Thursday, November 19, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Năm 19/11

Tin Thế Giới

1.
Pháp: Kẻ chủ mưu vụ tấn công Paris đã bị hạ sát

Các công tố viên Pháp đã xác nhận rằng nghi can chủ mưu các vụ tấn công tuần trước ở Paris nằm trong số những người bị hạ sát trong vụ bố ráp của cảnh sát hôm qua.

Adbelhamid Abaaoud, một người Marốc mang quốc tịch Bỉ, là một trong số 8 người trong căn hộ bị bố ráp ở Saint Denis.

Trong khi đó, các nhà lập pháp Pháp hôm nay biểu quyết gia hạn tình trạng khẩn trương thêm 3 tháng sau những vụ tấn công hôm thứ sáu.

Quốc hội Pháp phê chuẩn dự luật, và Thượng viện dự trù sẽ biểu quyết vào ngày mai.

Trước cuộc biểu quyết, Thủ tướng Manuel Valls đã nói chuyện với các nhà lập pháp và cảnh báo về những nguy cơ mà đất nước đang đối mặt, trong đó có mối đe dọa có thể có về vũ khí sinh học và hóa học.

Tổng thống Pháp Francois Hollande hôm qua tuyên bố biện pháp này bao gồm một điều khoản cho phép nhà chức trách đóng cửa “mọi cuộc hội họp hay tụ tập,” bao gồm cả các đền thờ Hồi giáo và các nhóm cộng đồng, nơi mọi người “tôn thờ khủng bố” hay khuyến khích dân chúng thực hiện các hành vi khủng bố. Dự luật đã châm ngòi cho những lời chỉ trích từ phía những người ủng hộ nhân quyền.

Các giới chức cảnh sát hôm nay cho biết chừng nào tình trạng khẩn trương còn có hiệu lực, thì nhân viên ngoài giờ công tác vẫn được phép mang vũ khí để bảo vệ thường dân.

Người đứng đầu cơ quan phối hợp cảnh sát của Liên hiệp Châu Âu, ông Rob Wainright, cũng nêu bật quy mô của các vụ tấn công ở Paris trong các nhận định hôm nay, và nói rằng chúng đánh dấu “một sự leo thang rất trầm trọng” của chủ nghĩa khủng bố ở Châu Âu và là một “phát biểu rõ ràng” ý đồ của Nhà nước Hồi giáo muốn đưa nhãn hiệu khủng bố dã man của họ vào châu lục này.

Vụ bố ráp ở Bỉ

Nhà chức trách Bỉ đã mở các cuộc bố ráp riêng trong ngày hôm nay ở nhiều nơi tại Brussels có liên hệ với Bilal Hadfi, người đã thực hiện vụ nổ bom tự sát bên ngoài sân vận động. Các giới chức nói chiến dịch tập trung vào gia đình, bạn bè và những người có liên hệ với Hadfi.

Thủ tướng Bỉ Charles Michel cũng loan báo chương trình dành 427 triệu đôla cho các biện pháp an ninh mới, trong đó có những kế hoạch bỏ tù các phần tử chủ chiến từ Syria trở về, cấm những giáo sĩ rao giảng thù hận và đóng cửa những nơi thờ phượng không có đăng ký hoạt động.

Ông Michel đã chống trả những chỉ trích nhắm vào dịch vụ an ninh nước ông sau khi Tổng thống Pháp Francois Hollande nói các vụ tấn công Paris được hoạch định ở Bỉ.

Trong một bài phát biểu trước quốc hội, ông nói: “Tôi không chấp nhận lời chỉ trích tìm cách bêu xấu dịch vụ an ninh của chúng tôi, đang đảm nhận một công tác khó khăn và gay go.”

'Tuyên chiến' với Khủng bố

​Ngay sau khi cuộc vây hãm hôm qua kết thúc, Tổng thống Hollande tuyên bố nước Pháp đang ở trong tình trạng chiến tranh với khủng bố, nhưng ông cảnh báo về những hành động quá đáng. Ông nói, “Không nên dung thứ một hành vi bài ngoại, bài Do Thái, bài Hồi giáo nào.”

Ông Hollande hối thúc dân chúng thách thức những kẻ khủng bố bằng cách tiếp tục sinh hoạt đầy đủ và hứa sẽ tăng cường an ninh để đảm bảo những địa điểm công cộng có thể mở cửa lại. Ông nói nước Pháp “sẽ vẫn là một nước của các quyền tự do.”

Phát biểu trước một cuộc họp của các thị trưởng Pháp, ông Hollande nói ông muốn xây dựng một liên minh lớn nhắm mục tiêu vào các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo, và ông phác thảo một loạt các biện pháp chống lại nhóm này, là nhóm đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công.

Theo dự kiến, ông Hollande sẽ thảo luận các phương cách tăng cường chiến dịch nhắm vào IS với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama vào tuần tới tại Washington, và ngày 26 tháng 11 sẽ hội kiến Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Moscow.

Ông Hollande đã đề nghị điều chỉnh hiến pháp của Pháp để đối phó tốt hơn với khủng bố và những vụ khủng hoảng khác, tỷ như cho phép những người mang song tịch bị thu hồi quốc tịch Pháp nếu họ bị kết tội khủng bố.

Cuộc điều tra

Cảnh sát cho hay tay khủng bố đang bị truy nã Salah Abdeslam và người anh em Ibrabim đã chết trong những vụ tấn công, đã thuê 3 chiếc xe hơi từ Bỉ để thực hiện chiến dịch ở Paris. Họ đã tìm ra những chiếc xe ở các địa điểm khác nhau quanh thủ đô và vùng ngoại thành, với một lô vũ khí tấn công.

Họ cũng phát hiện một máy điện thoại di động trong một thùng rác gần nhà hát Bataclan, nơi vụ tấn công đẫm máu nhất đã xảy ra với tin nhắn nói là “Hãy bắt đầu”.

Cảnh sát Pháp đã tiến hành 414 vụ bố ráp và bắt giữ 60 người, trong khi tịch thu 75 vũ khí kể từ hôm thứ sáu tuần trước.

Ngoài ra, 118 người khác đã bị đặt trong tình trạng quản thúc tại gia, là một trong các biện pháp mới được phép áp dụng trong tình trạng khẩn trương mà Pháp ban hành hôm thứ bảy.

Hôm qua, các giới chức nói tất cả 129 nạn nhân trong các vụ tấn công hôm thứ sáu tuần trước đã được nhận diện. - VOA
|
|

2.
Cảnh sát dùng vòi rồng giải tán người biểu tình chống APEC ở Manila

Ngày hôm nay, cảnh sát dùng vòi rồng để giải tán những người biểu tình tại Manila, nơi các nhà lãnh đạo châu Á-Thái Bình Dương sắp kết thúc một hội nghị thượng đỉnh đặt trọng tâm vào các vấn đề kinh tế, tranh chấp lãnh thổ và những nỗ lực toàn cầu chống khủng bố.

Những người biểu tình cánh tả tìm cách phá vỡ một rào cản của cảnh sát và tiến gần đến Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo thế giới trong đó có Tổng thống Barack Obama.

Ông Renato Reyes thuộc Liên minh Tân Ái quốc nói tổ chức này bác bỏ “những đề nghị “tân cấp tiến” được đưa ra tại hội nghị APEC, nhằm tìm những con đường để tăng tiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Reyes nói: “Chúng tôi đã theo dõi phương thuốc này trong hai thập niên qua và đất nước chúng tôi vẫn còn kém phát triển, thêm nhiều người thất nghiệp, nghèo túng, và đói khát. Do đó phương thuốc này không hiệu nghiệm.”

Không có báo cáo về những người bị thương trong những vụ đụng độ, diễn ra khoảng 1 kilômét cách trung tâm hội nghị nơi hai ngày họp của APEC chấm dứt ngày hôm nay.

Các nhà lãnh đạo lên án khủng bố

Trong khi hội nghị thượng đỉnh thường niên của APEC thường giải quyết chính yếu những vấn đề kinh tế, hội nghị năm nay được bao phủ với những cuộc thảo luận về khủng bố tiếp sau một loạt tấn công bằng súng và bom tại Paris.

Theo một dự thảo thông cáo cuối cùng, các nhà lãnh đạo APEC đồng ý “cực lực lên án” tất cả các hành động khủng bố mà họ gọi là “đe dọa những giá trị căn bản làm nền tảng cho nền kinh tế tự do và cởi mở của chúng ta.”

Dự thảo thông cáo nói “Chúng tôi nhấn mạnh đến sự cần thiết tăng cường hợp tác quốc tế và đoàn kết trong cuộc chiến chống lại khủng bố.”

Kinh tế và Thương mại

Hội nghị thượng đỉnh cũng tập trung vào những quan tâm về kinh tế và thương mại, trong đó có hiệp định Hợp tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương, vẫn còn phải được các nước thành viên phê chuẩn.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino, người chủ trì hội nghị nói tại một phiên họp ngày hôm nay rằng tăng trưởng kinh tế là ưu tiên hàng đầu của khu vực.

Ông Aquino nói “Tăng trưởng tạo nên công ăn việc làm, đưa các học sinh đến trường, cung cấp lương thực, nâng cao mức sống, bảo vệ môi trường, và giúp mọi người có cơ hội như nhau.”

Tranh chấp lãnh hải

Vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng là một trọng tâm chính yếu khác của hội nghị thượng đỉnh. Tổng thống Obama đã nhân hội nghị này đưa ra cam kết tăng cường việc hỗ trợ cho các nước có tranh chấp với Trung Quốc.

Tổng thống Obama nói vào ngày thứ Ba “Sự có mặt của tôi tại đây nhấn mạnh đến việc chia sẻ cam kết về an ninh trên biển của vùng này và quyền tự do hàng hải.”   

Tòa Bạch Ốc loan báo một chương trình viện trợ mới lên đến 259 triệu đô la trong vòng 2 năm, trong đó có 79 triệu cho Philippines, 40 triệu cho Việt Nam, 21 triệu cho Indonesia và 2,5 triệu cho Malaysia.

Tổng thống Obama và nhiều nhà lãnh đạo khác tại hội nghị thượng đỉnh APEC sẽ đến Kuala Lumpur, Malaysia trong tuần này để tham dự hội nghị thượng đỉnh hàng năm của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). - VOA
|
|

3.
Miến Điện: Lãnh đạo đối lập bắt đầu gặp chính quyền mãn nhiệm

Hôm nay lãnh đạo đảng đối lập vừa giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội hôm 8/11 tại Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi đã có cuộc tiếp xúc đầu tiên với một lãnh đạo quan trọng của chính quyền mãn nhiệm chuẩn bị cho chuyển giao quyền lực, một tiến trình sẽ có thể kéo dài nhiều tháng.

Theo AFP, bà Aung San Suu Kyi đã có cuộc gặp kín Chủ tịch Hạ viện Shwe Mann tại Naypyidaw, thủ đô hành chính của Miến Điện. Nội dung buổi làm việc không được tiết lộ. Phát ngôn viên của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, ông Win Htein chỉ cho biết hai bên bàn về "những hồ sơ quan trọng cho đất nước".

Tuy nhiên cuộc gặp của lãnh đạo đối lập đang được trông đợi nhiều hơn là với Tổng thống Thein Sein và Tổng tư lệnh quân đội, tướng Min Aung Hlaing. Ngay sau khi giành thắng lợi trong bầu cử, bà Aung Sann Suu Kyi đã gửi thư chính thức đến các lãnh đạo chủ chốt của chính quyền là Chủ tịch Quốc hội Shwe Mann, Tổng thống Thein Sein, Tư lệnh quân đội, tướng Min Aung Hlaing đề nghị được gặp.

Mặc dù thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử vừa rồi, Tổng thống và Tổng tư lệnh Miến Điện chưa ấn định thời điểm tiếp bà Aung San Suu Kyi. Hôm nay, phát ngôn viên Phủ tổng thống Zaw Htay cho biết cuộc gặp sẽ chỉ diễn ra khi "toàn bộ tiến trình bầu cử" kết thúc, tức là khi kết quả bầu cử được công bố chính thức. Thủ tục này sẽ còn phải mất thêm nhiều tuần nữa.

Theo hệ thống chính trị Miến Điện, Tổng thống Thein Sein vẫn tiếp tục nắm quyền cho đến tháng Ba năm sau. Đến cuối tháng Giêng 2016, Quốc hội mãn nhiệm mới được bàn giao cho Quốc hội mới để sang tháng Hai hoặc tháng Ba bầu một tân tổng thống.

Hiến pháp hiện hành không cho phép bà Aung San Suu Kyi làm tổng thống. Cho đến giờ đảng thắng cử vẫn chưa hé lộ một cái tên nào cho chức vụ này. Tuy nhiên cái tên Shwe Mann đã được nói đến nhiều trong giới quan sát chính trị tại Miến Điện trong những ngày qua.

Chủ tịch Quốc hội Shwe Man từng là một tướng lĩnh quân đội. Trước cuộc bầu cử không lâu, ông bị tước chức vụ Chủ tịch đảng cầm quyền USDP. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Hạ viện Mỹ đối đầu trong cuộc biểu quyết về vấn đề người tị nạn

Hạ viện Hoa Kỳ dự định biểu quyết trong ngày hôm nay về một dự luật do khối Cộng hòa đa số đề nghị chính phủ Obama ngưng chương trình tái định cư người Iraq và Syria tỵ nạn ở Hoa Kỳ.

Tổng thống Obama đe dọa sẽ phủ quyết dự luật có tác dụng kéo chậm đà nhập cảnh của di dân Syria vào Hoa Kỳ.

Tòa Bạch Ốc cho hay trong một thông cáo rằng dự luật này sẽ thêm “những yêu cầu không cần thiết và thiếu thực tế” vào tiến trình duyệt xét người tỵ nạn.

Chủ tịch Ủy ban Ngoại vụ Thượng viện, thượng nghị sĩ Bob Corker của đảng Cộng hòa nêu ý kiến:

“Ai đó cần phải giải thích rõ ràng cho người dân Mỹ về các tiến trình mà chúng ta đi qua trước khi nhận người tỵ nạn.”

Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan kêu gọi tạm ngưng việc Hoa Kỳ nhận người Syria tỵ nạn, vì cho rằng không nên để cho các phần tử khủng bố lợi dụng lòng từ ái của nước Mỹ.

Hôm thứ tư, Tổng thống Obama tuyên bố ngưng tiền trình tái định cư sẽ đi tới chỗ hành động vì sợ hãi.

“Chúng ta không thực hiện những quyết định tốt nếu dựa vào sự hoảng sợ hay thổi phồng những rủi ro.”

Nhiều đảng viên Dân chủ tại Hạ viện đã lên tiếng cực lực phản đối mọi biện pháp ngăn chặn người Syria và Iraq tỵ nạn, và nói rằng họ đã được kiểm tra kỹ lưỡng theo hệ thống hiện hành rồi.

Tổng thống Barack Obama đã hứa nhận 10.000 người Syria tỵ nạn trong năm tài chính sắp tới.

Nếu Hạ viện thông qua dự luật thì chưa rõ liệu Thượng viện có đưa ra biểu quyết hay không, trong tình hình Tổng thống Obama nhất quyết chống lại mọi sự gián đoạn đối với chương trình tái định cư. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Bí thư Đà Nẵng nói về lao động Trung Quốc

Ông Nguyễn Xuân Anh, Tân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, vừa trả lời phỏng vấn báo Infonet về việc đưa lao động Trung Quốc vào làm việc trong địa bàn thành phố.

Báo này cho hay lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Đà Nẵng đã cho phép Công ty TNHH Sichuan Huashi (Trung Quốc) đưa 300 lao động từ Tứ Xuyên qua Đà Nẵng xây khách sạn JW Marriott do Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Silver Shores (có lãnh đạo cũng là người Trung Quốc) làm chủ đầu tư.

Ông Xuân Anh nói cũng chỉ "mới nghe thông tin... chưa có ai báo cáo cho tôi cả".

"Nhưng tôi thấy vội vàng quá. Cứ từ từ chứ mắc chi vội vàng cho phép đưa 300 người từ Trung Quốc qua? Vội quá! Đến nỗi gì mà mình không có lao động cơ chứ!"

Ông Nguyễn Xuân Anh cho hay đã gọi điện hỏi các quan chức có trách nhiệm ở địa phương, nhưng người thì đi vắng, người thì không nắm được vấn đề.

Người đứng đầu Thành ủy ngỏ ý trách: "Những việc như thế này hết sức nhạy cảm, phải xin ý kiến Thường trực Thành ủy. Mà đây đang là thời điểm hết sức nhạy cảm nữa. Làm vội vội vàng vàng như vậy khiến dư luận người ta nói!"

Bình luận của ông cho thấy có sự khập khiễng trong phối hợp giữa lãnh đạo Đảng và chính quyền: "Lẽ ra họ phải trao đổi với tôi một tiếng vì việc này liên quan đến vấn đề an ninh quốc phòng chứ có phải chuyện đùa đâu".

Ông Nguyễn Xuân Anh kết luận: "Tôi rất ủng hộ doanh nghiệp Trung Quốc cũng như các doanh nghiệp FDI vào đầu tư trên địa bàn TP Đà Nẵng. Lãnh đạo TP luôn tạo điều kiện hết mức có thể họ làm ăn, kiếm lợi nhuận ở đây và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương".

"Tuy nhiên về vấn đề lao động, nói chung chứ không chỉ là lao động Trung Quốc, thì phải xem xét kỹ trên địa bàn có đáp ứng được hay không. Nếu đáp ứng được thì không việc gì cho phép đưa lao động nước ngoài vào mà phải ưu tiên số một giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ."

Khách sạn JW Marriott và một số công trình khác được nói là đang xây dựng gấp để phục vụ hội nghị thượng đỉnh Apec năm 2017.

Ông Nguyễn Xuân Anh, 39 tuổi, vừa được bầu làm Bí thư thành phố lớn thứ ba Việt Nam hồi tháng 10.

Ông còn là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN và Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.

Ông Xuân Anh là con trai cả của ông Nguyễn Văn Chi, cựu Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị khóa X. - BBC
|
|

6.
ASEAN cần mạnh mẽ hơn với TQ trong vấn đề biển Đông

Tình hình căng thẳng ở biển Đông giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN thời gian gần đây lại tiếp tục lên cao sau khi Trung Quốc cho tiến hành xây dựng một loạt đảo nhân tạo. Để đáp trả lại hành động này từ Trung Quốc, Hoa Kỳ mới đây đã bắt đầu thực hiện chương trình tự do hàng hải, theo đó Hoa Kỳ điều tàu tuần tra đến khu vực biển Đông, thách thức khu vực 12 hải lý quanh các đảo Trung Quốc xây dựng. Những diễn biến này sẽ được đề cập ra sao tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á sắp tới tại Malaysia. Các cường quốc tham gia thượng đỉnh như Mỹ, Nhật Bản, Australia sẽ có phản ứng thế nào và họ nhìn nhận thách thức từ Trung Quốc trong tương lai ra sao?

Tại sao không chỉ đích danh TQ?

Việt Hà có cuộc trao đổi cùng chuyên gia cao cấp về Trung Quốc thuộc Viện Chiến Lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) ở Washington DC, bà Bonnie Glaser về vai trò của Mỹ và các nước ASEAN. Trước hết nói về vấn đề căng thẳng ở biển Đông tại hội nghị Đông Á sắp tới, bà Bonnie Glaser cho biết:

Bonnie Glaser: Tôi nghĩ vấn đề biển Đông đã được nói đến trong khoảng 5 năm trở lại đây tại thượng đỉnh Đông Á. Đã có những thảo luận bởi một số nước. Tôi nghĩ vấn đề này có thể sẽ được đề cập trong tuyên bố chung. Tôi trông đợi là tuyên bố chung có nhắc tới Công ước của Liên hiệp quốc về luật biển (UNCLOS), tới hợp tác để giảm căng thẳng, nhưng tôi sẽ không ngạc nhiên nếu không thấy có nhắc đến những đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng hoặc bất cứ điều gì dẫn đến việc chỉ đích danh Trung Quốc. Tôi nghĩ là họ sẽ nói tới việc giảm căng thẳng, tuân thủ luật quốc tế. Vào năm ngoái thượng đỉnh cũng nhắc tới tự do hàng hải và thương mại thông thương. Theo tôi thì ngôn ngữ này sẽ được nhắc lại trong thượng đỉnh lần này.

Việt Hà: Bà và nhiều chuyên gia cũng đã từng nói là sẽ không ngạc nhiên nếu các tuyên bố chung không đề cập đến Trung Quốc. Tại sao các nước không thể chỉ đích danh Trung Quốc?

Bonnie Glaser: Tôi nghĩ nhiều nước có những cái nhìn khác nhau về vấn đề này. Trung Quốc cũng là thành viên của thượng đỉnh Đông Á, có một số nước cho rằng việc giải quyết căng thẳng ở biển Đông bằng ngoại giao im lặng là tốt hơn cả, thay vì gọi tên Trung Quốc trên giấy tờ. Có nhiều nước là thành viên của thượng đỉnh Đông Á và rất khó để khiến họ có thể có chung một tiếng nói. Do vậy đây là mẫu số chung cho kết quả mà chúng ta thấy.

Việt Hà: Bà có nghĩ là lãnh đạo các nước sẽ có một cách tiếp cận nào mới với Trung Quốc tại thượng đỉnh này không?

Bonnie Glaser: Vấn đề ở biển Đông rất phức tạp và nó không thể giải quyết bởi một thượng đỉnh Đông Á. Điều xảy ra ở thượng đỉnh phải là một chiến lược toàn bộ nơi mà các nước có cùng quan điểm cố gắng tìm cách gây ảnh hưởng đến thái độ của Trung Quốc. Cho đến lúc này tôi thấy là Trung Quốc không mất gì nhiều khi họ đơn phương thay đổi hiện trạng một cách liên tục nhằm có lợi cho mình. Nhưng thực tế là rất khó để có thể làm tăng những chi phí tổn thất cho Trung Quốc, và đó là điều mà tôi nghĩ Hoa Kỳ cùng một số nước đang cố gắng thực hiện, tức là chỉ ra những hậu quả mà Trung Quốc phải gánh chịu đối với các hành động của họ. Tuy nhiên, vẫn có sự không sẵn sàng của ASEAN và thậm chí nhiều thành viên của nhóm trong việc cho Trung Quốc gánh những hậu quả do hành động của mình. Cho nên vấn đề này rất khó để đề cập đến. Nó cần phải có nỗ lực của rất nhiều nước. Hoa Kỳ không thể làm một mình. Nó phải có sự kết hợp của những biện pháp kinh tế, ngoại giao và quân sự được sử dụng đồng bộ để có thể làm thay đổi những tính toán của Trung Quốc. Tôi nghĩ thượng đỉnh Đông Á đưa ra một thông cáo chung là một việc có thể làm nhưng cuối cùng đó không phải là biện pháp duy nhất mà còn cần phải làm nhiều hơn nữa.

Việt Hà: Các nước trong khu vực trông đợi vào vai trò đi đầu của Mỹ trong khu vực. Với việc Mỹ gửi tàu chiến đến khu vực 12 hải lý quanh một số đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng được một số chuyên gia đánh giá là tích cực nhưng vẫn có nhận định cho rằng chưa đủ mạnh. Theo bà Hoa Kỳ còn cần phải làm gì để có thuyết phục các nước tham gia tạo sức ép lên Trung Quốc?

Bonnie Glaser: Việt Nam là một ví dụ điển hình khi nước này im lặng ủng hộ việc Mỹ thực hiện chương trình tự do hàng hải ở khu vực 12 hải lý quanh những bãi đá ngầm mà Trung Quốc cho xây dựng thành đảo nhân tạo. Nhưng về mặt công khai thì Việt Nam gần như không nói gì. Việt Nam chỉ nói là các nước phải tuân thủ luật quốc tế. Việt nam không đưa vấn đề ra tòa quốc tế theo UNCLOS như Philippines đã làm. Như các nước khác, Việt Nam muốn có lợi về mặt kinh tế trong quan hệ với Trung Quốc trong khi hy vọng là sẽ dựa vào các nước như Mỹ, Nhật hay các nước khác tạo áp lực lên Trung Quốc. Nhưng thành thực mà nói các nước có đòi hỏi về chủ quyền như Việt Nam cần phải làm hơn nữa. Hoa Kỳ không thể một mình làm hết. Nhật BẢn thì còn bị phân tâm bởi sức ép của Trung Quốc ở biển Hoa Đông nên những gì mà họ có thể làm ở biển Đông là rất giới hạn. Hiện tại chúng ta vẫn còn phải chờ xem là liệu Úc có thể tham gia nhiều hơn vào vấn đề biển Đông hay không. Họ có thể đơn phương thực hiện việc tuần tra trên biển cho mục đích tự do hàng hải nhưng chúng ta vẫn chưa thể biết được. Cho nên theo tôi, về mặt kinh tế, ngoại giao và quân sự, các nước cần phải tích cực hơn , nhất là các nước có đòi hỏi về chủ quyền.

Lý do kinh tế?

Việt Hà: Cũng có nhận định cho rằng vì mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc mà những sức ép từ Mỹ lên Trung Quốc chưa đủ mạnh vì nếu không thì sẽ không có lợi cho Mỹ. Việc Mỹ thực hiện chương trình tự do hàng hải trên biển Đông mới đây cũng là hơi chậm và chưa đủ. Bà có nhận xét gì về điều này?

Bonnie Galser: Tôi đã nghe một số người ở Việt Nam và một số nước khác nói vậy nhưng tôi không hiểu họ mong Mỹ làm gì thêm nữa. Đây là một ví dụ về một số nước muốn Hoa Kỳ chống lại Trung Quốc, đưa nền kinh tế của Mỹ vào những rủi ro nhưng chính họ lại không muốn kinh tế nước họ gặp rủi ro. Hoa Kỳ được trông đợi là phải tham gia, phất một chiếc đũa thần còn những nước khác chỉ đi nhờ. Điều này hoàn toàn không thực tế. Tôi nghĩ là họ cũng phải tham gia cuộc chơi. Đây là vấn đề mà một mình nước Mỹ không thể tự giải quyết và tôi nghĩ là Mỹ đang cố gắng làm những gì có thể trong khi vẫn duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, gây sức ép lên Trung Quốc để khiến họ xem xét lại cách tiếp cận của họ để điều tiết những căng thẳng liên quan đến tranh chấp về chủ quyền trong khu vực. Tôi cũng nghĩ là Hoa Kỳ đã nên thực hiện chương trình tự do hàng hải của mình sớm hơn nhưng tôi không nghĩ là 6 hay 8 tháng chậm hơn có thể là một nhân tố chính quyết định việc Mỹ có thành công trong việc khiến Trung Quốc thay đổi những tính toán của mình. Vẫn còn những nhân tố khác cũng quan trọng. Một lần nữa phải nói là thái độ của những nước đòi chủ quyền trong khu vực rất quan trọng.

Việt Hà: Với những diễn biến gần đây ở biển Đông, bà có đánh giá thế nào về triển vọng giải quyết tranh chấp trong khu vực?

Bonnie Glaser: Tôi nghĩ có thể là chúng ta đang ở một bước ngoặt. Sự kết hợp của vụ kiện mà Philippines đưa lên tòa trọng tài quốc tế theo UNCLOS và chương trình tự do hàng hải của Mỹ, theo tôi là một sự khởi đầu của một chiến lược hiệu quả hơn nhưng tôi không nghĩ là chúng ta sẽ có chiến tranh. Tôi không nghĩ là sẽ có những xung đột quân sự. Theo tôi câu hỏi lớn vào lúc này là liệu Trung Quốc có thể bị thuyết phục rằng cách mà họ đang làm nhằm giành quyền kiểm soát đối với các đảo, vùng biển và có thể là vùng trời ở khu vực biển Đông về lâu dài là không có lợi cho họ nếu so với những rủi ro mà họ có thể có trong quan hệ với các nước láng giềng. Nếu những nước láng giềng có thể khiến Trung Quốc lựa chọn giữa sử dụng vũ lực tại biển Đông và mối quan hệ tốt với láng giềng thì tôi sẽ lạc quan hơn. Nhưng vào lúc này tương lai vẫn chưa rõ ràng là lựa chọn nào Trung Quốc sẽ có.

Việt Hà: Xin cảm ơn bà đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn. - RFA

No comments:

Post a Comment