Friday, November 6, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 6/11

Tin Thế Giới

1.
Phi cơ Nga: 'bom trong khoang hành lý'

Các nhà điều tra Anh về vụ phi cơ Nga rơi ở Ai Cập tin rằng một quả bom được đưa vào khoang để hành lý gửi.

Chính phủ Anh kết luận rằng khủng bố nhiều khả năng là nguyên nhân sau khi tình báo thu lượm được thông tin dân quân trao đổi với nhau tại bán đảo Sinai.

Các nhà điều tra của cơ quan an ninh Anh nghi ai đó có quyền tiếp cận khoang để hành lý đã đưa bom vào khoang này ngay trước khi phi cơ cất cánh, phóng viên an ninh BBC Frank Gardner cho biết.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói với đài phát thanh CBS vào hôm thứ Năm ông cho là có “khả năng” rằng một trái bom gây ra vụ làm rơi phi cơ này.

Tuy nhiên cả Ai Cập và Nga đều nói còn quá sớm để đưa ra kết luận.

Người phát ngôn của chính phủ Nga Dmitry Peskov vào hôm 05/11 nói: “Mọi diễn tả về những gì xảy ra…chỉ có thể đưa ra nhờ một cuộc điều tra.”

Ông phát biểu sau khi Mỹ và Anh tuyên bố tin tình báo đặt giả thiết máy bay bị đặt bom.

Dân quân liên kết với Nhà nước Hồi giáo (IS) đã tuyên bố họ gây ra vụ làm rơi phi cơ này khiến 224 hành khách đa số nạn nhân là người Nga thiệt mạng.

Anh đã ngưng toàn bộ các chuyến bay tới và từ khu nghỉ mát Sharm el-Sheikh ở Ai Cập vào hôm thứ Tư.

Công dân Anh theo dự kiến sẽ rời đây vào hôm thứ Sáu nhưng chỉ mang theo hành lý xách tay.

Máy bay Airbus 321 của hãng Metrojet, đã rơi xuống sa mạc Sinai của Ai Cập, 23 phút sau khi cất cánh từ khi nghỉ mát Sharm el-Sheikh trên đường tới St Petersburg hôm thứ Bảy 31/10/2015. - BBC
|
|

2.
Dân Tiến Đảng: 'Tập gặp Mã bất minh'

Một lãnh đạo Dân Tiến Đảng, bà Thái Anh Văn lên án cuộc gặp Tập-Mã, gọi nó là 'bất minh' và 'gây hại' cho Đài Loan.

Bà Thái Anh Văn, nữ ứng viên hàng đầu vào chức tổng thống Đài Loan năm tới, tỏ sự ngạc nhiên về chuyện đột nhiên lãnh đạo Trung Quốc hẹn gặp ông Mã Anh Cửu tại Singapore ngày 7/11 này.

Được biết Tổng thống sắp mãn nhiệm Mã Anh Cửu sẽ được Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp trong 20 phút.

Đây không phải là cuộc hội đàm mang tính quốc gia vì hai ông chỉ gọi nhau là 'Ngài', mà không dùng chức danh vì hai bên không công nhận nhau.

Nhưng bà Thái Anh Văn đặt câu hỏi vì sao tuyên bố về 'Tập-Mã hội' bỗng nhiên được nêu ra, không rõ từ đâu:

"Tôi tin rằng người dân cả nước cũng thấy ngạc nhiên như tôi," bà Thái nói với báo chí Đài Loan hôm 05/11.

"Để mọi người biết về cuộc gặp theo cách vội vã, lộn xộn thế thật là làm hại cho dân chủ Đài Loan."

Bà cũng gọi cách chuẩn bị cho cuộc gặp Tập-Mã là không minh bạch (nguyên văn tiếng Trung: 'bất công khai thấu minh').

Có vẻ như cuộc gặp được coi là 'lịch sử' diễn ra không dễ dàng.

Hãng AFP trích lời ông J. Michael Cole, một nhà nghiên cứu từ Đại học Nottingham làm việc tại Đài Bắc cho hay:

"Bắc Kinh sẽ tìm mọi cách để xử lý cuộc gặp một cách tế nhị, từ chuyện chụp ảnh, bắt tay đến góc nhìn."

"Bất cứ thỏa thuận hay đồng ý nào cũng có rủi ro càng làm cho dư luận Đài Loan khó chịu vì họ đã cho rằng đây là chuyện tế nhị vì Bắc Kinh muốn tác động đến kết quả bỏ phiếu của họ," ông nói.

Theo BBC Tiếng Trung trích các nguồn Trung Quốc thì sau cuộc gặp ngày 7/11 này tại khách sạn Shangri-La ở Singapore, hai ông Mã Anh Cửu và Tập Cận Bình sẽ dự bữa tiệc tối.

Tuy nhiên, bên nào sẽ trả tiền ăn của bên đó để không mang tiếng là "ăn của nhau".

Đài Loan là gì?

Phái chống lại ông Mã Anh Cửu, người sắp mãn nhiệm năm sau, rằng cuộc gặp là cách để giúp Quốc Dân Đảng tăng uy thế trong cuộc bầu cử tháng 1/2016.

Uy tín của Quốc Dân Đảng sụt giảm nhiều, một phần vì lo ngại về ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Nếu bà Thái Anh Văn thắng cử lên làm nữ tổng thống đầu tiên của Đài Loan, chính sách của Đài Bắc với Bắc Kinh có thể thay đổi.

Sinh năm 1956, bà Thái từng học ở Đại học Cambridge, Anh Quốc, Cornell, Hoa Kỳ và có bằng tiến sỹ trường LSE, London.

Bà từng giữ chức chủ tịch Dân Tiến Đảng và nay là ứng viên tổng thống của họ.

Chính sách 'Một Trung Hoa' của Quốc Dân Đảng bị nhìn nhận như một thỏa thuận ngầm với Bắc Kinh, cho phép hai bên tùy ý diễn dịch nó ra sao.

Cũng theo AFP trong ngày 6/11, cuộc gặp Tập-Mã kéo trở lại những khó khăn về ngôn từ, khi báo chí quốc tế nói tới Đài Loan.

Chẳng hạn, cuộc thi Hoa hậu Miss Universe cũng phải tìm cách gọi ứng viên từ Đài Loan là gì vì hòn đảo này có chính quyền riêng nhưng không được Bắc Kinh và nhiều nước công nhận.

Tổ chức Mậu dịch Thế giới (WTO) đành phải gọi Đài Loan là 'Vùng lãnh thổ riêng biệt gồm Đài Loan, Bành Hồ, Kim Môn và Mã Tổ' tức là điểm ra toàn bộ các hòn đảo lớn nhỏ do chính quyền Đài Bắc kiểm soát.

Hiện Đài Loan tức Trung Hoa Dân Quốc được 22 quốc gia công nhận, trong đó có cả Nhà nước Vatican.

Nhưng Ngân hàng Phát triển Á châu gọi đây là "Đài Bắc, Trung Hoa", còn Fifa và các tổ chức thể thảo quốc tế dùng tên gọi là "Trung Hoa Đài Bắc".

Ngay cả người Đài Loan đã chết cũng bị Bắc Kinh coi là người Trung Quốc.

Chẳng hạn khi hãng hàng không Malaysia nêu ra tên tuổi 153 người là công dân CHND Trung Hoa và một người là "người Hoa Đài Bắc" (Chinese Taipei) tử nạn trong vụ MH370 thì Bắc Kinh nói cả 154 nạn nhân là người Trung Quốc. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Chính phủ Obama phát động chiến dịch hỗ trợ các cộng đồng bản địa

Từ việc giải quyết tình trạng vô gia cư cho tới việc trao quyền cho giới trẻ, chính phủ của Tổng Thống Obama đang phát động một số biện pháp mới để hỗ trợ các bộ lạc người da đỏ bản địa.

Tổng Thống Barack Obama đã dành ưu tiên cho việc cải thiện cuộc sống của người bản xứ tại Mỹ.

Tổng Thống Obama trò chuyện với 5 thanh niên bản địa hôm qua về một loạt những đề tài rộng rãi trong một cuộc đối thoại về những vấn đề mà các bộ lạc người bản địa phải đối mặt, kể cả hỗ trợ cho các sinh viên đang chuyển tiếp sang bậc đại học.

Nhà lãnh đạo Mỹ nói: “Một điều khác nữa mà chúng tôi đang cố gắng làm là củng cố các trường cao đẳng của các bộ tộc bản địa bởi vì chúng tôi tin rằng có cơ hội để nhiều người trẻ tuổi được hưởng một nền giáo dục tốt đẹp theo một đường lối phù hợp với văn hoá của họ, cho phép những người trẻ tuổi đôi khi được ở nhà.”

Tổng Thống Obama còn nói rằng trong khi điều quan trọng là giới thanh thiếu niên bản xứ phải được hỗ trợ và có một nơi để tìm hiểu truyền thống văn hoá của họ, điều này không thể được dùng như một cái cớ để tránh những gì xảy ra bên ngoài cộng đồng của họ.

Hội nghị các Bộ Tộc Bản địa Toàn quốc lần thứ 7 tại Tòa Bạch ốc quy tụ hàng trăm nhà lãnh đạo bộ tộc và các giới chức chính phủ Mỹ để thảo luận về những phương cách gỡ bỏ các trở ngại trên con đường đi tới thành công của những người trẻ tuổi, và thúc đẩy quyền tự quyết của các bộ tộc. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

4.
Phát biểu trước Quốc hội VN, Chủ tịch TQ không nói đến Biển Đông --- Lãnh đạo VN kêu gọi Tập Cận Bình không quân sự hóa Biển Đông --- Dư luận sau phát biểu của CT Tập Cận Bình tại Quốc hội VN --- Tập Cận Bình mời Thủ tướng Dũng thăm TQ

Trung Quốc và Việt Nam là những láng giềng tốt cùng theo chủ nghĩa xã hội, với tình bạn sẻ chia trong lịch sử cách mạng lâu dài, nên cần phải xua tan những bất đồng, không để thế lực nào gây gián đoạn trong quan hệ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát biểu như trên trước Quốc hội Việt Nam hôm nay 06/11/2015. Nhưng ông không nhắc gì đến hồ sơ Biển Đông

Hai quốc gia do đảng cộng sản lãnh đạo đều đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông, đã dẫn đến một cuộc đối đầu năm ngoái khi Bắc Kinh đưa giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 vào vùng biển Hoàng Sa nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, làm nổ ra các vụ bạo động chống Trung Quốc.

Theo Reuters, chuyến thăm của ông Tập Cận Bình là kịp thời, nhằm xây đắp lại mối quan hệ trong bối cảnh không chắc chắn về những nhà lãnh đạo sẽ nắm quyền sau Đại hội Đảng lần thứ 12 vào tháng Giêng tới – một đảng có truyền thống thân cận với Bắc Kinh nhưng nay đang thu hút sự chú ý chưa từng thấy từ phương Tây.

Phát biểu trước Quốc hội Việt Nam tại Hà Nội, ông Tập nhắc đến cố Chủ tịch Hồ Chí Minh và tình bạn giữa ông Hồ với Mao Trạch Đông, người sáng lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và hệ thống chính trị tương đồng.

Ông Tập Cận Bình tuyên bố: "Trung Quốc và Việt Nam núi liền núi, sông liền sông, tình hữu nghị giữa hai dân tộc chúng ta đã có từ thời cổ đại. Trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho đất nước, hai nước đã sát cánh hỗ trợ lẫn nhau, tạo nên tình bằng hữu vững chắc".

Theo ông Tập, Trung Quốc rất chú trọng đến quan hệ với Việt Nam và muốn sẽ tiếp tục theo một con đường bền vững. Ông nói: "Hai đảng, hai nước và hai dân tộc cần phải lấy chữ tín làm nền tảng, giúp đỡ lẫn nhau, tay trong tay không cho phép bất kỳ ai làm gián đoạn tiến độ. Tôi tin rằng nhân dân hai nước có năng lực và trí tuệ để xua đi các trở lực".

Bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc không nêu lên vấn đề Biển Đông cũng như cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, khi Trung Quốc cho quân tràn sang Việt Nam để trừng phạt việc Hà Nội lật đổ chế độ Khmer Đỏ, tay sai của Bắc Kinh ở Cam Bốt.

Tập Cận Bình chỉ ám chỉ những "thử nghiệm" của cả hai bên trước những ngọn gió lịch sử, nhắc lại rằng các tranh chấp có thể được xử lý và kiểm soát một cách thỏa đáng – một thông điệp mà hai nước đã đồng ý hôm qua. Ông cho rằng quan hệ "không được đi chệch khỏi con đường đúng đắn".

Bài phát biểu bằng tiếng Hoa kéo dài khoảng 20 phút, gấp đôi thời gian dự kiến, trích dẫn nhiều câu thơ Đường và thơ của ông Hồ Chí Minh. Hôm qua báo chí trong nước đã trích lời chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết việc ông Tập Cận Bình phát biểu trước Quốc hội Việt Nam là do yêu cầu của phía Trung Quốc.

Nhắc đến những câu ông Tập Cận Bình nói như "lấy chữ tín làm nền tảng", "láng giềng bao giờ cũng có những va chạm nhất định, nhưng khi đại sự đã được coi trọng thì tiểu sự sẽ không khó giải quyết", "kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân", "gien hòa hiếu của Trung Quốc chưa bao giờ biến dị"…báo chí Việt Nam cũng dẫn ra một số lời bình của các đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng "Lời lẽ của ông Tập rất hay nhưng điều quan trọng là việc làm. Câu chuyện trên Biển Đông như thế, người dân làm sao có thể tin cậy ngay được". Luật sư Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh: "Trong bài phát biểu, ông Tập Cận Bình không đưa ra một cam kết nào về việc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa".

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn cũng băn khoăn trước việc bài phát biểu của ông Tập "không có từ nào nhắc đến Biển Đông". Về vấn đề "đại cục" và "tiểu cục", theo ông: "Những chuyện họ nói là nhỏ, với dân tộc Việt Nam thì không nhỏ chút nào cả. Những hòn đảo rất nhỏ nhưng vô cùng thiêng liêng đối với người dân Việt".

Việc Trung Quốc hối hả bồi đắp các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa đã gây căm phẫn, đặt các lãnh đạo Việt Nam vào tình thế khó xử, trong lúc gần đây Bắc Kinh và Washington đã tranh cãi về quyền tự do hàng hải.

Việt Nam đã đa dạng hóa các quan hệ và Trung Quốc mặc dù không nằm trong số các nhà đầu tư lớn nhất, nhưng vẫn là đối tác thương mại quan trọng nhất với 60 tỉ đô la trao đổi hàng năm, đồng thời là nguồn hàng nhập khẩu lớn nhất. Tình trạng lệ thuộc này vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi trong nước. - RFI

***
“Không quân sự hóa Biển Đông, cố gắng kiểm soát các bất đồng trên biển và duy trì hòa bình trong khu vực”. Trên đây là lời kêu gọi của các lãnh đạo Việt Nam đưa ra trong các buổi hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 06/11/2015.

Trong chuyến công du chính thức Việt Nam hai ngày 05-06/11/2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần lượt hội đàm với các lãnh đạo Việt Nam: Tổng Bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Tại ba buổi hội đàm, cả ba lãnh đạo Việt Nam đều đề cập đến các tranh chấp trên Biển Đông, cho rằng cả hai bên nên cố gắng kiểm soát các bất đồng, tìm kiếm các đồng thuận và phát triển các lợi ích chung thông qua các đàm phán song phương nhằm duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông.

Theo các lãnh đạo Việt Nam, những căng thẳng trên Biển Đông gần đây đã có những ảnh hưởng tiêu cực lên quan hệ đôi bên. Do đó, cả hai bên cần duy trì hiện trạng hiện nay, tránh đưa ra những hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình và làm gia tăng các tranh chấp, gây thêm căng thẳng. Việt Nam đề nghị Trung Quốc tuân thủ đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và nhanh chóng đạt được Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), đồng thời kêu gọi không nên quân sự hóa trên Biển Đông.

Trung Quốc cho đến giờ vẫn phủ nhận “quân sự hóa” các bãi đá hay đảo do họ kiểm soát trên Biển Đông. Bắc Kinh chỉ thừa nhận sự hiện diện rất hạn chế của một số cơ sở quân sự cần thiết tại đây, nhưng chỉ nhằm mục đích phòng vệ.

Về mặt kinh tế, nhân chuyến công du Việt Nam lần này, Chủ tịch Tập Cận Bình thông báo hỗ trợ 300 triệu đô-la cho dự án đường cao tốc Móng Cái-Vân Đồn và một khoản vay trị giá 250 triệu đô-la cho dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông. Từ đây trong vòng 5 năm, Trung Quốc sẽ tài trợ cho Việt Nam một tỷ nhân dân tệ cho các dự án cải thiện các dịch vụ công như trường học và bệnh viện. - RFI

***
Trung Quốc Tập Cận Bình sáng ngày 6/11 có bài phát biểu dài hơn 20 phút, gấp đôi thời gian dự kiến, trước Quốc hội Việt Nam ở Hà Nội.

Đây là bài phát biểu mà nhiều người quan tâm chú ý đến nhất trong chuyến công du Việt Nam lần này của người đứng đầu đảng và chính phủ Trung Quốc.

Sau khi biết được nội dung của bài phát biểu đó do báo chí trong nước tường thuật, phản ứng của những người quan tâm ra sao?

Phát biểu của ông Tập theo truyền thông VN

Một số điểm chính của bài phát biểu được truyền thông trong nước trích thuật. Theo đó ông Tập Cận Bình nói đến mối quan hệ hai nước láng giềng ‘núi liền núi, sông liền sông’ và với câu ‘mất hàng ngàn vàng để mua láng giềng’. Theo ông Tập Cận Bình thì Trung Quốc và Việt Nam cần đạt được đại sự, sau đó tiểu sự sẽ giải quyết dễ dàng. Ông này cũng nhấn mạnh ủng hộ Việt Nam tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội…

Linh mục An Tôn Lê Ngọc Thanh, từ Sài Gòn sau khi đọc được những tường trình của báo chí Nhà nước về bài phát biểu của ông Tập Cận Bình trước Quốc hội Việt Nam vào sáng ngày 6 tháng 11 đưa ra nhận xét:

“Tôi nhận thấy phát biểu của ông Tập Cận Bình không tỏ ra hung hăng nhưng rõ ràng vẫn không có thừa nhận một cách rõ ràng về tình trạng Hoàng Sa-Trường Sa thuộc về Việt Nam hoặc ít ra là đang có vấn đề tranh chấp; mà chỉ đề cập một cách rất chung chung như thể đánh lừa các đại biểu quốc hội.

Ba vấn đề chính mà ông đặt ra: đầu tiên ông ta bảo rằng chọn lựa của nhân dân hai nước, hai đảng, hai nhà nước là đi theo con đường chủ nghĩa xã hội; thật ra đó là điều mà nhân dân Việt Nam đâu có chọn. Đó là điều ông ta cố gắng gượng ép. Điều thứ hai ông nói rằng là Việt Nam và Trung Quốc phải tận dụng cơ hội để có thể trở nên trụ cột cho Châu Á. Thật ra ông ta muốn nhờ Việt Nam làm bàn đạp để bành trướng ra Châu Á thì đúng hơn. Bởi vì trên thực tế những gì ông ta đối xử với Việt Nam và các nước Châu Á trong thời gian vừa rồi đều bị các nước phản ứng. Tức không thực tâm muốn phát triển một Châu Á thịnh vượng. Điều thứ ba ông ta cho rằng hai nước Việt Nam và Trung Hoa liền kề nhau nên khó tránh khỏi những va chạm. Thật ra đó là tình trạng ‘cá lớn nuốt cá bé’. Ở kế bên lấn sân rồi nói lỡ không tránh khỏi. Tôi nghĩ phát biểu đó không thật lòng và có một cách nào đó cố tình tránh né điều mà tất cả các đại biểu quốc hội quan tâm là vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.”

Nhà báo Võ Văn Tạo ở Nha Trang cũng có ý kiến:

“Trước khi ông ấy nói chuyện anh em trí thức trong nước cũng rất quan tâm: ông ấy sẽ nói cái gì, quốc hội sẽ phản ứng ra sao, liệu ông ấy có thể nói như nói với tổng thống Mỹ là Trung Quốc có lợi ích cốt lõi ở Biển Đông không? Câu nói đó là rất nhạy cảm, nên theo tôi nghĩ trước khi Nhà nước Việt Nam đồng ý để ông ấy nói chuyện ở Quốc hội, hai bên đã có trao đổi về nội dung để ông nói làm sao đừng làm gì xấu cho quan hệ giữa hai nước. Quả nhiên bài nói của ông này trong vòng khoảng 20 phút gì đó, tôi thấy ông này rất khéo. Ông không đụng chạm gì vào những chuyện gây những xích mích lớn mà hai nước đang căng thẳng ở Biển Đông. 

Ông đưa ra những khẩu hiệu láng giềng tốt, cùng nhau tiến lên thì không mới vì ‘4 tốt’ và 16 chữ vàng’ (nói) 7,8 năm qua rồi, dân Việt Nam không lạ. Nhưng phải nói rõ về bản chất thế này: tôi không nhớ tác giả một bài báo đăng trên báo Ban Tuyên giáo Trung ương, mà ông này là một giáo sư người Trung Quốc, nói rõ bản chất, truyền thống của người Trung Quốc là hoạt giảo, xảo ngôn, bịp bợm. Ông Tập Cận Bình sang Việt Nam vẫn theo thái độ đó, vẫn mù mờ như thế. Ru ngủ.”

Phía VN hoàn toàn thụ động

Đáp từ của chủ tịch quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng là cảm ơn về những phát biểu tốt đẹp của ông Tập Cận Bình về mối quan hệ giữa hai nước.

Ông Nguyễn Sinh Hùng nhắc đến sự giúp đỡ của Trung Quốc cho Việt Nam trong hai cuộc chiến chống Pháp và Mỹ. Chủ tịch quốc hội Việt Nam cho rằng quan hệ giữa hai phía có trải qua sóng gió nhưng đến nay phát triển đúng theo định hướng mà hai ông Hồ Chí Minh và Mao Trạch Đông từng mong muốn.

Đối với những bất đồng giữa hai phía theo chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng thì theo nguyên tắc tiếp tục kiểm soát những bất đồng, vượt qua trở ngại để đưa quan hệ phát triển bền vững, ổn định hơn vì sự công bằng, phát triển của nhân dân hai nước.

Linh mục Lê Ngọc Thanh đề cập đến thái độ của các đại biểu quốc hội Việt Nam khi đón ông Tập Cận Bình:

“Tôi thấy các đại biểu quốc hội hoàn toàn thụ động lắng nghe và tỏ một thái độ rất lịch sự là vỗ tay chào mừng bài phát biểu mà không hề có một phát biểu ngược lại. Còn việc ông Nguyễn Sinh Hùng với tư cách chủ tịch, người chủ nhà ông ta đáp lễ như một cách thức xã giao mà không dám nhấn mạnh đến nội dung mà tất cả dân chúng Việt Nam đang quan tâm, đó là Hoàng sa, Trường Sa là của Việt Nam chứ không phải của Trung Quốc.”

Và phát biểu của chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng về điều mà ông này cho là trợ giúp của Trung Quốc trong hai cuộc chiến ở Việt Nam:

“Khi nhắc đến vấn đề đó các ông này đã làm sai mà không biết nhục vì khi nói đến điều đó các ông đã vi phạm Hiêp định Geneve và Hiệp định Paris mà các ông ấy vẫn coi như là điều đúng mà không biết ngượng.”

Không đề cập hoạt động của TQ ở Biển Đông

Theo thông tấn xã Việt Nam trong những cuộc hội đàm vào ngày 5 tháng 11 giữa tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với ông Tập Cận Bình; cũng như giữa thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và chủ tịch Trung Quốc, mọi bất đồng giữa hai phía về biển được đề cập đến.

Tuy nhiên theo linh mục Lê Ngọc Thanh những trao đổi giữa các lãnh đạo về những vấn đề tranh chấp biển đảo giữa hai nước mà truyền thông Nhà nước loan tin vẫn chưa thể làm thỏa mãn thắc mắc của người dân quan tâm:

“Trong các cuộc họp, truyền thông luôn bảo rằng quốc hội và chính phủ và cả bên đảng có những trao đổi rất thẳng thắn. Nhưng thẳng thắn như thế nào đến lúc này dân chúng không được biết. Ở Việt Nam có điều rất lạ là họ hưởng lương từ tiền thuế của dân, rồi ‘được’ do dân bầu, nhưng cuối cùng vẫn xem dân là những người kém hiểu biết, không trưởng thành để rồi cuối cùng họ không công bố sự thật và lãng tránh điều đó. Đến lúc ngày người dân không hiểu rõ họ nói đến đâu và nói những gì với Trung Quốc.”

Việc Trung Quốc chiếm dụng Hoàng Sa lâu nay đến hoạt động gần đây tiến hành bồi đắp, xây dựng những đảo nhân tạo trên các đảo, bãi đá cưỡng chiếm của Việt Nam tại Trường Sa vào những năm 1988 và 1995; thế rồi vấn đề ngư dân Việt Nam đi đánh bắt tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa bị tàu Trung Quốc xua đuổi, đánh đập, cướp phá thậm chí có trường hợp bị bắt, bị đâm chìm tàu và bị giết chết chính là những điều mà nhiều người yêu cầu lãnh đạo Việt Nam phải nêu ra với phía Trung Quốc. - RFA

***
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã mời Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Tấn Dũng thăm Trung Quốc vào 'thời điểm thích hợp' sau khi đề nghị hai bên tăng cường 'gặp gỡ cấp cao' và 'trao đổi chiến lược', theo trang mạng của Chính phủ Việt Nam.

Lời mời này được ngỏ trong cuộc họp giữa nhà lãnh đạo Đảng và nhà nước của Trung Quốc với người đứng đầu nội các Chính phủ Việt Nam hôm 05/11/2015 tại trụ sở Chính phủ Việt Nam tại Hà Nội.

Thông báo trên cổng thông tin của Chính phủ Việt Nam hôm thứ Năm cho hay:

"Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ vui mừng thăm Việt Nam cũng như những thành tựu nổi bật mà nhân dân Việt Nam đã đạt được; cho biết mục đích chuyến thăm là nhằm tăng cường trao đổi chiến lược, trao đổi các phương hướng mở rộng hợp tác toàn diện giữa hai nước Trung-Việt.

"Với nhận thức chung rộng rãi, từ độ cao và tầm nhìn chiến lược, hai bên đều đặt quan hệ hai nước ở vị trí đặc biệt, đồng thời cho rằng, quan hệ Trung-Việt phát triển ổn định, lành mạnh là phù hợp với lợi ích của hai nước và nhân dân hai nước.

"Với tinh thần này, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra 4 phương hướng lớn hợp tác Trung-Việt trong thời gian tới.

"Theo đó, về chính trị, hai bên cần tăng cường gặp gỡ cấp cao, trao đổi chiến lược. Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình hoan nghênh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Trung Quốc vào thời điểm thích hợp."

Hoan nghênh, đánh giá cao

Cũng theo trang tin của Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hoan nghênh chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Việt Nam.

Trang tin viết: "Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh đồng chí Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Trung Quốc đang có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.

"Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc tốt đẹp tới Thủ tướng Lý Khắc Cường và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước Trung Quốc.

"Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng trong thời gian qua, quan hệ Việt-Trung có bước phát triển tích cực. Lãnh đạo cấp cao hai bên thường xuyên gặp nhau và đạt nhiều nhận thức chung quan trọng về việc thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển ổn định, bền vững và không ngừng đi vào chiều sâu.

"Giao lưu, hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương và giữa các tầng lớp nhân dân hai nước ngày càng mật thiết; hai bên tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Hợp tác kinh tế-thương mại tiếp tục có tiến triển với nhiều kết quả rất đáng khích lệ.

"Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng như những nhận thức chung quan trọng mà Tổng Bí thư hai Đảng đạt được trong cuộc hội đàm chiều nay về phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước," trang mạng của Chính phủ Việt Nam cho hay. - BBC
|
|

5.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt-Nhật hội đàm --- Việt Nam đồng ý cho tàu chiến Nhật cập cảng Cam Ranh

Sáng thứ Sáu 6/11, Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani đã có buổi hội đàm với Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam, trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 4-7/11.

Hai bên được cho là nhất trí tiếp tục hợp tác tích cực trong các vấn đề an ninh khu vực.

Trang web Bộ quốc phòng Việt Nam nói hai bộ trưởng chia sẻ lập trường về Biển Đông.

"Kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước luật biển 1982," theo trang này.

Ông Gen Nakatani đã giới thiệu về Luật an ninh mới của Nhật, nói bộ luật dựa trên "chủ nghĩa hòa bình tích cực" của Nhật, thực hiện trách nhiệm của Nhật Bản vì vì hòa bình và phồn vinh của khu vực và thế giới.

Ông Gen Nakatani đã đến thăm Cảng Cam Ranh chiều thứ Năm 5/11.

Chuyến đi của ông diễn ra cùng thời gian với việc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Việt Nam. - BBC

***
Việt Nam hôm nay (6/11) đồng ý mời tàu chiến Nhật cập cảng chiến lược Cam Ranh và hai bên nhất trí sẽ tổ chức cuộc diễn tập hải quân chung đầu tiên.

Theo thông tấn xã Kyodo, thỏa thuận đạt được trong cuộc họp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, Gen Nakatani, với người đồng nhiệm phía Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh.

Chuyến thăm của tàu chiến Nhật tới cảng Cam Ranh, địa điểm gần vùng biển có tranh chấp ở Trường Sa nơi Trung Quốc đang xây dựng các căn cứ trên những hòn đảo nhân tạo, có thể khiến Bắc Kinh càng thêm khó chịu sau khi tàu chiến Mỹ khởi sự các chuyến tuần tra tại đây.

Dù tránh chọc giận Trung Quốc bằng các hoạt động tương tự, nhưng Tokyo đang tìm cách siết chặt quan hệ an ninh với các nước Đông Nam Á phản đối tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt là Việt Nam và Philippines.

Việt Nam đã cho phép tàu của các nước như Mỹ và Nga neo đậu tại Cam Ranh, nhưng các chuyến thăm của tàu nước ngoài tới Vịnh nước sâu này là điều hiếm thấy. Việt Nam hiện có vài tàu ngầm lớp Kilo mua lại của Nga ở Vịnh Cam Ranh.

Nếu Cam Ranh có thể được dùng như một căn cứ tiếp liệu cho Lực lượng Tự vệ Hàng Hải Nhật Bản, triển vọng về các hoạt động của lực lượng này ở Biển Đông có thể được nhân lên.

Các giới chức Nhật được dẫn lời cho hay Việt Nam dự định xây các cơ sở mới để tiếp nhận tàu chiến của Nhật cùng các tàu khác. Bộ trưởng Quốc phòng Nakatani hy vọng tàu chiến Nhật sẽ cập bến Cam Ranh vào năm tới.

Bộ trưởng Quốc phòng Việt-Nhật hôm nay cũng xác nhận các kế hoạch tổ chức diễn tập chung giữa Lực lượng Tự vệ Hàng hải Nhật với hải quân Việt Nam, nhưng chưa tiết lộ chi tiết thời gian và địa điểm.

Dịp này, lãnh đạo quốc phòng hai nước cũng nhất trí phản đối hành vi dùng sức mạnh thay đổi hiện trạng các khu vực có tranh chấp và đồng ý rằng mọi vấn đề phải được giải quyết một cách ôn hòa dựa trên luật quốc tế.

Các giới chức quốc phòng Nhật cho hay Hà Nội và Tokyo thống nhất khởi sự các cuộc thảo luận về hợp tác kỹ thuật và thiết bị quân sự.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố Nhật sẽ đẩy mạnh ‘chủ nghĩa hòa bình tích cực’ trong khi Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam bày tỏ tin tưởng về vai trò Nhật có thể đóng góp. - VOA
|
|

6.
Thanh niên Mỹ gốc Việt bị bắt vì đâm người hùng vụ tấn công tàu Pháp

Cảnh sát ở thành phố Sacramento, thủ phủ bang California, bắt giữ một người đàn ông 28 tuổi hôm thứ Tư trong vụ đâm một Hạ sĩ Không quân Mỹ, người được ca ngợi là một anh hùng vì đã giúp ngăn chặn một cuộc tấn công khủng bố ở châu Âu.

Hạ sĩ Không quân Spencer Stone đã bị đâm ngày 8 tháng 10 trong một vụ ẩu đả gần quán bar ở Sacramento, ngay sau khi các khách hàng của hộp đêm hoan nghênh người hùng 23 tuổi vì đã khống chế tay súng liên hệ với Hồi giáo cực đoan trên chuyến tàu chở khách đi Paris hồi tháng Tám vừa qua.

James Tran, một người Mỹ gốc Việt sinh sống ở ngoại ô Sacramento, được cho là kẻ chủ mưu trong vụ ẩu đả dẫn đến vụ đâm chém, cảnh sát trưởng Sam Somers Jr. nói trong buổi họp báo.

Tran bị buộc tội cố ý giết người.

Một số người khác đã bị thẩm vấn trong vụ tấn công nhưng không ai bị bắt.

Vết thương của Hạ sĩ Stone rất nghiêm trọng và cảnh sát nghĩ rằng anh có thể tử vong. Các thám tử đã điều tra các manh mối do công chúng cung cấp kể từ khi vụ việc xảy ra, ông Somers cho biết.

Một manh mối trong những ngày gần đây giúp đưa tới vụ bắt giữ James Tran, và trát bắt được đưa ra hôm thứ Ba trong lúc Tran đang bị theo dõi.

Mẹ của Hạ sĩ Stone, bà Joyce Eskel, cho biết hôm thứ Tư rằng con bà đã bị đâm 4 lần chứ không phải 3 lần như lời các bác sĩ nói. Các bác sĩ “đã phải cưa ngực con tôi” để chữa trị các vết rách đến tận tim, gan và phổi. Một vết thương chỉ còn cách cột sống hơn 1cm, bà Eskel nói.

“Stone rất may mắn còn sống sót”, bà nói, và cho biết thêm rằng gia đình đã cảm thấy nhẹ nhõm và biết ơn cảnh sát.

Tran bị các thám tử bắt giữ khi đang lái xe ở phía nam quận hạt Sacramento. Tran đã từng bị bắt giữ trước đây và có dính líu tới một băng đảng, cảnh sát trưởng Sam Somers Jr. cho biết.

Các nhà điều tra cho biết cuộc tấn công không liên quan đến âm mưu khủng bố Châu Âu và có dính líu đến cuộc ẩu đả giữa hai nhóm ở khu vực hộp đêm.

Ông Somers nói Tran và nhóm của mình không hề biết Spencer Stone là ai cho đến khi họ thấy các báo cáo tin tức sau đó.

Phát ngôn viên cho đoàn luật sư quận hạt Sacramento Selly Orio cho biết James Tran đối mặt với tội danh cố ý giết người. Bà nói không biết Tran có luật sư đại diện hay không. - VOA

No comments:

Post a Comment