Tuesday, November 10, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Ba 10/11

Tin Thế Giới

1.
Bầu cử Myanmar: Đảng NLD giành thắng lợi áp đảo --- Việt Nam sẽ theo chân Myanmar?

Cuộc tổng tuyển cử có tính chất lịch sử ở Myanmar hôm chủ nhật đã nhận được sự tán thưởng dè dặt của các quan sát viên quốc tế, trong lúc công tác kiểm phiếu tiếp diễn sang tới ngày thứ nhì. Thông tín viên Steve Herman của đài VOA gởi về bài tường thuật từ Yangon.

Tại một cuộc họp báo ở Yangon hôm nay, người đứng đầu phái bộ quan sát bầu cử của Liên hiệp Âu Châu, ông Alexander Graf Lambsdorf, nói rằng “Tiến trình này đã diễn ra tốt hơn dự kiến trước đó của nhiều người.”

Hơn 30 triệu người đã bỏ phiếu trong cuộc bầu cử hôm chủ nhật, cuộc bầu cử tự do đầu tiên trong vòng 25 năm tại quốc gia từng nằm dưới sự cai trị của quân đội này. Kết quả chính thức do Uỷ ban Bầu cử công bố cho thấy Liên minh Dân chủ Toàn quốc cho tới giờ đã chiếm được 126 ghế đại biểu tại Hạ viện, trong khi Đảng Đoàn kết Phát triển Liên hiệp do quân đội hậu thuẫn chỉ giành được 8 ghế.

Liên minh Dân chủ Toàn quốc, do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo, đã tuyên bố giành được thắng lợi áp đảo. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài BBC ngày hôm nay, người phụ nữ đoạt giải Nobel Hoà bình này nói đảng bà đã thắng khoảng 75% số ghế đại biểu được mang ra bầu chọn.

Ông Lambsdorf của Liên hiệp Âu châu nói “Sự kiện các ứng cử viên của Đảng Đoàn kết Phát triển thất cử đã chấp nhận sự thất bại của họ là có ích cho sự khả tín của tiến trình bầu cử.” Nhưng ông nói thêm rằng cuộc đầu phiếu này không thể được gọi là “một cuộc bầu cử đích thực” bởi vì không phải tất cả các ghế đại biểu đều được mang ra bầu chọn. Hiến pháp Myanmar dành riêng cho quân đội 25% số ghế đại biểu quốc hội.

Ông Lambsdorf cũng bày tỏ quan tâm về việc nhiều người Rohingya theo đạo Hồi không được ghi tên vào danh sách cử tri và danh sách ứng cử viên – một việc là ông gọi là “một phần của một vấn đề xã hội rộng lớn hơn.” Hàng triệu người Rohingya theo Hồi giáo ở Myanmar bị tước quyền bầu cử ứng cử vì không có quốc tịch hoặc vì những lý do khác.

Ông Jason Carter, một quan sát viên người Mỹ, nói với báo chí rằng “tình cảm bài xích Hồi giáo” bao trùm cuộc bầu cử lần này. Ông Carter dẫn đầu một nhóm quan sát viên quốc tế ở Miến Điện đại diện cho Trung tâm Carter, một tổ chức nhân quyền ở Mỹ được lập ra bởi ông nội của ông là cựu Tổng thống Jimmy Carter. Cựu Tổng thống Ireland, bà Mary Robinson, một người trong phái đoàn của Trung tâm Carter, cũng than phiền về việc không có nhiều ứng cử viên phái nữ.

Một người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đã tán dương “quảng đại quần chúng thuộc nhiều tầng lớp ở Myanmar về sự kiên nhẫn, tôn nghiêm và nhiệt tình của họ.”

Kết quả bầu cử bị trì hoãn

Hôm qua, các giới chức bầu cử Myanmar cho biết họ hoãn việc loan báo kết quả chính thức cho tới 6 giờ chiều thứ hai giờ địa phương, thay vì 9 giờ sáng như kế hoạch trước đây. Họ không cho biết lý do của sự trì hoãn này.

Tờ Myanmar Times tường thuật rằng Đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc đã chính thức khiếu nại với Uỷ ban Bầu cử về sự thay đổi trong qui trình bầu cử. Đảng này nói rằng Uỷ ban Bầu cử đã chỉ thị cho các giới chức bầu cử địa phương trực tiếp nộp kết quả bầu cử cho văn phòng chính của uỷ ban tại thủ đô Naypyitaw, thay vì nộp cho giới hữu trách bầu cử địa phương và tiểu bang trước tiên.

Cần thắng lớn

Đây là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ở Myanmar kể từ khi tập đoàn quân nhân cầm quyền thành lập một chính phủ trên danh nghĩa là chính phủ dân sự vào năm 2011, sau khi cầm quyền gần 50 năm, và một năm sau khi bà Aung San Suu Kyi được trả tự do và lệnh cấm đối với đảng của bà được thu hồi.

Bà Suu Kyi và Đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc của bà đã giành được thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử năm 1990 nhưng quân đội không để cho bà lên nắm quyền.

Các chuyên gia chính trị Myanmar cho rằng Đảng Liên minh dân chủ Toàn quốc cần phải giành được 67% số ghế tại quốc hội mới có có thể vượt qua sự phủ quyết của quân đội tại quốc hội gồm hai viện và có nhiệm vụ bầu ra tổng thống.

Bà Aung San Suu Kyi không thể giữ chức tổng thống cho dù đảng của bà thắng cử. Tập đoàn quân nhân nắm quyền năm 2008 đã đưa vào bản hiến pháp một qui định để không cho một người có vợ hoặc chồng hoặc con cái là người nước ngoài được giữ chức tổng thống. Người chồng quá cố của bà Suu Kyi và hai người con trai của bà là công dân Anh.

Tuy có sự cấm đoán đó, bà Suu Kyi nói với đài BBC rằng việc này không ngăn bà “thực hiện tất cả mọi quyết định trong tư các lãnh tụ của đảng thắng cử.”

Gần 7.000 ứng cử viên thuộc 91 đảng dự tranh các ghế đại biểu tại hai viện của quốc hội.

Myanmar, cựu thuộc địa Anh, đã bị cô lập với hầu hết thế giới bên ngoài trong nhiều thập niên sau khi Tướng Ne Win thực hiện cuộc đảo chánh vào năm 1962 để lật đổ chính phủ dân cử và bãi bỏ hiến pháp của quốc gia đa số dân là người theo đạo Phật. - VOA

***
Thắng lợi của đảng đối lập trong cuộc bầu cử mang tính lịch sử ở Myanmar đang “gợi cảm hứng” cho nhiều người Việt, và thậm chí một số nhà hoạt động đã kêu gọi “cách chức Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Tin mới nhất cho hay, lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi nói với truyền thông quốc tế rằng bà tin là Đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc (NLD) của bà đã giành thế đa số ở quốc hội.

Các kết quả sơ bộ cho thấy NLD đã giành thắng lợi áp đảo, nhưng kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử dự kiến sẽ được công bố trong những ngày tới.

Luật sư bất đồng chính kiến Nguyễn Văn Đài cho VOA Việt Ngữ biết rằng cuộc bầu cử được coi là dân chủ nhất ở Myanmar trong vòng hơn 20 năm, sau nhiều thập niên nằm dưới quyền lãnh đạo của giới quân nhân, đang “thu hút sự quan tâm của người dân Việt Nam”. Ông nói thêm:

“Đối với chúng tôi trong nước thì luôn lấy bài học của cá nhân bà Aung San Suu Kyi cũng như đảng đối lập của bà ấy như là một ví dụ điển hình để chúng tôi noi theo và học tập kinh nghiệm. Cho nên khi mà kết quả sơ bộ đã được thông báo rằng đảng đối lập của bà Aung San Suu Kyi đã giành thắng lợi thì đã tác động rất nhiều tới tâm lý của người Việt Nam. Đã có rất nhiều anh em đã đưa lên những khẩu hiệu như cách chức đảng cộng sản để tiến hành cuộc cải cách dân chủ giống như Myanmar rồi rất nhiều người đã nói rằng chúng ta đều là người Đông Nam Á với nhau tại sao nhân phẩm và giá trị của người Việt Nam lại thấp kém hơn người Myanmar được. Nếu so sánh về kinh tế và mọi thứ thì quá khứ của người Myanmar không bằng người Việt Nam được, những thành tựu trên thế giới không thể bằng Việt Nam, thì tại sao người Việt Nam lại chưa thể giành được quyền tự do, dân chủ như thế? Đó là điều thu hút rất là lớn đối với cộng đồng người Việt trong nước.”

Ông Đài cho biết thêm rằng cuộc bầu cử ở Myanmar “không chỉ đem lại sự hy vọng mà nó đem lại nguồn cảm hứng cho chúng tôi, những người đấu tranh ở trong nước”.

Nhà bất đồng chính kiến này cho rằng cần phải “khơi dậy tinh thần của người Việt Nam để họ hiểu về giá trị của mình”. Ông nói:

“Mà muốn được tăng giá trị và nhân phẩm của con người lên thì bắt buộc phải giành các quyền con người cơ bản nhất thôi.”

Cũng cùng quan điểm với ông Đài, tiến sỹ Nguyễn Quang A, nhà quan sát tình hình chính trị ở trong nước, nói với VOA Việt Ngữ rằng người Việt quan tâm tới cuộc bầu cử ở Myanmar vì là nước “có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam”. Ông nói thêm:

“Người Việt Nam chắc chắn là muốn học hỏi những kinh nghiệm từ việc dân chủ hóa ở Myanmar. Tôi không biết rằng giới lãnh đạo Việt Nam có tâm tư gì không về sự chuyển biến ở Myanmar, nhưng ông Nguyễn Tấn Dũng, thời ông ấy làm chủ tịch ASEAN, thì ông ấy đã bay sang Myanmar và khuyên tổng thống Thein Sein là phải chuyển đổi dân chủ, phải thế này, thế kia… Tôi kỳ vọng rằng ông Dũng cũng như ông khác nên thực hiện lời khuyên của ông đối với Myanmar cho chính các ông ấy ở Việt Nam, và cố gắng học những bài học ở Myanmar bởi vì có rất nhiều bài học quý giá cho giới lãnh đạo hiện nay ở Việt Nam.”

Ông A nói thêm rằng việc nhiều người Việt quan tâm tới tình hình chính trị ở Myanmar “phản ánh một tâm tư, mong muốn và chắc chắn cũng là một sự nóng ruột của người dân Việt Nam về tình hình phát triển chính trị, xã hội ở Việt Nam hiện nay”.

Cuộc tổng tuyển cử diễn ra hôm chủ nhật là cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên ở Myanmar kể từ khi một chính phủ trên danh nghĩa là chính phủ dân sự lên nắm quyền năm 2011, một năm sau khi bà Aung San Suu Kyi được trả tự do và lệnh cấm đối với đảng của bà được bãi bỏ.

Người phụ nữ từng đoạt giải Nobel Hòa bình và đảng NLD của bà đã giành được thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử năm 1990 nhưng quân đội không để cho bà lên nắm quyền.

Theo dự liệu, Liên minh dân chủ Toàn quốc lần này cũng sẽ đánh bại Đảng Đoàn kết Phát triển Liên hiệp, đảng có được hậu thuẫn của phe quân đội có nhiều thế lực.

Ông A nói thêm rằng bà Aung San Suu Kyi đã trải qua nhiều thử thách với hình thức đấu tranh bất bạo động, và ông nói rằng cũng như ở nhiều nơi khác, việc người dân Việt Nam ngưỡng mộ lãnh tụ đối lập  này là điều “không có gì khó hiểu”.

Về câu hỏi cho rằng ở Việt Nam “chưa có ai có tầm như bà Aung San Suu Kyi”, nhà quan sát này cũng nói thêm:

“Việt Nam để có một người thật sự xuất chúng như bà Aung San Suu Kyi thì có thể là hiếm, có thể là khó, nhưng mà có rất nhiều phụ nữ trẻ mà tôi thấy họ đấu tranh rất là kiên cường, sáng tạo. Chúng ta không nên bi quan vì chuyện phải đợi có một lãnh tụ bởi vì lãnh tụ sẽ tự xuất hiện khi cần đến.”

Theo hiến pháp hiện thời ở Myanmar, bà Suu Kyi không thể trở thành tổng thống. Tập đoàn quân nhân nắm quyền năm 2008 đã đưa vào bản hiến pháp một qui định để không cho một người có vợ hoặc chồng hoặc con cái là người nước ngoài được giữ chức vụ này. Người chồng quá cố của bà Suu Kyi và hai người con trai của bà là công dân Anh.

Tuy nhiên, bà Aung San Suu Kyi cho các hãng thông tấn biết rằng với tư cách lãnh đạo đảng giành thắng lợi lần này, bà sẽ "tìm được người" có thể đảm trách nhiệm vụ đó.

Theo dự kiến, tân tổng thống Myanmar sẽ được bầu vào đầu năm sau. Đương kim tổng thống, ông Thein Sein, đã hứa hợp tác với các đảng đối lập để có được một cuộc chuyển tiếp êm thắm và suôn sẻ trong trường hợp cuộc bầu cử này loại ông ra khỏi quyền lực.

Trên mạng xã hội Facebook, một người có tên là Linh Vu viết: “Nếu so với Myanmar thì lẽ ra Việt Nam có những điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều lần: một đất nước khá thuần chủng và không có mấy các xung đột về sắc tộc và tôn giáo; người dân thông minh và có trình độ giáo dục tốt; một nền kinh tế mở cửa trước Myanmar 30 năm… Nếu 10 năm nữa mà nhìn lại chúng ta để Myanmar vượt qua thì hẳn sẽ tủi hổ lắm…” - VOA
|
|

2.
Hải quân Mỹ-Trung tập trận chung trên Đại Tây Dương --- Philippines sẽ đón tiếp chu đáo Chủ tịch TQ tại APEC --- TQ: Thượng đỉnh APEC sẽ không bàn về Biển Đông

Căng thẳng với nhau ở Biển Đông, nhưng lại hữu hảo với nhau ở nơi khác. Hải quân Hoa Kỳ và Trung Quốc hôm thứ Bảy 07/11/2015 vừa qua đã cùng nhau tập trận chung trên Đại Tây Dương, ngoài khơi tiểu bang Florida. Cuộc thao diễn được tổ chức nhân dịp chiến hạm Trung Quốc ghé cảng Mỹ Jacksonville ở Florida.

Báo chí Trung Quốc đã không ngần ngại nêu bật sự kiện này. Hãng tin Mỹ UPI đã trích dẫn tờ Beijing News cho biết, hải quân hai nước đã tiến hành một buổi tập trận chung gần căn cứ Hải quân Mỹ Mayport ở Jacksonville, bang Florida.

Tham gia cuộc tập trận, về phía Trung Quốc có hai chiến hạm mới nhất có trang bị tên lửa dẫn đường là hộ tống hạm Ích Dương (Yiyang) và khu trục hạm Tế Nam, cùng với tàu chở dầu Thiên Đảo Hồ (Qiandao Hu). Phía Mỹ đã triển khai khu trục hạm tên lửa USS Mason và tuần dương hạm có tên lửa dẫn đường USS Monterey, bên cạnh nhiều tàu khác ở Đại Tây Dương.

Cuộc tập trận kéo dài 6 tiếng đồng hồ với các bài tập phối hợp thông tin liên lạc trên biển, thao tác đội hình và cứu nạn trên biển.

Theo UPI, sĩ quan chỉ huy nhóm tàu Trung Quốc đã tiếp xúc với các quan chức Mỹ và bày tỏ hy vọng tiến trình xây dựng niềm tin giữa hai bên sẽ được củng cố thêm, bất chấp bất đồng về Biển Đông.

Phó Đô đốc Mỹ, bà Mary Jackson, Tư lệnh Hải quân Vùng Đông Nam, đã trả lời rằng "giữa Hải quân với nhau", hạm đội Trung Quốc được hoan nghênh tại Florida, và bà hy vọng một phần ánh nắng của Florida có thể giúp giảm bớt những căng thẳng gần đây.

Ngày 27 tháng 10, căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng khi khu trục hạm trang bị tên lửa dẫn đường USS Lassen tiến vào bên trong vùng 12 hải lý quanh Đá Xu Bi ở Trường Sa (Biển Đông), nơi Trung Quốc đang cho xây một phi đạo.

Trung Quốc muốn có căn cứ tại Djibouti

Hải quân Trung Quốc tập trận với Mỹ trên Đại Tây Dương vào lúc một quan chức quân sự hàng đầu của nước này đến thăm Djibouti, một tiểu quốc châu Phi có vị trí địa lý trọng yếu nhìn ra Ấn Độ Dương. Chuyến thăm đã làm dấy lên câu hỏi là phải chăng Trung Quốc muốn đặt một căn cứ quân sự tại nơi này.

Theo hãng tin Pháp AFP, tướng Phòng Phong Huy (Fang Fenghui), Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc đã ghé Djibouti cuối tuần qua, và đã hội kiến với Tổng thống Ismail Omar Guelleh. Theo trang mạng chính thức của Quân đội Trung Quốc, ông Phòng Phong Huy đã nói với Tổng thống Djibouti rằng Trung Quốc sẵn sàng "đẩy mạnh công cuộc hợp tác thực tế giữa chính quyền và quân đội hai nước".

Theo AFP, Quân đội Trung Quốc đang cố gắng mở rộng tầm hoạt động ra quốc tế, và hồi tháng Năm vừa qua, Tổng thống Djibouti đã tiết lộ rằng "các cuộc thảo luận đang được tiến hành" với Trung Quốc về việc cho Bắc Kinh xây dựng một căn cứ quân sự ở quốc gia nhỏ bé vùng Sừng châu Phi này nhưng lại ở ngay lối vào Hồng Hải và qua đó là Kênh đào Suez. Tổng thống Djibouti đã khẳng định với AFP rằng sự hiện diện của Bắc Kinh sẽ được "hoan nghênh".

Vấn đề là những hợp đồng mà Trung Quốc ký kết được nhằm xây dựng hay quản lý các hải cảng quanh Ấn Độ Dương đã làm dấy lên lo ngại về khả năng Bắc Kinh đang thiết lập một cái gọi là "chuỗi ngọc trai" nhằm khống chế khu vực.

Nhật báo Trung Quốc Global Times hôm nay đã lên tiếng bác bỏ các cáo buộc khi cho rằng chuyến thăm Djibouti của Tướng Phòng Phong Huy đã tạo ra những mối lo ngại quá đáng. - RFI

***
Philippines hôm nay 10/11/2015 khẳng định sẽ nồng nhiệt tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến dự hội nghị thượng đỉnh kinh tế tại Manila tuần tới, mặc dù hai nước đang căng thẳng vì tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.

Tổng thống Benigno Aquino và Ngoại trưởng Albert Del Rosario đã cam kết như trên, trong cuộc đàm thoại hiếm hoi với Ngoại trưởng Vương Nghị (Wang Yi), đang thăm và làm việc tại Manila để chuẩn bị cho hội nghị thường niên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

Phát ngôn viên Tổng thống Herminio Coloma nói với báo chí: "Tổng thống nói rằng ông hoan nghênh quyết định của Chủ tịch Tập Cận Bình đến dự thượng đỉnh APEC. Ông bảo đảm với Ngoại trưởng Vương Nghị là Philippines với tư cách chủ nhà luôn muốn làm cho khách mời có cảm giác ấm áp trước sự hiếu khách của người dân".

Còn phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Charles Jose cho biết ông Vương Nghị đến Manila "để đảm bảo rằng chuyến viếng thăm của ông Tập Cận Bình sẽ diễn ra một cách êm ái, an toàn và thành công". Vương Nghị "bày tỏ hy vọng các vấn đề bất đồng sẽ không được nêu ra".

Ông Charles Jose nói thêm, phía Philippines sẽ không tìm cách tranh luận về Biển Đông vì vụ này đã được đưa ra trước tòa án Liên Hiệp Quốc. "Trong bối cảnh APEC, chúng tôi đồng ý rằng đây là một diễn đàn kinh tế, không phải là địa điểm thích hợp để thảo luận về các vấn đề chính trị và an ninh".

Chuyến viếng thăm của Vương Nghị và Tập Cận Bình mang lại cơ hội hiếm hoi cho đối thoại cấp cao giữa hai nước láng giềng mà quan hệ ngoại giao đã xấu hẳn đi trong những năm gần đây do tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.

Philippines giận dữ trước những hành động "ỷ mạnh hiếp yếu" và thái độ "đạo đức giả" của Trung Quốc, trong đó có việc bồi đắp các đảo nhân tạo và kiểm soát bãi cạn Scarborough giàu tài nguyên hải sản. Sau đó đến lượt Trung Quốc tức tối trước nỗ lực của Philippines đưa vấn đề tranh chấp ra trước Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye, cũng như việc Manila khuyến khích đồng minh Hoa Kỳ phát huy ảnh hưởng chính trị và quân sự.

Hôm qua, ông Marciano Paynor, Trưởng ban tổ chức APEC nói với báo chí là vấn đề tranh chấp Biển Đông sẽ không được đưa vào chương trình nghị sự. Tại APEC, "tất cả đều là vấn đề kinh tế và sẽ không có các cuộc gặp song phương đặc biệt nào".

Về chuyến thăm Manila, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm nay nói rằng Bắc Kinh muốn cải thiện quan hệ với các nước láng giềng. Ông tuyên bố: "Chúng tôi tin rằng cần giải quyết đúng đắn các tranh chấp ở Biển Đông để bảo đảm vấn đề này không làm cản trở quan hệ". Tuy vậy, ông Hồng Lỗi vẫn cho rằng quả bóng đang ở phần sân của Philippines.

Cho đến nay, Tổng thống Aquino chỉ mới có một cuộc tiếp xúc ngắn ngủi với ông Tập Cận Bình bên lề hội nghị APEC tại Bắc Kinh năm ngoái, và nói chuyện với Hồ Cẩm Đào trong chuyến công du Trung Quốc năm 2011. - RFI

***
Một quan chức ngoại giao cao cấp của Trung Quốc khẳng định rằng Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương ( APEC) không có kế hoạch bàn về vấn đề Biển Đông tại cuộc họp thượng đỉnh trong tháng 11 này.

Thượng đỉnh APEC sẽ diễn ra từ ngày 17 đến 19/11/2015 tại Manila, Phillipines, với sự tham dự của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Barack Obama, cùng với các lãnh đạo khác của vùng châu Á Thái Bình Dương.

Tuyên bố với các phóng viên tại Bắc Kinh hôm nay, 10/11/2015, một thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cho rằng APEC chủ yếu chỉ bàn về hợp tác tài chính và thương mại. Theo vị thứ trưởng này, thượng đỉnh năm nay của APEC không có kế hoạch bàn về hồ sơ Biển Đông, mà hiện đang gây căng thẳng không chỉ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, mà cả với Hoa Kỳ.

Cũng chính do căng thẳng giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ trên Biển Đông mà cuộc họp vào tuần trước giữa các bộ trưởng Quốc phòng châu Á Thái Bình Dương đã không ra được một tuyên bố chung.

Riêng trong lĩnh vực thương mại, theo lời các quan chức cao Trung Quốc hôm nay, nhân cuộc họp thượng đỉnh APEC, Bắc Kinh sẽ thúc đẩy dự án khu vực tự do mậu dịch do nước này chủ xướng, Vùng tự do mậu dịch châu Á Thái Bình Dương (FTAAP), cạnh tranh với hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đứng đầu là Hoa Kỳ. Trung Quốc đã đề nghị dự án FTAAP ngay từ cuộc họp thượng đỉnh APEC năm 2006, nhưng cho tới nay chưa ai biết rõ chi tiết của dự án này, trong khi hiệp định TPP vừa được công bố thứ Năm tuần trước. - RFI
|
|

3.
Nghi phạm phỉ báng Hoàng gia Thái đột tử

Một thầy bói nổi tiếng tại Thái Lan bị giam vì cáo buộc phỉ báng hoàng gia đã chết trong trại giam quân sự, các quan chức cho biết.

Ông Suriyan Sucharitpolwong, tên thường gọi là Mor Yong, chết vì nhiễm trùng máu vào tối thứ Bảy 7/11, Bộ Tư pháp cho hay.

Ông là một trong ba người đàn ông bị bắt giữ hồi tháng trước vì tội khi quân (lese majeste) và là người thứ hai trong nhóm đột tử trong trại giam.

Các trường hợp tử vong này đã dấy lên câu hỏi về việc chính quyền quân sự đàn áp các nghi phạm về tội khi quân.

Nhiễm trùng máu’

Nhà chức trách cho biết ông Sucharitpolwong, 53 tuổi, dường như có vấn đề về sức khỏe vài ngày trước khi chết. Ông được phát hiện bất tỉnh trong phòng giam tại nhà tù ở Bangkok, được đưa đến bệnh viện hôm thứ Bảy 7/11 và qua đời tại đây, Bộ Tư pháp thông báo hôm thứ Hai 9/11.

Khám nghiệm tử thi cho thấy ông bị nhiễm trùng máu, Bộ trưởng Tư pháp Paiboon Koomchaya nói.

Thầy bói này xuất hiện lần cuối cùng trước công chúng tại một phiên tòa hôm 21/10 cùng người trợ lý và một viên cảnh sát. Cả ba người đã bị buộc tội phỉ báng Hoàng gia và lợi dụng quan hệ với Hoàng gia.

Viên cảnh sát, tên là Prakrom Warunprapa, bị phát hiện đã chết hai ngày sau trong trại giam quân sự. Nhà chức trách cho biết ông này treo cổ tự vẫn.

Từ sau cuộc đảo chính năm ngoái, chính phủ quân sự đã bắt giữ một loạt nghi phạm và cáo buộc họ lợi dụng liên hệ với Hoàng gia để trục lợi.

Các nhà chỉ trích nói rằng luật về tội khi quân với những điều khoản mơ hồ đang được chính quyền dùng để bịt miệng các nhà bất đồng chính kiến và đối thủ. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Tòa Bạch Ốc mở trang Facebook đầu tiên cho Tổng thống

Còn chỉ một năm tại chức, tổng thống Mỹ cuối cùng đã gia nhập hàng ngũ vô số những nguyên thủ quốc gia và người dân khắp thế giới với trang Facebook chính thức, mạng xã hội với hơn một tỉ thành viên.

Tòa Bạch Ốc hôm thứ Hai đã ra mắt trang Facebook đầu tiên của một tổng thống Mỹ, chia sẻ một đoạn video quay ông Barack Obama đi bộ trong khuôn viên sân sau Tòa Bạch Ốc.

Trong nội dung đăng tải đầu tiên của mình, Obama nói rằng ông muốn nơi này là "một nơi chúng ta có thể có những cuộc trò chuyện thực sự về những vấn đề quan trọng nhất đối với đất nước của chúng ta, một nơi mà các bạn có thể nghe trực tiếp từ tôi, và chia sẻ những suy nghĩ và những câu chuyện của riêng bạn."

Trong video, ông Obama nói về tầm quan trọng của việc thực hiện những bước để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, trước một hội nghị của Liên Hiệp Quốc tại Paris vào tháng tới về vấn đề này.

"Chúng ta đã đạt được rất nhiều tiến bộ để cắt giảm ô nhiễm carbon ngay đây ở nhà, và chúng ta cũng đang lãnh đạo thế giới hành động," ông Obama nói. "Nhưng chúng ta phải làm nhiều hơn nữa."

"Nhờ sự lãnh đạo của Mỹ, chúng ta đã có thể quy tụ được 150 quốc gia đại diện cho khoảng 90% nền kinh tế thế giới và phát thải carbon đồng ý rằng chúng ta cần phải đến với nhau để tạo ra khuôn khổ quốc tế đó."

Thông điệp của ông Obama tính đến giờ đã thu hút hơn 264.859 lượt "thích," trong đó có COO của Facebook Sheryl Sandberg. Đoạn nội dung và video của ông cũng đã được chia sẻ hơn 11.461 lượt.

Obama đã có một trang Facebook cá nhân được lập ra khi ông là thượng nghị sĩ ở Chicago. Tòa Bạch Ốc đã có trang Facebook từ năm 2009. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Luật sư bị đánh vì 'ô tô phóng nhanh'

Công an Hà Nội nói vụ hai luật sư bị hành hung ở huyện Chương Mỹ là do ô tô luật sư “phóng nhanh làm bắn bụi bẩn”.

Tám đối tượng tham gia đánh người được công an xác định là vì thấy xe ô tô phóng nhanh làm bắn bụi bẩn lên người và hai luật sư là người lạ nên chặn đường đánh.

Công an Hà Nội chiều 10/11 tổ chức họp báo về kết quả điều tra vụ luật sư Trần Thu Nam và Lê Văn Luân bị hành hung ngày 3/11.

Nội dung họp báo được Đài Tiếng nói Việt Nam tường thuật là tám đối tượng đang ăn ở một nhà hàng và sau đó rủ nhau đi xe máy thăm người ốm.

“Khi đến trục đường thuộc địa phận thôn Lũng Vị, xã Đông Phương Yên, các đối tượng phát hiện có ô tô 4 chỗ đi từ quốc lộ 6 vào hướng UNBD xã Đông Phương Yên.

Vì xe phóng nhanh làm bắn bụi bẩn lên người các đối tượng, lại phát hiện người ngồi trên xe không phải là người địa phương nên Tú đã phóng xe máy đuổi theo, các đối tượng còn lại đứng chờ ở trục đường để đợi ô tô ra.”

Khi luật sư Nam và Luân đi ô tô từ ngõ ra, họ bị một người, Huân, dùng xe máy chặn trước đầu xe.

Hai luật sư sau đó đã bị tám người này vây đánh.

Công an Hà Nội bác bỏ tin nói có công an xã tham gia hành hung và không có đối tượng bịt mặt đánh luật sư.

Hai luật sư này đang làm việc với gia đình Đỗ Đăng Dư, thiếu niên chết sau khi bị đánh tại một trại giam ở Hà Nội.

Tại buổi họp báo, công an Hà Nội cũng bác bỏ tin nói công an gây khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận người bảo vệ quyền lợi cho đương sự trong vụ án Đỗ Đăng Dư.

Công an Hà Nội cho biết cho đến ngày 2/11, bà Đỗ Thị Mai, mẹ của nạn nhân Đỗ Đăng Dư, đã đề nghị công an Hà Nội cấp giấy chứng nhận cho luật sư Ngô Ngọc Trai, luật sư Nguyễn Hà Luân, ngoài ra không đề nghị luật sư nào khác bảo vệ quyền lợi.

Trả lời BBC Tiếng Việt chiều hôm 10/11 qua điện thoại, luật sư Trần Thu Nam cho biết ông chưa được biết kết quả họp báo, nhưng nói kết luận mà công an đưa ra trong cuộc họp báo vừa rồi là 'nực cười' và 'nghe khôi hài'.

Trước đó, tin tức nói trưởng công an xã Chương Minh tuyên bố hai luật sư đã có va quẹt giao thông dẫn đến vụ hành hung, nhưng luật sư Lê Văn Luân bác bỏ.

“Thông tin về việc chúng tôi bị tai nạn giao thông hay va quẹt xe cộ là thông tin thiếu trung thực, không khách quan và đã làm lệch hướng vụ việc lẫn dư luận quan tâm đến vụ hành hung mang tính côn đồ này,” luật sư Luân được trang VietnamNet dẫn lời. - BBC
|
|

6.
Du khách Anh có thể tẩy chay Việt Nam vì thịt chó

Du khách Anh có thể tẩy chay các quốc gia như Việt Nam hay Trung Quốc để phản đối việc buôn bán thịt chó, một nghị sĩ ở Birmingham cho biết.

Ông Steve McCabe nói, những nước châu Á tiêu thụ thịt chó có thể gây phương hại tới ngành du lịch của những quốc gia này.

Ông McCabe phát biểu sau một cuộc tranh luận ở Hạ viện Anh, nơi các nghị sĩ được báo cáo rằng 20 triệu con chó bị làm thịt tại Trung Quốc, 5 triệu con tại Việt Nam và 2 triệu con ở Hàn Quốc mỗi năm.

Các nghị sĩ phát biểu trong buổi tranh luận cho biết họ không chỉ đơn thuần phản đối việc ăn thịt chó không thôi. Họ giải thích rằng, những con chó được bán để lấy thịt thường là những con thú cưng của gia đình bị bắt trộm.

Những con vật này đôi khi sẽ bị ngược đãi, tra tấn và sát hại một cách đau đớn nhất vì người ta tin rằng sẽ làm cho thịt chó mềm hơn.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng cảnh báo rằng tiêu thụ và cách vận chuyển thịt chó khi còn sống còn có thể làm bùng phát dịch tả và bệnh dại.

Đề cập đến cuộc tranh luận của Hạ viện trên Twitter, ông McCabe viết: “Khủng khiếp! Bất cứ ai nghe thấy điều này sẽ không muốn đi du lịch ở những nước Đông Á này”.

Trong khi đó, trên các phương tiện truyền thông của Việt Nam, việc bắt trộm chó vẫn luôn là chủ đề nóng và thu hút sự quan tâm của dư luận.

Gần đây nhất, hai kẻ trộm chó đã bị người dân vây bắt và đánh đến chết tại Buôn Ma Thuột, Đắc Lắk. - VOA

No comments:

Post a Comment