Saturday, November 28, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 28/11

Tin Thế Giới

1.
Thổ Nhĩ Kỳ khuyến cáo dân chúng hoãn tới Nga

Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay khuyến cáo dân chúng hoãn những chuyến đi không cấp bách tới Nga, trong diễn tiến mới nhất của vụ xích mích ngoại giao vì việc bắn rơi máy bay Nga.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nói lệnh cảnh báo du hành được đưa ra vì “những khó khăn”, mà họ không nói rõ là gì, mà du khách và cư dân Thổ Nhĩ Kỳ ở Nga đang đối mặt.

Nga đã có phản ứng giận dữ sau khi chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay của họ gần biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ với Syria, nơi Moscow đang tiến hành một chiến dịch quân sự.

Vụ tranh chấp này đe dọa tới mối quan hệ giữa hai nước vốn đã ở hai phía đối nghịch nhau trong cuộc nội chiến Syria, và làm tăng những mối lo ngại về một vụ xung đột quốc tế rộng lớn hơn.

Moscow đã loan báo một loạt các biện pháp trả đũa chống Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm hạn chế sự đi lại của du khách, tạm ngưng những cuộc tiếp xúc quân sự và áp dụng thêm những biện pháp kiểm tra đối với lương thực nhập khẩu.

Hôm qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tố cáo Nga “đùa với lửa” qua việc tấn công những nhóm chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad “dưới chiêu bài” chiến đấu chống nhóm Nhà nước Hồi giáo và tấn công những chiếc xe tải hoạt động ở Syria cho mục tiêu thương mại và nhân đạo.

Mặc dầu vậy, ông Erdogan cũng cho biết ông muốn gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào thứ hai tới đây bên lề hội nghị thượng đỉnh khí hậu tại Paris. - VOA
|
|

2.
Biển Hoa Đông: Không quân Trung Quốc thị uy, phi cơ Nhật nghênh chiến

Nhật Bản hôm 27/11/2015 đã cho các phi cơ tiêm kích cất cánh khẩn cấp sau khi một phi đội gồm 11 chiến đấu cơ Trung Quốc bay sát các đảo trên Biển Hoa Đông, mà Bắc Kinh nói là diễn tập.

Các máy bay chiến đấu của Trung Quốc, gồm tám oanh tạc cơ và ba phi cơ trinh sát, hôm qua đã lướt gần Miyako và Okinawa tuy chưa xâm phạm không phận Nhật Bản. Theo Bộ Quốc phòng Nhật, một số chiến đấu cơ Trung Quốc đã bay vào giữa hai hòn đảo này, số khác bay sát các đảo kế cận.

Ông Thân Tiến Khoa (Shen Jinke), phát ngôn viên không quân Trung Quốc tuyên bố nhiều loại máy bay, trong đó có oanh tạc cơ H-6K, hôm qua đã tham gia hoạt động được gọi là "diễn tập" trên bầu trời phía tây Thái Bình Dương. Tân Hoa Xã dẫn lời ông này nói rằng, các cuộc tập trận ngoài khơi giúp cải thiện khả năng chiến đấu tầm xa của phi cơ Trung Quốc.

Nhật báo Yomiuri Shimbun nhận định, điều bất thường là Trung Quốc lại điều cả một phi đội đông đảo như vậy bay sát không phận Nhật Bản, và Bộ Quốc phòng Nhật đang phân tích để tìm hiểu mục đích của Bắc Kinh.

Nhật Bản hàng năm phải cho các phi cơ tiêm kích cất cánh khẩn cấp hàng trăm lần để bảo vệ không phận của mình trước Trung Quốc và cả với Nga.

Sự cố này diễn ra tại Biển Hoa Đông trong lúc tình hình vẫn đang nóng lên ở Biển Đông, sau khi Hoa Kỳ cho chiến hạm USS Lassen đi vào trong vùng 12 hải lý gần đảo nhân tạo do Bắc Kinh bồi đắp ở Trường Sa. Trung Quốc tự cho là có chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, nhưng Hoa Kỳ luôn bác bỏ các yêu sách đó. Để tìm cách xác quyết chủ quyền, từ một năm qua Trung Quốc đã ồ ạt đào đắp các rạn san hô thành đảo nhân tạo, xây lên hải cảng, phi đạo và nhiều công trình kiên cố.

Trong bối cảnh căng thẳng với các nước láng giềng, Trung Quốc đang chuẩn bị cải tổ quân đội với việc tăng cường sự kiểm soát của đảng, giảm bớt 300.000 quân. Ông Mathieu Duchâtel, phó giám đốc chương trình châu Á và Trung Quốc của Hội đồng Châu Âu nhận định:

"Đây không phải là việc giảm quân số quy mô nhất trong lịch sử đương đại. Tuy nhiên nó còn đi xa hơn so với tất cả những gì chúng ta biết được từ trước đến nay, đó là việc tổ chức lại trong nội bộ quân đội.

Số lượng các quân khu sẽ giảm, từ bảy còn bốn quân khu: Bắc, Nam, Đông, Tây. Có hai mục tiêu, trong đó mục tiêu chính là hiện đại hóa quân đội. Điều này không có gì mới, từ ba chục năm qua Trung Quốc đã tích lũy được nhiều nguồn lực, ngân sách, có được sự ủng hộ về chính trị trong việc hiện đại hóa đội quân của mình.

Thử thách lớn thứ hai của cải cách là có được những cơ quan kiểm toán, giám sát, kiểm soát chi tiêu, đấu tranh chống tham nhũng - mà ai cũng biết là quy mô lớn như thế nào trong quân đội.

Vấn đề an ninh là ưu tiên tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, hồ sơ Đài Loan luôn đè nặng lên chính sách đối ngoại của Trung Quốc, rồi sự cạnh tranh chiến lược với Hoa Kỳ…tất cả đều đóng vai trò quan trọng đối với quân đội Trung Quốc. Và hiện đại hóa thì cần phải chi tiêu, mua sắm, cải tổ cơ cấu để hoạt động hiệu quả hơn." - RFI
|
|

3.
Bắc Triều Tiên thất bại trong việc bắn thử hỏa tiễn đạn đạo từ tàu ngầm

Bắc Triều Tiên hôm nay 28/11/2015 có thể đã bắn thử một hỏa tiễn đạn đạo từ một tàu ngầm ở Biển Nhật Bản, nhưng đã thất bại. Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc cho biết như trên.

Một quan chức chính phủ Hàn Quốc được Yonhap dẫn lời nói rằng hỏa tiễn KN-11 đã được bắn đi trong khoảng 5 giờ 20 đến 5 giờ 40 GMT hôm nay. Quan chức giấu tên này khẳng định: "Vụ bắn tên lửa của Bình Nhưỡng dường như đã thất bại. Hỏa tiễn không thấy bay xuyên lên không gian, mà chỉ thấy những mảnh vụn". Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc từ chối bình luận về vụ này với AFP.

Nếu việc bắn thử tên lửa được xác nhận, thì đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng cho bắn hỏa tiễn đạn đạo kể từ tháng Năm cho đến nay. Vào thời điểm đó, lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã thị sát hoạt động được Bình Nhưỡng nói là bắn thử một hỏa tiễn đạn đạo từ tàu ngầm.

Tuy tên lửa bắn đi hôm nay chỉ bay lên khỏi mặt nước khoảng 100-150 mét, nhưng theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc vì việc phóng hỏa tiễn vào thời điểm này "rất nghiêm trọng và đáng ngại".

Các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cấm Bắc Triều Tiên sử dụng mọi công nghệ liên quan đến đạn đạo. Bình Nhưỡng vốn đang triển khai chương trình quân sự, khẳng định đã hoàn chỉnh được các tên lửa tầm xa có khả năng bắn tới lãnh thổ Hoa Kỳ. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng còn phải mất nhiều năm nữa, Bắc Triều Tiên mới có thể phóng được các hỏa tiễn liên lục địa (ICBM). - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Kẻ nổ súng tại phòng mạch Planned Parenthood ở Colorado bị bắt; 3 người chết

Một cảnh sát viên và hai thường dân bị thiệt mạng hôm thứ sáu trong vụ bắn nhau kéo dài 5 giờ đồng hồ với một tay súng tại phòng mạch của Planned Parenthood ở thành phố Colorado Springs của tiểu bang Colorado.

Cảnh sát cho biết họ đã bắt được tay súng tên Robert Lewis Dear, 57 tuổi, và đang tìm cách để bảo đảm là hung thủ này không để lại chất nổ trong khu vực.

Một phát ngôn viên cảnh sát cho biết đôi bên đã bắn nhau rất nhiều mà không có nói gì với nhau cho tới khi “cảnh sát có thể hô to với người đó và buộc y đầu hàng” bên trong toà nhà.

Cảnh sát viên thiệt mạng được xác nhận là ông Garrett Swasey, 44 tuổi, thuộc lực lượng cảnh sát bảo vệ Đại học Colorado Springs.

Hai thường dân cũng thiệt mạng trong lúc được cứu chữa. 9 người khác vẫn còn được điều trị tại bệnh viện.

Giới hữu trách cho biết họ chưa xác định động cơ của vụ nổ súng.

Planned Parenthood là tổ chức có tranh cãi vì một số cơ sở của tổ chức này thực hiện những vụ phá thai, tuy phần lớn hoạt động của họ là cung cấp những dịch vụ kế hoạch hoá gia đình, kiểm tra HIV và những chứng bệnh hoa liễu, và tư vấn về những vấn đề sức khoẻ tổng quát. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Việt Nam sẽ tập trận chung với Nga lần đầu tiên vào năm 2016

Một trong những đơn vị vũ trang hỗn hợp của quân khu phía Đông của quân đội Nga sẽ tham gia tập trận chung với Việt Nam ngay trên lãnh thổ Việt Nam vào năm tới, người đứng đầu bộ phận báo chí của quân khu phía Đông của Nga cho biết hôm thứ Năm.

“Đây là kế hoạch điều động một trong các đơn vị vũ trang hỗn hợp đang đóng quân ở khu vực Amur”, Đại tá Alexander Gordeev cho biết.

Bộ Quốc phòng Việt Nam chưa đưa ra thông tin liên quan đến cuộc tập trận này.

Quân khu phía Đông là một trong bốn tư lệnh chiến lược hoạt động của Các lực lượng Vũ trang Nga. Quân khu được thành lập theo Sắc lệnh của Tổng thống ký hồi tháng 9/2010.

Nga hiện đang thực hiện chương trình tái vũ trang với chi phí $325 tỷ USD để hiện đại hóa 70% quân đội vào năm 2020. - VOA
|
|

6.
Khách 'bị ngăn đến đám hỏi Thanh Nghiên'

Đám hỏi của nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên đã diễn ra ‘gần như trọn vẹn’ ở Hải Phòng dù một số khách mời ở Hà Nội bị an ninh ngăn không cho đi dự.

Bà Phạm Thanh Nghiên, 38 tuổi, từng bị án tù giam bốn năm vì tội tuyên truyền chống nhà nước, mãn hạn tháng 9/2012.
Bà kết duyên với ông Huỳnh Anh Tú, cựu tù chính trị mãn án 14 năm tù năm 2013.

Hôm 28/11, trả lời phỏng vấn của BBC, Phạm Thanh Nghiên nói: “‘Đám hỏi của tôi diễn ra gần như trọn vẹn, dù một số khách mời như luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, cựu tù nhân lương tâm Phạm Văn Trội… không đến được vì an ninh ngăn cản.”

Bà nói thêm là dù công an giao thông, mật vụ, an ninh… canh gác các ngả đường dẫn vào nhà bà nhưng ‘không có việc gì xảy ra ngoài ý muốn'.

“Tôi và anh Tú đến với nhau, ngoài chuyện cùng chung lý tưởng còn là tôn trọng nhân cách của nhau," bà nói.

Những ‘kỷ lục’ buồn

Trước đó, bà Nghiên viết trên Facebook: “Nếu chính quyền ngăn chặn cả đoàn xe của chú rể thì tôi sẽ lập một số kỷ lục sau:

Người đầu tiên tọa kháng chống Tàu ngay trong nhà mình mà bị bắt và kết án 4 năm tù giam, 3 năm quản chế

Một trong những người tù nhân lương tâm bị triệu tập nhiều nhất trong thời gian quản chế: khoảng 40 lần.

Mẹ tôi qua đời năm 2014 nhưng khi mang tro cốt xuống nghĩa trang thì chính quyền địa phương ra lệnh "không được chôn vì liên quan đến chính trị".

"Cảm ơn vì đã lập kỷ lục cho tôi, những ‘kỷ lục’ không ai muốn lập và không một xứ tử tế nào muốn có.”

Hôm 24/11, ông Tú chia sẻ một status dành cho vợ: “Dù quen biết em chỉ hơn một năm, nhưng ít nhiều anh cũng cảm nhận được bao thăng trầm sóng gió mà em đã gánh chịu suốt mấy mươi năm trời. Tuy là thế, nhưng em luôn giữ được thái độ lạc quan yêu đời, luôn quan tâm và lo lắng đến mọi người. Với anh, em chính là món quà thiêng liêng mà Chúa đã ban tặng cho anh. Anh hứa sẽ trân trọng và gìn giữ món quà này bằng cả trái tim của mình.”

Hôm 27/11, luật sư Nguyễn Văn Đài, một trong những khách mời không đến được, gửi lời cáo lỗi và cho biết thêm trên Facebook: “Hai sĩ quan an ninh, một của bộ, một của sở mời tôi đi uống cà phê để vận động tôi không đi đám hỏi ở Hải Phòng. Tôi hỏi họ lý do tại sao? Thì họ trả lời do có đông người tới dự nên tình hình nhạy cảm và phức tạp."

"Tôi nói với họ đám cưới nào cũng đông người cả, đám hỏi chị Nghiên chắc chỉ vài chục người là cùng. Tôi nói tiếp với họ: Các anh ngăn chặn tôi thế này vừa vi phạm Hiến pháp, pháp luật vừa đi ngược lại truyền thống đạo đức của người Việt Nam."

"Họ im lặng chấp nhận là những người chà đạp hiến pháp và vi phạm đạo đức.”

Trong cuộc phỏng vấn trước đây với BBC, Phạm Thanh Nghiên nói bản án đối với bà là ‘bất công’ và nói thêm: "Tôi hoàn toàn vô tội. Những gì tôi nói hoàn toàn xuất phát từ sự thật và những gì tôi làm xuất phát từ lương tâm và trách nhiệm."

Sau khi ra tù, bà vẫn tiếp tục các hoạt động như chiến dịch Nhân quyền 2015, Công dân tự do, Cà phê nhân quyền, Chúng tôi muốn biết...

Bà được tổ chức Tổ chức Theo dõi Nhân quyền trao giải Hellman/Hammett năm 2009. - BBC

No comments:

Post a Comment