Wednesday, February 8, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Tư 8/2

Tin Thế Giới

1.
Trung Quốc nói Mỹ nên "học hỏi thêm" về lịch sử Biển Đông --- Trung Quốc bác bỏ dự báo xung đột ở biển Đông

Hoa Kỳ nên học hỏi thêm về lịch sử Biển Đông, vì có thỏa thuận quy định tất cả các vùng lãnh thổ mà Nhật Bản đã chiếm trong Thế chiến II phải được trao trả lại cho Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại Úc.

Trung Quốc đã tỏ ý tức giận vì những lời bình luận từ chính quyền Hoa Kỳ mới về vùng biển này.

Trang web của Bộ ngoại giao Trung Quốc đăng những lời bình luận của ông Vương vào tối thứ Ba ngày 7/2. Trang này trích lời ông Vương phát biểu trong chuyến thăm Canberra, Úc gần đây, nói rằng ông có một "gợi ý" cho những người bạn Mỹ: "Học hỏi thêm về lịch sử Thế chiến Thứ hai".

Theo ông Vương, Tuyên bố Cairo 1943 và Tuyên bố Potsdam 1945 nói rõ rằng Nhật Bản phải trả lại cho Trung Quốc tất cả các vùng lãnh thổ Nhật đã chiếm đóng.

"Điều này bao gồm cả các đảo Nam Sa", ông nói thêm, dẫn tên Trung Quốc dùng để gọi Quần đảo Trường Sa.

"Năm 1946, chính phủ Trung Quốc lúc đó, với sự trợ giúp của Hoa Kỳ, đã công khai lấy lại quần đảo Nam Sa mà Nhật đã chiếm đóng, và nắm chủ quyền lại," ông Vương nói.

Hoa Kỳ cam kết bảo vệ đảo Senkaku cho Nhật

"Sau đó, một số nước láng giềng của Trung Quốc đã dùng các biện pháp bất hợp pháp để chiếm giữ một số đảo và bãi đá ở khu vực này, và chính chuyện này đã gây ra cái gọi là tranh chấp lãnh thổ Biển Đông."

Trung Quốc cam kết đàm phán với các bên có liên quan trực tiếp, theo đúng các chứng cứ lịch sử và luật quốc tế để giải quyết vấn đề một cách hòa bình, và quan điểm này vẫn không thay đổi, ông Vương nói thêm.

Quan điểm của Mỹ về Biển Đông

Trong phiên điều trần trước Thượng viện Hoa Kỳ để nhậm chức hồi giữa tháng Một, tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói Trung Quốc không được phép tiếp cận các đảo nhân tạo mà nước này đã xây dựng ở Trường Sa.

Ông Tillerson, phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, so sánh việc Trung Quốc xây đảo với việc Nga chiếm Crimea từ tay Ukraine.

"Chúng ta cần gửi đến Trung Quốc một dấu hiệu rõ ràng. Thứ nhất, việc xây dựng đảo phải chấm dứt, và thứ hai, họ sẽ không được phép tiếp cận các đảo đó nữa."

Tòa Bạch Ốc cũng cam kết sẽ bảo vệ "các vùng lãnh thổ quốc tế" ở vùng biển có vị trí chiến lược này.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng từng nói rằng "Trung Quốc đã xé nát niềm tin của các quốc gia trong vùng, ra vẻ như có quyền phủ quyết đối với ngoại giao, an ninh và kinh tế của các nước láng giềng."

Tuy nhiên, ông cũng nói rằng các biện pháp ngoại giao phải được ưu tiên ở Biển Đông, hãng Reuters cho hay.

Trung Quốc kỳ vọng vào những lời phát biểu của ông Mattis nhấn mạnh đến các nỗ lực ngoại giao ở Biển Đông, vì đây không chỉ là quan điểm của Trung Quốc và Đông Nam Á mà còn là "sự lựa chọn đúng đắn" cho các nước ở ngoài khu vực, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị nói.

Bắc Kinh thời gian qua đã xây dựng nhiều đảo nhân tạo trên các bãi san hô trong khu vực biển được nhiều nước khác cũng tuyên bố chủ quyền.

Những hình ảnh được đưa ra cuối năm ngoái cho thấy có sự hiện diện của lực lượng quân sự tại một số đảo này, một viện nghiên cứu nói.

Động thái xây đảo của Trung Quốc đã gây nhiều bất bình trong khu vực. Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên phần lớn lãnh thổ Biển Đông, nơi Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei cũng tuyên bố chủ quyền. - BBC

***
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm 7/2 đã chính thức lên tiếng sau khi chiến lược gia trưởng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Steve Bannon, dự báo khả năng sẽ bùng ra chiến tranh giữa Bắc Kinh và Washington trên biển Đông “trong 5 tới 10 năm nữa”.

Trong cuộc họp báo ở Canberra hôm 7/2 sau cuộc thảo luận với Ngoại trưởng Australia Julie Bishop, ông Vương nói rằng bất kỳ “chính trị gia điềm tĩnh” nào cũng sẽ hiểu rằng cả đôi bên sẽ gánh chịu thiệt hại từ một cuộc xung đột như vậy, theo the Guardian.

Tin cho hay, trong một chương trình trên radio hồi tháng 3/2016, ông Bannon cho rằng quan hệ Mỹ - Trung tất yếu sẽ leo thang thành xung đột trong vòng một thập niên tới.

Ông Bannon, khi đó điều hành hãng tin Breibart News, nói: "Chúng ta sẽ tham chiến ở Biển Đông trong 5 tới 10 năm nữa, phải không nào? Không còn nghi ngờ gì về điều đó. Trung Quốc đang củng cố và về cơ bản là đang xây những hàng không mẫu hạm cố định và đặt tên lửa lên đó. Họ xông vào khu vực ngay trước mặt nước Mỹ - và quý vị thừa hiểu vấn đề thể diện nó quan trọng như thế nào – rồi họ tuyên bố vùng biển này là lãnh hải lịch sử của họ".

Tuy nhiên, ông Vương đã bác bỏ khả năng này, và nói thêm rằng đã có nhiều tuyên bố thiếu hợp lý về quan hệ Trung – Mỹ trong 4 thập kỷ qua, nhưng mối bang giao giữa hai nước đã “vượt qua các khó khăn và không ngừng tiến về phía trước”.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc nói: “Bất kỳ một chính trị gia điềm tĩnh nào cũng nhận thức rõ rằng không thể để xảy ra xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc vì cả đôi bên sẽ thất bại, và đôi bên không thể làm vậy”.

Trong một diễn biến khác liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho rằng các quan ngại về chuyện Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ khai mào một cuộc chiến với Trung Quốc ở biển Đông đã bị thổi phồng.

Quan chức 68 tuổi này được hãng Bloomberg dẫn lời nói cuối tuần trước rằng ông Trump là một doanh nhân, và ông ấy biết rằng nếu chiến tranh bùng ra, việc kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng". - VOA
|
|

2.
Thủ tướng Nhật hứa tạo 700.000 việc làm cho nước Mỹ

Ngày 09/02/2017, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có chuyến công du Hoa Kỳ. Theo giới quan sát, ông Abe sẽ hứa hẹn tạo việc làm tại Mỹ và gia tăng chi phí quốc phòng, với hy vọng Tokyo sẽ bớt bị tổng thống Trump lên án là « cướp » công ăn việc làm của dân Mỹ và dựa dẫm vào Washington.

Reuteur dẫn các nguồn tin chính phủ Nhật Bản, theo đó, phái đoàn của thủ tướng Shinzo Abe – gồm bộ trưởng Tài Chính Taro Aso và ngoại trưởng Fumio Kishira – tới Mỹ với một loạt các biện pháp, để tạo 700.000 việc làm ở Hoa Kỳ, thông qua các đầu tư đối tác công – tư trong lĩnh vực hạ tầng cơ sở, đặc biệt là tàu cao tốc.

Các tập đoàn lớn của Nhật, như Toyota, cũng dự kiến sẽ tham gia chiến dịch này. Tuần trước, chủ tịch Toyota, Akio Toyoda, đã gặp thủ tướng Shinzo Abe. Công ty điện tử Sharp dự kiến xây dựng một nhà máy trị giá 7 tỉ đô la.

Sau khi từ bỏ Hiệp Định Đối Tác xuyên Thái Bình Dương TPP, gồm 12 đối tác trong đó có Nhật Bản, tân tổng thống Mỹ muốn đàm phán riêng với Nhật về một thỏa thuận song phương. Chính phủ Nhật ở trong tình thế phải tính tới khả năng này, cho dù dư luận trong nước cho rằng Tokyo có thể ở thế yếu trong đàm phán trực tiếp với Mỹ.

Chính giới Nhật lo Mỹ thỏa thuận riêng rẽ với Trung Quốc

Nhìn chung, tại Nhật, có nhiều lo ngại là chính quyền Donald Trump có thể ký một thỏa thuận riêng rẽ với Trung Quốc, bất lợi cho Nhật Bản. Một nhà ngoại giao kỳ cựu của Nhật, ông Yukio Okamoto, khẳng định Nhật muốn biết « thái độ của ông Trump về Trung Quốc ». Ông dự báo, nếu tân tổng thống Mỹ chỉ quan tâm đến kinh tế, thì có thể một ngày nào đó Washington và Bắc Kinh có một thỏa thuận riêng, « không tính đến các vấn đề an ninh khu vực ».

Nhiều chính trị gia Nhật cũng sợ rằng, trong các tiếp xúc riêng với Donald Trump, đặc biệt trong cuộc chơi golf dự kiến vào ngày thứ Sáu 10/02 tại Florida, thủ tướng Nhật sẽ đưa ra những hứa hẹn khó thực hiện, giống cựu thủ tướng Nobusuke Kishi, một người thân của ông Abe.

Năm 1957, thủ tướng Nobusuke Kishi - ông ngoại của thủ tướng Shinzo Abe - đã có nhiều cam kết với tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower, và được báo chí Mỹ ca ngợi là « thắng lợi ngoại giao » của hai cựu thù thời Thế chiến thứ Hai. Thế nhưng, ba năm sau, ông Kishi phải từ chức, do dân chúng nổi giận với hiệp ước an ninh mà chính phủ của ông ký kết với Hoa Kỳ. - RFI
|
|

3.
Lãnh đạo đảng đối lập Nga bị buộc tội biển thủ quỹ công [LMN: Hôm 1/2 nhà tranh đấu Vladimir Kara-Mua bị đầu độc]

Lãnh đạo đảng đối lập Nga, ông Alexei Navalny, đã bị kết tội biển thủ quỹ công và bị án 5 năm tù treo, truyền thông địa phương đưa tin.

Cho dù ông Navalny chỉ nhận án treo, ông cũng bị cấm tranh cử tổng thống vào năm tới.

Là người chỉ trích Tổng thống Vladimir Putin mạnh mẽ, ông Navalny đã phủ nhận các cáo buộc và nói rằng ông bị đưa ra tòa vì các động cơ chính trị.

Phải mất nhiều giờ tòa mới đọc xong bản án tại phiên xử lại này, vốn được lập ra sau khi Tòa Châu Âu về Nhân quyền phán quyết là phiên sơ thẩm thiếu công bằng.

Các công tố viên đã đề nghị kết án ông Navalny 5 năm án treo.

Ông Navalny là ai?

Ông Navalny, năm nay 40 tuổi, được biết đến với chiến dịch chống tham nhũng, một chiến dịch nhằm vào các quan chức cao cấp thân cận với Điện Kremlin. Ông nói việc đưa ông ra tòa là một nỗ lực để không cho ông tham gia làm chính trị.

Gần đây ông đã tăng cường các hoạt động chính trị sau khi tuyên bố hồi năm ngoái ông có kế hoạch tranh cử tổng thống Nga năm 2018. Ông Putin được Hiến pháp cho phép tranh cử lần thứ hai cho nhiệm kỳ tổng thống sáu năm, nhưng cho đến giờ ông vẫn chưa nói liệu ông có định tranh cử hay không.

Ông Navalny nổi lên trong chính trường Nga từ năm 2008 khi ông bắt đầu viết blog về những hoạt động được cho là bất thường và tham nhũng tại một số tập đoàn nhà nước lớn.

Ông viết rằng Đảng Nước Nga Thống nhất (United Russia) là "đảng của những kẻ dối trá và trộm cắp", một cụm từ được nhiều người Nga nhớ và sử dụng.

Ông tranh cử chức thị trưởng Moscow năm 2013 và được hơn một phần tư số phiếu, điều làm nhiều người ngạc nhiên.

Các cáo buộc là gì?

Trong phiên tòa thứ nhất hồi năm 2013, ông Navalny bị kết tội dẫn đầu một nhóm ăn cắp gỗ trị giá 16 triệu rúp (khoảng 500 ngàn USD) từ công ty gỗ nhà nước Kirovles khi đang làm cố vấn cho thống đốc bang Kirov, ông Nikita Belykh.

Khi đó ông nhận án treo 5 năm. Nhưng bản án này bị Tòa án Tối Cao Nga phủ quyết sau khi Tòa Châu Âu về Nhân quyền phán rằng ông không được luận tội một cách công bằng tại phiên tòa thứ nhất.

Từ đầu bản án, thẩm phán Alexei Vtyurin nói tòa đã xác định được rằng ông Navalny đã "tổ chức" việc biển thủ gỗ từ công ty gỗ nói trên.

Theo luật Nga, ông sẽ bị cấm tranh cử trong 10 năm nếu ông bị kết án đã phạm tội nghiêm trọng.

Phản ứng về vụ này ra sao?

Trong giờ nghỉ giữa buổi thẩm phán đọc bản phán quyết, ông Navalny cho báo giới biết phán quyết này là bản sao của phiên tòa thứ nhất.

"Cho đến giờ, phán quyết mới và cũ giống nhau 100%, kể cả dấu chấm dấu phẩy, lỗi chính tả và thậm chí cả trình tự họ đưa ra lời các nhân chứng. Tất cả mọi thứ đều được lấy ra từ bản cáo trạng cũ.

"Thật là tuyệt và điều đó nói lên rất nhiều về phiên tòa này", ông đùa.

Khi được hỏi liệu sự vắng mặt của ông Navalny trong cuộc tranh cử tổng thống có làm ảnh hưởng đến tính hợp pháp của cuộc bầu cử này không, người phát ngôn Điện Krelim Dmitry Peskov nói với các phóng viên: "Chúng tôi tin rằng bất kỳ quan ngại nào về vấn đề này đều là không cần thiết." - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Mỹ: Dự án Dakota Access được phép hoàn thành

Lục quân Hoa Kỳ thông báo với Quốc hội rằng họ cho phép hoàn thành dự án đường ống dẫn dầu gây tranh cãi Dakota Access gần lãnh thổ của bộ lạc.

Thông báo được phát đi sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức ủng hộ dự án hồi tháng trước sau khi vừa nhậm chức.

Hàng ngàn người biểu tình chủ yếu là thổ dân đã tẩy chay việc xây dựng đường ống dẫn dầu trị giá 3,8 tỷ đôla tại tiểu bang Bắc Dakota.

Bộ tộc Standing Rock Sioux thề sẽ khiếu kiện quyết định này.

Đường ống dài 1.886km, đi qua bốn tiểu bang đã gần như hoàn tất, ngoại trừ đoạn dài một dặm dưới hồ Oahe ở Bắc Dakota, nơi người biểu tình dựng trại biểu tình.

Thông cáo của Lục quân Hoa Kỳ hôm 7/2 cho biết: "Hôm nay Lục quân Hoa Kỳ đã hoàn tất bản đánh giá do tổng thống chỉ đạo về yêu cầu quyền xây cất đường ống dẫn dầu Dakota Access và đã thông báo cho Quốc hội về việc cấp phép cho dự án này."

Quyền xây cất là giấy phép đặc biệt cho phép một công ty tiến hành xây dựng trên đất tư nhân.

Việc phê duyệt chính thức dự kiến được công bố hôm 8/2.

Các luật sư của bộ tộc Standing Rock Sioux cho biết việc phê duyệt dự án có thể không "hợp pháp trong thời điểm này".

Nhưng hai thượng nghị sĩ của Bắc Dakota hoan nghênh thông báo của Lục quân Hoa Kỳ.

James Cook, phóng viên BBC tại Bắc Mỹ cho hay: "Những người phản đối đường ống đã duy trì cuộc biểu tình trong những tháng mùa đông.

Hiện có rất nhiều hoạt động tại điểm Oceti Sakowin trên sông Cannonball, những người cư ngụ ở khu vực này dựng trại để chuẩn bị cho lũ lụt hàng năm.

Một số người định dựng trại trên đất thuộc sở hữu của công ty Energy Transfer Partners nhưng chỉ trong thời gian ngắn, và có đến 75 vụ bắt giữ (tính từ tháng 8/2016 đến nay là gần 700 vụ), nhưng ít nhất ba trại mới được dựng lên trong những ngày gần đây.

Trong số những người bị bắt có Chase Iron Eyes, một thành viên nổi bật của bộ tộc, người đang đối mặt với bản án 5 năm tù về tội kích động bạo loạn và xâm nhập bất hợp pháp, điều mà ông bác bỏ.

Ông Iron Eyes và các thủ lĩnh bộ tộc kêu gọi "những người bảo vệ nguồn nước" quay lại sau mùa đông". - BBC
|
|

5.
Xin visa Mỹ có thể phải khai mật khẩu mạng xã hội? --- Tòa đặt vấn đề lệnh cấm đi lại có chống người Hồi giáo

Bộ trưởng An ninh Quốc nội Mỹ John Kelly nói sứ quán Mỹ ở nước ngoài có thể sẽ yêu cầu người xin thị thực cung cấp mật khẩu các tài khoản mạng xã hội.

Ông Kelly nói tại Hạ viện hôm thứ Ba 7/2 rằng đây là một trong các biện pháp đang được xem xét để duyệt đơn xin visa và xin tỵ nạn, nhất là từ bảy quốc gia đông người Hồi giáo.

Theo ông, các biện pháp này sẽ giúp xác lập những cá nhân có nguy cơ về mặt an ninh.

Đặc biệt, công dân bảy nước Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen, vốn không có cơ chế kiểm tra an ninh hiệu quả, sẽ phải được kiểm tra bổ sung.

Bộ trưởng Kelly cho hay trong cuộc điều trần tại Ủy ban An ninh Quốc nội Hạ viện: "Chúng tôi đang xem xét một số biện pháp kiểm tra an ninh tăng cường hoặc bổ sung".

"Chúng tôi có thể sẽ phải tiếp cận các trang mạng xã hội của họ bằng mật khẩu."

Ông Kelly nói thêm: "Rất khó có thể kiểm tra an ninh những người này ở nước của họ, ở bảy quốc gia đó".

"Thế nhưng nếu họ nhập cảnh Mỹ thì chúng ta có thể yêu cầu được biết họ vào những trang web nào và yêu cầu họ cung cấp mật khẩu. Như thế chúng ta có thể thấy họ làm việc gì trên internet."

"Nếu họ không hợp tác thì họ không được nhập cảnh."

Bộ trưởng Kelly nhấn mạnh rằng hiện chưa có quyết định chính thức về điều này, nhưng trong tương lai quá trình kiểm tra an ninh sẽ được thắt chặt cho dù có thể dẫn đến kết quả là thủ tục cấp thị thực vào Mỹ sẽ kéo dài hơn.

Ông nói Mỹ hoàn toàn có thể yêu cầu người xin thị thực cung cấp thông tin và "nếu họ thực sự muốn tới Mỹ thì họ phải hợp tác. Nếu không thì để người khác".

Lệnh hạn chế đi lại mà Tổng thống Donald Trump ban hành hôm 27/1 hiện đang bị chặn lại và có thể sẽ phải chuyển lên Tòa Tối cao để phán quyết. - BBC

***
Tòa phúc thẩm đặt vấn đề rằng liệu lệnh cấm đi lại của Tổng thống Donald Trump có mang tính phân biệt đối xử với người Hồi giáo.

Sắc lệnh tạm thời cấm tất cả những người tỵ nạn và du khách đến từ bảy quốc gia có dân số chủ yếu là người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ, đến khi nó bị chặn lại trong tuần qua.

Thẩm phán Richard Clifton đặt câu hỏi về việc liệu nó có mang tính phân biệt đối xử nếu nó chỉ ảnh hưởng đến 15% lượng người Hồi giáo trên toàn thế giới.

Ông là một trong ba thẩm phán tại tòa phúc thẩm ở San Francisco, nơi sẽ đưa ra phán quyết vào cuối tuần này.

Hai bên có một giờ để tranh biện hôm 7/2.

Dù Tòa Phúc thẩm Khu vực số 9 của Hoa Kỳ quyết định thế nào, vụ việc có thể sẽ chỉ kết thúc tại Tòa án Tối cao.

Hai bên lập luận gì tại tòa phúc thẩm?

Bộ Tư pháp thúc giục các thẩm phán phục hồi lại lệnh cấm.

Luật sư August Flentje cho biết Quốc hội đã trao quyền cho tổng thống kiểm soát những ai có thể nhập cảnh vào Mỹ.

Khi được yêu cầu đưa ra bằng chứng cho thấy trong bảy quốc gia bị ảnh hưởng - Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen - đem lại nguy cơ cho Mỹ, ông cho biết một số người Somalia ở Mỹ có kết nối với nhóm al-Shabab.

Sau đó, một luật sư đại diện cho tiểu bang Washington nói rằng việc ngăn chặn sắc lệnh không làm tổn hại đến chính phủ Mỹ.

Cố vấn pháp luật Noah Purcell cho biết lệnh cấm đã ảnh hưởng đến hàng ngàn cư dân của bang Washington, khiến các sinh viên bị trễ học kỳ và những người khác bị ngăn cản đến thăm gia đình ở nước ngoài.

Những phút cuối của phiên điều trần dành để tranh luận về việc liệu lệnh cấm đi lại rốt cuộc có phải là lệnh ngăn người Hồi giáo và nếu thế thì sẽ là điều vi hiến.

Bản tóm tắt hồ sơ 15 trang của Bộ Tư pháp đêm 6/2 lập luận rằng sắc lệnh "trung lập, tôn trọng tôn giáo".

Nhưng tại tòa án hôm 7/2, ông Purcell trích dẫn thông cáo trong chiến dịch tranh cử của ông Trump nói về một lệnh cấm người Hồi giáo.

Ông cũng dẫn lại những tuyên bố của một trong các cố vấn của tổng thống, Rudy Giuliani, người nói ông được yêu cầu tìm cách để lệnh cấm người Hồi giáo được ban hành hợp pháp.

Ông Clifton nói rằng lệnh cấm chỉ nhắm đến bảy quốc gia, và các nước này được chính quyền Obama và Quốc hội xác định cần hạn chế cấp visa, dựa trên mối đe dọa khủng bố.

Ông hỏi: "Ông có cho rằng quyết định của chính quyền tiền nhiệm và Quốc hội có yếu tố tôn giáo?"

Ông Purcell trả lời: "Không, nhưng Tổng thống Trump yêu cầu một lệnh cấm triệt để và dù sắc lệnh này không phải là lệnh cấm triệt để, nhưng đó là phân biệt đối xử. - BBC
|
|

6.
Quân đội Mỹ nay bị xem là trong tình trạng yếu kém

Sau nhiều năm bị cắt giảm ngân sách và sau hơn hai thập niên tham gia nhiều cuộc xung đột trên thế giới, quân đội Hoa Kỳ nay bị xem là trong tình trạng yếu kém. Đó là đánh giá của các lãnh đạo quân sự Mỹ trong buổi điều trần hôm qua, 07/02/2017, trước Ủy Ban Quân Lực Hạ Viện Hoa Kỳ.

Nhân lúc Hoa Kỳ rút quân khỏi Irak và Afghanistan, chính quyền Obama đã cắt giảm chi tiêu quốc phòng xuống còn 3,3% GDP. Với gần 600 tỷ đôla, đây vẫn là ngân sách quân sự cao nhất thế giới, hơn hẳn các nước khác. Thế nhưng, các lãnh đạo quân sự lo ngại là những đối thủ của Hoa Kỳ, đặc biệt là Trung Quốc và Nga, đang nỗ lực tăng cường tiềm lực quân sự, trong khi quân đội Mỹ thì lại đang trên đà suy yếu hơn.

Tướng Stephen Wilson, phó tư lệnh Không Lực Hoa Kỳ, mô tả lực lượng này, với 311 000 quân nhân, là không lực « nhỏ nhất, cũ nhất và ít tác chiến nhất trong lịch sử Hoa Kỳ », tính về quân số, tuổi trung bình của các thiết bị và tỷ lệ sẵn sàng của các phi cơ. Theo lời tướng Wilson, các phi công chiến đấu cơ Mỹ trung bình mỗi tháng thực hiện 10 phi vụ và 14 giờ bay, và theo ông như vậy là quá ít.

Còn đô đốc Bill Moran, phó tư lệnh Hải Quân Mỹ, thì than phiền là các chiến đấu cơ Hornet của họ ban đầu được dự kiến là bay tổng cộng 6.000 giờ, nhưng bây giờ số giờ bay đang được nâng lên tới 8000-9000 giờ. Đô đốc Moran cũng cho biết là trong một ngày bình thường, khoảng từ 25 đến 30% số phi cơ của Hải quân phải được bảo trì hoặc được kiểm tra.

Về phần tướng Glenn Walters, phó tư lệnh lực lượng Thủy Quân Lục Chiến Mỹ, ông báo động là lực lượng này lẽ ra phải có thêm hơn 9 tỷ đôla để bảo trì các cơ sở hạ tầng của họ.

Nhưng không chỉ đòi thêm ngân sách, các lãnh đạo quân sự Mỹ còn đề xuất những giải pháp để tiết kiệm ngân sách. Lục quân cũng như Không lực Hoa Kỳ đều chủ trương là nên đóng cửa nhiều căn cứ quân sự « vô ích » ở Hoa Kỳ, yêu cầu mà cho tới nay các nghị sĩ Mỹ vẫn từ chối đáp ứng.

Các lãnh đạo quân sự Hoa Kỳ đã thuyết phục được tân tổng thống Donald Trump gia tăng phương tiện cho quân đội. Vào tháng trước, ông Trump đã ký một sắc lệnh về việc tăng cường quy mô của quân đội Mỹ, hứa hẹn thêm nhiều phi cơ, chiến hạm và nguồn tài chính cho Lầu Năm Góc.

Tân bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis cũng đã yêu cầu các quan chức của bộ này đề xuất các khoản bổ sung cho ngân sách 2017 để tăng chi tiêu quốc phòng cho nước Mỹ.

Dầu sao, chính quyền Trump sẽ buộc phải tăng ngân sách quân sự vì ông đã cam kết là sẽ dồn mọi nỗ lực để đè bẹp quân khủng bố Hồi Giáo cực đoan. Vấn đề là họ sẽ tìm đâu ra những nguồn tài chính mới, nhất là nếu chính quyền Trump thực hiện lời hứa cắt giảm thuế được đưa ra khi ông tranh cử tổng thống? - RFI
|
|

7.
Hiu hắt ngành ngoại giao Mỹ những ngày đầu dưới thời Trump

Đối ngoại vốn được coi là ngành trụ cột của chính quyền Mỹ, nhưng từ khi Donald Trump chính thức điều hành đất nước, các hoạt động ngoại giao không còn nhộn nhịp hối hả như thường thấy trước đây. Ngoại trưởng gần như vắng bóng , trong khi tổng thống tiếp tục độc quyền lên tiếng về các hồ sơ liên quan đến chính sách đối ngoại, chủ yếu qua … Twitter một cách bộc phát.

Được thành lập từ năm 1789, bộ Ngoại Giao Mỹ là một cơ quan cực kỳ quan trọng, đầy uy tín, với một cơ cấu tổ chức đồ sộ gắn liền với rất nhiều lĩnh vực quản lý Nhà nước. Từ trước tới nay, dư luận quốc tế vẫn quen nhìn nhận hoạt động của ngoại giao Mỹ như là thước đo vai trò, tầm ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên thế giới.

Chính thức nhậm chức từ ngày 01/02/2017, ngoại trưởng Mỹ thứ 69 của Hoa Kỳ, ông Rex Tillerson, cựu chủ tịch tổng giám đốc tập đoàn dầu mỏ Exxon Mobil vẫn cửa đóng then cài ngồi trong văn phòng làm việc trên tầng 7 của tòa trụ sở bộ hoành tráng ở phía nam thủ đô Washington.

Sự im hơi lặng tiếng của ông tân ngoại trưởng khiến dư luận phải đặt câu hỏi : Phải chăng vị kỹ sư 64 tuổi người gốc Texas không hề có kinh nghiệm chính trường đang lần mò học việc trong lĩnh vực hoàn toàn xa lạ với ông hay chính sách đối ngoại mới của nước Mỹ chẳng có gì để nói lúc này ?

Ngoài bài diễn văn mang tính hình thức hôm thứ Năm, 02/02 trước 2000 nhân viên mới tại cơ quan bộ, tân ngoại trưởng Mỹ chưa có phát biểu nào trước công chúng. Trong diễn văn nội bộ, ngoài việc nhắc nhở những giá trị « trách nhiệm » và « trung thực » trong công việc đối với 70 000 nhân viên ngoại giao đang thực thi nhiệm vụ tại 250 sứ quán và cơ quan lãnh sự trên khắp thế giới, tân lãnh đạo ngành ngoại giao Mỹ không hề có một dòng nào nói đến chính sách đối ngoại của cường quốc số một thế giới trong thời gian tới.

Ông Rex Tillerson cũng mới chỉ có vài cuộc điện đàm ngắn ngủi mang tính xã giao với các đồng cấp ngoại quốc. Lịch hoạt động trong tuần của ngoại trưởng Mỹ cũng chỉ ghi gọn lỏn « các cuộc họp tại bộ Ngoại Giao » mà không có thêm chi tiết nội dung nào. Những thói quen vốn có của ngoại giao Mỹ là liên tiếp ra thông cáo về những sự kiện thời sự quốc tế dù nhỏ hay lớn cũng bị mất hẳn.

Cũng từ sau ngày Donald Trump chính thức bước vào Nhà Trắng, báo chí không còn được tiếp cận với phát ngôn viên ngoại giao. Đây là hoạt động thường nhật vẫn được truyền trực tiếp trên truyền hình đã tồn tại từ nhiều thập kỷ như một thông lệ. Các buổi tiếp xúc báo chí như vậy chính là dịp để ngành ngoại giao Mỹ đưa ra quan điểm, lập trường về các cuộc khủng hoảng hay xung đột trên thế giới.

Mặc dù chức danh phát ngôn viên ngoại giao hiện nay do Mark Toner, một nhà ngoại giao kỳ cựu từng nhiều năm phục vụ chính quyền Obama đảm trách, nhưng bản thân ông cũng không biết bao giờ mới lại có được các buổi họp báo. Được AFP hỏi, ông Toner chỉ biết trả lời : « Chúng tôi tiếp tục làm việc với Nhà Trắng để có thể mở lại nhanh nhất các buổi tiếp xúc báo chí hàng ngày ».

Trên thực tế, chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ do Nhà Trắng cùng Hội Đồng An Ninh Quốc Gia quyết định và chính quyền Trump cũng không thể là ngoại lệ. Vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ mới nhậm chức được 2 tuần đã làm dư luận choáng váng với những chủ trương đầu tiên, cho dù những đường hướng ngoại giao của chính quyền Trump vẫn còn rất mù mờ.

Tổng thống Mỹ đã có các cuộc điện đàm với một số nguyên thủ quốc gia, trong đó đặc biệt có tổng thống Nga Vladimir Putin, nhân vật mà Trump đang muốn xích lại gần. Trong khi đó, tổng thống Mỹ cũng không ngần ngại chọc vào các điểm nóng căng thẳng của quốc tế, đặt ngoại trưởng Rex Tillerson vào vị thế khó xử.

Ông Trump liên tục đưa ra các tuyên bố sốc, chủ yếu qua Twitter, nhằm vào những quốc gia đối thủ của Hoa Kỳ như Trung Quốc, Bắc Triều Tiên hay Iran và cả với các nước được coi là đồng minh của Mỹ như Úc, Mêhicô hay Đức.

Quyết sách đầu tiên của tổng thống Mỹ làm dấy lên sự phản kháng chưa từng có của bộ Ngoại Giao, đó là sắc lệnh về nhập cư, cấm kiều dân bẩy nước Hồi Giáo nhập cảnh vào Mỹ. Nghị định này tuy nhiên đang bị tư pháp đình chỉ thi hành. Hơn một nghìn nhà ngoại giao Mỹ đã ký một kháng nghị thư nội bộ lên án gay gắt sắc lệnh cấm nhập cư của tổng thống. Dư luận Mỹ đánh giá đây như là một hành động « nổi dậy hành chính ». Dù sự phản kháng đó không thể làm đình trệ hoạt động của bộ Ngoại Giao, nhưng các lãnh đạo trong bộ này thừa nhận sự vận hành của cơ quan không còn được sôi động như trước.

Một cựu phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ, ông Jeffrey Rathke, nhớ lại vào thời kỳ chuyển tiếp chính quyền giữa Bill Clinton và George W. Bush năm 2001 cũng như giữa Bush và Obama năm 2009, bộ Ngoại Giao đã nối lại hoạt động họp báo chỉ vài ngày sau lễ nhậm chức tổng thống mới.

Phát ngôn viên Nhà Trắng vốn độc quyền về chính sách đối nội, không thể thay thế phát ngôn viên ngoại giao, ông Rathke, nhấn mạnh. Nhà ngoại giao này phê phán: « Mỗi ngày, khắp nơi trên thế giới, có rất rất nhiều chủ đề từ nhỏ đến lớn liên quan đến lợi ích của Hoa Kỳ. Không xử lý công khai các vấn đề đó tức là tự mình đánh mất ảnh hưởng ».

Trong khi đó người ta vẫn không quên là ông Trump được bầu làm tổng thống Mỹ với những hứa hẹn « làm cho nước Mỹ hùng mạnh trở lại » và tất cả vì quyền lợi của người Mỹ. Với một vị tổng thống đã không ít lần tuyên bố tiền hậu bất nhất và hành động bất tuân nguyên tắc như ông Donald Trump thì ngành ngoại giao Mỹ quả thực là cũng khó ăn khó nói. Phải chăng đó cũng lý giải phần nào cho sự vắng bóng ngoại giao Mỹ trong những tuần qua? - RFI
|
|

Tin Việt Nam

8.
Trung Quốc sẽ dùng ‘chiêu bài’ mới với Việt Nam?

Khách du lịch Trung Quốc tới Việt Nam năm 2016 “đông chưa từng có” trong bối cảnh có ý kiến cho rằng Bắc Kinh có thể sử dụng lợi thế này làm “lá bài”, “công cụ chính trị”, để “gây sức ép” lên Hà Nội.

Du khách tới Việt Nam từ quốc gia láng giềng phương Bắc năm ngoái đạt con số kỷ lục là gần 2,7 triệu người, đứng đầu số khách du lịch quốc tế tới Việt Nam năm ngoái, theo Tổng cục Thống kê Việt Nam. Con số trên chiếm khoảng 30% trong tổng số hơn 10 triệu du khách nước ngoài tới Việt Nam trong năm ngoái.

Ông Vũ Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch thuộc Tổng Cục Du lịch Việt Nam, cho VOA Việt Ngữ biết rằng một trong các nguyên nhân khiến du khách Trung Quốc tới Việt Nam nhiều đó là “quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều chuyển biến rất là tốt đẹp trong năm vừa qua”.

Chị Hà Lê, một nhân viên tiếp thị tại một nhà hàng nhiều du khách Trung Quốc hay lui tới ở Nha Trang, cho biết rằng theo quan sát của chị, khách du lịch Trung Quốc áp đảo các du khách từ những nước khác.

Chị ví von rằng “nếu cùng người nhà đi lên một cái đảo [ở Nha Trang], người nhà mà bị lạc thì không thể tìm thấy vì nó quá đông [du khách Trung Quốc]”.

Chị nói thêm:

“Khách Trung Quốc mà, họ đi đến nước nào cũng thế, đi đến địa phương nào cũng thế, đều không nhận được sự chào đón của người dân. Cái cách hành xử, ăn uống thì nói chung không có ai chấp nhận được, nhưng mà chẳng qua nó đang mang tiền đến cho mình và mình là người kinh doanh. Ở đây, lúc trước Trung Quốc nó không có tới thì lượng khách Nga, đại khái là khách nước ngoài, thì họ cư xử văn minh hơn một chút”.

Hiệp hội Du lịch TP HCM năm ngoái đã đề xuất “việc có thể sẽ áp dụng hình thức xử phạt thật nặng với những du khách Trung Quốc có hành vi ngạo mạn, không tôn trọng phong tục tập quán, lịch sử văn hóa Việt Nam”, sau khi xảy ra tình trạng khách du lịch từ nước láng giềng “đốt tiền Việt” tại Đà Nẵng hay hành hung nhân viên hàng không Việt Nam.

Ông Daniel Meesak, một chuyên gia về du lịch Trung Quốc hiện làm việc ở Đài Loan, nói với VOA Việt Ngữ rằng, do ngành du lịch đóng vai trò lớn ở nhiều nước đang phát triển như Việt Nam, nên nếu Bắc Kinh ngưng số du khách này tới một nước nào đó thì nó sẽ gây ra nhiều xáo trộn.

Ông nói thêm:

“Trung Quốc hiện là thị trường du khách lớn nhất thế giới nên dĩ nhiên họ sẽ dùng lợi thế này để làm công cụ chính trị trong quan hệ với các nước láng giềng”.

Khi được hỏi rằng liệu ngành du lịch trong nước sẽ chịu tác động ra sao nếu quan hệ giữa hai nước xấu đi, dẫn tới việc Trung Quốc kêu gọi người dân nước này rút khỏi Việt Nam, hay ra khuyến cáo không tới nước này du lịch như từng làm sau các biến cố quanh giàn khoan dầu Hải Dương 981 xảy ra năm 2014, ông Nam nói:

“Tôi nghĩ rằng cũng không ảnh hưởng lớn. Tất nhiên là, khi một thị trường nào đó sụt giảm, không chỉ Trung Quốc mà Hàn Quốc, Nhật Bản mà cả Tây Âu, khi mà có sự sụt giảm, hoặc vì lý do nào đó về bệnh dịch gây ra sự sụt giảm, nó có ảnh hưởng tới sự phát triển chung của du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng một thị trường không thể ảnh hưởng nhiều. Chúng tôi luôn có các giải pháp cân bằng [thị trường]”.

Theo chuyên gia Meesak, một số nước ở châu Á như Đài Loan đã bắt đầu đa dạng hóa ngành du lịch, thay vì để cho du khách Trung Quốc thống lĩnh thị trường, nhằm tránh những hệ quả không hay trong những tình huống xấu.

Ông Frederick Burke từ tập đoàn luật đa quốc gia Baker & McKenzie ở TP HCM nói với VOA rằng Bắc Kinh dường như vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy nước này đẩy mạnh du lịch tới Việt Nam nhằm mưu tìm lợi thế chiến lược về mặt chính trị.

Ông nói thêm rằng Trung Quốc từng được biết đã sử dụng luồng du khách ra nước ngoài làm công cụ chính trị. “Nhưng chính phủ Việt Nam hiểu rằng nguy cơ như vậy chỉ là một phần nhỏ trong mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc cũng như các quyền lợi chính trị và ngoại giao lớn hơn”, ông Burke nói. - VOA
|
|

9.
Thị trường du lịch giúp ổn định quan hệ Việt-Trung?

Trung Quốc trong năm qua đã nổi lên như nguồn cung cấp khách du lịch hàng đầu cho Việt Nam, một vị thế có khả năng giúp mở rộng các mối quan hệ song phương vốn đã bị tổn thương vì vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo, và cũng là nước mà trong suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam bao giờ cũng tỏ ra hoài nghi. Theo các số liệu của chính phủ Việt Nam, trong tháng Một 2017, số du khách Trung Quốc đến Việt Nam đạt 250.000 người, tăng 68% so với cùng kỳ năm ngoái, đưa TQ lên vị thế số Một trong các nguồn cung cấp khách du lịch cho Việt Nam.

Du khách Trung Quốc đã định hình lại nền kinh tế của Hồng Kông và Đài Loan trong thập niên qua, giúp những nơi này xích lại gần hơn với Bắc Kinh sau thời kỳ dài quan hệ khó khăn.

Bây giờ có lẽ đã đến lượt khách du lịch Trung Quốc mang lại nhiều thay đổi cho Việt Nam. Ông Frederick Burke thuộc công ty luật đa quốc gia Baker & McKenzie tại thành phố Hồ Chí Minh nhận định:

"Có một số căng thẳng tiềm tàng về vấn đề Biển Đông và biển Hoa Đông, tuy nhiên Việt Nam là một điểm đến mà người dân Trung Quốc cảm thấy thoải mái khi đi du lịch."

Ông Burke nói "Việt Nam không mấy xa, dễ lui tới. Lại có những điểm tương đồng về văn hóa, nhưng lại có những khác biệt rất thú vị. Du lịch sang Việt Nam không tốn kém, và họ sẵn lòng phục vụ du khách Trung Quốc."

​Khắc phục căng thẳng

Sự tăng vọt về lượt khách Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của Việt Nam. Năm ngoái số lượt khách đến Việt Nam từ tháng 1 đến tháng 10, đạt khoảng 2,2 triệu. Số liệu này sút giảm vào năm 2014 sau khi Bắc Kinh đưa giàn khoan dầu và đặt giàn khoan này trong vùng biển đang trong vòng tranh chấp ở Biển Đông, khơi lên các vụ biểu tình bạo loạn chống Trung Quốc gây tử vong.

Bắc Kinh và Hà Nội đối đầu gay gắt về chủ quyền trên phần lớn Biển Đông, kể cả tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Nhưng một làn sóng khách du lịch ổn định có khả năng cải thiện các mối quan hệ giữa người dân hai nước vốn trong nhiều thế kỷ đã bị ảnh hưởng bởi những đối đầu chính trị và cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, cùng với các tranh chấp hàng hải, theo các nhà phân tích.

Sự phát triển của ngành du lịch là một điểm sáng trong quan hệ thương mại Việt-Trung vào cuối năm 2016, theo ông Hoàng Việt Phương, người đứng đầu nghiên cứu và là cố vấn đầu tư tại Dịch vụ Chứng khoán SSI ở Hà Nội.

Louie Nguyễn, biên tập viên và người sáng lập trang web tin tức của VietnamAdvisors nhận định:

"Có xu hướng muốn chuyển hướng từ một trung tâm sản xuất sang các lĩnh vực khác, ta có thể thấy xu hướng đó trong sự gia tăng các sáng kiến kinh doanh và khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao. Ngay cả trong ngành giải trí, phim mới nhất của King Kong đã được thực hiện ở Việt Nam. Vì vậy, ở Việt Nam có nhiều sáng kiến làm ăn, tách ra khỏi lĩnh vực chế tạo sản xuất. Du lịch là một trong các lĩnh vực đó".

Ông Burke trích tin của Tân Hoa Xã nói rằng Trung Quốc giờ là nguồn cung cấp khách du lịch hàng đầu của Việt Nam. Mặc dù Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào lĩnh vực sản xuất xuất khẩu, cứ 8 công việc mới hiện nay thì có một là trong ngành khách sạn, Du lịch chiếm 6,6% GDP của Việt Nam trong năm ngoái.

​Thị trường du lịch bùng nổ

Một cửa khẩu biên giới trên bộ và các chuyến bay ngắn từ các thành phố miền Nam Trung Quốc đã giúp đẩy mạnh ngành du lịch Việt Nam trong giai đoạn đầu.

Tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam sát biên giới Trung Quốc là một điểm đến du lịch đắt khách, hồi tháng Một năm nay cho phép du khách Trung Quốc lưu viếng 3 ngày mà không cần visa. Người Trung Quốc ưa thích các thắng cảnh vùng duyên hải, thích mua sắm và các tiệm ăn với những món tự chọn, theo truyền thông địa phương.

Ông Ma Wensheng, 48 tuổi từ Bắc Kinh, vừa cùng gia đình đến thăm miền Nam trong 3 ngày. Ông nói:

"Trong hai năm qua, chúng tôi đã đi thăm Thái Lan và quần đảo Maldives, rồi chúng tôi nhận được những tờ quảng cáo, và tin Việt Nam có thể là một điểm đến tốt hơn, nguyên thuỷ hơn.”

Ông nói trong khi ông không chứng kiến tình cảm bài Trung Quốc nào, nhưng không phải tất cả đều hoàn hảo:

"Điểm bất lợi có lẽ là khâu phát triển du lịch của Việt Nam không sánh bằng Thái Lan và Maldives. Một số cơ sở hạ tầng không thân thiện và ở vài nơi thiếu thốn. Lợi thế của nó là giá cả thấp hơn so với Maldives và nhiều thứ nữa." - VOA
|
|

10.
Ban Bí thư chỉ định phó bí thư Yên Bái

Một thứ trưởng Bộ Xây dựng vừa được luân chuyển sang vị trí mới, đảm nhiệm chức Phó bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, nhiệm kỳ 2016-2021.

Ông Đỗ Đức Duy được Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ định tham gia Ban chấp hành, ủy viên Ban Thường vụ tỉnh.

Đồng thời với việc đảm nhận các chức vụ về Đảng, ông Duy cũng đã nhanh chóng được Hội đồng Nhân dân (HĐND) Yên Bái bầu vào vị trí Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh.

Sinh năm 1970, ông Đỗ Đức Duy, quê Thái Bình, từng là Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ rồi Chánh văn phòng Bộ Xây dựng trước khi được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm vào vị trí Thứ trưởng, hồi tháng 8/2015.

Chức chủ tịch UBND Yên Bái trước đó do bà Phạm Thị Thanh Trà, Bí thư Tỉnh ủy, đảm nhận.

Trong cùng phiên họp bất thường, bà Trà thôi vị trí chủ tịch UBND tỉnh và được bầu làm chủ tịch HĐND Yên Bái.

Bà Trà làm Bí thư kiêm Chủ tịch UBND tỉnh từ hồi tháng 9/2016, hơn một tháng sau vụ nổ súng gây chấn động dư luận ở Yên Bái.

Theo báo chí Việt Nam trích nguồn từ nhà chức trách thì Bí thư Tỉnh ủy Phạm Duy Cường và Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái Ngô Ngọc Tuấn "bị Chi cục trưởng Kiểm lâm Đỗ Cường Minh dùng súng quân dụng K59 bắn chết trong phòng làm việc ngày 18/8".

Cũng các nguồn chính thống ở Việt Nam viết rằng sau đó ông Đỗ Cường Minh "đã tự sát".

Vụ này thoạt tiên được khởi tố vụ án nhưng sau đó đã đóng lại vì "tất cả các nhân vật liên quan đều đã chết".

Cũng liên quan đến Yên Bái, trước đó không lâu, thiếu tướng Lê Xuân Duy, quyền Tư lệnh Quân khu 2, đột ngột qua đời vì bạo bệnh, theo báo Quân đội Nhân dân.

Ông Lê Xuân Duy (sinh năm 1962) được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN khóa mới hồi tháng 1/2016.

Trước đó, ông Duy từng giữ chức Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Yên Bái (2012-14). - BBC
|
|

11.
Mã độc tấn công máy tính Việt Nam

Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương bị mã độc tấn công.

Đây là kết luận trong Báo cáo An Ninh Mạng do Microsoft công bố ngày hôm nay, 8 tháng 2.

Theo báo cáo của Microsoft thì trên thế giới có 5 nước đứng đầu về nguy cơ nhiễm mã độc; trong đó có hai nước tại khu vực Đông Nam Á là Việt Nam và Indonesia. Khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, đặc biệt những thị trường mới nổi, là nơi có những quốc gia gặp nguy cơ cao nhất về an ninh mạng.

Báo cáo nêu ra danh sách mã độc xuất hiện nhiều ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương gồm Gamarue- sâu máy tính cung cấp một điều khiển mã độc chiếm quyền trên máy tính người dùng, ăn cắp thông tin và thay đổi các thiết lập bảo vệ trên máy; Lodbak- dạng chương trình độc hại ngụy trang thường được cài dặt trên các ổ di động bị điều khiển bởi Gamarue, và luôn cố cài đặt Gamarue khi ổ đĩa bị nhiễm kết nối với máy tính; Dynamer, chương trình độc hại ngụy trang có thể ăn cắp các thông tin các nhân, tải thêm mã độc hoặc giúp các hacker truy cập vào máy tính

Báo cáo của Microsoft được thực hiện dựa trên phân tích các thông tin hiểm họa từ hơn 1 tỷ hệ thống khắp thế giới của Microsoft.

Thống kê do Tập đoàn công nghệ an ninh mạng Bkav đưa ra vào tháng qua cho thấy trong năm 2016 thiệt hại do vi rút máy tính gây ra đối với người tiêu dùng Việt Nam lên đến 10.400 tỷ đồng, vượt mức 8700 tỷ đồng ghi nhận được trong năm 2015. - RFA



No comments:

Post a Comment