Tuesday, November 3, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Ba 3/11

Tin Thế Giới

1.
Mỹ tiết lộ lịch trình tuần tra Biển Đông: Hai lần mỗi quý --- Khẩu chiến Mỹ-Trung ngay tại Bắc Kinh về Biển Đông --- Gia tăng ủng hộ chiến lược của Mỹ ở Biển Đông

Ngay sau khi cho chiến hạm tiến vào bên trong vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Trường Sa, Mỹ đã xác định sẽ tiếp tục chiến dịch được gọi là "tuần tra vì quyền tự do hàng hải". Một quan chức quốc phòng Mỹ ngày 02/11/2015 cho biết rõ thêm, Hải quân Hoa Kỳ đã lên kế hoạch thực hiện các chiến dịch tuần tra trong khu vực các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Trường Sa một cách định kỳ khoảng hai lần mỗi quý. 

Theo hãng tin Anh Reuters, phát biểu tại Washington, một quan chức Quốc phòng Mỹ xin giấu tên đã xác nhận: "Chúng tôi sẽ tiến hành (tuần tra) khoảng hai lần mỗi quý, hay nhiều hơn một chút… Đó là nhịp độ thích hợp để chiến dịch có được tính chất thường xuyên, nhưng không là cái gai trong mắt".

Theo quan chức này, mục tiêu của Washington rất rõ ràng: "Hành xử thường xuyên quyền của Mỹ trong khuôn khổ luật quốc tế và nhắc nhở phía Trung Quốc và những nước khác về quan điểm của Hoa Kỳ".

Khi được hỏi về thời điểm cụ thể của hải vụ tuần tra Biển Đông sắp tới đây, Phó Đô đốc John Aquilino, Phó Tư lệnh Hải quân Mỹ đặc trách hoạt động, kế hoạch và chiến lược đã từ chối trả lời, chỉ cho rằng công cuộc tuần tra sẽ được tiếp tục.

Tiết lộ của quan chức quốc phòng Mỹ đã cụ thể hóa tuyên bố cũng vào hôm qua của Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Ben Rhodes, cho rằng sẽ có nhiều hành động khác nhằm chứng tỏ quyết tâm của quân đội Mỹ là bảo vệ quyền tự do lưu thông trên biển và trên không trong khu vực, "vốn là lợi ích của Mỹ".

Vào tuần trước, Mỹ đã cho khu trục hạm USS Lassen đi vào bên trong vùng 12 dặm quanh Đá Xu Bi mà Trung Quốc bồi đắp thành đảo tại vùng Trường Sa. Để nêu bật đây là một cuộc tuần tra thực thụ, chứ không phải là một hành động qua cảnh vô hại (innocent passage), chiến hạm Mỹ được hai phi cơ do thám tháp tùng theo.

Bắc Kinh đã phản ứng tức tối. Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, Đô đốc Ngô Thắng Lợi vào tuần trước đã cảnh cáo đồng cấp Mỹ, Đô đốc John Richardson rằng một sự cố nhỏ có thể châm ngòi cho chiến tranh tại Biển Đông, nếu Hoa Kỳ không chấm dứt "các hành vi khiêu khích". - RFI

***
Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở "bất cứ nơi nào" luật quốc tế cho phép, và Biển Đông "không phải là ngoại lệ". Ngày 03/11/2015 ngay tại Bắc Kinh, Đô đốc Harry Harris, Chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ thẳng thắn phát biểu như trên.

Bắc Kinh đã lập tức phản pháo. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng Mỹ đã có biểu hiện "đạo đức giả và bá quyền".

Trong tham luận đọc tại Trung tâm Stanford, trường Đại học Bắc Kinh, Đô đốc Harry Harris, Chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đã tuyên bố: "Vùng biển và không phận quốc tế thuộc về tất cả mọi người, không phải là thuộc quốc của bất kỳ một quốc gia đơn lẻ nào".

Nhân vật nổi tiếng là có quan điểm cứng rắn trên hồ sơ Biển Đông đã không ngần ngại lập lại tuyên bố của giới chức lãnh đạo Mỹ trong thời gian gần đây: "Quân đội của chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động trên biển và trên không vào bất cứ lúc nào và ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Biển Đông không phải – và sẽ không phải - là một ngoại lệ".

Theo hãng tin Pháp AFP, tuyên bố công khai tại Bắc Kinh của Tư lệnh lực lượng Mỹ ở vùng Thái Bình Dương là một dấu hiệu cho thấy quyết tâm của Washington trong việc bảo vệ tuyến hàng hải chiến lược là Biển Đông, nơi Trung Quốc đang cho xây các cơ sở có thể dùng vào mục tiêu quân sự trên các đảo nhân tạo vừa bồi đắp tại Trường Sa.

Vào tuần trước, Mỹ đã chứng tỏ quyết tâm một cách cụ thể khi cho một khu trục hạm được trang bị tên lửa dẫn đường tiến vào bên trong vùng 12 hải lý của ít nhất một hòn đảo nhân tạo mới của Trung Quốc tại Trường Sa, trong một chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải theo luật quốc tế, mà Mỹ cho là có khả năng bị các hoạt động của Trung Quốc đe dọa.

Trung Quốc đã có phản ứng tức thời. Nhân buổi họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh, bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cho rằng việc làm của Mỹ tại Trường Sa mới đây là một "hành động khiêu khích trắng trợn".

Theo phía Trung Quốc, lời kêu gọi Bắc Kinh không quân sự hóa Biển Đông mà Washington đưa ra trong lúc lại gởi chiến hạm đến hiện trường là "một nỗ lực để tước bỏ quyền tự vệ của Trung Quốc trong tư cách một Nhà nước có chủ quyền".

Tóm lại, theo bà Hoa Xuân Oánh, hành động của Mỹ là "một biểu hiện điển hình của thái độ đạo đức giả và chủ nghĩa bá quyền." - RFI

***
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein hoan nghênh việc Mỹ tuần trước đưa tàu chiến tuần tra áp sát các đảo nhân tạo Trung Quốc xây ở Biển Đông giữa lúc xích mích Mỹ-Trung đang là đề tài gây chú ý tại cuộc họp đang diễn ra giữa các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) tại Kuala Lumpur.

Ông Hishamuddine, chủ trì thượng đỉnh quốc phòng khu vực, hôm nay tuyên bố các cuộc tuần tra của Mỹ ở Biển Đông rất quan trọng và rằng các nước nên hành xử quyền hoạt động trên các vùng biển quốc tế.

Bộ trưởng Quốc phòng Hishammuddin nhấn mạnh Malaysia ủng hộ sứ mệnh của Hoa Kỳ miễn là hai nước Mỹ-Trung cùng nhau bảo đảm không để xảy ra nguy cơ leo thang xung đột.

Tuyên bố của Malaysia được đưa ra sau khi các nước như Úc, Philippines, và Hàn Quốc lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ tương tự đối với sách lược của Mỹ ở Biển Đông khi tàu khu trục USS Lassen của hải quân Hoa Kỳ tiến hành tuần tra quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trong quần đảo Trường Sa mà Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền.

Hà Nội không bình luận trực tiếp về diễn tiến này, chỉ tuyên bố rằng ‘Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông’ với tư cách là quốc gia có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa và là thành viên Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982, một tuyên bố bị cho là ‘mềm mỏng’ và ‘đáng thất vọng’, theo nhận định của giới hoạt động xã hội dân sự trong nước.

Bộ trưởng Quốc phòng các nước tham dự thượng đỉnh ASEAN hôm nay tránh không đứng về bên nào trong đề tài nhạy cảm với Trung Quốc, nhưng với sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ-Trung trong cuộc họp ADMM+ vào ngày mai,  chia rẽ về vấn đề Biển Đông chắc chắn sẽ bao trùm không khí hội nghị. - VOA
|
|

2.
Pakistan cấm truyền thông tường trình về tổ chức từ thiện chống Ấn Độ

Pakistan cấm truyền thông tường thuật về Jamaat-ud-Dawa (JuD) một tổ chức từ thiện Hồi Giáo bị cáo buộc vạch kế hoạch gây nên 3 ngày khủng bố tại Mumbai thủ đô tài chánh của Ấn Độ vào năm 2008 và bị Liên hiệp quốc liệt vào danh sách những tổ chức khủng bố.

Chiều hôm qua, Thẩm quyền Điều hành Truyền thông Điện tử Pakistan (PERMA) đã đưa ra một thông cáo cấm tất cả các đài truyền hình trong nước và các đài phát thanh sóng trung bình tường thuật về 60 tổ chức đã bị chính phủ cấm hoạt động, cùng với 12 tổ chức khác được Liên hiệp quốc liệt kê vào danh sách những thực thể ủng hộ Al-Qaida và những mạng lưới khủng bố khác.

Thông báo này đặc biệt nhấn mạnh đến JuD và các chi nhánh của tổ chức, Quỹ Falah-i-Insaniat (FIF) cũng như tổ chức Lashkar-e-Taiba (LeT) đã bị cấm, và nghiêm khắc chỉ thị cho giới truyền thông không được tường thuật bất cứ sinh hoạt nào có liên hệ đến những tổ chức này, vi phạm những nghĩa vụ của các nghị quyết Liên hiệp quốc.

Thông cáo cảnh báo là “bất cứ việc quảng cáo quyên tiền nào của tổ chức bị cấm trên truyền thông điện tử cũng vi phạm các nghĩa vụ này.”

Thông cáo cho biết thêm quyết định được đưa ra theo Kế hoạch Hành động Quốc gia (NAP) để dẹp tan những tổ chức bị đặt ra ngoài vòng pháp luật.

Liên hiệp quốc liệt kê Jamaat-ud-Dawa, một danh xưng khác của Lashkar-e-Tiaba là tổ chức mà Ấn Độ và Hoa Kỳ qui trách nhiệm cho việc lập kế hoạch tấn công Mumbai làm 166 người thiệt mạng.

Liên hiệp quốc cũng liệt kê Haliz Saeed, người đứng đầu tổ chức khủng bố LeT vào danh sách này.

Hoa Kỳ treo giải thưởng 10 triệu đô la cho những ai giết được Saeed.

Nhà cầm quyền Ấn Độ từ lâu đổ lỗi cho những chiến binh LeT hỗ trợ cho một cuộc nổi dậy của người Hồi Giáo tại vùng Kashmir đang tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan.

Vài giờ trước thông cáo cấm truyền thông tường thuật, ông Saeed tổ chức một cuộc họp báo tại Islamabad đưa ra chi tiết về những hoạt động cứu trợ Jud đang thực hiện tại miền bắc và tây bắc Pakistan bị động đất mạnh trong tuần qua.

Ông Saeed nói với các phóng viên sau khi điều động một đoàn xe tải chở đầy phẩm vật cứu trợ và thuốc men với bích chương của tổ chức FIF “Hàng ngàn nhân viên của chúng tôi đang thực hiện các công tác cứu trợ và có đến 25 toán bác sĩ của chúng tôi đang chữa trị cho các nạn nhân trong những bệnh viện được dựng lên tạm thời tại những vùng bị động đất như Chitral, Dir và Bajaur.”

Một ngày sau trận động đất, chính phủ Pakistan loan báo là “không tổ chức bị cấm hay bị đặt ra ngoài vòng pháp luật nào được phép hoạt động cứu trợ” trong vùng bị tàn phá.

Nhưng ông Saeed khẳng định là người Pakistan đang hợp tác đầy đủ với tổ chức từ thiện của ông trong việc trao tặng hàng tỉ đô la rupee và số tiền này đang được dùng để đáp ứng với nhu cầu của những người đang cần đến tại những phần đất chưa phát triển ở Pakistan.

Từ lâu Ấn Độ đã yêu cầu Pakistan bắt ông Saeed và không cho ông có những hoạt động công cộng.

Tuy nhiên nhà cầm quyền ở Islamabad cho rằng không có chứng cứ giáo sĩ này có liên hệ đến vụ tàn sát Mumbai dù một vài thành viên của LeT đang bị xét xử tại Pakistan vì bị cáo buộc có vai trò trong vụ tấn công khủng bố.

Loan báo ngày thứ Hai được đưa ra hơn một tuần lễ sau khi Thủ tướng Nawaz Sharif đi thăm chính thức nước Mỹ và trong những cuộc họp với Tổng thống Barack Obama, vấn đề chống khủng bố và những phần tử cực đoan được đưa ra thảo luận.

Sau cuộc họp giữa Tổng thống Obama và Thủ tướng Sharif, một thông cáo chung được công bố cho biết “Trong bối cảnh này, Thủ tướng cam kết với Tổng thống về quyết tâm của Pakistan hoạt động một cách hữu hiệu chống lại các cá nhân và thực thể được Liên hiệp quốc liệt kê trong danh sách khủng bố, trong đó có Lashka-e-Tayyiba và các chi nhánh của tổ chức này, theo đúng những cam kết và nghĩa vụ quốc tế của Pakistan.” - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Mỹ xem xét việc ký giả bị đưa ra khỏi phòng họp ở Uzbekistan

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ đang xem xét một vụ việc ở Uzbekistan trong đó một nhà báo bị đưa ra khỏi một cuộc họp giữa Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov hôm Chủ nhật.

Khi một ký giả của tờ Washington Post hỏi ông Karimov một câu hỏi về nhân quyền vào lúc kết thúc cuộc họp, một nhân viên an ninh Uzbekistan và một nhân viên an ninh ngoại giao Mỹ đã buộc ký giả này rời khỏi phòng họp.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Elizabeth Trudeau hôm qua nói rằng “Chúng tôi xem đây là một việc nghiêm trọng.”

Tuy nhiên, Giám đốc Uỷ ban Bảo vệ Ký giả, ông Joel Simon, nói rằng Ngoại trưởng Kerry “không hề phản đối” khi nhà báo đó bị đưa ra ngoài.

Trong cuộc hội thảo tối thứ hai tại Đại học Columbia, ông Simon nói rằng Ngoại trưởng Kerry cũng không công khai nêu lên thành tích nhân quyền tệ hại của Uzbekistan nói chung, hay về quyền của nhà báo nói riêng, trong chuyến công du này. Ông Simon nói rằng một nhà báo ở Uzbekistan bị cầm tù lâu hơn bất kỳ nhà báo nào khác trên toàn thế giới. Ông muốn nói tới biên tập viên đối lập Muhammad Bejjanov, là người bị cầm tù từ năm 1999.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Richard Stengel phát biểu tại cuộc hội thảo này rằng tình hình đang xấu đi cho nhà báo trên khắp thế giới, những người mà ông nói “đã trở thành chiến binh trong một khu vực chiến tranh.” Nhưng ông cũng nói rằng “ngoại giao là những thông điệp lẫn lộn”, cho nên tuy ông Kerry không công khai phản đối nhưng ở hậu trường có lẽ ông đã nêu lên vấn đề về nhà báo này.

Ông Stengel cũng cho biết Hoa Kỳ đã đóng một vai trò trong việc làm cho những blogger bị bỏ tù ở Việt Nam được phóng thích. - VOA
|
|

4.
Công ty xây dựng đường ống Keystone yêu cầu Mỹ ngưng xét đơn

Công ty Canada muốn xây một đường ống dẫn dầu từ Canada sang Mỹ đã yêu cầu Bộ Ngoại giao ở Washington tạm ngưng cuộc xét duyệt về dự án gây tranh cãi này.

Hôm thứ hai, công ty TransCanada loan báo họ đã gởi một văn thư cho Ngoại trưởng Mỹ John Kerry để ngưng xét duyệt dự án Keystone XL vì một tiến trình quản lý đang tiếp diễn ở tiểu bang Nebraska, nơi là điểm chót của đường ống dài 1.900 kilo mét.

Công ty cho biết có thể phải mất tới một năm trước khi giới hữu trách Nebraska kết thúc cuộc duyệt xét của họ về tuyến đường của đường ống này.

Dự án có kinh phí 8 tỉ đô la này đã được Bộ Ngoại giao xem xét kể từ khi TransCanada nộp đơn xin giấy phép vào năm 2008. Nếu ông Kerry tán đồng yêu cầu của TransCanada, quyết định chung cuộc có thể trì hoãn cho tới khi Tổng thống Barack Obama rời khỏi chức vụ vào tháng giêng năm 2017.

Keystone XL sẽ chuyển hơn 800.000 thùng dầu sản xuất từ cát dầu ở tỉnh Alberta xuyên qua hai tiểu bang Montana và South Dakota để tới Nebraska, và từ đó nó sẽ được nối với những ống dẫn hiện có để đưa dầu tới các nhà máy lọc dầu dọc theo duyên hải vùng Vịnh Mexico. Dự án này làm cho chính phủ của Tổng thống Obama lâm vào một tình huống khó xử về mặt chính trị, với một bên là giới tranh đấu bảo vệ môi trường cho rằng dự án này làm cho vấn đề biến đổi khí hậu trở nên tệ hơn và một bên là những người ủng hộ dự án với lý do là sẽ có thêm công ăn việc làm và tăng cường sự độc lập năng lượng của nước Mỹ.

Nhiều nhân vật tranh đấu môi trường đã đưa ra những thông cáo tố cáo TransCanada cố tình câu giờ cho tới sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm 2016 với hy vọng sẽ có một vị tổng thống mới có lập trường thuận lợi đối với dự án.

Hôm qua, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest nói ông Obama muốn đưa ra một quyết định chung cuộc về dự án Keystone XL trước khi ông rời khỏi chức vụ. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Nhật giúp Việt Nam tăng cường khả năng tuần tra Biển Đông

Nhật Bản tặng Việt Nam 2 tàu để phục vụ công tác tuần tra giữa các hành động phô diễn sức mạnh của Trung Quốc ở Biển Đông.

Thông tấn xã Kyodo của Nhật ngày 3/11 đưa tin chính phủ Tokyo cung cấp cho lực lượng tuần duyên Việt Nam 2 chiếc tàu đã qua sử dụng giúp Hà Nội tăng cường khả năng thực thi luật trên biển.

Tin này được phổ biến 1 ngày sau thông tin về việc Trung Quốc cho phản lực cơ chiến đấu có trang bị phi đạn thao dượt trên đảo Phú Lâm, khu vực gần Việt Nam ở Biển Đông, trong nỗ lực đáp trả các cuộc tuần tra của tàu chiến Mỹ xung quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây ở Trường Sa.

Các tàu Nhật bàn giao cho Việt Nam thuộc khuôn khổ thỏa thuận viện trợ không hoàn lại đôi bên ký kết hồi tháng 8 năm ngoái.

Qua đó, Nhật cam kết tặng Việt Nam 6 tàu cũ gồm 2 chiếc tàu kiểm ngư thuộc Cơ quan Ngư nghiệp Nhật Bản và 4 tàu cá thương mại với trọng tải từ 600 đến 800 tấn đã qua sử dụng.

Hai tàu đã chuyển giao trước đây, hai tàu vừa cấp được đưa tới Đà Nẵng hôm nay (3/11) để tân trang lại thành tàu tuần tra, còn hai chiếc nữa sẽ cập cảng Việt Nam trước cuối năm nay.

Ngư dân Việt Nam đánh bắt trên quần đảo Hoàng Sa hoan nghênh gói viện trợ an ninh của Nhật và gọi đây là ‘hành động hào hiệp rất thực tế’ giúp Việt Nam phần nào chống chọi trước sự hung hãn leo thang của tàu bè Trung Quốc.

Thuyền trưởng Lê Văn Xinh ở huyện đảo Lý Sơn nói với VOA Việt ngữ:

“Tin Nhật Bản tặng tàu tôi có nghe đài. Nếu các nước tiên tiến tặng tàu tuần tra cho Việt Nam, bà con ngư dân cũng yên tâm hơn, đi đánh bắt đỡ lo sợ hơn.”

Thuyền trưởng Nguyễn Đông ở Đà Nẵng cho biết ngư dân Việt hoạt động ở Hoàng Sa trong nỗi phập phồng lo sợ vì trong nhiều năm nay họ phải đối mặt với các vụ cướp bóc, uy hiếp, sách nhiễu của tàu bè Trung Quốc mỗi khi ra khơi.

“Ra quần đảo Hoàng Sa, hễ nó gặp mình là nó đánh phá, phá phách, đuổi mình, thường xuyên lắm.”

Ngư dân Nguyễn Đó, một chủ tàu từng vài lần bị tàu Trung Quốc tấn công trong quần đảo Hoàng Sa, cho biết thêm rằng các tàu Trung Quốc có trang bị võ trang truy đuổi, đe dọa tàu Việt Nam là chuyện xảy ra hằng ngày trong khi giới hữu trách Việt Nam chưa có khả năng đối phó bảo vệ ngư dân:

“Nó tấn công thì tấn công, mình vẫn cứ đi miết. Nó đuổi thì đuổi, tàu mình làm thì làm chứ sao giờ. Nó lấy đồ của mình, phá đồ của mình, đuổi mình. Tàu nó là tàu chiến không, tàu của kiểm ngư và cảnh sát biển không, có trang bị súng ống đầy đủ hết.”

Các ngư dân ở Hoàng Sa nói phương tiện và tàu bè nước ngoài hỗ trợ để tăng cường năng lực hàng hải Việt Nam là điều đáng mừng nhưng chưa phải là liều thuốc trấn an cho ngư dân Việt trừ phi nhà nước tăng cường sự hiện diện của lực lượng chấp pháp tại các vùng lãnh hải quốc gia để bảo vệ ngư dân và gìn giữ chủ quyền biển đảo của đất nước.

“Giờ nếu nhà nước có chế độ giúp đỡ bà con ngư dân hữu hiệu hơn thì bà con ngư dân cảm ơn, đỡ lo lắng hơn khi ra biển làm ăn. Ví dụ khi mình ra biển có tàu kiểm ngư của mình hoạt động trong vùng gần gần đó thì mình cũng đỡ lo. Khi tàu nước ngoài quấy rối, mình có lực lượng thực thi pháp luật ở gần thì mình yên tâm hơn chứ bây giờ tình hình Trung Quốc uy hiếp mình như rứa.”

Trong nỗ lực tăng cường bảo vệ ngư dân, Việt Nam gần đây thành lập Cục Kiểm ngư, nhưng các hoạt động trên thực tế còn rất giới hạn về cả số lượng lẫn chất lượng.

Không như các tàu Trung Quốc, lực lượng Kiểm ngư Việt Nam không đi gần bảo vệ tàu cá mà chủ yếu thực hiện công tác hỗ trợ từ xa.

Hoa Kỳ và Nhật Bản, hai nước đang cung cấp phương tiện tuần tra biển cho Việt Nam, đang báo động về các hoạt động bành trướng hàng hải của Trung Quốc tại các vùng biển có tranh chấp mà họ nghi là nhằm mở rộng tầm hoạt động quân sự.

Theo một thỏa thuận hồi tháng 9 giữa Thủ tướng Nhật Shinzo Abe với Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng, Tokyo dự định sẽ tiếp tục cung cấp thêm cho Việt Nam các tàu đã qua sử dụng ngoài gói viện trợ 6 tàu vừa kể. - VOA
|
|

6.
'Tôi vẫn theo đến cùng vụ Đỗ Đăng Dư'

Một luật sư vừa bị 'hành hung' trong khi đi làm việc về vụ vị thành niên Đỗ Đăng Dư chết trong trại tạm giam ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội nói ông sẽ vẫn tiếp tục 'theo đến cùng' vụ án để bảo vệ quyền lợi cho gia đình thân chủ của mình.

Trao đổi với BBC hôm 03/11/2015, ngay sau khi trình báo với chính quyền và công an địa phương việc bản thân và một đồng nghiệp luật sư khác bị tám đối tượng đánh đập, hành hung khi rời nhà Đỗ Đăng Dư, luật sư Trần Thu Nam nói:

"Tôi nghĩ rằng một sự việc này nó sẽ không ảnh hưởng tới quá trình mà hoạt động nói chung của tôi.

"Thế còn vụ án của Đỗ Đăng Dư nó là một vụ án riêng và tôi vẫn sẽ theo đến cùng. Tôi là một nạn nhân và những người đánh tôi thì họ cũng là một nạn nhân thôi, chứ còn tôi cũng không oán trách việc đó.

"Và tôi nghĩ rằng sự việc có thể xảy ra một lần nữa và cũng có thể là tôi sẽ gặp những rủi ro nữa, nhưng tôi không ngại điều đó và tôi quyết làm đến cùng để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ sự công bằng."

Luật sư Nam cho hay hôm thứ Ba, ông cùng luật sư đồng nghiệp Lê Văn Luân đã tới nhà của bà Đỗ Thị Mai, là mẹ đẻ của Đỗ Đăng Dư, để tìm hiểu 'đúng, sai' về việc bà Mai nói bà bị Công an Hà Nội 'ép phải từ chối luật sư' bảo vệ quyền lợi của gia đình, mà cụ thể là từ chối Luật sư Nam.

Tuy nhiên, khi ra về ông và ông Luân đã bị tám người bịt mặt 'bằng khẩu trang' dùng xe máy chặn đầu xe ô tô và 'hành hung, đánh đập'.

Khi được hỏi những người tấn công là ai, luật sư Trần Thu Nam nói: "Luật sư Lê Văn Luân đã nhận ra... một trong tám người đó có một công an viên của xã đã tham gia đánh chúng tôi vụ đó."

Ép từ chối luật sư?

Về nguyên nhân của vụ tấn công, Luật sư Nam nêu quan điểm:

"Tôi thì không thù oán với ai cả, tôi không có vay mượn ai, đi xe ô tô thì không có va quệt với ai cả, tôi chỉ có tham dự vụ của Đỗ Đăng Dư trong thời gian vừa qua đã rất ầm ĩ, và chúng tôi tham dự đã bị cản trở rất nhiều, từ Công an Hà Nội.

"Và hôm qua bà Mai bị cản trở trong việc bị ép từ chối luật sư và chúng tôi đến làm rõ sự việc đấy thì xảy ra sự việc như thế này thì tôi nghĩ nó có một sự lô-gíc lẫn nhau,

"Chứ còn cụ thể thế nào thì vừa bước ra khỏi nhà bà Mai nó xảy ra sự việc như vậy, thì tôi nghĩ rằng nó có sự lô-gíc, chứ còn để phán đoán 100% thì tôi không thể nào nói trăm phần trăm được."

Về chi tiết vụ tấn công, Luật sư Nam tường thuật với BBC:

"Tôi và Luật sư Lê Văn Luân đến nhà mẹ của Đỗ Đăng Dư làm việc liên quan đến việc hôm qua bà Mai có làm việc với Công an Hà Nội, thì bà Mai nói rằng Công an Hà Nội đã ép bà Mai từ chối Luật sư đối với tôi.

"Tôi muốn làm rõ xem sự việc đó đúng hay sai, thế thì khi chúng tôi đang làm việc ở trong nhà bà Mai, thì có hàng xóm của bà Mai nói rằng ở đầu ngõ đang có 2 an ninh xã đang ngồi đầu ngõ nhà bà Mai, ở ngoài ngõ.

"Thì chúng tôi cũng nghĩ là những chuyện bình thường, họ là an ninh thì họ sẽ kiểm soát an ninh ở địa phương thì không có vấn đề gì cả. Khi chúng tôi đi ra ngoài đường quốc lộ, có 8 thanh niên đeo khẩu trang xong rồi chặn xe máy ở ngang đường.

"Chúng tôi xuống xe, chúng tôi nói rằng chúng tôi là luật sư, có vấn đề gì không, thế thì họ không nói năng gì cả họ đã xông vào đánh đập chúng tôi và luật sư Lê Văn Luân còn bị rơi cả điện thoại và sau đó bị những người đó nhặt, mang đi mất."

'Xử lý nghiêm minh'

Được biết, cùng ngày 03/11, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội đã cử một đại diện là Phó Chủ nhiệm tới huyện Chương Mỹ để làm việc với chính quyền về vụ các luật sư bị hành hung.

Trao đổi với BBC trên đường tới huyện Chương Mỹ, luật sư Trần Đình Triển, người được cử đi, nói:

"Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư nhận được thông tin là hai luật sư đang đi làm việc theo yêu cầu của thân chủ và công việc đang được triển khai thì bị 8 đối tượng hành hung.

"Vì vậy với vai trò của Ban Chủ nhiệm và tôi là Phó Chủ nhiệm, kiêm Trưởng ban bảo vệ quyền lợi luật sư, thì nhận được thông tin này, mặc dầu hôm nay đang bận một cuộc họp nhưng cũng phải lên ngay để làm việc với Cơ quan công an và Viện Kiểm sát của Huyện Chương Mỹ.

"Để xem thực hư sự việc như thế nào và để có một biện pháp giải quyết đúng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư khi hành nghề.

"Không những thông tin này được Đoàn Luật sư Hà Nội quan tâm và tôi được phân công với trách nhiệm của mình là dù cả đêm, bây giờ vẫn đang trên đường để làm việc với Cơ quan Công an của (huyện) Chương Mỹ.

"Và sự việc này thì Ban Thường vụ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng đã biết và chắc chắn cũng sẽ có ý kiến để làm rõ mọi sự việc để xử lý nghiêm minh đối với những kẻ mà cản trở quyền hành nghề của Luật sư và tùy theo tính chất, mức độ để mà xử lý theo quy định của pháp luật," Luật sư Trần Đình Triển nói.

Cũng hôm thứ Ba, một luật sư khác là thành viên của Đoàn Luật sư Hà Nội cũng đưa ra bình luận về trách nhiệm nói chung của chính quyền trong việc bảo vệ môi trường hành nghề của các luật sư, nhất là trước những vụ việc các luật sư bị tấn công, xách nhiễu.

"Tình trạng mà có những việc 'đàn áp' luật sư, tôi tin chắc rằng chính quyền phải nhận thức vấn đề đó và họ phải tìm mọi cách xóa bỏ cái tiếng đó," Luật sư Trần Vũ Hải nói với BBC.

"Và chúng tôi cho rằng vụ việc này phải được giải quyết một cách minh bạch và chúng tôi tin rằng không chỉ chủ tịch Thành phố Hà Nội giải quyết, mà phải cấp cao hơn của chính quyền Hà Nội phải giải quyết, phải lên tiếng."

'Nên cho khởi tố'

Một ý kiến khác, hôm 03/11, trên trang Facebook cá nhân của mình, nhà báo, blogger Huy Đức, bình luận:

"Trước khi bàn giao chức Giám đốc CA Hà Nội, Tướng (Nguyễn Đức) Chung nên cho khởi tố, bắt, điều tra ngay những kẻ "cản trở các luật sư thi hành công lý" này. Hành động bây giờ của Tướng Chung sẽ rất có ý nghĩa, nó giúp ông rũ bỏ những đồn đoán liên quan tới các thế lực ngầm. Giúp ông đặt chân lên một con đường, rất có thể còn đi xa, với tư thế của một người cầm quyền chính danh," nhà báo Huy Đức nêu quan điểm.

Truyền thông trong nước hôm thứ Ba cũng đã đưa tin về vụ việc, tờ Thanh Niên Online, trong bài viết có tựa đề "Hai luật sư bào chữa vụ Đỗ Đăng Dư bị côn đồ hành hung giữa đường" cho hay:

"Trong chiều nay, Bộ Công an và Công an TP Hà Nội cho biết đã chỉ đạo các bộ phận điều tra làm rõ”, luật sư Phan Trung Hoài nói và cho biết đang yêu cầu Đoàn luật sư Hà Nội có các biện pháp can thiệp để bảo vệ quyền hành nghề cho các luật sư".

Tờ báo cũng dẫn lời Luật sư Lê Văn Luân thuật lại vụ hành hung và cho hay: "Theo luật sư Luân, vào đầu giờ chiều nay 3.11, ông và luật sư Trần Thu Nam đã đến nhà bà Đỗ Thị Mai, là mẹ của nạn nhân Đỗ Đăng Dư, (nạn nhân bị đánh chết trong trại tạm giữ công an, vụ án đang được công an Hà Nội điều tra) tại xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội để làm việc liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi cho gia đình bà Mai thì xảy ra sự việc.

“Khoảng hơn 2 giờ chiều nay, sau khi làm việc xong, rời khỏi nhà bà Mai khoảng 100 mét thì chúng tôi bị một số thanh niên đi xe máy chặn đầu ô tô, rồi mở cửa xe đánh chúng tôi. Họ có khoảng 8 người, 5 người tập trung đánh tôi, 3 người đánh anh Nam”, luật sư Luân kể.

"Theo luật sư Luân, trong quá trình bị hành hung, ông và luật sư Nam đã bỏ chạy xuống ruộng nhưng vẫn bị truy đuổi. Hậu quả, luật sư Luân bị sứt mí mắt chảy máu, còn luật sư Nam bị nặng hơn khi bị chảy máu mồm, vùng mắt mũi bị sưng, phù nề," tờ Thanh Niên trích lời luật sư Lê Văn Luân cho biết.

Còn trên FB của mình, Luật sư Trần Thu Nam cập nhật về thương tích của ông: "Tôi vừa chụp X-quang và kết quả bị gãy sống mũi, tổn thương xoang, tổn thương mắt và phải nhập viện để theo theo dõi chấn động não. Mọi người hãy chứng kiến họ đối xử với Luật sư và chính người dân của họ thế nào. Tôi sẽ trở lại sau một thời ngắn và sẽ mạnh mẽ hơn."

'Công lý què quặt'

Bình luận về sự việc, hôm thứ Ba, trên Facebook cá nhân của mình, Luật sư Lê Công Định, từ Sài Gòn viết:

"Công tố và luật sư là hai trụ cột của nền công lý, bên này buộc tội và bên kia gỡ tội.

"Toà án phân xử dựa trên chứng cứ và luận cứ phản bác nhau của hai trụ cột này. 

"Nói cách khác, công lý chỉ đạt được từ sự hài hoà giữa hai yếu tố đối lập nhau như vậy.

"Trong hai trụ cột đó, nếu công tố mang sẵn sức mạnh của chính quyền mà nó nhân danh để buộc tội ai đi ngược lại trật tự công được thiết định bằng luật pháp, thì luật sư đóng vai trò bênh vực người yếu thế hơn tìm kiếm và giành lại lẽ công bằng mong manh trước bộ máy chính quyền khổng lồ kia.

"Luật sư do vậy là định chế thiết yếu bảo vệ quyền con người của kẻ thấp cổ bé họng.

"Chừng nào luật sư còn được tôn trọng thì may thay xã hội đó còn có ánh sáng công lý soi rọi.

Tấn công luật sư là đốn đổ một trụ cột quan trọng của nền công lý, khiến nó trở nên què quặt.

"Nhìn gương mặt bị đánh đầy máu của hai vị luật sư đáng kính Trần Thu Nam và Lê Luân hôm nay, những người quan tâm đến tiền đồ đất nước không khỏi phẫn nộ và đau lòng, tự hỏi rằng phương thuốc nào chữa khỏi tình trạng què quặt ngày càng nghiêm trọng của công lý ở Việt Nam bấy lâu?", Luật sư Lê Công Định viết.

Hôm 03/11, một tờ báo khác của Việt Nam, tờ Tuổi trẻ Online, cho hay 'lãnh đạo' Công an Thành phố Hà Nội đã quyết định điều tra vụ hành hung hai luật sư.

Trong bài viết với tựa đề "Công an điều tra vụ hai luật sư bị đánh giữa đường, tờ báo cho hay:

"Lãnh đạo Công an Hà Nội cho biết đã chỉ đạo khẩn trương điều tra vụ hai luật sư Trần Thu Nam và Lê Văn Luân bị hành hung tại địa bàn xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội...

"Công an huyện Chương Mỹ, Công an xã Đông Phương Yên đã đến hiện trường, lập biên bản.

"Đoàn luật sư Hà Nội đã cử ông Trần Đình Triển, phó Chủ nhiệm đoàn, đến Công an huyện Chương Mỹ để tìm hiểu sự việc, đồng thời có các đề xuất để bảo vệ luật sư và kiến nghị cơ quan chức năng nhanh chóng xử lý vụ việc này," tờ Tiền Phong cho biết thêm. - BBC

No comments:

Post a Comment