Sunday, February 5, 2017

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 5/2

Tin Thế Giới

1.
Mỹ: Chưa cần ‘động binh’ ở biển Đông --- 6 mặt trận quân sự tổng thống Trump kế thừa

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hôm 4/2 tuyên bố rằng Hoa Kỳ chưa cần phải có những bước đi quân sự ở biển Đông nhằm ngăn chặn hành động mạnh mẽ khẳng định chủ quyền của Trung Quốc, dù chỉ trích Bắc Kinh làm xói mòn lòng tin của các quốc gia trong khu vực.

“Ngay lúc này, chúng tôi không thấy sự cần thiết phải thực thi các bước tiến quân sự mạnh mẽ”, ông James Mattis được Reuters dẫn lời nói trong một cuộc họp báo ở Tokyo, nhấn mạnh tới giải pháp ngoại giao.

Người đứng đầu Lầu Năm Góc bắt đầu thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Hàn Quốc và Nhật Bản trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hôm 1/2 nhằm trấn an các quốc gia đồng minh.

Theo các nhà quan sát ở trong nước, Việt Nam cũng theo dõi kỹ chuyến đi này để xem quan chức quốc phòng hàng đầu của Mỹ có những tuyên bố gì, nhất là về biển Đông.

Trong cuộc họp báo ở Nhật Bản, ông Mattis nói: “Điều chúng ta cần phải làm là nỗ lực hết sức, nhất là về ngoại giao, để giải quyết hợp lý việc này, duy trì việc mở các kênh trao đổi”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ được Reuters trích lời nói tiếp rằng “hiện chưa cần phải động binh hay có những bước đi đại loại như vậy để giải quyết việc mà các nhà ngoại giao làm tốt nhất”.

“Nguy cơ bất ổn”

Nhân dịp này, ông Mattis cũng chỉ trích “Trung Quốc đã làm xói mòn lòng tin của các quốc gia trong khu vực”, và ông cho rằng Bắc Kinh “rõ ràng tìm cách sử dụng quyền phủ quyết” đối với các quốc gia láng giềng.

Tổng thống Trump từng chỉ trích Trung Quốc quân sự hóa biển Đông, và ứng viên Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson từng tuyên bố phải chặn Trung Quốc “tiếp cận các đảo nhân tạo” ở đó.

Trong khi tới thăm Nhật Bản, ông James Mattis cũng khẳng định rằng cam kết của Mỹ nhằm bảo vệ lãnh thổ của Nhật cũng áp dụng đối với một quần đảo nước này tranh chấp với Trung Quốc.

Đáp lại, hôm 4/2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố rằng ông Mattis đang đẩy khu vực Đông Á tới nguy cơ bất ổn, theo the New York Times.

“Chúng tôi kêu gọi phía Hoa Kỳ có thái độ có trách nhiệm, chấm dứt đưa ra những phát biểu sai trái về vấn đề liên quan tới chủ quyền quần đảo Điếu Ngư [Nhật Bản gọi là Senkaku], và tránh làm phức tạp vấn đề và mang lại ổn định cho khu vực”, ông Lục nói trong một tuyên bố đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Người phát ngôn này cũng cho rằng hiệp ước bảo vệ đồng minh giữa Nhật và Mỹ ký năm 1960 mà ông Mattis trích dẫn trong cam kết bảo vệ quần đảo tranh chấp là “một sản phẩm của Chiến tranh Lạnh”, và nó “không làm tổn hại tới chủ quyền lãnh thổ cũng như chủ quyền chính đáng của Trung Quốc”. - VOA

***
Tân tổng thống Mỹ thích những biện pháp đơn giản, nhưng Donald Trump sẽ không dễ khép lại 6 mặt trận đã được mở ra dưới thời của hai người tiền nhiệm, gồm Afghanistan, Irak, Syria Libya, Somalia và Yemen. Phóng viên báo Le Figaro, Adrien Jaulmes trong bài phân tích đề ngày 31/01/2017 nhận định : Washington không có chiếc đũa thần cho 6 hồ sơ này.

Afghanistan cuộc can thiệp quân sự dai dẳng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ

Trước hết về Afghanistan, 15 năm sau khi khai mào cuộc chiến đầu tiên thời hậu biến cố 11 tháng 9, Washington vẫn chưa tìm ra ngõ thoát. Mỹ đã gửi quân sang Afghanistan vào tháng 10/2001 với mục đích phá vỡ sào huyệt của tổ chức khủng bố Al Qaeda chọn quốc gia Nam Á làm địa bàn hoạt động nhờ sự bao che của quân Taliban. Hoa Kỳ tính một công đôi việc : vừa tiêu diệt Al Qaeda, vừa lật đổ chính quyền Taliban ở Kaboul. Bước kế tiếp Washington dựng lên một chính quyền mới, đem lại một chút hy vọng cho người dân Afghanistan sau 20 năm chiến tranh.

Tưởng là xong việc, các quân nhân Mỹ sẽ hồi hương. Nhưng tình hình trên thực địa đã xấu đi đáng kể. Quân Taliban lại vùng lên, đe dọa an ninh và cả tiến trình chuyển đổi chính trị tại Afghanistan. Tương tự như Anh Quốc và Liên Xô trước kia, Hoa Kỳ đã sa lầy.

Trong hai nhiệm kỳ tổng thống, Barack Obama vẫn bất lực trên vấn đề Afghanistan. Kế hoạch rút toàn bộ quân khỏi quốc gia này bị gián đoạn.

15 năm sau ngày khởi động cuộc chiến, vẫn còn 8.400 lính Mỹ đóng tại quốc gia này. Trên nguyên tắc, đầu năm 2017 Hoa Kỳ phải điều thêm 300 hải quân đến Helmand, thành trì của quân Taliban.

Ngay sát cạnh với Afghanistan, Pakistan cũng khiến chính giới ở Washington đau đầu không kém : Islamabad vừa là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố nhưng cũng là một quốc gia bao dung cho quân Hồi giáo cực đoan từ Afghanistan tràn sang. Đấy là chưa kể Pakistan còn có vũ khí hạt nhân trong tay. Nhà báo Adrien Jaulmes kết luận : không có giải pháp đơn giản và dễ dàng nào cho ông Trump trên hồ sơ này. Mỹ mà rút khỏi Afghanistan, có nguy cơ chế độ Kaboul sẽ đổ và làm Taliban sống lại.

Irak đất dụng võ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo

Nhìn tới Irak, Mỹ cũng không thể dễ dàng rút khỏi mặt trận này. Cuối năm 2011 quân đội Hoa Kỳ rời khỏi vùng Mésopotamie. Hậu quả kèm theo là 1/3 lãnh thổ rơi vào tay quân thánh chiến Hồi giáo chỉ trong vòng ba năm sau đó. Daech đã vào đến tận gần sát thành Bagdad trước khi bị quân đội Mỹ cản đường. Cực chẳng đã, tổng thống Obama trong hai năm 2015 và 2016 đã phải đưa quân và chuyên gia quân sự trở lại Irak để tăng cường cho lực lượng an ninh nước này.

Nhưng với tổng thống Trump cũng như người tiền nhiệm, Irak là một hồ sơ hết sức nhạy cảm. Thứ nhất, cho đến tận giờ phút này, cả khu vực Trung Đông vẫn có ác cảm với Hoa Kỳ từ sau khi chính quyền Bush can thiệp quân sự năm 2002 lật đổ tổng thống Saddam Hussein. Thứ hai : Irak ngày nay là một quốc gia bị phân rẽ giữa hai hệ phái Sunni và Shia, chính quyền trung ương trong tay phe Shia bị suy yếu và chịu ảnh hưởng của nước láng giềng sát cạnh là Iran. Cuộc chiến chống Daech vẫn chưa tới hồi kết.

Hiện vẫn còn khoảng 5.000 quân nhân và cố vấn Mỹ đồn trú gại Irak cùng với một số các tổ đặc nhiệm được cử sang hiện trường để giúp Irak chiếm lại Mossoul. Giúp Bagdad tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo vô hình chung biến Washington thành đồng minh bất đắc dĩ của Teheran. Nhà Trắng phải giải thích sao với công luận về điều ấy ?

Syria, sai lầm của Barack Obama

Những tiếng nói chỉ trích mạnh mẽ nhất tổng thống Georges W. Bush tấn công Irak đã quay lại phê phán tổng thống Barack Obama không can thiệp vào Syria. Thái độ do dự đó đẩy Trung Đông vào thế « dầu sôi lửa bỏng ». Cuộc nội chiến tại Syria kéo dài và Washington đã mở đường cho Matxcơva trở lại khu vực. Việc Mỹ hỗ trợ người Kurdistan tại Syria chống Daech theo phóng viên của báo Le Figaro, Adrien Jaulmes, đã đẩy Hoa Kỳ vào thế khó xử với Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh chiến lược của Mỹ và điều ấy cũng đã góp phần làm gia tăng tinh thần bài Mỹ trong vùng.

Cho dù các chiến dịch quân sự của Không quân Hoa Kỳ tại Syria có mang lại những thành quả cụ thể nhưng bên cạnh việc nhắm vào cơ sở của tổ chức Nhà nước Hồi giáo, Mỹ cũng đã nhắm tới một số các tổ chức ly khai khác của Syria.

Chính quyền Trump chủ trương hợp tác với Nga để tiêu diệt Daech nhưng giải pháp đó sẽ càng củng có thêm vai trò của Matxcơva và Teheran trên quê hương của tổng thống Bachar Al Assad.

Mỹ không thể phủi tay với Libya

Năm 2011 viện lý do nhân đạo, Anh và Mỹ can thiệp vào Libya nhưng kết quả đã không được như mong đợi. Triệt hạ được nhà độc tài Kadhafi, nhưng Libya lâm vào nội chiến, phân chia giữa các phe phái thù nghịch để trở thành mảnh đất màu mỡ cho quân thánh chiến. Vấn đề nằm ở chỗ Libya quá gần với Châu Âu về mặt địa lý và không ai kiểm soát vùng sa mạc Sahara rộng lớn. Sau vụ đại sứ Hoa Kỳ tại Benghazi bị ám sát năm 2012, Washington rút lui khỏi điểm nóng này.

Nhưng sự bành chướng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Libya đã buộc Mỹ năm ngoái phải can thiệp trở lại để giữ được thành phố Syrte. Từ đó tới nay quân đội Hoa Kỳ liên tục tiến hành các chiến dịch không kích và tấn công đánh trúng mục tiêu.

Tác giả bài báo ghi nhận cho dù tổng thống Trump có muốn phủi tay với Libya nhưng vì chiếm một vị trí chiến lược cả về mặt quân sự lẫn dầu hỏa, Washington không dễ để cho Nga lấp vào chỗ trống trên quê hương Kadhafi. Sớm muộn gì Libya cũng sẽ là hồ sơ cần được ông Trump để mắt đến.

Yemen, một bài toán đau đầu

Tình huống tại Yemen rối ren không kém. Là quốc gia nghèo nhất trong khối các nước Ả Rập, Yemen từ năm 2011 bị chia rẽ giữa miền bắc ủng hộ tổng thống Ali Saleh, một nhà lãnh đạo liên tục cầm quyền từ hơn ba thập niên lại chịu ảnh hưởng của Iran, và ở phía nam Yemen, là phe được Ả Rập Xê Út yểm trợ.

Năm 2014 phe Houthi trung thành với tổng thống Saleh chiếm được thủ đô Sanaa và cảng Aden, cánh cổng mở ra Hồng Hải. Tháng 3/2015 Ả Rập Xê Út dẫn đầu liên quân quốc tế gồm 10 nước Hồi giáo theo hệ phái Sunni để giành lại Sanaa. Anh, Pháp, Mỹ hậu thuẫn cho Liên minh Ả Rập. Lợi dụng tình hình tranh tối tranh sáng, các tổ chức Hồi giáo cực đoan, như Aqpa (chi nhánh của Al Qaeda trong vùng) hoạt động mạnh không kém Daech. Năm ngoái Mỹ trực tiếp can thiệp vào chiến sự Yemen, qua nhiều kênh : hỗ trợ hậu cần cho không quân Ả Rập Xê Út, điều tàu chiến đến Địa Trung Hải và dùng máy bay không người lái tấn công các tổ chức thánh chiến tại Yemen. Vấn đề nằm ở chỗ, liên quân các nước Ả Rập đang sa lầy tại Yemen và Mỹ chưa thể nhanh chóng khép lại mặt trận này.

Somalia, cuộc chiến không tên

Cuối cùng, với Somalia, về mặt chính thức Hoa Kỳ đã rút khỏi vùng đất này từ năm 1993 sau vụ đặc nhiệm Mỹ thất bại nặng nề ở Mogadishiu. Trên thực tế, thời gian gần đây Washington đã kín đáo trở lại mảnh đất này, mở màn « một cuộc chiến bí mật » chống các phong trào Hồi giáo cực đoan như Al Chebab, thề trung thành với Al Qaeda.

Năm 2016 có từ hai đến ba trăm đặc nhiệm Mỹ cùng với lực lượng quân sự Kenya, Ouganda, và Somalia mở ba đợt tấn công Al Chebab. Nhưng dù dưới hình thức nào, khi đã lao vào cuộc, Washington khó có thể rút lui khỏi Somalia mà không sợ để cho khu vực mang tính chiến lược về mặt giao thương hàng hải này biến thành địa bàn của Al Qaeda ở châu Phi. - RFI
|
|

2.
Cao ủy Tị nạn: Cấm cửa người tị nạn làm suy yếu chuẩn mực quốc tế

Trưởng Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc chỉ trích những biện pháp hạn chế mà Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh áp dụng đối với người tị nạn và di dân đến từ 7 nước có đa số dân theo Hồi giáo.

Nói chuyện với các nhà báo ở Beirut hôm thứ Sáu, ông Filippo Grandi nói sắc lệnh của nhà lãnh đạo Mỹ là “một sự làm suy yếu nguy hiểm” các chuẩn mực hành xử quốc tế trong công tác bảo vệ người tị nạn.

Ông Grandi nói ông phản đối việc cản trở tiến trình đi định cư và việc bảo vệ những người phải rời bỏ quê hương đi lánh nạn, tránh chiến tranh và sự tàn phá.

Cao uỷ trưởng Liên Hiệp Quốc nói:

“Người tị nạn là những người chạy trốn khỏi những nơi như tôi vừa mới chứng kiến ở Syria. Tôi đã nói rất rõ khi còn ở đó rằng: đây là nơi mà họ ra đi, từ những đống đổ nát này, từ khoảng không này, từ tình huống như thế này đây… Vì lý do đó họ nên được bảo bọc, họ lẽ ra phải được đón tiếp bằng tình đoàn kết và sự rộng lượng, chứ không nên bị xếp loại là một mối nguy tiềm tàng, hay một mối đe doạ. Đây là những người đã chạy để tránh hiểm nguy, chứ tự họ không phải là những người nguy hiểm.”

Ông Grandi cũng đề cập tới đề nghị tạo ra “các khu an toàn” ở Syria, nhưng ông nói rằng các nơi này sẽ “không đủ an toàn” để nhận người tị nạn trở về vì nạn khủng bố ở trong nước nhiều nhóm khác nhau có liên quan trong cuộc xung đột ở Syria.

Mới đây ông Trump tỏ ra chú ý đến các an toàn khu, cũng là mối quan tâm của Thổ Nhĩ Kỳ và Li-băng, hai nước đã phải gánh vác trách nhiệm đón nhận gần 3,8 triệu người tị nạn Syria. - VOA
|
|

3.
Thủ tướng Romania bãi bỏ nghị định phi hình sự hóa tham nhũng

Sau khi những cuộc biểu tình nổ ra khắp Romania, thủ tướng của nước này đã kêu gọi bãi bỏ một nghị định phi hình sự hóa hành vi sai trái của quan chức chính phủ.

"Ngày mai (Chủ nhật) chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc họp nội các chính phủ để bãi bỏ nghị định này," ông Sorin Grindeanu cho biết trong một phát biểu chiếu trên truyền hình tối thứ Bảy. "Tôi không muốn chia rẽ Romania. Romania không thể bị chia đôi."

Quyết định này được đưa ra sau những cuộc biểu tình lớn nhất mà nước này từng chứng kiến kể từ khi nhà độc tài Nicolae Ceausescu bị truất quyền vào năm 1989, với hơn 140.000 người biểu tình kể từ khi nghị định này được công bố vào hôm thứ Tư. Trước đó trong tuần Thủ tướng Romania nói rằng ông sẽ không bãi bỏ nghị định này.

Một trong những người ủng hộ nghị định này mạnh mẽ nhất là lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội đương quyền Liviu Dragnea, người hiện đang đối mặt với cáo buộc tham nhũng. Nhưng ông Dragnea trấn an người biểu tình rằng nghị định này sẽ không "trả tự do những người tham nhũng."

Nghị định này phi hình sự hóa hành vi sai trái của quan chức chính phủ nếu khoản tiền ít hơn mức 47.800 đôla. Những người chỉ trích bày tỏ lo ngại rằng nghị định sẽ cho phép những chính trị gia tham nhũng được trả tự do và khuyến khích những người tại chức biển thủ công quỹ.

Trong một tuyên bố chung công bố trước đó trong tuần này, Mỹ, Đức, Canada, Phần Lan, Hà Lan và Pháp cho biết chính phủ Romania đã làm suy yếu "tiến bộ về pháp trị và công cuộc đấu tranh chống tham nhũng suốt 10 năm qua.'' - VOA
|
|

4.
Ứng cử viên tổng thống Pháp mời khoa học gia, doanh nhân Mỹ sang lánh Trump

Ứng cử viên tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Bảy kêu gọi các nhà khoa học, học giả và doanh nhân Mỹ bất đồng với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump dọn sang Pháp.

Cựu bộ trưởng kinh tế này, một trong những người đang dẫn đầu trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Pháp, kêu gọi các nhà khoa học ở Mỹ hiện đang nghiên cứu về biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo được hoặc những vấn đề y tế, nhưng e ngại tình hình chính trị mới, hãy nương náu bên kia bờ Đại Tây Dương.

"Tôi muốn tất cả những người mà ngày hôm nay tượng trưng cho sự canh tân và xuất sắc ở Hoa Kỳ hãy nghe điều chúng tôi nói: từ bây giờ, từ tháng 5 tới, các bạn sẽ có một quê hương mới, nước Pháp," ông nói.

Những tài khoản Twitter công khai bày tỏ mối lo ngại của nhân viên tại hơn một chục cơ quan chính phủ Mỹ đã được khởi động, thách thức điều mà họ nói là những nỗ lực của ông Trump nhằm trấn áp nghiên cứu biến đổi khí hậu của liên bang và những lĩnh vực khoa học khác.

Đại diện những nhà khoa học tại Cơ quan Bảo vệ Môi trường, NASA và những cơ quan khác, trực tiếp hoặc thông qua bạn bè và những người ủng hộ, những tài khoản này phản đối những hạn chế mà họ xem là kiểm duyệt kể từ khi ông Trump nhậm chức vào ngày 20 tháng 1.

Không nêu tên ông Trump trong bài diễn văn vận động tranh cử của ông ở thành phố Lyon ở đông nam của Pháp, ông Macron, người từng quản lý ngân hàng đầu tư, cho biết "lời kêu gọi trang nghiêm" của ông nhắm tới "các nhà nghiên cứu, các học giả và các công ty ở Hoa Kỳ đang chiến đấu chống lại chủ nghĩa mông muội và lúc này đang lo sợ," hãy đến miền đất của sự canh tân mà ông muốn Pháp trở thành.

Ứng cử viên 39 tuổi này giờ được xem là đang tiến tới cuộc bỏ phiếu vòng hai hệ trọng của cuộc bầu cử vào tháng 5 và đang đánh bại lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen với cách biệt tương đối lớn, theo một số cuộc khảo sát ý kiến được công bố trong tuần qua. - VOA
|
|

5.
Kazakhstan nỗ lực chống chủ nghĩa cực đoan

Kazakhstan là chủ nhà của cuộc hòa đàm Syria hồi tháng 1 với kết quả các bên đồng ý tăng cường một lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, cuộc hòa đàm đã không bao gồm các nhóm Hồi giáo hiếu chiến. Việc đứng ra làm nước chủ nhà cho cuộc hòa đàm không chỉ là vấn đề uy tín đối với Kazakhstan, vì đất nước này cũng tìm cách ngăn chặn ảnh hưởng lan rộng của Hồi giáo cực đoan ở ngày trong nước.

Chính quyền Kazakhstan ước tính hàng trăm công dân của họ đã gia nhập các nhóm Hồi giáo hiếu chiến ở Syria và Iraq.

Họ nói rằng các cuộc tấn công khủng bố hồi tháng 7/2016 đã làm theo lệnh từ Syria. Những vụ khủng bố đó là điều bất thường ở Kazakhstan.

Alim Shaumetov, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng Akniet, phát biểu: "Nếu hoà bình được lập lại ở các vùng lãnh thổ của Syria và Iraq, điều đó sẽ làm trong sạch tình hình tôn giáo nói chung ở Kazakhstan".

Trung tâm Phục hồi chức năng Akniet của Kazakhstan hoạt động để tái hòa nhập những phần tử cực đoan trở về nước và khuyên bảo đối với những người muốn rời khỏi đất nước.

Alim Shaumetov, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng Akniet, nói: "Tư tưởng cực đoan, lan truyền qua các trang web khủng bố quốc tế nước ngoài, ảnh hưởng chủ yếu tới những người trẻ tuổi, những người đó dễ dàng tin những lời tuyên truyền như vậy".

Nhà thờ Hồi giáo trung tâm của Astana có hoạt động truyền thông của riêng họ và phát đi đoạn video lên án những kẻ Hồi giáo cực đoan và khủng bố.

Thày cả Serikbai Haji Oraz tại Nhà thờ Hồi giáo Sultan Khazret nói: "Mục tiêu của chúng tôi là phi cực đoan hóa cộng đồng của chúng tôi. Và để có thể làm điều đó, chúng tôi phải không ngừng theo đuổi một số hoạt động theo hướng này".

Trong khi các mối đe dọa đối với Kazakhstan là tương đối nhỏ, chính quyền ở đây nói việc giáo dục thanh niên về Hồi giáo đích thực chính là điều trọng yếu để ngăn chặn sự lan truyền chủ nghĩa cực đoan. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

6.
Diễn văn cuối tuần của Tổng thống Trump --- Biểu tình chỉ trích ông Trump bước sang tuần thứ ba

Sáng ngày 4/2, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã công bố bài diễn văn hàng tuần thứ nhì kể từ khi chính thức nhận chức.

Ngay phần đầu của bài diễn văn, tân Tổng thống đề cập đến ứng viên cho vị trí Thẩm phán Tối cao Pháp viện mà ông đề cử - Neil Gorsuch, cho rằng đây là người xứng đáng nhất để có thể ngồi vào vị trí mà cố Thẩm phán Antonin Scalia để lại.

Trong bài diễn văn, Tổng thống Trump điểm qua những bước mà ông đã thực hiện trong suốt tuần qua, như ký lệnh loại bỏ bớt các qui định mà ông cho là đang kiềm hãm nền kinh tế, gây khó khăn cho việc tạo công ăn việc làm tại Mỹ. Sắc lệnh này yêu cầu cứ một quy định mới được viết ra, thì cùng lúc hai quy định cũ phải được huỷ bỏ. Viện dẫn những số liệu tăng trưởng việc làm trong tháng Một, tân Tổng thống Mỹ cho rằng nền kinh tế đang đi đúng hướng, cho dù còn rất nhiều việc phải làm.

Tổng thống Trump nhắc lại cuộc gặp gỡ với giới lãnh đạo Mỹ gốc Phi nhân ngày đầu tiên của tháng Lịch sử người Mỹ da đen:

“Nước Mỹ sẽ không bao giờ ngơi nghỉ cho đến khi nào tất cả trẻ em thuộc mọi màu da đều được có cơ hội để thực hiện Giấc mơ Mỹ”

Trong bài diễn văn, Tổng thống bày tỏ lòng thương tiếc trước sự hy sinh của William “Ryan” Owen, thuộc Đội đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ đã tử trận trong một chiến dịch chống khủng bố tại Yemen, đồng thời qua đó khẳng định trách nhiệm của mình là bảo vệ cho sự an toàn và tự do của người dân Mỹ.

Ông nói đấy cũng chính là lý do sắc lệnh tạm đình chỉ chương trình nhận người tị nạn, thiết lập một quy trình rà soát nghiêm ngặt, nhằm “đảm bảo chỉ có những người yêu nước Mỹ và ủng hộ người dân Mỹ mới được đặt chân đến đất nước này.”

Phần cuối bài diễn văn, Tổng thống Donald Trump nhắc lại khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”, ông tái khẳng định cam kết của ông sẽ phục vụ các công dân Mỹ, những người đã bỏ phiếu cho ông, nói rằng những người từng bị gạt sang một bên trước đây, sẽ không bao giờ bị lãng quên. - VOA

***
Các cuộc biểu tình đã nổ ra trong tuần thứ ba liên tiếp trên khắp Hoa Kỳ và cả ở những nước khác, nhắm mục tiêu vào các chính sách của ông Donald Trump cũng như chỉ trích thái độ của ông trên cương vị tổng thống.

Ở London, vài ngàn người tụ tập hôm thứ Bảy bên ngoài đại sứ quán Hoa Kỳ, giương các biểu ngữ và hô khẩu hiệu chống ông Trump. Đứng ra tổ chức cuộc biểu tình là một số nhóm chống phân biệt chủng tộc và ủng hộ Hồi giáo. Các nhóm này lên án lệnh cấm du hành của Hoa Kỳ cũng như chính phủ của Thủ tướng Theresa May vì chần chừ quá lâu mới chỉ trích lệnh đó.

Sau đó trong cùng ngày, những người biểu tình đã tuần hành từ đại sứ quán ở Quảng trường Grosvenor tới phố Downing. Hàng ngàn người đã tụ tập bên ngoài lãnh sự quán Hoa Kỳ trong thành phố và diễu hành chống lại chứng sợ hãi Hồi giáo cũng như chống nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ.

Các cuộc biểu tình tương tự đã diễn ra ở Berlin và Paris, thu hút những đám đông nhỏ, mỗi cuộc có khoảng 1.000 người biểu tình.

Ở Úc, khoảng 1.000 người tập trung thành phố miền đông Sydney để phản đối sắc lệnh hành pháp và kêu gọi các nhà lãnh đạo Úc đóng cửa các trung tâm xử lý người tị nạn của nước này ở hải ngoại.

Một nhóm nhỏ khoảng 30 nhà hoạt động cũng đã tụ tập bên ngoài đại sứ quán Hoa Kỳ ở Indonesia để phản đối lệnh cấm du hành.

Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy gần một nửa số người Mỹ ủng hộ lệnh cấm, và có sự khác biệt quan điểm về mặt đảng phái rất rõ ràng.

Cuộc thăm dò mới nhất, được hãng tin CBS News công bố hôm thứ Sáu, cho thấy 45% công dân Mỹ ủng hộ lệnh cấm du hành, so với 51% không ủng hộ. Một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos hồi đầu tuần cho thấy 49% ủng hộ biện pháp này, so với 41% không đồng ý. - VOA
|
|

7.
Tòa án Mỹ từ chối khôi phục lệnh cấm du hành của ông Trump --- Ông Trump thề 'khôi phục lệnh cấm đi lại' bị đình chỉ

Một tòa án phúc thẩm của Hoa Kỳ đã từ chối lời đề nghị của chính quyền ông Trump về việc khôi phục ngay lập tức sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump cấm việc du hành đến Mỹ từ bảy quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số.

Hồi đầu ngày Chủ nhật, 5/2, Tòa Phúc thẩm Khu vực Tư pháp số 9 của Hoa Kỳ ở San Francisco đề nghị chính quyền ông Trump và tiểu bang Washington đưa ra thêm các lập luận trước chiều thứ Hai.

Quyền Tổng Biện lý Sự vụ Noel Francisco lập luận trong buổi họp ngắn đêm thứ Bảy ngắn của chính phủ là thẩm quyền của tổng thống "phần lớn được miễn trừ khỏi sự kiểm soát tư pháp" liên quan đến việc những ai có thể nhập cảnh hoặc ở lại trong nước.

Vài giờ sau khi Thẩm phán liên bang Hoa Kỳ James Robart ở bang tây bắc Washington tạm thời ngăn chặn sắc lệnh của ông Trump về cấm người có thị thực từ Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen, vị tổng thống đã nhanh chóng tung ra những lời chỉ trích đối với ông.

Ông Trump viết trên Twitter: "Đất nước chúng ta sẽ trở thành cái gì khi mà một thẩm phán có thể ngăn chặn một lệnh cấm du hành của Bộ An ninh Nội địa, và bất cứ ai, ngay cả những kẻ có ý định xấu, cũng có thể đi vào Hoa Kỳ". Trước đó, cũng trong ngày thứ Bảy, ông đã gọi quyết định của ông Robart là "nực cười", và thề sẽ đảo ngược nó. Ông Trump cảnh báo rằng phán quyết này sẽ cho phép "nhiều kẻ rất xấu xa và nguy hiểm đi vào nước ta".

Hàng ngàn người biểu tình đã tuần hành hôm thứ Bảy gần tư dinh Mar-a-Lago Florida của ông Trump, nơi tổng thống đang nghỉ cuối tuần, để phản đối sắc lệnh của ông, giờ đã bị ngăn chặn.

Cuộc biểu tình bắt đầu với cuộc tụ tập bên ngoài Trump Plaza tại khu West Palm Beach. Mọi người đã đi 3 km đến khu nghỉ mát Mar-a-Lago Trump, nơi Hội Chữ thập đỏ quốc tế đang tổ chức một buổi quyên góp.

Sắc lệnh của ông Trump đã gây ra xáo trộn trong các cơ quan chính phủ và tòa án, đồng thời châm ngòi cho các cuộc biểu tình ở nhiều thành phố của Hoa Kỳ và ở nước ngoài. Nó cũng dẫn đến việc sa thải quyền Tổng Chưởng lý Hoa Kỳ Sally Yates, người đã từ chối bảo vệ sắc lệnh của tổng thống trong bất kỳ vụ kiện tụng nào. - VOA

***
Tân Tổng thống Hoa Kỳ, ông Donald Trump, tuyên bố sẽ lật ngược một phán quyết của Thẩm phán Liên bang đình chỉ lệnh cấm của ông với du khách đến từ bảy quốc gia chủ yếu là người theo đạo Hồi.

Ông mô tả thẩm phán liên bang James Robart như "cái gọi là" công lý mà quan điểm "nực cười" về cơ bản đã "tách bỏ pháp luật ra khỏi" nước Mỹ.

Thẩm phán Robart phán quyết hôm thứ Sáu rằng lệnh cấm của tân Tổng thống là không hợp hiến.

Một số hãng hàng không nói họ đang cho phép các công dân là đối tượng của lệnh cấm của ông Trump lên các phi cơ sang Hoa Kỳ.

"Quan điểm của người được gọi là thẩm phán này, mà trong đó về cơ bản đã tách bỏ luật pháp ra khỏi đất nước của chúng ta, là nực cười và sẽ bị đảo ngược!", ông Trump cho biết trên Twitter.

"Khi một quốc gia không còn có thể nói ai có thể và ai không thể ra và vào, đặc biệt vì lý do an toàn và an ninh thì đó là: Rắc rối lớn!" ông Trump đưa ra tin nhắn trên Twitter.

Được quyền lên máy bay

Tân chính quyền Mỹ lập luận rằng sắc lệnh của Tổng thống Trump đưa ra vào tuần trước, vốn gây ra hoang mang và giận dữ, được soạn thảo nhằm bảo vệ nước Mỹ.

Việc thực hiện lệnh cấm này nay đã bị đình chỉ có hiệu lực ngay lập tức bởi phán quyết của Thẩm phán Robart tại Seattle.

Giới chức hải quan nói với các hãng hàng không rằng họ có thể nối lại việc đưa các du khách bị cấm lên máy bay.

Trong vòng vài giờ, Qatar Airways nói họ sẽ thực hiện như vậy, tiếp theo là Air France, Etihad Airways, Lufthansa và những hãng khác.

"Tất cả hành khách với giấy tờ đi lại có giá trị hiện được quyền lên máy bay của hãng chúng tôi để đến bất kỳ sân bay nào ở Hoa Kỳ", hãng Lufthansa nói.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục liên lạc với Hải quan và cơ quan Biên phòng Hoa Kỳ (CBP) và sẽ tuân thủ đầy đủ các quy định nhập cư được áp dụng," hãng này thông báo. - BBC
|
|

8.
Ông Trump "tôn trọng" ông Putin, nhưng không chắc sẽ thân mật

Tổng thống Donald Trump nói rằng mặc dù ông "tôn trọng" Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng không nhất thiết hai ông có thể hòa thuận với nhau.

Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News dự kiến được phát sóng hôm Chủ nhật, ông Trump nói: "Tôi cho rằng hòa thuận với Nga thì tốt hơn hơn là không. Và nếu Nga giúp chúng ta trong cuộc chiến chống ISIS (Nhà nước Hồi giáo), đấy là một cuộc chiến lớn, và chống khủng bố Hồi giáo trên khắp thế giới - đó là một điều tốt. Liệu tôi có thân mật với ông ấy hay không? Tôi cũng không biết nữa".

Khi được hỏi về hành động tàn bạo của ông Putin trong quá khứ, và làm thế nào ông Trump có thể tôn trọng ông ấy khi biết những điều trong quá khứ như vậy, ông Trump đã ví Nga với Hoa Kỳ.

Theo các trích đoạn từ các phỏng vấn hôm Chủ nhật được Fox News công bố, ông Trump nói: "Có rất nhiều kẻ sát nhân. Chúng ta có rất nhiều kẻ sát nhân. Quỹ vị nghĩ sao? Đất nước ta vô tội lắm chắc?"

Đáp lại những phát biểu này, lãnh tụ phe đa số Thượng viện Mitch McConnell nói trên CNN rằng ông không nghĩ rằng "có bất kỳ sự tương đương" giữa Hoa Kỳ và ông Putin.

Các cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã cáo buộc Nga xâm nhập các máy tính kết nối với Đảng Dân chủ trong một chiến dịch lớn nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ.

Trước khi nhậm chức, ông Trump liên tục nêu nghi vấn về những phát hiện của cộng đồng tình báo. Kể từ đó, những lời chỉ trích đã giảm xuống. Tuy nhiên, tổng thống vẫn tiếp tục nói công khai rằng ông cởi mở về việc có quan hệ tốt hơn với Moscow.

Ông Trump và Tổng thống Nga Putin đã điện đàm hôm thứ Bảy tuần trước và Tòa Bạch Ốc mô tả đó là "một sự khởi đầu quan trọng đối với việc cải thiện mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Nga vốn cần được sửa chữa".

Các trích đoạn từ cuộc phỏng vấn được công bố cũng bao gồm câu hỏi về việc ông Trump kêu gọi điều tra về gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống hôi tháng 11/2016. Ông Trump đã có nhiều tuyên bố rằng những người nhập cư không có giấy tờ đã bỏ phiếu bất hợp pháp khiến ông bị mất nhiều phiếu phổ thông trên toàn quốc. Ông Trump đã chiến thắng tính theo số phiếu đại cử tri, đánh bại đối thủ của đảng Dân chủ là Hillary Clinton, nhưng ông thua về số phiếu phổ thông với chênh lệch khoảng ba triệu phiếu.

Các quan chức bầu cử là những người đã phân tích cuộc bỏ phiếu hôm 8/11/2016 nói rằng hầu như không có dấu hiệu gian lận bầu cử, chắc chắn không phải ở quy mô như ông Trump nêu ra. - VOA
|
|

9.
Tổng thống Trump vẫn nhập nhằng về lợi ích tài chính cá nhân

Nhiều tổng thống Mỹ đặt tài sản của họ vào một quỹ tín thác mù được quản lý bởi một người được ủy thác mà không có bất kỳ liên hệ nào với tổng thống. Sự thu xếp này được cho là giúp tổng thống tránh được bất kỳ mâu thuẫn lợi ích nào giữa tài chính của vị tổng thống đó với những vấn đề mà họ gặp phải trong lúc tại nhiệm.

Nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã né tránh những lời kêu gọi ông bán tài sản của mình hoặc đặt chúng vào một quỹ tín thác mù, theo một bài báo đăng trên tờ The New York Times. Ông Trump đã nói rằng tổng thống không có nghĩa vụ phải làm như vậy.

Thay vào đó, ông có một quỹ tín thác có thể bị hủy bỏ và những người được ủy thác là con trai cả của ông Donald, Jr. và Allen Weisselberg, giám đốc tài chính của Tổ chức Trump.

Một luật sư chuyên về quỹ tín thác và bất động sản nói với tờ Times: "Tôi không thấy việc này giúp tránh được mâu thuẫn lợi ích dù chỉ một chút xíu." Frederick Tansill nói, "Thứ nhất nó có thể bị hủy bỏ bất cứ lúc nào, và thứ hai con trai và giám đốc tài chính của ông ta đang quản lý nó."

Sheri Dillon, luật sư thuế của ông Trump, tháng trước nói rằng một thỏa thuận với quỹ tín thác của ông Trump giới hạn thông tin mà Tổng thống có thể tiếp cận về công ty của mình.

The New York Times, nói rằng Tổ chức Trump từ chối bình luận về bài báo của họ, cho biết họ có được những thông tin về quỹ tín thác của ông Trump thông qua một yêu cầu công bố tài liệu theo Đạo luật Tự do Thông tin mà tổ chức báo chí điều tra độc lập ProPublica đệ trình.

Tổ chức Trump đã công bố một danh sách hàng trăm công ty mà ông Trump có liên hệ tới, và cho biết ông đã từ nhiệm khỏi tất cả những công ty này. Tổ chức Trump cũng cho biết họ sẽ không theo đuổi bất kỳ giao dịch kinh doanh nào ở nước ngoài, nhưng có kế hoạch mở rộng trong phạm vi nước Mỹ.

Về những vấn đề khác, bài báo của tờ Timescho biết Tổng thống sẽ hưởng lợi từ sự thu xếp của ông với chính phủ liên bang cho Tòa nhà Bưu điện Cũ, nơi mà Khách sạn Quốc tế Trump tọa lạc. Tờ Times nói hợp đồng thuê tòa nhà này, do ông Trump và ba người con lớn nhất của ông ký, "dường như cấm một quan chức công cử cấp liên bang, kể cả tổng thống, hưởng lợi từ nó." Tuy nhiên những luật sư chuyên về hợp đồng liên bang nói rằng Tổng thống sẽ hưởng lợi từ sự thu xếp này.

Tờ Times nói rằng dù ông Trump có thể luồn lách để tránh vi phạm hợp đồng thuê mướn của mình, song ông được miễn trừ khỏi những luật cấm công chức liên bang tham gia vào những vấn đề chính phủ mà có thể trực tiếp ảnh hưởng tới lợi ích tài chính của họ.

Dân biểu Elijah Cummings, nghị sĩ Đảng Dân chủ từ bang Maryland, nói với tờ Timesrằng ông vẫn hoài nghi về hợp đồng thuê mướn liên quan tới khách sạn của ông Trump và đã kêu gọi quốc hội mở cuộc điều tra. - VOA
|
|

10.
Người được TT Trump đề cử vào chức Bộ trưởng Lục quân xin rút lui

Ông Vincent Viola, người được Tổng thống Donald Trump đề cử vào vị trí Bộ trưởng Lục quân đã rút tên ông khỏi danh sách đề cử, viện lý do là vì ông khó có thể vượt qua những trở ngại do các quy định của Bộ Quốc phòng đặt ra đối với các cơ sở kinh doanh của gia đình ông.

Tờ Military Times tường thuật rằng ông Vincent Viola đã ra tuyên bố nói ông “lấy làm vô cùng vinh dự” khi được đề cử, nhưng xét ông không thể vượt qua những trở ngại trong tiến trình chuẩn thuận.

Bộ trưởng Quốc phòng Mattis nói ông lấy làm “thất vọng nhưng ông thông cảm và tôn trọng” quyết định của ông Viola.

Bộ Quốc phòng sau đó cho biết Bộ trưởng Mattis sẽ sớm tiến cử một ứng viên khác với Tổng thống Trump cho vị trí này.

Ông Viola là một cựu chiến binh lục quân, và là người sáng lập một công ty thương mại điện tử. Ông từng là Chủ tịch của Sở giao dịch chứng khoán New York Mercantile.

Tốt nghiệp trường Võ bị Quốc gia West Point của Hoa Kỳ, ông từng phục vụ trong Sư Đoàn 101 Không Kỵ. Cách đây 14 năm, ông sáng lập và giúp tài trợ Trung tâm Chống Khủng bố ở West Point. - VOA



No comments:

Post a Comment