Tin Thế Giới
1.
Bắc Kinh: Washington chớ thách thức chủ quyền TQ
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Tư 15/2 cảnh báo Washington chớ thách thức chủ quyền của nước này, một động thái nhằm phản ứng lại các báo cáo cho rằng Hoa Kỳ đang hoạch định các cuộc tuần tra hải quân mới trên các vùng biển đang trong vòng tranh chấp trên Biển Đông.
Hôm Chủ Nhật, tờ Navy Times dẫn lời các giới chức quốc phòng Mỹ không cho biết tên, cho hay Chỉ huy hải quân Mỹ và Tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương đang cân nhắc việc tiến hành các cuộc tuần tra mới của nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải trên tuyến thủy lộ đông tàu bè qua lại này.
Phản ứng trước tin này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói tình hình căng thẳng ở Biển Đông đã ổn định lại nhờ các nỗ lực của Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Ông kêu gọi các nước ngoài, kể cả Hoa Kỳ, hãy tôn trọng điều này.
Tại cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Tư, ông Cảnh nói: “Chúng tôi kêu gọi Hoa Kỳ chớ thực hiện bất kỳ hành động nào để thách thức chủ quyền và an ninh của Trung Quốc”.
Lần gần đây nhất Hoa Kỳ thực hiện hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông là tháng Mười 2016, khi Washington đưa tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Decatur đi ngang qua khu vực gần quần đảo Hoàng Sa và trong vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Ông Dave Bennett, một phát ngôn viên của nhóm hàng không mẫu hạm tiêm kích, nói họ không thảo luận về các hoạt động tương lai của các đơn vị của Mỹ. - VOA
|
|
2.
Nga khẳng định không trao trả lại Crimea
Nga ngày 15/2 tuyên bố sẽ không trả Crimea cho Ukraine hay thảo luận về vấn đề này với các đối tác nước ngoài sau khi Tòa Bạch Ốc lên tiếng rằng Tổng thống Donald Trump kỳ vọng bán đảo ở Hắc Hải bị Nga sáp nhập này sẽ được trả lại.
Nga nói đại đa số người dân Crimea đã bỏ phiếu trở thành một phần của Nga trong cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2014.
Ukraine nói cuộc trưng cầu dân ý đó là giả hiệu, được tổ chức dưới họng súng sau khi binh sĩ Nga sáp nhập bán đảo Crimea bất hợp pháp và rằng Moscow nên trao trả lại cho Ukraine.
“Chúng tôi không trả lại lãnh thổ của chính mình. Crimea là lãnh thổ thuộc Liên bang Nga," phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, khẳng định tại cuộc họp báo ngày 15/2.
Một ngày trước, phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc Sean Spicer cho biết Tổng thống Trump muốn quan hệ tốt đẹp với Nga nhưng kỳ vọng Moscow giao trả Crimea lại cho Ukraine.
Đáp lại, người phát ngôn điện Kremlin, Dmitry Peskov, nói Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giải thích tại sao Crimea lại quay về phía Nga.
“Chủ đề trả lại Crimea sẽ không được thảo luận… Nga không bàn về toàn vẹn lãnh thổ với các đối tác nước ngoài,” ông Peskov khẳng định. - VOA
|
|
3.
Ấn Độ sẽ bán tên lửa cho Việt Nam, dù Trung Quốc tức giận
New Delhi hiện đang đàm phán với Hà Nội về hợp đồng bán các tên lửa tầm ngắn của Ấn Độ cho Việt Nam, cho dù biết rằng việc này sẽ khiến Trung Quốc tức giận.
Hôm qua, 15/02/2017, chủ tịch Tổ chức Phát triển và Nghiên cứu Quốc phòng DRDO, ông S. Christopher, cho biết là Ấn Độ đang đàm phán với Việt Nam, cũng như với một số nước khác, về hợp đồng bán các giàn tên lửa địa đối không Akash. Ông Christopher thông báo như trên bên lề cuộc triển lãm Aero India 2017, nơi mà tổ chức DRDO giới thiệu các chương trình phát triển tên lửa và các dự án khác, như chiến đấu cơ hạng nhẹ sản xuất nội địa.
Việc đám phán bán tên lửa Akash cho Việt Nam là theo đúng chiều hướng mà thủ tướng Narendra Modi mong muốn, đó là đưa Ấn Độ thành một trong những quốc gia hàng đầu về xuất khẩu vũ khí.
Hiện giờ chưa biết là New Delhi sẽ bán cho hải quân Việt Nam bao nhiêu dàn tên lửa Akash, nhưng đây sẽ là lần đầu tiên Ấn Độ bán loại tên lửa này cho một nước khác. New Delhi cũng đã xem xét khả năng bán tên lửa siêu thanh Brahmos, có tầm bắn 290 km, cho Việt Nam và cũng đang nỗ lực giúp Việt Nam tăng cường khả năng phòng thủ.
Vào đầu tháng này, một quan chức quốc phòng Ấn Độ, khi được hỏi về việc cung cấp các tên lửa Akash và Brahmos cho Hà Nội, đã nói với Quốc Hội biết rằng : ”Ấn Độ và Việt Nam là đối tác chiến lược. Hợp tác quốc phòng, trong đó có việc cung cấp thiết bị quốc phòng, là một khía cạnh quan trọng của quan hệ đối tác này.”
Năm ngoái, thủ tướng Modi đã loan báo cấp cho Việt Nam khoản tín dụng 500 triệu đôla để mua các thiết bị quốc phòng, trong đó 100 triệu đôla là để mua các tàu tuần tra. Hai bên cũng đã đồng ý về kế hoạch huấn luyện cho phi công Việt Nam lái các chiến đấu cơ Su-30 của Nga.
Hiện giờ Hà Nội đang cố xây dựng một lực lượng đủ mạnh để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động nhằm áp đặt chủ quyền của họ lên Biển Đông. Theo các chuyên gia, Việt Nam hiện đang tìm mua các chiến đấu cơ phản lực và các hệ thống tên lửa tối tân hơn, ngoài các tàu ngầm hạng Kilo mua của Nga.
Chính vì vậy mà việc Ấn Độ, một quốc gia cũng có tranh chấp biên giới với Trung Quốc, bán tên lửa cho Việt Nam chắc chắn sẽ gặp phản ứng mạnh từ Trung Quốc. - RFI
|
|
4.
Mỹ yêu cầu các thành viên NATO tăng đóng góp tài chính
Hôm qua, 15/02/2017, trong chuyến thăm đầu tiên tới Bruxelles và tham dự cuộc họp với các bộ trưởng Quốc Phòng của các nước thành viên Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương - NATO, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis đã trấn an các nước đồng minh là Hoa Kỳ vẫn ở lại NATO, nhưng ông Mattis cũng cứng rắn yêu cầu các nước tăng chi phí quân sự.
Từ Bruxelles, thông tín viên RFI Joanna Hostein gửi về bài tường trình:
"Ngày thứ Tư, 15/02, ở Bruxelles, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis thông báo là người Mỹ vẫn ở lại Liên Minh, nhưng không phải là một cách vô điều kiện. Ông chủ Lầu Năm Góc phát biểu với báo giới : « NATO vẫn là trụ cột của Hoa Kỳ và toàn thể cộng đồng các nước hai bên bờ Đại Tây Dương. Tổng thống Trump đã nói điều ấy. Tổng thống ủng hộ mạnh mẽ Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương. Nhưng tôi nghĩ ông ấy có lý khi yêu cầu các nước được hưởng hệ thống quốc phòng tốt nhất thế giới phải đóng góp trách nhiệm để bảo vệ tự do ».
Còn trong buổi họp kín, James Mattis tỏ ra cứng rắn hơn. Theo ông Mattis, các nước thành viên NATO phải chia sẻ nhiều hơn về tài chính, nếu không Hoa Kỳ có thể sẽ giảm phần đóng góp.
Hiện tại, Hoa Kỳ gánh tới gần ba phần tư tổng chi phí quân sự của NATO. Tân chính quyền Trump muốn nhắm tới các nước không tuân thủ mục tiêu chi 2% tổng giá trị sản phẩm quốc nội cho quốc phòng, cụ thể là 23 trong số 28 nước, trong đó có Pháp, Đức, nhưng đặc biệt là Tây Ban Nha và Ý". - RFI
|
|
5.
Trump: "Hai nhà nước Israel-Palestin không là giải pháp duy nhất"
Trong cuộc buổi họp báo ngắn gọn hôm qua, 15/02/2017, với thủ tướng Israel, tổng thống Mỹ tuyên bố « giải pháp hai Nhà nước » để giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine không phải là con đường duy nhất để tái lập hòa bình. Cuộc họp báo được đánh giá là rất khôn khéo, tổ chức trước cuộc làm việc song phương, đã cho phép lãnh đạo hai bên né tránh được nhiều câu hỏi của báo giới.
Thông điệp nổi bật mà tổng thống Donald Trump muốn truyền đi qua buổi họp báo tại Nhà Trắng là « tình hữu nghị không hủy hoại được » giữa Israel và Hoa Kỳ, cũng như quan hệ thân hữu cá nhân với thủ tướng Benjamin Netanyahu. Từ Washington, thông tín viên RFI Anne-Marie Capomaccio tường trình :
"Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao nhau và không ngừng thể hiện điều này trước báo giới và toàn thế giới. Bầu không khí đã thay đổi đối với ông Benyamin Netanyahu ở Nhà Trắng và trong cả bài diễn văn của tổng thống Mỹ. Qua rồi những lời phát biểu của Barack Obama hay George Bush, mang chút hơi hướng giáo huấn về việc cần phải tính đến những mong mỏi của người dân Palestine.
Giải pháp « hai nhà nước » không còn là một đòi hỏi nữa, như lời phát biểu của tổng thống Donald Trump : « Tôi nghĩ đến hai nhà nước hay một nhà nước… và tôi thích giải pháp mà hai bên sẽ lựa chọn… Tôi sẽ hài lòng với quyết định mà hai bên thỏa mãn… ».
Trong khi tổng thống Donald Trump phát biểu, thủ tướng Benjamin Netanyahu cười tươi, tỏ ra thuyết phục.
Dĩ nhiên, tổng thống Mỹ yêu cầu vị khách mời của Nhà Trắng « giảm tốc độ xây dựng các khu định cư », dù không đưa ra giải thích cụ thể. Một câu nói có thể phục vụ chính sách đối nội của thủ tướng Israel…
Sự tâm đầu ý hợp được thể hiện rõ, hai phu nhân và cô con gái Ivanka Trump của tổng thống Mỹ đứng hàng đầu bên cạnh người chồng Jared Kushner, xuất thân từ một gia đình thân với nhà Netanyahu.
Điều này được khẳng định qua lời phát biểu của thủ tướng Israel : « Jared, liệu bác có thể nói là bác biết cháu từ khi nào không nhỉ ? Cậu ấy chưa bao giờ bé nhỏ cả ! Cậu ấy luôn lớn hơn so với tuổi ».
Jared Kushner có thể sẽ phụ trách hồ sơ Israel-Palestine ở Nhà Trắng. Chính người con rể của tổng thống Mỹ chuẩn bị cuộc gặp này và dường như cũng là người đã yêu cầu hoãn việc chuyển sứ quán Mỹ đến Jerusalem. Đây là một nhượng bộ nhỏ để tránh cản trở tương lai". - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
6.
Quan hệ căng thẳng giữa Tổng thống Trump và giới truyền thông
Trong tư cách là một ứng cử viên tổng thống, ông Donald Trump đã nhiều lần tấn công giới truyền thông và coi đây như một tâm điểm trong chiến dịch vận động tranh cử của ông. Nhiều người trông đợi ông sẽ có thái độ mềm mỏng hơn với báo giới một khi ông đã lên nắm quyền. Nhưng như lời tường thuật của Thông tín viên Bill Gallo của Đài VOA, thì cho tới nay chưa có chứng cớ nào cho thấy là quan hệ giữa ông Trump với giới truyền thông báo chí sẽ cải thiện.
Phát biểu của ông Donald Trump chê bai một cơ quan truyền thông lớn của Mỹ trong một cuộc họp báo, được đưa ra khi ông từ chối trả lời câu hỏi của một nhà báo của hãng tin liên hệ, nói rằng “cơ quan của ông thật là tệ hại”. Câu nói này thể hiện sự đối đầu giữa ông Trump với truyền thông báo chí, một sự đối đầu mà đôi khi làm ông Trump cảm thấy hưng phấn.
“Tôi sẽ không cho ông đặt câu hỏi. Không, Tôi không cho ông đặt câu hỏi.”
Chỉ vào nhà báo nọ, ông Trump nói:
“Các ông loan tin giả.”
Ông Trump xung đột với giới truyền thông gần như mỗi ngày. Ông thường miêu tả truyền thông là “không đáng tin cậy” và chỉ chực tấn công ông.
Ông thừa nhận là có hiềm khích với giới truyền thông:
“Như các bạn biết đấy, tôi đang trong một cuộc chiến kéo dài với truyền thông. Họ nằm trong số những kẻ bất lương nhất trên trái đất.”
Các Tổng thống Mỹ thường đối đầu với báo giới, nhưng nỗi ám ảnh của ông Trump liên quan tới giới truyền thông đã được nâng lên một tầm cao mới, theo Giáo sư Steven Roberts thuộc trường đại học George Washington.
“Tôi đã tường thuật về các vấn đề chính trị ở Washington từ năm 1964, phải nói là tôi chưa từng gặp bất cứ một nhân vật của công chúng nào bị ám ảnh tới dường này về những tường trình của truyền thông báo chí.”
Ông Trump có một quá trình lâu dài là tâm điểm thu hút sự chú ý của truyền thông, và thường sử dụng sự chú ý đó vào các mục đích riêng của ông.
Trong cuốn sách “The Art of the Deal”, tạm dịch là “Nghệ thuật Thương lượng”, xuất bản vào năm 1987, ông Trump nói:
“Một điều mà tôi đã học về truyền thông báo chí là họ luôn luôn khát tin, một câu chuyện hấp dẫn, và càng tình tiết ly kỳ chừng nào, tốt chừng ấy.”
Ông Trump nói ông chỉ trả đũa, và chỉ tấn công giới truyền thông khi nào ông bị họ tấn công trước mà thôi. Nhưng sẽ là một sai lầm nếu ta nhìn sự việc theo quan điểm đó của ông, theo bà Gwenda Blair, người viết tiểu sử ông Trump, trong một cuộc trao đổi qua Skype với VOA.
“Điều rất dễ quên là ông Trump yêu thích đấu tranh. Ông thích các vụ đối đầu. Ông ta yêu cái môi trường đầy xung đột, hung hăng, căng thẳng này. Thế cho nên nhiều người cứ tin là “ồ, ông ta phải đáp lại một động thái nào đó, rồi mọi sự theo cách nào đó, sẽ trở lại bình thường”. Không, không phải vậy đâu. Đối với ông Trump, đó là điều bình thường. Đó là môi trường trong đó ông cảm thấy thoải mái.”
Hiện không rõ liệu chiến lược đó của ông Trump có sẽ thành công trong Toà Bạch Ốc hay không. Từ khi lên nắm quyền, mức độ ủng hộ dành cho ông đã tuột dốc. Tuy vậy một cuộc thăm dò thực hiện hồi gần đây cho thấy là có nhiều người Mỹ hơn tin vào chính quyền của ông Trump, hơn là tin truyền thông báo chí. - VOA
|
|
7.
Ứng viên Bộ trưởng Lao động Mỹ rút lui
Ứng viên được Tổng thống Mỹ đề cử làm Bộ trưởng Lao động ngày 15/2 rút tên ra khỏi danh sách được cất nhắc giữa những quan ngại rằng ông có thể không hội đủ phiếu của Thượng viện để được chuẩn thuận.
Quyết định của ông Andrew Puzder là một ‘đòn giáng’ mới cho tân Tổng thống Donald Trump sau vụ cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn từ chức đầu tuần này, chưa đầy 1 tháng sau khi nhận nhiệm sở.
Ông Puzder, giám đốc điều hành chính của chuỗi nhà hàng CKE, là tâm điểm của một loạt các tranh cãi và khiếu nại.
Trước đây trong tháng này, ông đã thừa nhận rằng ông cùng vợ đã thuê mướn một người giúp việc nhà không có giấy tờ.
Thời gian gần đây, ông cũng đối mặt với nhiều khiếu nại và các vụ kiện tụng từ các công nhân phản đối công việc kinh doanh của ông.
“Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng và bàn thảo với gia đình, tôi rút lui khỏi vị trí đề cử làm Bộ trưởng Lao động,” ông Puzder loan báo trong một thông cáo.
Quyết định này được đưa ra chỉ một ngày trước khi diễn ra buổi điều trần tại Thượng viện để biểu quyết chuẩn thuận ông. - VOA
|
|
8.
Phó Đô đốc Harward được đề cử thay Flynn
Chính quyền ông Trump đã đề nghị Phó Đô đốc Robert Harward điền thế ông Michael Flynn, người vừa từ chức cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc, hai giới chức thạo tin cho Reuters biết hôm 15/2.
Ông Harward là một cựu phó Tư lệnh Bộ chỉ huy quân sự Hoa Kỳ vùng Trung Đông-Bắc Phi-Trung Á có nhiều kinh nghiệm chiến đấu trong lực lượng SEAL của Hải quân. Chưa rõ ông có chấp thuận đề nghị của ông Trump hay chưa.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc cũng chưa đưa ra bình luận về việc này.
Ông Flynn từ chức hôm thứ Hai sau khi có tiết lộ là ông đã thảo luận với Đại sứ Nga tại Mỹ về việc chế tài đối với Moscow trước khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức.
Cố vấn an ninh quốc gia từ chức chẳng bao lâu sau khi nhậm chức gây khó xử cho tân Tổng thống Trump, người đặt vấn đề an ninh quốc gia làm ưu tiên hàng đầu trong nghị trình làm việc.
Phó Đô đốc Harward, sinh quán tại tiểu bang Rhode Island đã đi học tại Tehran trước khi Quốc vương nước này bị lật đổ vào năm 1979. Ông Harward đã phục vụ tại Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống Cộng hòa George W. Bush với trách vụ chống khủng bố. Ông cũng có kinh nghiệm chiến đấu với những toán SEAL, cũng như từng phục vụ tại Iraq và Afghanistan.
Ông Harward hiện là một giám đốc của nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin với trách nhiệm điều hành công việc của công ty tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất ở Trung Đông. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
9.
Tình tiết mới trong vụ ám sát gây ‘rúng động’ người Việt --- Vụ Kim Jong Nam ảnh hưởng đến quan hệ của Việt Nam ra sao? --- TQ tăng binh sĩ ở biên giới Bắc Triều Tiên sau vụ ám sát
Vụ bắt giữ một cô gái mang giấy tờ Việt Nam được cho là có dính líu tới vụ ám sát anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un gây “chấn động” người Việt sinh sống và làm việc ở Malaysia, trong khi cảnh sát nước này cho biết đã bắt thêm hai người khác.
Tin mới nhất từ Kuala Lumpur hôm 16/2 cho biết rằng thêm hai nghi can, một nữ công dân Indonesia và bạn trai người Malaysia, đã bị bắt giữ, đưa số người bị bắt vì bị nghi dính líu tới vụ sát hại ông Kim Jong Nam lên ba người.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi chính thức xác nhận rằng nạn nhân bị sát hại ở phi trường quốc tế ở thủ đô Kuala Lumpur là người anh em bị ông Kim Jong Un ghẻ lạnh bấy lâu nay, đồng thời cho biết thêm rằng nước ông sẽ trao thi thể ông Jong Nam cho phía Bình Nhưỡng sau khi kết thúc các thủ tục cần thiết, theo AP.
Ông Hamidi cũng cho biết rằng người anh trai cùng cha khác mẹ của ông Jong Un mang theo hai loại giấy tờ tùy thân, một thật và một giả. Trong khi đó, Việt Nam hôm 16/2 cho biết “đang phối hợp chặt chẽ với phía Malaysia để làm rõ những thông tin liên quan” đến “việc công dân Triều Tiên Kim Chol được cho là bị sát hại tại Malaysia”.
Kim Chol là tên trên hộ chiếu mà ông Kim Jong Nam mang theo người khi tới Malaysia, theo truyền thông Hàn Quốc.
Các quan chức tình báo Hàn Quốc, theo AFP, nói rằng người anh em của lãnh tụ Bắc Hàn đã bị một nhóm người “đầu độc” ngay giữa thanh thiên bạch nhật khi đang chuẩn bị bắt chuyến bay tới Macau hôm 14/2.
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc hôm 16/2 dẫn lời nguồn tin tình báo nói rằng lãnh tụ trẻ tuổi của Bắc Hàn Kim Jong Un “đã ra chỉ thị giết người anh trai” kể từ năm 2011 sau cái chết bất ngờ của người cha, ông Kim Jong Il. Ngoài ra, tin cho hay, từng xảy ra một vụ ám sát hụt năm 2012. Phía Bình Nhưỡng chưa có phản ứng về thông tin này.
Về việc một cô gái mang giấy tờ Việt Nam mà cảnh sát Malaysia thông báo là Doan Thi Huong, 29 tuổi, từ Nam Định, Việt Nam, bị bắt vì nghi dính líu tới vụ ám sát, chị Thảo Nguyễn, đang sinh sống và làm việc ở tỉnh Johor, miền nam Malaysia, cho VOA Việt Ngữ biết rằng chị “không thể tin nổi”.
Chị nói thêm: “Nhiều người cũng quan tâm. Nhiều người người ta theo dõi cái chi tiết, cái cụ thể, cái sự việc. Nó rất là hoang đường. Một người Việt của mình mà tại sao lại dính líu tới vụ án nghiêm trọng như thế? Không biết trong nội tình nó như thế nào”.
Chị Thảo nói thêm rằng qua thông tin chị đọc được trên mạng, tình tiết của vụ án “giống như là bị oan hoặc là bị người ta gài hay sao ấy”.
Hiện có nhiều thông tin trái ngược trên các trang báo điện tử của Malaysia về việc bà Doan Thi Huong bị lừa tham gia vào vụ ám sát. Chính quyền Kuala Lumpur chưa khẳng định hay bác bỏ thông tin này.
Reuters dẫn lời hãng tin Bernama cho biết rằng người phụ nữ mang giấy tờ Việt Nam bị bắt khi đang tìm cách rời Malaysia qua cửa dành cho những người sử dụng hàng không giá rẻ.
Trang Facebook của Cảnh sát Quốc gia Malaysia có dẫn lại một bài báo có đăng hình ảnh cắt từ camera an ninh, cho thấy một người phụ nữ tóc ngắn ngang vai mặc một chiếc áo có chữ “LOL” (viết tắt của từ tiếng Anh thể hiện cảm xúc vui tươi), được cho là bà Doan Thi Huong.
Công dân Việt Nam?
Lực lượng giữ gìn an ninh trật tự của Malaysia được AP dẫn lời cho biết đang xác minh sự xác thực của giấy tờ của bà Huong cũng như hai người mới bị bắt. Trong tuyên bố ngày 16/2, chính phủ Việt Nam cũng không khẳng định nghi can có tên Doan Thi Huong là công dân Việt Nam.
Malaysia là một trong những thị trường xuất khẩu lao động lớn của Việt Nam ở Đông Nam Á. Theo Cục Quản lý Lao động Ngoài nước thuộc Bộ Lao động và Thương binh Xã hội, hiện có khoảng 80.000 lao động Việt Nam làm việc tại đó.
Anh Nguyễn Vô Thường, một người làm dịch vụ đưa đón khách du lịch ở Kuala Lumpur, cho VOA Việt Ngữ biết rằng cộng đồng người Việt ở thủ đô Malaysia cũng quan tâm tới vụ việc, nhất là chuyện cô gái đó “có theo một nhóm nào đó hay không”.
Anh nói thêm về tình hình cộng đồng người Việt hiện nay ở Malaysia: “Người Việt ở bên đây cũng lộn xộn. Cũng có nhiều vụ việc liên quan tới người Việt mình. Cướp giật cũng có. Người Việt giết người Việt luôn cũng nhiều. Bạn bè giết nhau. Mâu thuẫn rồi giết nhau là có. Tình cảm cũng có”.
“Không bất ngờ”
Chính vì từng xảy ra nhiều vụ việc như thông tin anh Thường nêu, nên chị Kim Huệ, một người Việt kinh doanh nhỏ lẻ ở tỉnh Penang, Malaysia, cho VOA Việt Ngữ biết rằng chị không bất ngờ khi nghe tin người có thể là công dân Việt dính líu tới vụ giết hại anh trai của lãnh tụ Bắc Hàn.
Chị nói thêm: “Bên Mã Lai (Malaysia) thì những vụ đó, thú thật, xảy ra thường xuyên. Nói chung người Việt mình ở đâu cũng phức tạp hết. Con trai thì rượu chè, cờ bạc nọ kia, còn con gái thì á… Nói tóm lại, ai suy nghĩ được thì công việc tốt, còn không suy nghĩ được thì khổ, thế thôi. Người Việt mình nói chung đi đến đâu bớt được ít nào hay ít đấy. Tránh được ai thì hay người đó”.
Báo chí Malaysia và Việt Nam trong thời gian qua đưa tin về nhiều vụ vi phạm pháp luật liên quan tới người Việt. Có thể tìm thấy những hàng tít như: “Người Việt bị đồng hương đâm chết ở Malaysia”, “Một người Việt bị chém chết ở Malaysia” hay “Malaysia bắt 47 người Việt sau đợt truy quét lớn”, "Malaysia bắt 18 cô gái Việt trong động mại dâm"…
Khi được hỏi vụ nữ nghi can mang giấy tờ Việt Nam bị bắt ảnh hưởng ra sao tới hình ảnh của người Việt ở Malaysia, chị Thảo Nguyễn cho rằng người địa phương sẽ nhìn người Việt bằng “cái nhìn khác nữa”.
Chị nói tiếp: “Dân ở bên đây nó nhìn người Việt mình không bằng nửa con mắt. Nó coi người Việt mình không ra cái gì. Thêm một cái vụ này chị thấy người Việt mình sống ở bên đây rất là thiệt thòi về cái mặt tinh thần với lại cách đối xử của người bản xứ với người dân của mình khi mà họ qua đây họ làm. Đó là thật lòng. Cái bản năng của chị suy nghĩ như thế”. - VOA
***
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng một ngày sau khi báo chí quốc tế nói một phụ nữ mang giấy tờ Việt Nam bị bắt ở Malaysia vì liên quan đến vụ ám sát anh trai của lãnh tụ Bắc Triều Tiên.
Hôm 16/2, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Trà nói tại một cuộc họp báo:
"Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với phía Malaysia để làm rõ những thông tin liên quan". Bà cũng khẳng định: "Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các nước trong công tác phòng chống, đấu tranh với các loại tội phạm".
Tuyên bố của bà Trà và tin tức trên báo chí trong nước đăng lại sau đó không có một chữ nào nhắc đến việc cảnh sát Malaysia ra thông báo hôm 15/2, nói rằng họ đã bắt một nữ nghi phạm mang giấy thông hành Việt Nam, với danh tính là Doan Thi Huong, sinh ngày 31/5/1988, quê Nam Định.
Cho dù Bắc Triều Tiên đã xác nhận rằng người đàn ông mới bị giết tại Malaysia là ông Kim Jong Nam, anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, song tại cuộc họp báo ở Hà Nội, người phát ngôn Bộ Ngoại giao vẫn chỉ dùng cụm từ “công dân Triều Tiên Kim Chol” khi nói về vụ việc này.
Bà Nguyễn Phương Trà nói Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành vi tội phạm dưới mọi hình thức và mọi mục đích.
Tin tức mới nhất cho hay đến thời điểm này cảnh sát Malaysia đã bắt giữ 3 nghi phạm trong đó có 2 nữ, 1 nam. Trong số này, 1 nữ nghi phạm mang giấy tuỳ thân Việt Nam, 1 nữ nghi phạm mang giấy tờ Indonesia. Nam nghi phạm được cho là bạn trai của 1 trong 2 nữ nghi phạm.
Khác với Việt Nam, Indonesia xác nhận một trong các nữ nghi phạm là công dân nước này và cho biết đang yêu cầu được tiếp cận lãnh sự để hỗ trợ pháp lý.
Sự xuất hiện của một cái tên Việt Nam trong vụ án gây chấn động thế giới này dẫn đến nhiều người đặt ra câu hỏi quan hệ của Việt Nam với các nước liên quan sẽ bị ảnh hưởng ra sao.
Ông Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế, bình luận với VOA rằng những diễn biến đã được đưa tin chỉ là “cái ngọn” trong khi gốc của vấn đề là “ai được lợi khi ông Kim Jong Nam bị giết”.
Theo Tiến sĩ Trường, Việt Nam “không đứng sau” và không bị ảnh hưởng bởi vụ này:
“Theo tôi Việt Nam không có lợi ích gì trong việc tiêu diệt, giết nhân vật như vậy liên quan đến CHDCND Triều Tiên. Ở đây có mấy người có thể cần phải nghi vấn. Thứ nhất là Bình Nhưỡng. Thứ hai là Bắc Kinh. Thứ ba là Hàn Quốc. Thứ tư là Nhật Bản. Rồi thứ năm mới đến các nhân tố khác. Nhưng mà theo tôi ở đây người đứng đằng sau thì liên quan nhiều đến Bình Nhưỡng, bởi vì đây là một lá bài của Trung Quốc. Các cơ quan tình báo của Trung Quốc từng đã nói với Bình Nhưỡng là ông Kim Jong Nam là bạn của Trung Quốc, vì vậy đừng có đụng vào. Thế thì bây giờ ai đụng vào con bài này của Trung Quốc? Con bài của Trung Quốc dùng để làm gì? Tại sao lại có một thế lực muốn diệt con bài mà Trung Quốc xem là bạn của mình? Còn tôi nghĩ chuyện này không ảnh hưởng gì đến quan hệ giữa Việt Nam với Malaysia và Trung Quốc. Và theo tôi cái này không có vai trò của Việt Nam, không có lợi ích của Việt Nam và không ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế của Việt Nam”.
Vị chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế đặt ở Hà Nội cho rằng vụ ám sát ông Kim Jong Nam sẽ ảnh hưởng đến cặp quan hệ Bình Nhưỡng-Bắc Kinh. Tiến sĩ Trường cũng thận trọng nói thêm rằng “nhiều vấn đề sẽ vĩnh viễn không có lời giải đáp”. - VOA
***
Trung Quốc nói nước này đang nâng cao cảnh giác và theo dõi sát vụ ám sát anh trai của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Hãng tin UPI tường thuật Bắc Kinh hình như đã điều thêm binh sĩ đến khu vực biên giới với Bắc Triều Tiên như một biện pháp phòng hờ.
Tại cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Tư (15/2), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng chính quyền Trung Quốc “đang theo dõi sát các thông tin” liên quan đến vụ ám sát ông Kim Jong Nam.
Ông Cảnh Sảng phát biểu:
“Chúng tôi rất quan tâm đến diễn tiến của vụ án”, phát ngôn viên Trung Quốc nói thêm rằng ông không thể xác nhận liệu gia đình ông Kim có mặt ở Macau, cũng là một đặc khu hành chính của Trung Quốc, hay không.
Theo cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc thì ông Kim Jong Nam, 45 tuổi, có 2 gia đình riêng rẽ ở Trung Quốc, Người vợ đầu tiên của ông và con trai sống ở Bắc Kinh, trong khi người bạn đời thứ hai sống với hai con, một trai và một gái, ở Macau.
Theo Trung tâm Thông tin Nhân quyền và Dân chủ, một tổ chức phi chính phủ tại Hồng Kông, quyết định tăng quân của Trung Quốc tại biên giới với Bắc Triều Tiên là vì Trung Quốc lo ngại bất ổn có thể xảy ra sau vụ án mạng này.
Tờ báo Oriental Daily News của Hồng Kông đưa tin Trung Quốc đã triển khai 1.000 binh sĩ tới khu vực. Tin này đã được người dân địa phương xác nhận. Nhưng Bắc Kinh không có thông báo chính thức gì về động thái quân sự mới nhất. - VOA
|
|
10.
Tổng Bí thư Trọng muốn làm rõ tài sản của Thứ trưởng Thoa
Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng vừa yêu cầu hàng loạt cơ quan thuộc Đảng và Chính phủ 'làm rõ nội dung' truyền thông đưa về khối tài sản hàng trăm tỉ đồng của một thứ trưởng Bộ Công thương.
Công văn từ Văn phòng Trung ương Đảng đề cập tới một loạt bài báo trong giai đoạn từ ngày 11 tới 16 tháng Hai đặt câu hỏi về khối tài sản của Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa.
"Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Ủy ban kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp Ban tổ chức Trung ương, Ban nội chính Trung ương, Ban cán sự Đảng, Bộ Kế hoạch - đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Thanh tra Chính phủ khẩn trương kiểm tra, thanh tra, xem xét, kết luận những nội dung mà các bài báo đã nêu và những vấn đề khác có liên quan và sớm báo cáo kết quả với Ban bí thư".
"Yêu cầu Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật có liên quan để sớm sửa đổi hoặc kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện các quy định, khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý; lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phòng, chống thất thoát tài sản của Nhà nước, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước," truyền thông trong nước trích dẫn công văn này.
Mới đây Bộ Công Thương đưa ra thông tin về tài sản gia đình Thứ trưởng Thoa tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang theo đó cho biết trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công Thương vào năm 2010, bà Thoa đã có 18 năm công tác tại công ty này.
Truyền thông trong nước mô tả số cổ phần (mã chứng khoán DQC của công ty Điện Quang) mà bà Thoa đang sở hữu là số cổ phần có được "từ trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công Thương" và đã được "kê khai đầy đủ".
Bà Hồ Thị Kim Thoa đang nắm giữ 1,6 triệu cổ phiếu DQC, tương ứng 91,1 tỷ đồng tính đến thời điểm Thời báo Kinh tế Việt Nam đưa tin vào ngày 10/2.
"Con gái lớn của bà Thoa là Nguyễn Thái Nga hiện là thành viên Hội đồng Quản trị, Phó giám đốc Điện Quang, nắm số cổ phiếu trị giá 223 tỷ đồng. Con gái thứ hai Nguyễn Thái Quỳnh Lê cũng nắm số cổ phiếu DQC tương ứng 120,4 tỷ đồng.
"Ông Hồ Quỳnh Hưng, em trai bà Thoa, hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Điện Quang, nắm số cổ phiếu trị giá 136 tỷ đồng. Bà Trần Thị Xuân Mỹ, mẹ của bà Thoa, cũng đang nắm số cổ phiếu trị giá 66 tỷ đồng.
"Ngoài ra, một anh trai của bà Thoa là ông Hồ Đức Lam cũng đang nắm giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Rạng Đông. Ông Lam sở hữu khối tài sản chứng khoán trị giá 290 tỷ đồng tại đây. Các con trai của ông Lam cũng giữ chức vụ quan trọng tại Nhựa Rạng Đông.
"Cả Điện Quang và Nhựa Rạng Đông đều đã thực hiện cổ phần hoá, bán vốn Nhà nước và niêm yết trên sàn chứng khoán," báo này cho biết. - BBC
|
|
11.
TQ đòi VN xin lỗi người 'bị biên phòng Móng Cái đánh'
Chính phủ Trung Quốc yêu cầu Việt Nam xin lỗi công dân của họ mà họ nói đã bị cán bộ biên phòng Móng Cái đánh hôm 7/2 khi không chịu đưa tiền.
Vụ này, theo phía Trung Quốc, đã "gây công phẫn trong cộng đồng mạng" Trung Quốc.
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc cho hay một công dân Trung Quốc, tên là Xie, bị ít nhất tám nhân viên biên phòng ở cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, đánh đập khi người này xuất cảnh hôm 7/2 sau chuyến sang Việt Nam chụp ảnh cưới.
Nguyên do, theo phía Trung Quốc, là vì ông Xie từ chối đưa tiền mà cán bộ Việt Nam vòi vĩnh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói hôm thứ Năm 16/2 người phụ trách Cục Lãnh sự thuộc bộ này có cuộc gặp với Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh Đặng Minh Khôi để "một lần nữa bày tỏ quan điểm cứng rắn của chúng tôi".
Ông Cảnh nói: "Trung Quốc yêu cầu Việt Nam xin lỗi và bồi thường cho nạn nhân, xử lý nghiêm khắc những người liên quan và có biện pháp hữu hiệu để bảo đảm việc này không tái diễn".
Ông cho biết thêm là phía Việt Nam đã đình chỉ công tác tám người trong vụ này.
Đại diện tỉnh Móng Cái trong một cuộc phỏng vấn với BBC bác bỏ đã có việc đánh công dân Trung Quốc và chỉ nói đã xảy ra giằng co.
Tuy nhiên Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 15/2 nói với báo giới rằng họ đang "làm rõ vụ việc và sẽ giải quyết theo đúng bản chất sự việc".
Trước đó truyền thông Trung Quốc đưa tin, ông Xie Feng (không phải tên thật), 28 tuổi, cùng mẹ là bà Chen và vợ chưa cưới là cô Ren Lili (không phải tên thật) vào Việt Nam hôm 25/1. Cô Ren nói với tờ Beijing Times họ đã đưa khoản tiền là 330 Nhân dân tệ (khoảng 48 USD) cho nhân viên cửa khẩu.
Đến lúc về, khi được yêu cầu trả tiền, Xie đã rời cơ quan hải quan Móng Cái và chuẩn bị gọi điện cho người bạn để hỏi xem có đúng họ cần trả tiền lần nữa không.
"Người phụ nữ yêu cầu chúng tôi trả tiền bắt đầu hô to điều gì đó bằng tiếng Việt, và bảy tám cán bộ biên phòng xúm vào đánh anh ấy", Cô Ren nói tiếp trên truyền thông Trung Quốc.
Anh Xie bị còng tay và dẫn trở lại nơi làm thủ tục hải quan. Các cán bộ biên phòng buộc chân và đưa Xie lên một phòng ở tầng hai nơi họ tiếp tục đánh anh, cô Ren cho biết.
Sau khi được cho phép qua cửa khẩu vào Trung Quốc trước, cô Ren nhờ các cán bộ biên phòng Trung Quốc trợ giúp. Anh Xie và mẹ sau đó được qua cửa khẩu và anh Xie được đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Móng Cái là một trong các cửa khẩu chính trên biên giới Việt-Trung. Năm 2013, ước tính có hơn 4,4 triệu người Trung Quốc vào Việt Nam qua cửa khẩu này. - BBC
|
|
12.
Ngăn cản người dân vào Nghĩa trang Liệt sĩ Lạng Sơn
Một số người ở Bắc Giang lên Nghĩa trang Liệt sĩ tại Lạng Sơn để viếng một các liệt sĩ bỏ mình trong cuộc chiến biên giới phía bắc năm 1979 bị ngăn chặn.
Nhà hoạt động, thầy giáo Tô Oanh, cho biết như vừa nêu. Theo ông thì vào ngày 14 tháng 2 nhóm của ông gần chục người khi đến cổng Nghĩa Trang Liệt Sĩ thành phố Lạng Sơn thì bị trên 30 chục người khác đến vây lại đòi giấy giới thiệu và sự đồng ý của cơ quan chức năng địa phương mới có thể vào nghĩa trang để thắp hương cho các liệt sỹ.
Việc chụp ảnh từ bên ngoài nghĩa trang cũng bị ngăn chặn.
Thầy giáo Tô Oanh còn cho biết khi họ di chuyển trong địa bàn tỉnh Lạng Sơn, có nhiều người đi xe máy bám theo; ngay cả khi dừng lại để ăn trưa.
Vào tối ngày 16 tháng 2, thầy giáo Tô Oanh cho Đài Á Châu Tự Do biết:
Khi tới đó, vừa dừng xe thì đã có trên 30 cán bộ anh ninh mặc thường phục ập đến vây quanh chúng tôi, trong đó trên một nửa là lực lượng nữ an ninh. Khi chúng tôi xuất trình giấy tờ để vào thắp hương các mộ thì không cho vào, họ đóng cổng, nói muốn vào thì phải liên hệ trước, phải có giấy giới thiệu rồi phải được địa phương đồng ý, chứ không được tự động. Chúng tôi dở máy ảnh ra chụp họ cũng không cho. Tôi có nói là ở đây đâu có ghi là cấm quay phim chụp ảnh, nhưng họ vẫn nói không được.
Trong những ngày vừa qua, hai nhóm tổ chức xã hội dân sự độc lập là Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng ở Sài Gòn và Nhóm No-U ở Hà Nội công khai kêu gọi trên mạng về việc tổ chức tưởng niệm cho đồng bào, binh sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới phía bắc năm 1979.
Trong lời kêu gọi của nhóm No-U có đề nghị chính quyền Hà Nội bảo đảm an ninh, trật tự và ngăn chặn những người gọi là ‘dư luận viên’ đến quấy phá lễ tưởng niệm như từng xảy ra trước đây. - RFA
|
|
13.
Quốc tế lo ngại cho các nhà hoạt động Việt Nam
Ba nhà hoạt động tại Việt Nam bị bắt trong vòng 10 ngày từ 11 đến 21 tháng giêng vừa qua hiện đang bị biệt giam trước khi xét xử. Họ có nguy cơ bị tra tấn và phân biệt đối xử.
Đó là người gồm nhà hoạt động Trần Thị Nga, cựu tù nhân chính trị Nguyễn Văn Oai, và blogger Nguyễn Văn Hóa.
Tổ chức Ân Xá Quốc tế, Amnesty International, hôm qua lên tiếng như vừa nêu và kêu gọi những người quan tâm viết đến cho các cấp lãnh đạo Việt Nam gồm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Ngoại giao kiêm phó thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu trả tự do vô điều kiện cho ba người bị bắt vừa nêu. Bên cạnh đó cần phải bảo đảm không để ba người bị tra tấn và ngược đãi, cho phép họ được tiếp xúc với gia đình, luật sư mà họ đề nghị cũng như được chăm sóc y tế đầy đủ.
Theo Ân Xá Quốc tế thì ba người này chỉ thực thi quyền tự do bày tỏ ý kiến mà thôi.
Nhà hoạt động nữ Trần Thị Nga, thành viên của Hội Phụ nữ Nhân quyền- một xã hội dân sự độc lập, bị bắt tại nhà riêng ở thị trấn Phủ Lý, tỉnh Hà Nam hôm ngày 21 tháng giêng.
Truyền thông nhà nước loan tin bà này bị bắt vì đăng trên mạng những video clip và bài viết có nội dung chống nhà nước. Bà bị cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Hiện bà đang bị giam tại trại giam tỉnh Hà Nam. Nếu bị buộc tội, bà có thể chịu mức án lên đến 20 năm tù.
Ông Nguyễn Văn Oai, cựu tù chính trị và là nhà hoạt động người Công giáo, bị bắt vào ngày 19 tháng giêng. Một ngày sau, công an thông báo cho gia đình ông này là bắt với cáo buộc chống người thi hành công vụ theo điều 257 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Hiện ông bị giam tại trại giam tỉnh Nghệ An.
Blogger Nguyễn Văn Hóa 22 tuổi ở Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh bị bắt vào ngày 11 tháng giêng. Sau 12 ngày, công an Hà Tĩnh mới thông báo cho gia đình biết anh này bị bắt giữ để điều tra về cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ làm phương hại đến quyền lợi nhà nước, quyền và lợi ích công dân’ theo điều 258 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Hiện anh Nguyễn Văn Hóa đang bị giam tại trại Cầu Đông, Hà Tĩnh. - RFA
|
|
14.
Việt-Thái tham khảo chính trị lần 6
Hai bộ ngoại giao Việt Nam và Thái Lan hôm qua tiến hành hội đàm Tham khảo chính trị lần thứ 6 tại thủ đô Bangkok, Xứ Chùa Vàng.
Phái đoàn Việt Nam do thứ trưởng Đặng Đình Quý dẫn đầu cùng hội đàm với bí thư thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan, Busaya Mathelin.
Hai phía thống nhất nhiều biện pháp nhằm tăng cường hợp tác trên lĩnh vực an ninh, quốc phòng, thương mại, đầu tư, giao thông- vận tải, lao động, văn hóa, du lịch, giáo dục, khoa học- công nghệ…
Trong lĩnh vực lao động, hai phía nhất trí đẩy mạnh việc thực thi Thỏa thuận về phái cử lao động trong năm 2017. Còn về thương mại thì phấn đấu đạt mục tiêu 20 tỷ đô la thương mại song phương vào năm 2020.
Nhân dịp này, thứ trưởng ngoại giao Việt Nam Đặng Đình Quý đến chào bộ trưởng ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai và làm việc với thiếu tướng Apisak Sombutcharoennon, giám đốc trung tâm Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Quốc Phòng Thái Lan. - RFA
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9
No comments:
Post a Comment