Monday, November 23, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Hai 23/11

Tin Thế Giới

1.
LHQ đả kích Thái Lan và Việt Nam về vụ trục xuất người tị nạn về TQ

Liên Hiệp Quốc cảnh cáo rằng Thái Lan và Việt Nam có thể vi phạm nghiêm trọng các quyền con người, sau khi Thái Lan trục xuất hai người tị nạn Trung Quốc, và Việt Nam chuyển giao 9 công dân Bắc Triều Tiên cho nước này, theo tin của Pháp Tấn xã.

Người phát ngôn của cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc Ravina Shamdasani hôm thứ Sáu nói với các nhà báo rằng vì những lý do không rõ rệt, nhà chức trách Thái Lan đã trục xuất hai người Trung Quốc đã được công nhận là người tị nạn và đang sắp sửa được định cư ở một nước thứ Ba.

Bà Shamsadani cho hay Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ quan ngại với chính quyền Thái Lan về quyết định này. Bà lưu ý rằng quyết định đó được đưa ra chỉ vài tháng sau khi Bangkok bị chỉ trích vì đã trục xuất 109 người Uighur sang Trung Quốc.

Bà Chamdasani đồng thời bày tỏ quan ngại sâu sắc về những tin tức cho rằng Việt Nam hồi tháng trước đã bắt giữ 9 công dân Bắc Triều Tiên, trong đó có một đứa bé 1 tuổi và 1 thiếu niên tuổi teen, và chuyển giao cả nhóm người cho Trung Quốc, đồng minh chủ yếu của Bắc Triều Tiên.

Người phát ngôn của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc nói đang có lo ngại là nhóm người này đã hoặc đang bị buộc phải trở về Bắc Triều Tiên, nơi mà họ có thể trở thành nạn nhân của các hành động vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. - VOA
|
|

2.
Mauricio Macri thắng cử tổng thống Argentina

Lãnh đạo đảng bảo thủ Mauricio Macri đã được công nhận là người chiến thắng trong cuộc bầu tổng thống Argentina.

Với hầu hết phiếu đã được đếm, ông Macri đạt 52% số phiếu, so với số phiếu của đối thủ chính Daniel Scioli là 48%.

Những tiếng hô chúc mừng vang lên tại trung tâm tổ chức chiến dịch bầu cử của ông Macri, khi khảo sát sau bầu cử trên TV cho thấy ông đã thắng.

Ông Macri, thị trưởng thành phố Buenos Aires, đã thua ông Scioli, thống đốc tỉnh Buenos Aires, trong vòng bầu cử đầu tiên vào hồi tháng Mười.

Nhưng cả hai ứng cử viên đều không thể thắng ngay trong vòng một, dẫn đến buộc phải có thêm vòng bầu cử thứ hai, lần đầu tiên trong lịch sử Argentina, và ông Scioli đã thua đối thủ của mình tại vòng này.

Daniel Gallas, phóng viên chuyên kinh doanh của BBC ở Nam Mỹ, nhận xét: "Một tháng trước, Argentina có vẻ như sẽ bầu cho ứng cử viên Dainel Scioli và để đảng của Tổng thống Cristina Fernandez tiếp tục nắm quyền".

"Nhưng trong vòng hai cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật, lần đầu tiên trong lịch sử Argentina, cử tri đã chọn một thay đổi lớn, bầu cho ứng cử viên Mauricio Macri theo xu hướng thị trường tự do."

Đối thoại xây dựng

Sau một chiến dịch tranh cử tấn công mạnh mẽ lẫn nhau, đêm nay cả ông Macri và ông Scioli đã có bài phát biểu tôn trọng và chừng mực sau khi kết quả cuộc bầu cử được công bố. Đây có thể là tín hiệu cho thấy sẽ có những đối thoại mang tính xây dựng trong vài ngày tới.

Ông Macri sẽ có nhiều việc phải làm trong những ngày sắp tới và sau ngày 10/12, khi ông nhậm chức.

Thị trường sẽ quan sát xem ông ngưng kiểm soát tiền tệ ra sao. Đây là một trong những hứa hẹn quan trọng của ông để giúp Argentina phát triển mạnh trở lại. Ông cũng sẽ cần xây dựng một liên minh trong Quốc hội, vì ông không đạt đa số phiếu để nắm quyền.

Là con trai của một trong những người giàu nhất Argentina, Mauricio Macri theo đuổi việc kinh doanh thời gian dài trước khi bước vào chính trường.

Đồng minh thân cận của Tổng thống Argentina đương nhiệm Cristina Fernandez de Kirchner, ông Scioli đã từng được trông đợi sẽ chiến thắng bỏ xa đối thủ trong đợt bầu cử tháng Mười. - BBC
|
|

3.
Bầu cử cấp quận Hồng Kông: phe thân Bắc Kinh thắng lớn

Lần đầu tiên từ sau phong trào dân chủ "Dù vàng" người dân Hồng Kông được kêu gọi đi bầu. 47% cử tri tham gia cuộc bỏ phiếu ngày 22/11/2015 để bầu lại các lãnh đạo cấp quận. Phe thân Bắc Kinh giành được 70% số ghế. Phong trào "Dù vàng" giành được 15 ghế ở các chính quyền địa phương.

Thông tín viên đài RFI Florence de Changy phân tích về cuộc bầu cử Hồng Kông hôm qua:

"Đây chỉ là một cuộc bầu cử ở cấp quận mà trong đó, cử tri bỏ phiếu cho những ứng viên nào quan tâm nhiều hơn đến đời sống thiết thực của người dân. Trong số các ưu tiên, phải kể đến những vấn đề như giao thông công cộng, nhà ở hay chất lượng của hệ thống cung cấp nước cho thành phố. Đảng DAB, thân Bắc Kinh có nhiều phương tiện để huy động cử tri hơn cánh dân chủ Hồng Kông. Các ứng viên của đảng này đến tận nhà dân, tặng quà và giúp đỡ cử tri… đó là điều ai cũng biết. Thắng lợi vẻ vang của đảng này không làm ai ngạc nhiên.

Thậm chí một số cử tri của đảng DAB còn có hẳn dịch vụ đưa các vị cao niên sống trong các nhà dưỡng lão đến phòng phiếu để làm bổn phận công dân. Nhiều cụ già nói thẳng là đã bỏ phiếu theo ‘yêu cầu’. Điều này không khỏi châm ngòi cho phía chống Bắc Kinh. Phe này cho rằng thói hư tật xấu của Trung Quốc đang được du nhập sang Hồng Kông".

Một năm sau phong trào chiếm đóng đường phố Hồng Kông phản đối Trung Quốc nuốt lời hứa cho người dân Hồng Kông được quyền bầu cử tự do, phe dân chủ Hồng Kông không chinh phục được cử tri trong cuộc bầu cử hôm qua. Tuy nhiên một số gương mặt mới đã xuất hiện trên sân khấu chính trị Hồng Kông. Những người này được mệnh danh là "những chú lính của phong trào Dù vàng". Một trong số những ứng cử viên trẻ đó mới chỉ 25 tuổi, đã gạt được một gương mặt kỳ cựu trong hàng ngũ phe dân chủ Hồng Kông. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Tổng thống Pháp và Mỹ họp bàn chống Nhà nước Hồi giáo

Tổng thống Pháp Francois Hollande sẽ gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama vào thứ Ba trong chuyến thăm tới nhiều quốc gia để mưu tìm hậu thuẫn cho chiến dịch chống chiến binh Nhà nước Hồi giáo cũng như tìm ra một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến ở Syria.

Nhà Trắng cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về "sự hợp tác nhiều hơn nữa" trong liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo nhằm thực hiện các cuộc không kích nhắm vào các mục tiêu Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria trong hơn một năm qua.

Máy bay chiến đấu của Pháp tham gia nỗ lực đó và các quan chức nói với hãng tin Reuters rằng việc gia tăng hành động không bao gồm việc triển khai bộ binh tới Syria. Ông Hollande hôm thứ Hai nói rằng quân đội Pháp sẽ “tăng cường” các cuộc oanh kích ở Syria.

Pháp đã bảo trợ một nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, được thông qua tuần trước, theo đó thúc giục các quốc gia có khả năng cùng hợp tác để “ngăn ngừa và trấn áp các hành động khủng bố” do Nhà nước Hồi giáo và các nhóm khác thực hiện, và “xóa bỏ các cứ địa” mà bọn chúng đã thiết lập ở miền đông Syria cũng như khu vực phía bắc và phía tây Iraq.

Nghị quyết lên án các vụ tấn công của Nhà nước Hồi giáo ở Pháp, Ai Cập, Tunisia và Li băng, đồng thời nói rằng các phần tử hiếu chiến này là “một mối đe dọa chưa từng có trên toàn cầu đối với an ninh và hòa bình quốc tế”.

Trước khi rời Pháp để tới Mỹ họp bàn với Tổng thống Obama, ông Hollande hôm thứ Hai đã tiếp đón Thủ tướng Anh David Cameron. Lãnh đạo Anh cho biết ông định yêu cầu quốc hội trong tuần này thông qua việc mở rộng sự tham gia của Anh trong liên minh do Mỹ lãnh đạo, gồm cả việc tham gia thực hiện các vụ không kích ở Syria. Ông Cameron cũng kêu gọi các quốc gia châu Âu tăng cường việc chia sẻ thông tin tình báo.

Đức là một phần của liên minh, nhưng không nằm trong các quốc gia thực hiện các vụ oanh kích. Ông Hollande sẽ gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel vào ngày thứ Tư trước khi tới Moscow để hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Nga đã thực hiện các vụ đánh bom ở Syria trong gần hai tháng qua, nhưng chiến dịch này vấp phải các chỉ trích của chính phủ phương Tây rằng các vụ oanh kích đó chỉ nhắm vào các phiến quân chống đối Tổng thống Syria Bashar al-Assad mà không nhắm vào nhóm Nhà nước Hồi giáo.

Ông Obama hôm qua nói rằng sẽ là điều hữu ích nếu Nga chuyển hướng để tấn công các chiến binh Nhà nước Hồi giáo.

Tổng thống Mỹ cũng nghĩ rằng việc một máy bay Nga bị đánh bom ở Ai Cập cho ông Putin thấy rằng Nhà nước Hồi giáo là mối đe dọa lớn nhất của Nga ở Trung Đông. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Trung Quốc dọn mìn dọc theo biên giới Việt Trung

Trung Quốc đã khởi sự dọn sạch mìn bẫy dọc theo biên giới Việt-Trung ở khu vực tỉnh Quảng Tây, miền Nam Trung Quốc.

Trang tin tức quốc phòng Defenseworld hôm 22/11 trích nguồn tin của quân đội Trung Quốc tường thuật rằng 21 tiếng nổ đã được nghe thấy tại thành phố Bằng Tường khi Quân đội Nhân dân Trung Quốc cho nổ những quả mìn đã gài tại bãi mìn gần đó.

Công tác phá hủy mìn khởi sự tại tỉnh Vân Nam hôm 3/11 trong khuôn khổ sứ mạng phá mìn quy mô lớn lần thứ 3, tính từ năm 1990. Hàng trăm ngàn mìn bẫy đã được gài tại vùng biên giới hai nước trong cuộc xung đột quân sự giữa Việt Nam và Trung Quốc từ năm 1979 tới năm 1989.

Theo Tham mưu Phó Bộ Chỉ Huy Quân đội Nhân dân Trung Quốc ở Quảng Tây, công tác phá mìn sẽ có ích cho công cuộc phát triển ở khu vực biên giới.

Trung Quốc đã thực hiện hai chiến dịch phá mìn lớn từ năm 1992 tới năm 1994, và từ năm 1997 tới năm 1999. - VOA
|
|

6.
Một nghiên cứu mới tìm ra các điểm nóng của dịch cúm gia cầm ở Việt Nam

Dịch cúm gia cầm bắt đầu từ cuối năm 2003 và vẫn đang tiếp tục ảnh hưởng tới nhiều quốc gia, nhất là các nước Đông Nam Á. Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch bệnh này. Tại sao vậy? Văn hóa, lối sống và tập quán canh tác được cho là những nguyên nhân của sự lây lan bệnh dịch này.

Một nghiên cứu gần đây của Trung Tâm Nghiên Cứu Đông Tây có trụ sở chính ở Hawaii đã khẳng định những nghi ngờ rằng các khu vực “cận thị” ở các vùng rìa thành phố là những điểm nóng đặc biệt cho sự bùng phát các căn bệnh lây nhiễm từ động vật sang người.

Nghiên cứu này tập trung vào những sự bùng phát của bệnh cúm gia cầm thể động lực cao (HPAI) chủng H5N1 ở Việt Nam trong thời gian từ 2003 đến 2005 đã làm 45 triệu gia cầm chết và lây nhiễm cho 106 người, trong đó có gần 1 nửa số người thiệt mạng. Nghiên cứu này kết luận rằng những đợt bùng phát phần lớn xuất phát từ sự hội tụ của những yếu tố môi trường và xã hội phát sinh trong quá trình phát triển của các khu vực chuyển đổi từ nông thôn sang thành thị này. Điều này khẳng định cái mà trước đây được biết đến như là “mô hình hội tụ” của sự xuất hiện căn bệnh truyền từ động vật sang người.

Nhà nghiên cứu chính của nghiên cứu này, ông Sumeet Saksena, nói với VOA.

"Các nhà khoa học tin rằng sự đa dạng về sử dụng đất có thể quan trọng nhưng không ai có dữ liệu để chứng minh điều đó và chúng tôi đã có được dữ liệu từ Tổng Cục Thống Kê Việt Nam (GSO). Chúng tôi đã có thể chứng minh được rằng sự đa dạng hóa sử dụng đất ảnh hưởng đến sự bùng phát. Sự đa dạng sử dụng đất rất cao ở các khu vực cận đô thị. Khi việc sử dụng đất thay đổi, sự tương tác và tiếp xúc giữa con người và gia cầm trở nên thường xuyên hơn và do đó nó là một tình trạng nguy hiểm."

Ông Sumeet nói rằng phương thức nghiên cứu được sử dụng lần đầu tiên này cung cấp bằng chứng dựa trên những dữ liệu cho một quan điểm chung rằng quá trình đô thị hóa kết hợp các yếu tố rủi ro để tạo ra các quang cảnh cận đô thị với tiềm năng cao hơn nhiều cho sự xuất hiện của bệnh truyền nhiễm.

"Việt Nam là nước có tỷ lệ đô thị hóa cực kỳ cao. Trong quá trình này điều gì sẽ xảy ra với đất nông nghiệp? Nó được chuyển đổi thành những khu dân cư, đặc biệt là bên ngoài thành phố. Những khu vực này, chúng tôi gọi là các vùng cận thị - có các đặc tính tổng hợp. Chúng 1 phần là nông thôn, một phần là thành thị. Chúng có nông nghiệp. Chúng có khu dân cư. Tất cả trong một chỗ. Tất cả những nơi này là điểm nóng cho cúm gia cầm."

Tiến sỹ Trịnh Đình Thâu của khoa Thú Y của Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam, người cùng tham gia cộng tác trong nghiên cứu này, giải thích thêm về các điểm nóng này.

"Đó là những vùng chuyển đổi – là nơi người ta không canh tác gia cầm nhưng có nhiều sự giết mổ, buôn bán gia cầm. Đó là những khu có nhu cầu mua sản phẩm cao. Đó cũng là những nơi đông dân cư nhất."

Tiến sỹ Thâu cho biết có hàng nghìn hộ dân được điều tra cho nghiên cứu này, chủ yếu tập trung ở các tỉnh phía bắc bao gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Hưng, Hưng Yên… Mục tiêu của nghiên cứu này là tìm ra những yếu tố về hệ thống nông nghiệp, việc sử dụng đất và các yếu tố xã hội khác ảnh hưởng đến cúm gia cầm.

Theo số liệu của nghiên cứu này, hơn 7% đất của Việt Nam được coi là “cận thị” và khoảng 13% dân số - tức 11 triệu người – sống ở những khu vực cận thị này.

Dự án được tiến hành trong vòng 5 năm, từ 2009 đến 2014, trong đó các các nhà nghiên cứu xem xét các dữ liệu về Việt Nam trong giai đoạn diễn ra dịch cúm gia cầm H5N1 từ 2003 đến 2006.

Nghiên cứu trước đây cho thấy rằng những sự bùng phát của căn bệnh này có thể có liên quan tới những thay đổi về môi trường khi các xã hội phát triển, nhưng đây là nghiên cứu đầu tiên thuộc loại này xem xét sự đa dạng trong sử dụng đất như một yếu tố tiềm ẩn cho H5N1.

Kể từ năm 2003, loại vi rút này đã giết chết hàng triệu gia cầm ở nhiều nước trên toàn châu Á, châu Âu và châu Phi. Theo dữ liệu của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), cho tới tháng 1 năm 2015, căn bệnh này cũng đã giết chết 402 người tại 16 quốc gia. Chỉ trong năm nay ở trung tây nước Mỹ, gần 49 triệu gia cầm ở 21 tiểu bang đã bị ảnh hưởng bởi một chủng vi rút HPAI – mặc dù chủng vi rút này không lây sang người.

"Vào thời điểm này, khi mùa thu tới và thời tiết trở nên lạnh hơn, những người sản xuất gia cầm và bộ Nông Nghiệp (Mỹ) đang rất lo lắng về việc dịch bệnh tiếp theo sẽ bùng phát. Đang có rất nhiều lo sợ ở Mỹ. Liên hệ đến Việt Nam. Vi rút này không bắt nguồn từ Mỹ mà bắt nguồn từ Đông Nam Á như Việt Nam và Trung Quốc qua các yếu tố di cư," theo ông Sumeet.

Trong đợt bùng phát cúm gia cầm được biết tới nhiều nhất trong lịch sử của Mỹ, 2 tiểu bang Iowa và Minnesota có nhiều đàn gia cầm bị ảnh hưởng nhất và các nhà sản xuất gia cầm ở đây đang thi nhau tiến hành các biện pháp an ninh sinh học.

Tiến sỹ Sumeet nói: "các đợt bùng phát tiếp theo có thể xảy ra trong vài tháng hoặc vài năm. Nếu nó xảy ra trong vòng vài năm, vi rút này có thể đã biến đổi sang những dạng mới mà chúng ta không thể biết rõ chính xác những biện pháp an ninh sinh học nào để những người nông dân nên áp dụng."

Nhưng các nhà nghiên cứu nói rằng nghiên cứu của Trung Tâm Đông Tây gợi ý sự cần thiết phải có các biện pháp an ninh sinh học vượt qua mức cơ sở. Họ cũng nói rằng các nhà lập kế hoạch cần phát triển và tiến hành các biện pháp an ninh sinh học ở cấp cảnh quan để cải thiện sự phòng ngừa và kiểm soát bệnh truyền nhiễm đang xuất hiện bằng cách kết hợp sự theo dõi về địa lý của các yếu tố nguy cơ cùng với các chương trình giám sát nguồn bệnh. - VOA

No comments:

Post a Comment