúc cho những tiêu chuẩn cao về mậu dịch và thương mại trong khu vực này, thì khoảng trống đó sẽ được lấp đầy bởi Trung Quốc. Nó sẽ được lấp đầy bởi các đối thủ cạnh tranh kinh tế của chúng ta. Họ sẽ đặt ra những luật lệ và những luật lệ đó sẽ không có lợi cho chúng ta."

Các nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh cũng sẽ thảo luận về những cách thức để phối hợp với nhau một cách chặt chẽ hơn để chống lại Nhà nước Hồi giáo, là nhóm hiếu chiến đã nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công khủng bố ở Paris hôm thứ sáu.

Các đề tài khác tại cuộc họp cấp cao này là chống khủng bố, an ninh mạng, biến đổi khí hậu, an ninh hải dương, nhân quyền và sự giải quyết một cách hoà bình những vụ tranh chấp, như vụ tranh chấp ở Biển Đông, nơi mà những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đã làm gia tăng những mối căng thẳng trong khu vực.

Cuối tuần này, Tổng thống Obama sẽ đến thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia để dự cuộc hội nghị thượng đỉnh hàng năm của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á, tức ASEAN. - VOA
|
|

2.
Nga: Máy bay rơi ở Ai Cập vì khủng bố

Người đứng đầu dịch vụ an ninh Nga hôm nay tuyên bố tai nạn rơi máy bay chết người tháng trước trong khu vực Sinai của Ai Cập là một hành động khủng bố và rằng đã phát hiện có chất nổ trong các mảnh vỡ của máy bay và hành lý của hành khách trên chuyến bay.

Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) Alexander Bortnikov cho biết vụ nổ xuất phát từ một thiết bị nổ tự tạo chứa tới 1kg chất nổ TNT.

FSB cũng công bố phần thưởng trị giá 50 triệu đô la cho ai cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ những kẻ chủ mưu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cam kết sẽ tìm và trừng phạt bất kỳ ai thực hiện vụ tấn công và kêu gọi các đối tác của Nga giúp xác định thủ phạm.

Chuyến bay của Metrojet A-321 khởi hành từ khu nghỉ mát Sharm el-Sheikh của Ai Cập hướng về St.Petersburg hôm 31/10 thì bị rơi xuống khu vực phía bắc bán đảo Sinai, giết chết tất cả 224 người trên máy bay.

Các phần tử chủ chiến tự nhận có liên kết với nhóm Nhà nước Hồi giáo lên tiếng nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công.

Một số chính phủ nước ngoài cho rằng thảm họa này có liên hệ tới một thiết bị nổ. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Giám đốc CIA: Nhà nước Hồi Giáo đang mở rộng cánh đồng chết --- TT Obama: Không thay đổi chiến lược chống IS

Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ nói những phần tử khủng bố thuộc nhóm Nhà nước Hồi Giáo đang thi hành một chiến lược mới để mở rộng các hoạt động ra khỏi Iraq và Syria.

Giám đốc CIA John Brennan kêu gọi cảnh giác chống lại những kế hoạch  hoạt động tại nước ngoài vừa mới xuất hiện của các phần tử hiếu chiến Nhà nước Hồi Giáo.

Trong một bài diễn văn đọc ngày hôm qua tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, ông Brennan nói Nhà nước Hồi Giáo không còn giới hạn cánh đồng chết trong phạm vi Iraq và Syria hay thành lập những chi nhánh địa phương tại các nước láng giềng.

“Nhà nước Hồi Giáo đang phát triển một chương trình hành động tại nước ngoài và hiện đang thực hiện chương trình này với những hậu quả gây chết người. Mối đe dọa nghiêm trọng do hiện tượng Nhà nước Hồi giáo gây ra khiến cho cộng đồng thế giới cần phải khẩn cấp cam kết thực thi  một mức độ hợp tác lớn hơn và chưa từng có trước đây trong các lãnh vực như chia sẻ thông tin, thi hành luật pháp, các hoạt động quân sự và các kênh ngoại giao. Mối đe dọa của Nhà nước Hồi giáo đòi hỏi chúng ta phải làm những việc này.”

Ông Brennan nói những vụ tấn công tại Paris cho thấy một cách rõ ràng là có sự hoạch định kỹ lưỡng từ nhiều tháng trước.

Ông Brennan nêu ra một loạt các hoạt động ở nước ngoài trong đó có những vụ tấn công tự sát tại Beirut và có thể là vụ chiếc máy bay của Nga bị rơi trên vùng trời Sinai, làm tất cả 224 người trên máy bay thiệt mạng.

“Trong khi chúng ta chờ xác nhận khả năng của các thủ phạm của những thảm kịch này, mỗi vụ đều có vết tích của khủng bố do Nhà nước Hồi Giáo thực hiện, còn được gọi là ISIL. Đây một tổ chức tâm thần giết người chống lại xã hội, là nhóm đã thực hiện những hành động tội phạm, bất kể đạo lý, và ẩn núp dưới những nguyên cớ tôn giáo giả tạo.”

Ông Brennan nói Hoa Kỳ không đánh giá thấp mối đe dọa của Nhà nước Hồi Giáo. Ông nói sự thành công của Hoa Kỳ và đồng minh trong việc chặn đứng đà tiến của ISIL tại Iraq và Syria là lý do “tại sao tổ chức này tìm kiếm những mục tiêu ở nước ngoài.”

Ông nói tuy Nhà nước Hồi Giáo tìm cách thực hiện những vụ tấn công là một việc “không thể tránh được”, nhưng “việc bọn chúng sẽ thành công không phải là một việc không thể tránh được.”

Ông Brennan nói Washington và Moscow có những khác biệt đáng kể về mặt chính sách đối với việc làm thế nào để chấm dứt vụ đổ máu tại Syria, nhưng cả hai nước đang ra sức tăng cường sự hợp tác chống lại mối đe dọa của Nhà nước Hồi Giáo.

Ông kết luận là Hoa Kỳ nên cảnh giác, nhưng ông bác bỏ những lời kêu gọi đóng cửa biên giới hay hạn chế các quyền tự do. - VOA

***
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã chống lại những lời kêu gọi ở trong nước và ở nước ngoài đòi ông áp dụng một chiến lược mạnh mẽ hơn sau vụ tấn công khủng bố ở Paris. Theo tường thuật của thông tín viên Luis Ramirez của đài VOA tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh G20, nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nói rằng sẽ là một việc sai lầm nếu Hoa Kỳ điều động các lực lượng tác chiến trên bộ để đánh bại nhóm Nhà nước Hồi giáo.

Tại cuộc họp báo ở Antalya hôm thứ ba vào lúc kết thúc hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống Obama gọi nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo là “bộ mặc của sự ác” và cho biết những nỗ lực để đánh bại nhóm này sẽ được tăng cường, nhưng sẽ không có một chiến lược mới.

Nhà lãnh đạo Mỹ nói vụ tấn công khủng bố ở Paris là “một sự thoái bộ khủng khiếp và gây đau đớn”, nhưng ông loại bỏ khả năng điều động một số lượng lớn các lực lượng tác chiến trên bộ.

Ông nói “Đây không chỉ là quan điểm của tôi, mà các viên cố vấn quân sự và dân sự thân cận nhất của tôi cũng nghĩ rằng làm như vậy là sai.”

Ông Obama cho biết ông muốn tránh sự tái diễn của cuộc chiến tranh do Hoa Kỳ dẫn đầu ở Iraq.

Ông nói “Không phải bởi vì quân đội chúng ta không thể tiến vào Mosul hay Raqaa hay Ramadi để tảo thanh Nhà nước Hồi giáo trong một thời gian, mà bởi vì chúng ta sẽ thấy một sự tái diễn của những gì mà chúng ta đã thấy trước đây.”

Nhà nước Hồi giáo 'không bị ngăn chặn'

Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein, một người thuộc đảng Dân chủ của Tổng thống Obama, hôm thứ hai đã bày tỏ sự quan tâm sâu sắc về chiến lược hiện nay của Mỹ ở Iraq.

Bà nói “Tôi chưa bao giờ quan tâm nhiều như lúc này. Tôi đã đọc rất kỹ những báo cáo tình báo. Nhóm Nhà nước Hồi giáo không bị ngăn chận. Nhà nước Hồi giáo đang nới rộng. Họ vừa phổ biến một đoạn video để nói rõ ý định của họ là tấn công quốc gia này.”

Thượng nghị sĩ Feinstein cho rằng những vụ không kích có giới hạn và sự hỗ trợ dành cho các lực lượng Iraq là “không đủ để bảo vệ đất nước chúng ta và các đồng minh của chúng ta.”

Bà cho biết bà hy vọng Pháp sẽ viện dẫn Điều 5 của Hiệp ước Liên minh Phòng thủ Bắc Đại tây dương để yêu cầu liên minh NATO hành động.

Bà nói “Chỉ có một cách duy nhất để chúng ta làm cho bọn chúng bị suy yếu – đó là tiêu diệt bọn chúng, bởi vì bọn chúng đang lớn mạnh. Giờ đây bọn chúng đang có mặt tại mười mấy nước.”

Các dân biểu nghị sĩ Cộng hoà tại quốc hội Mỹ lâu nay vẫn không ngớt hô hào cho việc thực hiện những hành động mạnh mẽ hơn để chống Nhà nước Hồi giáo, nhưng bà Feinstein là người thuộc đảng Dân chủ, và trong tư cách Phó Chủ tịch Uỷ ban Tình báo Thượng viện, là một tiếng nói hàng đầu về các vấn đề đối ngoại.  

Chấm dứt các cuộc chiến tranh

​Tuy nhiên, Tổng thống Obama cho rằng bất cứ chiến lược mới nào cũng không thể duy trì được lâu.

Những kẻ tấn công và nghi can khủng bố Paris

Ông Obama nói “Giả sử chúng ta đưa 50.000 quân tới Syria. Điều gì sẽ xảy ra khi có một vụ tấn công khủng bố xuất phát từ Yemen? Khi đó chúng ta có phải đưa thêm quân tới đó hay không? Hay có lẽ là Li Băng? Hay là có một mạng lưới khủng bố hoạt động tại những nơi khác, ở Bắc Phi hay là ở Đông Nam Á?”

Trong thông cáo chung của khối G20, các nhà lãnh đạo cam kết tăng cường việc chia sẻ thông tin tình báo, siết chặt các biện pháp kiểm soát biên giới và ra sức cắt đứt nguồn tài chánh của quân khủng bố.

Tuy nhiên, theo bà Heather Conley, giám đốc chương trình Âu châu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, có thêm sự đồng thuận giữa các nhà lãnh đạo thế giới là một việc không dễ dàng.

Bà nói “Các bên có những chương trình nghị sự rất khác nhau. Chính phủ Nga muốn cho ông Assad tiếp tục nắm quyền và chiến đấu chống lại các lực lượng chống đối, Hoa Kỳ hậu thuẫn cho phe chống đối ở Syria và các lực lượng người Kurd ở Syria. Thổ Nhĩ Kỳ đang ra sức chống lại các lực lượng người Kurd ở Syria. Ý tôi muốn nói là tình hình ở đây cực kỳ phức tạp.”

Trong vài tuần qua, liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo chống Nhà nước Hồi giáo đã giành được một số thắng lợi trên chiến trường tại Sinjar ở Iraq và tại al-Hawl ở Syria. Liên minh này cũng giáng một đòn nặng cho những hoạt động tuyển mộ của nhóm Nhà nước Hồi giáo qua việc hạ sát John Thánh chiến, khuôn mặt công khai của nhóm khủng bố này.

Ông Anthony Cordesman, một nhà phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói với đài VOA rằng “Chúng ta có gây thiệt hại cho Nhà nước Hồi giáo hay không? Câu trả lời là có. Chúng ta có ngăn bọn chúng nới rộng hay không? Câu trả lời cũng là có. Nhưng chiến thắng thì chưa.”

Ông Cordesman cho rằng cần có một sự đoàn kết ở một mức độ nào đó trên toàn thế giới mới có thể đánh bại Nhà nước Hồi giáo.

Đàm phán về Syria

Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Nga dường như đã gạt sang một bên nhiều sự bất đồng và đã có được tiến bộ trong việc tán thành những kế hoạch cho một cuộc ngưng bắn và một cuộc chuyển giao quyền lực ở Syria. Ông Obama và ông Putin đã gặp nhau hai lần bên lề hội nghị ở Antalya, dựa trên tiến bộ mà Mỹ và Nga đạt được tại cuộc đàm phán ở Vienna hồi cuối tuần trước.

Tổng thống Obama cũng đã thảo luận với các nhà lãnh đạo của Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Tây Âu – tất cả đều là những nước có liên hệ trực tiếp với những nỗ lực quốc tế để chấm dứt cuộc xung đột ở Syria.

Cuộc nội chiến này đã trở thành một nguồn của các hoạt động khủng bố và làm bùng ra một làn sóng của người tị nạn tràn vào Âu châu.

Nhưng đối với nước Pháp, những cuộc đàm phán là không đủ. Chiến đấu cơ Pháp đã thực hiện ít nhất 20 vụ không kích nhắm vào cứ địa Raqqa của Nhà nước Hồi giáo ở Syria sau vụ tấn công giết chết 129 người ở Paris.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, người đến dự hội nghị G20 thay cho Tổng thống Francois Hollande, cho biết nước ông sẽ dồn mọi nỗ lực để đánh bại Nhà nước Hồi giáo. - VOA
|
|

4.
Thêm nhiều tiểu bang ở Mỹ nói ‘không’ với người tị nạn Syria sau vụ Paris

Nhiều thống đốc Hoa Kỳ hôm thứ Hai tuyên bố sẽ không cho phép người tị nạn Syria vào định cư trong tiểu bang của mình vì ‘quá nguy hiểm’ khi để những người từ đất nước bị chiến tranh tàn phá được nhập cư vào Mỹ sau vụ tấn công khủng bố gây chết chóc hôm thứ Sáu ở Paris.

Nối gót bang Alabama và Michigan, thống đốc các bang Texas, Louisiana, Arkansas, Massachusetts, Indiana, Mississippi, Maine, Ohio, North Carolina, Florida, Illinois đều lên tiếng phản đối hoặc cho biết sẽ tạm ngưng chương trình tái định cư 10.000 người Syria ở Mỹ mà tổng thống Barack Obama đã thông báo vài tháng trước.

Thống đốc Phil Bryant của bang Mississippi nói ông “sẽ làm mọi điều có thể” để ngăn chặn chính quyền liên bang đưa người tị nạn Syria vào Mỹ. Ông Bryant nói việc mang họ sang Mỹ là “sai lầm” và “cực kỳ nguy hiểm”.

Trong khi đó, thống đốc Paul R. LePage của bang Maine gọi quyết định của Tổng thống Obama là “vô trách nhiệm”. Ông cho rằng trong khi tổng thống tự tin vào hệ thống sàng lọc, kiểm tra của Mỹ, thì nhiều người đã chỉ ra những lỗ hổng trong chính sách di trú của Mỹ. Ông nói bang Maine của ông sẽ “làm việc với cơ quan công lực và các cơ quan khác để hỗ trợ chính quyền liên bang về những vấn đề di trú”.

Hôm thứ Hai, khi đang tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Obama đã cực lực chỉ trích các đảng viên Cộng Hòa về việc kêu gọi kiểm tra tôn giáo của những người tị nạn Syria.

"Khi tôi nghe các lãnh đạo chính trị đề nghị sẽ có một cuộc kiểm tra về tôn giáo đối với những người đang trốn chạy khỏi một đất nước đang bị chiến tranh tàn phá, khi mà một số trong những người đó bản thân họ sinh ra trong những gia đình đang được hưởng sự bảo vệ khi họ đã từng chạy trốn khỏi sự đàn áp, thì điều đó thật đáng xấu hổ”. Tổng thống Obama nói thêm: “Đó không phải là người Mỹ, đó không phải là chúng ta”.

Quyết định ngừng tiếp nhận người tị nạn Syria ở một số tiểu bang ở Mỹ được đưa ra vài ngày sau một chuỗi các vụ tấn công bằng súng và bom tự sát, được cho là do Nhà nước Hồi giáo thực hiện, giết chết 129 người tại Paris.

Hộ chiếu của một người Syria đã được phát hiện bên cạnh thi thể của một trong những kẻ tấn công, khiến nhiều người lo sợ là những kẻ khủng bố đã vào châu Âu qua làn sóng người tị nạn.

Hàng triệu người Syria đã chạy trốn sang các nước láng giềng Trung Đông và châu Âu. Chính quyền của Tổng thống Obama đã cam kết sẽ nhận khoảng 10.000 người tị nạn Syria trong 12 tháng tới. Bộ Ngoại giao Mỹ nói những người tị nạn sẽ được phân bố ra khắp cả nước. Các ứng viên tổng thống của Đảng Cộng Hòa đã chỉ trích kế hoạch này. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Đa số nhân dân không đồng ý nhận viện trợ từ Trung Quốc’

Đó là lời phát biểu của đại biểu quốc hội Việt Nam Trương Trọng Nghĩa, khi đặt câu hỏi chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm 17/11.

Ông Nghĩa nói rằng nền kinh tế trong nước “đang có xu hướng phụ thuộc ngày càng sâu vào Trung Quốc trên hầu hết lĩnh vực, và đe dọa chủ quyền về kinh tế” của Việt Nam.

Ông Nghĩa cũng cho rằng Trung Quốc “nổi tiếng về việc mang đồng tiền đi trước để chi phối về chính trị”. Ông nói thêm:

"Cử tri đề nghị không vay tiền và không nhận viện trợ từ Trung Quốc, ít nhất là trong thời điểm này, bởi Trung Quốc đang tranh chấp, thậm chí là chiếm lãnh thổ của Việt Nam và đe dọa tiếp tục chiếm nhiều hơn."

Lời phát biểu của vị đại biểu quốc hội từ TP HCM được đưa ra hai tuần sau khi một ngân hàng của Việt Nam ký kết hợp đồng vay Trung Quốc 200 triệu đôla nhân chuyến công du của ông Tập Cận Bình tới Hà Nội hồi đầu tháng này.

Khoản vay có giá trị lớn này được báo chí trong nước cho là sẽ “đáp ứng nhu cầu vốn trung, dài hạn cho các dự án phát triển kinh tế của Việt Nam”, và “góp phần phát triển quan hệ hợp tác tốt đẹp” giữa Hà Nội và Bắc Kinh.

Tuy nhiên, ông Nghĩa đặt câu hỏi rằng nhận viện trợ hay vay vốn ODA của Trung Quốc cho dù rẻ thì sau này có kiện để đòi lãnh thổ được không?

"Nếu trưng cầu ý dân thì tôi tin đa số nhân dân sẽ không đồng ý nhận viện trợ hay vay tiền từ Trung Quốc vì còn nhiều nguồn khác để vay".

Cũng liên quan tới vấn đề tranh chấp biển đảo, một đại biểu khác là ông Lê Nam lên tiếng chất vấn Thủ tướng Dũng về “chủ trương và giải pháp” của Việt Nam trước việc Trung Quốc “bồi đắp và xâm lấn nghiêm trọng hơn trên biển Đông”.

Ngoài ra, ông Nam cũng đề nghị ông Dũng “cho biết việc thực hiện nghị quyết Quốc hội đối với ngư dân, cảnh sát biển và kiểm ngư”.

Theo dự kiến, Thủ tướng Việt Nam sẽ trả lời các câu hỏi chất vấn vào ngày mai. Chưa rõ là ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ hồi đáp ra sao trước các vấn đề được coi là “nóng bỏng” hiện nay của các đại biểu quốc hội.

Tuy nhiên, người đứng đầu chính phủ Việt Nam từng tuyên bố rằng sẽ không đánh đổi chủ quyền quốc gia lấy hữu nghị viển vông trong quan hệ với Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới thăm Việt Nam và phát biểu trước quốc hội hồi đầu tháng này.

Chỉ một ngày sau khi rời Việt Nam, ông Tập tuyên bố rằng các hòn đảo trên biển Nam Trung Hoa (biển Đông) “là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời xa xưa”, và chính phủ Trung Quốc “phải có trách nhiệm để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi lãnh hải chính đáng”.

Cư dân mạng sau đó đã chỉ trích việc đón tiếp trọng thể dành cho nhà lãnh đạo Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh không che giấu điều mà nhiều người Việt Nam cho là tham vọng “nuốt trọn” biển Đông. - VOA
|
|

6.
Biển Đông: Trung Quốc tự cho quyền đánh chiếm tất cả các đảo

Bắc Kinh ngày 17/11/2015 khẳng định có "quyền và năng lực" chiếm các hòn đảo tại Biển Đông hiện bị các nước khác "chiếm đóng". Đây không phải là lời tự nhận của một tờ báo, mà là tuyên bố công khai của một nhà ngoại giao Trung Quốc cao cấp.

Nhân một cuộc tiếp xúc với báo chí trước ngày mở ra hai hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Manila và ASEAN tại Kuala Lumpur sẽ có lãnh đạo Bắc Kinh tham gia, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân (Liu Zhenmin) xác định: "Chính phủ Trung Quốc có quyền và có năng lực thu hồi các đảo và đá ngầm bị các nước láng giềng chiếm đóng bất hợp pháp".

Tuy nhiên, cũng theo nhà ngoại giao này, Trung Quốc "đã không làm điều đó mà đã tự kiềm chế tối đa".

Bắc Kinh đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông và trong thời gian gần đây đã tìm cách củng cố yêu sách của mình bằng cách rốt ráo bồi đắp các bãi đá họ chiếm được từ tay Việt Nam và Philippines trước đây thành đảo nhân tạo, và cấp tốc xây dựng trên đó các cơ sở có thể dùng làm căn cứ quân sự.

Hành động biến đá chìm thành đảo nổi với ý đồ quân sự hóa của Trung Quốc đã gây nên căng thẳng với các láng giềng cũng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Malaysia... và với Hoa Kỳ vốn quan ngại trước các đe dọa đối với quyền tự do lưu thông trong khu vực.

Trong buổi họp báo hôm nay, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng biện minh cho các hành động của Bắc Kinh tại Trường Sa. Ông Lưu Chấn Dân cho rằng việc Trung Quốc xây dựng một phi đạo đủ dài để cho máy bay quân sự lên xuống trên một trong những hòn đảo nhân tạo chủ yếu phục vụ mục tiêu dân sự: "Cơ sở càng lớn càng có thể được sử dụng tốt hơn cho mục đích dân sự".

Nhân vật này cũng tiếp tục tìm cách ngăn cản không cho các nước ngoài vùng can dự vào công việc Trung Quốc đang làm tại Biển Đông, và ngăn cản không cho các nước Đông Nam Á kết hợp với nhau chống lại các yêu sách của Bắc Kinh.

Mới đây, Trung Quốc đã nhấn mạnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương APEC trong tuần này không phải là nơi để thảo luận về vấn đề Biển Đông. Cũng ngày 17/11/2015, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc quay sang các hội nghị ASEAN sau đó và cảnh báo là không nên để cho tranh chấp Biển Đông trở thành tiêu điểm của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á.

Theo ông Lưu Chấn Dân, vấn đề Biển Đông đã bị "thổi phồng", và Trung Quốc "hy vọng rằng Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á sẽ không thảo luận về Biển Đông". - RFI

No comments:

Post a Comment