Monday, February 13, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Hai 13/2

Tin Thế Giới

1.
Biển Đông: Mỹ dự trù hành động mới thách thức đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc --- Trung Quốc bênh vực phi công ‘suýt va chạm phi cơ Mỹ’

Trang mạng Navy Times hôm qua, 12/02/2017, trích dẫn nhiều quan chức cho biết là Hải quân Mỹ và Bộ Chỉ Huy lực lượng Thái Bình Dương của Mỹ đang chuẩn bị những hoạt động mới để thách thức đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, bằng cách điều thêm chiến hạm đến sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng và quân sự hóa ở vùng biển này.

Các chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải, viết tắt là FONOPS, sẽ do các tàu thuộc cụm tấn công của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson thực hiện. Đó là tàu tuần dương tên lửa USS Lake Champlain CG-57 và hai tàu khu trục USS Wayne E. Meyer và USS Michael Murphy. Đội tàu này hiện đang ở Thái Bình Dương và đang tiến về hướng Biển Đông, theo lời 3 quan chức quốc phòng nói với Navy Times, nhưng xin miễn nêu tên. Chưa rõ là khi nào đội tàu nói trên sẽ đi vào khu vực Biển Đông.

Theo Navy Times, kế hoạch của Hải quân Mỹ chắc là sẽ đưa các chiến hạm xâm nhập khu vực 12 hải lý chung quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Trường Sa và Hoàng Sa, một hành động mới thách thức những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, mà trong quá khứ đã từng gây căng thẳng giữa Washington với Bắc Kinh.

Navy Times cho biết các kế hoạch nói trên sẽ được chuyển theo từng cấp chỉ huy, lên tới tổng thống Donald Trump để phê chuẩn và sẽ phần nào phản ánh chính sách của chính quyền Trump về Biển Đông.

Trả lời Navy Times, chuyên gia Bonnie Glaser, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ( CSIS ) ở Washington, cho rằng “không thể nào buộc được Trung Quốc rút khỏi các đảo nhân tạo mới xây ở Trường Sa”. Nhưng theo bà Glaser, Hoa Kỳ “có thể thi hành một chiến lược nhằm ngăn chận Bắc Kinh bồi đắp thêm đảo và quân sự hóa, đồng thời ngăn chận Trung Quốc sử dụng những tiền đồn mới để dọa nạt hoặc cưỡng ép các nước láng giềng”. - RFI

***
Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố rằng viên phi công lái chiếc máy bay tuần thám suýt va chạm với một chiếc phi cơ của hải quân Mỹ đầu tuần trước đã phản ứng một cách chuyên nghiệp và đúng luật, tờ Hoàn cầu Thời báo đưa tin hôm 11/2.

Các quan chức quốc phòng Trung Quốc xác nhận cuộc chạm trán nguy hiểm giữa máy bay quân sự hai nước trên vùng biển Đông, nhưng bênh vực hành động của phi công nước mình.

Tờ Global Times dẫn lời các nguồn tin quân sự nói: “Chúng tôi hy vọng rằng Hoa Kỳ sẽ cân nhắc tới mối quan hệ quân sự song phương, và có các biện pháp thực tiễn nhằm loại bỏ các nguyên nhân gốc rễ của các vụ việc rủi ro trên không và trên biển giữa hai nước”.

Lầu Năm Góc hôm 10/2 cho biết rằng chiếc máy bay quân sự KJ-200 của Trung Quốc và chiếc P-3 Orion của hải quân Mỹ đã bay gần nhau khoảng 300 mét trong một hành động không chủ ý nhưng nguy hiểm.

Hành động của phi công Trung Quốc hôm 8/2 gần bãi cạn Scarborough ở biển Đông đã buộc máy bay Hoa Kỳ phải đổi hướng, tờ Latin American Herald Tribune dẫn lời Đại tá Jeff Davis, phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, cho biết như vậy.

Tuy nhiên, người phát ngôn này giảm bớt sự nghiêm trọng của vụ việc, cho rằng không có bằng chứng cho thấy đây là một hành động cố ý.

Vụ việc xảy ra sau khi căng thẳng trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington dịu bớt sau khi Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình điện đàm, và Nhà Trắng cam kết tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc”. - VOA
|
|

2.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên "rất hài lòng" về vụ thử hỏa tiễn --- Trump có rất ít lựa chọn trước thách thức tên lửa Bắc Triều Tiên

Một ngày sau vụ thử tên lửa tầm trung, hôm nay 13/02/2017, hãng tin Bắc Triều Tiên KCNA thông báo vụ thử nghiệm « thành công » và lãnh đạo Kim Jong Un « rất hài lòng ». Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc yêu cầu Hội Đồng Bảo An họp khẩn ngay trong hôm nay, để bàn về vấn đề này. Theo chuyên gia quân sự Hàn Quốc, công nghệ vừa được sử dụng khiến các vụ phóng hỏa tiễn từ Bắc Triều Tiên trong tương lai rất khó bị phát hiện.

Theo KCNA, lãnh đạo số một Bắc Triều Tiên « đã trực tiếp ra lệnh » tiến hành vụ thử « một tên lửa đất đối đất (…) Pukguksong-2 », thuộc « hệ thống vũ khí chiến lược mới mang phong cách riêng của Bắc Triều Tiên ». Ông Kim Jong Un « đã tỏ ra rất hài lòng về việc có được một phương tiện tấn công hạt nhân hùng hậu ». Hãng thông tấn AFP cho hay, trong các bức ảnh được KCNA công bố, có cảnh tên lửa phóng lên trời, lãnh đạo Bắc Triều Tiên cười thỏa mãn trong không khí hồ hởi của hàng chục binh sĩ và chuyên gia cùng chứng kiến.

Đây là lần đầu tiên Bắc Triều Tiên nói đến tên lửa Pukguksong-2. Hồi tháng 8 năm ngoái, Bình Nhưỡng tuyên bố bắn thử tên lửa Pukguksong-1 từ một tàu ngầm. Theo một giới chức thuộc Bộ Tổng Tham Mưu của quân đội Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên dường như đã sử dụng công nghệ « phóng lạnh » (cold eject), từng được dùng trong vụ thử tên lửa đạn đạo chiến lược (MSBS) hải-đối-địa hồi 2016. Công nghệ này có độ an toàn cao hơn và khó bị phát hiện hơn.

Ngay trong hôm qua, người phát ngôn của Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc thông báo « Mỹ, cùng với Nhật Bản và Hàn Quốc, đã yêu cầu tham vấn khẩn cấp về vụ Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên thử tên lửa ngày 12/02 ». Hội Đồng Bảo An sẽ họp vào chiều nay theo giờ địa phương, vào lúc 22 giờ, giờ quốc tế.

Như thường lệ, bộ Ngoại Giao Trung Quốc - quốc gia đồng minh trụ cột của Bắc Triều Tiên - ra tuyên bố phản đối vụ thử tên lửa, và kêu gọi kìm chế. Về phần mình, Nga bày tỏ quan ngại, và kêu gọi các bên bình tĩnh, tránh mọi hành động có thể làm căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên.

Trong những năm vừa qua, Liên Hiệp Quốc đã ra nhiều nghị quyết cấm Bắc Triều Tiên thử hạt nhân và tên lửa, nhưng không cản nổi tham vọng của Bình Nhưỡng. Hồi tháng 11/2016, Hội Đồng Bảo An ra thêm loạt trừng phạt thứ sáu kể từ năm 2006.

Theo Seoul, vụ bắn tên lửa hôm qua của Bắc Triều Tiên nhằm thử phản ứng của tân tổng thống Donald Trump. Đây là vụ thử đầu tiên kể từ khi ông Trump chính thức nhậm chức ngày 20/01/2017. - RFI

***
Bắc Triều Tiên thử tên lửa lần đầu tiên kể từ khi Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ. Vụ thử xảy ra ngay sau khi tổng thống Mỹ tuyên bố liên minh với Nhật Bản là « trụ cột của hòa bình và ổn định trong vùng », ngày 11/02/2017, nhân chuyến công du Hoa Kỳ của ông Shinzo Abe.

Những phản ứng đầu tiên của ông Trump về vụ Bình Nhưỡng thử tên lửa được đánh giá là hết sức chừng mực. Theo các nhà quan sát, chính quyền Trump dường như không có nhiều lựa chọn trước Bắc Triều Tiên, vốn coi sở hữu vũ khí hạt nhân như điều kiện sống còn của chế độ, và trong lúc Trung Quốc không từ bỏ các hậu thuẫn dành cho đồng minh Đông Bắc Á.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố trước các nhà báo tại Florida, với sự có mặt của thủ tướng Nhật Shinzo Abe : « Tôi chỉ muốn tất cả mọi người biết và hiểu thực sự rằng Hoa Kỳ đứng sau Nhật Bản 100% ». Giới chuyên gia so sánh với tuyên bố của ông Trump sau khi Iran thử tên lửa mới đây. Lần này, tổng thống Mỹ nói hết sức ngắn gọn, không hề trực tiếp nhắc đến Bình Nhưỡng, khác hẳn với trường hợp Teheran. Chính quyền Mỹ nhìn chung rất kiệm lời trước thách thức mới từ Bắc Triều Tiên.

Bà Bonnie Glaser, giám đốc dự án China Power, thuộc CISI – Trung Tâm Chiến Lược và Quốc Tế, một viện tư vấn có trụ sở tại Washington, được Reuters trích dẫn,cho rằng « các lựa chọn của ông Trump là rất giới hạn », cho dù trong quá trình tranh cử tổng thống, Donald Trump tuyên bố sẽ cứng rắn hơn với chế độ Bắc Triều Tiên.

Theo một giới chức chính quyền Mỹ, các chính sách với Bình Nhưỡng của tân tổng thống sẽ không khác biệt đáng kể với cuốn cẩm nang ứng xử, đã được hoạch định dưới thời Barack Obama. Chiến lược gia tăng trừng phạt, đồng thời mở cửa cho Bắc Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán sáu bên, trên thực tế đã không làm thay đổi được quyết tâm sở hữu tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Bình Nhưỡng, có khả năng tấn công Hoa Kỳ.

Vẫn theo Reuters, các cộng sự của tổng thống Mỹ tuyên bố Washington sẽ hoạch định một chiến lược cứng rắn hơn chính sách thời Obama, vốn được mệnh danh là « sự kiên nhẫn về chiến lược ». Một quan chức Hoa Kỳ xin ẩn danh cho biết là chính quyền Trump đang chờ đợi Bình Nhưỡng « khiêu khích » như thế nào và sẽ xem xét một loạt các biện pháp đối phó. Nhìn chung các hành động cũng vẫn sẽ vừa đủ ở mức thể hiện là Mỹ rất cương quyết, nhưng tránh mọi động thái khiến căng thẳng leo thang.

Cụ thể là, để răn đe Bình Nhưỡng, Mỹ có thể tiếp tục xiết chặt các kiểm soát về tài chính theo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, tăng cường hiện diện của hải quân và không quân, gia tăng tập trận phối hợp xung quanh vùng biển Triều Tiên, đẩy nhanh quá trình triển khai hệ thống lá chắn tên lửa mới THAAD tại Hàn Quốc, không kể đến việc tăng cường sức mạnh quân sự nói chung.

Chính quyền Trump vừa nhậm chức đang lúng túng trong hàng loạt vấn đề quốc tế. Tân ngoại trưởng Rex Tillerson mới tuyên thệ nhậm chức ngày 01/02, hiện chưa có người phó, cũng như một ê kíp cố vấn thực thụ. Một số người không loại trừ khả năng tổng thống Trump sẽ một lần nữa sử dụng Twitter để thể hiện lập trường mạnh mẽ làm bình phong, vào lúc chiến lược mới với Bắc Triều Tiên đang trong giai đoạn xây dựng.

Trung Quốc là một ẩn số chủ yếu trong vấn đề Bắc Triều Tiên. Rất nhiều chính trị gia cho rằng Bắc Kinh có vai trò quyết định trong các chính sách của cộng đồng quốc tế đối với Bình Nhưỡng, do mối quan hệ mật thiết về kinh tế và chính trị của Trung Quốc với đàn em Đông Bắc Á. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, cũng giống như tiền nhiệm Obama, tân tổng thống Mỹ rất ít có khả năng thuyết phục được Bắc Kinh xiết chặt gọng kìm với Bình Nhưỡng hơn nữa, bởi Trung Quốc sợ các ảnh hưởng dây chuyền nếu chế độ Bắc Triều Tiên sụp đổ (do cấm vận hoặc do bán đảo Triều Tiên thống nhất). Câu hỏi đặt ra là : Liệu tân chính quyền Trump có tính đến việc gia tăng các biện pháp trừng phạt nhắm vào các doanh nghiệp và cơ sở trợ giúp chương trình tên lửa và hạt nhân của Bắc Triều Tiên, mà khá nhiều trong số đó nằm tại Trung Quốc? - RFI
|
|

3.
Kinh tế Anh sẽ giảm tốc

Nền kinh tế Anh sẽ giảm tốc đáng kể trong vài năm tới, Ủy hội châu Âu cho biết.

Dự báo mới nhất của Ủy hội châu Âu (EC) nói nền kinh tế Anh sẽ tăng trưởng chỉ 1,5% trong năm nay và 1,2% trong năm 2018, so với 2% vào năm ngoái.

Ủy hội nói rằng việc kinh tế bị chững lại có nguyên nhân bởi bất trắc sau lá phiếu Brexit vào năm ngoái.

Trong khi đó báo cáo nói khu vực dùng đồng euro với 19 nước được dự đoán sẽ tăng trưởng nhanh hơn so với Anh, với mức 1,6% trong năm nay và 1,8% tiếp theo.

Tuy nhiên dự báo mới nhất của EC cho cả Anh và khu vực dùng đồng euro cho thấy sự cải thiện so với dự báo trước đó mà EC làm cuối tháng 11, khi đó nói rằng nước Anh sẽ chỉ tăng trưởng kinh tế mức 1% trong năm nay.

Giải thích quan điểm này, EC cho biết: "Đầu tư kinh doanh có khả năng bị ảnh hưởng bởi bất chắc kéo dài trong khi tăng trưởng tiêu dùng cá nhân dự kiến sẽ suy giảm vì thu nhập có được để chi tiêu yếu đi."

Lạm phát cũng được dự đoán sẽ tăng trong năm nay tại khu vực dùng đồng euro, với mức hàng năm 1.%, tăng từ mức 0,2% trong năm 2016.

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia của Anh (NIESR) cũng đồng tình với quan điểm của EC về Vương quốc Anh.

Hồi đầu tháng này NIESR dự đoán kinh tế ở Anh bị chậm lại, tức là tăng trưởng ở mức 1,7% trong năm nay và 1,9% trong năm 2018. - BBC
|
|

4.
Rumani: Người dân tiếp tục biểu tình đòi chính phủ từ chức

Hôm qua 12/02/2017, khoảng 80 000 người Rumani lại tiếp tục xuống đường biểu tình đòi chính phủ từ chức. Họ cáo buộc chính phủ ngầm phá hoại cuộc chiến chống tham nhũng. Từ 13 ngày qua, người dân Rumani liên tục xuống đường phản đối chính phủ.

Hãng tin AFP cho biết bất chấp thời tiết giá lạnh, tại nhiều thành phố lớn ở Rumani, gần 80.000 người, trong đó có rất nhiều thanh niên và các gia đình đã xuống đường biểu tình thể hiện sự bất tín nhiệm đối với chính phủ Xã Hội - Dân Chủ và bảo vệ Nhà nước pháp quyền.

Riêng tại thủ đô Bucarest, 50.000 người đã tập trung tại Quảng trường Chiến Thắng, trước tòa nhà chính phủ, đồng thanh hô to các khẩu hiệu tố cáo «những kẻ trộm cắp » và đòi chính phủ « từ chức ». Vào lúc 21 giờ, người biểu tình đã xếp hàng và bật điện thoại di động để tạo thành một lá cờ Rumani khổng lồ với 3 màu xanh da trời, vàng và đỏ.

Cũng trong ngày hôm qua, khoảng 1000 người đã biểu tình trước phủ tổng thống đòi tổng thống Klaus Iohannis từ chức. Tổng thống Klaus Iohannis thuộc phe cánh hữu, đối lập với đảng Xã Hội-Dân Chủ cầm quyền. Chính ông Klaus Iohannis cũng đã phê phán nghị định của chính phủ và tham gia biểu tình để bảo vệ cuộc chiến chống tham nhũng tại Rumani. - RFI
|
|

5.
Mexico: Hàng chục ngàn người biểu tình chống Trump

Hôm qua, 12/02/2017, hàng chục ngàn người Mêhicô đã xuống đường biểu tình để lên án kế hoạch của tổng thống Mỹ Donald Trump xây một bức tường ở biên giới hai nước, đồng thời kêu gọi tổng thống Pena Nieto có thái độ cứng rắn hơn với Washington.

Phong trào biểu tình diễn ra vào lúc quan hệ giữa Hoa Kỳ và Mêhicô trải qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất từ nhiều thập kỷ qua. Đặc biệt, sắc lệnh của tổng thống Trump về việc xây một bức tường dọc theo biên giới để gọi là ngăn chận nhập cư bất hợp pháp từ Mêhicô, và ý định của ông đòi Mêhicô trả tiền xây bức tường đó, đã khiến tổng thống Nieto giận dữ hủy bỏ chuyến công du Hoa Kỳ.

Ngoài ra, tổng thống Donald Trump còn muốn thương lượng lại, thậm chí xóa bỏ, Hiệp định tự do mậu dịch Bắc Mỹ, vì ông cho là hiệp định này có lợi cho phía Mêhicô nhiều hơn.

Mặc dù sau đó hai tổng thống Mỹ và Mêhicô đã nói chuyện với nhau qua điện thoại và cam kết giải tỏa bế tắc, nhưng dư luận Mêhicô vẫn không ngớt phẫn nộ và ngày càng có nhiều lời kêu gọi tẩy chay hàng Mỹ. Việc chính quyền Trump muốn đẩy mạnh trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp khiến chính quyền Mêhicô rất lo ngại. Đặc biệt vụ trục xuất về Mêhicô một người mẹ 35 tuổi của hai đứa con sinh tại Mỹ đã càng khiến dư luận Mêhicô thêm bất bình.

Tổng thống Nieto đã hứa sẽ cấp 50 triệu đôla cho các tòa lãnh sự Mêhicô ở Mỹ để hỗ trợ tư pháp cho người Mêhicô gặp rắc rối về giấy tờ. - RFI
|
|

6.
IMF: Kế hoạch TT Trump tốt cho Mỹ, không cho thế giới

Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde hôm Chủ nhật bày tỏ lạc quan rằng kế hoạch cắt giảm thuế và chi tiêu cho xây dựng của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ thúc đẩy nền kinh tế Mỹ.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Chính phủ Thế giới tại Dubai, bà Lagarde phát biểu: "Từ những điều ít ỏi mà chúng tôi biết, chúng tôi có lý do để lạc quan về tăng trưởng kinh tế ở Hoa Kỳ".

Nhưng bà Lagarde cảnh báo rằng những tiến bộ của Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, có thể làm tổn thương các nền kinh tế ở những nơi khác bởi vì sức mạnh của đồng đôla so với các đồng tiền khác và những hành động dự kiến của ngân hàng trung ương Mỹ là Cục Dự trữ Liên bang nhằm từng bước nâng lãi suất cơ bản để giữ cho nền kinh tế Mỹ không tăng trưởng bị quá nóng.

Bà nói Hoa Kỳ phát triển là điều tốt, nhưng "tin đáng lo ngại hơn là điều đó sẽ gây ra hậu quả đối với phần còn lại của thế giới, và chúng tôi đang nhìn thấy nó". Bà nói chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang "sẽ gây ra khó khăn đối với kinh tế toàn cầu, và các nền kinh tế sẽ phải chuẩn bị về điều đó".

Hồi tháng trước, IMF đã nâng mức dự báo về tăng trưởng của Mỹ trong năm nay thêm 0,1 điểm phần trăm, lên 2,3%, và thêm 0,4 điểm phần trăm, lên 2,5% trong năm 2018. IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu tăng 3,4% trong năm 2017 và 3,6% trong năm 2018, tăng so với con số của năm 2016 là 3,1%. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

7.
Hơn 180.000 người được sơ tán vì nguy cơ vỡ đập ở Mỹ

Hơn 180.000 người tại mạn bắc tiểu bang California của Hoa Kỳ vừa được yêu cầu phải rời khỏi nhà cửa của mình sau khi đập tràn thuộc con đập cao nhất nước Mỹ bị suy yếu vì mưa lớn.

Bờ của Đập Oroville cao 230m gần như sắp bị vỡ, theo các viên chức.

Lượng nước thừa nay đã ngưng tràn nhưng cho tới tối ngày Chủ nhật, lệnh di tản vẫn có hiệu lực.

Mực nước tại hồ chứa lên cao do mưa lớn và tuyết rơi sau vài năm bị hạn hán nặng nề.

Đây là lần đầu tiên xảy ra tình trạng này trong gần 50 năm nay tại Hồ Oroville.

Cục quản lý nước của California chiều hôm Chủ Nhật cho biết họ sẽ xả tới 2.830 mét khối nước một phút từ đường thoát nước chính để giảm lượng nước trong hồ.

Trong một thông cáo trên mạng xã hội chiều hôm Chủ Nhật, cảnh sát trưởng khu vực quanh Đập Oroville đã ra lệnh cho cư dân sơ tán, nhắc đi nhắc lại ba lần rằng lệnh này "không phải tập dượt".

Người dân Oroville sống tại thị trấn với 16.000 người ở cách 105km phía bắc Sacramento, được yêu cầu phải đi về phía bắc.

Hiện đang xảy ra tình trạng tắc đường trên các ngả ra khỏi thành ph và một số người di tản phàn nàn là đáng lẽ họ phải được cảnh báo sớm hơn nữa.

Trang Twitter chính thức của Quận Butte đăng tải tin về các nơi tạm trú khẩn cấp và cho biết nhiều khách sạn đã được đặt phòng kín trên một diện rộng.

Các thành phố khác bị ảnh hưởng cũng nên tuân thủ các chỉ thị từ cơ quan luật pháp địa phương, các viên chức nói.

Trước đó trong tuần, các kỹ sư đã bắt đầu xả nước từ đập sau khi nhận thấy đường thoát nước bị mất những tảng xi măng lớn. - BBC
|
|

8.
Mỹ: Phong trào tẩy chay thương hiệu Trump lan rộng

Tiếp nối các công ty khác, Sears Holdings - công ty sở hữu hai chuỗi cửa hàng bán lẻ - Kmart và Sears, hôm thứ Bảy 11/02/2017, thông báo loại bỏ 31 sản phẩm mang thương hiệu Trump ra khỏi website và các cửa hàng. Reuters cho biết tổng thống Hoa Kỳ và Nhà Trắng coi vụ tẩy chay các sản phẩm của Ivanka Trump, con gái của ông Donald Trump, là vụ tấn công chính trị trực tiếp nhắm vào tân tổng thống Mỹ.

Từ Washington, thông tín viên RFI Anne-Marie Capomaccio giải thích :

"Hôm nay là Kmart và Sears, hôm qua là Neiman, Marcus và Nordstrom, danh sách các cửa hàng không bán các sản phẩm thương hiệu Ivanka Trump nữa ngày càng dài.

Tranh luận trên mạng xã hội đang bùng lên. Ủng hộ hay phản đối ? Nên theo những người chủ trương tẩy chay hay theo những người hâm mộ Donald Trump để ủng hộ việc làm ăn của con gái tổng thống ?

Việc tẩy chay bắt nguồn từ mạng xã hội Twitter, với khẩu hiệu « Hãy giữ chặt túi tiền », hàm ý « Hãy cảnh giác, đừng làm giàu cho gia đình tổng thống mà các bạn không ưa ».

Ai được lợi trong cuộc chiến này ? Chắc chắn người thắng là các nhà phân phối. Cổ phiếu của hãng Nordstrom đã tăng 4% sau thông báo tẩy chay. Nhưng việc kinh doanh của gia đình tổng thống có vẻ không bị suy suyển. Theo một tổ chức đánh giá uy tín có danh tiếng, danh tiếng của thương hiệu Trump đã tăng 8 điểm.

Giá thuê ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của Donald Trump ở Florida đã tăng gấp đôi, lên tới 200.000 đô la, nhằm giảm bớt số người giàu có hâm mộ Trump, vốn đã quá đông, đến khu nghỉ dưỡng này với hy vọng xích lại gần tổng thống hơn". - RFI
|
|

Tin Việt Nam

9.
TT Trump ‘xuống thang’ trước Trung Quốc, báo Việt viết gì?

Truyền thông nhà nước Việt Nam nhận xét rằng phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc” đã giúp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “dẫn điểm trong nước cờ đầu tiên”.

Trong cuộc điện đàm kéo dài với ông Tập hôm 9/2, ông Trump tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ tôn trọng chính sách "Một Trung Quốc". Thông cáo của Nhà Trắng sau đó có đoạn: “Tổng thống Trump đã đồng ý, theo yêu cầu của Chủ tịch Tập, tôn trọng chính sách “một Trung Quốc”.

Trong bài viết có tựa đề “Ông Tập dẫn trước ông Trump trong nước cờ 'cân não' đầu tiên?”, báo Thanh Niên viết: “Sự thay đổi của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump về mối quan hệ với Trung Quốc gây bất ngờ cho không ít người. Chỉ mới 2 tháng trước, ông tạo ra cú sốc đầu tiên cho Trung Quốc khi có cuộc điện đàm lịch sử với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn”.

Tờ báo thuộc Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam dẫn lời giáo sư quan hệ quốc tế Shi Yinhong tại đại học Nhân dân (Bắc Kinh) và là cố vấn cho Quốc vụ viện Trung Quốc đánh giá rằng “ông Trump sẽ bị coi là "hổ giấy", và việc ông ta thừa nhận chính sách "một Trung Quốc" sẽ được hiểu là chiến thắng to lớn nhờ công lao của ông Tập”.

Trong khi đó, Tuổi Trẻ, một trong các tờ báo có lượng phát hành lớn ở Việt Nam, viết rằng việc ông Trump “bất ngờ đổi giọng” cho thấy “vẫn còn tranh cãi trong chính quyền mới của Mỹ về cách xử lý quan hệ với Trung Quốc”.

Tờ báo viết tiếp: “Tuy nhiên, dù ông Trump đã mở lời tôn trọng Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn khó cảm thấy nhẹ nhõm. Chính quyền Mỹ vẫn còn những cách khác để tăng cường quan hệ với Đài Loan, chẳng hạn nâng cao hợp tác quốc phòng hay bán vũ khí”.

Trong bài viết có tựa “Trump ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc”, biến mình thành “con hổ giấy”, trang Infonet còn cho rằng đây là “một động thái được cho là có lợi rất lớn đối với Bắc Kinh”.

Trang tin thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông viết thêm: “Trung Quốc và Mỹ cũng ngầm gửi thông điệp rằng với việc vấn đề “Một Trung Quốc” được giải quyết, mối quan hệ giữa hai nước đã bình thường trở lại”.

Cùng với việc chỉ trích Trung Quốc quân sự hóa biển Đông trên Twitter, theo giới quan sát trong nước, việc ông Trump trước đây tỏ ra cứng rắn với Bắc Kinh, trong đó có cuộc điện đàm với bà Thái, đã nhận được sự ủng hộ của nhiều người Việt, vốn hy vọng rằng Việt Nam sẽ hưởng lợi từ việc Hoa Kỳ sẽ "khống chế" Trung Quốc.

Theo nhận định của các nhà quan sát trong nước, Việt Nam vẫn tiếp tục theo dõi mọi động thái của ông Trump cũng như tân chính quyền Mỹ xem chính sách của Washington đối với châu Á nói chung và Hà Nội nói riêng sẽ ra sao. - VOA
|
|

10.
Ông Đoàn Huy Chương 'bặt vô âm tín' ngày ra tù

Đoàn Huy Chương, nhà hoạt động công đoàn, đã được trả tự do hôm 13/2 sau bảy năm tù giam nhưng đang trong tình trạng 'mất tích', vợ ông và một cựu tù nhân lương tâm cho hay.

Tháng 10/2010, ông Đoàn Huy Chương, một trong ba thành viên sáng lập Phong trào Lao Động Việt, bị Tòa án tỉnh Trà Vinh tuyên án 7 năm tù giam vì tội Phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân' theo Điều 89 Bộ Luật Hình sự.

Vào 14:30 hôm 13/2, trả lời BBC khi đang trên đường về tỉnh Trà Vinh, bà Chiêm Thị Tường Mạnh, vợ ông Chương, nói: "Tôi đến trại tù Z30A Xuân Lộc ở Đồng Nai từ sáng sớm nhưng không được gặp chồng."

"Cán bộ trại giam nói anh Chương đã được bố ruột [Mục sư Đoàn Văn Diên, cựu tù nhân lương tâm] đón về."

"Nhưng do trong gia đình có bất hòa từ nhiều năm nay nên tôi không gọi được cho bố chồng để hỏi xem chồng tôi đang ở đâu."

"Đến giờ phút này, thật sự tôi không biết chồng mình đã được thả ra hay chưa và đang ở đâu."

Cùng ngày, nhà báo tự do Trương Minh Đức, người từng bị giam tù chung với Đoàn Huy Chương, nói: "Lẽ ra hôm nay 13/2, ông Chương hết án và được về với gia đình."

"Các thành viên Phong trào Lao Động Việt đã đến nhà tù đón nhưng lại được thông báo rằng ông Chương đã được thả về nhà trước đó."

"Hiện ông Chương bặt vô âm tín, không ai liên lạc được và cũng không có dấu hiệu ông đã được trả tự do."

"Trong vụ này, có lấn cấn là gia đình ông Chương bị chia rẽ."

"Hồi còn tôi còn bị giam chung với ông, ông có tâm sự rằng bố ruột chẳng những không hề đi thăm nuôi con trai mà còn bị phía an ninh tác động, thuyết phục ông nhận tội."

"Ông Chương đã khước từ việc này."

"Bi kịch của của gia đình ông là còn có sự khác biệt về việc nên nhận tội và hợp tác với phía an ninh hay không."

BBC không liên hệ được với Mục sư Đoàn Văn Diên về trường hợp này.

Trước đó, bà Tường Mạnh nói với BBC: "Bảy năm dài đằng đẵng vậy là cũng sắp trôi qua."

"Tôi luôn mong chờ ngày chồng ra tù để phụ nuôi hai đứa con hiện đang phải gửi nhờ ông bà ngoại ở quê."

Bà Mạnh cũng cho biết thêm: "Trong bảy năm chồng tôi đi tù, dù thu nhập của một công nhân may ở TP Hồ Chí Minh chỉ khoảng 4 triệu đồng, nhưng tôi vẫn đều đặn đi thăm nuôi chồng hàng tháng."

"Về con đường chồng tôi đã chọn thì tôi chỉ biết tôn trọng chứ không biết khuyên anh ấy thế nào."

Hôm 13/2, Dòng Chúa Cứu thế Sài Gòn dự kiến tổ chức lễ cầu nguyện cho hai nhà hoạt động vừa ra tù - ông Đoàn Huy Chương và bà Bùi Thị Minh Hằng, người được trả tự do hôm 11/2. - BBC


Link:
http://bit.ly/2kWPNo9





No comments:

Post a Comment