Saturday, February 11, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 11/2

Tin Thế Giới

1.
Trump-Abe chơi golf, thảo luận thương mại, an ninh --- Mỹ-Nhật: Donald Trump khẳng định lại cam kết bảo vệ Nhật

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa làm việc vừa giải trí trong ngày thứ nhì của cuộc gặp thượng đỉnh tay đôi.

Một ngày sau khi TT Trump tuyên bố tại Toà Bạch Ốc rằng liên minh Mỹ-Nhật là nền tảng của hòa bình tại Đông Á, hai nhà lãnh đạo sáng thứ bảy 11/2 đã tới sân golf của ông Trump gần dinh Mar-a-Lago của ông ở Palm Beach, Florida.

Ngay trước khi đoàn xe của tổng thống đến nơi, xe phải chạy ngang một ngã tư nơi một đám biểu tình khoảng vài chục người giương cao các tấm bảng ghi những khẩu hiệu phản đối, như 'Hãy chấm dứt Hận thù' và 'Phản kháng'.

Hai nhà lãnh đạo đã bắt đầu hai ngày thảo luận từ sáng thứ Sáu ở Toà Bạch Ốc, một cơ hội để củng cố một hiệp ước an ninh lâu đời và thúc đẩy các quan hệ kinh tế.

Ông Abe hôm qua cho biết ông và ông Trump đã đạt thỏa thuận khung về đàm phán kinh tế, ông cho biết Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP sẽ là một trong các chủ đề được thảo luận. Ông Trump trước đó đã nói rằng bất kỳ mối quan hệ thương mại nào giữa hai nước cũng phải "tự do, công bằng và có tính hỗ tương."

Nhật Bản đã bày tỏ quan ngại về tác động đối với Châu Á của quyết định rút khỏi Hiệp định TPP và chính sách "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump có thể gây ra.

Ông Abe bày tỏ hy vọng rằng một gói kích thích kinh tế hỗn hợp sẽ tạo hàng trăm ngàn việc làm tại Hoa Kỳ thông qua các khoản đầu tư công và tư vào hệ thống hạ tầng cơ sở Mỹ.

Cuộc gặp gỡ với Thủ Tướng Nhật lần này là thời gian lâu nhất mà ôngTrump dành cho một nhà lãnh đạo nước ngoài từ khi ông trở thành tổng thống. Đây là cuộc họp mặt tay đôi thứ nhì giữa ông Trump với một đồng minh chính sau khi ông tiếp Thủ tướng Anh Theresa May ở Washington cách đây hai tuần.

Chính phủ của Tổng thống Trump đã tạo một bầu không khí tích cực cho cuộc gặp thượng đỉnh cuối tuần với phát biểu trước khi ông Abe đến Toà Bạch Ốc, khi ông Trump cam kết sẽ chống lại bất kỳ tuyên bố đơn phương nào đe dọa quyền kiểm soát của Nhật Bản đối với các hòn đảo đang trong vòng tranh chấp ở Biển Hoa Đông. - VOA

***
Quan hệ Washington - Tokyo đã có dấu hiệu êm đẹp ngay trong ngày đầu tiên chuyến viến thăm Mỹ của thủ tướng Nhật. Hôm qua, 10/02/2017, sau buổi tiếp thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại Nhà trắng, tổng thống Donald Trump tuyên bố liên minh Mỹ - Nhật là trụ cột của hòa bình và ổn định trong vùng và khẳng định lại cam kết liên minh quân sự giữa hai nước, trong đó nhấn mạnh đến việc bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang có tranh chấp giữa Tokyo và Bắc Kinh.

Trong cuộc họp báo chung với thủ tướng Shinzo Abe tại Nhà trắng, tổng thống Donald Trump đã không nhắc lại những tuyên bố trong chiến dịch vận động tranh cử, mà theo đó ông Trump đã chỉ trích Nhật Bản đã lợi dụng được Mỹ bảo đảm an ninh, để lấn át trong quan hệ làm ăn với Mỹ, và dọa sẽ xem xét lại hiệp ước quân sự giữa hai nước.

Trên cương vị tổng thống Mỹ, ông Trump tuyên bố : « Chúng tôi quyết tâm bảo đảm an ninh của Nhật Bản và toàn bộ các khu vực nằm dưới sự quản lý của chính quyền Nhật và tiếp tục củng cố mối quan hệ liên minh tối quan trọng của chúng tôi ». Tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh : «Mối quan hệ giữa hai nước chúng ta và tình hữu nghị giữa hai dân tộc rất sâu sắc. Chính quyền Mỹ quyết tâm thắt chặt thêm mối liên hệ đó ».

Trong thông cáo chung, hai bên khẳng định cam kết của Mỹ bảo vệ Nhật bằng các phương tiện quân sự thông thường cũng như hạt nhân là không suy chuyển.

Thông cáo chung ghi rõ, lãnh đạo hai nước nhắc lại việc bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư có ghi trong điều 5 của Hiệp ước an ninh Nhật –Mỹ. Việc Washington khẳng định lại sự ủng hộ đối với Tokyo trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Bắc Kinh, liên quan đến quần đảo nói trên, là một thắng lợi ngoại giao có ý nghĩa của ông Shinzo Abe.

Hai nước cũng khẳng định sẽ cùng nhau bảo vệ quyền tự do lưu thông trên biển « Nam Trung Hoa », tức Biển Đông, cùng nhau đối phó với mối đe dọa của bắc Triều Tiên.

Về phần khách, thủ tướng Nhật tập trung vào quan hệ kinh tế thương mại. Ông Abe cho biết hai nước đã thống nhất để xác định một khuôn khổ cho đối thoại kinh tế và tỏ ra lạc quan về cuộc đối thoại này trong thời gian tới. Những dự án đầu tư đó sẽ được bộ trưởng Tài Chính Taro Aso và ngoại trưởng Fumio Kishida trình bày cụ thể trong chuyến công du này.

Trước khi tới Mỹ, thủ tướng Nhật đã đưa ra những hứa hẹn đầu tư tạo công ăn việc làm cho nước Mỹ. Ông Abe hy vọng không để căng thẳng trong quan hệ kinh tế ảnh hưởng tới mối liên minh chiến lược giữa hai cường quốc.

Cùng với các phu nhân, lãnh đạo hai nước sau đó đã tới Palm Beach, Florida, và cùng nghỉ ngơi ngày cuối tuần trong dinh thự sang trọng riêng của tổng thống Mỹ tại Mar-a-Lago. Ông Abe sẽ có buổi chơi golf với ông Trump ngay tại sân golf của vị tổng thống tỷ phú Hoa Kỳ. - RFI
|
|

2.
Sam Rainsy từ chức lãnh đạo đảng đối lập Campuchia

Ông Sam Rainsy đã từ chức chủ tịch đảng đối lập hàng đầu của Campuchia vào ngày thứ Bảy, không lâu sau khi Thủ tướng Hun Sen đe dọa ban hành những thay đổi pháp lý dường như nhắm mục tiêu vào đối thủ chính của ông trước các cuộc bầu cử.

Ông Hun Sen trong tháng này nói rằng một luật đang được sửa đổi để ngăn chặn bất cứ ai đã bị tuyên phạm tội có thể ra tranh cử trong khoảng thời gian năm năm. Điều này trên thực tế sẽ loại bỏ đối thủ chính của ông khỏi các cuộc bầu cử.

Các tòa án, bị những người chỉ trích nói rằng đang chịu ảnh hưởng của Hun Sen, đã kết tội ông Rainsy về một loạt những cáo buộc phỉ báng, buộc nhà lãnh đạo đối lập này sống lưu vong ở Pháp.

Những thay đổi được ông Hun Sen đề xuất đối với một luật năm 1998 cũng sẽ mở ra khả năng giải thể các đảng chính trị nếu một nhà lãnh đạo bị tuyên phạm một trọng tội.

Ông Rainsy công bố quyết định bất ngờ của mình từ chức lãnh đạo Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) trên các trang mạng xã hội của ông vào ngày thứ Bảy.

Ông cho biết ông từ chức vì "lý do cá nhân" và không trực tiếp liên hệ việc ông từ chức với những sửa đổi luật pháp được đề xuất.

Campuchia sẽ tổ chức bầu cử địa phương vào tháng Sáu và một cuộc tổng tuyển cử vào năm sau.

Những người chống đối cáo buộc ông Hun Sen thao túng để tìm cách kéo dài nền cai trị của mình. Cựu chiến binh Khmer Đỏ này đã đứng đầu nền chính trị Campuchia suốt hơn ba thập niên qua, và đã tìm cách bám chặt hơn vào quyền lực kể từ khi một phe đối lập mới hợp nhất giành thêm ghế trong cuộc bầu cử năm 2013.

Ông Rainsy chưa quay trở lại Campuchia kể năm 2015, và đối mặt với nhiều năm tù nếu hồi hương. - VOA
|
|

3.
NATO: Nga phát tán 'tin giả' sau khi chiếm Crimea

NATO cáo buộc Nga leo thang chiến dịch thông tin sai lạc kể từ khi Điện Kremlin chiếm bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014, nói rằng những website tin tức của Nga như Sputnik và RT đã đăng những câu chuyện sai trái, phát ngôn viên của liên minh này cho biết hôm thứ Bảy.

Ngày càng có nhiều lo ngại trong giới chức cao cấp của NATO và Liên minh Châu Âu về khả năng Nga sử dụng truyền hình và Internet để truyền bá điều mà họ nói là tin tức giả.

Liên minh quốc phòng gồm 28 nền dân chủ này cho biết họ đã ghi nhận hơn hai chục điều sai trái do Nga phát tán trong hai năm gần đây mà họ đã tìm cách bác bỏ bằng những tờ cung cấp thông tin, những cuộc phỏng vấn, những lời phản pháo và video.

"NATO vẫn đang đối phó với sự gia tăng đáng kể những tuyên truyền và thông tin sai lạc của Nga kể từ khi Nga sáp nhập phi pháp Crimea vào năm 2014," phát ngôn viên Oana Lungescu cho biết trong một email.

Bà nói một website được NATO lập ra vào năm 2014 "thu thập được 32 điều sai trái của Nga về NATO được sử dụng một cách có hệ thống bởi Sputnik, RT và một loạt những cơ quan tin tức khác thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của chính phủ Nga."

Bà Lungescu cho biết thông tin sai lạc gần đây nhất xảy ra hồi đầu tháng này khi website tin tức life.ru của Nga đăng đoạn ghi âm giọng nói giả mạo của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg với một người chuyên chơi khăm của Nga giả vờ làm Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko.

"Một cuộc gọi như vậy không hề xảy ra và đây là một ví dụ rõ ràng về thông tin sai lạc," bà nói.

Điện Kremlin, chính phủ Nga, RT, Sputnik và trang tin Life đều không đưa ra bình luận ngay tức thì.

Nhà chức trách Nga trước đây đã phủ nhận tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác. Truyền thông Nga được nhà nước tài trợ phủ nhận họ hành động như là cánh tay tuyên truyền của Điện Kremlin. Họ nói rằng họ trình bày một quan điểm khác mà truyền thông phương Tây phớt lờ.

Bà Lungescu dẫn ra một ví dụ về thông tin sai lạc vào tháng 7 năm ngoái khi Sputnik, RT và những website khác của Nga loan tin về một đám cháy dữ dội tại một căn cứ của NATO ở Izmir, nói rằng đó là một vụ phá hoại có chủ ý sau cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ.

"Chúng tôi đã giao tiếp với Sputnik, RT và những cơ quan khác để cải chính, vì có một đám cháy rừng cách căn cứ này không xa, nhưng không liên quan gì với nó." - VOA
|
|

4.
Putin sẵn sàng gặp Trump tại Slovenia

Tiếp đón đồng nhiệm Slovenia Borut Pahor tại Nga vào hôm qua, 10/02/2017, tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông sẵn sàng có cuộc tiếp xúc đầu tiên với tân tổng thống Mỹ Donald Trump tại Ljubljana thủ đô Slovenia. Tuy nhiên, ông Putin cũng cho rằng khả năng đó tùy thuộc vào quyết định từ phiá Mỹ.

Ý tưởng về một cuộc gặp thượng đỉnh Nga Mỹ tại Ljubljana đã được chính tổng thống Slovenia nêu lên. Ông Borut Pahor hiện đang viếng thăm chính thức nước Nga.

Phát biểu sau cuộc tiếp xúc với đồng nhiệm Slovenia, tổng thống Nga đã cảm ơn vị khách mời về ý tưởng đó, xác định rằng thủ đô Ljubljana và Slovenia nói chung, chắc chắn là một địa điểm tốt để thực hiện cuộc đối thoại Nga-Mỹ, nhưng điều đó không chỉ tùy thuộc vào Matxcơva.

Ông Putin còn nhắc lại rằng trước đây, ông cũng đã từng gặp cựu tổng thống Mỹ Barack Obama tại thủ đô Slovenia.

Riêng về quan hệ với tân tổng thống Mỹ, ông Putin đã hoan nghênh quyết định của ông Trump muốn khôi phục quan hệ tốt với Nga. Ông cho biết là Matxcơva đang chờ Washington chuẩn bị nối lại đối thoại, và hai bên có thể cùng nhau chống khủng bố và đối phó với nhiều thách thức toàn cầu khác.

Theo giới phân tích, Slovenia không xa lạ gì với tân tổng thống Mỹ, vì đó là quê quán của vợ ông, bà Melania Trump. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

5.
Diễn văn hàng tuần của Tổng thống Trump

Trong bài diễn văn hàng tuần lần này, Tổng thống Donald Trump ngỏ lời với người dân ở Louisiana và Mississippi, hai bang vừa phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề do những trận lốc xoáy gây ra. Ông cam kết sự hỗ trợ của chính phủ sẽ đến tận tay những người cần được giúp. Tổng thống Trump còn vinh danh tình đoàn kết của người dân trên khắp nước, đã cùng chung tay giúp đỡ các nạn nhân trong đợt thiên tai mới nhất.

Nhắc lại khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”, Tổng thống Trump nhắc đến cuộc gặp gỡ với CEO của Intel, người vừa loan báo sẽ đầu tư 7 tỉ đô la vào các dự án xây dựng cơ sở sản xuất tại bang Arizona, hứa hẹn mang đến hàng ngàn việc làm cho người dân Mỹ.

Ông Trump nói chính những chính sách cắt giảm thuế, dỡ bỏ những rào cản do các quy định đặt ra, là động lực để công ty Intel và các doanh nghiệp khác tạo thêm nhiều công ăn việc làm tại nước Mỹ.

Tổng thống Hoa Kỳ thông báo chính phủ vẫn đang xúc tiến một chương trình cải cách lớn, hứa hẹn giảm đáng kể gánh nặng thuế cho người lao động và các doanh nghiệp. Ông Trump nói ông muốn biến nước Mỹ thành “nam châm” thu hút việc làm của thế giới, với những công việc tốt, và mức lương cao.

Trong phần cuối của bài diễn văn, Tổng thống Trump nhắc tới cuộc gặp gỡ giữa ông với giới lãnh đạo cảnh sát trên cả nước. Tại cuộc gặp gỡ, ông Trump khẳng định chính quyền của ông luôn ủng hộ các lực lượng chấp pháp, đấu tranh để ngăn chặn, không cho bất kỳ tên khủng bố, phần tử cực đoan nào được đặt chân lên đất Mỹ.

Ông tuyên bố quyết không để cho các phần tử xấu lợi dụng chính sách di trú rộng lượng của Mỹ và biến nó thành một công cụ cho khủng bố, để hãm hại nhân dân Mỹ. - VOA
|
|

6.
Sears, Kmart loại 31 sản phẩm Trump Home khỏi online

Sears và Kmart, hai nhà bán lẻ lớn ở Mỹ, trong tuần này đã loại bỏ 31 mặt hàng gia dụng mang thương hiệu Trump Home khỏi danh mục những sản phẩm bán trên mạng của họ để tập trung vào những mặt hàng sinh lợi nhiều hơn, một phát ngôn viên cho biết như vậy hôm thứ Bảy.

Quyết định này theo sau thông báo của công ty bán lẻ Nordstrom trong tuần này nói rằng họ đã quyết định dừng bán những sản phẩm may mặc mang thương hiệu Ivanka Trump vì doanh số sụt giảm, khiến Tổng thống Donald Trump lên Twitter bênh vực con gái mình. Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sean Spicer mô tả quyết định của Nordstrom là một "cuộc tấn công trực diện" nhắm vào những chính sách của tổng thống.

Cả Sears lẫn Kmart đều không bán những sản phẩm gia dụng Trump Home trong những cửa hàng bán lẻ của mình, một phát ngôn viên của Tập đoàn Sears Holdings cho biết. Kmart là công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Sears Holdings.

"Như một phần trong chủ trương của công ty là tối ưu hóa tập hợp sản phẩm bán trên mạng, chúng tôi thường xuyên cải tiến tập hợp đó để tập trung vào những mặt hàng sinh lời nhiều nhất của mình," phát ngôn viên Brian Hanover cho biết trong một thông cáo.

"Trong nỗ lực tinh giản này, 31 mặt hàng Trump Home nằm trong số những mặt hàng bị loại bỏ khỏi cửa hàng trên mạng trong tuần này," ông nói. Ông cho biết thêm rằng những mặt hàng này có thể được tìm thấy thông qua một nhà cung cấp thuộc bên thứ ba, nhưng không cung cấp thêm thông tin về những sản phẩm này.

Tập hợp đồ gia dụng Trump Home bao gồm những dòng đồ nội thất, đèn, tấm trải giường, gương và đèn chùm, một số đến từ những nhà sản xuất cung cấp những mặt hàng này cho các khách sạn Trump, theo website của Trump Home.

Doanh số của dòng sản phẩm may mặc và giày dép mang tên Ivanka Trump ở Nordstrom đã sụt giảm gần một phần ba trong năm tài chính vừa qua, mạnh nhất là trong những tuần trước khi cha cô đắc cử tổng thống vào ngày 8 tháng 11, báo Wall Street Journal loan tin hôm thứ Bảy. - VOA
|
|

7.
Hàng trăm người bị bắt trong những cuộc đột kích di trú

Nhà chức trách di trú Mỹ đã bắt giữ hàng trăm di dân sống ở Mỹ bất hợp pháp trong các cuộc đột kích khắp cả nước trong tuần này, mặc dù nhà chức trách nói rằng hành động chấp pháp này không liên quan tới một sắc lệnh mới được Tổng thống Donald Trump ký ban hành.

Gillian Christensen, một nữ phát ngôn viên của Bộ An ninh Nội địa, nói với báo The Washington Post rằng những cuộc đột kích nhắm vào những người nhập cư bất hợp pháp phạm tội hình sự, lưu ý rằng đây là một phần trong một hoạt động "thường lệ."

"Chúng ta đang nói tới những người là mối đe dọa cho an toàn công cộng hoặc là mối đe dọa cho tính toàn vẹn của hệ thống di trú," bà nói với tờ báo.

Những hành động chấp pháp này diễn ra ở ít nhất sáu bang, và bao gồm các thành phố như Atlanta, Chicago, New York và Los Angeles, nơi mà hơn 160 người đã bị bắt giữ trong suốt cả tuần nay.

Phát iểu trước báo giới tối thứ Sáu, Giám đốc Văn phòng Chấp pháp và Trục xuất của Cơ quan Chấp pháp Di trú và Hải quan ở thành phố Los Angeles, David Marin, cho biết khoảng 75 phần trăm những người bị bắt ở Los Angeles đã bị tuyên phạm trọng tội và không có liên hệ tới sắc lệnh của ông Trump.

"Hoạt động mà chúng tôi tiến hành tương tự như những hoạt động đã được thực hiện trong quá khứ," ông Marin nói.

Ông Trump vào tháng trước đã ban hành một sắc lệnh hành pháp để trấn áp khoảng 11 triệu người nhập cư sống ở Mỹ bất hợp pháp.

Ông cũng đã thay đổi những chính sách dưới thời Tổng thống Obama, ưu tiên trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp với tiền án hình sự và cho phép nhân viên di trú thẩm quyền rộng lớn hơn để trục xuất những người phạm tội nhẹ hoặc không phạm tội nào cả. - VOA
|
|

8.
Áp lực điều tra, sa thải Cố vấn An ninh Quốc gia

Các thành viên Đảng Dân chủ trong quốc hội kêu gọi tiến hành điều tra xem liệu tân Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Flynn có đàm đạo với Nga về các biện pháp chế tài của Mỹ trước khi chính phủ của ông Trump lên nắm quyền hay không.

Hai tờ báo lớn của Mỹ, tờ The Washington Post và New York Times hôm qua tường thuật rằng ông Flynn đã thảo luận các biện pháp chế tài mà chính phủ TT Obama đã áp đặt lên nước Nga, bất chấp phản bác của chính phủ Tổng thống Trump, nói rằng cấm vận không phải là đề tài của các cuộc tiếp xúc ấy.

Nói chuyện với các nhà báo trên chuyên cơ của Tổng thống hôm thứ Sáu, ông Trump nói ông không biết về tin cho rằng ông Flynn đã thảo luận với phía Nga về các biện pháp cấm vận đối với Moscow. Ông Trump cho hay ông sẽ xem xét vấn đề này, nhưng sau đó nói ông ‘hoàn toàn tin tưởng’ ông Flynn.

Nhiều nghị sĩ Đảng Cộng hòa đòi điều tra ông Flynn, trong khi nhiều người khác hối thúc Tổng thống Trump sa thải ông Flynn và yêu cầu tình báo Mỹ xét lại ông Flynn về mặt an ninh.

9 người ẩn danh được miêu tả là cựu giới chức Mỹ và các giới chức tại chức nói với tờ Washington Post rằng ông Flynn và Đại sứ Nga Sergey Kislyak rõ ràng có thảo luận về các biện pháp chế tài mà chính phủ Tổng Thống Obama đã áp đặt đối với Nga sau vụ tai tiếng về tin tặc.

Các cuộc điện đàm giữa ông Flynn và phía Nga diễn ra cùng lúc chính quyền Tổng Thống Obama đang xúc tiến chế tài nước này, đã khiến các giới chức tình báo Mỹ ngờ vực, và tiến hành điều tra.

Ông Flynn bác bỏ tin này với tờ Washington Post, khẳng định rằng ông không thảo luận các biện pháp chế tài với ông Kislyak, nhưng hôm thứ Năm ông rút lại tuyên bố đó và thông qua một người phát ngôn, nói với tờ Washington Post rằng “trong khi ông không nhớ đã thảo luận về các biện pháp chế tài, nhưng ông không hoàn toàn chắc chắn là đề tài này không được đề cập tới.”

Trong một cuộc phỏng vấn với đài CBS hồi tháng trước, Phó Tổng Thống Mỹ Mike Pence cũng bác bỏ là cuộc đối thoại có diễn ra. Ông Pence nói tin ấy là một trong những “tin đồn đại lạ lùng xoay quanh chiến dịch tranh cử của ông Trump.”

Những phát biểu vừa rồi tương phản với bản tin của tờ Washington Post về cuộc đối thoại, một trong nhiều cuộc tiếp xúc giữa ông Flynn với đại sứ Kislyak đã khởi sự trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 8/11/16, rồi tiếp tục trong suốt tiến trình chuyển tiếp, theo tờ báo.

Thông tin về cuộc đối thoại này xuất phát từ các tin tức do các giới chức tình báo thu thập, khi theo dõi những sự liên lạc của các nhà ngoại giao Nga.

Theo tờ New York Times, các giới chức có trong tay bản văn ghi chép lại các cuộc điện đàm giữa ông Flynn và đại sứ Nga Kislyak, các tài liệu này chưa được giải mật. Các giới chức tiếp cận được các tài liệu này sau đó tiết lộ chi tiết cho hai tờ báo vừa nêu.

Các giới chức nói với tờ Washington Post rằng cuộc đối thoại có thể vi phạm Luật Logan, một đạo luật của Mỹ cấm công dân thương thuyết với các chính quyền nước ngoài nếu không được phép.

Luật Logan đặt ra ngoài vòng pháp luật việc một công dân Mỹ tiếp xúc với bất cứ chính quyền nước ngoài nào “với dụng ý ảnh hưởng tới các biện pháp hoặc cách hành sử” của chính quyền đó “liên quan tới bất cứ vụ tranh chấp hay tranh cãi nào với Hoa Kỳ.”

Các giới chức cho rằng tuy vậy, khó có thể thu thập đầy đủ hồ sơ pháp lý chống lại ông Flynn, bởi vì chưa có bất cứ ai bị truy tố theo luật này. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

9.
Nhà hoạt động Bùi Thị Minh Hằng ra tù

Nhà hoạt động Bùi Thị Minh Hằng vừa mãn án, ra khỏi trại giam Gia Trung của Bộ Công An ở Gia Lai ngày 11/2, con trai bà Hằng cho VOA Việt Ngữ biết.

Anh Bùi Trung Nhân nói thêm rằng việc đầu tiên mẹ anh làm là sẽ dự một thánh lễ ở nhà thờ.

Trong một video lưu truyền trên mạng xã hội cho thấy có rất đông đảo các nhà hoạt động nhân quyền đến Gia Lai để chào đón bà Hằng mãn hạn tù như ông Nguyễn Bắc Truyển, bà Dương Thị Tân, các đại diện các nhóm xã hội dân sự và một số tín đồ Phật giáo Hòa Hảo.

Đoạn video cho thấy khi đứng bên cạnh ông Nguyễn Văn Minh và bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, hai người từng bị xét xử chung trong vụ án, bà Hằng ví von rằng bà “đã tốt nghiệp” loại ưu “trường đào tạo dành cho những người đấu tranh.”

Trong tuần, ông Nguyễn Bắc Truyển, một người tranh đấu cho nhân quyền và tự do tôn giáo ở thành phố Hồ Chí Minh cho VOA biết bà Hằng dù được Bộ Công an Việt Nam khuyên nên đi Mỹ nhưng đã nhất mực từ chối.

Trong phiên tòa sơ thẩm ngày 26 tháng 8 năm 2014, tòa án tỉnh Đồng Tháp đã kết án bà Bùi Thị Minh Hằng như một bị cáo chính, với 3 năm tù giam, ông Nguyễn Văn Minh, 2 năm 6 tháng tù giam, và bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, 2 năm tù giam, về tội danh ‘gây rối trật tự công cộng’ theo điều 245 Bộ Luật Hình sự.

Cả 3 người đều kháng cáo kêu oan, nhưng ngày 12/12/2014 một tòa án phúc thẩm của chính quyền Việt Nam giữ y án sơ thẩm.

Bà Hằng bị bắt vào ngày 11/2/2014 khi trên đường tới thăm nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Bắc Truyển tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Cùng đi với nhà hoạt động này còn có nhiều người khác, trong đó có bà Quỳnh, một nhà hoạt động trẻ và ông Minh, một tín đồ Phật giáo Hòa hảo.

Con trai bà, anh Trần Bùi Trung, từng sang Mỹ vận động chính giới Hoa Kỳ can thiệp với chính quyền Việt Nam phóng thích mẹ mình vào tháng 8/2014.

Bà Minh Hằng nằm trong danh sách dài gồm các nhà hoạt động và bất đồng chính kiến bị bỏ tù tại Việt Nam theo các điều luật như 88 ‘tuyên truyền chống nhà nước’, 79 ‘âm mưu lật đổ chính quyền’, 258 ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước’, hay 245 ‘gây rối trật tự công cộng.’

Cùng với các tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới, đại Sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam từng lên tiếng bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về các bản án Hà Nội dành cho nhà hoạt động Bùi Thị Minh Hằng. Hoa Kỳ nói “việc chính quyền Việt Nam sử dụng luật về trật tự công cộng để bỏ tù những người chỉ trích chính phủ vì bày tỏ quan điểm chính trị một cách ôn hòa là ‘đáng báo động’.”

Hà Nội lâu nay khẳng định không giam cầm ai vì bất đồng chính kiến mà chỉ xử lý những người vi phạm luật pháp Việt Nam. - VOA
|
|

10.
Dân biểu Mỹ Lowenthal 'nguyện tranh đấu' vì nhân quyền VN

Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ, ông Alan Lowenthal vừa trở thành đồng Chủ tịch Ủy ban Quốc hội Mỹ về Việt Nam, theo một thông cáo từ chính thức từ Văn phòng của ông, hôm thứ Sáu.

Hôm 10/2/2017, từ Washington DC, văn phòng của vị dân biểu cho hay ông vừa trở thành đồng chủ tịch Ủy ban nói trên của Quốc họi Mỹ (Congressional Caucus on Vietnam) cùng hai vị đồng chủ tịch khác là Dân biểu Chris Smith và nữ Dân biểu Zoe Lofgren.

"Từ lâu nay tôi đã tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam và đã nhiều lần đòi hỏi chính quyền Việt Nam tôn trọng các quyền tự do tôn giáo, tự do báo chí, tự do ngôn luận và tự do lập hội," Dân Biểu Lowenthal được thông cáo dẫn lời nói.

"Tôi sẽ không ngừng tranh đấu cho những người bị chà đạp nhân phẩm, bị từ chối quyền tự do và không được bảo vệ theo luật pháp quy định. Với vai trò đồng chủ tịch của Vietnam Caucus, tôi sẽ không chùn bước và tiếp tục lên tiếng trước những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam cho đến khi chính quyền Việt Nam tôn trọng những tiếng nói và quyền căn bản của tất cả người dân."

Thông cáo cũng dẫn lời của nữ Dân biểu Zoe Lofgren phát biểu:

"Dân Biểu Lowenthal là người tranh đấu vì nhân quyền Việt Nam trong nhiều năm qua. Tôi mong được làm việc với ông trong vai trò mới là đồng chủ tịch của Congressional Caucus on Vietnam để cùng nhau cải thiện tình trạng nhân quyền tại Việt Nam và tranh đấu để tất cả người dân Việt Nam có thể thực thi các quyền tự do căn bản của họ mà không phải chịu sự đàn áp của chính quyền."

Dân Biểu Hoa Kỳ Alan Lowenthal đại diện cho khu vực Little Saigon, thuộc địa hạt 47 tại miền Nam California, nơi có cộng đồng người Mỹ gốc Việt đông nhất Hoa Kỳ. Địa hạt này bao gồm các thành phố và khu vực như Westminster, Midway City, Garden Grove, Stanton, Cypress, Buena Park, Anaheim, Lakewood, Signal Hill, Avalon, Los Alamitos, Rossmoor, và Long Beach, vẫn theo thông báo.

Ông là là thành viên của Congressional Caucus on Vietnam từ năm 2013 khi đắc cử vào Quốc Hội Hoa Kỳ.

'Tiếp tục lên tiếng'

Trước đó, trong một cuộc tiếp xúc với cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ, chỉ vài ngày trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump chính thức tuyên thệ, nhậm chức, Dân biểu Lowenthal có phát biểu khẳng định lập trường của ông trong bối cảnh chính trị mới ở nước Mỹ.

Một bản tin của Đài truyền hình SBTN hôm 17/01 từ Mỹ tường trình quan điểm của vị Dân biểu liên bang khi ông tới thăm cơ quan truyền thông này của người Việt ở hải ngoại:

"Dân biểu Lowenthal khẳng định với ban giám đốc SBTN là ông vẫn tiếp tục đấu tranh cho vấn đề nhân quyền tại Việt Nam.

"Ông nói rằng nếu Mỹ không lên tiếng về nhân quyền ở VIệt Nam, thì không nước nào lên tiếng cả.

"Dân biểu Lowenthal cho biết trong suốt thời gian vận động tranh cử, tổng thống đắc cử Donald Trump không hề nhắc đến vấn đề nhân quyền, nhưng ông và những đồng viện của ông vẫn tiếp tục lên tiếng cho quyền con người tại Hạ Viện Hoa Kỳ," bản tin của Đài SBTN tường trình.

Hồi tháng 5/2015, Dân biểu Lowenthal đã tham gia một phái đoàn Quốc hội Mỹ đến Việt Nam.

Trong chuyến đi này, ông đã thăm viếng các nhân vật bất đồng chính kiến như Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, nhà lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trước 1975 (không được chính quyền thừa nhận) và Thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung, cựu tù nhân chính trị.

Ông cũng đã đến viếng Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa trong cùng chuyến thăm này. - BBC
|
|

11.
Chiến lược đối ngoại cân bằng của Việt Nam

Trùng hợp với tháng đầu năm âm lịch của Việt Nam, tạp chí The Diplomat Magazine số tháng 2 năm 2017 đã có bài phân tích về chính sách đối ngoại đa phương mà Việt Nam đang theo đuổi, tìm kiếm thế cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản.

Mở đầu bài báo, Nicholas Chapman, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam tại Đại Hội Quốc Tế Nhật Bản, ghi nhận một loạt động thái ngoại giao của giới lãnh đạo Việt Nam trong tháng đầu năm 2017, nối tiếp theo những gì đã thực hiện năm 2016.

Sự kiện nổi bật đầu tiên là chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 12 đến 15 tháng Giêng của tổng bí thư đảng Cộng Sản Nguyễn Phú Trọng. Trong chuyến đi này, Chapman chú ý đến chi tiết được nhắc lại trong bản thông cáo chung Việt -Trung, theo đó hai bên đồng ý « kiểm soát tốt bất đồng và giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông », cũng như ghi nhận tầm quan trọng của việc giải quyết sự mất cân bằng trong thương mại.

Vào lúc ông Nguyễn Phú Trọng còn ở Trung Quốc, thì chính quyền Hà Nội đã đón tiếp ngoại trưởng Mỹ mãn nhiệm John Kerry, đến tạm biệt Việt Nam trong một chuyến thăm mang tính biểu tượng cao. Nhân dịp này, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, đã xác định lời mời tổng thống đắc cử Donald Trump đến thăm Hà Nội và tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC sắp tới.

Theo nhận xét của Chapman, dù sự thành công của chính sách « xoay trục » qua châu Á của chính quyền Obama còn là vấn đề gây tranh cãi, nhưng điều chắc chắn là Việt Nam đã là một trong những điểm nhấn quan trọng của chính sách đó, với quan hệ song phương Việt-Mỹ ngày càng được củng cố kể từ khi hai nước đã ký kết một thỏa thuận đối tác trong năm 2013.

Sự kiện nổi bật thứ ba là chuyến thăm Việt Nam ngày 16 tháng Giêng của thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, đánh dấu bằng lời hứa của Tokyo cấp cho Việt Nam sáu tàu tuần tra mới và tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ chủ trương tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam.

Chiến lược sắp xếp các chuyến thăm ngoại giao

Đối với chuyên gia Chapman, các chuyến thăm trên đây hoàn toàn không ngẫu nhiên, và đó không phải là lần đầu tiên Việt Nam có chiến lược sắp xếp các chuyến thăm ngoại giao.

Tác giả đã nêu ví dụ của loạt sự kiện diễn ra cuối năm ngoái : Tháng Mười năm 2016, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc thăm Trung Quốc. Nhưng trước đó Hà Nội đã đón thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Hai nước nâng cấp quan hệ lên hàng đối tác chiến lược toàn diện và New Delhi đã quyết định cấp 500 triệu đô la cho Hà Nội để mua thiết bị quốc phòng.

Và ngay sau khi ông Phúc đi Bắc Kinh, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã đến thăm Việt Nam, và hai bên tái khẳng định những nỗ lực thúc đẩy hòa bình và an ninh ở Biển Đông. Dĩ nhiên, đó là trước khi ông Duterte có phát biểu nổi tiếng tại Bắc Kinh về ý định chia với Hoa Kỳ, điều đã khiến Hà Nội hết sức quan ngại.

Vào đầu năm 2016 cũng vậy. Ngay sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử Mỹ-ASEAN Sunnylands vào tháng Hai, Việt Nam đã gửi một phái đoàn đến Trung Quốc, và đã được chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhắc nhở rằng Trung Quốc và Việt Nam cùng chia sẻ một « số phận chung » và việc quản lý các tranh chấp, cũng như tăng cường hợp tác, là tối quan trọng đối với quan hệ song phương.

Cũng như thế, sau chuyến thăm lịch sử của tổng thống Obama tới Hà Nội vào tháng Năm 2016, ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh đã gặp với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị bên lề hội nghị đặc biệt các ngoại trưởng Trung Quốc-ASEAN.

Theo nhận định của Nicholas Chapman, với chiến lược cân bằng ngoại giao này, Việt Nam như muốn nói : « Vâng, chúng tôi sẵn sàng tăng cường hợp tác với quý vị, nhưng chúng tôi cũng có đối tác chiến lược khác mà chúng tôi cũng đang tăng cường hợp tác ».

Vừa thúc đẩy ngoại giao, vừa tăng cường phòng vệ chống Trung Quốc

Bài báo trên The Diplomat còn ghi nhận là song song với các nỗ lực ngoại giao, Việt Nam cũng có những biện pháp cụ thể để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại một Trung Quốc ngày càng quyết đoán. và hàng rào chống lại một Trung Quốc quyết đoán.

Ấn Độ đã thông báo rằng họ đang cân nhắc việc bán tên lửa phòng không cho Việt Nam, một động thái chắc chắn làm cho Trung Quốc tức giận. Ấn Độ đã trở thành đối tác quan trọng của Việt Nam trong hợp tác quốc phòng và đào tạo nhân sự. Hai bên còn được cho là đang tiến gần đến thỏa thuận bán tên lửa hành trình BrahMos cho Việt Nam.

Việt Nam cũng được cho là đã đặt hệ thống pháo phản lực tối tân có độ chính xác cao EXTRA của Israel tại năm cơ sở ở quần đảo Trường Sa, đặt các phi đạo và cơ sở quân sự của Trung Quốc ở Trường Sa trong tầm bắn. Hơn nữa, hình ảnh vệ tinh mới đây cho thấy Việt Nam đã hoàn thành một phi đạo và xây dựng hai nhà chứa phi cơ tại Trường Sa Lớn.

Đối với chuyên gia Chapman, rõ ràng là Việt Nam đang lẳng lặng hiện đại hóa một cách tinh xảo lực lượng vũ trang của mình.

Tranh chấp Biển Đông, chính quyền Trump tại Mỹ, và sự xích lại gần Trung Quốc của Philippines hàm chứa nhiều điểm khó lường cho Việt Nam. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là Việt Nam sẽ tiếp tục trên con đường đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ ngoại giao, trong khi tiếp tục hiện đại hóa lực lượng vũ trang của mình dự phòng mọi rủi ro. - RFI



No comments:

Post a Comment